"Quân lính cốt hòa-thuận, không cốt đông; cốt tinh-nhuệ, không cốt nhiều. Người khéo thắng là thắng ở chỗ rất mềm-dẻo, chứ không lấy mạnh đè yếu, nhiều hiếp ít." ** Quang-Trung **

 

Viết Và Tác Dụng Trên Sức Khoẻ

 

 

Trong lịch sử chúng ta, nhất là gần đây, dân tộc chúng ta từng tự coi mình như một dân tộc chịu nhiều đau khổ: Tuy nhiên, mặc dù âm nhạc, thi ca cũng lắm khi uỷ mị, than vãn, rên rỉ, trên bình diện tập thể, chúng ta ít khi đào xới lâu vào những bất hạnh của chúng ta.

 

"Một ngàn năm đô hộ giặc Tàu,

một trăm năm đô hộ giặc tây,

ba mươi năm nội chiến từng ngày..."

(Trịnh Công Sơn)

 

“Lũ chúng tôi sinh ra nhầm thế kỷ

Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh.

Biển vô tận xá gì phương hướng nữa

Thuyền ơi thuyền theo gió cứ lênh đênh.”

(Vũ Hoàng Chương)

 

Một phần có lẽ vì chúng ta tin vào số mệnh: "Ngẫm hay muôn sự tại Trời", cho nên thôi không cần bàn nữa. Cũng có thể, do ảnh hưởng của văn hoá Pháp, Anh, chúng ta cũng "blasé", coi chuyện "cá ăn kiến, kiến ăn cá" là thường, không có gì đáng bàn cả. Chúng ta như có vẻ, cùng với con chó sói của Vigny, theo trường phái khắc kỷ (stoicism).

Trong bài thơ "Cái chết con chó sói" nổi tiếng của Alfred de Vigny, mà nhiều người Việt trước đây từng học trong trường Pháp, bốn câu cuối cùng hùng hồn nhất:

 

Gémir, pleurer, prier est également lâche.

Fais énergiquement ta longue et lourde tâche

Dans la voie où le Sort a voulu t’appeler,

Puis, après, comme moi, souffre et meurs sans parler.

 

("Rên rỉ, khóc la, cầu khẩn, đều hèn nhát ngang nhau.

Hãy hăng hái làm công việc dài và nặng nề của ngươi

Trong con đường mà Số phận đã muốn gọi ngươi,

Rồi, sau đó, giống như ta, khổ đau và chết mà không nói.")

 

Trong bài thơ 'If", có lúc đã được chọn là hay nhất của thi ca Anh, Rudyard Kipling khuyên con trai mình đừng "thở ra một tiếng"(never breathe a word) dù có mất tất cả và phải làm lại từ đầu:

 

If you can make one heap of all your winnings

And risk it on one turn of pitch-and-toss,

And lose, and start again at your beginnings

And never breathe a word about your loss;..

 

(“Nếu con dám đem hết đống tiền con thắng được

Ðổ vào một trận úp ngửa ăn thua,

Và mất hết, và lại bắt đầu từ số không,

Và không một tiếng thở than về sự mất mát của mình”..).

 

Người Do Thái thì khác hẳn, luôn luôn nhắc đến mối hận và mối thù của dân tộc mình, luôn luôn nhắc đến thân phận lưu đày bị ngược đãi hàng ngàn năm và nạn nhân diệt chủng (holocaust) trong mọi loại hình thức sáng tác của họ, từ kinh thánh, thi ca, văn chương cho đến phim ảnh Hollywood: "Bên những dòng sông xứ Babylon, chúng ta ngồi than khóc , lòng thương nhớ đất Zion..." (By the rivers of Babylon, there we sat and we wept, when we remembered Zion).

 

Người Mỹ, và nói chung thế hệ mới bây giờ có khuynh hướng bày tỏ, viết ra những xúc động, trăn trở   của mình nhiều hơn, nhất là trên những trang mạng xã hội, các blogs từ ngày có cuộc bùng nổ internet. Một nhà phê bình văn học nổi tiếng người Việt hải ngoại than rằng chúng ta mau quên quá, chúng ta để vết thương chúng ta mau lành quá. Chúng ta không đào xới vào vết thương tập thể của chúng ta nên sau mấy chục năm chúng ta chưa sản xuất được tác phẩm văn học ngang tầm với nổi đau khổ lớn lao mà dân tộc chúng ta vừa mới trải qua.

 

"Khóc mà chi, tiếc thương qua rồi"?

Vậy, yên lặng có phải là vàng không?

Gần đây một công bố y học từ New Zealand cho thấy đào sâu vào những vết thương lòng đã qua có những tác dụng bất ngờ ngay trên thể chất của chúng ta.

Tiến sĩ Elizabeth Broadbent và các cọng sự nghiên cứu trên 49 người lớn tuổi (64-97 tuổi), chia họ làm 2 nhóm: nhóm thứ nhất được giao viết 20 phút, trong 3 ngày về những biến cố xáo trộn đời mình cũng như cách phản ứng và đối phó với những biến cố đó. Nhóm thứ 2 được giao phó viết về dự tính mình làm gì trong ngày mai, không đào xới đến vấn đề tình cảm. Một tuần sau, tất cả mọi người được làm một phẫu thuật nhỏ trên cách tay (punch biopsy, với mục đích nghiên cứu khác) và trong 21 ngày liên tiếp người ta chụp hình các vết thương này hàng ngày, để theo dõi tiến trình các vết thương này lành như thế nào. Kết quả cho thấy, đến ngày thứ 11, ở những người nhóm số một (từng viết diễn tả cảm xúc, expressive writing) 76% người có vết thương lành hẳn, và ở nhóm kia, (nhóm viết về thu xếp thời biểu, schedule management) chỉ 42% có vết thương lành hẳn. So sánh cả hai nhóm với nhau, thì mức stress và mức trầm cảm cũng ngang nhau. Chỉ khác là nhóm mà vết thương lành mau hơn ngủ nhiều hơn trong tuần trước khi bị thương tích (1). Hiện nay, các nhà khảo cứu đang làm những thí nghiệm mới xem viết về cảm xúc mình có giúp vết thương lành nhanh hơn sau những phẫu thuật lớn hay không, một thời gian nữa mới có kết quả.

 

TS Broadbent cho rằng viết về những tình cảm của mình qua những khó khăn giúp

chúng ta hiểu rõ hơn ("insight") những nỗi khổ của mình, đặt chúng vào một viễn tượng bao quát hơn, do đó giải toả những uẩn khúc của mình, làm mình ngủ ngon hơn. Những người lính trở về từ trận tuyến với những trải nghiệm làm xáo trộn tâm lý nhờ expressive writing có được đời sống gia đình êm ái hơn. Một số khảo cứu khác cũng cho thấy "expressive writing"cũng giúp cho cơ thể kìm hãm số virus HIV trong dòng máu mình, giúp cơ thể sản xuất kháng thể (antibodies) tốt hơn sau khi được chủng ngừa bịnh viêm gan B, giúp các mức hormone đi đôi với stress (stress hormones) giảm xuống, và hormone tăng trưởng (growth hormone) trong máu cao hơn, giúp cho vết thương lành nhanh hơn.

Tuy nhiên,kết quả không phải luôn luôn khả quan, rõ rệt như vậy. Trong một nghiên cứu khác, đối với một số cựu chiến binh mang "hội chứng stress sau chấn thương" (Post Traumatic Stress Disorder, PTSD) được giao viết về các trải nghiệm ngoài trận mạc của mình, các triệu chứng PTSS không thay đổi. Ngoài ra, đối với người "khắc kỷ" (stoic), quen dồn nén, chế ngự nhũng tình cảm của họ, hối thúc họ diễn tả tình cảm của mình có thể làm họ gia tăng những triệu chứng lo âu (anxiety). (2)

 

Tóm lại, chôn vùi những kỷ niệm đau thương, dồn nén những tỉnh cảm, xúc động buồn có thể "hùng" hơn, cao cả hơn. Tuy nhiên, có những bằng chứng khoa học cho thấy viết đến chuyện cũ, nỗi khó khăn, những "tiếc thương" - tưởng đã qua nhưng vẫn còn đó- có thể giúp chúng ta có một cái nhìn rõ ràng hơn về những khúc mắc trong tâm tư, giúp chúng ta ngủ yên hơn, đề kháng bịnh tật tốt hơn, vui sống hơn, nói chung giúp cho sức khoẻ thể chất cũng như tinh thần vững mạnh hơn.

 

Bác sĩ Hồ văn Hiền

Ngày 16 tháng 7 năm 2013

 

(1) http://www.psychosomaticmedicine.org/content/75/6/581.short

(2) http://healthland.time.com/2013/07/13/how-writing-heals-wounds-of-both-the-mind-and-body/