"Làm trai sinh ở trên đời, nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ sao chịu bo bo làm đầy-tớ người!" ** Lê Lợi **

Những Điều Không Thể Nói Trong Thơ

Anna Swir ('Swirszczynska)

Chắc có lẽ bạn cũng biết tôi thích đọc thơ và nghiền ngẫm về thơ. Một bài thơ hay cho tôi tê mê trong khoảnh khắc, có khi héo dài đôi ba ngày. Có khi nghĩ lại bài thơ, đọc lại bài thơ, cảm giác vẫn thú vị và khoan khoái. Tôi ngưỡng mộ sức sáng tạo của thi sĩ. Họ làm cho sự việc bình thường, quen thuộc đã nhàm chán chợt tươi sáng, sống ở một góc nhìn khác, linh động ở một bối cảnh khác, sâu sắt trong một biểu tượng khác.

Trong những đêm say, men rượu vừa đủ để choáng váng với sự việc chung quanh, nhưng còn đủ tinh anh để đọc và chọn những bài thơ vừa ý. Tôi yêu thích phút giây này. Không lâu lắm. Đủ để tỉnh rượu và không còn muốn đọc thơ hoặc gục xuống, không còn biết thơ là gì. Phút giây này tôi cảm được vì sao Lý bạch viết những bài thơ say. Thơ ra đời trong lúc này không quan trọng hay dở, có ý tưởng gì hay không mà chỉ hoàn toàn là bản năng của một con thú có bản lãnh văn chương.

Say làm cho trí óc không muốn và không còn khả năng suy nghĩ. Nếu say chưa đủ để ngã dài thì lời thơ cứ đến như một cơn vô tình trong định mệnh. Cảm giác hứng khởi từng hồi và sự mệt mỏi thực tế xô đẩy nhau, khiến cho bài thơ hoặc thành hình trong một hơi khoái trá hoặc sẽ đứt dở dang. Hôm sau thức dậy, đọc lại thấy dở hơi và không còn thích thú gì. Đành gạt bỏ.

Tôi đã từng làm thơ rất ngu xuẩn vì tôi tưởng mình biết làm thơ. Tôi biết kỹ thuật, biết nghệ thuật, biết triết lý của thơ, biết giá trị nghệ thuật thơ nhưng tôi không biết một điều: Thơ đích thực, vốn dĩ là ngôn ngữ để dành cho những điều không thể nói.

Tôi biết được điều này sau một đêm say quá độ. Sáng hôm sau, không biết đã viết gì trên giấy. Chữ ngòng ngoèo, dấu xiên xẹo đông tây nam bắc. Lổn ngổn đầy trang giấy trắng toàn là chữ mà không đọc ra là chữ gì. Nếu có, ức đoán đều vô nghĩa. Bẵng vài tháng sau, tình cờ mở cuốn sách cũ, lượm được trang giấy xếp đôi, đọc lại. Chợt tôi hiểu ra những điều đã viết trong đêm say đó. Và đây là những điều không thể viết. Và đây là bài thơ đúng nghĩa.

Điều không thể viết, dĩ nhiên, nằm ngoài chữ, ý và tứ. bài thơ như bàn tay. Những điều không thể nói như con diều bay trên cao. Bàn tay và con diều chỉ dính nhau bằng một sợi dây mong manh. Bài thơ điều khiển con diều. Bay như thế nào là do tài năng của bàn tay và diều rơi như thế nào cũng do bàn tay thiếu bản lãnh.

Từ lúc đó, tôi mãi mãi đeo đẳng câu hỏi: Có thật sự là tôi làm thơ hay không? Hay tôi chỉ làm cái chữ nghĩa mà người ta quen gọi là thơ.

Nói rằng đau khổ thì quá đáng nhưng ray rứt lắm khi thích làm một việc mà không hiểu việc này thật sự là gì. Cái điều mà người ta gọi là thơ, định nghĩa là thơ, khi thực hành, kinh nghiệm cho thấy không phải như vậy. Người ta dễ dãi với thơ hay tôi khó khăn với thơ.

Tôi mệt mỏi thơ. Tôi choáng váng những thứ chung quanh gọi là thơ. Tôi cảm giác tối tăm trong đêm nay. Tôi uống quá nhiều rượu chăng? Tôi đi ngủ.

Tôi muốn giấc mơ đẹp

mơ cái gì?

mơ như thế nào?

tôi không biết

Tôi muốn viết bài thơ hay

hay là sao?

viết đi

tôi không biết

Tôi muốn làm người

đang làm còn muốn gì nữa

người ra sao?

tôi không biết

Vậy

Mày biết cái gì

đã sống hơn 60 năm?

Thao thức như vậy, làm sao ngủ. Rượu đã tỉnh dần. Chưa tới nửa đêm. Nhà vắng và trống, không tiếng động. Tôi trở dậy tìm thơ để đọc. Một thói quen đã có nhiều năm. Đêm nay, tôi thích bài này: Poetry Reading của Anna Swir trong A Book of Luminous Things. An International Anthology of Poetry. Edited by Czeslaw Milosz.

Tôi cuộn mình tưởng như trái banh

như con chó

thật là lạnh.

Ai sẽ nói

vì sao tôi sinh ra

vì sao cái quái dị này

gọi là đời sống.

Điện thoại reo. Tôi phải

đi đọc thơ.

Bước vào

cả trăm người, cả trăm đôi mắt.

nhìn. chờ đợi.

tôi biết đọc cái gì.

Giả dụ tôi nói với họ

vi sao họ sinh ra,

tại sao lại có

cái quái dị này gọi là đời sống.

Theo tôi, bài thơ này, chữ nghĩa bình thường, ý tứ cũng bình thường. Nhưng tôi lại thích câu: This montrosity called life. Lập lại hai lần. Đúng là quái dị, đúng là kỳ quái, cái gọi là cuộc đời. Tự thẩm vấn mình, Anna Swir đã chọn hình tượng trái banh và con chó. Cả hai nói ra hai khía cạnh khác nhau của sống. Một lăn đi như banh, đá đi như banh. Một như con chó nhờ vả chủ nhân, là cuộc đời. Cả hai giống nhau ở chỗ: Lạnh.

Đọc thơ cho người khác nghe, in thơ cho người khác đọc, có gì tin tưởng, gửi gấm cho đám thế nhân kia? Họ đến nghe, tìm đọc là để nghe và đọc những gì họ muốn nghe và đọc. Xác nhận lại niềm tin và giá trị họ đang mang theo. Nếu họ nghe, đọc những gì khác hơn điều họ chờ đợi, đố các bạn, họ sẽ nghĩ gì? Đám đông có lý. Thi sĩ thất bại. Quái đảng. Why there is this monstrosity called life. Không có dấu hỏi. Vì làm sao trả lời. Vì đã có trả lời từ thiên thu vạn đại Chúa-Phật-Triết gia...thắc mắc thôi. Đâu cần phải hỏi. Dám trả lời khác sao?

Sự thất bại của thi sĩ chính là điều thành công của thơ.

Theo tôi bà Swir có bài thơ Woman Unborn, Người Đàn bà Không Sinh Ra, mới là bài thơ độc. Cái tứ biểu tượng cuộc hành trình đi ngược từ 5 phút trước khi sinh ra cho đến khi gặp lại người cuối cùng: Ông A-dong và bà E-và rồi tất cả chỉ là cõi đen. Nơi mà định mệnh hiện hữu đã chết từ đó.

Người đến từ đâu và sẽ về đâu là thao thức tâm linh mà trí tuệ chưa có lối thoát. Mãi đến thế kỷ 21 vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Và con người sợ hãi trùng trùng. Nơi sẽ đến có phải là nơi bắt đầu. Chúa và Phật nói: phải. Nơi đến và nơi khởi đầu là hai nơi khác nhau? Thi sĩ nghi ngờ.

Lòng can đảm của người chỉ là cỏ, dù mọc cao cũng sẽ ngã rạp trước gió. Khi nghĩ về sự chết, trí khôn có thể phản kháng nhiều lý luận. Khi đến gần sự chết, run rẩy và kinh sợ. Trước giờ chết, khẩn cầu nỗi bình yên qua tôn giáo như một người bị bịt mắt đưa đi, không biết sẽ đi đâu nhưng tin tưởng bằng tưởng tượng, sẽ đến một nơi vui sướng muôn đời. Thật ra, có ai biết cái gì là vui sướng vĩnh viễn? Một vài người nghĩ rằng chết là hết. Nghĩ thôi. Trong giờ hấp hối mới biết sự kinh hoàng của bơ vơ, của cô đơn, của muộn màng.

Tôi chưa ra đời

năm phút nữa mới sinh

tôi vẫn có thể quay lại

nơi vô thường.

bây giờ, mười phút trước

rồi, một giờ trước lúc sinh ra

tôi quay lại

chạy

ngược hướng sống.

Về vô thường như đi trong đường hầm

cảnh tượng kỳ quái.

Mười năm trước,

một trăm năm mươi năm trước,

Tôi đi, vang nặng bước chân,

hành trình lạ lẫm băng qua nguyên kỷ

thời gian này chưa hề có tôi.

Đời âm tôi có được bao lâu,

không hiện hữu cũng giống như bất tử.

Đây triều đại La mã, nơi tôi có thể làm bà góa,

Đây thời Phục Hưng, nơi tôi trở thành

người vợ xấu xa vô cảm bên người chồng ác độc

Thời Trung Cổ, nơi tôi có thể bưng nước trong quán ăn.

Đi xa hơn,

tiếng dội ghê quá,

bước chân vang lớn

vọng suốt đời âm,

vọng suốt đời ngược.

Tôi gặp A-dong và E-và,

rồi không thấy gì nữa, tối đen.

Tới đây, sự không-có-tôi đã chết

cái chết lập lại trong tiểu thuyết dàn dựng.

Cũ rích như cái chết của tôi-có-trong-đời

khi tôi thật sự sinh ra.


______________________________________________________________________________

Anna Swirszczynska

(1909-1984)

Thi sĩ Ba Lan

Tiểu Sử: http://en.wikipedia.org/wiki/Anna_%C5%9Awirszczy%C5%84ska

______________________________________________________________________________

Poetry Reading

I'm curled into a ball

like a dog

that is cold.

Who tell me

why I was born

why this monstrosity

called life.

The telephone rings. I have to give

a poetry reading.

I enter.

A hundred people, a hundred pairs of eyes.

They look, they wait.

I know for what

I am supposed to tell them

why they were born,

why there is

this monstrosity called life.

(Dịch tiếng Ba Lan bởi Creslaw Milos và Leonard Nathan. Trích: A Book of Luminous Things)

Woman Unborn

I am not born as yet,
five minutes before my birth.  
I can still go back
into my unbirth.
Now it’s ten minutes before,  
now, it’s one hour before birth.  
I go back,
I run
into my minus life.

I walk through my unbirth as in a tunnel  
with bizarre perspectives.
Ten years before,
a hundred and fifty years before,
I walk, my steps thump,
a fantastic journey through epochs  
in which there was no me.

How long is my minus life,
nonexistence so much resembles immortality.

Here is Romanticism, where I could have been a spinster,  
Here is the Renaissance, where I would have been
an ugly and unloved wife of an evil husband,
The Middle Ages, where I would have carried water in a tavern.

I walk still further,  
what an echo,  
my steps thump
through my minus life,  
through the reverse of life.  
I reach Adam and Eve,
nothing is seen anymore, it’s dark.
Now my nonexistence dies already
with the trite death of mathematical fiction.
As trite as the death of my existence would have been  
had I been really born.

(Woman Unborn. Trích: http://hellopoetry.com/-anna-swir/ )

Ngu Yên

Trích trong Đọc Thơ Trước Nửa Đêm