"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta." ** Triệu Thị Trinh **

Ý Thức Ký Hiệu Học

4. Điểm Nhấn Cơ Bản Của Ký Hiệu Học Phân Tích

Nam thực như hổ, nữ thực như miêu: Trai ăn giống cọp, gái ăn giống mèo.

Cây này là điển hình cho sự so sánh rất tương phản, biểu lộ ý tưởng rất tượng hình, trong dạng ngữ pháp cô đọng.

Trai/gái và cọp/mèo là hai cặp từ ngữ trực tiếp xác nhận sự đối lập.

Trai, gái thuộc mẫu người.

Cọp, mèo thuộc mẫu thú vật.

Ăn thuộc mẫu sinh hoạt.

Để phân tích một câu văn, câu viết, câu nói, danh từ và động từ là thành phần chủ yếu dẫn đến đối tượng và ám chỉ.

Với mẫu đã định, câu này hiểu theo nghĩa đen rất rõ ràng. Có đối tượng trai ăn nhiều, gái ăn ít.

Hai vế là hai ẩn dụ được so sánh với nhau thành một ẩn dụ thứ ba.

Ẩn dụ thứ ba mang đến ám chỉ:

- Trai mạnh, gái yếu.

- Trai hưởng thụ nhiều, gái hưởng thụ ít. Điều này chỉ đúng cho ngày xưa. Đó là lý do mẹ phải nhường cho cha. Võng nàng phải theo sau, võng chàng đi trước. Con gái không được ra chốn công đình....

- Trai đối diện tình yêu thì tấn công, vồ vập, trực tiếp. Gái đối với tình yêu thì dè dặt, đợi chờ; thường khi đùa giỡn như mèo vờn chuột.

- ...v...v...

'Cái ám chỉ' có thể mở rộng, đào sâu và có khuynh hướng đi xa hơn ý trung thực của tác giả. Tuy nhiên, trong khía cạnh tích cực, giúp sự hiểu biết gia tăng, quan trọng hơn, giúp phương cách luận lý điêu luyện hơn và phương pháp luận lý của một người chính là con đường định mệnh của người đó. Ở khía cạnh này, ký hiệu học bước sang lãnh vực triết học.

Luận lý trong Ký hiệu học rất phức tạp từ khi Peirce và Saussure đào sâu và phát triển lý thuyết của họ. Những nhà tư tưởng theo họ đã khai phá nhiều lãnh vực khác trong đời sống xã hội nhân văn. Có ngành muốn tự trở thành một khoa học thực dụng. Theo những tranh cãi về sau, cho thấy luận lý của Ký hiệu học hữu hiệu trong phần phân tích cơ bản ký hiệu, nhất là ký hiệu ngôn ngữ. Nhưng có nhiều sai biệt khi cố gắng kỹ thuật hóa, diễn pháp hóa, khoa học hóa ký hiệu, trong tham vọng qui tụ thành những công thức, những qui chế cho mọi loại ký hiệu. Ký hiệu học thất bại trong cố gắng này.

Diễn Trình Phân Tích:

Theo cách nhìn của Roland Barthes, diễn trình phân tích của Ký Hiệu Học gồm có hai phần: 1- mổ xẻ từng mảnh và 2- Nối khớp lại với nhau.

  • Giai đoạn đầu gồm có, tìm kiếm các chi tiết, những mảnh nhỏ, mà khi kết hợp với nhau phải có một ý nghĩa xác định hoặc nhất định. Các nhà phân tích tìm những hình mẫu (paradigm) mà những đơn vị bên trong có chung một số đặc điểm dù có những khác biệt trong hình thể hoặc bản chất. Ví dụ, xe hơi là mẫu hình. Xe Hoa Kỳ, Xe Nhật, xe Đại hàn ...là những đơn vị trong mẫu hình xe hơi. Nhưng xe Toyota khác xe Mustang khác xe Hyundai.
  • Giai đoạn hai dùng các qui tắc qui luật để kết hợp. Nối các khớp lại. Nói một cách khác, các nhà phân tích phân hủy các tập hợp ký hiệu hoặc văn bản, sau đó tái tạo trở lại thành một văn bản sâu rộng hơn.

 

Cả hai giai đoạn đều đòi hỏi một số kỹ thuật và kiến thức cơ bản để sử dụng

Những Điểm Nhấn Cơ Bản:

Một trong vài vấn đề nghiêm túc mà Ký Hiệu Học phải đối phó trong văn bản ngôn ngữ là ý nghĩa được ám chỉ từ 'cái biểu hiện', tức là văn bản. Ý nghĩa ám chỉ nằm trong những dạng chính: Biểu tượng (symbol), Ẩn dụ (metaphor) và Hoán dụ (metonymy); và ám chỉ Cách Khoảng thường tìm thấy trong quảng cáo và ngữ pháp. Những dạng khác không được chú ý đến trong phương pháp ký hiệu học. Ví dụ như ám chỉ trừu tượng (abstract), ám chỉ tâm bệnh lý,...v...v...

 

  • Biểu tượng (symbol) là 'cái đại diện' tiêu biểu đặc tính và ý nghĩa cho cái gì khác đang được diễn tả. Chữ, câu, sách, những ký hiệu phổ thông đều có thể là biểu tượng. Theo Charles Peirce, biểu tượng là một ký hiệu ám chỉ một đối tượng mà ý nghĩa đã được đa số chấp nhận. Nghĩa là, biểu tượng đó giải thích hoặc giải mã đối tượng qua lối ám chỉ hoặc do liên quan mà tạo thành. (8)

    Hiểu theo nghĩa bóng, biểu tượng diễn tả sâu rộng hơn về một đối tượng.

    Ví dụ:

    " Ta gọi thời gian sau cánh cửa

    Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu..."

    ( Ta Về, Tô Thùy Yên.)

    Biểu tượng trong văn bản có thể thay thế cho một quan niệm, một nhân sinh quan. Biểu tượng có thể mang ý nghĩa theo sự đồng ý của công chúng, như đèn xanh, đèn đỏ. Hoặc biểu tượng có ý nghĩ theo văn cảnh, tức là theo sự diễn biến của mạch văn, như:

    Trên trời có đám mây xanh

    chính giữa mây trắng chung quanh mây vàng...[...]

    ( Ca dao )


  • Ẩn Dụ (Metaphor) hiểu theo nghĩa chuyên môn của Ký Hiệu Học, là phép liên quan đến sự chuyển vị hoặc chuyển dịch từ 'cái được biểu hiện' đến 'cái biểu hiện'. Sự tương quan của cả hai được nhận thức như một cuộc đổi chỗ hoặc chuyển vế, tạo ra ý nghĩa tương đương. (8) Ví dụ:

 

" Ta về như bóng chim qua trễ...

Ta về như tứ thơ xiêu tán...

Ta về như bóng ma hờn tủi...

Ta về như hạc vàng thương nhớ...

(Ta Về, Tô Thùy Yên.)

 

"Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng.."

(Ca dao.)

  • Trong phép Hoán Dụ (Metonymy), sự diễn đạt phụ thuộc vào khả năng của ký hiệu. Chỉ diễn tả một phần nhưng bày tỏ được ý nghĩa toàn bộ. Ví dụ như quảng cáo: Chỉ có bao thuốc lá, cái đầu lâu, hai cánh xương chéo lại; đã nói hết câu chuyện độc hại của thuốc lá. Một người có thể suy diễn và tưởng tượng mãi vẫn không hết chuyện độc hại của thuốc lá qua hình ảnh biểu trưng.(9) Ví dụ:

    "Da em trắng anh chẳng cần ánh sánh

    Tóc em mềm anh chẳng tiếc mùa xuân.."

    ( Tháng Sáu Trời Mưa, Nguyên Sa.)

    " Áo dài, chớ tưởng là sang

    Bởi không áo ngắn. mới mang áo dài"

    (Ca dao)

  • Biểu Tượng và Ẩn Dụ khác nhau như thế nào?

Trước hết ẩn dụ không phải là ngôn ngữ như biểu tượng, ẩn dụ là một ý tưởng thể hiện qua ngôn ngữ, để thể hiện một cái gì khác. Có thể hiểu ẩn dụ như một công cụ trình bày những đặc điểm, hình sắc, ý tứ của cái gì khác hơn Do đó, so sánh cũng là một loại ẩn dụ.

"Mắt em là một dòng sông,

thuyền anh bơi lội giữa dòng mắt em."

(Lưu Trọng Lư).

Bóng trăng anh tưởng bóng đèn

Bóng cây anh ngỡ bóng thuyền em sang."

( Ca dao.)

Bước qua biểu tượng, thông thường là một cái gì cụ thể, thực tế đại diện cho một số điều hay khái niệm khác. Biểu tượng không giống ẩn dụ ở chỗ không dứt khoát việc giải thích ý nghĩa của cái muốn ám chỉ. Biểu tượng cưu mang nhiều ý nghĩa, được suy ra từ ngữ cảnh.

Ví dụ: Biểu tượng

" Anh sợ những cột đèn đổ xuống

Rồi dây điện cuốn lấy chúng ta.."

( Dạ Khúc. Thanh Tâm Tuyền.)

" Ai đem con sáo sang sông

Để cho con sáo xổ lồng bay xa"

(Ca dao.)

Biểu tượng và ẩn dụ dễ lẫn lộn vì ranh giới ngăn chia rất mong manh. Ví dụ:

" Mấy đời bánh đúc có xương / mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng.." là biểu tượng; nhưng " Dì ghẻ như bánh đúc không xương," là ẩn dụ.

  • Ẩn Dụ và Hoán Dụ khác nhau ra sao?

Ẩu dụ là một sự diễn tả sự đồng dạng hoặc tương tựa giữa hai hoặc nhiều sự vật, quan niệm, trên vài khía cạnh; trong khi Hoán dụ là một cách nói trình bày sự liên hệ giữa hai hoặc nhiều sự vật, quan niệm. Ẩn dụ dùng để thay thế, trong khi hoán dụ dùng cho mối tương quan. Ví dụ, " Nhà thơ nói như két", từ "két" thay thế cho từ "nhà thơ", đây là ẩn dụ. "Nhà thơ nói, két bịt tai", "két bịt tai" liên hệ đến "nhà thơ", đây là hoán dụ.

Điểm khác biệt nữa là, ẩn dụ dùng như một ý tàng ẩn, mang khả năng cô đọng, trong khi hoán dụ dùng như một ý kết hợp, có khả năng diễn giảng. Mục đích cả hai dùng diễn đạt ý nghĩa sâu rộng hơn ý nghĩ cụ thể.

Ẩn dụ:

"Buồn như ly rượu cạn

không còn rượu cho say

Buồn như ly rượu đầy

Không còn một người bạn"

( Buồn Như, Tạ Ký.)

Hoán dụ:

"Trang sách, trang tình: mới nửa trang

Cớ sao lụt cả một trời trăng?..."

( Một Mình, Tạ Ký.)

Hầu hết những Biểu tượng, Ẩn dụ, Hoán dụ trong văn bản văn chương, nhất là thơ, là những chữ, hình ảnh, sự kiện, vật thể câu chuyện "đại diện" ám chỉ những ý nghĩ, quan niệm trừu tượng hoặc siêu nhiên. Ba yếu tố này thường được phân tích trong cơ cấu của văn bản. Vì người viết thường xuyên cố ý hoặc vô thức sử dụng những ám chỉ kể trên trong thơ văn. Vì vậy cần có phân biệt rõ giữa Biểu Tượng, Ẩn Dụ, Hoán dụ. Điều này sẽ giúp cho sáng tác sử dụng chính xác khi nào cần biểu tượng, khi nào cần Ẩn dụ, khi nào cần hoán dụ. (10)

Chính biểu tượng, ẩn dụ và hoán dụ tạo ra câu thơ THẤM. (Đọc Ý Thức Về Thơ, Ngu Yên, 2013.)

Khi sáng tác sử dụng biểu tượng, ẩn dụ, hoán dụ cần phải có điều kiện hợp lý hoặc được thỏa thuận trong xã hội, lịch sử hoặc văn chương. Nếu không, sẽ tạo ra những bí ẩn, dù có được lưu trữ cũng sẽ từ từ bị lãng quên. Ví dụ, hãy nhìn một bức họa, cả nền sơn trắng toát, ngoài ra không thấy gì cả. Hầu như muốn phân tích, giải thích cách nào cũng được. Điều đó có nghĩa, không cần phân tích, ai muốn hiểu sao tùy ý. Nhưng nếu bên dưới có một câu ngắn về bức họa: "Chim trắng chết tuyết trắng", lập tức ý nghĩa sẽ bàn thảo dễ dàng hơn. Ký hiệu vô tận của bức họa chính là ký hiệu ở văn bản câu đề. Và đó là một ví dụ về ám chỉ Cách Khoảng. Loại ám chỉ này cũng thường thể hiện giữa nội dung và tựa đê của bài thơ. Ví dụ bài thơ Tôi Hiểu Vì Sao Chim Trông Lồng Lại Hót, I Know Why the Caged Bird Sings của Maya Angelou. (Tìm Đến Thơ Hiện Tại, Ngu Yên, 2014.) Hoặc như tựa đề bài thơ "Buồn Như" của Tạ Ký, dẫn bên trên.

Họa sĩ Siêu Thực René Magritte (1898-1967) vẽ bức họa " Trahison des Images, 1936. Hình chính là chiếc ống vố, nhưng bên dưới ông viết: "Không phải ống vố của Margritte." 'Cái ám chỉ' là cái gì?

Alfred Korzybski (1879-1950), sáng lập viên phong trào 'Ngữ Nghĩa Học Đại Thể', General Semantics, tuyên bố: " Bản đồ không phải là lãnh thổ " và " từ ngữ không phải là vật thể".( Korzybski 1933.) Trong ý nghĩa này, ví dụ:

KyHieuHoc Phan4 Anh1 NguYen

KyHieuHoc Phan4 Anh2 NguYen

 

- Con bò, không phải là con bò, vì nó là một đám nguyên tử kết hợp theo cách nhìn của các khoa học gia.

- Con bò mà người ta nhận thấy không phải là từ ngữ, chỉ là vật thể, là đối tượng của kinh nghiệm, do hệ thống thần kinh cấu tạo.

- Từ ngữ "con bò" chỉ là đại diện

  • Mã Hiệu và Phó Mã Hiệu.

Mã hiệu (code) là một tập hợp những quy ước, những thỏa thuận của quần chúng, hoặc những Phó Mã Hiệu (sub-code), để diễn tả ý nghĩ trong giao tiếp xã hội.

Roman Jakobson (1896-1982) cho rằng việc giải thích văn bản dựa trên những mã hiệu đã được công nhận và những quy ước chung cho để giao tế. Ý nghĩa của ký hiệu tùy thuộc vào những mã hiệu nằm bên trong. Mã hiệu cung cấp khuôn khổ và nội dung cho ký hiệu có ý nghĩa.

Mã hiệu gồm hai nhiệm vụ: Ghi mã hiệu hoặc mã hóa (encode) và giải mã hiệu (decode) trong một thông tin.

Vì ký hiệu có thể cưu mang nhiều nghĩa sâu rộng và đôi khi vô hạn, nên mã hiệu liên kết và tương quan với mã hiệu khác, dùng để giới hạn bớt những bành trướng của nghĩa ám chỉ của một ký hiệu.

Code là một phát minh quan trọng trong ngành truyền tin và điện tử. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra, tất cả mọi hoạt động trong cõi sống đều có ký hiệu và mã hiệu. Fredric Jameson (1934- ..) tuyên bố , tất cả những hệ thống cảm quan đều có ngôn ngữ riêng. Ví dụ, lá cờ Miền Nam Việt Nam: Nền vàng với ba sọc đỏ song song. Ký hiệu biểu tượng ám chỉ rõ ràng, ba miền bắc trung nam cùng chung một màu da dân tộc. Thống nhất trên màu vàng mang ý nghĩa rực rỡ, vinh hiển và màu đỏ mang ý nghĩa màu nắng mặt trời, sáng lạn một ngày mai. Cùng một lúc màu đỏ có ngôn ngữ máu. Ba sọc song song nhìn rất đẹp, thiếu đi ký hiệu đoàn viên hoặc thay vì ba sọc màu đỏ, dùng màu xanh da trời, mang ý nghĩa bình an, thuận thiên hành đạo, Ví dụ:

KyHieuHoc Phan4 Anh3 NguYen

Tuy nhiên, sự phê phán ký hiệu học về sau, sẽ giải thích, sự diễn biến lịch sử và những yếu tố chính trị (ý muốn của chính phủ đương thời), xã hội (sự bỏ phiếu hoặc tín nhiệm của quần chúng) sẽ tạo ra và chấp nhận những ký hiệu đại diện. Và quan trọng là không nhất thiết phải có ý nghĩa như văn bản văn chương. Khi nhìn lá cờ, lòng phấn khởi vì là công dân và lòng tự hào vì lịch sử dựng cờ là phần chính yếu mà ký hiệu cờ được xác nhận. Giá trị của ký hiệu là do 'cái được biểu hiện' và 'cái ám chỉ' được đa số quần chúng đồng ý. Sự khác biệt giữa ký hiệu ban đầu và ký hiệu về sau, nhất là phần nhập thế, có sự xa cách lớn.

Mã hiệu và ký hiệu được con người nhận thức từ thiên nhiên nhưng khi phát triển văn minh, nghệ thuật và thẩm mỹ, con người đã mã hóa những ký hiệu, giải mã những ký hiệu và quan trọng nhất là làm cho ký hiệu tốt đẹp hơn. Cách sử dụng mã hiệu theo thẫm mỹ, gọi là mốt, kiểu hoặc phương cách (mode). Mode thuộc về cá tính và trình độ của mỗi người hoặc cá tính chung trong mỗi thời đại hoặc mỗi dân tộc. Mốt và phong cách (style) trong văn bản văn chương là hai yếu tố gây nhiều khó khăn cho ký hiệu phân tích. Nói một cách khác, Mã hiệu trong ký hiệu được thẩm mỹ hóa không còn tuân theo quy luật thiên nhiên. Ví dụ:

KyHieuHoc Phan4 Anh4 NguYen

Hình bên trái một người nằm trong phối cảnh theo quy luật thiên nhiên.

Hình bên phải, họa sĩ Andrea Mantegna, mỹ hóa những ký hiệu thiên nhiên, vẽ lại hình Chúa Jesus, mặt và đầu lớn hơn, chân nhỏ lại theo phong cách phối cảnh nhân tạo, (arfificial perspective). (Trích Semiotics for Beginners, Daniel Chandler.)

Ảnh hưởng ký hiệu được chia làm hai loại:

Ký-Hiệu-Động (Motivated signs) là ký hiệu mang tính biểu tượng, thành hình do sự tương quan tự nhiên giữa cái biểu-hiện và cái được-biểu-hiện. Ví dụ: Một tấm hình chụp là một ký hiệu biểu tượng, trong đó, cái biểu-tượng-biểu-hiện đại diện cho cái được-biểu-hiện.

Mức độ mạnh hay yếu do cái được-biểu-hiện tái tạo từ cái biểu-hiện là do kinh nghiệm của người nhận. Tấm hình chụp về một khu phố sẽ gây nhiều cảm xúc cho những ai đã từng sống ở đó nhưng lại khá dửng dưng đối với kẻ bàng quang.

Ví dụ: "Sài Gòn Chợ Lớn mưa như chớp"

(Sài Gòn Rồng Bay Phượng Múa, Cao Đông Khánh)

Câu thơ này ai cũng có thể hiểu những cơn mưa rào cho dù không ở Sài Gòn, Chợ Lớn. Nhưng nếu là dân Sài Gòn Chợ Lớn, nghe câu thơ, chắc sẽ lan man nhiều hình ảnh kỹ niệm những lần mưa ở quê nhà.

Trong Ký-Hiệu-Tĩnh (Unmotivated signs), cái được-biểu-hiện chỉ liên quan đến cái biểu-hiện bằng qui ước, nghĩa là, theo thỏa thuận giữa những người sử dụng ký hiệu này. Sự qui ước và thỏa thuận luôn luôn đóng vai trò chính trong sự hiểu biết về ký hiệu. Ví dụ, nếu không biết về hội họa, chúng ta khó thưởng thức những bức danh họa về lập thể hay trừu tượng. Ví dụ, chúng ta có thể không biết cách lái xe nhưng có thể hiểu những bảng hiệu lái xe cắm bên đường.

Ví dụ: "trái cây quốc cấm giấu trong lòng." (cũng trong bài thơ dẫn bên trên.) Cao Đông Khánh đưa ra ký hiệu tĩnh vì chỉ có những người đã từng buôn bán chui dưới chế độ Cộng Sản thời 1975-1980, mới thật sự hiểu tình cảnh này.

Nghĩa Căn bản và Nghĩa Sâu Rộng

Một ký hiệu thường cưu mang nhiều nghĩa. Hai loại nghĩa thường hiện diện trong ký hiệu là Nghĩa Căn Bản và Nghĩa Sâu Rộng. Dân ta thường gọi là nghĩa đen và nghĩa bóng. Nghĩa Căn Bản thường được mọi người công nhận. Nghĩa Sâu Rộng thường được chấp nhận ở nghĩa bóng nhưng hay mâu thuẫn trong nghĩa ám chỉ.

Saussure tập trung sự quan tâm vào nghĩa căn bản của ký hiệu. Ngược lại, Barthes đẩy mạnh các phân tích đến nghĩa mở rộng. Cả hai phương pháp đều cần thiết để tìm hiểu ý nghĩa của ký hiệu. Quan điểm này sẽ được trở lại trong Giải Cấu Trúc của Derrida vì phải chăng con người là loại sinh vật tạo ra ý nghĩa vì những ước muốn hoặc vì sự phát triển của trí tuệ? Khi viết xuống một câu thơ, phải chăng vì thi sĩ có ý muốn trước chữ hoặc vì khi viết, chữ sẽ tạo thành ý muốn? Một ký hiệu trong văn bản thơ, ngoài nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa ám chỉ, phải chăng còn một loại nghĩa khác, tuy hiếm hoi, vẫn xuất hiện: nghĩa xuất thần, còn gọi là nghĩa siêu nhiên hoặc nghĩa sáng tạo. Phải chăng đó là một trong vài lý do, thi sĩ được sắp hàng đầu trong lãnh vực sáng tạo bằng ngôn ngữ?

Nghĩa căn bản (Denotation): Ý thức chung, hiểu biết chung về ý nghĩa của ký hiệu hoặc của từ ngữ. Thông thường ý nghĩa này rõ ràng, có thể tra tự điển. Theo nhà sử học Erwin Panofsky, nghĩa căn bản của một ký hiệu có thể nhìn thấy, dù cho người tiếp nhận có khác nhau về văn hóa, hoặc khác nhau về thời đại, cũng có thể hiểu.

Nghĩa mở rộng (Connotation): Sự tác động khi ký hiệu và cảm xúc người nhận, gặp nhau. Tại thời điểm này, ý nghĩa hướng tới khả năng giải thích cái biểu-hiện, tức là ký hiệu hoặc từ ngữ. Nghĩa mở rộng tùy thuộc vào trình độ hiểu biết, cảm tính của mỗi cá nhân và cá nhân đó trong xã hội.

Nhìn một tấm hình chụp, ảnh và ý nghĩa trong hình là nghĩa căn bản. Cảm nhận và giải thích tấm hình như thế nào là nghĩa sâu rộng.

Trong thực tế, bất cứ nghĩa căn bản nào cũng có khả năng kéo thêm nghĩa sâu rộng cho dù là một ký hiệu đơn giản, ví dụ như một cành lan. Khi ký hiệu nằm trong một bối cảnh, sẽ tạo ra nghĩa sâu rộng. "Thương em mong manh như một cành lan". (Gọi Người Yêu Dấu, Vũ Đức Nghiêm.) Vì vậy, khó xác định toàn thể nghĩa sâu rộng của một ký hiệu. Nghĩa thật sâu, nghĩa thật rộng của một ký hiệu quen thuộc thường bắt gặp trong thi ca. Người ta thường gọi là chữ mới hoặc chữ nghĩa lạ.

Tưởng cũng nên tìm hiểu thêm, chữ mới, nghĩa lạ, trong thơ. Trước hết, chữ mới nghĩa lạ chỉ nên cấu tạo khi thật sự có nhu cầu, không phải vì phô diễn văn hay chữ giỏi. Sử dụng chữ nghĩa theo nghệ thuật hiện có chưa hẳn có kết quả nghệ thuật. Chỉ khi nào sáng tác ý thức được nghệ thuật của chữ nghĩa, ngữ pháp, thì văn bản mới đạt nghệ thuật.

Mô hình Tam Đỉnh của Ký Hiệu Học

KyHieuHoc Phan4 Anh5 NguYen

Theo mô hình của học phái Peirce, cấu trúc của ký hiệu bắt đầu bằng 'cái đại diện' đi đến 'đối tượng' rồi sau cùng là 'nghĩa giải mã'.

Sự tương quan hổ tương của ba yếu tố trong một ký hiệu, làm cho ý nghĩa ký hiệu sâu sắc và nhiều nghĩa hơn. Peirce gọi sự liên quan này là Semiosis. Tuy nhiên, ký hiệu có bản tính tiếp diễn. Sau khi đi đến nghĩa giải mã, ý nghĩa có thể không dừng lại và nghĩa giải mã trở thành đại diện để tiếp tục hành trình theo tam giác thứ hai. Ví dụ: Ký hiệu "về đâu" trong câu "Đời mịt mù ai biết về đâu ?"

Qua tam giác thứ hai:

Nếu không bước sang tam giác thứ ba, tức là ý nghĩa cuối cùng chấm dứt ở đây.

Mô hình tam điểm giúp phân tích đào sâu qua nhiều tầng lớp của từ ngữ, cụm từ, câu, bài, văn bản, tức là ký hiệu. Trong khi Diễn pháp và Ngữ pháp giúp phân tích từng bước một đi theo diễn tiến của tư tưởng trong văn bản hoặc của ký hiệu. Cả hai kết hợp cho phân tích cái nhìn chi tiết về diễn trình phân tích.

Trong "The Meaning of Meaning" của Charles Ogden và Ivor A. Richards (1923), một mô hình tam điểm đồng dạng được đưa ra sử dụng, ví dụ:

KyHieuHoc Phan4 Anh6 NguYen

A: Hình thể ký hiệu (sign vehicle).

B: Ý nghĩa (sense).

C: Ám chỉ (referent).

Đường gạch đứt đoạn giữa A và C mang ý nghĩa: không nhất thiết phải có tương quan trực tiếp giữa hai yếu tố này. Đây là chỗ khác nhau với mô hình tam điểm của Peirce.

Cả hai mô hình đều tạo ra sự tranh cãi về bản chất của ký hiệu đại diện, (A), tâm lý và bản thể trong ý nghĩa ký hiệu, (B), và sự ám chỉ mang tính toàn phần hoặc chỉ một phần nào từ ký hiệu đại diện, (C). (Lyons, John (1977): Semantics, Vol.1. Cambridge: Cambridge University Press.). Về sau, xuất hiện nhiều loại mô hình khác nhau, tùy vào luận cứ của mỗi nhà hoặc mỗi phái tư tưởng. Tuy vậy căn bản vẫn dựa lên ý niệm ban đầu của Peirce.

Vào khoảng năm 1970- 1990, ký hiệu học phát triển mạnh, vai trò của Sauusure giảm dần. Những yếu tố trong luận tuyết của ông bị mổ xẻ và chỉ trích, nhờ vậy Ký hiệu học mới có cơ hội được nhận diện và đi rộng đào sâu vào đời sống. Một trong những yếu tố cần trở lại với những nhà học thuyết ký hiệu đương đại, đó là bản tính độc đoán và tùy tiện của ngôn ngữ.

Saussure đã từng nhấn mạnh đến bản tính này, sự liên quan giữa 'cái biểu hiện' và 'cái được biểu hiện' rất tùy tiện và độc đoán. Ký hiệu của thiên nhiên tự thân đã là sự thay đổi, biến chuyển tùy tiện, ngẫu nhiên như một cơn mưa, vô tình như một cơn gió. Ký hiệu thiên nhiên là nền tảng của ký hiệu ngôn ngữ, là trọng tâm trong học thuyết của ông. Về sau Charles Hockett, xác nhận, tính tùy tiện độc đoán của ký hiệu là chìa khóa sinh sôi ngôn ngữ tương lai (Hockett, 1965). Chính bản tính này biến hóa ngôn ngữ theo sát đời sống thực tế đang phát triển của mỗi dân tộc. Nhưng Saussure tránh né nhắc đến sự liên quan trực tiếp giữa ngôn ngữ và thế giới ngoại quan. Điều này là điểm sai lầm của ông. Ví dụ khi nói đến chữ "đàn ông", tự thân chữ này không có đàn ông nào. Nếu quần chúng đồng ý với nhau chữ "đàn ông " là đàn bà, tức thị nó có nghĩa phụ nữ. Chữ "đàn ông" có nghĩa đàn ông vì bên ngoài đời sống, thật sự có "mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao" hoặc "râu hùm hàm én mày ngài, vai năm tất rộng, thân mười thước cao". (Trích Kiều).

Bản tính tùy tiện độc đoán này không chỉ có trong từ ngữ, nó xuất hiện trong toàn cả hệ thống ngôn ngữ và ký hiệu. Tất cả 'cái được biểu hiện' là do công ước và thời điểm sống của xã hội và dân tộc. Nghĩa là, ký hiệu được xác nghĩa bởi con người. Không như luận lý của Saussure, đời sống có sẵn quan niệm, con người sẽ tìm điều gì đó tương đương trong ngôn ngữ. Trong dạng triết học, ý tưởng của Saussure không phải hoàn toàn sai, ví dụ: Nước bốc hơi thành mây; mây mưa xuống thành nước. Người ta đưa ra ý nghĩa tuần hoàn và cao hơn là luân hồi.

Bản tính này quan trọng vì nó xây dựng ngôn ngữ hoặc ký hiệu trở thành hệ thống độc lập khi tác động với đời sống. Khiến cấu trúc của hệ thống thông đạt có thể nghiên cứu một cách khoa học. Nghĩa là hệ thống ký hiệu không chỉ phản ảnh thực tại mà còn xây dựng ngôn ngữ.

Việc này cần được hiểu rõ khi sáng tác sử dụng từ ngữ và ngữ pháp, ví dụ:

" Ta nhớ em như biển nhớ sông" và " Ta nhớ em như sông nhớ biển." Mới đọc lướt qua, có thể ngỡ hai câu này tương tựa, nhưng thật ra, ý nghĩa khác xa nhau: Câu trước, ám chỉ sự nhớ thương về quá khứ. Biển nhớ lại những ngày xưa khi còn là sông. Ám chỉ sự thương nhớ đau buồn từ vị trí 'không còn nữa'. Trong khi câu thứ hai, ám chỉ sự nhớ thương của chờ đợi ngày mai. Sông trước sau sẽ về biển, tình sẽ có lúc đoàn viên. Dĩ nhiên để xác nhận những mã hiệu này, cần phải xem toàn bộ bài thơ. Sự liên hệ với những ký hiệu khác sẽ làm rõ nghĩa hơn. Về mặt sáng tác, những câu thơ trước và sau có sự liên hệ để tô đậm, để giải thích, cần lập lại hoặc trình bày theo phong cách riêng, cho dù sự liên hệ hoặc liên quan này bị cách khoản hoặc ám chỉ ngầm.

Theo chân của Charles Sanders Peirce là những nhà tư tưởng và nhà ngữ học: Charles W. Morris, Ivor A.Richard, Charles K Ogden, Thomas Sebeok Louis. Trong khi phái của Ferdinand de Saussure được phát triển bởi Hjelmslev, Roland Barthes, Claude Lévi-Strauss, Julia Kristeva, Christian Metz, và Jean Baudrillard. Người được xem như đi giữa hai học phái là nhà tư tưởng người Ý, Umberto Eco.

Mục tiêu của ký hiệu học được thành lập từ nguồn là nghiên cứu, tìm hiểu, phê phán mọi loại ký hiệu. Nhưng chính bản thân lại khó trả lời những chỉ trích vì nếu ký hiệu là semiotics/semiology thì đối tượng ký hiệu và ý nghĩa ám chỉ trở thành vô cùng phức tạp. Khi Ký Hiệu Học trở thành công cụ phê bình phân tích thì chính bản thân Ký Hiệu Học cần phân tích phê bình. Một công cụ chưa hoàn chỉnh, làm sao có thể thi hành nhiệm vụ đúng đắn và không bị nghi ngờ?

Ngu Yên

====================================

GHI:

(8) Wikipedia giải thích về biểu tượng:

"Mộtbiểu tượnglà cái gì đó đại diện cho mộtý tưởng,thực thể vật chấthoặc một quá trình. Mục đích của một biểu tượng là để truyền thông điệp ý nghĩa. Ví dụ, một hình bát giác màu đỏ có thể là một biểu tượng có nghĩa là "STOP" (dừng lại). Trên bản đồ, một hình ảnhlềucó thể đại diện cho một khu cắm trại.Chữ sốlà biểu tượng chosố. Tên cá nhân là biểu tượng đại diện cho cá nhân. Một bông hồng đỏ tượng trưng cho tình yêu và lòng từ bi."

(9) Trích cấu trúc của Ẩn dụ trong Wikipedia:

" Cấu trúc ẩn dụ, theoI. A. Richards[1]trong cuốnTu từ học(The Philosophy of Rhetoric, 1936), bao gồm hai phần:ý nghĩaphương tiện biểu lộ. Ý nghĩa là điều ẩn chứa bên trong chủ thể. Còn phương tiện là thứ mà chủ thể dùng để truyền tải ý nghĩa. Cũng ám chỉ đến hai phần trên nhưng một số nhà văn thì lại lấy hai tên khác đặt cho chúng đó lànền tảnglý luận. Có thể lấy ví dụ trong đoạn độc thoạiAll the world's a stagetrích từ tác phẩmAs You Like It:

All the world's a stage,
And all the men and women merely players;
They have their exits and their entrances; — (William Shakespeare, As You Like It, 2/7)

Tạm dịch là:

Thế giới chỉ như là sân khấu,
Và con người ta chỉ là những diễn viêngiẻ rách
Chỉ đi ra hoặc đi vào sân khấu; - (William Shakespeare, As You Like It, 2/7) "

(10) Trích nghĩa và ví dụ về Hoán Dụ trong Wikipedia:

" Hoán dụlà phương thức tu từ thực hiện bằng việc chuyển nghĩa của các từ, dựa vào sự gần nhau của đối tượng, sự vật. Tương tự nhưẩn dụ, phép hoán dụ bắt nguồn từ khả năng đa dạng, đa bội của từ vựng trong các chức năng định danh; hoán dụ là đặt một nghĩa bóng cho một từ vốn có nghĩa đen..."

" Hoán dụ được thực hiện bằng các phương thức quan hệ cặp đôi với nhau như:

Ẩn dụ và Hoán dụ được giải thích qua câu trả lời trên Yahoo:

* Ẩn dụ: là biện pháp dùng tên gọi của đối tượng này làm tên gọi của đối tượng khác dựa trên sự liên tưởng về mối tương đồng giữa hai đối tượng về mặt nào đó (như màu sắc, tính chất, trạng thái, vv.).

+ Dựa vào chức năng, có thể chia ẩn dụ thành ba loại:

1) Ẩn dụ định danh cung cấp những tên gọi mới bằng cách dùng vốn từ cũ. Vd. đầu làng, chân trời, tay ghế, mạng lưới giao thông, làn sóng đấu tranh, vv.
2) Ẩn dụ nhận thức, là nguồn tạo nên hiện tượng đa nghĩa. Vd. tâm hồn giá lạnh, tuổi xuân mơn mởn, cuộc sống lênh đênh, vv. Hai loại Ẩn dụ này đều ít có giá trị tu từ.

3) Ẩn dụ hình tượng hoặc Ẩn dụ tu từ là phương tiện diễn đạt có giá trị hình tượng, có sức mạnh biểu cảm. Ẩn dụ tu từ được dùng trong văn chính luận cũng như trong thơ ca đặc biệt là thơ trữ tình.

- Vd. "Hoa" mang ý nghĩa Ẩn dụ, chỉ người phụ nữ có nhan sắc, trong câu: "Giá đành trong nguyệt trên mây, Hoa sao hoa khéo đoạ đầy bấy hoa" (Truyện Kiều).

* Hoán dụ: là biện pháp dùng tên gọi của đối tượng này thay thế cho tên gọi của đối tượng khác trên cơ sở liên tưởng mối liên hệ lôgic khách quan giữa hai đối tượng.

- Trong tiếng Việt, dùng tên gọi của cái bộ phận để chỉ cái toàn thể (vd. nhà có ba miệng ăn), dùng tên gọi cái cụ thể để chỉ cái trừu tượng (vd. bàn tay vàng), dùng tên riêng để chỉ tính cách, đặc trưng (vd. Sở Khanh)... là những Hoán dụ.