"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta." ** Triệu Thị Trinh **

Truyện và Nhạc Trong Thơ

Trong thơ, đại đa số đều có truyện. Truyện rõ rệt hoặc mơ hồ. Truyện có đầu đuôi hoặc một mảnh lững lờ. Truyện có mục đích hoặc chỉ là cảm xúc vu vơ. Có hai cách chính để diễn truyện: hoặc kể hoặc dựng. Thơ Việt cho đến nay chỉ chủ về kể. Ngoại trừ bộ môn kịch thơ, chưa có thành tựu lớn. Vì tin rằng thơ phải là truyện thật, truyện lòng của thi sĩ. Phải kể lại bằng cảm xúc, bằng tâm lý của chính tác giả. Dựng thơ cũng như dựng truyện. Đòi hỏi thi sĩ phải động cảm, động não lâu ngày về một cảm xúc, một tâm lý, một hoàn cảnh không thuộc về mình. Đến khi chiếm hữu được, thi sĩ lão luyện hơn về tâm tình, về đời sống. Cảm vấn đề từ một vị trí khác. Nhìn con mắt ngã, nhìn con mắt tha. Cấu trúc không đơn thuần là kinh nghiệm riêng tư. Truyện thật mà hư. Truyện hư mà thật. Do đó, thơ tự nhiên mang nét độc đáo khác. Có thể lấy thí dụ từ những đoạn thơ qua đôi mắt các nhân vật trong truyện Kiều và mắt của Nguyễn Du. Ai dám chê là kém? Thơ ta không dùng nghệ thuật này trong bài thơ ngắn.

Không quen kỹ thuật dựng thơ, người Việt khó thưởng thức được loại thơ Cụ Thể và những loại thơ chữ của Tây phương. Thiếu phần dựng thơ khiến cho thơ Việt chỉ quanh quẩn cái Ta từ thời Trung Đại, cái Tôi từ thời Tiền Chiến. Lý nào thơ chỉ thuộc về ngôi thứ nhất? Thơ đâu phải chỉ có một chủ nhân. Tâm sự có thể biến chuyển qua nhiều ngôi thứ. Tâm nào chẳng phải của người. Sự nào chẳng phải chưa gặp qua. Một bài thơ được dựng bằng nhiều cách nhìn, nhiều tâm sự, khác nhân sinh quan, để có nhiều lớp bề sâu và mật độ cao trong từng lớp. Nói như vậy không có nghĩa là đã phá lề lối làm thơ căn bản mà chỉ cộng thêm một ý kiến đang thử nghiệm. Đúng hơn, là phối hợp cả hai phương thức, khi ta khi người, cho thơ đẹp màu sắc hơn.

Trong thơ luôn luôn có nhạc. Nhạc Lục bát là nhạc phổ thông, nhạc dân gian. Từ nhạc Lục bát đơn giản đi dần đến nhạc thơ Tự do, sự phức tạp trong tiết tấu, nhịp điệu gia tăng. Nhạc thơ Tự do đòi hỏi bản lãnh và nghệ thuật cao. Thiếu nhạc, thơ Tự do đọc như văn xuôi. Dư nhạc thơ Tự do đọc như thơ vần. Ví dụ này có thể tìm thấy trong thơ chuyển ngữ thơ ngoại quốc và thơ bảy chữ, tám chữ ngắt ra, xuống hàng theo thể tự do. Một trong những khía cạnh khiến nhạc quan trọng trong thơ vì nó làm cho những con chữ khó, những ý tứ lạ dễ được tiêu hóa. Thơ Bùi Giáng thành công ở nhạc Lục bát chuyên chở được ý tứ khó và ngôn từ ngoại lệ đến người đọc.

Trong ngôn ngữ Việt, so với âm nhạc, dấu sắc, dấu hỏi ở chung độ nốt cao. Dấu ngã là nốt cao láy. Không dấu ở nốt trung. Dấu huyền ở nốt thấp hơn. Dấu nặng là nốt trầm nhất. Nếu vẽ cao độ (độ trầm bổng) của một bài thơ Lục bát, sẽ thấy sự lập lại gần như trùng hợp rất nhiều. Vẽ cao độ của một bài thơ Tự do, sẽ thấy sự khác biệt. Ngũ âm trong ngôn ngữ Việt không hẳn là thang ngũ âm trong nhạc Việt. Những nốt nhạc trong chữ không bị kỹ thuật âm nhạc ràng buộc nhưng bị nghệ thuật âm nhạc chi phối.

Nhạc có cách hành âm dễ cảm và cách hành âm khó cảm. Khi sáng tác thơ, nhạc điệu đến tự nhiên theo chữ và ý tứ. Khi sáng tác đam mê, nhạc điệu trơn tru, cuồn cuộn, mê ly. Cảm tính quá, theo sát tiếng lòng rung động quá dễ bị ‘sến’. Trúc trắc quá, gò nhạc quá sẽ mất chất thơ. Thi sĩ cũng như nhạc sĩ, lúc không sáng tác thường chuẩn bị kiến thức và kinh nghiệm về nhạc điệu. Thử lấy một bài thơ hay của thi sĩ nổi tiếng, đổi thứ tự bằng trắc, đổi cách ngắt câu, đổi cách xuống hàng, sẽ kinh nghiệm ngay nhạc điệu của thơ.

Nhạc điệu của thơ mang tính nhạc dân tộc cùng bản chất nhạc thời đại đang sống. Nhạc của bài thơ chẳng những là nhạc chung của thi ca còn là nhạc riêng của mỗi tác giả. Người động, nhạc rộn ràng. Người quê, nhạc bình dân. Người hiểu biết, nhạc có trình độ.

Dùng nhạc điệu đưa ngôn ngữ và thơ vào trực giác, vào tâm tư người thưởng ngoạn. Một bài thơ tự do khó đọc, phần lớn là vì thiếu nhạc điệu, hoặc nhạc điệu quá cưỡng ép, hoặc quá xa lạ........ Nhạc Lục bát dù rối thế nào, đọc cũng ra. Có điều đọc hoài đâm nhàm.

Thi sĩ không tạo được nhạc riêng cho thơ của mình sẽ như nhạc sĩ không tạo được lời riêng cho nhạc của mình.

Ngu Yên