"Con nhà tướng không được khiếp nhược trước quân thù." ** Bùi Thị Xuân **

 

Bệnh Giun Phổi Chuột

(Rat Lungworm)

 18Dhvhbgp1

Fig 1: Con sên có hay không có vỏ cứng (slug) lớn hơn đồng tiền 1 cent của Mỹ một chút có thể bị nhiễm ấu trùng của loài giun phổi ký sinh chuột. Bịnh thường chỉ xảy ra những vùng ấm, cao độ dưới 6000 feet. Tuy nhiên, Đại học Hawaii tiên đoán bịnh sẽ xảy ra ở những cao độ cao hơn vì khí hậu toàn cầu ấm hơn (global warming) (Photo Lorrin Pang)

 

Gần đây, một bịnh nhân người Úc vừa chết sau khi bị liệt tứ chi đã 8 năm nay vì ăn một con sên sống (slug). Ký sinh trùng Angiostrongylus cantonensis phổ biến ở miền nam Việt nam, cũng như các đảo Thái Bình Dương, Trung Quốc, Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Đài Loan và Philippines). Một số trường hợp được báo cáo ở Nhật và Úc (Australia). Ở Mỹ một số bịnh nhân đem bịnh từ nước ngoài về.

Chuột là ký chủ chính (definitive host); ký sinh trùng này nảy nở trong động mạch phổi và tim chuột. Sên (slug) hay ốc sên (snail) là ký chủ trung gian (chỉ ở tạm). Tôm, cua, cá cũng là những ký chủ không bắt buộc cho vòng đời của ký sinh trùng nhưng có thể đem ký sinh trùng vào cơ thể của những người ăn thịt chúng (paratenic host). Ở người, A. cantonensis tìm đến tấn công não bộ của bịnh nhân (neurotropic) và trong những vùng dịch, bác sĩ cần nghĩ đến bịnh này nếu bịnh nhân có các triệu chứng sau: nhức đầu, cổ cứng, ói, mắt mờ, sợ ánh sáng, tê tay chân, sốt, áp suất nước tủy sống lên cao.

Trước đây chỉ có 8 trường hợp viêm não do giun phổi chuột ở Việt Nam được công bố trong y văn. Năm 2017, Angela McBride và cộng sự người Việt nghiên cứu hồ sơ của gần 1700 bệnh nhân nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương ở bịnh viện chuyên về bệnh nhiệt đới ở Sài Gòn (2008-2014), trong đó có 55 trường hợp có eosinophil cao trong nước tuỷ sống (eosinophilic meningitis), và trong số này 37 người (67.3%) có kháng nguyên của giun phổi chuột trong nước tủy sống. (Angiostrongylus cantonensis Is an Important Cause of Eosinophilic Meningitis in Southern Vietnam;Clinical Infectious Diseases, Volume 64, Issue 12, 15 June 2017, Pages 1784–1787, https://doi.org/10.1093/cid/cix118)

Điều này có nghĩa là A. cantonensis phổ biến ở Việt Nam, nhất là trong mùa mưa, nhiều hơn là chúng ta tưởng trước đây. Những biện pháp vệ sinh thực phẩm rất quan trọng, như tránh ăn sên, cua, ếch, cá không nấu chín, ăn rau đã rửa sạch và kỹ dù là rau trồng trong vườn nhà mình, trẻ em không được sờ vào sên, ốc sên sống, và thanh thiếu niên cần biết là ăn các con vật này lúc bị người khác thách thức là một chuyện nguy hiểm có khi gây chết người, như trong câu chuyện sau đây.

(Sau đây là bản tin của Hannah Osborne, tạp chí Newsweek, BS Hồ Văn Hiền dịch.

https://www.newsweek.com/man-who-ate-garden-slug-eight-years-ago-dies-rat-lungworm-1200878)

“Một người đàn ông ở Úc đã chết vì giun phổi chó gây ra bởi một con sên (slug) trong vườn mà anh ta đã ăn khi bị thách thức tám năm trước đó.
Sam Ballard, một cầu thủ bóng bầu dục đầy hứa hẹn, đã qua đời ở tuổi 27 sau khi phát triển một loạt các biến chứng từ căn bệnh này.
Ballard mới 19 tuổi vào năm 2010 khi anh và một vài người bạn đang uống rượu với bạn bè trong vườn. "Chúng tôi đã ngồi ở đây thưởng thức chút rượu vang đỏ, bắt chước làm người lớn và một con sên đã bò qua đây," người bạn của Sam, tên Jimmy Galvin nói với news.com.au.
“Chợt bàn về con sên. "Tôi có nên ăn nó không?" Và Sam làm liền. Đùng một cái. Nó xảy ra nhanh như vậy. ”
Trong những ngày tiếp theo, chân của Ballard bắt đầu đau và anh ta lo lắng con sên có thể là nguyên nhân. Sau khi đến gặp bác sĩ, anh ta được cho biết là anh ta bị nhiễm giun phổi chuột, hoặc Angiostrongyliasis. Đây là một căn bệnh ảnh hưởng đến não và tủy sống, do ký sinh trùng giun tròn gây ra, ở giai đoạn ký sinh trùng trưởng thành, thường chỉ được tìm thấy ở loài gặm nhấm (rodent). Tuy nhiên, một con vật loài gặm nhấm bị nhiễm bệnh có thể thải ấu trùng trong phân của nó, với sên và ốc sên đôi khi bị nhiễm bệnh nếu chúng ăn ấu trùng.

18Dhvhbgp2

Fig 2: Giun phổi chuột xâm nhiễm vào người như thế nào? Giai đoạn ký sinh trùng Angiostrongylus cantonensis trưởng thành ở loài gặm nhấm (chuột [rodent, rat]). Tuy nhiên, một con vật loài gặm nhấm bị nhiễm bệnh có thể thải ấu trùng qua phân của nó, với sên (slugs) và ốc sên (snail) đôi khi bị nhiễm bệnh (ký chủ trung gian [intermediate host]) nếu chúng ăn ấu trùng. Người ăn rau cải nhiễm ấu trùng sẽ bị bệnh (incidental host).

Theo CDC, hầu hết các trường hợp nhiễm giun phổi chuột   đều tự giải quyết theo thời gian mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các biến chứng nghiêm trọng có thể phát sinh, dẫn đến tổn thương não và tử vong.

Trong trường hợp của Ballard, anh ta đã mắc bệnh viêm màng não và viêm não loại có tỷ lệ bạch cầu eosinophilic cao (eosinophilic meningoencephalitis), một loại viêm màng não gây ra bởi giun phổi chuột. Anh đi vào tình trạng hôn mê kéo dài hơn một năm. Khi anh tỉnh dậy, các bác sĩ phát hiện anh bị tổn thương não.

Trong những năm tiếp theo, bạn bè và gia đình của Ballard đã cố gắng giúp anh phục hồi thông qua vật lý trị liệu nhưng tác động của cơn bệnh vẫn tiếp diễn. Trường hợp của anh đã được dư luận chú ý cuối tháng 10, 2018 khi gia đình cho biết các trợ cấp Ballard nhận được vì khuyết tật của mình đã bị cắt giảm. Sau khi vận động, quyết định của chính phủ đã bị đảo ngược.

Lisa Wilkinson, người giới thiệu chương trình truyền hình Úc The Sunday Project, đã công bố cái chết của Ballard: “Giờ đây, chúng tôi có một số tin buồn cho các bạn”, cô nói. “Đầu năm nay, chúng tôi đã mang đến cho các bạn câu chuyện về Sam Ballard, do bị bạn bè thách thức, đã ăn một con sên. Anh đã mắc bệnh phổi chuột với các tác động tàn phá của nó."

“Những người bạn của anh ta đã sát cánh với anh kể từ đó. Hôm thứ Sáu, Sam đã qua đời, được bao quanh bởi gia đình và những người bạn yêu thương, trung thành. Những lời cuối cùng của anh với mẹ: "Con thương mẹ."

Các trường hợp nhiễm giun phổi chuột gây tử vong là rất hiếm. Tại Hoa Kỳ, bệnh thường được tìm thấy ở Hawaii, với một vài trường hợp được báo cáo ở các tiểu bang lục địa. Tuy nhiên, vào năm 1993, một cậu bé đến từ New Orleans bị nhiễm bệnh sau khi ăn ốc vi thách đố nhau. Bé bị ốm vài tuần sau đó - các triệu chứng bao gồm đau cơ, cổ cứng, nôn mửa, đau đầu và sốt nhẹ. Sau hai tuần các triệu chứng của bé biến mất mà không cần điều trị.

Để tránh nhiễm giun phổi chuột, CDC khuyên không nên ăn sên, ốc, ếch và tôm hoặc tôm càng sống hoặc chưa nấu chín. "Nếu bạn xử lý ốc sên hoặc sên, hãy đeo găng tay và rửa tay," CDC khuyên. "Luôn luôn nhớ rửa kỹ sản phẩm tươi. Khi đi du lịch ở những nơi có ký sinh trùng phổ biến, tránh ăn rau chưa nấu chín."

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 9 tháng 11, 2018