"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do "

** Phan Bội Châu **

 

Chuyển Dịch Ảnh Trong Thơ

 

Càng suy nghĩ về chuyển dịch thơ, tôi càng có cảm giác, có lẽ chuyển dịch bằng hình ảnh sẽ giải quyết được phần nào vấn nạn: Khó hiểu hoặc khó cảm của một bài thơ dịch. Chỉ nghĩ thôi, không có gì chứng minh.

Dĩ nhiên, có những dịch giả thơ rất nghiêm túc và rất tài tình, ví dụ như nhà văn Diễm Châu, ông là một trong những người dịch thơ tài hoa. Một số dịch giả khác mà tôi ngưỡng mộ ví dụ như ông Thân Trọng Sơn, Nhà văn Nguyễn Nam Trân, Ông Hoàng Ngọc Biên, Thi sĩ Hoàng Hưng, Thi sĩ Chân Phương, Nhà văn Nam Dao,...v...v..Những bạn dịch của tôi như nhà thơ Lý Ốc BR, nhà thơ Vũ Tiến Lập, nhà thơ Nguyễn Hoàng Nam, nhà thơ Thận Nhiên.v..v..... và còn nhiều dịch giả nữa nhưng không thể viết hết tên vào bài viết ngắn này. Những người dịch đã bỏ công mang đến cho văn chương Việt biết bao lời hay ý đẹp hữu ích. Giúp cho người không có thời giờ, không có cơ hội, không am tường sinh ngữ, những món ăn tinh thần hiếm quí. (Khi tôi còn trẻ, lớn lên với văn chương miền Nam. Phần lớn không phải Sáng Tạo, không phải Võ Phiến, Bình Nguyên Lộc....mà chính là những truyện, sách dịch và sách của Nguyễn Hiến Lê. Tôi vô cùng biết ơn những dịch giả mà xấu hổ thay, tôi không còn nhớ tên.)

Nhưng đa phần những bài thơ ngoại, khó hiểu, khó cảm không phải vì người dịch mà vì bản thân bài thơ mang nhiều ý tưởng, nhất là hình ảnh, xa lạ đối với người đọc Việt ngữ. Cá tính ngôn ngữ ngoại về văn phạm và cách diễn đạt theo phong thái ngoại vẫn là trọng tâm tranh cãi của chuyển dịch. Nhất là truyền thống văn phạm của mỗi ngôn ngữ; cách truyền thông theo tập quán và thói quen của mỗi dân tộc, sẽ là trở ngại hầu như muôn thuở cho chuyển dịch, nhất là dịch thơ. Dịch sát những cá tính này, người Việt khó cảm cho dù có thể hiểu bài thơ.

Từ kinh nghiệm của hội họa và nhiếp ảnh, hình ảnh là một loại ngôn ngữ toàn cầu. Yếu tính này cho thấy hình ảnh diễn tiến trong câu thơ, bài thơ qua chữ nghĩa là một đoạn phim câm trong tưởng tượng.

Từ tầm nhìn căn bản nói trên, tôi đi tìm cách chuyển dịch thơ qua chuyển dịch hình ảnh.

( Tôi ghi lại những suy nghĩ này với ý định làm rõ với bản thân trên chữ nghĩa vì chỉ suy nghĩ mông lung, thường dẫn đến mù mờ. Thứ hai, giữ những điều này để xem lại con đường đã đi, bao xa, lạc lối chỗ nào, hướng nào đang bước đến? Hoàn toàn là dọ dẫm, sờ soạn, cứ bắt đầu như vậy.)

Bắt đầu từ hôm nay, 15 tháng 10 năm 2014, tôi sẽ chú trọng đến:

- Ảnh hoặc dãy ảnh tương đương giữa hai ngôn ngữ.

- Ảnh hoặc dãy ảnh đồng dạng giữa hai ngôn ngữ.

- Ảnh hoặc dãy ảnh biểu tượng, tượng trưng của ngôn ngữ nội đối với ngôn ngữ ngoại.

- Ảnh hoặc dãy ngôn ngữ nội có khả năng giải thích ảnh hoặc dãy ảnh khó hiểu hoặc đặc thù của ngôn ngữ ngoại.

- Chú thích những sự việc đặc biệt hoặc không chuyển dịch được.

Dĩ nhiên tất cả hình ảnh nói trên, đều cưu mang trong văn tự hoặc câu cú diễn đạt. Dĩ nhiên không phải lúc nào cũng cần phải chọn lựa hình ảnh. Những câu thơ THƯỜNG, đọc xong, hiểu liền. Chỉ phải suy tư khi gặp những câu thơ THẤM và câu thơ THẤU. Nhất là những câu thơ Thấm, thường phải dụng hình, dụng biểu tượng. Những ẩn ngữ hoặc ẩn tứ trong câu thơ Thấm khiến cho việc chuyển dịch thường gặp trắc trở. Những câu thơ Thấu, có khi rất dễ nhưng có khi rất khó vì nó đến từ trực giác của mỗi dân tộc, thể hiện qua ngôn ngữ. Ví dụ câu thơ của Nguyễn Du, "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay." Chuyển dịch câu này qua ngôn ngữ khác, dễ lâm vào chuyện "Canh gà thọ xương." Vì vậy, sự chính xác trong dịch thơ quan trọng nhưng chưa quan trọng bằng sự cảm và hiểu bài thơ.

Dịch đúng chữ chưa hẳn là dịch đúng tứ thơ. Dịch tứ thơ trong một đoạn, thường khi gặp chữ trong câu, nếu dịch sát nghĩa sẽ không phù hợp, hoặc không nói được điều muốn nói. Đôi khi phải chọn trường hợp viết lại câu thơ cho hợp với tứ thơ trong đoạn. Như vậy đưa đến hoàn cảnh, tứ thơ và hình ảnh trong câu thơ phải thay đổi.

Ví dụ:

Bài thơ Niespodziane Spotkanie, Unexpecting Meeting, của thi sĩ Wislawa Szymborska, được vài bản dịch qua Anh ngữ, so với bản chính tiếng Ba Lan, cho thấy:

1- Bản dịch Anh ngữ có nhiều chỗ khác nhau. Nhưng diễn tiến và câu chuyện vẫn cho người đọc một cảnh nhìn chung. Ý nghĩa trong vài chi tiết có thể dị biệt, nhưng tổng thể vẫn như vậy.

Câu hỏi là vì sao các dịch giả lại chọn cách diễn đạt khác nhau từ một câu thơ chính?

Vì mỗi dịch giả khác nhau, từ cách cảm nhận ý và tứ thơ cho đến cách diễn đạt trở lại. Qua màn lọc trí tuệ, kinh nghiệm và cá tính của mỗi dịch giả, không thể không có sự đồng dạng hoặc bị biệt.

Mỗi dịch giả sẽ có một phương pháp chuyển dịch, hoặc một số từ ngữ quen thuộc hay ngôn từ địa phương hoặc cách chọn chữ diễn tả, mà một người khác đọc vào sẽ luôn luôn thấy khuyết điểm hoặc không vừa ý. Vì vậy, dịch thuật là một nghệ thuật công phu mà bạc bẽo.

2- Đọc một bài thơ ngoại ngữ, có lẽ, sẽ không bao giờ lãnh hội toàn diện sự sâu sắc, thâm trầm của bài thơ, nhất là bài thơ của những tác giả lớn. Đừng nói chi đến thưởng thức văn phong, đúng nghĩa từng chữ theo tự điển, chuyện này dường như hiếm hoi. Đòi hỏi này thuộc về một tài năng phi thường.

Đọc thơ ngoại, có lẽ để thưởng thức ý tưởng và tâm tình của thi sĩ, nhất là những thi sĩ thành danh. Tìm gặp những khía cạnh lạ lùng và sâu thẳm trong tâm tư của họ. Ngoài ra, còn thưởng thức cách diễn tả của mỗi cá tính và bản lãnh của mỗi thi sĩ. Được ít nhiều như vậy, đã không uổng công.

3- Theo ý riêng của tôi, chuyển dịch là cố gắng cảm nhận và tìm hiểu, áp sát ý nghĩa và tâm tình của thi sĩ trong từng câu thơ, đoạn thơ và bài thơ. Chỉ gần sát thôi, sẽ không bao giờ nhập vào được. Sau đó, chọn cách diễn đạt lại. Dịch sát nghĩa hay dịch thoát là do sự chọn lựa của người dịch, tùy bài, tùy từng câu thơ.

4- Qua những bản dịch khác nhau so với bản chính, thấy ra dịch thơ khác hơn dịch văn xuôi ở chỗ: Cảm nhận của người dịch và người đọc rất quan trọng. Nếu dịch một bài thơ mà người đọc không hiểu được, bài thơ dịch đã không hoàn tất mục đích của dịch. Nếu người đọc hiểu được nhưng không cảm nhận điều hay lẽ đẹp trong bài thơ, nhất là những bài thơ giá trị, nổi tiếng của các thi sĩ lớn, thì dịch không đáp ứng được giá trị của nghệ thuật.

5- Dịch tự nó mang bản chất phi lý, mâu thuẫn nội tại: Dịch thông thường là không thể đúng, chưa nói tới có người cho rằng dịch là phản, nhất là dịch thơ. Ngược lại, dịch lại cần thiết để "thông ngôn" cho thế giới. Có thể chấp nhận một cách tương đối: Dịch là thông ngôn không hoàn chỉnh nhưng cần thiết. Nói một cách khác, biết dịch là phải đối diện với sai lầm, cho dù công kỹ tới đâu, nhưng vẫn dịch vì sở thích và nhu cầu. Kẻ dịch, cố gắng tránh sai lầm. Người đọc bài thơ dịch biết sẽ có chỗ không đúng. Như vậy là đủ cho ý thức về dịch.

Đó là lý do chính mà tôi muốn chọn hình ảnh, một loại ngôn ngữ toàn cầu, dễ nhận ra , dễ cảm thấy, dù không chính xác theo nghĩa tự điển của mỗi chữ.

Vì đã có nhiều dịch giả đúng đắn và tài hoa làm công việc chuyển dịch thơ đến người đọc, việc đi tìm một cách chuyển dịch theo ý riêng chỉ vì tò mò muốn xem giới hạn của ngôn ngữ và văn chương, vì muốn thử nghiệm những suy tư trong sáng tác. Xin lượng thứ những sai lầm.

Ghi:

Hàng 1: Bản chính. ( Cá nhân tôi dốt tiếng Ba Lan, xin ghi lại cho người khác có khả năng đọc.)

Hàng 2: Chữ trong ngoặc là bản dịch của Stanislaw và Clare Cavanagh. Trích trong Poems and Collected 1957-1997 by Harvest Book

Hàng 3: Bản dịch trích The Vintage Book of Contemporary World Poetry, trang 137

Hàng 4: Chuyển thơ vào tiếng Việt.

Niespodziane Spotkanie

Unexpecting Meeting

Thơ: Wislawa Szymborska

Jesteśmy bardzo uprzejmi dla siebie,

(We treat each other with exceeding courtesy;)

We are very polite to each other,

Chúng tôi đối xử vớinhau rất lịch sự,

twierdzimy, że to miło spotkać się latach.

(we say, it's great to see you after all these years.)

insist it's nice meeting after all these years.

chào rằng, rất vui khi gặp lại sau năm tháng cách xa.

Nasze tygrysy pija mleko.

(Our tigers drink milk.)

Our tigers drink milk.

Bạn cọp uống sữa.

Nasze jastrzębie chodzą pieszo.

(Our hawks tread the ground.)

Our hawks walk on the ground.

Bạn diều hâu đi trên đất.

Nasze rekiny toną w wodzie.

(Our sharks have all drowned)

Our sharks drown in water.

Bạn cá mập ngâm dưới nước.

Nasze wilki ziewają przed otwartą klatką.

(Our wolves yawn beyond the open cage.)

Our wolves yawn in front of the open cage

Bạn chó sói ngáp trước chuồng mở cửa.

Nasze żmije otrząsneły się z błyskawic,

(Our snakes have shed their lighting,)

Our serpents have shaken off lightning,

Bạn rắn lủi đầu tránh tia chớp sáng,

małpy z natchnień, pawie z piór.

(our apes their flights of fancy,

our peacocks have renounced their plumes.)monkeys--inspiration, peacocks--feathers.

bạn khỉ -- hứng khởi, bạn công -- khoe sắc lông.

Nietoperze jakże dawno uleciały z naszych włosów.

( The bats flews out of our hair long ago.)

The bats--long ago now--have flown out of our hair.

Bạn dơi bay quấy nhiễu đã lâu rồi

Milkniemy w połowie zdania

( We fall silent in midsentence,)

We fall silent in mid-phrase,

Chúng tôi rơi vào im lặng giữa lúc chuyện trò,

bez ratunku usmiechnięci.

( all smiles, past help.)

smiling beyond salvation.

cười ruồi không cứu vãn được tình thế.

Nasi ludzie

( Our humans )

Our people

Dân ta

nie umieją mówić z sobą.

( don't know how to talk to one another.)have nothing to say.

không biết nói chuyện với nhau.

 

Chuyện Không Ngờ Khi Họp Mặt

 

Chúng tôi đối xử với nhau rất lịch sự

chào nhau tử tế sau bao năm cách xa

Bạn cọp uống sữa

Bạn diều hâu dạo bộ lanh quanh

Bạn cá mập trầm mình trong nước

Bạn chó sói ngáp trước chuồng trống không

Bạn rắn lủi đầu tránh tia chớp sáng

Bạn khỉ hứng chí, bạn công khoe sắc xòe lông

Bạn dơi quen thói bay gây phiền nhiễu

Giữa lúc chuyện trò chợt rơi vào im lặng

Nhìn nhau ái ngại cười ruồi.

Dân ta

không biết cách nói chuyện .

Một trong những ý niệm quanh quẩn bên tôi mỗi khi nghĩ về chuyển dịch thơ, đó là hình ảnh quen thuộc.

Từ những hình ảnh xa lạ hoặc khó hiểu trong câu thơ ngoại, làm sao tìm ra những hình ảnh quen thuộc hơn đồi với người Việt hoặc/và cách ráp nối những hình ảnh này theo đường lối thông thường để người Việt theo dõi dễ dàng.

Vi dụ: Bài thơ của thi sĩ Ấn Độ Siddharth Anand, All or Nothing, chuyển sang tiếng Việt: Tất Cả hoặc Không Có Gì Cả hay là Được Tất Cả hoặc Mất Tất Cả. Dĩ nhiên, người Việt hiểu được. Thử chuyển All or Nothing thành Ăn Cả Ngã Về Không, có lẽ sự cảm nhận sẽ khác hơn.

Một bài thơ khác của ông, Me and My Stranger, Tôi và Kẻ Xa Lạ Trong Tôi, có lẽ sau khi đọc toàn bài thơ, ý nghĩa toàn bài sẽ làm cho ta nghĩ đến: Tôi và Tôi Nhị Trùng.

Tuy nhiên chuyển những hình ảnh xa lạ, biết mà không quen hoặc chuyển những dãy ảnh ngoại, dàn dựng theo lối ngoại ra hình ảnh quen thuộc hoặc cách dàn trải sắp xếp quen thấy, quen hiểu, không phải lúc nào cũng làm được. Có hai việc cần suy tư:

- Nếu không tìm được hình ảnh hoặc cách diễn tả quen thuộc thì phải làm gì? Chọn lựa ra sao?

- Nếu có được hình ảnh hoặc cách diễn tả quen thuộc thì sự xa cách với bản chính như thế nào? cách bao xa thì còn chấp nhận được?

Từ từ suy nghĩ và thí nghiệm, chưa có câu trả lời.

Lại thử nghiệm một bài thơ khác của Wislawa Szymborska: Przyklad. Ví Dụ. Bản dịch Anh ngữ bởi Clare Cavanagh và Stanislaw Baranczak trong "Here" của Wislawa Szymborska. Bài thơ này tương đối dễ hiểu vì không mang nhiều ẩn ngữ. Nhưng so với bản chính, dịch giả cũng đã thoát ra, như câu: pozartowac sobie czasem lubi = it likes its little joke from time to time. Cho thấy chuyển dịch thơ theo ý nghĩa của chữ và câu, thường khi phải "viết lại" cho đúng mạch văn trong ngôn ngữ dịch.

Ví Dụ

Wichura

A gale

Cơn bão

zdarla noca wszystkie liscie z drewa

stripped all the leaves from the trees last night

trút hết lá trên cây đêm qua

oprócz listka jednego,

except for one leaf

ngoại trừ một chiếc lá

pozostawionego,

left

còn lại

zeby siẹ kiwal solo na golej galẹzi

to sway solo on a naked branch.

đong đưa trên cành cây trơ trụi

Na tym prykladzie

With this example

Với ví dụ này

Przemoc demonstruje,

Violence demonstrates

chứng tỏ được bạo lực

ze ownszem -

that yes of course -

cố nhiên

pozartowac sobie czasem lubi.

it likes its little joke from time to time

như câu chuyện diễu kể chơi

Có lẽ, chuyển dịch thơ dụng hình ảnh cũng lại là câu chuyện diễu, kể chơi.

( Xin thưa: Sự thử nghiệm chưa biết đúng sai hay dở, sẽ đưa về đâu. Độc giả nào thấy sự sai lầm trong chuyển dịch từ bản chính, thơ của Wislawa Szymborska bằng tiếng Ba Lan, xin chỉ dạy. Quí vị có thể phản hồi trên mạng nếu có thể, để nhiều người được chia xẻ và Ngu Yên được học hỏi thêm. Nếu không có nơi phản hồi, xin gửi thẳng đến email của Ngu Yên: nguyen112052@gmail.com, sự chỉ điểm của quí vị là sự cảm tạ của tôi. Nếu sau này có in thành sách, xin phép được đăng kèm email của quí vị hoàn chỉnh những lỗi lầm như sự kính trọng của người viết. Xin ghi lại các bản chính để tiện việc cho quí vị nào am tường tiếng Ba Lan khỏi mất thời giờ tìm kiếm. Những bản Anh ngữ dùng để so sánh.

Nếu như những bài thơ chuyển này có thể giúp cho quí vị và các bạn một chút ít gì, xin cứ tùy tiện sử dụng. Không cần phải ghi nguồn. Mong được đọc những bản dịch hay hơn. Chúng tôi và thế hệ sau sẽ cảm ơn quí vị và các bạn.

Cũng xin đứng đắn thưa, Ngu Yên không phải là dịch giả chuyên nghiệp, lại càng thiếu chuyên môn, chỉ là con chim tò mò, ngứa cổ hót chơi cho sảng khoái trước khi tắt thở. )

Có chim nào trước khi tắt thở

không cảm thương muốnhót đôi lời

rồi đến mùa bão trổi

tản mác xa vời xóa sạch cuộc chơi.

 

Ngu Yên