"Quân lính cốt hòa-thuận, không cốt đông; cốt tinh-nhuệ, không cốt nhiều. Người khéo thắng là thắng ở chỗ rất mềm-dẻo, chứ không lấy mạnh đè yếu, nhiều hiếp ít." ** Quang-Trung **

 

hvhien nntt04Dù Vạn Lời Xin Lỗi

Ngọc cùng mẹ và một đứa em trai vượt biên đến Thái Lan, khi ấy Ngọc mới 17 tuổi. Quen biết và yêu Đan, chàng hơn nàng 3 tuổi. Mối tình quá trẻ và trong trắng. Là tình đầu của cả Đan và Ngọc.

Chuyện tình này mẹ Ngọc biết và ủng hộ hai đứa, bà luôn xem Đan như con rể tương lai. Đáp lại Đan rất yêu thương Ngọc và luôn chân tình hứa hẹn trước mặt mẹ và em của Ngọc là dù chúng con có được đi định cư hay phải trở về Việt Nam, chúng con vẫn sẽ lấy nhau.

Mọi thực phẩm lãnh tù cao ủy Đan đều mang đến nhà Ngọc để ăn cơm chung, Đan như một thành viên của gia đình Ngọc. Cuộc sống ở trại tị nạn thiếu thốn mà vui. Những ngày tháng dài chờ đợi thanh lọc cũng là những ngày tháng dài cho tình yêu của họ thêm gắn bó.

Hai đứa đã có những đêm cùng nhau thơ thẩn bên bãi đá nói với nhau những ước mộng tương lai.

Khuya Đan tiễn Ngọc trên đoạn đường qua hàng cây Phượng Vỹ về khu trại trước khi về nhà mình. Dù là mùa hoa Phượng hay không họ cùng rạo rực như bao nhiêu đóa hoa đang nở trong lòng.

Ngày 14 tháng 3 năm 1989 các trại tị nạn “đóng cửa” những người vượt biển đến các trại tị nạn từ thời gian này phải qua một cuộc cứu xét thanh lọc đủ những tiêu chuẩn mới được đi định cư nước thứ ba. Những người không may vượt biển cuối mùa này đã phải sống lây lất trong các trại tị nạn, trung bình 3-4 năm hay 6-7 năm.

Đan đã qua cuộc phỏng vấn và đâu thanh lọc nhờ lý lịch cha Đan từng bị chính quyền cộng sản Việt Nam bắt tù đày và hiện vẫn ở trong tù.

Được tin Đan đậu thanh lọc Đan và Ngọc cùng ôm nhau mừng vui, xong Ngọc lại buồn buồn:

- Chỉ có mình anh đi, còn em ở lại…

Đan cũng buồn buồn:

- Anh chỉ vui một nửa, một nửa buồn vì sẽ phải xa em.

Đan ôm chặt người yêu trong tay, anh quả quyết:

- Anh sẽ bảo lãnh em qua. Đợi anh, Ngọc nhé.

Chuyến xe bus ngày mồng 6 tháng 12 đã chia ly hai người yêu nhau. Người ngồi trên xe, người đứng dưới xe, qua cửa sổ nghẹn ngào tay nắm tay nhau không muốn buông ra cho tới khi xe chuyển bánh Ngọc chới với chạy theo xe vài bước thì chuyến xe đã rời xa và nhạt nhòa chìm trong màn nước mắt.

Chuyến xe đã đi mất hút

Chuyến xe đưa những người đậu thanh lọc lên thủ đô Bangkok ra phi trường.

Đan sẽ đến định cư ở Canada. Nửa đêm tạm dừng chân ở phi trường Frankfurt nước Đức, Đan cảm thấy cô đơn giữa nơi chốn lạ, những con người lạ, chàng nhớ người yêu đến quặn lòng. Mua một tấm postcard Đan đã viết lên những lời thương lời nhớ.

Đến Canada là một ngày rất lạnh, tuyết rơi trắng xóa không gian càng làm Đan thêm mủi lòng nhớ nắng ấm Thái Lan quen thuộc với bao kỷ niệm bên Ngọc nay bỗng thành xa xôi.

Đan gởi cho Ngọc tấm hình anh đứng giữa trời tuyết mênh mộng và ghi “Ước gì có em bên anh mùa đông sẽ không lạnh và bơ vơ thế này”.

Đan gởi tấm hình căn chung cư nơi anh ở cao mấy tầng đồ sộ và tha thiết thở than “ Nơi đây đông người nhưng anh vẫn hoang vắng vì không em”.

Ngọc đã rơi nước mắt mỗi khi nhận những postcard, hình ảnh và những lời thương nhớ của Đan. Nàng âu yếm cất giữ chúng như cất giữ đi hình bóng Đan trong trái tim mình.

Những thư từ qua lại giữa Đan và Ngọc vẫn là nhịp cầu nối biết bao yêu thương.

Sau đó cả ba mẹ con Ngọc đều rớt thanh lọc và phải trở về Việt Nam.

Panatnikom hôm tiễn chân Đan đi đã buồn. Hôm Ngọc hồi hương càng thêm hiu hắt, nàng thương tiếc nơi đây đã ghi dấu bao kỷ niệm với Đan. Ngọc đã khóc suốt trên chuyến bay dài.

*
***

Ngọc về Việt Nam liền liên lạc và tìm đến thăm gia đình Đan. Chỉ có mẹ và các em Đan. Ba vẫn còn trong tù. Nàng đến thăm họ thường xuyên và tự trong lòng coi như đã là con dâu nhà này cũng như Đan khi ở trại Thái Lan tự trong lòng coi như là rể nhà nàng.

Mẹ Đan tỏ ra quý mến cô bạn gái hiền lành dễ thương của con trai mình.

Vài tháng sau ba Đan được thả về nhà vì bạo bệnh. Tội nghiệp mẹ Đan chưa kịp lo chạy chữa cho chồng thì ông đã qua đời.

Ngọc đến xin chịu tang nhưng mẹ Đan nói nhỏ nhẹ với nàng:

- Con à, tuy con và Đan hứa hẹn yêu nhau sẽ lấy nhau và bác thương con lắm nhưng chưa kết hôn con đừng làm thế tội cho con.

Ngọc hiểu điều này nhưng vì quá yêu Đan nên nàng muốn thuộc về Đan, gần gũi thân thiết với gia đình Đan.

Không hiểu sao một thời gian sau thư từ của Đan thưa dần, những là thư hiếm hoi cũng không viết những lời nhớ thương dồn dập như trước nữa. Ngọc hỏi nhiều lần thì Đan mới nói bận học hành để tìm tương lai và khi ấy mới có thể bảo lãnh Ngọc sang Canada được. Đan hứa 5 năm nữa sẽ bảo lãnh Ngọc.

Thái độ của Đan thay đổi mà thái độ của mẹ Đan cũng thay đổi hẳn, bà không còn tỏ ra trìu mến thân thiết với Ngọc nữa. Có lần bà khuyên Ngọc:

- Con trẻ đẹp thế này chờ chi thằng Đan? Biết bao giờ nó mới có sự nghiệp mà bảo lãnh con qua.

- Anh Đan bảo con chờ 5 năm bác ạ. Con sẽ chờ, 5 năm có là bao.

Mẹ Đan khẽ thở dài. Hình như bà đã biết một điều gì.

Và sau đó Đan bặt tin luôn. Ngọc đến nhà hỏi mẹ Đan về tin tức của Đan thì bà chỉ trả lời chung chung rằng Đan cũng ít liên lạc về gia đình.

Trong ánh mắt mẹ Đan và các em Đan, Ngọc đã đọc thấy sự thương hại dành cho nàng.

Nàng không đến nhà Đan nữa, vì không ai nói với nàng điều gì về Đan cũng như không ai nồng ấm với Ngọc. Thế là với họ Ngọc vẫn là người dưng nước lã.

Có mấy đám để ý Ngọc, mẹ Ngọc muốn nàng hãy quên Đan đi và lấy chồng. Nhưng Ngọc vẫn kiên nhẫn đợi chờ. Nếu phải đợi chờ Đan 5 năm hay 10 năm mà được tái ngộ và sống bên nhau thì Ngọc cũng sẽ chờ đợi.

Bốn năm chờ thanh lọc trong trại tị nạn, 5 năm đợi chờ Đan trong mỏi mòn tuyệt vọng. Thà Đan nói thẳng với nàng một câu phũ phàng chia tay, chém nàng một nhát thương đau tàn nhẫn nàng sẽ đau khổ nhưng vết thương sẽ lành, sẽ không làm Ngọc hoang phí suốt nhiều năm dài của tuổi thanh xuân hoa mộng.

Ngọc và Đan đã hai lối rẽ.

*
***

Thế mà đã 27 năm trôi qua, không một tin tức gì của nhau.

Bỗng hôm nay gặp lại nhau trên facebook cả hai cùng bồi hồi và bỡ ngỡ. Đọc những lời hỏi thăm của người xưa Ngọc đã khóc nghẹn ngào như vừa mới chia tay anh ở Panatnikom năm nào.

Đan đã nói vạn lời xin lỗi.

Nhưng Đan ơi không một lời xin lỗi nào, không thuốc tiên nào có thể chữa lành trái tim em đã bị tổn thương và còn đau đến tận bây giờ.

Nguyễn Thị Thanh Dương