"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do "

** Phan Bội Châu **

Tình Hình
Tiểu Thuyết và Truyện Ngắn
Thu Hẹp Trong Nghi Hoặc.

(Trích Ý Thức Sáng Tác Tuyện Ngắn, Tập 1. Học Thuyết.  Amzon phát hành.)

 

Danh từ 'truyện ngắn' được xác định bao gồm truyện kể, truyện ngắn hiện đại, và truyện ngắn đương đại.

Truyện ngắn hiện đại khai sinh từ nhà thơ, nhà phê bình, Allan Edgar Poe, qua hai tiểu luận Twice-Told Tales, A Review by Edgar Allan Poe, 1842, (Câu truyện, Twice-Told Tales, phê bình bởi E. A. Poe,)  và The Philosophy of Composition, 1846, (Triết lý sáng tác.), [Xem bản dịch trong phần Tài Liệu Dịch.]  Và danh từ "truyện ngắn" hiện đại thuộc về văn học Âu Châu. Nếu có một nền văn học khác dẫn đầu thế giới, liệu truyện ngắn có cơ hội được nhận diện và phát triển? Đây không phải là nghi vấn về lịch sử văn học thế giới, chỉ là một lập luận để tư duy song song với một thể loại văn học mới, thành hình được hai thế kỷ, gọi là "truyện ngắn hiện đại", khi phân tích, lý luận về bản chất, giá trị và nhu cầu của nó.

Diễn tiến và giả thuyết của truyện ngắn.

Sinh hoạt tiểu thuyết và truyện ngắn bắt đầu hoạt động mạnh ở Âu Châu, Nga và Hoa Kỳ, mãi đến hơn nửa thế kỷ 19, mới lan rộng qua những nền văn học khác. Giả định rằng, văn học Tây Phương là đúng, khai sinh ra những hình thể văn học, là trung tâm dẫn đầu, để làm mẫu mực chuẩn định, từ đó nhìn ra, so sánh và nhận thức. Văn học toàn cầu hiện nay được đánh giá từ góc nhìn của văn học Tây Phương. Nếu một ngày nào, giả định có sự đổi chiều của tư tưởng, của giá trị thẩm mỹ, văn học Đông Phương được xem là đúng, không nhất thiết phải phân chia, phải tranh luận về hình thái cũng như thể loại, tất cả những suy nghĩ văn học toàn cầu trước sau sẽ phải xét lại, nhận định lại, đánh giá lại. Dù giả định như thế nào, thực tế đã và sẽ xảy ra theo mốc thời gian. Như vậy, giữa thực tế và ý nghĩa về thực tế không hẳn là chân lý. Đưa đến nhận định, bất kỳ một giá trị nào, chỉ có giá trị đúng trong một khoảng thời gian nhất định, trong một không gian xác định. Tiểu thuyết và truyện ngắn cũng không ngoại lệ.

1."Cái chết của in ấn"đã được báo động từ vài thập niên trước, từ khi những phương tiện điện tử xuất hiện, nhất là khi những 'màn ảnh di động' thịnh hành như tablets, điện thoại cầm tay, Ipads, máy vi tính tùy thân ... những phương tiện này càng lúc càng rẻ và càng phổ biến toàn cầu. Theo đà gia tăng đó, sách in, tạp chí, kể cả báo hàng ngày bị giảm sút. Thiệt hại nhất là sách in. Có một điểm cần nhấn mạnh: Số lượng đọc truyện đi xuống, trong khi nhu cầu tìm hiểu thông tin thực tế bao gồm tin tức và bình luật thời sự, kinh tế, chính trị, xã hội, và những nhu cầu tâm lý, bệnh lý, thực phẩm, gia tăng mãnh lệt và náo nhiệt. Sự kiện này, báo hiệu giá trị, trình độ, khuynh hướng và tâm lý người đọc đang chuyển hướng. {Thực tế và cụ thể hơn. Có tác dụng trực tiếp và mau chóng vào đời sống.. Những người hiểu biết đều có thể đã nghĩ ra, sự thực tế và cụ thể này sẽ tắc tị. Lịch sử đã chứng minh nhiều lần. Điều gì sẽ xảy ra sau khi bị tắc nghẽn?}

Trong chiều hướng đương thời, để tiếp tục sinh tồn, tạp chí và báo hàng ngày cũng thay đổi nhằm thỏa mãn nhu cầu thực tế, cụ thể, và hữu dụng. Ngay thời điểm hôm nay, ngày 8 tháng 2 năm 2015, nếu bấm lên Amazon, xem thử những sách bán chạy hàng đầu, sẽ không mấy ngạc nhiên khi thấy đa số là sách dạy nấu ăn, dạy làm đẹp, giảm cân, dạy làm kinh doanh thành công.... mãi xa lắc bên dưới mới thấy bóng dáng tiểu thuyết. Còn tuyển tập truyện ngắn? Bấm xuống mãi vẫn chưa gặp.

Truyện ngắn đang bị vây khốn bởi bản chất văn chương và chiều dài, khó cạnh tranh với chuyện kể thực tế tưng bừng trên Twitter, Blog, Facebook .... và các phương tiện tương tựa. Những 'văn bản tạm thời' này tạo thành một loại "ấn bản miễn phí",  có lực lượng phát hành đầy hiệu quả. Đa số là không có giá trị gì, như tiền giấy so với vàng thật. Nhưng người ta đồng ý dùng giấy để mua vàng, vì thuận lợi và nhẹ. Nhưng tiền giấy ở thời đại này trở thành vô nghĩa trong thời đại khác, tiền giấy ở xứ sở này trở thành vô dụng trong xứ sở kia.

Sự thông dụng của Hypertext, cho người đọc những thông tin vô tận qua những tuyến dẫn (link) điện tử, cho người đọc cơ hội theo dõi mọi sự kiện, nhiều câu chuyện, 24 trên 24 và toàn cầu. Thử hỏi truyện ngắn làm sao đuổi bắt, nhất là con người thời đại, có thể có nhiều thứ, nhưng không có thời giờ.

Đối diện với tiến bộ điện tử, những hình thể văn học truyền thống của thơ văn đều khốn đốn. Tiểu thuyết và truyện ngắn vẫn vùng vẫy, cố phát huy, tuy nhiên, không có tốc độ trên xa lộ, mà tốc độ giới hạn trong thành phố đông người, nhưng họ không quan tâm luật đi đường. 

2. Thưởng ngoạn trung bình. Lãnh vực điện tử và khoa học tiến hóa còn nhiều lạ lùng, không thể tưởng tượng, không tài nào đoán trước. Những khám phá đa dạng, những phát minh thần kỳ sẽ tiếp tục. Mối quan tâm về tiểu thuyết và truyện ngắn sẽ phải tập trung vào người đọc. Không phải chỉ sử dụng những phương tiện điện tử, khoa học để sáng tác và phát hành, mà chủ yếu: tâm lý và sở thích của người đọc là gì? Đang theo chiều hướng nào? Mức độ giá trị văn chương cần thiết đến đâu? ... Không nhất thiết phải hạ giá, hạ thấp văn chương, nên đặt trọng tâm vào cách diễn đạt và sự hữu dụng của văn chương cho người đọc. Nói một cách khác, tiểu thuyết và truyện ngắn sẽ phải đối đầu với nhiều giới hạn và nhiều cập nhật. Về mặt kỷ luật và giá trị, có thể ví như sáng tác thơ Đường, với những luật lệ và quy tắc chặt chẽ, nghiêm túc, nhưng không thể ngăn cản những bài thơ hay, thơ bất hủ, xuất hiện.

Tiến trình văn học truyện đi từ thời Hiện Đại, đến thời Hậu Hiện Đại,  bước sang thời Hậu-Hậu Hiện Đại (Post-Postmoderism) rồi chuyển vào thời Ngày Nay. Tất cả những thứ này, bao gồm học thuyết, trường phái, phong trào, có ý nghĩa gì? có giá trị gì? đối với giới "thưởng ngoạn trung bình" (middlebrow)? Bản chất của "thưởng ngoạn bình dân" không quan trọng lắm, ngoài trừ vấn đề thương mại. Ý kiến "thưởng ngoạn cao cấp" như những hải đăng, chỉ hữu dụng khi cần hướng đi, nhất là khi sương mù, đêm tối. Giới "thưởng ngoạn trung bình" được giới bình dân ngưỡng mộ và đông đảo hơn giới tri thức cao cấp. Sự sinh động của dòng văn học qua mọi thời đại đều dựa lên sự ủng hộ của giới "thưởng ngoạn trung bình". Tuy nhiên, "trung bình" là từ ngữ khó xác định, ngoại trừ trong lãnh vực toán học và khoa học thực nghiệm. Dù khó định nghĩa, thưởng ngoạn trung bình vẫn có một khối lượng lớn và hai biên giới nhạt nhòa giữa bình dân và cao cấp.

Cần quan tâm đến bốn thành phần cấu tạo nên giới này: người đọc phái nam, người đọc phái nữ, người đọc lớn tuổi và người đọc trẻ. Lấy ví dụ trường hợp nữ sĩ Virginia Woolf trong thế kỷ 19. Tác phẩm của bà nổi bật và có số lượng tiêu thụ lớn. Như nhà phê bình Emily Blair về sau đã phân tích, thế kỷ 19 là thế kỷ của người đọc phái nữ. Thành phần người nữ biết đọc và thích đọc gia tăng. Và họ thích đọc truyện hơn phái nam. Truyện của Woolf thỏa mãn được giới thưởng ngoạn đa số và giá trị văn chương của truyện được văn học đánh giá cao.

Khuynh hướng chung của giới thưởng ngoạn trung bình là một quan điểm khác cần được lưu ý. Như trường hợp sau Thế Chiến Thứ Hai, ở Âu Châu, sự tàn phá và chết chóc đã làm cho tâm lý quần chúng khủng hoảng, mất niềm tin vào những giá trị làm người của các thế hệ trước xây dựng. Họ lạc lõng, làm lại cuộc đời. Họ cần sinh lực, họ đi tìm những gì thực tế và sáng sủa hơn. Hemingway đã đáp ứng được khuynh hướng này, sự thành công của ông vượt qua cả văn tài hàng đầu lúc đó: William Faulkner. Thử nghĩ, nếu tiểu thuyết và truyện ngắn của Hemingway bắt đầu từ các thuộc địa như Nam Phi, Châu Mỹ Latin, Phi Luật Tân .... không chắc gì đã được nhận diện. Sự nhận diện giá trị truyện Hemingway bắt đầu từ Paris, nơi bị tàn phá và khốn đốn nhất trong thế chiến thứ Hai, nơi những phong trào và chủ thuyết văn học bùng nổ, và cũng là trung tâm văn chương lúc đương thời.

Sở thích chung của thưởng ngoạn trung bình luôn luôn là chủ chốt tạo thành động lực đọc sách, đọc truyện. Việc này thường đưa ra khái niệm sai lầm liên quan đến thương mại. Sự suy nghĩ cho rằng sáng tác theo sở thích trung bình là bẻ cong ngòi bút  theo hầu đám đông; hoặc chọn những đề tài, nội dung "thời thượng" để thoả mãn sở thích trung bình; hoặc không thể viết điều gì cao kỳ vì đám đông không hiểu. Quan niệm này không chính xác. Thật ra, trong một văn bản, sự bày tỏ tư tưởng,  tâm tình và phong cách diễn tả tư tưởng, tâm tình,  là hai chuyện khác nhau. Làm thế nào để đưa tư tưởng và tâm tình đến người đọc, nằm nơi nghệ thuật diễn đạt. Nếu khó hiểu, nếu quá cao siêu, thủ phạm chính là phong cách viết. Lấy ví dụ, khó hiểu như Thượng Đế, cao siêu như tội tổ tông, đồng trinh sinh nở, chết rồi phục sinh... mà Cựu Ước, Tân Ước đã kể bằng cách nào để mọi tầng lớp, từ bình dân, trung bình, đến cao cấp đều có thể lãnh hội, mặc dù mức độ tri thức thẩm thấu khác nhau. Phải chăng truyện cần nghiên cứu và tìm hiểu sâu xa hơn về cách kể chuyện của thánh kinh?

Thông thường sở thích chứa đựng bên trong một loại nhu cầu cần thỏa mãn. Nhu cầu này có thể là nhu cầu chung của một thời đại hoặc nhu cầu chung tiếp cận chân lý. Ví dụ, truyện của D.H. Lawrence trong thế kỷ 19 được đón tiếp nhiệt tình vì ông thỏa mãn được nhu cầu tình dục thầm kín của giới quý tộc, nhất là phe nữ giới.

Tiểu thuyết và truyện ngắn, cần nhất, là tạo ra sự nối kết giữa truyện và người đọc, nhất là những người đọc trong giới thưởng ngoạn trung bình. Sự nối kết này là sợi dây vô hình, móc vào tâm trí độc giả, để tác giả có thể chuyền ý tưởng và cảm xúc, như chuyền bình nước biển, khiến người nhận cảm thấy khỏe hơn, nhìn đời ý nghĩa hơn. Gặp gỡ một tác phẩm hay, có thể nói là duyên phận, nhưng có thể nối kết để cảm nhận điều hay là khả năng truyền đạt của tác giả.

3. Ý nghĩa thật sự của văn chương thế giới.

Chủ yếu, tiểu thuyết và truyện ngắn trong văn học Âu Châu, Nga và Hoa Kỳ, phát triển theo những biến cố lớn ở Tây Phương, như sau Thế Chiến Thứ Hai dẫn đến chủ nghĩa Hậu Hiện Đại; trong khi tiểu thuyết và truyện ngắn trong văn học của thế giới thứ ba, phân chia theo thời Thuộc Địa và thời Hậu Thuộc Địa.  

Nhưng trước tiên, "Văn chương thế giới", "Văn học thế giới", thật sự ý nghĩa là gì? Trước đó, người ta chỉ dùng những cụm từ riêng, như Văn Học Ba Lan, Văn Chương Trung Quốc, Văn Học Hoa Kỳ, Văn Chương Anh.... Cho đến khi nhà thơ Johann Wolfgang Goethe sử dụng cụm từ "World Literature" (văn học thế giới), lần đầu tiên vào khoảng gần giữa thế kỷ 19. Từ đó văn học thế giới mang ý nghĩa là một tập hợp mọi giá trị của tất cả những dòng văn học toàn cầu. Nhưng rồi người ta khám phá ra, đây chỉ là một quan niệm lý tưởng mang tính không tưởng vì không có ai có khả năng để thực sự hiểu biết và kinh nghiệm về tập hợp lớn lao và mênh mông này. Vì vậy, văn học, văn chương thế giới chỉ mang ý nghĩa là một tiến trình tìm hiểu. Và tiến trình này khác biệt trong mỗi người. Từ quan điểm này, từ tâm điểm văn học Tây Phương, văn học toàn cầu được khảo sát, phân tích, phê bình. Ấn định một số niềm tin, không lấy gì bảo đảm hoàn toàn đáng tin.

Lý luận một cách khác: văn học thế giới là một toàn bộ sản phẩm ảo, không bao giờ hoàn tất, vì vậy giá trị không nhất định và có bản chất thay đổi. Trong khi văn học thế giới của một người, một quốc gia, một thời đại đều bị giới hạn và đặc thù, không có khả năng thông đạt văn học thế giới chung. Như vậy, ngay bản thân của văn học thế giới chung hoặc riêng đều có vấn đề. Đưa đến quan điểm: Những điều đáng tin là những gì nghi vấn. Những giá trị xác định, có thể sẽ bất định. Nghi hoặc vẫn chưa được trả lời, nhưng thời gian và lịch sử vẫn tiếp diễn.

Tiểu thuyết và truyện ngắn thế giới, nhất là ở những quốc gia văn học chưa mở mang, đang phát triển theo chiều hướng của văn học trung tâm. Vì vậy, bước vào thế kỷ 21, văn học trung tâm vẫn dẫn đầu với những học thuyết, phong trào mới; với những thử nghiệm áp dụng điện tử vào lãnh vực truyện ngắn...mà đa số những dòng "văn học ngoại ô" không theo kịp. Tình hình văn chương toàn cầu, bao gồm tiểu thuyết và truyện ngắn, đang nằm trong bối cảnh như vậy. Giá trị văn chương Việt nằm ở đâu?

Nghi vấn.

{ Những tác giả và tác phẩm có khả năng dẫn đầu văn chương toàn cầu là do sự công nhận của trung tâm văn học. Tác giả và tác phẩm của "văn chương ngoại ô" phải đi qua sự giám định của trung tâm "văn quyền". Định luật bất thành văn này, đến nay, chưa hề lung lay.

Cá nhân tôi luôn luôn có những hoài nghi về sự phân định của sức mạnh, quyền của kẻ thắng, dù là thắng thế trên "mặt trận" văn chương. Trung tâm và ngoại ô được phân định bằng văn minh, bằng sáng tạo, bằng trí tuệ, bằng nghiên cứu phê bình, hoặc bằng kinh doanh tiêu thụ? Tiến trình lịch sử đi một chiều, viết bởi một chiều, tạo niềm tin một chiều. Sự xuất hiện của văn chương Châu Mỹ Latin, bao gồm tiểu thuyết và truyện ngắn, từ giữa thế kỷ 20 với những tên tuổi hàng đầu như Borges, Marquez, Cortaza... chứng minh rằng, bất kỳ đường đi nào, dù đại lộ hay lối mòn, đều có thể đi hai chiều. Mặc dù văn học trung tâm đặt tên cho họ là Magic Realism, như chủ nhân đã từng đặt tên Léon, Smith, Anna... cho người nô lệ, nhưng Magic Realism có tên riêng của nó, của tổ phụ dòng giống Latin đặt cho, dù không ai nhắc tới.

Vấn nạn căn bản là những tác phẩm của Magic Realism nếu không được dịch sang ngôn ngữ trung tâm, bao gồm Anh ngữ, Pháp ngữ, Nga ngữ, ... nói chung là Tây Phương ngữ... những tác phẩm này sẽ tự diệt vong vào văn chương địa phương, vô danh trên thế giới. Phải chăng đây là qui luật tự nhiên? Hoặc cho đến thời điểm này, trí tuệ nhân loại chỉ mới cởi mở đến mức bình đẳng nhân quyền, mà chưa cảm giác được "bình đẳng văn học"? Trung tâm nỗ lực xóa bỏ danh từ "nô lệ" nhưng vẫn giữ chặt danh từ "thuộc địa". Nếu văn chương thế giới không phải là sản phẩm của kết quả mà là sản phẩm của tiến trình, thì khoảng trống vô tận trong tương lai còn chờ đợi sự  phát triển, khiến cho văn học thế giới, bao gồm những nền văn chương bình đẳng. Mỗi nền văn chương đều có cơ hội như nhau, có sự nổi bật tạm thời theo thời đại và thời gian. Mỗi sự nổi bật có uy thế đóng góp vào bàn cân văn chương quốc tế, để cân đo trọng lượng giá trị của tác giả và tác phẩm. Bàn cân này không có trung tâm. Chỉ khi nào văn chương thế giới mất đi ranh giới thủ đô và ngoại ô, mới có thể cống hiến tất cả màu sắc và giọng điệu trung thực, hoặc tiếp cận trung thực.

Văn chương ngoại ô và quan điểm cá nhân.

Phải chăng dòng văn chương ngoại ô, văn học thuộc địa cần phải độc lập với trung tâm văn chương hiện tại? Vì sao truyện phải là tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện rất ngắn, hoặc truyện chớp? Vì sao bộ truyện Ngàn Lẻ Một Đêm (thế kỷ 8-13, dịch sang Anh ngữ 1706) vẫn nổi tiếng và tồn tại? Vì sao truyện ngắn của Julio Cortazár (1914-1984)  được toàn cầu xem trọng và ông được đặt để ngôi vị "vua truyện ngắn" trong vùng Châu Mỹ Latin?  Một số quan điểm về bản chất, sáng tạo và nghệ thuật truyền đạt của vài ví dụ nêu trên cần được khảo sát; và những trường hợp tương tựa như vậy, cũng cần tìm hiểu, để có thể nhìn thấy những khác biệt và vị trí độc lập của văn chương. Trong khi chờ đợi, có một ít quan điểm xin được chia sẻ:

- Đi sau không có nghĩa suốt đời phải theo sau. Không phải là tham vọng vượt qua người đi trước, mà ý thức vượt qua những khó khăn, để dọn đường đi một cách độc lập.

- Đây không phải là cuộc đua thuyền. Đây là cuộc phiêu lưu vượt đại dương khám phá vùng đất mới. Mạnh ai nấy đi với ý thức mục tiêu và lòng can đảm. Christopher Columbus học hỏi những đường biển trên bản đồ và kinh nghiệm của các chuyến thám hiểm trước, rồi ra đi, dù phải đối phó nhiều vấn nạn, rốt cuộc đã tìm ra Châu Mỹ.

- Chẳng phải cổ nhân ngụ ý: không biết người, không biết ta, trăm trận trăm thua? Biết ta, khó. Biết người dễ hơn. Cần phải biết rõ ưu điểm và khuyết điểm của văn học thế giới, tức là văn học trung tâm. Về thể loại tiểu thuyết và truyện ngắn hiện tại, sự phát triển nằm trong hai khuynh hướng chính:

- Phát triển độc lập và mới lạ theo môi trường điện tử và khoa học vi tính.

- Phát triển căn bản theo những học thuyết văn học đặt trên sự thay đổi của cơ sở tư tưởng.

Các bạn có biết sự khó khăn nhất của Columbus phải đối phó, trước khi tìm ra vùng đất mới là gì không? Là những mâu thuẫn, chống đối và nổi loạn của những người đồng hành.}

Ngu Yên