"Nếu bệ-hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng!" ** Trần Quốc Tuấn **

 

Bệnh Dịch Hạch, Yersin và Chuột Cống Hà Nội

 

Mới đây, đầu tháng 5 năm 2020, lúc 67.000 người Mỹ đã chết vì bịnh COVID-19, Tổng Thống Mỹ Donald Trump, trong ngôn ngữ điển hình bình dân của ông, gọi bịnh COVID-19 là "một bịnh dịch to lớn và dữ dội" (a great and powerful plague). "Plague" ở đây hiểu theo nghĩa là một bịnh dịch gây tử vong cao. Nhưng plague theo từ ngữ y khoa cũng được hiểu theo nghĩa bịnh dịch hạch, do vi khuẩn Yersinia pestis gây ra, hoàn toàn không giống gì con siêu vi coronavirus.

Dịch bệnh "Thần chết đen" (Black Death) giết chết hết gần nửa dân số Âu Châu vào thế kỷ thứ 14 xuất phát từ Trung Hoa, sau khi các đồng cỏ thiếu mưa bị khô héo và chuột đồng tràn về các khu dân cư đem theo bệnh dịch hạch. Bệnh này được các chú chuột theo Đường Tơ Lụa qua châu Âu. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng mở lại Đường Tơ Lụa Mới vào năm 2013 gồm một cái đai (Belt) theo đường bộ và một con đường hàng hải (Maritime Silk Road) nối liền Trung Hoa và Châu Âu. Năm 2019 , dịch bệnh coronavirus (COVID-19) bùng phát , và mặc dù có nhiều tranh cãi, lúc đầu được gọi là “virus Vũ Hán” (Wuhan virus) hay còn được Tổng Thống Mỹ gọi là “Vi rút Trung Hoa”. Dù sao đi nữa, lần này cả thế giới bị tê liệt, mấy triệu người bệnh và chừng 300.000 người chết cho đến nay. Virus cũng đi theo hành trình của bệnh dịch hạch ngày trước, từ thành phố lớn nhất ở Hồ Bắc và là thành phố đông dân nhất ở miền Trung Trung Quốc, qua đường tơ lụa mới (du khách, di dân Trung Hoa là chính) lan toả ra các nước Tây Phương, đặc biệt là Ý, Pháp ( ngày xưa dịch hạch đến Genoa, Venice, Marseilles)..

Nhân ngồi nhà (lockdown) hàng tháng vì coronavirus, chúng ta hãy nhắc lại chuyện xưa về dịch hạch vì theo khía cạnh lịch sử, bịnh dịch hạch đi đôi với vùng Việt Nam, Hongkong và với BS Yersin, một nhân vật đã ghi dấu ấn sâu đậm trên đất nước chúng ta.

20Bhvhbdh1

Fig 1: Bệnh dịch hạch dạng hạch (bubonic plague)

(Source: Wikipedia Commons)

Bệnh dịch hạch

Bệnh dịch hạch biểu hiện dưới ba dạng, tùy theo đường lây nhiễm.

Hình thức phổ biến nhất là bệnh dịch hạch dạng hạch (bubonic plague). Khi một con bọ chét mang mầm bệnh cắn người, vi khuẩn tràn vào vết thương và di chuyển đến các hạch bạch huyết (lymph nodes) ví dụ ở nách, háng và cổ. Các hạch bạch huyết sưng trướng lên, tạo thành các "bubo" (từ gốc Hy lạp có nghĩa là háng/groin, ở đây từ này được dùng vào thế kỷ thứ 14 để chỉ các hạch sưng ở háng) tạo ra dạng dịch "hạch".

Sốt cao, mê sảng, có khi mất trí nhớ là những triệu chứng lúc bệnh đã tiến triển, cũng như bubo. Các hạch ở nách, háng và cổ làm đau đớn dữ dội là dấu hiệu của bệnh dịch hạch, đau đớn khiến một số người phải tự tử. Đôi khi to bằng một quả cam, các hạch bị viêm này rất nhạy cảm dù chỉ đụng nhẹ, ngay cả ở những bệnh nhân hôn mê.

Nếu không được điều trị, nạn nhân bị co giật, chuột rút, ho, sốt cấp tính và mê sảng. Da trở nên đen sạm khi ngón tay, ngón chân, môi và mũi bị hoại thư (necrosis). Ngày xưa gọi là Thần Chết Đen trong tiếng Anh, la mort noire trong tiếng Pháp, có thể theo nghĩa bóng chỉ hình ảnh đen tối, đầy chết chóc của bịnh dịch hạch nhưng cũng thích hợp với tổn thương hoại tử màu đen trên thân thể bệnh nhân . 40% -80% bệnh nhân chết trong vòng bảy ngày.

Nếu phổi bị vi khuẩn tấn công sẽ gây ra dạng thứ hai - bệnh dịch hạch viêm phổi (pneumonic plague), có thể truyền trực tiếp từ người sang người khác qua ho và hắt hơi, do đó lây lan rất nhanh. Tỷ lệ tử vong là 100 phần trăm và bệnh nhân chết nhanh chóng, trong một đến ba ngày.

Dạng thứ ba và hiếm nhất là bệnh dịch hạch loại nhiễm trùng máu (septicemic plague), rất nguy hiểm, người bệnh có thể chết ngay cả trước khi các triệu chứng xuất hiện.

Theo Tiến sĩ Elisabeth Carniel, người đứng đầu Đơn vị Nghiên cứu Yersinia tại Viện Pasteur của Pháp, và giám đốc Trung tâm Cộng tác Tham khảo và Nghiên cứu về Yersinia của WHO : "Dịch hạch xuất phát từ Trung quốc. Một số nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu di truyền để xác định nguồn gốc của trực khuẩn dịch hạch và những gì chúng tôi tìm thấy thật đáng kinh ngạc. Hầu hết các vi khuẩn đều hàng triệu năm tuổi và phát sinh từ lâu trước loài người. Tuy nhiên, Yersinia pestis chỉ mới 3.000 tuổi- mầm bệnh nhỏ tuổi nhất mà chúng ta biết - về mặt tiến hóa, nó giống như một đứa trẻ sơ sinh. "

Phân tích DNA đã chứng minh các trình tự từ trực khuẩn dịch hạch trong quần thể người thời kỳ đồ đá mới, nhưng đại dịch dịch hạch được ghi nhận đầu tiên là Bệnh dịch hạch Justinian (541-740 sau Công nguyên), đã lan tràn khắp vùng chung quanh Địa Trung Hải và giết chết một nửa dân số châu Âu hay 20% dân số ở thế giới được biết đến ở châu Á, Châu Âu và Châu Phi trước khi tàn phai dần vào thế kỷ thứ bảy. Đại dịch hạch thứ hai, "Cái chết đen" (“Black Death”), bắt đầu từ con đường Tơ Lụa và đến châu Âu vào năm 1348, càn quét châu Âu và Châu Á trong những đợt sóng liên tiếp cho đến Đại dịch hạch London (The Great Plague of London) năm 1665, giết chết ít nhất một phần ba dân số châu Âu. Dân số giảm hơn 50% tại một số thành phố và quốc gia châu Âu vào thế kỷ 14 do đại dịch hạch này, góp phần gây ra biến động kinh tế xã hội lớn, bao gồm cả sự sụp đổ chung cuộc của hệ thống phong kiến. Thành phố Venice và Marseilles phải đóng cửa 40 ngày để ngăn chặn dịch hạch (do đó phát xuất từ quarantine (do “quaranta”=40) được dùng nhiều trong cơn dịch COVID-19 năm 2020).

20Bhvhbdh2

Fig 2: Tai Ping San (1894). (Source Institute Pasteur-SCMP)

Cuối cùng, ít nhất 10 triệu người đã chết ở Trung Quốc và Ấn Độ trong đại dịch hạch thứ ba bắt đầu ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc vào những năm 1850, đến Quảng Châu (Canton/Guangzhou) năm 1894, rồi qua Hongkong ở sát nách Quảng Châu, những trường hợp đầu tiên ở khu ổ chuột Tai Ping San, một nơi bẩn thỉu không nước máy, không có cống rãnh, với những ngôi nhà tối tăm không cửa sổ, nơi mà đại gia đình nhiều thế hệ thợ thuyền người Tàu chen chúc sống. Đây cũng là nơi xảy ra cuộc chạy đua kỳ thú tìm nguyên nhân bịnh dịch hạch. Một bên là bác sĩ người Nhật đang bắt đầu xây dựng sự nghiệp lừng lẫy trong khoa vi trùng học của mình tại quê nhà sau thời gian học hỏi và làm việc với các khoa học gia hàng đầu thời bấy giờ của Châu Âu. Bên kia là một bác sĩ trẻ người Pháp, mới ở Việt Nam được vài năm nhưng sau này sẽ để lại biết bao nhiêu dấu ấn quan trọng trên đất nước sẽ trở thành quê hương thứ hai của ông cho đến khi ông mất.

Năm 1894, Bác sĩ Yersin chứng minh là bệnh dịch hạch do vi khuẩn gây ra. Lúc đầu người ta không hiểu vì sao bệnh truyền lan nhanh trong lúc rất ít ai bị chuột cắn, cho đến lúc Bác sĩ Paul Louis-Simond chứng minh là con bọ chét (Oriental rat flea / Xenopsylla cheopis) là tác nhân đem vi trùng bịnh dịch hạch từ chuột truyền qua người (1897).

20Bhvhbdh3

Fig 3: BS Alexandre Yersin (1863-1943)

Yersin đã có nhiều đóng góp tiếp theo cho quê hương thứ hai của mình, bao gồm trồng cây cao su và cây quinine nhập từ Nam Mỹ và lựa chọn địa điểm thiết lập trạm đồi Đà Lạt, nơi vẫn là một điểm du lịch nổi tiếng ở Việt Nam. Ông không kết hôn hay có con, nhận làm gia đình những người dân làng Việt Nam gần gũi với ông và thường xuyên được ông chăm sóc y tế miễn phí. Ông có được một biệt danh trìu mến trong dân làng, Ông Năm, ám chỉ năm vạch trên lon của đồng phục dịch vụ y tế thuộc địa của ông. Năm 1943, ông qua đời tại nhà riêng ở Nha Trang, nơi tiếp tục được duy trì như là Bảo Tàng Viện Yersin.

Năm 2013, Pháp và Việt Nam đồng thời phát hành một cặp tem để vinh danh kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Yersin. Trên một con tem, một Yersin lúc còn trẻ trước Viện Pasteur ở Paris, nơi ông bắt đầu sự nghiệp. Trên con tem kia, một Yersin già hơn với Viện Pasteur ở Nha Trang và Đà Lạt/ cao nguyên Lâm Viên. Việt Nam trao danh hiệu "công dân danh dự" cho Yersin năm 2014. (David P. Steensma, MD; and Robert A. Kyle, MD Mayo Clinic Proceedings)

 

Alexandre Yersin và Kitasato Shibasaburō

Yersin sinh tại Aubonne, Thuỵ sĩ ngày 22 tháng 9 năm 1863 trong một gia đình gốc Pháp. Thân phụ ông là một giáo viên, qua đời chỉ mấy tuần sau khi ông ra đời. Sau khi nghiên cứu khoa học ở Thuỵ sĩ và Paris, ông làm việc tại phòng nghiên cứu của Pasteur và góp phần vào việc phát triển huyết thanh chống bịnh dại (được sử dụng để cứu mạng của chính ông sau khi ông lỡ tay bị thương trong khi mổ xẻ xác của một bệnh nhân chết vì bệnh dại) (serum against rabies; hiện nay là rabies immunoglobulin). Sau khi lấy bằng tiến sĩ y khoa với luận án khảo cứu về bịnh lao, ông khám phá ra độc tố của vi trùng bịnh yết hầu (diphtheria toxin) cùng với Emile Roux tại viện Pasteur.

Năm 1890, ông đi Đông Dương, vừa mới trở thành thuộc địa của Pháp, và làm bác sĩ cho công ty Messageries Maritimes trên các tuyến vận chuyển hàng hải có trụ sở tại Sài Gòn.

Năm 1894, Yersin được Viện Pasteur và chính phủ Pháp phái đến Hồng Kông để nghiên cứu một bệnh dịch hạch thuộc dạng viêm phổi đang diễn ra tại đó. Lúc Yersin đến Hongkong, một nhà vi trùng học người Nhật đã đến trước đó 3 ngày và đã được chào đón như một vị anh hùng đến cứu giúp trong cơn dịch, được cung cấp nơi làm việc đầy đủ tiện nghi trong bệnh viện Kennedy Town Hospital. Kitasato Shibasaburō (1853-1931, Kitasato là họ, Shibasaburō là tên), từng theo học ở Berlin, Đức với Robert Koch và đã từng phát triển một liệu pháp huyết thanh cho bệnh uốn ván (tetanus) cùng với Emil von Behring.

Yersin là người mang quốc tịch Pháp do đó chính phủ thuộc địa của Anh tại Hongkong không cho phép ông làm việc trong bệnh viện, Kitasato thì lại xem Yersin như là một đối thủ, có thái độ đối nghịch và không cho phép ông dùng phòng thí nghiệm tại bệnh viện, cũng như không được tiếp cận các hồ sơ bệnh, các bệnh nhân cũng như xác của người bệnh.

Chỉ có một kính hiển vi đơn giản và vài dụng cụ phẫu thuật đơn sơ,Yersin bèn cho dựng một lều tranh và hối lộ cho lính người Anh canh giữ nhà xác để họ làm lơ cho ông lấy xác về chòi tranh nghiên cứu.

20Bhvhbdh4

<<<Fig 4: Phòng thí nghiệm của Yersin ở Hongkong

 

Kitasato và Yersin có cách tiếp cận việc tìm kiếm vi khuẩn dịch hạch khác nhau. Kitasato nghiên cứu tìm vi khuẩn trong máu bệnh nhân và tưởng đã phát hiện ra nó; báo y khoa nổi tiếng The Lancet đã loan tin rằng Kitasato đã tìm ra được vi khuẩn gây bệnh dịch hạch rồi. Không tin, Yersin thì nghĩ rằng phải tập trung tìm kiếm vi khuẩn trong các hạch lâm ba (lymph nodes) bị sưng của người bệnh mà trong y học gọi là “bubo”. Ông rạch một bubo và theo như lời ông viết trong thư gởi mẹ: "Con rạch một hạch sưng và tìm thấy một đám vi trùng dày đặc như cháo nghiền". Ông rút ra và cấy được vi khuẩn của bệnh dịch hạch. Linh tính của ông lại tỏ ra là đúng và thêm nữa, trong cái xui cũng có cái may. Trong lúc Kitasato dùng lò hấp ở 37 độ C trong phòng thí nghiệm bệnh viện, Yersin chỉ để mẫu cấy vi trùng ngoài trời trong cái chòi tranh, theo nhiệt độ tại tháng 6 ở Hongkong là 30 độ C, lại đúng ngay nhiệt độ lý tưởng cho vi khuẩn gây bệnh dịch hạch.

Trong môi trường cấy của Kitasato, các vi khuẩn khác xâm lấn vi khuẩn dịch hạch, cho nên làm cho Kitasato sai lạc và vi khuẩn ông nuôi được là vi khuẩn của bệnh viêm phổi (pneumococcus) chứ không phải bệnh dịch hạch. Các báo cáo đầu tiên của Kitasato có vẻ không rõ ràng và các quan sát về vi khuẩn trực tiếp trên bệnh phẩm và trong môi trường cấy mâu thuẫn với nhau, Yersin được đa số các sử gia y học công nhận là người khám phá ra vi khuẩn bệnh dịch hạch, và hình như chính Kitasato cũng có lần công nhận như vậy. Tuy nhiên, các khảo cứu về sau này cho thấy có thể Kitasato đã thực sự tìm thấy con vi khuẩn dịch hạch trong các bubo, mặc dù ông đã nhầm lẫn trong các môi trường cấy sau đó (Bibel and Chen).

Lúc đầu, được gọi là Bacterium pestis và sau đó là Pasteurella pestis, trực khuẩn hình que Gram âm mà Yersin và Kitasato Shibasaburō nuôi cấy vào năm 1894 đã được đổi tên thành Yersinia pestis vào năm 1967 khi nó được phân loại lại trong một chi (genus) mới tách rời với các loài (species) Pasteurella khác .

20Bhvhbdh5

<<< Fig 3: BS Kitasato Shibasaburō (1853-1931)

 

 

Từ Hongkong qua chuyện giết chuột cống Hà Nội

Trở lại câu chuyện dịch bệnh của Hongkong. Vì muốn giữ nguyên giá trị kinh tế của Hong kong như là một hải cảng quốc tế nối liền với các châu lục khác, nhà cầm quyền Anh vẫn không muốn đóng cửa hải cảng này. Bệnh dịch hạch do do tiếp tục lan qua Ấn độ, miền Tây nước Mỹ, châu Âu, Châu Úc và cả Nam Mỹ. Bệnh dịch hạch đến San Francisco trên những con tàu bị nhiễm chuột vào năm 1900. Nhờ những nỗ lực phi thường được điều phối bởi một quan chức y tế công cộng, Tiến sĩ Rupert Blue (1865-1948) mà bệnh dịch hạch được ngăn chặn và thanh toán ở San Francisco, ngăn không cho nó lan rộng ra khắp khu vực và đến các thành phố khác ở Hoa Kỳ.

20Bhvhbdh6

 

Fig 4: Quân đội Anh dọn dẹp phố Hongkong bị dịch hạch tàn phá

 

Năm 1903, dịch hạch bộc phát ở Hà Nội, thành phố được người Pháp thuộc địa mới cho xây theo lối tây phương và là thành phố đầu tiên ở châu Á có đèn đường thắp bằng điện; năm đó dịch hạch gây bịnh cho 159 người (gồm 10 người Pháp), với 110 người chết, gồm 2 người Pháp. Từ năm 1906 đến 1908, giới chức y tế thuộc địa ghi nhận 263 ca tử vong vì dịch hạch.

Paul Doumer nhậm chức toàn quyền Đông Dương năm 1897 và rời Việt Nam năm 1902. Một chính trị gia mới 40 tuổi, cựu bộ trưởng tài chánh của Pháp, Doumer trước đó là giáo sư toán và chủ bút báo chí. Doumer có nhiều tham vọng biến Đông Dương từ một nguồn lỗ lã cho ngân sách Pháp trở thành một nền kinh tế tự túc và sinh lợi bằng cách tăng thuế gia tăng tiêu thụ sản phẩm của Pháp. Ông cũng ra công xây dựng Hà Nội thành một thành phố “xứng đáng với nước Pháp”. Một quần thể dân cư nhỏ và cũ kỹ, với 36 phố phường chật chội và thành quách từ thời Gia Long xây theo kiểu Vauban, Hà Nội được biến thành một đô thị tân thời theo kiểu Pháp với Dinh Toàn Quyền, Nhà thờ Lớn Hà Nội (tên chính thức: Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse) nguy nga, trường Y đầu tiên của Đông Dương, Cầu Paul Doumer bắt qua sông Hồng và Đại sảnh Triển Lãm (Grand Palais d’Expositions). Tuy nhiên hệ thống cống mới tại Hà Nội lại là nơi sinh sôi nảy nở lý tưởng cho các chú chuột cống với thức ăn đầy đủ và vắng bóng các thú vật có thể săn bắt chúng. Một con chuột có thể sanh 7-14 lứa một năm, mỗi lứa 5 con chuột con. Lúc Doumer rời Hà Nội năm 1902, ở khu phố gọi là Phố Tây (khu Ba Đình hiện nay) đã có được 19km ống cống.

20Bhvhbdh7

Fig 5: Hà nội, đầu thế kỷ 20, với nhà hát lớn và đường Paul Bert

 

Dịch hạnh trở thành một nỗi ám ảnh của người Pháp thực dân và họ lo cải thiện về văn hoá vệ sinh của người Việt cũng như kiểm soát số chuột tại Hà Nội. Năm 1902, những công nhân người Việt được mướn chui xuống các đường cống đầy phân và rát rưới. Sau đó thì mọi người được cơ hội giết chuột để được thưởng tiền. Họ được khuyến khích bằng số tiền thưởng 1 xu cho mỗi con chuột bắt được, dần dần tiền thưởng lên đến 4 xu vào năm 1904, lúc mà trong một ngày dân chúng bắt được cả trên 20 ngàn con chuột. Tuy nhiên, có vẽ như dân số chuột không hề giảm, và người Pháp mới biết rằng người Việt đã cắt đuôi chuột đi nạp và thả chúng đi để chúng sinh sản tiếp, có nơi còn nuôi chuột để nộp lấy tiền thưởng. Người Pháp đành bỏ cuộc.

Dịch hạch trong thế kỷ 20-21 và cơn dịch cuối cùng ở Cam Ranh

Đến giai đoạn Thế chiến thứ nhất, người ta thấy rằng trong đa số bệnh nhiễm dịch hạch có thể điều trị mà không cần cách ly bệnh nhân, trừ ra bệnh dịch hạch dạng viêm phổi.

Yersin cùng một số cộng sự đã tìm ra được tiêm vắc-xin chống lại dạng hạch của bệnh này. Nhưng việc sử dụng vắc-xin mất nhiều thời gian - thường là một loạt các mũi tiêm trong hơn chín tháng. Điều này áp dụng được trong hoàn cảnh đặc biệt, ví dụ quân đội Hoa Kỳ trong Thế chiến II và Chiến tranh Việt Nam, những người thường xuyên được tiêm chủng trước khi được gởi đi công tác ở các khu vực đang bị nhiễm bệnh dịch hạch. Trong những đợt bệnh bùng phát đột ngột thì khó áp dụng biện pháp này vì vắc-xin phải được chích trước khi tiếp xúc và hiệu quả của nó sẽ mất dần theo thời gian trước khi dịch xảy ra.

Do đó, người ta chú tâm vào mục tiêu loại bỏ chuột và bọ chét bằng thuốc diệt chuột và thuốc trừ sâu

Trong những năm 1930 và 1940, các bác sĩ đã có thể dùng kháng sinh điều trị hiệu quả nhiều trường hợp mắc bệnh dịch hạch và giảm đáng kể tỷ lệ tử vong, nhưng bệnh dịch hạch dạng viêm phổi vẫn tiếp tục là một bệnh nguy hiểm hơn vì nó biến chuyển rất nhanh nên chữa trị bằng kháng sinhkịp thời cũng rất khó.

Một số nhà phân tích cho rằng đại dịch thứ ba bắt đầu ở châu Á vào giữa thế kỷ 19 kết thúc vào năm 1959, khi theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới đã giảm từ 5.000 trường hợp (hàng năm) sáu năm trước xuống chỉ còn 200. Bệnh dịch hạch đã xảy ra một lần nữa vào thập kỷ 1960-1970, đặc biệt là ở Việt Nam.

Cuối đông năm 1967, 58 trường hợp bệnh dịch hạch đã xảy ra tại thành phố Cam Ranh. Năm mươi lăm bệnh nhân bị sưng hạch, sáu người bị viêm phổi và một người bị nhiễm trùng máu. Nguyên nhân gây ra dịch bệnh bao gồm nhiệt độ và độ ẩm thuận lợi, một quần thể chuột bị nhiễm bệnh đã tăng nhanh về số lượng, chỉ số bọ chét cao và dân số không được chích ngừa. Trong 54 trường hợp, bệnh phát triển trong thời gian tám ngày; và 42 trường hợp xảy ra trong một khu gia cư gồm khoảng 1.500 công nhân Việt Nam. Tất cả các bệnh nhân được điều trị bằng streptomycin sulfate và tetracycline hydrochloride hoặc chloramphenicol. Không có trường hợp tử vong trong số những người được điều trị. (Conrad, Arch Intern Med.)

Phần đông các trường hợp trên thế giới hiện nay xảy ra tại Châu Phi, nhất là đảo Madagascar.Tại Hoa Kỳ, trong những năm 1980, có số bệnh dịch hạch hàng năm trung bình là 35, gấp nhiều lần so với mức thông thường. Hiện nay, theo CDC, có chừng 1-7 cas mỗi năm tại Mỹ, phần lớn ở vùng nông thôn miền Tây. Những trường hợp này do các con mèo nhà tiếp xúc với các loài gặm nhấm hoang dã, lây bệnh và đem bệnh lây qua chủ của nó. Những con marmot (một loại sóc) trên vùng thảo nguyên núi Himalaya thuộc Trung Quốc cũng có thể mang vi trùng Yersinia pestis, có trường  hợp chó của các mục đồng bị nhiễm và đem về lây cho người chủ của nó.

 Theo báo South China Morning Post (SCMP, Hong Kong), trong quá khứ, vi khuẩn Yersinia này từng được dùng làm vũ khí sinh học. Quân Mông Cổ thả các xác chết mang bệnh của quân lính họ xuống thành Caffa (Crimea, 1346, thuộc Genoa, Ý) đang bị quân Mông Cổ bao vây, người Ý sợ quá chạy rút về Genoa và mang dịch hạch đến Ý. Trong thế chiến thứ 2, quân đội quân phiệt Nhật cũng thử nghiệm bom chứa bọ chét nhiễm vi khuẩn Yersinia  thả trên các thành phố Trung Hoa, nhưng không biết tác dụng ra sao. Hiện nay vi khuẩn này được chính phủ Mỹ xếp vào loại nguy hiểm có khả năng dùng làm vũ khí sinh học, và các nhà khoa học cảm thấy họ bị giới hạn rất nhiều trong công việc khảo cứu và chia sẻ tin tức về con vi khuẩn rất nguy hiểm này. Nhà khảo cứu Elizabeth Carniel của Viện Pasteur nói với báo SCMP:

 "Công việc của chúng tôi bị hạn chế nghiêm trọng. Càng ngày càng khó để có được các chủng Yersinia pestis khác nhau, để hợp tác với các nhà khoa học từ các quốc gia khác và xuất bản các bài báo học thuật. Không ai muốn nguy cơ bệnh dịch rơi vào tay kẻ xấu nhưng điều nguy hiểm là chúng ta có thể phải ngừng làm việc Và nếu chúng ta làm điều đó, và nếu một kẻ khủng bố phóng thích trực khuẩn [Yersinia pestis ra ngoài phòng thí nghiệm], sẽ có ít kiến thức khoa học hơn về cách ngăn chặn và kiểm soát sự lây lan của bệnh tật.” 

 

BS Hồ Văn Hiền

Ngày 1 tháng 4 năm 2020

Ngày 11 tháng 5 năm 2020

Mùa dịch COVID-19

 

Tài liệu tham khảo:

1) Alexandre Yersin: Discoverer of the Plague Bacillus

David P. Steensma, MD; and Robert A. Kyle, MD

Mayo Clinic Proceedings

https://doi.org/10.1016/j.mayocp.2019.11.006

2) When death came calling: how the plague swept through Hong Kong

https://www.scmp.com/magazines/post-magazine/article/1535499/when-death-came-calling-plague-hong-kong

3)Cuộc tàn sát chuột vĩ đại ở Hà Nội

https://www.nguyenvantuan.info/single-post/2020/02/19/Cuoc-tan-sat-chuot-vi-dai-o-ha-noi

Bàn về bài khảo cứu của Michael G. Vann, có tựa đề ‘Of Rats, Rice, and Race: The Great Hanoi Rat Massacre, an Episode in French Colonial History’ (French Colonial History, Vol 4, 2003)

4)The Curious Case of the Great Hanoi Rat Hunt

https://realhistory.co/2018/10/11/great-hanoi-rat-hunt

5)THE DARK HISTORY OF THE 'BLACK DEATH'

https://www.washingtonpost.com/archive/lifestyle/wellness/1994/10/04/the-dark-history-of-the-black-death/621a3dda-320d-4b0e-adec-28f8b711d124/

6)DJ Bibel and TH Chen Diagnosis of plaque: an analysis of the Yersin-Kitasato controversy.

Bacteriol Rev. 1976 Sep; 40(3): 633–651.

7)A Recent Epidemic of Plague in Vietnam

Arch Intern Med. 1968;122(3):193-198. doi:10.1001/archinte.1968.00300080001001

https://jamanetwork.com/journals/jamainternalmedicine/article-abstract/574862

8)https://en.wikipedia.org/wiki/Black_Death

9)The ‘Chinese Virus’ Spread Along the New Silk Road

 

https://foreignpolicy.com/2020/04/06/chinese-coronavirus-spread-worldwide-on-new-silk- road/