"Làm trai sinh ở trên đời, nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ sao chịu bo bo làm đầy-tớ người!" ** Lê Lợi **

 

 

Buồn Vui Ngày Khai Trường

Buổi tối Tabi, Betsy và Holden còn nao nức xem lại áo quần để sáng mai mặc đi học ngày khai trường. Không nao nức sao được vì đây là ngôi trường mới, thày cô mới bạn bè cũng mới. Tất cả mọi sự thích thú tò mò đang chờ đợi chúng.

Nhưng ba đứa vẫn không khỏi bùi ngùi khi nhớ đến ngôi trường cũ, bạn bè cũ.

Tabi buồn buồn nói với mẹ:

- Con nhớ bạn thân Alyssa, những năm học tới sẽ không còn bạn Alyssa nữa.

Chị Bông an ủi cô con gái lớn 14 tuổi:

- Rồi con sẽ quen mà, cũng như khi con ở trường cũ bạn thân của con là Becky chuyển đi khỏi trường con buồn biết bao nhưng cũng đã quên nó và có Alyssa đó.

Chị Bông nhớ lại Tabi đã kể mẹ của Becky là nhà thiết kế quần áo, họ chuyển đến New York lập nghiệp chắc với ước mơ sẽ nổi tiếng và làm giàu. Becky và Tabi thân nhau đến mức Becky rủ Tabi: “Mày nói cha mẹ gởi mày đi New York để học cùng trường với tao đi”.

Tabi nói thêm:

- Ngoài Alyssa, còn thằng Jack nữa, nó đã từng mời con đi câu cá với gia đình nó nhưng con chưa kịp mời Jack đến nhà mình để mẹ đãi món chả giò thì chúng ta dọn nhà đi mất rồi.

Cô Betsy cũng kể nỗi buồn của mình:

- Con cũng nhớ bạn thân Brenna luôn.

Chị Bông lại an ủi cô con gái thứ nhì 12 tuổi:

- Tuy con rời trường cũ nhưng chúng ta vẫn ở gần thành phố cũ. Tuần trước con đã gặp Brenna ở chợ Costco rồi đó. Hai đứa thấy nhau từ xa đã chạy lại ôm chầm lấy nhau và nói chuyện thật lâu làm mẹ đứng đợi mỏi cả chân.

Quay sang Holden chị Bông âu yếm:

- Con cũng thế, chúng ta thường đi qua văn phòng khám răng của bố thằng Joshua và con đã vài lần gặp Joshua ở chợ WalMart rồi nhé.

Holden vẫn chưa vui:

- Nhưng con không gặp nó ở trường hàng ngày nữa mẹ ơi.

Khi chưa dọn nhà đi Joshua thường đến nhà chơi với Holden, buổi chiều cứ nghe tiếng chuông cửa reo là biết ngay thằng Joshua đến. Có bố là nha sĩ nên Joshua thường nói với Holden:

- Mày đau răng đến phòng khám của bố tao nha, tao sẽ nói bố làm miễn phí.

Holden rất sợ và ghét nha sĩ, mỗi lần đi kiểm tra răng định ký phải há miệng ra cho ông nha sĩ thọc đồ nghề vào là Holden vô cùng lo lắng. Lời hứa hẹn hào phóng của bạn chẳng làm nó vui tí nào.

Hai bà chị Tabi và Betsy nghe được câu ấy mừng rỡ hí hửng nói với nhau:

- Chắc hai chị em mình đến khám răng bố Joshua cũng không tính tiền luôn, mình sẽ nói Joshua là bạn thân của em mình.

Trẻ con thật ngây thơ và dễ thương.

Mùa hè vừa rồi gia đình chị Bông đã dọn về căn nhà mới thuộc thành phố Kaysville, xa rời thành phố cũ Centervill. Thằng Joshua không thể đến nhà chơi với Holden được nữa.

Tuy hai thành phố ở sát cạnh nhau nhưng các con chị Bông đều phải chuyển trường theo khu vực mình sinh sống.

Chị hiểu nỗi hụt hẫng, nỗi buồn của các con khi phải xa rời cảnh cũ và thích nghi với cảnh mới, từ hàng xóm đến trường học, bạn bè.

Chị Bông lại nhớ đến một mùa khai trường buồn bâng khuâng của chính mình ngày xưa.

Cô nữ sinh lớp 11 tên Bông 16 tuổi còn ngây thơ lắm. Một ngày mùa hè năm ấy bạn bè cùng lớp đã ăn bánh kẹo liên hoan văn nghệ rối rít chuyện trò và trao gởi nhau những quyển lưu bút trước khi chia tay 3 tháng hè.

Tàn cuộc, mọi người lần lượt ra về gần hết. Khi Bông ra chỗ để xe lấy xe đạp về nhà.

An từ đâu đã đến bên Bông, Bông hỏi bâng quơ:

- An cũng về trễ như Bông nhỉ?

Chàng nam sinh vốn nổi tiếng hiền lành nhút nhát nhất lớp đã bối rối rụt rè:

- Bông… Bông...

- Thì Bông đây, có chuyện gì vậy An?

- Bông… Bông…

Bông sốt ruột và ngạc nhiên:

- Sao An cứ gọi tên Bông hoài vậy? Tên Bông xấu lắm hả?

Rồi Bông đùa:

- Mấy đứa bạn thân gọi Bông là Bông gòn, là Bông tai và… lông Bông đó, vậy An muốn gọi Bông gì đây?

An càng thêm lúng túng:

- Tên Bông là…. bông hoa đẹp mà…

- Thì ra An gặp Bông để khen tên Bông đẹp hả. Cám ơn An nhé. Thôi Bông về đây.

Không để cho An nói thêm tiếng nào Bông lên xe đạp đi luôn một mạch để lại An đứng chơ vơ ở chỗ để xe vắng người.

Bông sẽ chẳng nhớ đến chuyện này nếu sau 3 tháng hè, ngày khai trường năm học mới đó đã vắng bóng An.

Mấy ngày đầu Bông không để ý, sau nghe các bạn bàn tán An không đi học, Bông nghĩ chắc là An bận rộn gì và sẽ đến trường sau.

Nhưng một hôm Tuấn bạn thân của An đã gặp và nói riêng với Bông:

- An đã nghỉ học rồi, mùa hè vừa qua là mùa hè cuối cùng của An với chúng ta. Nhà An nghèo không có thể cho An ăn học nữa, gia đình nó đã chuyển về quê nội nó ở miền tây.

Bông ngạc nhiên:

- Nhưng sao An không thông báo cho cả lớp biết để bạn bè chia tay?

- Chắc An mặc cảm và tủi thân, chỉ một mình Tuấn được biết thôi, An không cho Tuấn tiết lộ với bạn bè, kể cả Bông. Nhưng…

Bông tò mò giục:

- Nhưng sao chứ?

- Bông không biết hả? An nó… cảm tình với Bông nhiều lắm đó. Hôm nó gặp Bông ở chỗ để xe là tính đưa Bông cuốn lưu bút cho Bông ghi vài dòng làm kỷ niệm và rủ Bông đi ăn chè trước khi nó đi xa không biết bao giờ gặp lại, mà chưa kịp nói gì…

Trời, sao Bông đã vô tư và vô tình đến thế.

Gia đình An về quê. Từ đó An không liên lạc với bất cứ bạn bè nào.

Bông chỉ thầm ước ao một ngày nào gặp lại An thì Bông sẽ là người mời An đi ăn chè và nói lời xin lỗi.

Tình cảm tuổi học trò đẹp mà mong manh như gió thoảng mây trôi. Bao nhiêu năm qua chắc An đã không còn giận hờn Bông, đã quên Bông, nhưng với Bông thì chưa, kỷ niệm xưa đôi khi nhớ lại vẫn làm Bông bâng khuâng ray rứt vì đã làm buồn An, làm tổn thương An, một người bạn hiền lành nhút nhát vì mặc cảm con nhà nghèo.

******************

Sáng cả nhà cùng thức dậy sớm, anh chị Bông đưa 3 con ra ngoài. Tabi sẽ đi bộ đến bến xe bus của trường ở ngay đầu đường. Nhà cách trường hơn 2 mile thì sẽ được xe bus đưa đón.

Chị Bông dắt Betsy và Holden đi bộ đến trường cách nhà vài block đường. Trường tiểu học của Holden và trường cấp hai của Betsy nằm cách nhau không xa nên coi như hai trường nằm cùng một địa điểm.

Đợi hai con vào hẳn trong trường chị Bông mới yên tâm về nhà đi làm.

Lòng chị cũng nao nức vui vui với ngày khai trường của các con. Chị cảm thấy như mình trẻ lại thuở hồn nhiên tuổi học trò.

Buổi khai trường cho năm học mới đã xong.

Chiều các con về nhà đông đủ chị Bông vừa làm cơm vừa nghe chúng kể chuyện. Tabi khoe hai đứa bạn ngồi bên cạnh dều làm quen với Tabi trước, Betsy khoe cô giáo Macy xinh đẹp dịu hiền.

Thấy thằng Holden không nói gì chị Bông liền hỏi:

- Còn Holden, con đã làm quen được với ai chưa?

Thằng bé xụ mặt:

- Nhưng… con không thích nó.

- Ai vậy con?

- Con nhỏ Jane, ngay khi được cô giáo chỉ định ngồi cạnh con nó đã nhận ra con.

Chị Bông ngạc nhiên:

- Jane là ai? Nó quen với con từ lúc nào?

- Là con nhỏ hàng xóm nhà bên cạnh nhà mình bây giờ con mới biết, nó nói đã thấy con hôm nhà mình mới dọn đến, lúc đó con đang đứng ngoài sân túm váy mẹ gào khóc đòi mẹ mua breadstick vì đói bụng. Nó làm con xấu hổ quá.

- Thế mà chúng ta không thấy Jane nhỉ. Nó còn nói gì nữa?

- Sau đó Jane khoe bố nó là cảnh sát tại địa phương này.

Chị Bông an ủi:

- Chắc Jane có ý tốt, bố nó sẽ bắt những kẻ xấu kẻ gian giúp cho khu phố chúng ta bình an.

- Không phải thế…Jane nói bố cảnh sát của nó sẽ… bắt những đứa hay khóc nhè như con bữa đó để cho hàng xóm đỡ ồn ào.

Chị Bông hình dung ra con bé hàng xóm tên Jane lém lỉnh biết cách nói chuyện cho vui và trêu chọc thằng bạn mới quen.

Holden thì hậm hực lẩm bẩm:

- Cái con Jane mặt tàn nhang đáng ghét quá. Thà con vẫn làm bạn với thằng Joshua bố nha sĩ và bị bố nó nhổ răng còn sung sướng hơn.

Mặc cho Holden khó chịu, mặc cho Tabi và Betsy đang chới với giữa những bạn bè và thày cô cũ mới của ngày đầu tiên khai trường. Tất cả rồi sẽ qua đi, như dòng sông gợn sóng sẽ bình yên và xuôi chảy.

Một năm học mới tại ngôi trường mới đang đến với những bận rộn phía trước.

Biết đâu mùa nghỉ hè năm tới ba đứa con của chị sẽ bịn rịn khi chia tay chúng bạn và lòng rộn ràng chờ mong mùa khai trường tới để gặp lại bạn bè, những đứa bạn mà ngày hôm nay chúng vẫn còn xa lạ ngỡ ngàng, thậm chí bị ghét đắng ghét cay như con bé Jane mà thằng Holden vừa kể.

Nguyễn Thị Thanh Dương