"Làm trai sinh ở trên đời, nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ sao chịu bo bo làm đầy-tớ người!" ** Lê Lợi **

          14hvhien --- brl1           

Bịnh Rối Loạn Thiếu Chú Ý và Tăng Hoạt Ðộng

(Attention Deficit Hyperactivity Disorder, ADHD)

Thuốc kích thích Ritalin (methylphenidate) càng ngày càng được dùng nhiều hơn để chữa bịnh cho các trẻ em hiếu động, thiếu khả năng chú ý trong lớp học. Ta có thể dịch ADHD là  ”Chứng Trẻ Em Lơ Ðễnh Và Náo động” cũng được và có thể nghe hay hơn; nhưng nếu muốn trung thành vớI danh từ tiếng Anh phổ biến là Attention Deficit Hyperactivity Disorder ( viết tắc là ADHD) thì dịch là “Rối loạn thiếu chú ý và tăng hoạt động”.

Những trẻ mắc chứng này có ba đặc tính:

1) Tăng hoạt động (motor hyperactivity): tay chân lúc nào cũng bận rộn, từ chuyên chơi đến chuyện phá, "chưa đứng đã ngồi, chưa đi đã chạy",  miệng nói "tía lia".

2) Lơ đễnh, thiếu chú ý (inattentiveness), không theo dõi, không ngồi yên , để tâm trí vào một công việc, đề tài . Nói một cách khác, tầm chú ý quá ngắn (short attention span).

3) Nóng nảy: Kém thận trọng, không cân nhắc, theo xu hướng nhất  thời (impulsivity).

Chữa trị chứng thiếu chú ý và tăng hoạt động là một vấn đề phức tạp và đầy thử thách. Có nhiều người, bác sĩ hay phụ huynh, cho rằng ADHD không phải là một "bịnh" thần kinh rõ rệt, nghĩa là hệ thần kinh của đứa trẻ không có dấu hiệu gì chứng tỏ nó bất bình thường hay bị tổn thương, và chứng hiếu động ở đây chỉ là một đặc tính bình thường, thể hiện ở mức cao khác thường do thể chất, hoàn cảnh cá biệt, hay do dinh dưỡng không thích hợp. Do đó họ không ủng hộ việc dùng thuốc, càng ngày càng phổ biến, như Ritalin cho những triệu chứng loại này.

Riêng về trị bịnh bằng thuốc men, bác sĩ thần kinh trẻ em có thể thử cho bé những thuốc sau đây:

Những thuốc kích thích (stimulant) thường dùng cho ADHD: methylphenidate ([viết tắt MPH],Ritalin), dextroamphetamine sulfate (viết tắt DEX, tên thương mải Adderal).

Nói chung tuy là những thuốc này có khả năng kích thích, làm hưng chấn (stimulant) người bình thường; ở trẻ mắc chứng ADHD thì thường chúng lại có tác dụng ngược lại, làm cho trẻ đằm hơn, ít “quậy “ và bứt rứt hơn, và khả năng tập trung, chăm chú vào một công việc, trò chơi, học tập nhiều hơn.

Một số khá đông cha mẹ không muốn cho con dùng thuốc kích thích như Ritalin để chữa bịnh ADHD. Điều này cũng dễ hiểu vì trẻ tuổi còn rất nhỏ. "Giáo dục cưởng bách " (compulsory education) càng ngày càng phổ cập, có nghĩa là tất cả các trẻ em phải ngổi trong lớp, chú ý , thường là thụ động vâng lời trong bao nhiêu giờ trong một ngày. Tất nhiên có những trẻ không chịu được lối sống này, và nếu nó "nhúc nhích” nhiều, đảng trí quá thì không học được, và việc học các bạn cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, những khảo cứu cũng cho thấy các triệu chứng như thiếu chú ý và quá hiếu động giảm đi nhiều nếu cho trẻ em được sinh hoạt ngoài thiên nhiên thay vì tù túng chơi game điện tử hay chơi thể thao đi nữa trong nhà, trong lớp , hay ngoài đường phố. Tuy nhiên cô thầy ở trường học Mỹ có khuynh hướng áp lực phụ huynh cũng như bác sĩ nhi khoa phải giải quyết nhanh và gọn. Nếu không thì họ không điều hành lớp học được nữa vì sự hiện diện của một hoặc nhiều em quá hiếu động, do quan niệm về giáo dục tại Mỹ không cho phép những biện pháp cứng rắn hơn như trừng phạt thân thể (đánh đòn), phạt nặng, la mắng hay đuổi ra khỏi lớp.

Do đó, cho đến gần đây, đa số trẻ mắc chứng ADHD vẫn phải uống thuốc, và Mỹ là xứ chiếm hết 90% số người dùng Ritalin trên thế giới. Khuynh hướng này có vẻ đang lan rộng ra nhiều nơi khác ở phương tây. Một khảo cứ gần đây tại Đại học Brandeis cho thấy , thế giới cũng bắt đầu theo cách của người Mỹ , và hiện nay Mỹ chỉ chiếm 75% số học sinh dùng Ritalin trên thế giới.(1) Hai tác giả, Conrad và Bergey, không phải là bác sĩ y khoa, thuộc phe cho rằng ADHD không phải là một "bịnh" thần kinh rõ rệt, và không thích việc dùng Ritalin cho những triệu chứng loại này, giải thích hiện tượng các nước như Anh, Pháp , Đức , Ý cũng gia tăng chữa ADHD bằng Ritalin với 5 lý do như sau:

1) Các công ty thuốc nhiều tiền vận động mạnh để các nước khác dễ chấp nhận dùng thuốc để trị ADHD.

2) Chữa bằng thuốc dễ dàng hơn, được ưa chuộng hơn là không dùng thuốc, ví dụ Medicaid (bảo hiểm cho trẻ em nghèo) chấp nhận trả tiền chữa thuốc chứ không trả tiền cho tâm lý trị liệu.

3) Sách Diagnostic and Statistical Manual (DSM), là "thánh kinh" của ngành y khoa tâm thần định bịnh ADHD một cách rộng rãi hơn, nay được các nước châu Âu và Nam Mỹ dùng nhiều hơn.

4) Các nhóm kêu gọi cho quyền lợi bịnh nhân ADHD làm người ta ý thức nhiều hơn đến bịnh này.

5) Người ta lên internet để tìm hiểu khi thỉnh thoảng người ta tự nhận thấy mình có như hơi nóng ruột, đảng trí, việc ôm đồm nhiều quá làm không kịp. Check vài mục trên list do các nhà thuốc lập ra là thấy cần đi bác sĩ, hỏi thăm, thế là bác sĩ định bịnh, cho uống thuốc (chứ biết làm gì khác với nếp sống vội vã hiện nay?).

Riêng đối với trẻ em Việt mà tôi được gặp mấy chục năm qua, có vẻ các cháu ít bị ADHD hơn mức 5-10% của Anh Mỹ nói chung, và bịnh nhân cũng rất ít cháu phải uống Ritalin. Có thể trong văn hoá người Việt di dân thế hệ thứ nhất và thứ hai có điểm gì khác mà chưa thấy ai khảo cứu về sự khác biệt này. Tuy nhiên, đối với số tương đối nhỏ các em rõ ràng là bị ADHD, cần được chữa trị, dùng thuốc loại kích thích (stimulants) như methylphenidate (Ritalin) hay dextroamphetamine (Adderal) có vẻ là phương pháp trị liệu hữu hiệu hơn cả, ít nhất là trong môi trường xã hội, y tế và học đường Mỹ. Hiện nay, người ta ý thức nhiều hơn về những trường hợp ADHD ở người lớn, gây khó khăn cho họ và xáo trộn trong cuộc sống nghề nghiệp cũng như gia đình, và trị liệu ADHD có thể giúp họ sống đời sống bình thường hơn.

(1) http://time.com/3595712/the-5-trends-driving-the-surge-in-adhd/

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 20 tháng 11 năm 2014