"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do "

** Phan Bội Châu **

Thơ Và Thơ Xuất Thần

Lời nào thơ?

Lời nào thơ xuất thần?

Có phải lời có vần, lời chải chuốt, lời mơ màng, lời lãng mạn, lời nằm trong khung Lục Bát, Ngũ Ngôn, Song Thất..........là lời thơ?

Có phải lời đã xuống trong thơ mà không thể thay đổi được....... là lời thơ xuất thần?

Hoặc thứ gì khác hơn lời đã biến chữ nghĩa thành thơ?

Hoặc vì thi sĩ có khả năng xuất thần đặc biệt tự dưng biết lời lẻ nào là thơ để viết xuống ?

Từ góc nhìn của thưởng ngoạn, hai loại thơ: Thơ Phổ Cập (Thơ Phổ Thông) và Thơ Chọn Lọc (Thơ Nghệ Thuật). Nói nôm na, Thơ Phổ Cập là thơ dành cho đại chúng. Với thi tính dể dải, dể hiểu và một tâm sự nồng nàn, thơ Phổ Cập dể dàng thuyết phục người đọc. Trong khi thơ Chọn Lọc khó hiểu hơn, đè nén tình cảm, cô đọng văn phong với nhiều ẩn ý và biến tứ, khiến cho nhiều thành phần thưởng ngoạn bình thường khó ưa thích. Trên chiếu văn chương, thông thường thơ Chọn Lọc được xem là cao cấp hơn.

Có thể cao hơn nhưng chưa chắc hay hơn hoặc có giá trị hơn. Mỗi loại thơ đều có thể "sống lâu" do giá trị của sáng tác. Bài thơ, tượng chất, chỉ là văn bản, một mãnh để ráp thành toàn hình.

Đọc thử câu truyện này:

Nàng có ba người anh đi bộ đội. Những em nàng có em chưa biết nói, khi tóc nàng xanh xanh. Tôi người Vệ quốc quân xa gia đình. Yêu nàng như tình yêu em gái. Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo mới. Tôi mặc đồ quân nhân đôi giày đinh bết bùn đất hành quân.

Nàng cười xinh xinh bên anh chồng độc đáo. Tôi ở đơn vị về cưới nhau xong là đi. Từ chiến khu xa, nhớ về ái ngại. Lấy chồng thời chiến binh, mấy người đi trở lại. Nhỡ khi mình không về thì thương người vợ chờ bé bỏng chiều quê…

Nhưng không chết người trai khói lửa mà chết người gái nhỏ hậu phương. Tôi về không gặp nàng. Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối. Chiếc bình hoa ngày cưới thành bình hương tàn lạnh vây quanh. Tóc nàng xanh xanh ngắn chưa đầy búi. Em ơi giây phút cuối không được nghe nhau nói, không được trông nhau một lần.

Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím, áo nàng màu tím hoa sim. Ngày xưa một mình đèn khuya bóng nhỏ nàng vá cho chồng tấm áo ngày xưa…

Một chiều rừng mưa, ba người anh trên chiến trường đông bắc, được tin em gái mất trước tin em lấy chồng. Gió sớm thu về rờn rợn nước sông, đứa em nhỏ lớn lên ngỡ ngàng nhìn ảnh chị. Khi gió sớm thu về cỏ vàng chân mộ chí.

Chiều hành quân, qua những đồi hoa sim. Những đồi hoa sim, những đồi hoa sim dài trong chiều không hết. Màu tím hoa sim, tím chiều hoang biền biệt.

Có ai ví như từ chiều ca dao nào xưa xa. Áo anh sứt chỉ đường tà. Vợ anh chưa có mẹ già chưa khâu. Ai hỏi vô tình hay ác ý với nhau. Chiều hoang tím có chiều hoang biết. Chiều hoang tím tím thêm màu da diết. Nhìn áo rách vai, tôi hát trong màu hoa: Áo anh sứt chỉ đường tà, vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu…

(Trích trên http://www.thica.net/2008/02/04/mau-tim-hoa-sim/)

Màu Tím Hoa Sim là một bài thơ Phổ Cập. Kể một tâm sự, một chuyện tình thời chiến, dể hiểu và dể cảm. Dể động lòng người đọc như bài Hai Sắc Hoa Ty Gôn (TTKH), Tha La Xóm Đạo (Vũ Anh Khanh), Hoa Trắng Thôi Cài Lên Áo Tím (Kiên Giang)...... Bài này được viết lại theo thể văn xuôi, để dễ thấy "tính truyện".

Kể những chuyện buồn, chuyện mùi, chuyện lãng mạn thành thơ, nhất là sử dụng lời lẽ giản dị hoặc bình dân, là những bài thơ đại biểu chiếm đa số thơ Việt, kể từ thời đại Thơ Mới. Đặc điểm của loại thơ này là có "tính tình" của văn xuôi và "linh hồn" của truyện.

Rồi đọc bài này:

LỮ KHÁCH BLUES

khách điếm tầng cao
những chân trời lạ
từng canh khuya hao mòn
từng cơn say cô đơn
    trăng tròn Athena
    sơ huyền Bá Linh
    rằm Luân Đôn
chuyến tàu ngày đêm quanh quẩn Âu châu
trong túi du lịch
ngổn ngang bia lon bạc cắc
bán dollar mua pound
bán pound mua euro
giã từ biên giới này bắt tay màu cờ khác
đổi tiền nước này xài tiền nước khác
không
đổi
được
nỗi
sầu

Một mãnh tâm sự cô đơn, buồn buồn của du khách chuyển sang tình ngậm ngùi nhân sinh như trên đường về nhớ đầy. Khói huyền bay lên cây (Chiều. Hồ Dzếnh). Thi sĩ Chân Phương đã dụng tứ thời trang hơn, blues hơn và khúc mắc hơn. Tâm tình không nhẹ như khói mà ngổn ngang như bia lon bạc cắc. Khó hiểu hơn. Chọn lọc người đọc hơn. "giã từ biên giới này bắt tay màu cờ khác", câu thơ đến thật bất ngờ.

Những bài thơ diễn đạt một ý niệm, một nhân sinh quan, một thao thức của tư tưởng....Nói chung là trừu tượng, đôi khi là vô hình. Tóm lại là những điều cao hơn hoặc sâu hơn những chuyện bình thường. Thi sĩ thường sử dụng những ý tứ rời rạc nhưng có ý nghĩa để liên kết hoặc liên tưởng đến điều muốn nói. Ý tứ cần phải đi đôi với cảm súc, nếu không, loại thơ này dễ trở thành những ẩn dụ. Những bài thơ loại này vượt qua tầng căn bản nhưng thường ít hẹn hò với thưởng ngoạn.

Từ góc làm của sáng tác, khi làm thơ, nhà thơ ở trong hai trạng thái. Bình thường là trạng thái ý thức. khi bắt đầu bài thơ, sự hiểu biết và kinh nghiệm hoàn toàn kiểm soát. Nhà thơ sắp đặt ý tưởng, dàn dựng ý tứ, chọn lựa ngôn từ. Kể lại một câu truyện. Trình bày một ẩn dụ. Lý luận một thao thức. Diễn đạt một tâm sự....... Ở trạng thái này, cao kỳ nhất là nhà thơ tạo ra những lớp nằm dưới bề mặt của bài thơ. Những tầng lớp làm cho thơ thêm những chiều sâu.

Trong tình trạng này, thơ cần phải có sự rung động. Rung động là cảm súc trong khả năng diễn đạt. Nếu thiếu vắng rung động, bài thơ sẽ là không thơ.

Nếu chỉ để kể lể tình cảnh, tâm sự, thơ khó qua mặt tùy bút, tản mạn, truyện.....

Nếu chỉ để trình bày quan niệm, nhân sinh, tư tưởng, thơ khó qua mặt văn lý luận....

Nếu chỉ để hô hào, cổ động, thơ khó qua mặt những bài diễn văn.....

Nếu chỉ để giải trí, thơ khó qua mặt chuyện khôi hài.....

Thơ qua mặt những họ hàng văn vẽ ở chỗ sự diễn đạt do cảm súc dẫn đưa. Hoặc cảm súc bộc lộ hoặc cảm súc dồn nén đều mang đến những tứ diễn "khác thường" hoặc bình thường mà hấp hút.

Rung động trong văn chương có thể tượng hình bằng bật một cọng thép mỏng đã kẹp chặt một đầu. Bạn sẽ nghe tiếng rung. Sự rung bắt đầu nhỏ rồi lớn dần. âm thanh càng lúc càng lớn, càng to. Khi đạt được chỗ cao nhất, lớn nhất sẽ bắt đầu nhỏ lại cho đến khi chấm dứt.

Đoạn đầu của rung động thông thường thích hợp cho văn xuôi trong thể truyện, tản mạn, kể lể, thậm chí là văn nghị luận, diễn thuyết.

Rung động cao hơn thường dẫn văn xuôi vào những tùy bút, đọc như thơ. Bạn sẽ tìm ra rất nhiều đoạn văn kiểu này trong tùy bút của Nguyễn Tuân, Mai Thảo, Nguyễn bá Trạc......

Cao hơn nữa, rung động tự dưng phối hộp với lời lẽ, ngôn từ, phong thái văn vẽ của một người để phát thành thơ. Nếu không hội đủ sức rung của cảm súc, thơ còn lại sẽ là chữ nghĩa lạnh ngắt. Đọc cảm thấy sệu sạo, nuốt khó trôi. Đó là một trong vài lý do mà người ta nói rằng, khi làm thơ thất bại, bạn sẽ viết văn. Khi viết văn thất bại, bạn sẽ viết nghiên cứu phê bình.

Khi một bài thơ được sắp đặt theo truyện, theo lý luận, theo ý tưởng bằng ý thức mà thiếu cảm súc, cho dù chí cao, ý lớn, suy tư sâu sắc cũng sẽ là không thơ. Đọc giả sẽ nhận được sự không "tự nhiên", mà "vất vả", mà "chờ đợi hồi âm". Thời gian sẽ chôn vùi những bài nào không phải là thơ. Đây là định luật luôn luôn có hiệu lực trong cõi thi ca.

Từ trạng thái bình thường của làm thơ, thi sĩ sẽ bước vào những giây phút "xuất thần". Trạng thái xuất thần không phải lúc nào cũng xuất hiện trong tiến trình làm thơ. Kể cả khi nó xuất hiện, người làm thơ cũng không biết. Nếu biết thì không thể gọi là xuất thần.

Trong trạng thái ý thức đang miệt mài đắm chìm vào chữ nghĩa, CHỢT những ý tứ đột ngột chớp chớp. Ý tưởng, hình ảnh, ẩn dụ, ý thơ, tứ thơ... rùng rùng kéo tới. Thi sĩ say sưa không còn biết gì. Ghi xuống, chép xuống. Không cần phải sửa chữa. Không còn chọn lựa như trong giai đoạn ý thức. Người làm thơ bị hoàn toàn cắt đứt những liên lạc, những giao thông với thế giới bên ngoài. Trong khoảng khắc miên mang, say mê đó, CHỢT lóe lên một câu thơ, vài câu thơ, đoạn thơ.... xuất thần.

".... Những kẻ xuất chúng là những kẻ có những cội rể thiên tài bắt nguồn từ cõi vô thức. Không một người nào trong trạng thái hữu thức có thể có những ý nghĩ xuất chúng. Những người xuất chúng và những người điên giống nhau ở điểm này ... " ( Platon trong tác phẩm Republic. Trích Câu Chuyện Triết Học. Trí Hải và Bửu Đích dịch).

Điểm tâm

Trà đựng trong bình trí nhớ câm
Rót nghiêng từng ngụm nỗi đau thầm
Hoà chung cùng ngụm đau trời đất
Là mỗi ngày ta mỗi điểm tâm

(Mai Thảo)

Mắt buồn

Bỏ trăng gió lại cho đời
Bỏ ngang ngửa sóng giữa lời hẹn hoa
Bỏ người yêu, bỏ bóng ma
Bỏ hình hài của tiên nga trên trời
Bây giờ riêng đối diện tôi
Còn hai con mắt khóc người một con

(Bùi Giáng)

Tống Biệt Hành

Đưa người, ta không đưa qua sông
Sao có tiếng sóng ở trong lòng

Bóng chiều không thẳm, không vàng vọt
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?

Đưa người ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng...

(1940. Thâm Tâm)

Những câu thơ có gạch dưới là những câu thơ xuất thần. Thông thường sẽ tới sau những câu thơ được ý thức dẫn vào. Câu thơ chữ đậm là câu giao thoa lúc vô thức bắt đầu chiếm lỉnh hành trình sáng tác. Những câu thơ, những đoạn thơ xuất thần sẽ làm cho bài thơ có giá trị độc đáo, đặc thù và độc nhất. Bài Tống Biệt Hành nếu không có hai câu Bóng chiều không thẳm không vàng vọt. Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong, thì bài thơ còn lại là sự dàn dựng của ý thức và khẩu khí của người bất đắc chí. Không có, Còn hai con mắt khóc người một con, thì bài thơ Mắt Buồn khó được lưu truyền. Không có câu, ngụm đau trời đất... mỗi điểm tâm, thì bài thơ này khó được Mai Thảo tuyển đăng vào lúc cuối đời.

Thơ Phổ Cập và thơ Chọn Lọc, không phải thơ nào hay hơn thơ nào, thơ nào giá trị hơn thơ nào mà bài thơ nào cưu mang được thơ xuất thần, bài thơ đó có khả năng trường thọ.

Vì sao có thi sĩ quan niệm là làm xong một bài thơ thì nên sửa chữa nhiều lần. Thậm chí như thi sĩ Charles Simic nói rằng cho dù bài thơ đã đăng ra đại chúng, ông vẫn tiếp tục sửa....có lẽ cho đến lúc vào quan tài... vẫn còn sửa. Trong khi có thi sĩ khác cho rằng, không nên sửa thơ vì sẽ làm mất đi "nhan sắc" "linh hồn" của bài thơ nguyên thủy. Đa số những nhà thơ trong phái Siêu Thực không quan tâm đến việc sửa thơ. Có người còn giữ nguyên chữ nghĩa lúc ban đầu cho dù về sau nhận thấy sai lầm.

Dù có lý luận thế nào cũng không thể bác bỏ qui luật không ai biết đứa con hơn cha mẹ của nó. Nhất là những bậc phụ huynh có bản lãnh. Tôi nghĩ rằng, thi sĩ biết thơ mình rõ nhất. Nếu không, có lẽ đang còn là thi sĩ hàm thụ. Sáng tác bao gồm cả làm thơ và sửa thơ của mình.

Sửa như thế nào, sửa thơ nào, thường được cho là một nghệ thuật trong sáng tác. Thưa, không cần phải bí hiểm quá. Sau khi bài thơ thành hình và chấm dứt. Thi sĩ sẽ tự nhận biết những câu thơ nào là những câu thơ, những cụm chữ đã đến trong trạng thái xuất thần. Những thơ này không nên sửa. Cho dù không chỉnh, không vừa ý, nhưng thơ này có giá trị đặc thù, có duyên phận của riêng nó. Nhưng nên sửa những thơ đã được dàn dựng và diễn đạt bởi ý thức. Hãy sửa ánh sáng của ngọn đèn. Đừng sửa ánh sáng của mặt trời, ánh sáng của trăng sao.

**********

Vô thức và trực giác là hai yếu tố chính của xuất thần. Như bật cái hộp quẹt máy Zippo, nếu không có đá lửa làm xẹt lửa để bắt vào tiêm, sẽ không có ngọn lửa. Nếu không có xăng trong hộp quẹt, đá xẹt lửa cũng không có gì. Ví vô thức như xăng. Ví trực giác như xẹt lửa.

Steve Martin:“The conscious mind is the editor, and the subconscious mind is the writer. And the joy of writing, when you’re writing from your subconscious, is beautiful — it’s thrilling. When you’re editing, which is your conscious mind, it’s like torture. And I’ve just kind of decided that anytime it’s torture, I want to stop. I’ll just put it down and wait until it becomes not torture.”

[NY Times, 8.8.99]

"Ý thức ví như người biên tập, mà tiềm thức chính là nhà văn. Mà khi bạn sáng tác từ tiềm thức, thì niềm hoan lạc viết lách ấy đẹp và quả là xúc động. Trong khi dùng ý thức bạn để biên tập thì giống như là tra khảo hành hạ . Và bất cứ khi nào tôi thấy đó là khảo tra, tôi muốn ngừng ngay. Tôi bỏ qua để chờ đến lúc nó không còn trở thành cuộc tra tấn nữa”. (ĐM Đ, một người bạn đã giúp tôi chuyển ngữ câu nói này hay hơn là câu của tôi. Xin mượn)

Bắt đầu từ phái nghệ thuật Đa Đa, 1916-1922, người tây phương đã chú tâm đến ảnh hưởng của vô thức trong sáng tác. Qua đến phái Siêu Thực, 1920, sáng tác chẳng những đến từ vô thức mà còn đến từ môt thành phần của vô thức, đó là giấc mơ. Nhưng có lẽ phải đợi cuốn sách Becoming a Writer của bà Dorothea Brande, 1934 thì sự tương quan giữa vô thức và sáng tác mới được khoa học hóa. Từ đó, sử dụng vô thức và giấc mơ vào việc sáng tạo văn chương là một bộ môn học về sáng tác.

Phần lớn của vô thức là bất khả tri. Tuy nhiên khoa tâm lý, khoa não bộ, khoa thần kinh, khoa bệnh lý đã tìm thấy nhiều công dụng của vô thức. Người ta cho biết tất cả trí nhớ của người không hề bị mất. Tất cả tồn trữ trong vô thức, chỉ cần sự khơi động đúng lúc thì dỉ vãng sẽ xuất hiện. Bà Brande gọi vô thức là kho tàng kết xù của trí tưởng, tình cảm, cảnh tượng, nhân vật, sinh hoạt, quan hệ đời sống nhưng không dể gì mở được kho tàng này.

Tri thức là vừa là con đường vừa là công cụ để đến với vô thức. Một khi người viết đã bắt được vào vô thức, tri thức người đó phải làm một số công việc như kiểm soát, chọn lọc, liên tưởng, tổng kết những dữ liệu đến từ vô thức.

Đặc biệt đối với người sáng tác, bà Brande cho rằng vô thức của họ "thấy" được điều gì nên xuất hiện ra trên giấy mực. Vô thức tạo ra một loại ngôn ngữ "vô thức" khác với ngôn ngữ của ý thức. Do đó, thơ văn có nhiều câu, nhiều đoạn, nhiều tứ, nhiều ý và nhiều chữ mang ý nghĩa vượt qua ý nghĩa thông thường tạo ra những lớp sâu, chiều sâu của thơ văn.

Vô thức là kho tàng vô tận. Tùy vào mỗi người sáng tác có khả năng sử dụng được bao nhiêu. Nếu không phải là khả năng bẩm sinh hoặc là khả năng chưa được bộc lộ thì luyện tập là một phương pháp cần thiết để mở cửa kho tàng này.

"When I’ve needed something for a story, the subconscious has kept working and sent up a relevant dream, like getting a message in a pneumatic tube". (Stephen King).

"Khi tôi cần tìm kiếm điều gì cho câu chuyện, tiềm thức tác động và làm bừng lên một giấc mơ thích đáng, giống như nhận được một thông điệp qua ống chuyền khí áp.” (Mượn cuả ĐMĐ).

Tác phẩm Writer Dreaming của Naomi Epel (Bookman Press. Melbourne, 1993) là một tác phẩm ghi nhận những câu trả lời của nhiều nhà văn, nhà thơ chú trọng việc sáng tác từ giấc mơ. Họ cho rằng những hình ảnh, câu chuyện, nhân vật, kể cả những luận lý xảy trong giấc mơ sẽ giúp cho người viết biết rõ về mình hơn, hiểu được hơn về sự quan hệ giữa mình với đời sống hàng ngày...Những mảnh vụn vặt, những hình ảnh bất ngờ, những thứ không đầu không đuôi trong mơ, có khi là những chìa khóa để giải quyết những khó khăn đang dằn vặt.

Behind every dream there's a desire. Desire is the small seed underground. When the seed begins to sprout and lay its roots, desires begin to grow into dreams.

Underground and invisible to the world, and sometimes even to you, you may not be completely aware of your deepest desires. However with the right elements (soil, sun, water) they begin to sprout into dreams. Then they slowly grow into your reality. (Elizabeth Towne).

Bên trong mỗi giấc mơ là một mong muốn. Mong muốn như hạt giống trồng vào đất. Khi hạt nảy mầm đâm rễ, mong muốn sẽ bắt đầu lớn lên trong giấc mơ.

Ngấm ngầm và vô hình đối với thế giới bên ngoài, đôi khi chính bạn cũng không hoàn toàn biết hết những mong muốn sâu thẳm trong bạn. Tuy nhiên với những yếu tố thích hợp (đất, nắng, nước) những mong ước sẽ mọc vào giấc mơ. Rồi sẽ từ từ phát triển vào thực tại.

Viết từ vô thức, viết từ cơn mơ đã có một thời chiếm ngự Âu châu với lối viết tự động. Bây giờ, kỹ thuật này đã quá vãng nhưng tinh thần vẫn tồn tại trong sáng tác.

Thơ và vô thức, Sonia Sanchez "Poetry is subconscious conversation; it is as much the work of those who understand it and those who make it". "Thơ là cuộc chuyện trò của vô thức. Người thưởng ngoạn và người sáng tác đều phải gia công như nhau"

Chắc bạn còn nhớ chuyện cọng kẽm mõng bật lên nghe âm thanh rung động. Khi độ rung phát triển vào giai đoạn chót, mãnh liệt và vang dội, đó là lúc thơ xúc tác với vô thức và trực giác khởi động thơ xuất thần.

Trực giác sáng tác là gì?

- The only real valuable thing is intuition. Albert Einstein. Trực giác là thứ duy nhất có giá trị thực sự.

- Intuition comes very close to clairvoyance; it appears to be the extrasensory perception of reality. Alexis Carrel. Trực giác đến gần giống như một khả năng thấu suốt. Nó xuất hiện như một cảm nhận lạ thường của tri thức về thực tại.

- Intuition is like a slow motion machine that captures data instantaneously and hits you like a ton of bricks. Intuition is a knowing, a sensing that is beyond the conscious understanding ? a gut feeling. Intuition is not pseudo-science. Abella Arthur. Trực giác như một cái máy đang hoạt động chậm rãi để thu nhập những dữ kiện tức thời và đập vào bạn một cú ngàn cân. Trực giác có phải là một cảm nhận vượt qua sự hiểu biết của ý thức? hay là một cảm nghĩ xác đáng? Trực giác không phải là khoa học giả tạo. (giả ngụy khoa học) (*).

- You must train your intuition - you must trust the small voice inside you which tells you exactly what to say, what to decide. Ingrid Bergman. Bạn cần phải luyện tập trực giác của bạn. Hãy tin tưởng vào tiếng nói thì thầm bên trong đang dặn dò bạn phải nói điều gì, quyết định việc gì.

- You have to leave the city of your comfort and go into the wilderness of your intuition. What you'll discover will be wonderful. What you'll discover is yourself. Alan Alda. Bạn phải rời bỏ cái thành phố tiện nghi của bạn để đi vào nơi hoang dã của trực giác. Những điều bạn khám phá sẽ kỳ diệu. Những gì bạn khám phá ra chính là bản thân.

Không chỉ trong văn chương, mọi ngành, mọi nghề, mọi khía cạnh của đời sống đều cần trực giác. Trực giác và linh cảm khác nhau. Linh cảm là cảm biết chuyện sắp, đang hoặc đã xảy ra. Trực giác là khả năng thẩm thấu những gì đang bị che đậy bởi ý thức. Trực giác là một khả năng có tính cách siêu việt, nhạy bén và bất thần, đưa ra những ý nghĩ, ý tưởng, luận lý, hình ảnh, ngôn từ mà bình thường không sao bắt gặp. Trực giác mang bản chất sáng tạo và thiêng liêng.

Trực giác làm cho thơ xuất thần. Sự xuất thần làm cho thơ sống động, mới mẻ và văn vẻ hơn. Giá trị của bài thơ nằm ở chỗ xuất thần.

Trực giác có thể luyện tập được không? - Có.

Trong những lớp học sáng tác thơ ở Tây phương, người ta học cách khơi động trực giác. Học cách làm cho nó nhạy thoát hơn. Học lắng nghe những tiếng nói thầm trong trí tưởng. Thật ra, không cần phải quá khó khăn. Cởi những luật chơi, qui tắc sống của xã hội xuống. Để tâm hồn trần truồng thoải mái. Lắng nghe tiếng nói của tự do thì thầm. Tiếng nói không quan tâm đến khen chê, không chú trọng hay dở, không ý đồ. Hãy lắng nghe tiếng nói của đam mê, của thoát lụy. Tiếng nói chỉ nói một lần, rồi thôi. Nghe không rõ, chép không kịp, là mất cơ hội. Nếu đã trần truồng mà không nghe tiếng nói nào thì hãy mặc áo quần vào. Sống tiếp. Không cần phải cố gắng viết.

Vì sao người xưa làm thơ đặt ra luật 4 câu, 8 câu..? Mỗi câu có 4 chữ, 5 chữ, 7 chữ...? Vì sao thơ Hài Cú, hầu như chỉ ba câu hoặc ít hơn? - Có lẽ vì người ta muốn giới hạn những thứ Thơ bình thường. Giới hạn những kể lể dài dòng của tình cảm. Giới hạn những dàn dựng không cần thiết của ý thức. Từ những giới hạn bó buộc này, những điều thơ bị "dồn nén" sẽ phát tiết.

Một trong kỹ thuật dùng làm thơ là "Cô đọng". Có thể hiểu là giảm những thứ Thơ không cần thiết đến mức tối đa. Chỉ nên chọn những lời lẽ, ý tứ Thơ vừa đủ, để nuôi cơ hội cho trực giác sáng tác.

Cô động không có nghĩa là khó hiểu. Những nhà thơ sáng tác thơ khó hiểu chỉ có ba loại:

  1. Vì tư niệm những điều cao xa, sâu thẳm nên khi viết ra, người bình thường không đủ khả năng thẩm thấu.
  2. Vì chính tác giả cũng không hiểu thấu, hiểu rõ nên khi viết ra trở thành khó hiểu. Nếu mình không hiểu điều mình muốn nói thì làm sao người khác nghe mình nói lại có thể hiểu được.
  3. Tệ hại nhất là những người làm thơ cố làm cho thơ mình khó hiểu. Ghép chữ. Lên hàng xuống hàng túi bụi. Ý thơ, tứ thơ mờ mịt. Thường khi người làm thơ khó hiểu vì muốn người khác nghĩ rằng họ làm thơ cao kỳ.

Trong thơ Khó Hiểu chỉ có loại đầu tiên là được sắp vào thơ tư tưởng, thơ Thiền. Hai loại sau, mua vui cũng được một vài trống canh.

Vào cuối thế kỷ 19, khi âm nhạc tây phương tràn ngập vào Việt Nam, khi luồng gió cải cách xã hội và đời sống ào ào thổi, nhạc cổ Việt Nam vấp nhiều khó khăn để có thể tồn tại.

Truyền thuyết chăng? Họ kể rằng: Ở Trường Thế, Kim Châu thuộc tỉnh Bình Định, có một người danh thủ Độc Huyền Cầm. Không ai biết tên thật của ông, người quanh xóm gọi là ông Hai Nhạc. Tuy mù nhưng tiếng đàn của ông quả thật là có một không hai. Những nhạc sĩ tây phương cũng rất thán phục. Đàn chỉ có một dây mà ông độc tấu bài quốc ca Pháp trong một buổi tiếp đón nhà Toàn Quyền đến từ Sài Gòn, tại sảnh đường Qui Nhơn.

Một chàng thanh niên trong Nam nghe danh ông, ra Trung xin làm đệ tử. Anh cũng là một tay đàn có tiếng tại Cần Thơ. Theo học đã 15 năm, anh vẫn không thể nào đạt đến mức Tam Hoa Tụ Đỉnh. Tức là tai nghe, tay đàn và hơi thở giữ nhịp. Học nghệ chưa thành nhưng anh lại thành công vì đã chiếm được lòng yêu thương của cô con gái rất đẹp bên hàng xóm.

- Này anh, anh đã theo thầy ngót 15 năm rồi. Thầy đã không còn gì để chỉ dạy cho anh. Đêm nay, đêm gió lớn, anh hãy chơi đàn cho thầy nghe.

- Thưa Thầy, con xin bắt đầu....................................

- Tai anh chưa chỉnh được âm. Tay anh chưa buông được thanh. Hơi thở anh chưa hòa được nhịp...

- Thưa Thầy, đàn trong gió lớn quả là khó khăn. Gió thổi âm ra khỏi tai. Gió kéo tay khi diễn thanh. Gió ép ngực dồn hơi thở.

- Anh hãy nghe tiếng đàn của thầy. Gió ở đâu vậy?

- Thưa thầy, xin hãy chỉ dạy cho.

- Nhắm mắt lại. Hãy quên đi kỹ thuật khảy đàn. Hãy quên đi nghệ thuật chơi đàn. Hãy quên đi cả chính anh. Hãy để gió thổi bay. Bay đi. Bay vần vù theo gió. Bay như một mãnh giấy đã bị lãng quên. Đừng đánh nhạc. Hãy để nhạc đánh tâm hồn anh. Đừng nghe nhạc. Hãy để nhạc nghe tiếng thì thầm trong anh. Đừng sáng tác nhạc. Hãy để nhạc mang sáng tác vào trái tim anh.

- Thưa Thầy, làm sao con có thể đạt được những điều này.

- Muốn được cái này thì phải mất cái kia. Cái được càng lớn. Cái mất càng lớn hơn. Cái mất sẽ làm ta hối hận. Cái được sẽ làm ta thất vọng. Đó cũng là nguồn cơn của âm nhạc. Năm xưa ta cũng sáng mắt như anh. Cũng chỉ đàn như anh mà thôi. Anh có chịu hy sinh đôi mắt không?

- Thưa Thầy, con muốn được tấu đàn đến mức tuyệt bích. Con sẵn sàng theo thầy.

- Đây là viên thuốc của sư phụ thầy để lại. Con chỉ cần uống vào. Hôm sau mắt sẽ mù.

Một mình ngồi giữa đêm sâu. Người thanh niên nhìn ngắm mọi vật lần cuối. Lúc gần sáng, khi tiếng gà đầu tiên vừa gáy, anh đưa viên thuốc lên môi. Ngay giây phút đó, chợt anh thấy được khuôn mặt của người yêu. Khuôn mặt từ trí tưởng rơi dần vào trái tim. Anh thấy được cuộc đời còn lại của người đàn bà đang sống với thầy anh mấy mươi năm qua. Tự dưng, viên thuốc ngẩn ngơ....

Theo ý bạn, anh có nên uống viên thuốc mù này không?

Ngu Yên