"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do "

** Phan Bội Châu **

Nốt: Đọc Cảm Tác, thơ Đỗ Phủ.

Văn chương thiên cổ sự
Đắc thất thốn tâm tri
Tác giả giai thù biệt
Thanh danh khởi lãng thùy.

Từ trăm năm xưa, qua bài thơ Cảm Tác, thi sĩ Đỗ Phủ đã xác nhận rằng ông thừa hưởng dòng văn chương của người đi trước, Văn chương thiên cổ sự. Làm thơ từ cảm xúc, Cảm tác. Sáng tác có giá trị hay không, tự mình đã biết, Đắc thất thốn tâm tri. Thơ mình không phải là hay nhất. Thơ mỗi người mỗi khác. Mỗi nhà thơ thành danh có đặc thù và phong cách riêng, Tác giả giai thù biệt. Có lẽ, điều quan trọng nhất, ông đã để dành vào câu cuối, câu kết: Thanh danh khởi lãng thùy.

Sự nghiệp thơ có giá trị sẽ mang đến giá trị cho thanh danh. Kết quả đó tự nhiên thôi. Nếu khinh xuất, nếu lơ là, làm sao thơ đạt được giá trị? Nếu không có giá trị mà có thanh danh thì danh này nhất định là danh không giá trị. Nếu đã làm thơ thì phải đứng lên từ thơ. Nếu vịn thứ khác, người khác để đứng, để nhảy thì không lẽ không đắc thất thốn tâm tri? Người xưa đã biết. Người nay có biết?

Câu đầu là câu khai. Hai câu tiếp đều là câu thấu. Biết mình đã khó. Biết giá trị của mình càng khó hơn. Và tự biết mỗi chuyện mình làm có giá trị ra sao lại là cái khó thường xuyên. Để biết được cái hay của người khác, không phải dễ. Tâm phục tài năng người khác, xưa nay có mấy kẻ thật lòng. Câu kết chẳng những là thấu mà còn thấm. Càng suy nghĩ lại càng mơ hồ cái ý lãng thùy.

Cái giá trị thanh danh mà ông nói ở đây là giá trị gì?

Đỗ Phủ là nhà nho. Một nhà nho quan tâm về thời cuộc. Đa số những bài thơ của ông là những ghi nhận của cảm súc về thời thế và chiến loạn. Đó là vì sao người đời gọi ông là thi sử. Những bi thảm và mất mát của đời người trong loạn lạc liên miên là chủ đề và nội dung của thơ Đỗ Phủ. Giá trị trong thơ của Đỗ Phủ chính là giá trị nhân sinh. Quan niệm và thông điệp trong thơ của ông chính là nhân sinh quan của người quân tử ưu tư thời cuộc. Thanh danh mà ông lý luận ở đây không hẳn là thanh danh của một thi sĩ làm thơ hay mà là thanh danh của một quân tử chính nho. Thơ chỉ là phương tiện để bày tỏ, diễn đạt cái chí và tấm lòng của người quân tử trong thời loạn.

Về sau, khi thơ thay đổi quan niệm, tự thân của thơ là giá trị. Thẫm mỹ trong thơ là giá trị. Nghệ thuật thơ là giá trị. Thơ không còn là phương tiện đưa đến giá trị đạo đức hoặc chân lý mà tự bản tính thẩm mỹ của thơ là giá trị đặc thù, có và đủ.

Điều này không có nghĩa là giá trị cũ không còn hợp thời. Thanh danh khởi lãng thùy không còn hiệu quả khiến cho làm thơ tha hồ lơ là hoặc khinh xuất. Trong lịch sử thi ca từ Đông sang Tây, hình như chưa có ai lơ là hoặc khinh xuất khi làm thơ mà có thơ sống trường thọ với nhân gian.

Như vậy trước khi nói đến chuyện giá trị của một bài thơ, phải nói đến giá trị của hành vi làm thơ. Hành vi này bao gồm hai việc chính, thái độ đối với thơ và phương pháp làm thơ. Khi báo chí, phê bình, người quen hỏi thi sĩ Bùi Giáng về thơ, ông thường trả lời: Vui thôi mà. Câu nói này trở thành câu tiêu biểu cho phong thái và cá tính của thơ và nhà thơ họ Bùi. Câu nói này cũng làm cho nhiều người làm thơ hiểu một cách lơ là nên làm thơ một cách lơ đễnh. Tệ hơn nữa đã hiểu câu này một cách khinh bạc nên làm thơ không màng bị khinh thường. Vui thôi của Bùi Giáng có tinh thần của tốt thôi, lành thôi, thiện tai.

Đó là nói về tinh thần, còn về ý nghĩa, hầu như ai cũng hiểu thi sĩ Bùi Giáng đã đạt được cái thong dong với đời thì thơ nào có thể là gánh nặng. Làm thơ thì vui. Không làm thơ, thơ cũng vui. Dễ mấy ai được như vậy.

Phương pháp làm thơ của Bùi Giáng như: Hoàng kim nhật nhật tiêu hoàn chú // Tiên quế niên niên chiết hựu sinh // Thố tẩu điểu phi như vị tức. Và thái độ của ông đối với thơ là: Lộ trần chung kiến thái sơn bình.

(Hàng ngày kim loại nấu ra rồi đúc lại
Hàng năm dương liễu bị bẻ rồi mọc ra
Mặt trăng mặt trời hết xuống rồi lên không đứt đoạn
Bụi mù lắng thấy Thái Sơn vững vàng) (Ngụ Ngôn. Vi Trang)

Nếu giá trị của thơ (gồm có làm thơ và bài thơ) tạo nên thanh danh, thì thanh danh này là thanh danh của một người làm thơ có giá trị. Không vay mượn, không nhờ vả, không cầu lụy. Tự mình tạo nên bằng thơ. Giá trị của thi sĩ không liên quan đến thiện ác của đạo đức. Không liên quan đến đúng sai của chân lý. Chỉ thuần túy liên quan đến khả năng sáng tạo và bản lãnh sáng tác. Giá trị này bao gồm thẩm mỹ của thơ, thẩm mỹ của cảm xúc và của trọng lượng cùng chiều sâu của ý tứ. Họ làm việc này không khinh xuất, không lơ là cho dù chỉ để vui.

Có thể thấy sự khác biệt giữa nhân sinh và nghệ thuật. Nên mới có hai phái nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh. Bên trong của nghệ thuật vị chính là một khối chung của nhân sinh và nghệ thuật. Nói một cách khác, không phải nghệ thuật phục vụ cho nhân sinh hay phục vụ cho nghệ thuật mà nghệ thuật phục vụ cho nét đẹp của nhân sinh. Bản chất nhân sinh và thẩm mỹ nhân sinh là hai chuyện khác nhau.
Hoa Trà và sắc đẹp của hoa Trà là hai chuyện khác. Tuy nhiên, dễ bị ảnh hưởng vì khi nhìn một bông hoa Trà, người ta thường cảm nhận nét đẹp của hoa cùng một lúc với kiến thức hiểu biết về hoa Trà và tâm sự hoặc kỹ niệm liên quan đến hoa. Vậy thì thơ không phải chỉ là nét đẹp của hoa, cũng không chỉ là ý tưởng và tâm tình về hoa, mà thơ là cái cảm khái, xúc động khi va chạm với sắc đẹp xuất phát từ hoa gợi ra nét đẹp của ý tưởng và tình cảm dính liền với đóa hoa. Giá trị của bài thơ là diễn đạt cái đẹp này như thế nào với phẩm và lượng của cái đẹp.
Khi gặp gỡ một đóa hoa Trà, mỗi người đều có hai hoa Trà khác nhau: một là hoa Trà chung của sự hiểu biết và kinh nghiệm và hai là hoa Trà riêng đang thấy trước mặt. Hai hoa Trà này nhập lại thành một hoa Trà đặc thù trong ý tưởng và tâm tình của người xem hoa. Vì vậy, cùng nhìn một đóa hoa, hai người sẽ có hai đóa hoa khác nhau trong trí tưởng. Và mỗi người sẽ cảm nhận nét đẹp khác nhau. Cường độ và phẩm chất và trọng lượng của nét đẹp này sẽ tạo ra giá trị của thơ. Vì vậy, hoa Trà héo hay tươi, đỏ hay trắng, lớn hay nhỏ, mười cánh hay mười lăm cánh; mọc ở đâu, cắm bình nào, cách trồng tỉa, cách săn sóc..v..v...sẽ là những tứ thơ để diễn nét đẹp của đóa hoa đặt thù trong trí và tình của thi sĩ.
Nhìn ở khía cạnh khác, đời sống tự bản thân nó là một sự buồn chán, đau khổ và thất vọng. Những niềm vui và hạnh phúc đến như những người khách viếng thăm. Ở lại đôi ngày, đôi tháng, đôi năm rồi ra đi. Cảm nghiệm được điều đó và để cân bằng tâm tưởng và tâm lý đó, con người tạo ra tôn giáo, triết lý, nghệ thuật và khoa học. Kết quả của những đền bù này luôn luôn thiếu. Đó cũng là yếu tính bi kịch của đời sống. Tôn giáo giải quyết câu chuyện tiếp theo sau khi bi kịch chấm dứt. Triết lý đi tìm giải đáp cho bi kịch. Khoa học tìm đáp án làm cho bi kịch này tốt hơn. Nghệ thuật làm cho bi kịch này đẹp hơn. Nói riêng về thi ca, thơ là một cách làm đẹp những diễn biến trong bi kịch làm người.
Ví dụ như thời đại Đường Thi, biết bao nhiêu là thơ thi ngôn chí, biết bao nhiêu là bài thơ mang những thông điệp triết lý cao siêu, nhân sinh sâu sắc, nhưng chỉ có một số bài được lưu truyền và sống sót qua thời gian vì chúng diễn đạt được nét đẹp của ý tưởng và nét đẹp của tâm tình.
Huyền ngưng chi ế thanh đình xứ // Biệt hữu thâm tình nhất vạn trùng (Ngón tay thôi gảy, dây ngừng, không gian im lặng // nhưng trong tâm tiếng đàn vang động gấp ngàn lần) (Dạ Tranh. Bạch Cư Dị.
Đọc một bài thơ khác của ông, Hoa Phi Hoa. Trong bài này ý tứ thật thâm trầm. Nhưng chính nét đẹp của tứ hoa và sương, mộng và thực và nét đẹp của ý và tình lãng mạn phiêu diêu đã làm cho bài thơ có giá trị. Đọc xong ta tự dưng không biết là thực hay là mộng? người hay chiêm bao? Thương nhớ nhẹ nhàng mà ray rứt.

Hoa phi hoa,
Vụ phi vụ.
Dạ bán lai,
Thiên minh khứ.
Lai như xuân mộng kỷ đa thời,
Khứ tự triêu vân vô mịch xứ!

Bản dịch của Phụng Hà:

Hoa chẳng hoa,
Sương chẳng sương.
Nửa đêm ai đến,
Lên đường rạng đông.
Đến mang bao mộng xuân nồng,
Đi như mây sớm, phiêu bồng phương nao?

Đọc một bài thơ nặng nề nhân sinh quan của Đỗ Phủ, Chinh Phu:

Thập thất kỷ nhân tại ?
Thiên sơn không tự đa.
Lộ cù duy kiến khốc,
Thành thị bất văn ca.
Phiêu ngạnh vô an địa,
Hàm mai hữu hạ qua.
Quan quân vị thông Thục, Ngô đạo cánh như hà!

Dịch nghĩa: Đếm trong mười nhà còn có mấy trai tráng? Trên núi vắng vẻ. Tiếng khóc vọng ra đường, chợ búa không còn nghe tiếng ca. Như bèo trôi vô định, chịu đựng vác giáo trên vai. Quan quân xứ Thục còn binh lửa, ta biết làm sao!

Ý tưởng bi quan và tâm tình xúc động khi nhìn thấy cảnh loạn ly tan tác là những tình ý thơ rất bình thường. Bất cứ một người nào cũng có thể có. Trong nhiều hoàn cảnh thảm khốc hơn, ý tưởng và tâm sự về chiến tranh còn bộc lộ kinh hoàng hơn nữa. Nhưng chính những ý tứ: lộ cù duy kiến khốc, thành thị bất văn ca, tiếng khóc vang ra đường, phố thị vắng tiếng hát đã làm đẹp cảnh tượng tiêu điều của loạn lạc, làm đẹp không khí thê lương của mất còn. Rồi câu: Ngô đạo cánh như hà, ta biết làm gì đây. Câu thơ thấu làm người đọc "thở dài nhẹ", ai mà qua được mệnh trời. Có thể nói rằng, không phải ý tưởng và tâm tình của tác giả đã làm nên giá trị bài thơ mà chính những nét đẹp của nhân sinh quan này làm cho bài thơ có giá trị.
Nếu hỏi rằng thơ hay là gì? Thơ có giá trị là sao? Có lẽ khó có câu trả lời chung, khó có câu trả lời thỏa đáng. Nhưng nếu đặt câu hỏi: bài thơ này có hay không? Hỏi một cách chuyên hơn là bài thơ này có giá trị hay không? Có lẽ tôi sẽ có lòng tin trả lời một cách tương đối. Cũng như hỏi đẹp là gì và hỏi cô A, cô B có đẹp không? Hoa hồng, hoa trà có đẹp không?
Thơ giá trị không phải là thơ đẹp. Vì cho là thơ đẹp là thơ hay nên nhiều người trau chuốt và đánh bóng bài thơ qua hình thức bóng bẩy, sang trọng hoặc kỳ quái. Hoặc họ trình bày những tứ thơ mơ màng, lộng lẩy, lạ lùng. Giá trị bài thơ nằm ở chỗ nghệ thuật diễn đạt lời cùng câu và diễn đạt thẩm mỹ của ý và tình.

Đọc thêm giai thoại:

Liên quan đến Sơn Trà, là một giai thoại giữa Nguyễn Khuyến và Chu Mạnh Trinh. Đọc bài thơ của Nguyễn Khuyến, ít mấy ai không thích thú nhưng vì sao bài thơ này lại không được xem là bài thơ có giá trị?
Tương truyền khi Lê Hoan là tuần phủ Hưng Yên đứng ra tổ chức cuộc thi thơ vịnh "Kiều" ở Tao đàn Hưng Yên năm 1905, hắn có mời Nguyễn Khuyến vào ban chấm thi. Khi ấy, khách văn chương ở các tỉnh gửi bài về rất nhiều; riêng Chu Mạnh Trinh gửi hai chục bài đến dự thi và đoạt giải nhất. Nguyễn Khuyến chấm thơ Chu Mạnh Trinh cho là khá; nhưng đọc đến hai câu trong bài vịnh Sở Khanh:
Làng nho người cũng coi ra vẻ,
Bợm xỏ ai ngờ mắc phải tay!

Nguyễn Khuyến tỏ vẻ không bằng lòng, phê ngay vào bên cạnh rằng:
Rằng hay thì thực là hay,
Đem "nho" đối "xỏ" lão này không ưa.

Chẳng mấy chốc, chuyện ấy lọt ra ngoài rồi lan khắp trong làng nho, ai nghe cũng lấy đó làm một giai thoại để giễu họ Chu.
Chu Mạnh Trinh từ đấy giận Nguyễn Khuyến. Khi làm án sát Hưng Yên, nhân ngày Tết, Chu cho người mang đến biếu Nguyễn Khuyến một chậu hoa trà với dụng ý cũng khá thâm: Nguyễn Khuyến lúc ấy đã bị lòa cả hai mắt, mà họ Chu lại tặng hoa chỉ có sắc, không có hương, như thế là có ý xỏ lá. Hiểu thâm ý của Chu, Nguyễn Khuyến bèn làm bài thơ mỉa như sau gửi lại cho Chu Mạnh Trinh:
Tết đến người cho một chậu trà
Đương say còn biết cóc đâu hoa!
Da mồi tóc bạc, ta già nhỉ,
Áo tía đai vàng, bác đó a?
Mưa nhỏ những kinh phường xỏ lá
Gió to luống sợ lúc rơi già!
Lâu nay ta chỉ xem bằng mũi,
Đếch thấy hơi thơm, một tiếng khà!

Chu Mạnh Trinh đọc xong thơ vừa thẹn vừa ân hận.
               (Hoàng Ngọc Phách và Kiều Thu Hoạch)

Có thể nói bài thơ này của thi sĩ Nguyễn Khuyến hay ở chỗ châm biếm. Đếch thấy hơi thơm, một tiếng khà như một tiếng cười khẩy mỉa mai. Bài thơ này trở thành giai thoại, một thứ ngoại sử của làng thơ nhưng không thể là bài thơ có giá trị. Có ý xiên xỏ. Có tình khi dễ. Không thấy nét đẹp nào của ý , của tình này. Chỉ thấy được bản lãnh sắc bén của cụ Tam Nguyên Yên Đổ.

Nếu giá trị của thơ tạo ra giá trị thanh danh của người làm thơ và giá trị của thơ là giá trị của nghệ thuật tạo ra cái đẹp của tư tưởng và tình cảm, thì thanh danh của nhà thơ được xây dựng trên hành vi đối với thơ và tác phẩm nghệ thuật tạo ra nét đẹp của trí và nét đẹp của tình.

Lại một giai thoại khác, một bài thơ xỏ xẹo khác nhưng lại có giá trị ở khía cạnh ngôn ngữ.

Tự Đức vốn là ông vua sính thơ và hay khoe thơ mình. Nghĩ được câu thơ nào thường vẫn đem đọc cho quần thần nghe và lấy làm tự đắc lắm.
Một hôm sau buổi chầu, Tự Đức nói với các quan:
- Đêm qua trẫm nằm mơ làm được hai câu thơ thật kỳ lạ, để trẫm đọc cho các khanh nghe! Rồi đọc luôn:
Viên trung oanh chuyển "khề khà" ngữ
Dã ngoại đào hoa "lấm tấm" khai

Các quan nghe xong đều lấy làm lạ vì chưa hề được nghe lối thơ vừa hán vừa nôm ấy bao giờ, nhất là những chữ "khề khà", "lấm tấm" nghe thật thú vị. Còn Cao Bá Quát lúc bấy giờ cũng có mặt ở đấy, thì vẫn thản nhiên mà tâu rằng:
- Tâu bệ hạ, tưởng gì chứ hai câu ấy thì từ hồi còn để chỏm đi học, thần đã được nghe rồi ạ! Thần được nghe cả tám câu kia, nếu bệ hạ cho phép, thần xin đọc lại tất cả.
Tự Đức đang hí hửng về mấy câu thơ hán trộn nôm độc đáo của mình, không dè lại bị Quát dội một gáo nước lạnh thì tức lắm, vì rõ ràng hai câu thơ đó chính ông ta đã nghĩ ra. Tuy nhiên, ông ta vẫn cố trấn tĩnh bảo Quát đọc cho nghe cả bài thơ, với thâm ý nếu không đọc được thì sẽ trị cái tội khi quân ấy cho hả giận.
Còn đình thần cũng bực tức là Quát dám cả gan xúc phạm đến vua, và họ đang chờ một trận lôi đình; ông nọ lấm lét nhìn ông kia, không khí triều đình trở nên căng thẳng, nặng nề khác thường...
Quát bình thản suy nghĩ một lát như để nhớ lại một bài thơ lâu ngày không nhìn đến, rồi cất giọng sang sảng ngâm rằng:
Bảo mã tây phương huếch hoác lai,
Huênh hoang nhân tự thác đề hồi.
Viên trung oanh chuyển khề khà ngữ,
Dã ngoại đào hoa lấm tấm khai.
Xuân nhật bất văn sương lộp bộp,
Thu thiên chỉ kiến vũ bài nhài.
Khù khờ thi tứ đa nhân thức,
Khệnh khạng tương lai vấn tú tài.

Nghĩa là:
Ngựa báu từ phía tây huếch hoác lại,
Người huênh hoang nhờ cậy dìu về.
Trong vườn oanh hót giọng khề khà.
Ngoài đồng hoa đào nở lấm tấm.
Ngày xuân chẳng nghe tiếng sương rơi lộp bộp.
Tiết thu chỉ thấy mưa bài nhài.
Tứ thơ khù khờ đã nhiều người biết,
Khệnh khạng còn mang đến hỏi tú tài.

Bài thơ vừa đọc dứt, cả đình thần hoang mang nhìn nhau, còn Tự Đức thì biết đích là Cao Bá Quát chơi xỏ mình, nhưng cũng rất sửng sốt và hết sức thán phục. Vua sai lấy chè và quế ban cho Quát. (Trích: http://maxreading.com/sach-hay/khoa-hoc).

Phải nhận tài linh hoạt và ứng biến của Cao Bá Quát không thua gì Tào Thực đi bảy bước làm bài thơ cứu mạng. Sự châm chọc và chế diễu của ông vừa độc đáo lại xuất sắc. Cái giá trị mà người sau công nhận ở đây là sự dùng những chữ nôm vào thơ hán vừa chỉnh lại vừa hay. Riêng hai câu cuối, câu cài và câu kết: Khù khờ thi tứ đa nhân thức, Khệnh khạng tương lai vấn tú tài. Không thể nào đáo để hơn. Mới hiểu, trong lòng của ông cao Bá Quát vốn đã xem thường vua quan đương thời cho nên chuyện ông làm phản về sau chẳng qua chỉ là chuyện phải đến.
Cái thanh danh mà ông Đỗ Phủ nói: Thanh danh khởi lãng thùy, không thể khinh xuất, không nên làm bậy, là những gì ông Cao bá Quát đã liệt kê:
- Ngựa tốt cần gì huếch hoác
- Người tài cần gì huênh hoang, cần gì nhờ cậy
- Thơ đâu phải để khề khà
Và ông rất chính xác khi kết luận: Khù khờ thi tứ đa nhân thức, Khệnh khạng tương lai vấn tú tài. Những ý nghĩ này đã tiềm tàng rất lâu qua kinh nghiệm và va chạm trong đời sống, tạo ra lòng ngán ngẫm và khinh mạn. Câu thơ của vua Tự Đức chẳng qua là cái đốt, khai hỏa cho khù khờ và khệnh khạng mà thôi.

Trích: Giai thoại
http://thegioitinhoc.vn/home/thu-gian/122605-giai-thoai-ve-danh-nhan-viet-nam-cao-ba-quat.html?langid=1

Ngu Yên