"Nếu bệ-hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng!" ** Trần Quốc Tuấn **

Nghĩ Về Sáng Tác

   Sáng tác là một tiến trình bao gồm cả nghệ thuật và khoa học, xóa bỏ được ranh giới giữa nghệ thuật và khoa học thì thơ mới đạt được tinh thần hiện đại, tức là sức sống của thế kỷ 21 và những kinh nghiệm trực giác của thế kỷ tương lai.

   Trở lại cái tầm thường của thơ, trong cái hữu hình thực tế của chữ nghĩa có cái siêu hình nhân sinh quan của tác giả. Sống với nhân sinh quan là nghệ thuật. Thi hành nhân sinh quan là khoa học. Một bài thơ lớn không phải là bài thơ chứa đựng toàn bộ hoặc một mảnh đại diện cho nhân sinh quan của một thi sĩ mà xuyên qua những cấu trúc, ngôn ngữ, ý tứ, tâm tưởng người ta ‘thấy’ được cái vũ trụ riêng của tác giả, như nhìn một quả địa cầu nhỏ mà biết cả trái đất lớn. Thi hành được điều này là kết hợp của nghệ thuật và khoa học, dĩ nhiên là một định mệnh. Đã là định mệnh thì có cần tích cực làm hay không? Muốn trúng số có cần mua số hay không? Theo tôi thì phải làm hết sức tích cực và bền bỉ vì chẳng ai biết được số mạng mình sẽ ra sao. Connie Mack nói rằng: Bạn không thể thắng bất cứ một trò chơi nào ngoại trừ bạn đã có chuẩn bị để chiến thắng. Nhưng câu nói của Logan Pearsall Smith thấm thía hơn: Có hai mục tiêu để nhắm đến trong đời sống. Đầu tiên là đạt được điều mình muốn, sau đó là vui hưởng (hạnh phúc với) điều mình đạt được. Chỉ những bậc cao nhân mới thực hiện được điều thứ hai.

   Sáng tạo được hiểu là sự lập lại, sự mô phỏng mà không giống. Lập lại và mô phỏng cái hay cái đẹp đã có sẵn không phải là chuyện dễ làm. Nó đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm và tài năng bẩm sinh. Trình độ khác nhau tạo ra nhiều cấp bậc cao thấp khi lập lại và mô phỏng. Ví dụ như nhạc tình Boléro. Sự lập lại và mô phỏng nhiều khi rất dễ dãi, bài mới nghe ra bài cũ, bài của nhạc sĩ này liên khúc với bài của nhạc sĩ khác, vậy mà nhạc vẫn chia ra nhiều giai cấp từ đại sến cho đến sến cao cấp. Và những nhạc phẩm Boléro bất hủ là sự mô phỏng mà không giống. Trong khi lập lại và mô phỏng tạo nên nghệ sĩ, mà không giống tạo nên bậc tôn sư và từ những bậc tôn sư mới nảy sinh ra ‘giáo chủ’. Giáo chủ không hẳn là người làm thơ bất hủ mà thường khi bất tử vì thành tích lập ra hoặc dẩn đầu một trường phái hoặc một phong trào. Ví dụ như nhà thơ André Breton khai phá phái Siêu Thực nhưng không thành danh bằng nhà thơ siêu thực Paul Éluard...

   Sáng tạo bắt đầu từ lập lại, mô phỏng đi đến không giống rồi đi đâu nữa? rồi đi đến lập lại, mô phỏng mà không giống. Cứ như thế, sáng tạo sẽ không bao giờ cùng. Trên thế gian này, không có cái gì là mới, kể cả những khám phá đầu tiên của nhân loại, chẳng qua là những kết quả của sự tìm tòi. Trước khi có lý luận của con người, lý luận đã hằng có trong thiên nhiên. Nhân Quả phải chăng có từ đời sống của những giọt nước, mưa xuống từ trời, sống xuyên qua đất, sống ra ao hồ sông biển rồi chết biến thành hóa chất về lại trời mây, để luân hồi trở lại theo mưa xuống đất, mỗi lần mỗi khác, mỗi mặn mỗi ngọt mỗi cay mỗi chua, mỗi đời mỗi nổi trôi. Không phải hạt nước nào cũng vậy. Có hạt thành Phật đi vào thế giới khác như H2O không còn với nhau, H theo Hydro, O theo Carbon. Khi nhập triền thùy thủ là lúc nước về trong dầu thắp sáng đêm tối, nước về trong máu nuôi sống con người và kỳ diệu thay người lại tái ra nước. Sự lập lại, mô phỏng và không giống là vòng xoay nhân quả. Quả là quả, nhân là nhân nhưng tích nhân thì quả biến mà quả biến thì nhân đổi, nhân đổi thì quả thay mà quả thay thì nhân lập lại không giống. Cuộc di hành tự nhiên này khiến quả là nhân rồi nhân là quả. Chạy một hồi, càng động càng nhanh, khiến chẳng còn phân biệt nhân quả, mất luôn nhân quả, chỉ còn cái tầm thường nhất, dễ thấy nhất là nước. Cần thiết nhất vì không có nước là hết.

   Làm thơ, nếu lập lại hay mô phỏng quá nhiều truyền thống, thường hay bị chỉ trích là cổ hủ, nếu lập lại mô phỏng từ những thế giới khác dù theo hàng ngang hay hàng dọc, thường bị chỉ trích là ngoại lai. Sự chỉ trích này đa số là những lời lẽ bình thường phát xuất từ lòng vướng bận hơn thua dù có ẩn tàng dưới những danh từ lớn như tiền đồ tổ quốc, văn hóa dân tộc. Cũng chẳng phải cả hai đều đúng nhưng cả hai cũng không sai. Ba phải chăng? Người ta thường hay nói đến dung hòa hoặc hài hòa truyền thống và hiện đại. Đấy chỉ là luận lý bên ngoài. Bên trong là kết quả tự nhiên của một tiến trình tự nhiên. Ví dụ như thế này, con bé sinh ra khỏi bụng mẹ, ở truồng. Truyền thống đầu tiên là ở truồng cho đến một lúc nào thì bị che đậy. Che quen khiến con bé tự mình biết che. Truyền thống che. Càng lớn che càng kín. Gặp thời văn minh, cái yếm thành cái xú chiêng, cái váy thành cái quần. Văn minh là sao? Là giúp cho con người dễ và mau đạt được điều họ muốn rồi am tường đứng đắn cách hưởng dụng điều đã đạt. Áo quần qua khỏi cái che thành cái diện. Truyền thống làm đẹp. Vào gần cuối thế kỷ 20, cái đẹp bỗng chốc từ kín đáo hóa ra hở hang. Họ khám phá ra chính cái thân thể mới đẹp, áo quần là phụ. Truyền thống hớ hênh. Truyền thống này và truyền thống ban đầu có nhiều chỗ lập lại nhưng có rất nhiều chỗ không giống. Chính những chỗ không giống là kết quả sự tiến bộ, là chứng tích của con người khác với thú vật, là niềm hãnh diện của Adong ăn trái cấm. Tiếc thay họ lại đổ lỗi cho Eva. Họ thường đổ lỗi cho đàn bà. Không ngạc nhiên gì khi chủ thuyết Phụ Nữ Quyền (Feminism) càng ngày càng lớn mạnh. Truyền thống nhân loại, truyền thống một dân tộc, truyền thống một con người đều diễn tiến đại khái như thế, khác nhau ở chỗ nhanh hay chậm. Chửi nhau ở chỗ tốc độ trong giới hạn của mỗi đời người. Ví dụ như cho một người gọi là cổ hủ sống 200 năm, hắn sẽ bắt kịp kẻ cách tân cùng thời đang nhảy nhót trong nhịp hiện đại. Nếu không bị trở ngại của thời gian, hai người này có thể là bạn thơ tâm giao. Tiếc là anh cổ hủ không sống quá lâu mà anh cách tân lại chết sớm.

   Bước thêm một bước thành bậc tôn sư, tiến trình lập lại, mô phỏng mà không giống là cái vòng chạy từ ngoài vào trong tâm linh. Thượng Đế là đệ nhất sáng tạo gia, giáo chủ của muôn loài, vậy mà cũng bắt chước. Điều để nói ở đây là Thượng Đế tự mô phỏng mình. Sinh ra con người mang hình ảnh của Thiên Chúa. Người làm thơ nào đã đem được những cái lập lại, mô phỏng mà không giống từ bên ngoài vào trong, từ kiến thức hóa thành kinh nghiệm, từ của ai trở thành của mình, từ truyền thống để cải cách truyền thống, thì họ là những nghệ sĩ chân chính.

   Tự lập lại, tự mô phỏng mà không giống là một tiến trình nội tâm. Nói lý thuyết thì dễ nhưng khó thực hành. Muốn lập lại hoặc mô phỏng mình là đi tìm bản ngã. Không những phải tìm mình bằng con đường siêu hình mà phải tìm thấy mình bằng con đường khoa học. Phải biết mình là ai? Tính tình thuộc loại nào? Thường suy luận và hành động như thế nào? Càng biết rõ về mình, mô phỏng càng chính xác. Tiến trình vòng tròn này xoay động không ngừng tạo thành bản lãnh của người nghệ sĩ. Không phải kiến thức cũng không phải kinh nghiệm sống mà chính là kiến thức và kinh nghiệm sống trong tiến trình kinh nghiệm sáng tạo làm cho người nghệ sĩ lớn lên. Người có lớn thì thơ mới lớn. Người có vượt thì thơ mới vượt. Vượt ra những nhân trù nhân phạm như Chúa, Phật, Thiền, bí tích, hữu thể, hư vô, thi sĩ lớn, thơ bất tử, thơ yểu mạng, thơ cũ, thơ mới,.. v..v.. gọi chung là tự điển mà chỉ còn Chúa, Phật, Thiền, bí tích, hữu thể, hư vô, thi sĩ lớn, thơ bất tử, thơ yểu mạng, thơ cũ, thơ mới,.. v..v..trong cách sống bình thường. Tôi chỉ có cảm thấy như vậy thôi. Trong thực tế tôi cũng loay hoay tự mô phỏng mình nhưng khi nhìn lại thì thấy mình đang mô phỏng kẻ khác. Trực giác thì chưa đáng tin. Cảm thấy thuộc về tình cảm thì càng không nên xem là trọng. Ví dụ như lúc yêu nhau đi đâu cũng đưa đón chở chuyên, ly dị rồi thấy hư xe dọc đường cũng không dừng lại.

   Cảm thấy tiếp là người làm thơ nên tự mô phỏng mình cho đúng, cho hay, cho đẹp. Càng mô phỏng mình sâu sắc thì càng làm sáng tỏ cá tính riêng. Mô phỏng cho giống cùng cực thì tự nhiên sẽ không giống ai cả vì chẳng bao giờ có hai cá tính hoàn toàn giống nhau. Tài danh của mỗi thi sĩ bắt đầu từ mỗi cá tính. Có cá tính động, đam mê, quái gở lại có cá tính tĩnh, thâm trầm, bí mật. Có cá tính như lửa lại có cá tính như đất. Có kẻ lý tưởng, có người thực tế. Do đó từ sự lập lại mô phỏng bên ngoài vào đến bên trong là một giai đoạn biến dạng của người nghệ sĩ. Như một con lạc đà chở nặng kiến thức và kinh nghiệm đi vào sa mạc, bền bỉ nhẫn nại chờ biến thành sư tử, trở thành vua của loài thú, chủ nhân của một cõi thơ riêng.

   Thơ đạt cá tính thì khác nhau. Cá tính khắc thì tự nhiên xung đột. Huống chi trong trạng thái sư tử, khó ở một rừng. Sư vương thơ cũ và sư vương thơ mới đều là sư vương. Tuân giữ truyền thống, cải cách từ tốn, triết lý cái búa đã phá thần tượng, cách mạng thi ca... đều có gốc rễ từ cá tính. Muốn khác cũng khó được. Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời. Người nghiêm thì thơ trang trọng, người đùa thì thơ diễu cợt. Hai người chơi với nhau thì người này giúp người kia vui tươi, người kia giúp người này bớt lố bịch. Hai người chửi nhau thì không thay đổi được gì. Trong thực tế người làm thơ khác nhau thường không ưa nhau, thường chê nhau, thơ không hay hơn mà tình bằng hữu thì dở hơn.

   Sáng tạo là một hành động. Hành động phát ra từ một quyết định. Quyết định là kết quả chọn lựa của suy luận. Suy luận cách nào là tùy thuộc vào cá tính và sự tu luyện. Nói cách khác, sự nghiệp thơ của mỗi thi sĩ là kết quả của hành động làm thơ do sự chọn lựa và suy luận.

Ngu Yên