"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do "

** Phan Bội Châu **

Giới Thiệu Thơ Công Huân Hoa Kỳ 1990: Mark Strand

MarkStrand NguYen

Mark Strand
(Thi sĩ Hoa Kỳ)
(11 tháng 4 năm 1934- 29 tháng 11 năm 2014.)
(Thi sĩ Công Huân Hoa Kỳ 1990 )

Mark Strand sinh ngày 11 tháng 4 năm 1934. tại Summerside thuộc Edward Island, Gia Nã Đại, trong gia đình Do Thái. Thiếu thời ông cư ngụ ở Bắc Mỹ, tuổi thiếu niên ông sống trong vùng Trung và Nam Mỹ.
1957, ông ra cử nhân tại tiểu bang Ohio. 1962, ra tiến sĩ nghệ thuật tại đại học Ohio. 1990, ông được chọn là Thi sĩ Công Huân của Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ. Từ năm 2005, ông là giáo sư đại học Colombia cho đến khi qua đời vào ngày 29 tháng 11 năm 2014 vì bệnh ung thư.
1993, ông đoạt giải Bollingen Prize.
1999, ông được trao giải Pulizer thi ca.
Người ta biết đến ông qua những bài thơ ẩn hiện giữa thực tế và siêu thực. Ông chủ trương làm thơ không cần nhịp điệu, diễn đạt đơn giản. Ngoài sáng tác thơ, ông dịch thuật và viết rất nhiều sách về nghiên cứu và phê bình thi ca. Một trong những bài phỏng vấn quan trọng với ông về quan niệm nghệ thuật và sáng tác, "The Art Of Poetry", được đăng tải trên tạp chí Paris Review số 77, do Wallace Shawn thực hiện.

Những tác phẩm thơ của ông đã xuất bản:
• 1964: Sleeping with One Eye Open, Stone Wall Press
• 1968: Reasons for Moving: Poems, Atheneum
• 1970: Darker: Poems, including "The New Poetry Handbook", Atheneum
• 1973: The Story of Our Lives,
• 1973: The Sargentville Notebook, Burning Deck
• 1978: Elegy for My Father, Windhover
• 1978: The Late Hour, Atheneum
• 1980: Selected Poems, including "Keeping Things Whole", Atheneum
• 1990: The Continuous Life,
• 1990: New Poems
• 1991: The Monument, Ecco Press (see also The Monument, 1978, prose)
• 1993: Dark Harbor: A Poem, long poem divided into 55 sections, Knopf
• 1998: Blizzard of One: Poems, Knopf winner of the 1999 Pulitzer Prize for poetry
• 1999: Chicken, Shadow, Moon & More, with illustrations by the author, Turtle Point Press
• 1999: "89 Clouds" a single poem, monotypes by Wendy Mark and introduction by Thomas Hoving, ACA Galleries (New York)
• 2006: Man and Camel.
• 2007: New Selected Poems
• 2012: Almost Invisible, Random House.

Điểm Nhấn
Trong Thơ Mark Strand

Đọc thơ Mark Strand dễ nhận ra quan điểm tâm linh của ông. Vì sự bí mật của nhân loại chưa có một giải quyết rõ rệt, ngoài trừ những phân giải có tính phải chấp nhận của tôn giáo mà nội tại đầy dẫy mâu thuẫn, khiến cho những tư duy về tâm linh có tính mơ hồ, nghi hoặc và mỗi người giải quyết một cách riêng vì bị bắt buộc phải giải quyết. Ai mà chẳng dụ dự, bối rối. Dù sao, sẽ phải có một chọn lựa trước cuối đường.

Nội Dung Tâm Linh
"Có người đã nói, đó là sự thật,
rằng trần gian không có thiên đàng,
tất cả là tạm biệt.
Dù ông bà có vẫy tay chào hay không,

Trong khi chia tay, nếu mắt không rơi lệ
vẫn là tạm biệt,
nếu ông bà giả vờ không quan tâm,
dù chán nản quá khứ,
vẫn là chia phôi. " (1)

Thơ Tâm Linh có nguồn gốc cổ điển, thời nào cũng có thi sĩ thao thức về số phận con người và những khổ lụy của nó. Từ nguồn gốc tâm linh, một nhánh thơ khác rẽ vào tâm lý, tạo ra một dòng thi ca lớn trên thế giới, được thể hiện cụ thể khi giải Nobel thi ca 2011 trao vào tay thi sĩ Tomas Transtromer, nhà thơ kiêm tâm lý gia, người Thụy Điển
Đi theo dòng thơ tâm linh, Mark Strand xuyên qua triết học Tây Phương và dừng lại vô định ở triết lý Đông Phương. Ông cho thấy trầm tư về sự khác biệt giữa SỰ VẮNG MẶT, HƯ KHÔNG và HƯ VÔ. Trong khi nhiều người khác cho rằng hư vô và hư không có cùng giá trị, chỉ là hai danh từ đồng nghĩa.
Về sự vắng mặt, ông viết:

" Vào cánh đồng
Tôi là sự vắng mặt
của cánh đồng.
Chuyện này
luôn luôn như vậy
Bất cứ tôi ở đâu
Tôi là cái gì không ai thấy.

Khi tôi đi
rẽ đôi không khí
bất cứ lúc nào
không khí cũng chuyển động
tràn lấp đầy khoảng trống
nơi xác thân vừa bỏ đi." (2)

Về Hư không và hư vô, ông viết:

"Ngồi trên ghế, bổng dưng xúc động,
cảm thấy già, lão hóa xác thân,
tưởng như nước, đợi chờ nhẫn nại,
hoặc chán chường, như đá đợi chờ.
Cảm giác lặng im như trang đời thừa thãi,
cảm tưởng đúng sai thiện ác đều hư không,
kể cả bóng đen tràn đầy căn nhà trống
trong lúc ông ngồi theo dõi chuyện đời.
.................................
Biết ước muốn chỉ dẫn vào khổ lụy,
khổ lụy này thành tựu nhập hư vô.
Ông biết chuyện tuy kỳ lạ,
nhưng là chuyện ăn mừng,
buổi ăn mừng duy nhất,
nhập hư không bởi bản ngã hiến dâng. (3)

Sự vắng mặt không hẳn là sự biến mất của cái có. Nó chỉ có nghĩa là cái có không nhìn thấy, không xuất hiện ở một thời điểm và một địa điểm nào đó. Người đọc bắt gặp rất nhiều từ Absence trong thơ Strand như sự cô đơn tìm thấy từ diễn biến của sự vật hoặc sự nhận thức mất mát trong tâm hồn. Sự vắng mặt mà ông thường nhắc còn mang theo không khí của hoang vu, tàn phá, nỗi ám ảnh của sự chết, tạo nên vẻ thần bí, vẻ thê lương trong thơ của ông.
Sự mất vĩnh viễn cái có, thuộc về hư không. Nơi hữu thể mãi mãi không có hình hài, không có giá trị. Và nguồn gốc của hư không, cái đầu tiên hết, kể cả cái không có, là hư vô.
Dường như Mark Strand rất tâm đắc những đào sâu vào nội tâm con người qua khía cạnh Phật triết và Lão triết. Ông thường nhắc tới bản ngã và sử dụng bản ngã để nghi hoặc luôn cả bản ngã. Khi bỏ đi bản ngã, thì còn thứ gì?

"Tôi dọn trống bản ngã dưới tên người lạ.
Dọn trống túi quần.
Dọn trống đôi giày rồi bỏ lại ven đường.
.........................................................
.............................
Tôi biến đổi và tôi vẫn vậy.
Dọn trống bản ngã đời tôi mà đời tôi vẫn thế.(4)

Nhưng điểm mạnh nhất của ông là sự tư duy sâu thẳm về đời sống và những hệ lụy rất thực tế của sống. Ông quan tâm về đời sau, nếu có, không như một niềm tin hoặc sự phản kháng tôn giáo, nhưng như một thôi thúc của tri thức đối diện với cõi bất khả tri của một người nhạy cảm và yêu hiểu biết.

Trái tim trống rỗng do một ngày bận rộn làm việc văn phòng. Nhưng trái tim trống rỗng có thể làm được gì ngoài trừ tự mình dọn trống sự trống rỗng. Quét sạch những gì không thể quét cần có ý chí, những nổ lực không kết quả của tài năng đã trở thành gánh nặng. Thương thay trái tim trống rỗng, già trước tuổi, vất vả làm sao khi thi hành những gì trí tuệ sai khiến. Nhưng những vất vả đó chẳng đạt kết quả gì. Trái tim trống rỗng không thể tuân theo mệnh lệnh trí óc. Tim ẩn mình trong bóng tối, hoang tưởng, và dần dần trở thành hư không.
    (Exhaustion at Sunset)

Hình Ảnh, Ý Thơ Siêu Thực
Thi ca Hoa Kỳ vẫn thường nhắc đến hình ảnh siêu thực trong thơ của ông, tuy nhiên, ông không kế thừa truyền thống của siêu thực chính tông. Cần sa, bạch phiến, thuốc phiện, rượu mạnh đã là một thời hổ trợ cho ảo giác sáng tác siêu thực. Trong thời đại hiện tại, những "thuốc say" trở thành lỗi thời. Ảo giác không còn là chủ lực của siêu thực.
Hình ảnh tồn tại từ cơn mơ và tứ thơ trong phút xuất thần là nền tảng của siêu thực hôm nay. Hình ảnh và tứ thơ siêu thực của Mark Strand có liên kết với "dòng ý thức tự do", kỹ thuật được sử dụng thường xuyên của nhóm thơ The Beat.
Một trong những bài thơ nổi tiếng của ông, thể hiện hình ảnh siêu thực trong thông điệp con người nội tâm: The Dreadful Has Already Happened. Sự Khủng Khiếp Đã xảy ra.

.............................
" The sky darkens. There is thunder.
"Break his legs," says one of my aunts,
"Now give him a kiss." I do what I'm told.
The trees bend in the bleak tropical wind.

The baby did not scream, but I remember that sigh
when I reached inside for his tiny lungs and shook them
out in the air for the flies. The relatives cheered.
It was about that time I gave up.

Now, when I answer the phone, his lips
are in the receiver; when I sleep, his hair is gathered
around a familiar face on the pillow; wherever I search
I find his feet. He is what is left of my life. "

"Trời sẩm tối. Nổi sấm sét.
Một bà dì nói: -' Bẻ chân nó,'
Tôi làm theo, -'Bây giờ, hôn nó đi.'
Cây cối quằn quại trong cơn gió nhiệt đới mù mịt.

Đứa bé không la hét, nhưng tôi nhớ tiếng thở dài
khi tôi mò vào đôi buồng phổi nhỏ
và tống không khí ra ngoài cho đám ruồi.
Thân nhân tôi cổ võ.
Đã đến lúc tôi ngưng làm.

Bây giờ, khi tôi trả lời điện thoại,
môi bé hiện lên trong ống nghe;
khi tôi ngủ, tóc bé kéo quấn
chung quanh khuôn mặt quen thuộc trên gối nằm;
Bất cứ nơi nào tôi tìm kiếm sẽ thấy đôi chân bé.
Bé là những gì sót lại trong đời tôi."

Tứ Thơ Cao Kỳ.
Những thi sĩ tài danh đều là những người có biệt năng sáng tạo tứ thơ. Mỗi người mỗi phương pháp, mỗi thi phong, tựu trung, tứ thơ là giá trị riêng và cá tính của thi sĩ. Tài hoa xưa kia nằm tại ngôn ngữ, tài hoa hôm nay nằm tại tứ thơ.
Mark Strand là một trong vài thi sĩ dụng tứ thơ rất cao kỳ. Bình thường mà thâm trầm.

Ví dụ:
" I am not thinking of Death, but Death is thinking of me. " ( Tôi không nghĩ đến cái chết nhưng chết đang nghĩ đến tôi.) ( Trích trong bài 2002.)

/> "The dead shall inherit the dead." ( Người chết kế thừa người chết trước.} ( Trích trong bài The Way It Is.)

" Evryone who has sold himself wants to buy himself back." ( Tât cả những ai tự bán mình, muốn mua mình trở lại.) ( Trích The Way It Is.)

"And I lie sleeping with one eye open, Hoping That nothing, nothing will happen. (và tôi nằm ngủ với một mắt mở, hy vọng không có gi, sẽ không có gì xảy ra.)
( Trích Sleeping With One Eye Open.)

"Once I sat in a room with a monkey who told me he was not a monkey. I understood his anguish being trapped in a body he detested. “Sir,” I said, “I think I know what you are feeling, and I would like to help you.” “Treat me like a monkey,” he said. “It serves me right.”
( Có lần ngồi chung phòng với con khỉ, nó nói nó không phải là khỉ. Tôi cảm thông nỗi thống khổ phải mang xác thân chán ghét. Tôi nói: " Thưa ông, Tôi chia xẻ những cảm tưởng của ông và muốn giúp đỡ ông". Nó trả lời: " Cứ đối xử tôi như con khỉ, phục vụ như vậy là đúng đắn".)
( Trích The Social Worker and The Monkey.)

"A rough sound was polished until it became a smoother sound, which was polished until it became music. Then the music was polished until it became the memory of a night in Venice when tears of the sea fell from the Bridge of Sighs..."
(Một âm thanh thô thiển được đánh bóng cho đến khi trở nên mượt mà, đánh bóng cho đến khi trở thành âm nhạc. Sau đó, âm nhạc được làm đẹp cho đến khi trở thành ký ức của đêm ở Venice khi nước mắt của biển rơi trên Cầu Than Thở..)
(Trích The Everyday Enchantment of Music.)

Tứ thơ cao kỳ khác với tứ thơ làm dáng. Tứ thơ làm dáng ghép nhiều hình ảnh ý tưởng lạ, bắt mắt nhưng không có trọng lượng. Chỉ là những sáng chế hư trương thanh thế, không phải sáng tạo. Chỉ là những bày biện của kẻ buôn không có hàng thật.
Muốn phân biệt tứ thơ cao kỳ và tứ thơ làm dáng, một trong những cách kỹ thuật là loại bỏ những tỉnh từ và râu ria không cần thiết, giữ lại động từ, danh từ, chủ từ, bổ túc từ, đọc lại sẽ dễ nhận ra. Cách thứ hai có thể nhận ra tứ thơ làm dáng là tìm xem toàn bài, tứ thơ này có liên hệ, liên quan hoặc có xuyên suốt hay chỉ là một tứ thơ lỏng lẻo, thừa thải, có thể bỏ đi mà không ảnh hưởng bài thơ.
Muốn đạt được bản lãnh " tứ thơ cao kỳ", không chỉ cậy nhờ bẩm sinh, mà còn kết tụ nhiều năm tháng suy tư với kinh nghiệm sống và chính sáng tạo đã xây dựng những tứ thơ ra ngoài sự dự đoán chung. Thơ của Mark Strand thường đem đến người đọc những chi tiết hoặc những chuyện kể bất ngờ, thích thú và băn khoăn.

Về mặt diễn đạt:
• Ông chọn cách sử dụng chữ nghĩa đơn giản và trong sáng trong văn phạm, câu cú. Cách vắt hàng trong câu thơ cũng dễ hiểu, đa số vắt câu dùng nhấn mạnh ý tứ thơ hơn là nhịp điệu. Nhờ hình thức đơn thuần nên nội dung phức tạp và mơ hồ của thơ ông được thể hiện dễ nắm bắt.
• Ông chú trọng đến kinh nghiệm qua quan sát và trí nhớ. Nội dung thơ của ông chính là kinh nghiệm sống của ông. Tuy nhiên, những thực tế được đem ra từ trí nhớ sẽ phải chọn lựa, dàn xếp và hư cấu để một kinh nghiệm riêng tư trở thành kiến thức chung.
• Ông dùng kỹ thuật kể và dựng truyện khá nhiều trong toàn thể thơ của ông. Truyện của ông phối hợp giữa hiện thực và hư cấu.
Thông thường nếu thiếu kinh nghiệm sống mà nhiều hư cấu, thơ sẽ nhiều trí và thiếu tình. Thiếu cảm xúc trong những chữ nghĩa hình ảnh dàn dựng. Ngược lại, dư tình tự, thiếu ý nghĩa, thơ trở thành ướt át, bình dân.
Mark Strand rất thành công khi kể và dựng truyện để tượng trưng hay ẩn tàng những điều chia xẻ cùng người đọc. Như những bài thơ: The Mailman, Ông Đưa Thư; Man and Camel, Người Đàn Ông và Con Lạc Đà; Eating Poetry, Ăn Thơ; Mirror, Gương Soi; The Couple, Đôi Tình Nhân.......v...v...

Dòng Thơ Thuật Sự
Những nhà phê bình tây phương cho rằng thơ của mark Strand thuộc vào dòng thơ Thuật Sự. Nhìn tổng quát, lời nhận định này đúng nhưng thiếu. Chính Mark Strand cũng tự nhận ông thích dùng thuật sự trong thơ. Xem bài thơ: Narrative Poetry của Mark Strand trong tập The Continuous Life. Nhưng nếu theo dõi và giám định kỹ thơ của ông, sẽ thấy mấu chốt thuật sự của ông thay đổi từ bản chất kể chuyện qua dựng truyện rồi tiến vào cuối đời với thuật sự u mặc của Thiền Phật Tông.
Narrative Poetry, thơ Thuật sự, bắt đầu từ xa xưa, thơ kể chuyện. Tây hoặc Đông đều bắt đầu thi ca bằng kể chuyện. Từ kể những chuyện dài qua đến những chuyện ngắn, kể cả kịch thơ. Những tác phẩm nổi tiếng của William Shakespear, Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn, Cung Oán Ngâm Khúc của Nguyễn Gia Thiều, The Lliad và The Odyssey của Homer, ..v...v.... Càng về sau những bài thơ lồng trong chuyện ngắn càng thịnh hành. Có lúc, dòng thơ kể chuyện mờ nhạt trước những bình minh của thơ Siêu Thực, Ấn Tượng, Trừu Tượng......Nhưng rồi vẫn chảy song song và thay đổi câu chuyện càng lúc càng phức tạp hơn, trở lại mạnh mẽ vào cuối thế kỷ 20.
Đa số bài thơ nào cũng có kể chuyện, ít hay nhiều, mơ hồ hay mạch lạc, cố ý hay tự nhiên. Phải nói, kể chuyện chính là yếu tính căn bản của thơ. Rồi nghệ thuật kể chuyện càng ngày càng tân kỳ, càng tinh vi, càng phức tạp để diễn đạt đời sống muôn mặt và tâm tình bí ẩn của con người. Kỹ thuật kể chuyện và dựng truyện được áp dụng vào thơ. Những bài thơ như Ông Đưa Thư, Tai Nạn, Con Trai của Tôi, Nhân Viên xã Hội và Con Khỉ..... của Mark Strand là những câu chuyện từ đời sống được ông dựng lại thành truyện (thơ) với kỹ thuật hiện đại diễn tả tư duy và những ám ảnh tâm lý.
Đặc điểm tìm thấy nơi chuyện của Mark Strand là sự ảnh hưởng của Công Án Thiền. Trước hết, Mark Strand là người tìm hiểu về Đông Phương, kể cả Triết lý Trung Hoa và Ấn Độ.
Đối thoại giữa Michael O'Keefe và Mark Strand trích trong Conversation: Mark Strand (http://www.postroadmag.com/13/etcetera/Okeefe.phtml)
M O:
Tôi tò mò muốn biết có ảnh hưởng nào của Thiền Zen hoặc Phật giáo trong thơ và trong nhân sinh quan của ông?
M S:
Vâng, có lẽ không chính thức, Tôi nghĩ rằng, tôi tiếp xúc kề cận nhất là khi đọc những chuyện của đạo Hồi (Sufi). Tôi chưa bao giờ thực tập Thiền hoặc đạo Sufi. Có người nói, tôi là loại người bẩm sinh có Phật cốt. Nhưng tôi không được rõ ý nghĩa ra sao.
.......................
M O:
Tôi muốn trích dẫn câu nói của một thiền sư danh tiếng Dogen Zenji trong thế kỷ thứ 13. Ông viết: " Học hỏi đạo Phật là tự học hỏi bản thân. Học hỏi bản thân là tự quên mình. Tự quên mình là được mở sáng vô số những Phật pháp." Điều ông muốn nói là khi ta thật sự ngồi xuống tự chiêm nghiệm bản thân, càng đào sâu càng ít tìm thấy, càng ít tìm thấy chính là đạt được nhiều.
M S:
Đúng, tôi có nói đôi điều như vậy trong một bài thơ lúc ban đầu.
Như ông đã nói, ông không chính thức gia nhập những Thiền phái như một số thi sĩ đương thời nhưng ông "bẩm sinh" đã thẩm thấu tinh thần hư và không của Phật môn.
Những câu chuyện Thiền, ngắn ngủi, cô đọng nhưng mở ra những cõi bao la cho từng cá nhân, ở mỗi trình độ tâm pháp, nhận lãnh. Người đọc tìm thấy rất nhiều câu chuyện ngắn, hầu như viết trong văn xuôi với ý thức thi ca của Mark Strand trong tác phẩm Almost Invisible, phát hành 2012, trước khi ông qua đời, mang không khí và cảm nhận của công án Thiền, mặc dù những mẩu chuyện ngắn này trình bày hình ảnh thực tế và lý luận trong đời sống hàng ngày.
Ví dụ:
"Bởi chúng ta đã vượt qua sông và gió lạnh chỉ làm thêm tê cóng, chúng ta đã bằng lòng chấp nhận, không còn mong muốn gì hơn những gì đã có, không tự hỏi làm thế nào chúng ta đến đây, không quan tâm vì những gì xảy ra không như ý. Không cách nào phá tan sự mơ hồ trong cõi đời, không cách nào biết được những gì phải gánh chịu trong ngày mai. Sự im lặng băng giá của suy tư chảy tan trước khi có cơ hội đông lại. Nơi chúng ta ở không thể nào giải thích. Có quá nhiều cổng dẫn vào vô tận và hiện tại lại rất xa, rất sâu thăm thẳm."
    (Em Hãy Úp Mặt Vào Lòng Tay.)

Những mơ hồ khắc khoải của ông trong thơ, nghe ra hiền lành. Khác với những tư duy dữ dội của những thi sĩ phản kháng như Allen Ginsberg. Những thao thức của ông là những thao thức chung của người trí thức ý thức về bản thân và đời sống, không quan tâm đến nhiễu nhương xô bồ của cuộc đời hàng ngày. Đôi khi, có thể thấy ông như một người lái xe trong dòng xe đương đại, náo loạn ồn ào, mà vẫn xa vắng, đậu bên lề hiện tại.
Mark Strand để lại trong dòng thi ca Hoa Kỳ những bài thơ vừa tư duy sâu sắc lại vừa dí dõm. Những khôi hài đọc được trong thơ của ông thấp thoáng bóng u mặc của nụ cười huyền hoặc Đông Phương. Chính những trầm tư triết học Đông Tây được thẩm thấu qua kinh nghiệm làm người mà mark Strand đã ghi lại bằng thơ, xây dựng cho ông một chỗ đứng đáng ngưỡng mộ.

"Mực chảy ra khóe miệng.
Không ai được hạnh phúc như ta.
Tôi ngấu nghiến thi ca.

Quản thủ thư viện nhìn thấy, không tin được.
Đôi mắt trở nên u buồn
bà bỏ đi dấu hai tay vào áo.
...........................................
...........................................

Không thể nào hiểu được
Khi tôi quỳ xuống liếm bàn tay
Bà rú lên.

Tôi là người mới
Tôi gầm gừ rồi sủa
Tôi vui mừng đùa giỡn trong âm u kinh sách."
( Trích Eating Poetry.)

===========================

Ghi:
(1) Trích bài XVI.
It is true, as someone has said, that in
A world without heaven all is farewell.
Whether you wave your hand or not,

It is farewell, and if no tears come to your eyes
It is still farewell, and if you pretend not to notice,
Hating what passes, it is still farewell.

(2) Trích: Keeping Things Whole.
In a field
I am the absence
of field.
This is
always the case.
Wherever I am
I am what is missing.

When I walk
I part the air
and always
the air moves in
to fill the spaces
where my body's been.


(3) Trích In Celebration
You sit in a chair, touched by nothing, feeling
the old self become the older self, imagining
only the patience of water, the boredom of stone.
You think that silence is the extra page,
you think that nothing is good or bad, not even
the darkness that fills the house while you sit watching
.........................................
You know that desire leads only to sorrow, that sorrow
leads to achievement which leads to emptiness.
You know that this is different, that this
is the celebration, the only celebration,
that by giving yourself over to nothing,
...................
(4) Trích The Remains
I empty myself of the names of others. I empty my pockets.
I empty my shoes and leave them beside the road.
....................................
........................................
I change and I am the same.
I empty myself of my life and my life remains.
========================================

50 Bài Thơ Tuyển.

Năm bài được chọn đầu tiên để độc giả phác họa tổng quan cuộc đời, quan niệm sống và chết của Mark Strand.
Những bài thơ tiếp theo được tuyển chọn theo thời gian, từ tác phẩm đầu tay cho đến tác phẩm cuối đời, để độc giả có thể theo dõi sự thay đổi trong dòng thơ của ông.

***

Chuyện Đời Tôi

Thân xác tôi như búp bê lớn
chối từ kháng cự.
Tôi như trò chơi của phụ nữ.
Mẹ tôi

biểu diễn tôi trước mặt bè bạn.
" Nói đi, nói đi," bà dỗ dành.
Tôi nhúc nhích miệng
nhưng không lời nào thốt ra.

Vợ bưng tôi xuống từ trên kệ.
Ôm trong tay, nàng thì thầm:
"Bản thân chúng ta đau khổ vì bệnh tật."
Tôi nằm trơ lặng thinh.

Bây giờ, con gái tôi
cho một chai sửa nhựa
đầy nước. Nó nói:
"Bố là búp bê thật."

Tội nghiệp bố bé!
Tôi nhìn vào mắt con
tấm gương nâu phản ảnh
thấy tôi

nhỏ lại dần, chìm xuống
sâu thẳm con tôi không biết.
Gần đứt hơi
tôi sẽ không kháng cự.

Tôi lớn dần vào nỗi chết.
Đời sống tôi nhỏ nhoi
càng trở nên bé nhỏ.
Thế giới xanh tươi.
Hoàn toàn hư huyễn .

Thở

Khi gặp họ
xin nhắn rằng, tôi vẫn còn đây,
vẫn đứng một chân, còn chân kia du mộng,
rằng đây là cách duy nhất,

rằng tôi cho họ những dối gian
khác với dối gian tôi cho tôi,
rằng bởi xuất hiện cùng một lúc ở đây và nơi đó
tôi hóa thân đường chân trời,

giữa mặt trời xuống và lên tôi tự biết thân mệnh,
rằng hơi thở đã cứu tôi,
ngay cả từng lời cố nói hụt hẫng cũng là hơi thở,
tuy thân xác như tủ chứa hơi thở, cũng là cỗ quan tài,
hơi thở là gương soi bị che mờ bởi ngôn ngữ,
hơi thở là tất cả những gì sót lại sau tiếng kêu cầu
đang vọng đến tai người lạ
rồi tồn tại lâu dài sau khi đời sống trôi qua,

ngoài ra hơi thở là một khởi sự,
từ đó những kháng cự giảm dần,
như ý nghĩa mất dần đời sống,
hoặc bóng tối rút lui trước ánh sáng,
hơi thở là những gì tôi trao tặng khi gửi lòng yêu thương.

Kết Thúc

Không phải ai cũng biết những gì họ hát khi kết thúc,
Như theo dõi bến tàu khi thuyền buồm ra khơi,
hoặc điều gì giống như họ bị biển gầm vây khốn, bất động, đó là lúc kết thúc,
hoặc những gì họ hy vọng ít nhất một lần,
biết rõ ràng họ không bao giờ quay lại.

Khi thời gian trôi qua lúc cắt tỉa hoa hồng hoặc mơn trớn con mèo.
Khi hoàng hôn nhuộm đỏ cỏ hoang rồi trăng rằm làm cho băng giá, không còn xuất hiện,
Không phải ai cũng biết những gì họ khám phá mai sau.
Khi sức nặng quá khứ nghiêng tựa vào hư không,

Khi bầu trời không còn nhớ gì hơn ánh sáng,
Khi những câu chuyện mây trôi lãng đãng và mây tụ hình đến hồi kết cuộc,
Khi tất cả loài chim bị cấm bay,
Không phải ai cũng biết những gì đang chờ đợi hoặc họ sẽ hát điều gì
Khi chuyến thuyền chở họ phiêu bồng vào bóng tối,
đó là lúc kết thúc.

Khi Tôi 100 Tuổi

Tôi muốn thực hiện một hành trình lớn lao, lãng du đêm ngày về nơi vô định, cho đến khi quên cả xác thân già nua, tôi trở thành chủ nhân một con người mới, con người mà tôi có thể đã bỏ lỡ trong hành trình trước kia. Nhưng bước đầu tiên đã vượt xa tôi. Nằm trên giường, bất động, suy nghĩ, như một người lứa tuổi tôi thường làm, một cách sầu thảm- làm thế nào nó thấm vào tâm hồn, làm thế nào nó đoạn lìa ý muốn, làm thế nào nó xua đuổi cảm giác lạnh lẽo giữa hoàng hôn, ngay cả làm thế nào ý định hay nhất hoặc tệ nhất tiêu tan trong tâm khảm. Tôi nhìn đăm đăm lên trần nhà, rồi đột nhiên cảm thấy luồng khí lạnh tạt qua, đưa tôi lên đường.

Cõi Chết

Huyệt mộ càng lúc càng sâu hơn.
Hàng đêm người chết càng nhiều thêm.

Dưới gốc cây Du mưa lá rụng,
Huyệt mộ càng sâu hơn.

Bóng tối phủ xuống từ cơn gió
Che đen mặt đất. Đêm lạnh đầy.

Lá rụng cuốn bay chạm vào đá.
Hàng đêm người chết càng nhiều thêm.

Không trăng sao đen tối bao trùm họ.
Những gương mặt mờ dần.

Chúng ta không còn nhớ họ
Rõ ràng thôi. Chúng ta sẽ không nhớ bao giờ.


    * * *

Trích:
Sleeping With One Eye Open
1964

Bản Tính Nhu Nhược

Nó phát triển trong ta. Từ tốn. Từng chút một. Vì vậy, mới đầu khó nhận ra. Về sau, dĩ nhiên, không thể không thấy. Nó trổ hoa. Ta nhận lấy như một phần tự nhiên trong thần thể. Nó bắt đầu nhìn thấy đẹp hơn và ta mất nhiều thời giờ chiêm nghiệm ý tưởng này.

Rồi tệ dần ta mất luôn cả ngày, soi từ gương này sang gương khác, xoay qua xoay lại, chọn đúng góc nhìn, cho ánh sáng chiếu đúng chỗ, nổi bật hiệu quả. Ta mời bạn bè đến xem. Ta nói: " Nếu thích tôi, thích như thế này" và chỉ cho họ thấy.

Mọi người bàn tán chuyện này. Dần dà nó vượt khỏi tầm tay và ta không còn cách nào dùng nó như một lợi thế. Ta cảm thấy bị lừa đảo. Tự giận mình. Che gương lại bằng vải đen. Từ chối không tiếp bạn bè. Chẳng có kết quả gì. Nó vẫn tồn tại. Gặm nhấm ta.

Bài Thơ

Thơ lén vào cửa sau
rón rén qua nhà bếp
qua phòng khách, hành lang,
lên thang lầu, rồi vào
phòng ngủ.
Thơ cúi xuống giường,
nói rằng thơ đến
để giết tôi. Việc này
sẽ hành quyết nhiều công đoạn.

Trước tiên, móng chân tôi bị cắt,
rồi đến các ngón chân,
cứ như vậy tiếp tục
cho đến khi không còn gì.
Thơ lấy dụng cụ nhỏ
từ chùm chìa khóa rồi bắt đầu.
Tôi nghe bài Swan Lake trổi lên
từ máy nhạc hàng xóm
và bắt đầu âm ử hát theo.

Bao nhiêu thời giờ trôi qua,
tôi không biết. Nhưng đến khi
nghe thơ nói, đã cắt đến cổ tôi
nhưng sẽ không làm nữa
vì đã quá mỏi mệt. Tôi khuyên thơ
dừng lại, đã đủ rồi
nên về nhà nghỉ ngơi.
Thơ cảm ơn rồi từ giã.

Tôi sẽ không bao giờ hết ngạc nhiên
một số người
có thể hài lòng một cách dễ dàng.

Đi Lanh Quanh

Cũng cửa này tôi vào
Rồi đi ra, bỏ đi lần nữa.
Tôi biết rõ lý do,
không bao giờ lạc lối nơi tôi muốn đến.

Đi rồi đến, đến rồi đi
đầu óc chỉ nghĩ bao nhiêu chuyện đó.
Cố gắng của tôi rất đơn giản --
Đi chỉ để đi lanh quanh.

(*) Tôi ngạc nhiên
khi đi
số lượng gió gây ra lúc di động,
Tôi bước đi bình thường
như đã làm. Ôi, vẫn nhanh quá.

Hoặc giả tôi như vậy, cho đến khi thấy
đoạn đường đã đi qua
Rồi bắt đầu nghi hoặc
quá khứ đang cố đuổi theo tôi.

Vội vã, không muốn thấy bản thân
Phải bỏ đi trước khi đến
Như, đôi khi trong lúc vội vàng
quay trở lại, tôi cảm thấy mình đang thử nghiệm.

(*) Bốn câu này, viết lại, xa bản chính.

Ngủ Với Một mắt Mở

Không di động bởi những gì gió lay chuyển,
Những cửa sổ
không kêu lạch cạch, những nơi khác
trong căn nhà
cũng im ru, thông thường kêu ồn ào --
vì các khớp
lung lay bởi kèo nối và đinh đóng.
Lẽ ra
phải dính cứng. Và gỗ cây phong,
có thể
đôi khi gây ra thảm họa,
Gợi lại
không phải tiếng động từ vuốt nhọn
của các cành cây.
Đó là đêm tôi hồi hộp,
gánh nặng
vì ma quỉ. Ngay cả trăng bán nguyệt
(nửa mặt người,
nửa bóng tối), trên đường chân trời,
nằm nghiêng một bên
thả ánh sáng huyền hoặc
xuống
nền nhà, hoang phí sự phong quang
bệnh hoạn
xem chừng tôi. Ô, Tôi cảm thấy sự chết,
xếp
cất luôn mền đắp,
quên.
Phòng tôi ẩm ướt và lạnh,
trăng sờ soạn
và kỳ quặc. Cơn rùng mình kéo qua,
xương cốt rung lên, sự giới hạn mơ hồ
thả lỏng,
và tôi nằm ngủ với một mắt mở,
hy vọng
không có gi, sẽ không có gì xảy ra.

Thế Giới Riêng Tư Trong Nhà

Nếu bạn muốn ngắm bản thân mình cho kỹ. Hãy đứng trước gương soi, cởi áo khoát, mở nút áo sơ-mi, tháo nịt, kéo khóa quần. Y phục bên ngoài rơi xuống. Bạn cởi giày, cởi tất, đi chân không. Cởi luôn quần lót. Ở thế thua thiệt, bạn hãy kiểm tra trong gương. Kìa là bạn nhưng bạn không có trong đó.

   ***

Trích
Reasons For Moving
1968

Ăn Thơ

Mực chảy ra khóe miệng.
Không ai sung sướng như ta.
Tôi ngấu nghiến thi ca.

Quản thủ thư viện nhìn thấy, không tin được.
Đôi mắt trở nên u buồn
bà bỏ đi dấu hai tay vào áo.

Ăn hết những bài thơ.
Đèn mờ tối.
Bầy chó dưới hầm chạy lên.

Mắt chúng láo liên,
bầy chân lông vàng gấp rút lướt nhanh.
Bà quản thủ bắt đầu giậm chân rồi khóc.

Không thể nào hiểu được
Khi tôi quỳ xuống liếm bàn tay
Bà rú lên.

Tôi hóa nên người mới
Tôi nhìn bà sủa rồi gầm gừ
Tôi vui mừng đùa giỡn trong âm u kinh sách.

Tai Nạn

Chuyến tàu lửa cán ngang qua tôi.
Tôi cảm thấy tội nghiệp
cho người lái tàu
đang cúi xuống
thì thầm bên tai tôi
rằng ông vô tội.

Ông lau trán tôi
thổi sạch tro
lấm trên môi.
Máu tôi phun
theo gió chiều,
che mờ mắt kính của ông.

Kể thầm bên tai tôi
về đời ông tỉ mỉ:
có một vợ
và đứa con dễ thương,
ông luôn luôn
làm người lái tàu.

Ông nói
cho đến khi
đèn pha của ai đó
chiếu sáng chúng tôi.
Ông đứng lên.
xốc lại áo khoác

rồi bỏ chạy.
Các đá bọt vỡ kêu
dưới gót đôi giày ống,
trời lạnh
và ẩm
tạt vào mặt ông.

Về nhà, ông ngồi
trong bếp,
nhìn sửng vào bóng đêm.
Gương mặt ông đỏ bừng
hai tay nắm lại
giữa đầu gối.

Ông thấy tôi nằm dài
bất động
bên cạnh những bài ca
và bông hoa ngột ngạt
hơi thở tôi
bị cuốn hút đi mất,

những cánh đồng uốn cong
dưới cơn gió
dữ dội
và chim chóc tản mác
vào trú cành rậm rạp
trong rạng cây.

Ông vội vã
chạy ra khỏi nhà
đến lượm một đống bầy nhầy
từ thân thể tôi
ôm vào lòng
mang về nhà.
Đặt tôi lên giường.

Ông gục đầu xuống
bên cạnh tôi
rồi nói rằng
tôi sẽ bình phục.
Ánh sáng lu mờ
sáng trong mắt ông.

Tôi lắng nghe gió
thổi mạnh quanh nhà.
Không thể ngủ.
Không thể tỉnh thức.
Các cửa đập vang.
Kết cuộc của đời tôi bắt đầu.

Ông Đưa Thư

Nửa đêm.
Ông ta đi đến
gõ cửa.
Tôi ra đón vội vàng.
Thấy ông đứng khóc,
đưa lá thư run run.
Ông nói, có tin
khủng khiếp cho tôi.
Ông ta té quị trên đầu gối.
Van nài: -"Tha thứ cho tôi! Tha thứ cho tôi!"

Mời ông vào nhà.
Lau nước mắt.
Bộ đồng phục xanh
dính màu xuống ghế đỏ
như dấu mực.
Kiệt lực, hoảng hốt, co ro,
ông rút người lại cong tròn, thiếp ngủ
trong khi tôi soạn tìm thư gửi cho mình
trong cùng tâm trạng:

" Ta sẽ sống
trừng phạt bởi khổ đau.
Ta nên tha thứ."

Hôn Nhân

Gió nhè nhẹ thổi
từ hướng ngược chiều

Nàng xoay xoay giữa gió.
Chàng lần bước trên mây.

Nàng chuẩn bị sẵn sàng
xõa tóc,

điểm trang đôi mắt
nở nụ cười.

Mặt trời gửi ấm trên răng trắng,
chót lưỡi khiêu mời liếm ướt môi.

Chàng phủi bụi dơ trên y phục
chỉnh cà vạt thật ngay.

Đốt điếu thuốc.
Họ rồi sẽ gặp mặt.

Gió thổi họ đến gần.
Chào nhau.

Gần hơn, gần hơn nữa.
Ôm chặt.

Nàng sửa soạn giường
Chàng tụt quần xuống.

Họ kết hôn
rồi sinh con.

Họ bay theo gió thổi
về hai hướng khác nhau.

Gió lớn, chàng nghĩ ngợi
chỉnh cà vạt thật ngay .

"Em thích cơn gió," nàng nói
rồi mặc áo quần vào.

Gió thổi rồi gió thổi
Gió là tất cả cho lứa đôi.

Giữ Sự Việc Tròn Vẹn

Vào cánh đồng
Tôi là sự vắng mặt
của cánh đồng.
Chuyện này
luôn luôn như vậy
Bất cứ tôi ở đâu
Tôi là cái gì không ai thấy.

Khi tôi đi
rẽ đôi không khí
bất cứ lúc nào
không khí cũng chuyển động
tràn lấp đầy khoảng trống
nơi tôi vừa bỏ đi.

Chúng ta luôn luôn có lý do
di động
tôi di động
để giữ sự vật tròn vẹn.

Bàn Tay Dơ

Bàn tay tôi dơ.
Cần chặt bỏ.
Rửa ráy chỉ vô ích.
Nước đang bị nhiễm trùng.
Xà phòng hư hoại.
Không còn nổi bọt.
Bàn tay dơ.
Dơ đã nhiều năm.

Tôi thường giấu tay
trong túi quần
khỏi ai thấy.
Chẳng ai nghi ngờ điều gì.
Nếu có người gặp gỡ
muốn bắt tay
tôi tỏ ý từ chối
Và bàn tay ẩn núp,
như con ốc sên đêm,
để lại dấu vết
trên đùi tôi.
Sau đó chợt nhận ra
chuyện sẽ giống như vậy
dù sử dụng tay hay không.
thấy ghê tởm như nhau.
A! Đã bao nhiêu đêm
trong căn nhà sâu thẳm
tôi rửa tay này,
lau chùi, đánh bóng,
mơ ước nó trở thành
kim cương hoặc pha lê
hoặc thậm chí, tối thiểu,
trở thành bàn tay sạch,
bàn tay sạch của người
mà bạn muốn bắt tay
hoặc hôn lên, hoặc nắm giữ
một trong những khoảnh khắc đó
lúc hai người thú nhận
không cần nói lời nào...
Chỉ có
bàn tay bất trị,
quờ quạng và lờ đờ,
xòe ngón tay dơ bẩn.

Bụi dơ là hèn mọn.
Không phải bùn hoặc bồ hóng
hoặc cáu bẩn
từ bệnh ghẻ xưa
hoặc mồ hôi đọng
trên áo lao động.
Đó là bụi sầu
gây ra bệnh hoạn
và khổ đau cho nhân loại.
Nó không phải đen;
đen là nguyên chất.
Nó mờ đục,
bụi màu xám xỉn.

Không thể nào
sống với bàn tay
gớm ghiếc này
đang đặt trên bàn.
Nhanh lên! chặt bỏ nó!
Cắt từng mảnh
ném
vào đại dương.
Chờ thời gian, với hy vọng
và ý đồ
bàn tay khác sẽ trở lại
trong sạch, trong suốt như thủy tinh
rồi tự nó gắn vào tay tôi.

    * * *

Trích
DarKer
1970

Cẩm Nang Mới Về Thi Ca

1. Nếu có người am tường về thơ
người đó sẽ gặp nhiều phiền muộn.

2. Nếu có người sống với một bài thơ
người đó sẽ chết cô đơn.

3. Nếu có người sống với hai bài thơ
người đó sẽ phản bội một bài.

4. Nếu có người thai nghén một bài thơ
người đó sẽ có ít hơn một đứa con.

5. Nếu có người thai nghén hai bài thơ
người đó sẽ có ít hơn hai đứa.

6. Nếu có người đội vương miện khi sáng tác
người đó sẽ bị lật tẩy.

7. Nếu có người không đội vương miện khi sáng tác
người đó không dối gạt ai ngoài trừ chính bản thân.

8. Nếu có người bực tức vì bài thơ
người đó đáng bị người khác khinh bỉ.

9. Nếu một người vẫn tiếp tục bực tức vì bài thơ
người đó đáng bị đàn bà khinh miệt.

10. Nếu có người công khai phản đối thi ca
giày của người đó đáng chứa đầy nước tiểu.

11. Nếu có người rời bỏ thi ca vì quyền lực
người đó sẽ được quyền lực thật nhiều.

12. Nếu có người khoác lác về thơ của mình
người đó sẽ được ngưỡng mộ bởi đám ngu xuẩn.

13. Nếu có người khoác lác về thơ của mình và thích thú ngu muội, người đó đừng bao giờ viết nữa.

14. Nếu có người thèm muốn được chú ý vì bài thơ của mình
người đó sẽ như kẻ ngốc nghếch dưới ánh trăng.

15. Nếu có người làm thơ và khen ngợi thơ người khác
người đó đáng được có tình nhân tuyệt đẹp.

16. Nếu có người làm thơ và khen ngợi thái quá thơ người bạn
người đó nên xua đuổi tình nhân đi xa.

17. Nếu có người nhận thơ người khác làm của mình
trái tim người đó sẽ lớn gấp đôi.

18. Nếu có người để thơ mình trơ trụi
người đó sẽ sợ hãi sự chết.

19. Nếu có người sợ hãi sự chết
người đó đáng được cứu vớt bởi thơ của hắn.

20. Nếu có người không sợ chết
người đó có thể được hoặc không được thơ cứu vớt.

21. Nếu có người làm xong bài thơ
người đó sẽ chiến đấu trong nỗi trống rỗng vừa tỉnh thức đam mê
và được hôn bởi trang giấy trắng.

Vẫn Thế

Tôi dọn trống bản ngã từ tên họ kẻ lạ.
Dọn trống túi quần.
Dọn trống đôi giày rồi bỏ lại ven đường.
Đêm đến tôi vặn ngược đồng hồ;
Mở tập ảnh gia đình, nhìn tôi khi còn bé.

Có ích lợi gì đâu?
Thời gian đã hoàn tất nhiệm vụ.
Tôi tự gọi tên. Tự nói tạm biệt.
Lời nói nối nhau cuốn theo gió.
Tôi yêu vợ tôi nhưng tiễn nàng đi xa.

Bố mẹ tôi bay ra khỏi ngai vàng
lên trời mây trắng. Làm sao tôi có thể hát?
Thời gian cho tôi biết, tôi là gì.
Tôi thay đổi và tôi vẫn vậy.
Dọn trống bản ngã từ đời tôi mà đời tôi vẫn thế.

Đến Lúc Này

Chúng ta đã làm hết sức những gì mong muốn.
Chúng ta vất bỏ ước mơ, thích trao đổi kỹ nghệ nặng,
nghênh đón những khổ đau,
kêu gọi từ bỏ những thói quen không thể loại trừ.

Rồi hiện giờ, nơi đây chúng ta đã đến.
Cơm chiều dọn rồi nhưng không thể ăn.
Thịt thà sẵn sàng trên đáy đĩa trắng
Rượu vang đợi chờ.

Đến lúc này
được những phần thưởng:
Không có gì hứa cho,
không có gì lấy mất.
Chúng ta không có trái tim hoặc ơn cứu rỗi,
không có chỗ đi, không có lý do ở lại.

Đã Là Như Vậy

" Trần gian vốn xấu xa
thế nhân thời buồn bã"
( Wallace Stevens.)

Tôi nằm ngủ
trằn trọc suốt đêm
trong cái lạnh thản nhiên khó tưởng của chiếu chăn, rồi mất ngủ.

Ông hàng xóm đi lại bên phòng ông,
mang mặt nạ kiểu cọ, đầu chim ưng có mõ lớn.
Ông đứng gần cửa sổ.
Một chùm lông tím gắn trên đỉnh mũ tròn

Ánh trăng
tràn xuống ông như sữa trắng
rồi gió rửa sạch sữa trong hai chén kính trên mắt ông.

Chiếc mũ nằm trong xách hàng hoá
ông ngồi trong công viên, tay vẫy lá cờ Hoa Kỳ nhỏ.
Không nghe được gì khi ông cử động sau dãy cây và hàng rào,

luôn luôn ở ngoại ô nghèo của thị trấn,
chĩa súng vào những người như tôi.
Cúi núp dưới bàn ăn, thầm nhủ
Tôi là chó, ai muốn giết chó làm gì?

Vợ hàng xóm trở về.
Bước vào phòng khách,
cởi áo quần, tóc xõa ra trên lưng.
Dường như bà lội qua sông dài cạn của bóng tối.

Gót chân bà màu đen.
Cúi hôn lên cổ chồng
rồi thọc tay vào quần ông.

Cặp hàng xóm nhảy múa.
Lăn lộn trên sàn nhà
Lưỡi ông liếm tai bà,
phổi ông bốc mùi cọ xát trong không khí âm ti.

Ngoài đường người ta nằm ngửa
đưa hai gối lên trời,
mắt đẫm lệ, tai đầy bụi tro.

Phía sau lưng áo quần rách nát.
mặt mày mệt nhọc.
Người cưỡi ngựa chạy quanh họ,
nói cho biết vì sao họ nên chết.

Vợ hàng xóm gọi tôi,
miệng sát vào tường sau giường tôi nằm.
Bà nói: -" Chồng tôi chết rồi."
Tôi nghiêng mình lại.

hy vọng bà không nói dối.
Tường và trần phòng tôi màu xám -
màu ánh trăng xuyên qua của sổ tiệm giặt đồ.
Tôi nhắm mắt.

Thấy tôi trôi nổi trong biển chết trên giường,
chìm dần xuống, kêu cứu,
nhưng tiếng kêu mơ hồ nghẹn trong cổ tôi.

Thấy tôi trong công viên trên lưng ngựa,
chung quanh tối đen,
đi đầu đoàn kỵ bình hòa bình.
Bầy ngựa có chân sắt không cong lại.

Tôi thả cương. Nơi nào náo loạn sẽ kết thúc?
Phóng ra tắc -xi vây hãm bởi sương mù,
hành khách lịm vào giấc ngủ.

Đổ xăng từ cột xăng ba màu.
Khóa cửa họ lại,
người trong văn phòng đùm túm với nhau,
kể cùng câu chuyện lập đi lập lại.

Tất cả những người tự bán mình, muốn mua mình trở lại.
Không có gì hoàn thành.
Đêm gặm nhấm tứ chi của họ như bệnh bạc lá.

Tất cả mọi thứ tối dần.
Tương lai không phải là những gì giống như cũ.
Mồ mã đã sẵn sàng.
Người chết kế thừa người đã chết.

Bài Ca

Tôi thích ngồi suốt ngày
như bao tải trên ghế
và nằm dài suốt đêm
như tảng đá trên giường.

Khi thức ăn mang đến
tôi mở miệng đón chờ.
Khi buồn ngủ kéo đến
tôi nhắm mắt vào mơ.

Thân xác tôi ca hát
chỉ một bài mà thôi
gió trở nên buồn bã
thổi trong vòng tay tôi.

Hoa nở.
Hoa tàn.
Nhiều là ít.
Tôi ao ước được nhiều.

Chuyện Khủng Khiếp Đã Xảy Ra

Đám bà con chồm tới, nhìn chăm chú đợi chờ.
Môi họ khô dùng lưỡi liếm cho ướt.
Tôi cảm thấy họ đang hối thúc.
Tôi đưa đứa bé lên cao.
Mảnh bình sữa vỡ long lanh trong nắng.

Ban nhạc nhỏ chơi hành khúc thời xưa.
Mẹ tôi đi từng bước đếm giờ.
Bố tôi ôm hôn một bà đang vẫy tay người khác.
Thấy những hàng dừa.

Trên dãy đồi nhìn thấy nhiều cây phượng trổ hoa màu cam
sau lưng trời mây trên cao chuyển động.
-" Cậu trẻ, hành động đi," tôi nghe ai nói " Làm đi."
Tôi mãi phân vân nếu trời sẽ mưa.

Trời sẩm tối. Nổi sấm sét.
Một bà dì nói: -' Bẻ chân nó,'
Tôi làm theo, -'Bây giờ, hôn nó đi.'
Cây cối quằn quại trong cơn gió nhiệt đới mù mịt.

Đứa bé không la hét, nhưng tôi nhớ tiếng thở dài
khi tôi mò vào đôi buồng phổi nhỏ
và tống không khí ra ngoài cho đám ruồi.
Đám bà con cổ võ.
Đã đến lúc tôi ngưng làm.

Bây giờ, khi tôi trả lời điện thoại,
môi bé hiện lên trong ống nghe;
khi tôi ngủ, tóc bé kéo quấn
chung quanh khuôn mặt quen thuộc trên gối nằm;
Bất cứ nơi nào tôi tìm kiếm sẽ thấy đôi chân bé.
Bé là những gì sót lại trong đời tôi.

    * * *

Trích
The Story Of Our Lives
1973

Chuyện Ăn Mừng

Ngồi trên ghế, bổng dưng xúc động,
cảm thấy già, lão hóa xác thân,
tưởng như nước, đợi chờ nhẫn nại,
hoặc chán chường, như đá đợi chờ.
Cảm giác lặng im như trang đời thừa thãi,
cảm tưởng đúng sai thiện ác đều hư không,
kể cả bóng đen tràn đầy căn nhà trống
trong lúc ông ngồi theo dõi chuyện đời.
Đã thấy thế này trong cuộc sống.
Cửa sổ nhìn ra bạn bè đi qua,
mặt họ lấm lem vết sầu thương tiếc.
Muốn vẫy chào, tay ông xụi lơ.
Ông ngồi trên ghế.
xoay nhìn cây bạch lan, giăng lưới độc quanh nhà.
Thưởng thức mật hương nỗi vắng mặt.
Dù ở nơi nào cũng như nhau
nếu lời nói thối rửa trước thân xác
hoặc nếu xác thân tan tác trước tiếng lời.
Biết ước muốn chỉ dẫn vào khổ lụy,
khổ lụy này thành tựu nhập hư vô.
Ông biết chuyện tuy kỳ lạ,
đây là chuyện ăn mừng,
buổi ăn mừng duy nhất,
nhập hư vô bởi bản ngã hiến dâng.
Sẽ được cứu chữa.
Ông biết hân hoan sẽ tràn ngập tâm tình
phổi của ông chuẩn bị một mai xám xịt,
vậy nên đợi chờ, theo dõi rồi chờ đợi,
cát bụi sẽ phủ che
rồi thời khắc thần diệu tuổi thơ sẽ lan man vào đen tối.

    * * *

Trích
The Late Hour
1978

Ánh Sáng Xuất Hiện

Mặc dù muộn màng chuyện vẫn xảy ra:
Tình yêu xuất hiện, ánh sáng xuất hiện.
Em thức dậy, bạch lạp sáng như tự động thắp lên,
tinh tú quây quần, chiêm bao tràn gối,
bốc lên ấm áp phảng phất hương hơi.
Mặc dù muộn xương châu thân sáng tỏa
để bụi bay trong hơi thở ngày mai.

Con Trai Tôi

Con trai tôi
con trai duy nhất
đứa con chưa ra đời,
nếu có, giờ đã thành người lớn.

Con tôi di chuyển
trong không khí,
vô hình, vô danh
Đôi khi

con tôi đến
tựa đầu
nhẹ hơn gió
lên vai tôi

hỏi con,
con ơi,
con ở lại nơi nào
con ẩn núp ở đâu?

Và con tôi trả lời
bằng một hơi thở lạnh,
Em mãi không quan tâm
dù tôi cất tiếng gọi

rồi gọi
rồi tiếp tục gọi
từ một nơi
vô cùng xa xôi,

bên kia tình thương,
nơi không có gì,
và tất cả,
đều muốn được sinh ra.

Thơ Bằng Gió

Những bài thơ bằng gió đang từ từ chết.
quá nhẹ trên trang giấy, quá mờ, quá xa xôi,
những gì gọi là Mặt Trăng, Ngôi Sao, Mặt Trời,
chìm vào biển cả hoặc lướt sau rạng cây bóng mát
ở cuối cánh đồng. Khắp nơi thấy mồ mã và ánh lửa.

Ngày hè nào hoặc đêm đông nào thơ sẽ chấm dứt.
Không còn ai khóc, không còn ai nhìn trời.
Màn sương dày dặt sẽ phủ đầy thung lũng,
bóng tối thường hằn sẽ mưa trên dãy đồi,
sẽ không có gì, dù chỉ một con chim, để hót.

Về Một Người Đàn Ông

Muốn thức dậy giữa đêm
đến soi gương, tự hỏi:
Ai đây?

Muốn xoay lại, quì xuống
đăm đăm nhìn tuyết rơi
vô tội trong đêm gió.

Muốn khóc:
Trời cao, hãy nhìn xuống!
Thấy không? Chẳng có ai nơi đây.

Muốn cởi hết áo quần rồi nói:
Thân xác là huyệt mộ không có gì bên trong.

Muốn dí sát vào gương soi rồi nói:
Chính ngươi, ngươi đã đánh thức ta,
hãy xác nhận, không có gì ta nói là đúng cả.


Trắng

Bây giờ, sống nửa đời người
tất cả mọi thứ đều màu trắng.
Tôi đi dưới lùm cây,
dưới tàn lá mòn mỏi,
dưới trời trưa rộng mở,
rồi ngày trở nên trắng.
Và hơi thở tôi trắng,
thả bay trên cỏ xanh
trên cánh đồng đông lạnh
vào một vùng ánh sáng trên cao.
Khi tôi đi, bóng đen
của bước chân cũng trắng,
còn bóng tôi tung tăng
dưới đất. Trong tất cả các mùa
tôi tìm thấy tôi nơi im lặng,
những gì tôi làm bằng hư không đều trắng,
trắng buồn sầu,
trắng tử vong.
Ngay cả đêm kêu gọi
như nguyện vọng đen tối, cũng trắng;
Trong giấc ngủ khi tôi cuốn vào
thời tiết của chiêm bao
nó trắng như khăn trải giường
và trắng như màu ánh trăng
chiếu trên sàn nhà
đã cứu tôi sáng hôm sau.
Vừa khi thức tỉnh, thấy
vùng ánh sáng lớn dần,
phủ tràn cây cối, nhà cửa,
các đoạn băng.
Nó lan rộng ra. Bao tròn
đôi mắt một màu trắng.
Tất cả sự vật hóa thành một.
Tất cả liên hoàn
kể cả những gì ngoài tầm thấy.

Đôi Lời Cuối
1.
Thật dễ dàng cho lạc đà chui qua lỗ kim
Hơn đàn ông nghèo chui vào tài sản của phụ nữ.
Cứ ra ngoài nghĩa địa, hỏi thử chung quanh.
2.
Cuối cùng rồi, bạn cũng lén ra ngoài, để cánh cửa
đóng sập trên ý nghĩ mới nhất. Ý nghĩ gì vậy?
Cứ ra ngoài nghĩa địa, hỏi thử chung quanh.

3.
"Negligence" mùi dầu thơm tôi thích
Ôi Fedora, Chiếc mũ Fedora, Nếu muốn một chiếc,
cứ ra ngoài nghĩa địa hỏi thử chung quanh.

4.
Xương trâu, con thỏ giữa hoàng hôn,
Gió và gió lớn gấp đôi, cây cối, thành phố...
Cứ ra ngoài nghĩa địa hỏi thử chung quanh.

    * * *


Trích
Man and Camel
2006

Đàn Ông và Lạc Đà

Chiều trước ngày sinh nhật bốn mươi
Ngồi ngoài hiên nhà hút thuốc
không biết từ đâu, người đàn ông cưỡi con lạc đà
đi ngang qua. Khởi đầu cả hai đều lặng lẽ
nhưng khi đi xa dần thành phố, cả hai cất tiếng hát.
Tuy nhiên, lời hát vẫn mãi huyền bí đối với tôi
Lời nghe không rõ, nhạc khó nhớ vì âm điệu hoa mỹ.
Càng đi vào sa mạc, tiếng hát càng vang cao
vút trên tiếng gió thổi vần vù bay cát.
Nỗi kỳ diệu từ tiếng hát,
sự hòa điệu khó hiểu giữa ông ấy và lạc đà
dường như là hình ảnh lý tưởng cho đôi vợ chồng khác thường.
Đêm nay có phải là đêm tôi mong đợi từ lâu?
Tôi muốn tin như vậy,
nhưng khi họ khuất mờ,
cả đàn ông và lạc đà ngưng hát
rồi phóng nước đại trở vào thành phố.
Dừng lại trước hiên nhà,
mắt tròn xoe nhìn tôi trừng trừng rồi thét:
" Ông phá hư hết. Ông phá hư vĩnh viễn ."

2002

Tôi không nghĩ đến chết nhưng chết đang nghĩ đến tôi.
Hắn dựa ngửa vào ghế, xoa tay, gãi râu rồi nói:
" Ta nghĩ đến Strand, nghĩ đến ngày tái xuất,
đong đưa lưỡi hái hoặc đưa đồng hồ cát lên xem giờ dưới ánh trăng,
và Strand sẽ xuất hiện mặc áo vét thắt cà vạt,
rồi cùng nhau tản bộ trên đại lộ Cây Trụi Lá về thành phố linh hồn.
Khi đến lâu đài cẩm thạch Great Piazza,
đám đông đang chờ sẽ chào đón bằng tiếng kêu mê sảng,
nước mắt họ, biến thành cứng và lạnh như thủy tinh
nén giữ lâu ngày, sẽ rơi, vang lên khi chạm vào tảng đá bên dưới.
Ô, ta mong xảy ra cho sớ, xảy ra cho nhanh."

Lửa

Thỉnh thoảng thấy đám cháy, tôi muốn bước vào
rồi trở ra nhưng không hề hấn gì, vẫn tiếp tục bước đi,đối với tôi, đây là chuyện phải làm.
Còn chuyện dập tắt lửa, để dành cho người khác
để họ hối hả xông vào đám khói cuồn cuộn với chổi
và chăn để cứu hỏa. Khi xong việc, họ đùm túm tán dóc những gì đã xảy ra --
May mắn biết bao cho họ làm nhân chứng những ngọn lửa nóng, những ảnh hưởng nghẹt thở của tro, nhưng hơn thế nữa, được biết mùi giấy cháy, âm thanh của chữ thở lúc hấp hối.

Thang Máy
1.
Thang máy đi xuống hầm. Cửa mở ra.
Người đàn ông bước vào, hỏi nếu tôi đi lên.
Tôi nói, "Tôi không đi lên, tôi đi xuống."
2.
Thang máy đi xuống hầm. Cửa mở ra.
Người đàn ông bước vào, hỏi nếu tôi đi lên.
Tôi nói, "Tôi không đi lên, tôi đi xuống."

Gương Soi

Trong căn phòng màu trắng, tiệc tùng vui chơi
Tôi đứng chuyện trò cùng vài thân hữu
dưới tấm gương lớn có khung mạ vàng
hơi nghiêng nghiêng về phía trước
treo trên lò sưởi.
Chúng tôi uống whisky
vài người trong bọn, say xỉn (1)
đang cố phân định
cho đúng bóng màu vàng
do nắng trời chiếu vào ly rượu.
Tôi chợp mắt vài giây,
rồi nhìn lên gương lớn:
thấy đàng xa một phụ nữ mặc áo đầm xanh đứng dựa tường.
Dường như nàng đang phân tâm,
ngón tay táy máy trên xâu chuỗi đeo cổ,
mắt nhìn gương không rời,
không phải nhìn tôi, nhìn phía sau lưng
nơi có thể thấy người đến muộn,
ai trong lúc này
có thể bắt đầu một hành trạng
cuối cùng sẽ gặp nàng.
Đột nhiên, bạn tôi nói, đã đến giờ tạm biệt.

Chuyện đã nhiều năm qua,
dù đã quên nơi tiệc tùng và người tham dự,
nhưng vẫn nhớ giây phút ngước lên
thấy người phụ nữ nhìn vào nơi tôi tưởng tượng,
mỗi khi nhớ lại lòng băn khoăn
như thể lúc đó từ đáy gương bước ra phòng tiệc
nín thở và nôn nao,
chỉ để khám phá ra, quá muộn
nàng không còn đứng đó.

(1) Feel no pain: Thành ngữ.

    * * *

Trích
Almost Invisible
2012

Em Hãy Úp Mặt Vào Lòng Tay

Bởi chúng ta đã vượt qua sông và gió lạnh chỉ làm thêm tê cóng, chúng ta đã bằng lòng chấp nhận, không còn mong muốn gì hơn những gì đã có, không tự hỏi làm thế nào chúng ta đến đây, không quan tâm vì những gì xảy ra không như ý. Không cách nào phá tan sự mơ hồ trong cõi đời, không cách nào biết được những gì phải gánh chịu trong ngày mai. Sự im lặng băng giá của suy tư chảy tan trước khi có cơ hội đông lại. Nơi chúng ta ở không thể nào giải thích. Có quá nhiều cổng dẫn vào vô tận và hiện tại lại rất xa, rất sâu thăm thẳm.

Nỗi Sầu Muộn Chôn Kín Trong Lòng Thi Sĩ

Một mùa hè khi ông còn trẻ, đứng bên cửa sổ, tự hỏi, những người đàn bà đã đi đâu, họ thường ngồi nhìn ra biển, trông chừng, chờ đợi điều gì, không bao giờ xuất hiện, cơn gió nhẹ nhàng chạm làn da, thổi những sợi tóc bồng bềnh bay dính bờ môi. Từ mùa nào họ đã thôi chờ đợi, từ ý nguyện nào họ đã ra đi? Đã lâu rồi từ khi ông thấy họ lộng lẫy trong cô đơn, ảm đạm trong ngơ ngẩn, diễn câu chuyện buồn về niềm hy vọng bị bỏ rơi. Đó là mùa hè ông lang thang đi vào đêm kỳ diệu, vào đại dương bóng tối, giống như lần đầu tiên, tự mình chiếu ánh sáng, nhưng những gì ông chiếu đều đen mịt, những gì ông tìm thấy chỉ là đêm.

Mỏi Mòn Giữa Hoàng Hôn

Trái tim trống rỗng do một ngày bận rộn làm việc văn phòng. Nhưng trái tim trống rỗng có thể làm được gì ngoài trừ tự mình dọn trống sự trống rỗng. Quét sạch những gì không thể quét cần có ý chí, những nổ lực không kết quả của tài năng đã trở thành gánh nặng. Thương thay trái tim trống rỗng, già trước tuổi, vất vả làm sao khi thi hành những gì trí tuệ sai khiến. Nhưng những vất vả đó chẳng đạt kết quả gì. Trái tim trống rỗng không thể tuân theo mệnh lệnh trí óc. Tim ẩn mình trong bóng tối, hoang tưởng, và dần dần trở thành hư không.

Bài Thơ của Thi Sĩ Tây Ban Nha

Ở một nơi nào đó, tiểu bang Iowa, trong một khách sạn, một thi sĩ Mỹ chán ngấy thơ của mình, mệt mỏi làm thi sĩ Hoa Kỳ, dựa ngửa vào lưng ghế rồi tưởng tượng mình là thi sĩ Tây Ban Nha, một thi sĩ già, sống đã gần cuối đời, ông đang đi vào Gadalquivir, ngắm những con tàu, xám buồn và ma quái trong ánh sáng mập mờ, trôi dần xuống hạ lưu. Những con sóng nhỏ vỗ vào bờ cỏ nơi ông ngồi, thì thầm điều chi ông không nghe rõ khi sóng cong lên rồi vỗ xuống. Bây giờ, người thi sĩ Tây Ban Nha sẽ làm gì? Ông đưa tay vào túi, lấy ra giấy bút, rồi viết:

Ruồi đen, ruồi đen
Sao ngươi bay đến

Phải chăng vì áo ta
Áo mới tinh trắng bóc

Với nút bằng xương
Đây bộ âu phục

Màu xanh đậm
có phải bởi vì

ta ngồi đây cô độc
dưới gốc Liễu buồn

Lạnh như đá tảng
Ruồi đen, ruồi đen

Ngươi khỏe mạnh ra sao
đến gặp ta bây giờ

Ngươi vui vẻ thế nào
khi thăm ta nơi đây

Ruồi đen, ruồi đen
hãy chào tạm biệt.

Nhân Viên Xã Hội và Con Khỉ

Có lần ngồi chung phòng với con khỉ, nó nói nó không phải là khỉ. Tôi cảm thông nỗi thống khổ phải mang xác thân chán ghét. Tôi nói: " Thưa ông, Tôi chia xẻ những cảm tưởng của ông và muốn giúp đỡ ông". Nó trả lời: " Cứ đối xử tôi như con khỉ, phục vụ như vậy là đúng đắn".

Tình Yêu In Bóng Dưới Ánh Đèn

Làn khói, tỏa lên mỏng dần, trải ngang mặt nước rồi ngưng lại gọn gàng nơi căn nhà nhỏ gần bìa rừng. Một cặp vợ chồng ngồi trong nhà, mỗi người tay cầm ly rượu, tranh cãi xem ai chết trước. Người chồng nói, "Anh sẽ đi trước." Người vợ đáp lại, "Không, để em đi trước." Rồi cả hai cùng nói, "Hay chúng ta cùng chết một lần."Họ không thể tin được, đã phát biểu chung một ý, người vợ đứng lên nói, "Nếu em là họa sĩ, em sẽ vẽ chân dung anh." Người chồng trả lời, "Nếu anh là họa sĩ, anh cũng sẽ làm như vậy."

Chiến Thắng Của Vô Tận

Tôi thức giấc giữa đêm, đi đến cuối hành lang. Trên cánh cửa, một hàng chữ lớn, " Nơi đây là cuộc đời sau. Hãy vui lòng bước vào." Tôi mở cửa. Đầu phòng bên kia, người đàn ông có râu mặc y phục xanh nhạt, quay lại nhìn tôi rồi nói, "Nên chuẩn bị sẵn sàng, chúng ta còn đi khá xa." Tôi nghĩ rằng, "Đây là lúc tôi nên thức dậy," nhưng tôi đã lầm. Chúng tôi bắt đầu hành trình băng qua vùng lãnh nguyên bằng vàng và các mảng băng. Sau đó trong vài dặm, không có gì chung quanh, tôi chỉ nghe được nhịp tim mình càng đập càng khó khăn đến đổi tôi tưởng mình sẽ chết thêm lần nữa.

Không Còn Thể Làm Gì Được

Buồn sầu hiện diện khắp nơi. Người đứng ở những góc đường bổng dưng khóc. Họ không còn cách nào khác hơn. Trong dãy chung cư u ám, nơi bãi đầu xe, bên những bàn ăn dọc đường, người ta khóc. Con chó cạnh bên người chủ, con mèo bên ngưỡng cửa, chúng cũng khóc theo. Vì vua và hoàng hậu đã chết, hoàng tử, tổng thống của quốc gia cộng hòa, và những ngôi sao màn bạc, cũng đều chết. Cả thế giới khóc. Rồi khóc tràn lan , tiếp tục lây lan không thể nào chấm dứt

Bên Kia Thế Giới

Nàng ở bên cạnh tôi đã lâu rồi, hoặc chỉ trong chốc lát mà thôi? Tôi không nhớ. Tôi có thể yêu nàng, có thể không? Nơi đây có nhà rồi không thấy căn nhà. Có cây cối, nhưng không tồn tại. Khi không còn ai nhớ, cái gì đã ở đó? Ngươi, những khoảnh khắc biến tan, trôi như sợi khói bên kia thế giới, hãy kể tôi nghe điều gì, bất cứ điều gì cũng được.

Không Ai Biết Những Gì Đã Biết

Một đàn ông và một đàn bà cùng trên chuyến tàu lửa. Ông nói, "Chúng đi đâu đây?Anh không nghĩ như vậy, không phải lần này. Bây giờ đã sang thế kỷ mới, hãy nhìn lại chúng ta. Chẳng đến đâu cả. Gwendolyn, nói cho anh biết, khi lên tàu, vì sao ta lại không biết ngày này sẽ đến?" " Thôi, bỏ đi," Gwendolyn trả lời. Chuyến tàu lửa băng qua cánh đồng tuyết phủ vô tận; không phố quận nào chờ đón, không phố phường nào than thở tiễn đưa. Chỉ đơn thuần cứ tiếp tục chạy, đó là mục đích -- Để trợt như giấc mơ qua những khoảng trống của quê hương đang phát ra những than van sầu muộn, sẽ từ từ tan vào lạnh lẽo.

Hoà Thuận Trong Phòng Ngủ

Sau nhiều năm kết hôn, anh ta đứng bên chân giường ngủ, nói với vợ rằng, nàng chưa bao giờ hiểu anh, tất cả những gì anh nói, chưa kể nhiều điều anh chưa nói, cứ mỗi lời anh thốt ra, có một lời khác, trăm ngàn lời tiếp theo. Anh nói, những lời chưa phát biểu đó, mang hình ảnh thật của anh, đã bị phản bội bởi nhân vật anh đang giả, trước mặt nàng. Anh hất văng dép mang trong nhà rồi nói tiếp, "Em thấy đó, anh hay hơn là anh mà em đã biết." Người vợ nói, "Ô, anh tức cười quá, dĩ nhiên rồi. Chỉ nghĩ về anh cũng đủ biết anh có nhiều mặt khác nhau, đang lùi dần vào hư không, điều đó rất thú vị. Hầu như anh vắng mặt trong đời sống, không có gì có thể làm em hài lòng hơn."

Chuyện Sinh Viên Không Thể Tả

Những gì tôi sắp kể đã xảy ra nhiều năm qua. Tôi thuê căn nhà cạnh biển. Mỗi đêm, ngồi ngoài hiên mong mỏi tìm thấy vài cảm giác đê mê, vài dòng âm điệu khơi lửa đưa tôi xa rời toàn thể cõi hiểu biết. Nhưng rồi một đêm, tôi leo lên ngọn đồi sau lưng nhà, nhìn xuống con đường đất nhỏ, ngạc nhiên khi thấy người ta sắp hàng dài lê bước đi vào chốn xa xôi. Hơi thở khó khăn và tiếng ho khan có thể bởi bụi mờ mịt khuấy động từ bước chân đi. Họ là ai? Chuyện gì đang xảy ra? Tôi hỏi một người trong bọn. "Chúng tôi tin rằng phải tiếp tục đi, ông nói tiếp, việc này rất quan trọng vì liên quan đến bản thân". Tôi nói, "nhưng tất cả bụi bặm bay mù cả ngôi sao". Ông ta trả lời, "không đúng, không đúng, chúng tôi chỉ băng qua, ngôi sao sẽ sáng trở lại".

Nỗi Say Mê Âm Nhạc Mỗi Ngày

Một âm thanh thô thiển được đánh bóng cho đến khi trở nên mượt mà, đánh bóng cho đến khi trở thành âm nhạc. Sau đó, âm nhạc được làm đẹp cho đến khi trở thành ký ức của đêm ở Venice khi nước mắt của biển rơi trên Cầu Than Thở, lần lượt được làm đẹp cho đến khi dừng lại rồi thay vào đó căn nhà trống rỗng trong con tim rối loạn. Bổng dưng, mặt trời và âm nhạc trở lại và giao thông đã di chuyển về hướng xa, trên đường viền thành phố, một đường mây dài xuất hiện, có sấm chớp, đe dọa, tuy nhiên sẽ trở thành âm nhạc, và ký ức về những gì xảy ra với Venice sẽ bắt đầu, rồi những gì xảy ra với căn nhà trong con tim rối loạn, đang vỡ làm đôi, sẽ bắt đầu.

Không Có Ngôn Ngữ Nào Để Diễn Tả

Làm thế nào cho những đám cháy kia không còn nữa, làm thế nào cho thời tiết tồi tệ hơn, làm thế nào cho bóng chim hải âu biến dạng không còn dấu vết. Phải chăng chấm dứt một mùa, chấm dứt một đời sống? Phải chăng đã quá lâu dường như không bao giờ xảy ra? Điều gì trong chúng ta, sống từ quá khứ vọng tưởng tương lai, hoặc sống trong tương lai mà vọng về quá khứ? Và có chuyện gì khi ánh sáng chiếu vào phòng nơi em bé đang ngủ, trong lúc người mẹ thức dậy, mở mắt, mong mỏi đừng thức giấc hơn cả bất cứ điều gì, nhưng bà không biết điều đó.

Bi Ca Của Người Thi Sĩ Yêu Mặt Trăng

Tôi càng lúc càng chán mặt trăng, chán vẻ mặt chưng hửng, chán ánh nhìn màu xanh băng giá, trăng đến trăng đi, mang theo những tình nhân và những kẻ cô đơn, dưới cánh bay vô hình, không phân biệt. Càng lúc tôi càng quá chán những thứ thâm nhập vào tôi, chán nhìn bóng mây băng ngang bãi cỏ đầy nắng, chán ngắm thiên nga lướt qua lướt lại trên mặt hồ, chán chăm chú nhìn vào bóng tối, hy vọng tìm thấy hình ảnh cái tôi lúc chưa sinh ra. Hãy để sự minh bạch đi vào đôi mắt, minh bạch như mặt bàn không có gì trên đó, như cái bàn lúc thậm chí chưa là cái bàn


Vẻ Đẹp Tiềm Ẩn Trong Bệnh Tật Của Tôi

Bất cứ khi nào tôi nghĩ đến bệnh tật của mình, tôi nghe ra âm điệu u sầu của đàn antô. Khi tôi kể lại với bác sĩ, ông cũng nghe âm điệu này. Bác sĩ nói, "Ông nên giữ lấy bệnh tật cho riêng ông." Một ngày mùa hè trong trẻo, tôi đi dạo, một ít chim quạ quây quần bên tôi và lặng lẽ. Tôi nhận lấy như một tặng phẩm cho vẻ đẹp tiềm ẩn trong bệnh tật của tôi. Khi kể lại với bác sĩ, ông nói, "Bệnh của ông có thể đang lây nhiễm và có thể làm suy nhược toàn thân. Vì vậy, tôi sẽ không còn là bác sĩ của ông nữa." Hôm qua, khi nghĩ đến bệnh mình, tôi trông thấy bố mẹ tôi, khỏa thân trong nơi nung nóng, hôn nhau và thì thầm. Tôi lo lắng cơn bệnh này sẽ đưa tôi đến đâu, rồi sự quan tâm chuyển hướng đến một thành phố xa lắt, đến chiếc đồng hồ bằng vàng, đến những biệt thự xây bằng đá trắng, đến những đại lộ đầy dẫy những thiên thần che mắt tránh ánh nắng mặt trời.

===============================

Ghi: Bản Anh Ngữ của Mark Strand.

My Life

The huge doll of my body
refuses to rise.
I am the toy of women.
My mother

would prop me up for her friends.
"Talk, talk," she would beg.
I moved my mouth
but words did not come.

My wife took me down from the shelf.
I lay in her arms. "We suffer
the sickness of self," she would whisper.
And I lay there dumb.

Now my daughter
gives me a plastic nurser
filled with water.
"You are my real baby," she says.

Poor child!
I look into the brown
mirrors of her eyes
and see myself

diminishing, sinking down
to a depth she does not know is there.
Out of breath,
I will not rise again.

I grow into my death.
My life is small
and getting smaller. The world is green.
Nothing is all.

Breath

When you see them
tell them I am still here,
that I stand on one leg while the other one dreams,
that this is the only way,

that the lies I tell them are different
from the lies I tell myself,
that by being both here and beyond
I am becoming a horizon,

that as the sun rises and sets I know my place,
that breath is what saves me,
that even the forced syllables of decline are breath,
that if the body is a coffin it is also a closet of breath,

that breath is a mirror clouded by words,
that breath is all that survives the cry for help
as it enters the stranger's ear
and stays long after the world is gone,

that breath is the beginning again, that from it
all resistance falls away, as meaning falls
away from life, or darkness fall from light,
that breath is what I give them when I send my love

The End

Not every man knows what he shall sing at the end,
Watching the pier as the ship sails away, or what it will seem like
When he's held by the sea's roar, motionless, there at the end,
Or what he shall hope for once it is clear that he'll never go back.

When the time has passed to prune the rose or caress the cat,
When the sunset torching the lawn and the full moon icing it down
No longer appear, not every man knows what he'll discover instead.
When the weight of the past leans against nothing, and the sky

Is no more than remembered light, and the stories of cirrus
And cumulus come to a close, and all the birds are suspended in flight,
Not every man knows what is waiting for him, or what he shall sing
When the ship he is on slips into darkness, there at the end.

When I Turned a Hundred

I wanted to go on an immense journey to travel night and day into the nknown until, forgetting my old self, I came into possession of a new self, one that I might have missed on my previous travels. But the first step was beyond me. I lay in bed, unable to move, pondering , as one does at my age, the ways of
melancholy—how it seeps into the spirit, how it disincarnates the will, how it banishes the sense to the chill of twilight, how even the best and worst intentions wither in its keep. I kept staring at the ceiling, then suddenly felt a blast of cold air, and I was gone.

The Dead

The graves grow deeper.
The dead are more dead each night.

Under the elms and the rain of leaves,
The graves grow deeper.

The dark folds of the wind
Cover the ground. The night is cold.

The leaves are swept against the stones.
The dead are more dead each night.

A starless dark embraces them.
Their faces dim.

We cannot remember them
Clearly enough. We never will.

========================================= (5)

SLEEPING WITH ONE EYE OPEN. 1964.

A Kind of Weakness

It grows on you. Slowly. Piecemeal. So that you hardly notice it at first. Eventually, of course, you can't miss it. It blossoms. You take to it as you would any natural part of yourself. It begins to look beautiful and you spend hours absorbed in the idea of it.

It gets so bad that you spend whole days before one mirror and then another, turning this way and that, getting just the right angle, letting the light fall just so, heightening the effect. You have your friends come in and look. "Love me, love this", you say. And you point.

Everyone talks about it. Gradually it gets out of hand and you can no longer find a way to show it to advantage. You feel fooled. You hate yourself. You cover your mirrors with dark curtains. You refuse to see your friends. Nothing works. It stays. It eats you.

Poems

He sneak in the back door,
tiptoes through the kitchen,
the living room, the hall.
climbs the stairs, and enters
the bedroom. He leans
over my bed and says he has come
to kill me. The job
will be done in stages.

First, my toenails
will be clipped, then my toes,
and so on until
nothing is left of me.
He takes a small instrument
from his keychain and begins.
I hear Swan Lake being played
on a neighbor's hi fi and start to hum.

How much time passes,
I cannot tell. But when I come to
I hear him say he has reached my neck
and will not be able to continue
because he is tired. I tell him
that he has done enough,
that he should go home and rest.
He thanks me and leaves.

It shall never cease to amaze me
how easily satisfied
some people are.

Walking Around

Having arrived by the same door
I left, I left again.
I knew my reason by heart,
And never lost track of where I was going.

To leave and arrive, arrive and leave
Was all I had in mind.
My drives were simple enough --
I walked for the sake of walking around.

The windy sum of my own motion,
I marveled at myself
In passing. I kept in step
With what I was. Oh, I was dashing.

Or thought I was, until I saw
The distance I had to go
And began somehow to suspect
That my past was catching up with me.

I hurried, not wishing to see myself
Leave before I arrived
As, sometimes in my haste
To get back, I have felt myself try.


Sleeping With One Eye Open

Unmoved by what the wind does,
The windows
Are not rattled, nor do the various
Areas
Of the house make their usual racket --
Creak at
The joints, trusses and studs.
Instead,
They are still. And the maples,
Able
At times to raise havoc,
Evoke
Not a sound from their branches’
Clutches.
It’s my night to be rattled,
Saddled
With spooks. Even the half-moon
(Half man,
Half dark), on the horizon,
Lies on
Its side casting a fishy light
Which alights
On my floor, lavishly lording
Its morbid
Look over me. Oh, I feel dead,
Folded
Away in my blankets for good, and
Forgotten.
My room is clammy and cold,
Moonhandled
And weird. The shivers
Wash over
Me, shaking my bones, my loose ends
Loosen,
And I lie sleeping with one eye open,
Hoping
That nothing, nothing will happen.

In the Privacy of the Home

You want to get a good look at yourself. You stand before a mirror, you take off your jacket, unbutton your shirt, open your belt, unzip your fly. The outer clothing falls from you. You take off your shoes and socks, baring your feet. You remove your underwear. At a loss, you examine the mirror. There you are, you are not there.
=================================================== (5)

REASONS FOR MOVING. 1968

Eating Poetry

Ink runs from the corners of my mouth.
There is no happiness like mine.
I have been eating poetry.

The librarian does not believe what she sees.
Her eyes are sad
and she walks with her hands in her dress.

The poems are gone.
The light is dim.
The dogs are on the basement stairs and coming up.

Their eyeballs roll,
their blond legs burn like brush.
The poor librarian begins to stamp her feet and weep.

She does not understand.
When I get on my knees and lick her hand,
she screams.

I am a new man.
I snarl at her and bark.
I romp with joy in the bookish dark.

The Accident

A train runs over me.
I feel sorry
for the engineer
who crouches down
and whispers in my ear
that he is innocent.

He wipes my forehead,
blows the ashes
from my lips.
My blood streams
in the evening air,
clouding his glasses.

He whispers in my ear
the details of his life--
he has a wife
and child he loves,
he's always been
an engineer.

He talks
until the beam
from someone's flashlight
turns us white.
He stands.
He shakes his jacket out

and starts to run.
The cinders crack
under his boots,
the air is cold
and thick
against his cheeks.

Back home he sits
in the kitchen,
staring at the dark.
His face is flushed,
his hands are pressed
between his knees.

He sees me sprawled
and motionless
beside the tracks
and the faint blooms
of my breath
being swept away;

the fields bend
under the heavy sheets
of the wind
and birds scatter
into the rafters
of the trees.

He rushes
from the house,
lifts the wreckage
of my body in his arms,
and brings me back.
I lie in bed.

He puts his head
down next to mine
and tells me
that I'll be all right.
A pale light
shines in his eyes.

I listen to the wind
press hard against the house.
I cannot sleep.
I cannot stay awake.
The shutters bang.
The end of my life begins.

The Mailman
It is midnight.
He comes up the walk
and knocks at the door.
I rush to greet him.
He stands there weeping,
shaking a letter at me.
He tells me it contains
terrible personal news.
He falls to his knees.
"Forgive me! Forgive me!" he pleads.

I ask him inside.
He wipes his eyes.
His dark blue suit
is like an inkstain
on my crimson couch.
Helpless, nervous, small,
he curls up like a ball
and sleeps while I compose
more letters to myself
in the same vein:

"You shall live
by inflicting pain.
You shall forgive."

The Marriage

The wind comes from opposite poles,
traveling slowly.

She turns in the deep air.
He walks in the clouds.

She readies herself,
shakes out her hair,

makes up her eyes,
smiles.
The sun warms her teeth,
the tip of her tongue moistens them.

He brushes the dust from his suit
and straightens his tie.

He smokes.
Soon they will meet.

The wind carries them closer.
They wave.

Close, closer.
They embrace.

She is making a bed.
He is pulling off his pants.

They marry
and have a child.

The wind carries them off
in different direction.

The wind is strong, he thinks
as he straightens his tie.

I like this wind, she says
as she puts on her dress.

The wind unfolds.
The wind is everything to them.


Keeping Things Whole

In a field
I am the absence
of field.
This is
always the case.
Wherever I am
I am what is missing.

When I walk
I part the air
and always
the air moves in
to fill the spaces
where my body's been.

We all have reasons
for moving.
I move
to keep things whole.

The Dirty Hand

My hand is dirty.
I must cut it off.
To wash it is pointless.
The water is putrid.
The soap is bad.
It won’t lather.
The hand is dirty.
It’s been dirty for years.

I used to keep it
out of sight,
in my pants pocket.
No one suspected a thing.
People came up to me,
Wanting to shake hands.
I would refuse
and the hidden hand,
like a dark slug,
would leave its imprint
on my thigh.
And then I realized
it was the same
if I used it or not.
Disgust was the same.
Ah! How many nights
in the depths of the house
I washed that hand,
scrubbed it, polished it,
dreamed it would turn
to diamond or crystal
or even, at last,
into a plain white hand,
the clean hand of a man,
that you could shake,
or kiss, or hold
in one of those moments
when two people confess
without saying a word…
Only to have
the incurable hand,
lethargic and crablike,
open its dirty fingers.

And the dirt was vile.
It was not mud or soot
or the caked filth
of an old scab
or the sweat
of a laborer’s shirt.
It was a sad dirt
made of sickness
and human anguish.
It was not black;
black is pure.
It was dull,
a dull grayish dirt.

It is impossible
to live with this
gross hand that lies
on the table.
Quick! Cut it off!
Chop it to pieces
and throw it
into the ocean.
With time, with hope
and its machinations,
another hand will come,
pure, transparent as glass,
and fasten itself to my arm.

===================================== (6)

DARKER. 1970

The New Poetry Handbook

1 If a man understands a poem,
he shall have troubles.

2 If a man lives with a poem,
he shall die lonely.

3 If a man lives with two poems,
he shall be unfaithful to one.

4 If a man conceives of a poem,
he shall have one less child.

5 If a man conceives of two poems,
he shall have two children less.

6 If a man wears a crown on his head as he writes,
he shall be found out.

7 If a man wears no crown on his head as he writes,
he shall deceive no one but himself.

8 If a man gets angry at a poem,
he shall be scorned by men.

9 If a man continues to be angry at a poem,
he shall be scorned by women.

10 If a man publicly denounces poetry,
his shoes will fill with urine.

11 If a man gives up poetry for power,
he shall have lots of power.

12 If a man brags about his poems,
he shall be loved by fools.

13 If a man brags about his poems and loves fools,
he shall write no more.

14 If a man craves attention because of his poems,
he shall be like a jackass in moonlight.

15 If a man writes a poem and praises the poem of a fellow,
he shall have a beautiful mistress.

16 If a man writes a poem and praises the poem of a fellow overly,
he shall drive his mistress away.

17 If a man claims the poem of another,
his heart shall double in size.

18 If a man lets his poems go naked,
he shall fear death.

19 If a man fears death,
he shall be saved by his poems.

20 If a man does not fear death,
he may or may not be saved by his poems.

21 If a man finishes a poem,
he shall bathe in the blank wake of his passion
and be kissed by white paper.

The Remains

I empty myself of the names of others. I empty my pockets.
I empty my shoes and leave them beside the road.
At night I turn back the clocks;
I open the family album and look at myself as a boy.

What good does it do? The hours have done their job.
I say my own name. I say goodbye.
The words follow each other downwind.
I love my wife but send her away.

My parents rise out of their thrones
into the milky rooms of clouds. How can I sing?
Time tells me what I am. I change and I am the same.
I empty myself of my life and my life remains.

Coming to This

We have done what we wanted.
We have discarded dreams, preferring the heavy industry
of each other, and we have welcomed grief
and called ruin the impossible habit to break.

And now we are here.
The dinner is ready and we cannot eat.
The meat sits in the white lake of its dish.
The wine waits.

Coming to this
has its rewards: nothing is promised, nothing is taken away.
We have no heart or saving grace,
no place to go, no reason to remain.

The Way It Is

"The world is ugly,
And the people are sad."
-Wallace Stevens

I lie in bed.
I toss all night
in the cold unruffled deep
of my sheets and cannot sleep.

My neighbor marches in his room,
wearing the sleek
mask of a hawk with a large beak.
He stands by the window. A violet plume

rises from his helmet’s dome.
The moon’s light
spills over him like milk and the wind rinses the white
glass bowls of his eyes.

His helmet in a shopping bag,
he sits in the park, waving a small American Flag.
He cannot be heard as he moves
behind trees and hedges,

always at the frayed edges
of town, pulling a gun on someone like me. I crouch
under the kitchen table, telling myself
I am a dog, who would kill a dog?

My neighbor’s wife comes home.
She walks into the living room,
takes off her clothes, her hair falls down her back.
She seems to wade

through long flat rivers of shade.
The soles of her feet are black.
She kisses her husband’s neck
and puts her hands inside his pants.

My neighbors dance.
They roll on the floor, his tongue
is in her ear, his lungs
reek with the swill and weather of hell.

Out on the street people are lying down
with their knees in the air, tears
fill their eyes, ashes
enter their ears.

Their clothes are torn
from their backs. Their faces are worn.
Horsemen are riding around them, telling them why
they should die.

My neighbor’s wife calls to me, her mouth is pressed
against the wall behind my bed.
She says, “My husband’s dead.”
I turn over on my side,

hoping she has not lied.
The walls and ceiling of my room are gray—
the moon’s color through the windows of a laundromat.
I close my eyes.

I see myself float
on the dead sea of my bed, falling away,
calling for help, but the vague scream
sticks in my throat.

I see myself in the park
on horseback, surrounded by dark,
leading the armies of peace.
The iron legs of the horse do not bend.

I drop the reins. Where will the turmoil end?
Fleets of taxis stall
in the fog, passengers fall
asleep. Gas pours

from a tricolored stack.
Locking their doors,
people from offices huddle together,
telling the same story over and over.

Everyone who has sold himself wants to buy himself back.
Nothing is done. The night
eats into their limbs
like a blight.

Everything dims.
The future is not what it used to be.
The graves are ready. The dead
shall inherit the dead.

The One Song

I prefer to sit all day
like a sack in the chair
and to lie all night
like a stone in my bed.

When food comes
I open my mouth.
When sleep comes
I close my eyes.

My body sings
only one song;
the wind turns
gray in my arms.

Flowers bloom.
Flowers die.
More is less.
I long for more.

Keeping Dreadful Has Already Happened

The relatives are leaning over, staring expectantly.
They moisten their lips with their tongues. I can feel
them urging me on. I hold the baby in the air.
Heaps of broken bottles glitter in the sun.

A small band is playing old fashioned marches.
My mother is keeping time by stamping her foot.
My father is kissing a woman who keeps waving
to somebody else. There are palm trees.

The hills are spotted with orange flamboyants and tall
billowy clouds move behind them. "Go on, Boy,"
I hear somebody say, "Go on."
I keep wondering if it will rain.

The sky darkens. There is thunder.
"Break his legs," says one of my aunts,
"Now give him a kiss." I do what I'm told.
The trees bend in the bleak tropical wind.

The baby did not scream, but I remember that sigh
when I reached inside for his tiny lungs and shook them
out in the air for the flies. The relatives cheered.
It was about that time I gave up.

Now, when I answer the phone, his lips
are in the receiver; when I sleep, his hair is gathered
around a familiar face on the pillow; wherever I search
I find his feet. He is what is left of my life.
===================================== (6)

THE STORY OF OUR LIVES

In Celebration

You sit in a chair, touched by nothing, feeling
the old self become the older self, imagining
only the patience of water, the boredom of stone.
You think that silence is the extra page,
you think that nothing is good or bad, not even
the darkness that fills the house while you sit watching
it happen. You've seen it happen before. Your friends
move past the window, their faces soiled with regret.
You want to wave but cannot raise your hand.
You sit in a chair. You turn to the nightshade spreading
a poisonous net around the house. You taste
the honey of absence. It is the same wherever
you are, the same if the voice rots before
the body, or the body rots before the voice.
You know that desire leads only to sorrow, that sorrow
leads to achievement which leads to emptiness.
You know that this is different, that this
is the celebration, the only celebration,
that by giving yourself over to nothing,
you shall be healed. You know there is joy in feeling
your lungs prepare themselves for an ashen future,
so you wait, you stare and you wait, and the dust settles
and the miraculous hours of childhood wander in darkness.
====================================== (1)

THE LATE HOUR. 1978

The Coming Light

Even this late it happens:
the coming of love, the coming of light.
You wake and the candles are lit as if by themselves,
stars gather, dreams pour into your pillows,
sending up warm bouquets of air.
Even this late the bones of the body shine
and tomorrow's dust flares into breath."

My Son

My son,
my only son,
the one I never had,
would be a man today.

He moves
in the wind,
fleshless, nameless.
Sometimes

he comes
and leans his head,
lighter than air
against my shoulder

and I ask him,
Son,
where do you stay,
where do you hide?

And he answers me
with a cold breath,
You never noticed
though I called

and called
and keep on calling
from a place
beyond,

beyond love,
where nothing,
everything,
wants to be born.

Poems of Air

The poems of air are slowly dying:
too light for the page, too faint, too far away,
the ones we've called The Moon, The Stars, The Sun,
sink into the sea or slide behind the cooling trees
at the field's edge. The grave or light is everywhere.

Some summer day or winter night the poems will cease.
No one will weep, no one will look at the sky.
A heavy mist will fill the valleys,
an indelible dark will rain on the hills,
and nothing, not a single bird, will sing.

About A Man

Would get up at night,
go to the mirror and ask:
Who's here?

Would turn, sink to his knees
and stare at snow falling blameless
in the night air.

Would cry:
Heaven, look down!
See? No one is here.

Would take off his clothes and say:
My flesh is a grave with nothing inside.

Would lean to the mirror:
You there, you, wake me,
tell me none of what I've said is true.

White

Now in the middle of my life
all things are white.
I walk under the trees,
the frayed leaves,
the wide net of noon,
and the day is white.
And my breath is white,
drifting over the patches
of grass and fields of ice
into the high circles of light.
As I walk, the darkness of
my steps is also white,
and my shadow blazes
under me. In all seasons
the silence where I find myself
and what I make of nothing are white,
the white of sorrow,
the white of death.
Even the night that calls
like a dark wish is white;
and in my sleep as I turn
in the weather of dreams
it is the white of my sheets
and white shades of the moon
drawn over my floor
that save me for morning.
And out of my waking
the circle of light widens,
it fills with trees, houses,
stretches of ice.
It reaches out. It rings
the eye with white.
All things are one.
All things are joined
even beyond the edge of sight.

Some Last Words
1.
It is easier for a needle to pass through a camel
Than for a poor man to enter a woman of means.
Just go to the graveyard and ask around.
2.
Eventually, you slip outside, letting the door
Bang shut on your latest thought. What was it anyway?
Just go to the graveyard and ask around.
3.
"Negligence" is the perfume I love.
O Fedora. Fedora. If you want any,
just go to the graveyard and ask around.
4.
The bones of the buffalo, the rabbit at sunset,
The wind and its double, the trees, the town...
Just go to the graveyard and ask around.

==================================== (6)

MAN AND CAMEL. 2006.

Man and Camel

On the eve of my fortieth birthday
I sat on the porch having a smoke
when out of the blue a man and a camel
happened by. Neither uttered a sound
at first, but as they drifted up the street
and out of town the two of them began to sing.
Yet what they sang is still a mystery to me—
the words were indistinct and the tune
too ornamental to recall. Into the desert
they went and as they went their voices
rose as one above the sifting sound
of windblown sand. The wonder of their singing,
its elusive blend of man and camel, seemed
an ideal image for all uncommon couples.
Was this the night that I had waited for
so long? I wanted to believe it was,
but just as they were vanishing, the man
and camel ceased to sing, and galloped
back to town. They stood before my porch,
staring up at me with beady eyes, and said:
"You ruined it. You ruined it forever."

2002

I am not thinking of Death, but Death is thinking of me.
He leans back in his chair, rubs his hands, strokes
His beard and says, “I’m thinking of Strand, I’m thinking
That one of these days I’ll be out back, swinging my scythe
Or holding my hourglass up to the moon, and Strand will appear
In a jacket and tie, and together under the boulevards’
Leafless trees we’ll stroll into the city of souls. And when
We get to the Great Piazza with its marble mansions, the crowd
That had been waiting there will welcome us with delirious cries,
And their tears, turned hard and cold as glass from having been
Held back so long, will fall, and clatter on the stones below.
O let it be soon. Let it be soon.”

Fire

Sometime there would be a fire and I would walk into it
and come out unharmed and continue on my way,
and for me it was just another thing to have done.
As for putting out the fire, I left that to others
who would rush into the billowing smoke with brooms
and blankets to smother the flames. When they were through
they would huddle together to talk of what they had seen --
how lucky they were to have witnessed the lusters of heat,
the hushing effect of ashes, but even more to have known the fragrance
of burning paper, the sound of words breathing their last.

Elevator
1.
The elevator went to the basement. The doors opened.
A man stepped in and asked if I was going up.
" I'm going down," I said. "I won't be going up"
2.
The elevator went to the basement. The doors opened.
A man stepped in and asked if I was going up.
"I'm going down," I said. "I won't be going up"

Mirror

A white room and a party going on
and I was standing with some friends
under a large gilt-framed mirror
that tilted slightly forward
over the fireplace.
We were drinking whiskey
and some of us, feeling no pain,
were trying to decide
what precise shade of yellow
the setting sun turned our drinks.
I closed my eyes briefly,
then looked up into the mirror:
a woman in a green dress leaned
against the far wall.
She seemed distracted,
the fingers of one hand
fidgeted with her necklace,
and she was staring into the mirror,
not at me, but past me, into a space
that might be filled by someone
yet to arrive, who at that moment
could be starting the journey
which would lead eventually to her.
Then, suddenly, my friends
said it was time to move on.
This was years ago,
and though I have forgotten
where we went and who we all were,
I still recall that moment of looking up
and seeing the woman stare past me
into a place I could only imagine,
and each time it is with a pang,
as if just then I were stepping
from the depths of the mirror
into that white room, breathless and eager,
only to discover too late
that she is not there.

=================================== (5)

ALMOST INVISIBLE . 2012.

Bury Your Face In Your Hands

Because we have crossed the river and the wind offers only a numb uncoiling of cold and we have meekly adapted, no longer expecting more than we have been given, nor wondering how it happened that we came to this place, we don’t mind that nothing turned out as we thought it might. There is no way to clear the haze in which we live, no way to know that we have undergone another day. The silent snow of thought melts before it has a chance to stick. Where we are is unresolved. The gates to nowhere multiply and the present is so far away, so deeply far away.

The Buried Melancholy of The Poet

One summer when he was still young he stood at the window and wondered where they had gone, those women who sat by the ocean, watching, waiting for something that would never arrive, the wind light against their skin, sending loos strands of hair across their lips. From what season had they fallen, from what idea of grace had they strayed? It was long since he had seen them in their lonely splendor, heavy in their idleness, enacting the sad story of hope abandoned. This was the summer he wandered out into the miraculous night, in the sea of dark, as if for the first time, to shed his own light, but what he shed was the dark, what he found was the night.

Exhaustion at Sunset

The empty heart comes home from a busy day at the office. And what is the empty heart to do but empty itself of emptiness. Sweeping out the unsweepable takes an effort of mind, the fruitless exertion of faculties already burdened. Poor empty heart, old before its time, how it struggles to do what the mind tells it to do. But the struggle comes to nothing. The empty heart cannot do what the mind commands. It sits in the dark, daydreams, and the emptiness grows.

Poem of the Spanish Poet

In a hotel room somewhere in Iowa an American poet, tired of his poems, tired of being an American poet, leans back in his chair and imagines he is a Spanish poet, an old Spanish poet, nearing the end of his life, who walks to the Gadalquivir and watches the ships, gray and ghostly in the twilight, slip downstream. The little waves, approaching the grassy bank where he sits, whisper something he can’t quite hear as they curl and fall. Now what does the Spanish poet do? He reaches into his pocket, pulls out a notebook, and writes:

Black fly, black fly
Why have you come

Is it my new shirt
My new white shirt

With buttons of bone
Is it my suit

My dark blue suit
Is it because

I lie here alone
Under a willow

Cold as stone
Black fly, black fly

How good you are
To come to me now

How good you are
To visit me here

Black fly, black fly
To wish me goodbye

The Social Worker and the Monkey

Once I sat in a room with a monkey who told me he was not a monkey. I understood his anguish being trapped in a body he detested. “Sir,” I said, “I think I know what you are feeling, and I would like to help you.” “Treat me like a monkey,” he said. “It serves me right.”

Love Silhouetted By Lamplight

The arm of smoke, grown thin, reaches across the water and settles briefly on a small house near the woods. A husband and wife, each with a drink in hand, are sitting inside, arguing about which of them will die first. "I will," says the husband. "No, I will," says the wife. Then they say, "Maybe we'll die at the same times." They cannot believe that they are talking this way, so the wife gets up and says, "If I were an artist, I would paint a portrait of you." "And if I were an artist," says the husband, "I would do exactly the same."

The Triumph of the Infinite

I got up in the night and went to the end of the hall. Over the door in large letters it said, "This is the next life. Please come in." I opened the door. Across the room a bearded man in a pale-green suit turned to me and said, "Better get ready, we're taking the long way." "Now I'll wake up," I thought, but I was wrong. We began our journey over golden tundra and patches of ice. Then there was nothing for miles around, and all I could hear was my heart pumping and pumping so hard I thought I would die all over again.

There Was Nothing To Be Done

Sorrow was everywhere. People on street corners would suddenly weep. They could not help themselves. In dark apartments, in parked cars, at roadside tables, people wept. The dog by his master's side, the cat on the sill, they wept as well. The king and the queen had died and so had the prince, and the president of the republic, and the stars of the silver screen. The whole world wept. And the weeping went round and round and could not stop.

In The Afterlife

She stood beside me for years, or was it a moment? I cannot remember. Maybe I loved her, maybe I didn't. There was a house, and then no house. There were trees, but none remain. When no one remembers, what is there? You, whose moments are gone, who drift like smoke in the afterlife, tell me something, tell me anything.

Nobody Knows What Is Known

A man and a woman were on a train. The man said, "Are we going someplace? I don't think so, not this time. This is already the next century, and look where we are. Nowhere. Tell me, Gwendolyn, when we boarded the train, why hadn't we know this day would come?" "Snap out of it," Gwendolyn said. The train was crossing an endless snow covered plain; no town awaited its arrival, no town lamented its departure. It simply kept going, and that was its purpose -- to slither dreamlike over blank stretches of country issuing sorrowful wails that would slowly fade in the cold.

Harmony in the Boudoir

After years of marriage, he stands at the foot of the bed and tells his wife that she will never know him, that for everything he says there is more that he does not say, that behind each word he utters there is another word, and hundreds more behind that one. All those unsaid words, he says, contain his true self, which has been betrayed by the superficial self before her. "So you see," he says, kicking off his slippers, "I am more than what I have led you to believe I am." "Oh, you silly man," says his wife, "of course you are.I find that just thinking of you having so many selves receding into nothingness is very exciting. That you barely exist as you are couldn't please me more."

The Students of The Ineffable

What I am about to say happened years ago. I had rented a house by the sea. Each night I sat on the porch and wished for some surge of feeling, some firelit stream of sound to lead me away from all that I had known. But one night, I climbed the hill behind the house and looked down on a small dirt road where I was surprised to see long lines of people shuffling into the distance. Their difficult breathing and their coughing were probably caused by the cloud of dust their march had created. Who are you and why is this happening? I asked one of them. We are believers and we must keep going, and then he added, our work is important and concerns the self. But all your dust is darkening the stars, I said. Nay, nay, he said, we are only passing through, the stars will return

The Everyday Enchantment of Music

A rough sound was polished until it became a smoother sound, which was polished until it became music. Then the music was polished until it became the memory of a night in Venice when tears of the sea fell from the Bridge of Sighs, which in turn was polished until it ceased to be and in its place stood the empty home of a heart in trouble. Then suddenly there was sun and the music came back and traffic was moving and off in the distance, at the edge of the city, a long line of clouds appeared, and there was thunder, which, however menacing, would become music, and the memory of what happened after Venice would begin, and what happened after the home of the troubled heart broke in two would also begin.
No Words Can Describe It
How those fires burned that are no longer, how the weather worsened, how the shadow of the seagull vanished without a trace. Was it the end of a season, the end of a life? Was it so long ago it seems it might never have been? What is it in us that lives in the past and longs for the future, or lives in the future and longs for the past? And what does it matter when light enters the room where a child sleeps and the waking mother, opening her eyes, wishes more than anything to be unwakened by what she cannot name?

Nocturne of the Poet Who Loved the Moon

I have grown tired of the moon, tired of its look of astonishment, the blue ice of its gaze, its arrivals and departures, of the way it gathers lovers and loners under its invisible wings, failing to distinguish between them. I have grown tired of so much that used to entrance me, tired of watching cloud shadows pass over sunlit grass, of seeing swans glide back and forth across the lake, of peering into the dark, hoping to find an image of a self as yet unborn. Let plainness enter the eye, plainness like the table on which nothing is set, like a table that is not yet even a table.

On The Hidden Beauty of My Sickness

Whenever I thought of my sickness I would hear the melancholy sound of a viola. When I described it to the doctor, he heard the same sound. " You should keep your sickness to yourself," he said. One cloudless summer day, I went outside; some crows gathered around me and were silent. I took this as a tribute to the hidden beauty of my sickness. When I told the doctor, he said. " Your sickness may be catching and could ruin everything. Therefore, I am no longer your doctor." Yesterday, when I considered my sickness, I saw my parent , naked in the baking heat, kissing and whispering. I was worried where my sickness was leading me, and turned my attention to a distant town, to its golden clock, its white stone villas, its boulevards crowded with angels shielding their eyes from the sun.

===================================================(16)

Ngu Yên