"Nếu bệ-hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng!" ** Trần Quốc Tuấn **

 

Nghệ Thuật Từ Phế Thải: Joseph Cornell

ngu yen -- ntpt 1Nghệ thuật thường được coi là cao cấp trong đời sống mà vật chất đang ngự trị, thao túng đa số nhân loại. Nghệ thuật trong nghĩa nôm na và bình dân là cách làm đẹp làm hay hơn. Hơn là từ ngữ quan trọng trong nghệ thuật. Một cụm hoa, tự nhiên đã đẹp, con người làm sao cho đẹp hơn, gọi là nghệ thuật trồng hoa. Một cảnh tượng có sẵn, con người cắt tầm nhìn trong một giới hạn, lựa góc cạnh ánh sáng, chọn điểm tập trung, để cảnh tượng kia bỗng dưng mang theo một ý nghĩa rồi ghi lại bằng máy chụp hình. Gọi là nghệ thuật nhiếp ảnh. Một câu chuyện thường thường xảy ra ngoài phố chợ, được trí óc gạn lọc chi tiết, sắp đặt tình tự, dàn dựng diễn biến, để câu chuyện đậm nét hơn, ý nghĩa hơn, hay hơn. Gọi là nghệ thuật viết truyện.....Nghệ thuật nào cũng vậy. Đi qua nghệ thuật, sản phẩm sẽ đẹp hơn, hay hơn hoặc giá trị hơn.

Những vật liệu dùng để tạo ra nghệ thuật là những thứ rất tầm thường, bình thường chung quanh đời sống. Phải có tâm tình trí tuệ của con người và khả năng làm đẹp làm hay thì mới thành nghệ thuật.

Ở một góc cạnh suy tư hơn, nếu vật liệu này chính là nghệ thuật thì sao? Nói một cách khác, trước đây nghệ thuật dùng vật liệu để tạo ra tác phẩm. Bây giờ nghệ thuật dùng nghệ thuật để tạo ra tác phẩm. Tức là nghệ thuật từ nghệ thuật về nghệ thuật. Và từ vật liệu đến sản phẩm đều là của con người. Không có siêu nhiên dự phần.

Nghệ thuật của Joseph Cornell là nghệ thuật sử dụng vật liệu để tạo tác phẩm. Những vật liệu ông sử dụng là những đồ phế thải, những đồ vật bỏ rác của người dân New York. Trước ông cũng đã có những nghệ sĩ khác, lượm lặt sắt bỏ, những vật phế thải trong bãi tha ma xe...v...v... về hàn gắn làm nên những tác phẩm có tính cách tượng hình hoặc kiến trúc.

Ông Cornell chú trọng sự tương quan giữa các đồ vật và ông giới hạn sự tương quan này trong một khuôn khổ cái hộp. Thông thường mặt trước của hộp có kính che. Cũng như những bài thơ bị khuôn khổ và qui luật của thể thơ khiến cho thi sĩ nảy sinh những ngôn ngữ trong giới hạn mà có thể cưu mang những ý tứ lớn hoặc vô giới hạn. Đó là ưu điểm, độc điểm của thơ Hài Cú, Thơ Đường Luật, thơ cổ....Sự giới hạn của hộp gỗ đã tạo những dàn dựng kinh ngạc như "cái khó bó cái khôn". Tinh thần và kỹ thuật của phương pháp sáng tạo mà ông Cornell thường sử dụng là tinh thần và kỹ thuật của phái Siêu Thực. Dĩ nhiên, cộng thêm cái cá tính cô độc xa lánh người chung quanh và sự dồn nén của vắng bóng phụ nữ trong cuộc sống. Ông Cornell diễn đạt cái nhìn từ nội tâm qua những dàn dựng đồ vật. Những đồ vật này xuất hiện như một cái duyên số khi ông bắt gặp đâu đó quanh đời sống.

Tuyển chọn trong nghệ thuật Hộp từ phế thải của Joseph Cornell:

 ngu yen -ntpt 2

 

ngu yen --- ntpt 3

ngu yen --- ntpt 4

ngu yen --- ntptv5

ngu yen --- ntpt6

Joseph Cornell ra đời đúng vào lễ Giáng sinh năm 1903. Tạ thế ngày 29 tháng 12 năm 1972. Sinh ra tại Nyack, New York trong gia đình 4 anh em. Sau khi cha ông qua đời, cả gia đình dọn về Queen và ông ở đây suốt cuộc đời còn lại. Ông có theo vào đại học ở Massachusetts nhưng bỏ ngang nửa chừng. Về nghệ thuật, ông đã tự học và chọn một phong cách riêng.

Ông là người cô độc. Tính tình lạnh nhạt ít bạn bè và hầu như không có liên hệ mật thiết với phụ nữ. Ông để thời giờ săn sóc người em trai Robert, mang một chứng bịnh nan y. Robert qua đời năm 1965. Từ đó Cornell mới có nhiều thời giờ cho nghệ thuật. Vào gần cuối đời, nghệ thuật và tác phẩm của ông mới được nhìn nhận. Sự nổi tiếng và vinh quang cũng không làm ông thay đổi cách sống nghèo. Ngoài ra, ông còn là một đạo diễn phái Tiền Đạo trong giới phim trường cùng với Rudy Burckhart, Larry Jordan, Stan Brakhage....Lễ Giáng Sinh năm 1972 là lễ Giáng Sinh cuối cùng, ông đột quị vì bệnh tim ngày 29.

Trong trường hợp của Joseph Cornell, với sự độc đáo và đặc thù, phương pháp sáng tạo của ông dễ được nhìn thấy. Đa số ở những tài năng khác, nhất là những ngành nghệ thuật viết lách, khó nhìn thấy rõ ràng hơn.

Trở về với quan điểm nghệ thuật dùng nghệ thuật để tạo ra tác phẩm. Vi dụ, những vật liệu như chữ nghĩa ý tứ được phương pháp sáng tạo đưa ra sản phẩm là bài thơ. Hành trình này là hành trình căn bản và thông dụng trong sáng tác. Nếu phương pháp sáng tạo, trong ví dụ này là phương pháp làm thơ, trở thành vật liệu được sử dụng để một phương pháp sáng tạo khác làm thành tác phẩm, hành trình này là hành trình sáng tạo trong phương pháp sáng tạo. Hành trình này được ngấm ngầm xảy ra bên trong nội tâm của người sáng tác.

Khi sáng tác đã trưởng thành, người sáng tác không chỉ quan tâm về tác phẩm mà còn chú trọng đến những cách thức bồi dưỡng, cải thiện phương pháp sáng tạo của mình. Phương pháp này có thể bị thay đổi hoặc biến dạng nhưng cốt lõi vẫn là cá tính, kiến thức và kinh nghiệm của người sáng tác.

Phương Pháp Sáng Tạo.

Ông Joseph Cornell đi lang thang khắp New York. Lượm về những đồ vật, những thứ người khác bỏ rác. Những thứ phế thải này cất đầy kho, đầy sân nhà của ông. Rồi một hôm, một lúc nào đó, ông chọn lựa "tình cờ" những đồ vật, sắp xếp vào một cái hộp, tạo thành một nghệ thuật từ phế thải. Những dữ liệu vô dụng, không giá trị bỗng trở thành một sản phẩm ý nghĩa và văn vẻ. Cái đẹp thành hình từ một phương pháp sáng tạo. Thấy rồi thì dễ. Nhưng trước đó chẳng có ai làm. Làm thật tử tế với nghệ thuật dàn dựng cái đẹp. Tên tuổi Joseph Cornell dính liền với New York, với Hoa Kỳ, với Pop Art và với lịch sử nghệ thuật.

Tinh thần xây dựng nghệ thuật từ những cái xấu, thừa thải, bỏ rơi là điều đáng cho người nghệ sĩ suy gẫm. Xấu không hẳn là không đẹp. Thừa thải không hẳn là vô ích. Khi Thượng Đế nặn ra tượng người bằng đất bùn, đất ở đâu chẳng có, bùn ở đâu không hôi, cũng như bạn và tôi nặn chơi những tượng đất, chỉ khác là Thượng Đế thổi vào tượng đất một hơi, tượng đất bèn bật sống.

Trứng là dữ liệu. Tinh là dữ liệu. Tình là phương pháp sáng tạo. Và cái trứng gà trở thành trứng gà lộn. Những quả trứng này sẽ có một ngày cởi bỏ lớp vỏ để ngây thơ quyến rủ một đàn gà con lông vàng. Sau tháng ngày bồi dưỡng, gà con trở thành gà thanh thiếu niên, trung niên.... không mấy khi đến được cao niên vì đã hưởng dương trong phần mộ bao tử. Hành trình từ trứng đến gà, có thể ẩn dụ được hành trình sáng tạo. Không phải gà nào cũng quanh quẩn sân nhà. Có những con gà sẽ tung tăng nơi rừng sâu, sẽ hóa thân bay nam về bắc như loài Trĩ. (trĩ thuộc loài chim, bộ gà).

Nhiều người có khả năng sáng tạo nhưng chỉ có những nghệ sĩ thâm thúy mới có phương pháp sáng tạo. Có phương pháp sáng tạo đã khó mà sử dụng được đúng chỗ lại càng khó hơn. Do đó, bậc tôn sư hiếm hoi hơn người thường. Có nhiều người so tài đức và võ công hơn hẳn Trương Tam Phong. Nhưng Trương sư phụ được lịch sử võ học trân trọng vì ông sáng dựng ra phái Võ Đang, danh tiếng đến hôm nay.

Thi sĩ Federico García Lorca có một đời sống ngắn ngủi, 5 tháng Sáu 1898 đến 19 tháng Tám 1936, để lại một sự nghiệp văn thơ đồ sộ. Ông sinh ra và lớn lên trong thời kỳ nội chiến ở Tây Ban Nha. Không phải do chiến tranh, tinh thần dân tộc, lòng yêu văn chương đã tạo cho Lorca một chỗ đứng trong thi ca thế giới như nhiều lời bình luận khoa bảng, mà chính sự sâu thẳm của nội tâm, một tầm nhìn khác về thơ và khả năng sử dụng tinh xảo ngôn ngữ Spanish đã đưa thơ ông đến nơi độc vị.

The Return.

         

          I'm coming back

          for my wings.

O let me come back!

I want to die where

it's dawn!

I want to die where

it's yesterday!

          I'm coming back

          for my wings

O let me come back

I want to die where

it's origin.

I want to die

out of sight

of the sea

          (Bản dịch Christopher Maurer)

Trở Về

          Ta về tìm lại

          cánh bay

Cho tôi trở lại chốn này

Chờ mong tử tuyệt nơi

ngày tinh sương!

Chờ mong tắt thở giữa

đường hôm qua!

          Trở về tìm lại

          cánh ta

Cho tôi trở lại tìm ta

Cầu cho lấp huyệt

mộ là nguồn cơn

Cho hơi thở nhập vĩnh trường

xa lìa bờ bến

đại dương

          (Đọc thơ Lorca)

Mỗi thi sĩ lớn có mỗi phương pháp sáng tạo. Nó đến tự nhiên như khả năng của thiên tài hoặc đến bằng luyện tập như kết quả của nhân tài. Hoặc đến bằng bẩm sinh và trưởng thành bằng luyện tập. Không có một phương pháp đặc thù và thuần thục thì người làm thơ sẽ vay mượn phương pháp phổ thông hoặc phương pháp thông dụng đương thời. Đây là trường hợp thơ trước năm 1975 ở miền nam Việt Nam. Từ cách diễn đạt, thể thơ, yêu vận, cước vận, đề tài và nội dung đã ngập lụt sách báo và lập lại suốt vài thập niên. Kéo dài ra hải ngoại. Phương pháp sáng tạo trong thời điểm này đã không được chú trọng. Sự vay mượn, lập lại và đồng dạng được sử dụng tự nhiên vì chiến tranh và đời sống khó khăn đã làm cho người sáng tác không còn "sức lực" để suy tư về sáng tác. Đa số họ chỉ kịp thời giờ để sáng tác khi tâm sự nồng nàn, tâm tình khởi động. Dĩ nhiên, phải dành sự ngưỡng mộ cho những thi sĩ tài hoa như Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Nguyễn Đức Sơn, Tô Thùy Yên, Nguyễn Tất Nhiên, Tạ Ký ........và nhiều vị nữa. Nhất thời không kể xuể.

Dùng chữ "Phương pháp sáng tạo" nghe ra cứng ngắt, qui luật, không phù hợp với thơ. Nhưng phương pháp là một cái khung rõ ràng và sáng tạo là bất định. Một phương trình toán học sẽ được viết xuống rõ ràng nhưng trong phương trình này những Biến số và Ẩn số thuộc về bất định hoặc bất khả xác định. Quy tắc về khí hậu, về thiên nhiên như một cái khung. Mưa và nắng như hai biến số. Chỉ có hai biến số thôi đủ để tạo ra muôn vàn thứ cần thiết cho đời sống. Những thứ đến từ nơi không thể giải thích thường thuộc về siêu hình hoặc nghệ thuật.

- Thưa Thầy, thầy cho gọi con.

- Con hãy giúp thầy gom hết các đồ vật ở đây, kể cả dùi mõ chiêng khánh, đem bán ngoài chợ trời, lấy tiền trả tiền nhà.

- Mô Phật. Bán hết rồi lấy gì tụng kinh kính Phật.

- Chúng ta là những người tị nạn. Thuê chỗ này làm tạm chốn thiền đường. Nếu không trả tiền tháng thì phải dọn đi. Không có nơi này, các đạo hữu sẽ phân tán và Phật pháp sẽ lơ là.

- Thưa Thầy, con đã bán hết mà vẫn chưa đủ tiền.

- Thiện tai, thiện tai. Chưa hết.

- Thưa Thầy, chỉ còn mỗi tượng Phật mà thôi.

- Sao chưa đem bán?

Tượng là khung. Phật là ẩn số. Có khung, dễ thấy Phật. Bỏ khung, Phật tại tâm.

Ngu Yên