"Con nhà tướng không được khiếp nhược trước quân thù." ** Bùi Thị Xuân **

Tôi Học Làm Thơ

1.

Má tôi thứ chín. Dì Năm là một người đàn bà tài hoa. Dì đẹp gái. Học võ. Mở nhà hàng tây. Theo lục lâm thảo khấu qua Miên buôn lậu vàng. Mở hãng bán rượu. Khi chí khí thì như Đoàn thị Điểm. Khi bông lơn thì như Hồ Xuân Hương. Lấy chồng sớm. Dượng thuộc về điền chủ, ruộng nương cò bay thẳng cánh. Chồng qua đời. Dì Năm có một gia tài lớn. Tha hồ làm nghệ thuật cho đến khi sạt nghiệp. Nghèo tận cùng rượu đế.

Dì Năm dạy tôi làm thơ. Bài thơ lục bác đầu tiên khi tôi về Bồng Sơn tắm sông Lại Giang với ba. Những vần lục bác, yêu vận, cước vận, bằng trắc chỉnh tề, do dì Năm chỉ dẫn. Ba tôi rất thích, bắt tôi phải đọc cho các chú bác khác nghe, lúc đó tôi lên bẩy. Người nghe vỗ tay rất lớn, có lẽ vì ba tôi là quận trưởng Bồng Sơn. Từ như vậy, tôi làm thơ.

Dì Năm đọc tập thơ đầu tay, thơ học trò, của tôi. Dì nói, nếu muốn kể truyện nên viết văn. Làm thơ là gợi truyện.

Sau này tôi hiểu được ý của dì. Truyện không phải là câu truyện tình tiết có đầu có đuôi, mà là một điều gì muốn nói. Dì đang đổ bánh bèo ăn trưa. Dì dọn lên bàn một đĩa cho tôi và nói, nếu dì là nhà văn, dì sẽ đổ bánh bèo theo ý mình rồi mời con ăn. Nếu dì là nhà thơ, dì sẽ cho con biết cách làm bánh bèo của dì rồi nói con hãy tự đổ lấy mà ăn.

Có điều muốn nói, nhà văn diễn tả và hướng dẫn người đọc theo ý họ. Nhà triết học sẽ gợi cho người đọc thao thức, triền miên với những câu hỏi. Không nhất thiết phải có câu trả lời. Nhà thơ gợi cho người đọc bởi ý tứ, hình tượng và mỗi người đọc sẽ có một điều gì để nghe, để nói. Không nhất thiết giống như điều muốn nói của nhà thơ. Nhà văn quan tâm điều muốn nói. Nhà thơ quan tâm điều muốn nghe.

Dì gắp một cục than đỏ từ lò ra bỏ xuống sàn xi măng. Dì nói, Bài thơ chết là cục than lạnh cần phải nung lửa. Bài thơ hay cần có lửa. Cục lửa đỏ chưa phải là thơ. Dì múc một vá nước lạnh nhiễu lên cục lửa. Xèo, xèo bốc khói. Dì nói, khói mới là thơ. Mỗi người đọc, kể cả người làm thơ phải tự nhiễu nước và ngạc nhiên với khói. Không có khói nào bay lên giống khói nào. Cục lửa mà không gặp nước để bốc khói, cứ mãi đỏ hồng sẽ trở thành tro tàn. Những thơ sôi sục tình tự rồi sẽ tàn bay theo gió.

Sau này, mỗi lần làm thơ, tôi lại nhớ đến khói. Có lần theo dõi nhà văn Bình Nguyên Lộc và các văn tài khác tranh luận về câu thơ Kiều của Nguyễn Du: Hàng thần lơ láo phận mình ra sao? Thông thường, người ta cho rằng Từ Hải ra hàng triều đình nên có tâm sự như Nguyễn Du. Tâm sự của hàng thần. Nhà văn Bình Nguyên Lộc lại cho rằng, Từ Hải / Nguyễn Du nhìn lũ thần đã ra hàng, đang lơ láo rồi tự ngẫm, phận mình biết sẽ ra sao. Đọc thơ và lãnh hội thơ là nghệ thuật. Đã là nghệ thuật, mỗi người sẽ khác nhau.

Người đọc thơ, đầu tiên là gặp gỡ bài thơ. Tại sao trong trăm ngàn bài thơ hiện hữu, ta lại thích đọc một số bài thơ mà thôi? Có thể tình cờ. Có thể hữu duyên. Có thể có chục lý do khác nhau. Tựu trung như có nhiều người gặp mặt mà ta không ưa thích, không trở lại, tìm cách thối lui sớm. Có nhiều người mới gặp đã thích nhau. Thân thiện, thân hữu. Lý do là hạp nhãn.

Mỗi người đọc sẽ hạp một số loại thơ hoặc chỉ một loại thơ. Mỗi người đọc ưa thích một tác giả hoặc một số tác giả. Người có trình độ thưởng thức sẽ đọc nhiều loại thơ, nhiều tác giả hơn. Nhưng rồi cũng có loại thơ hoặc tác giả mà ta sẽ nghiêng mình, bỏ đi. Sự yêu thích hoặc chối bỏ của mỗi người dù cho họ là ai cũng không đáng quan tâm.

Trong khi nhà thơ gợi thơ. Người đọc nắm bắt rồi khơi dậy những điều muốn nghe, trong vô hình. Đối với người đọc, điều muốn nghe có thể sẽ trở thành điều muốn nói. Hoặc điều muốn nghe trở thành câu trả lời những thắc mắc nào đó trong thế giới riêng tư của họ.

Đọc thơ. Đọc từ tựa đề, câu cú, ngôn từ. Từng hàng, từng chấm phết để ý tứ thơ thâm nhập vào tâm cảm. Lúc này, bề mặt của bài thơ là nguyên nhân cho người đọc theo dõi. Thuyết phục, chia xẻ, hấp dẫn.... lôi kéo người đọc lần dò theo từng tứ thơ, ý thơ để đào xới vào chiều sâu của bài thơ.

Ngôn ngữ, hình tượng, màu sắc, âm thanh là những yếu tố hàng rào. Ngăn giữa người đọc và bài thơ. Để tìm những gì tiếp theo, phải leo qua hàng rào. Dễ hay khó là tùy tác giả dựng nên hàng rào này bằng cách nào. Có hàng rào kín. Có hàng rào hở. Có hàng rào cao. Có hàng rào thấp. Hàng rào như bức tường. Hàng rào bằng dậu Dâm Bụt. Hàng rào có ve chai. Hàng rào có dây kẽm. Có người đọc nản lòng quay bước. Có người thích thú vượt qua.

Hàng rào càng khó vượt càng cần có khả năng, có lòng tò mò, có thú vị khi leo trèo.

Có nhiều bài thơ chỉ ngừng nơi bề mặt. Có nhiều sắc đẹp mà vô duyên. Có nhiều vẻ bình thường mà khiêu khích rủ rê. Cho dù một bài thơ hoàn tất nơi bề mặt cũng chỉ đạt được lòng yêu thích mà thôi. Những bài thơ này thông thường là những bài thơ dạt dào tình cảm, thương, yêu, hận, thù, tức tối, chán nản, tuyệt vọng...... Đọc là hiểu liền. Chia xẻ được tâm tư của tác giả một cách trực tiếp. Không nghi ngờ. Thơ tình lãng mạn, thơ khẩu khí, thơ tuyên truyền, thơ bình dân.....

Nói như vậy không phải loại thơ này là dở. Đa số quần chúng rất yêu thích và truyền tụng những câu thơ. Như, Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông... Một người chín nhớ mười mong một người...(Nguyễn Bính)...A ha chí lớn trong thiên hạ... Không đựng đầy đôi mắt của giai nhân..(Phạm Thái trong Tiêu Sơn Tráng Sĩ).... Chí ta ta biết. Lòng ta ta hay..(Hồ Trường, Dương Bá Trạc) .... Vì bản chất tình cảm và dễ hiểu, thơ này thường nằm vào dạng thơ hay. Nói một cách vô thưởng vô phạt.

Đa phần người đọc thơ là để giải trí. Tìm tâm tình, tâm sự trong bài thơ mà mình có thể thông cảm. Bài thơ trở thành hay, khi tâm sự của tác giả giống như tâm tư của mình. Bài thơ trở nên dể thương khi ý tứ, hình tượng gợi lại một thời "ngây thơ" nào đó của người đọc. Bài thơ tâm sự. Bài thơ nỗi lòng. Bài thơ đồng thanh tương ứng. Bài thơ đồng khí tương cầu......

Chính vì thuyết phục cảm tính của người đọc một cách dễ dàng nên rất nhiều người làm thơ đã chọn lối làm thơ "tán tỉnh". Cố tìm những ý tứ, ngôn từ, hình ảnh bắt mắt, phóng đại, cực đoan, đôi khi giả tạo, để chiếm cảm tình người đọc. Sự ngưỡng mộ này rất cần thiết cho một số tác giả không chịu nổi sự cô đơn của văn chương. Và cái Tôi lớn hơn cái Thơ.

Làm sao biết được những nhà thơ "tán tỉnh" này? Rất dễ nhận ra, họ hay khoe thơ.

Dì tôi nói, thơ mà phải khoe tức là người làm thơ thiếu lòng tin. Một phụ nữ thích nói về những chỗ đẹp, tức là nàng đang lo nghĩ đến chỗ không đẹp. Dĩ nhiên, nàng che kín. Một người có tài thật, anh ta làm những việc đó rất bình thường nhưng có kết quả kỳ diệu và người xung quanh sẽ thấy. Dẫu cho không thấy, thì đã sao. Chỉ có một đời để sáng tác. Lên Thiên Đàng, Niết Bàn, xuống Hỏa Ngục, Địa Ngục... không còn thơ văn nữa. Có ai biết trên trời cao dưới đất sâu, có thi sĩ, văn sĩ, họa sĩ... nghệ sĩ nào không?

Thơ Có Mấy Chiều?

Những người làm thơ đều biết tầm quan trọng của hình hài bài thơ. Khi độc giả và bài thơ gặp nhau, thơ không chỉ cất tiếng chào mà cả bài thơ đều đứng lên từ trang giấy để tự giới thiệu. Giới thiệu bài thơ là ai, không phải của ai. Giới thiệu lý do, mục đích, ý nghĩa, tâm sự và đón nhận độc giả. Muốn làm tròn những tiêu chuẩn trên, không phải dễ. Tôi bật cười khi nghe bạn tôi nói như vậy. Đâu cần phải quá nhân cách hóa. Thơ và người gặp nhau như một chút duyên thú vị. Đọc thấy thích. Đọc thấy hay. Đọc thấy xứng. Là đủ. Dù từ cách nhìn nào, bề ngoài và hình dáng của bài thơ là sắc diện đầu tiên được chú ý đến.

Tìm đến thơ như tìm đến những thao thức của người về người và cho người. Triết học và thi ca đều đặt ra những câu hỏi. Thơ có câu hỏi siêu hình như triết, có câu hỏi về tâm như đạo, có câu hỏi về tình như tâm lý học, có băn khoăn tầm thường mỗi ngày như nhân sinh quan. Câu trả lời của triết tràng giang đại hải. Vẫn chưa có kết luận. Người đọc suy tư, càng đào sâu vào triết càng bế tắt. Thơ không trả lời như một kết luận. Mọi câu hỏi trong thơ, được trả lời bằng ẩn dụ, bằng cách sơn đả ngưu, bằng kích thích hoặc gợi ra một điều gì chỉ riêng cho người đọc đó mà thôi.

Lúc trẻ ở nhà dòng, tôi học cách trở thành thầy tu. Đi đứng nằm ngồi theo đúng lễ. Nhìn không láo liên. Nói không bừa bãi. Thấy phụ nữ không xôn xao. Thấy người quan quyền, giàu có không nịnh bợ........ Tập làm một người nghiêm kính dù chỉ bên ngoài, cũng không phải dễ.

Mỗi mùa hè về thăm nhà, dì Năm thường nói với tôi, cháu trông như ông cụ. Rồi dì thì thầm vào tai tôi, cô Trân có đẹp không? Hóa ra dì đã biết tôi cùng vài đứa em họ hay rình xem cô hàng xóm tắm đêm. Xóm Mới của tôi ở Nha Trang thời ấy có hai cô rất bắt mắt, Thắm và Trân. Cả hai đều vóc dáng hấp dẫn. Đẹp. Mỗi người mỗi vẻ. Có thể nói, mỗi cô là mỗi bài thơ.

Bài thơ có bề mặt hấp dẫn, thi vị, bắt mắt, thuyết phục, chưa hẳn là một bài thơ hay đúng nghĩa, nhưng một bài thơ hay thật, cần có một bề mặt xứng đáng. Nếu không, cổ nhân làm sao có câu: Nhất lé nhì lùn tam hô tứ sún.

Bề mặt của bài thơ được trình bày theo truyền thống là thể thơ và văn phạm của câu cú. Những thay đổi của du nhập các thể thơ thế giới như Hài Cú, Tân hình thức, Tự do... làm hình hài thêm phong phú.

Thời thơ Tiền Chiến, nhà phê bình Hoài Thanh, Hoài Chân phê phán thơ Nguyễn Vỹ là thơ lập dị, trang trí bên ngoài. Rất tiếc vì hai ông chưa gặp Lady Gaga. Người Việt rất trọng bề ngoài và trọng những bề ngoài tôn kính, nghiêm và buồn cho dù giả tạo. Thà chọn lầm đạo đức giả còn hơn là chọn bề ngoài trung thật nhưng thiếu đứng đắn. Thế nào là đứng đắn? Thế nào là đàng hoàng? Người đứng đắn đàng hoàng thật sống với hãnh diện. Người đứng đắn đàng hoàng giả, sống chán như sắp chết.

Lady Gaga là nghệ thuật. Những điều cô làm không giống bất cứ một ai nhưng là nỗi niềm của nhiều ai đang cần giải tỏa. Những sáng kiến, sáng tạo, sản phẩm, công trình, trình diễn, ca hát... của Lady Gaga toàn bộ trở thành nghệ thuật Gaga phá biên. Nếu gọi là lập dị, đây là một lập dị cần thiết để phá vỡ những giới hạn đang chín mùi của nghệ thuật thế giới. Nhưng giữa lập dị và sáng tạo cái mới là một ranh giới tâm lý mà thời gian là câu trả lời. Khi Picasso bắt đầu vẽ tranh lập thể, có lập dị không? Chắc chắn có lắm kẻ xì xào phê lén, phê thẳng. Rồi sao? Nhờ nghệ thuật Picasso, chúng ta mới cảm thấu sự phức tạp trong mỗi con người. Nếu gọi Gaga là tiên tiến, đây là một tiên phong đáng ca ngợi. Gaga như Picasso, vẽ lại bên trong thời đại của họ. Khác chăng, Picasso vẽ trên khung vải. Gaga vẽ lên thân thể, mặt mày, áo quần và cuộc sống của cô. Cái mới và cái lập dị giống nhau bên ngoài, khác nhau bởi sự trung thực bên trong. Nói một cách khác, nếu Michael Jackson đã "vẽ" được thế hệ của ông, con người của tâm ma, khao khát sống trong dày vò của đời sống ngắn ngủi. Tung hê tình dục, thống khoái bạch phiến, vùng vẫy giữa giăng mắc của xã hội, tôn giáo. Thì Lady Gaga đang "vẽ" lại thế hệ của cô. Khao khát sáng tạo như Bill Gate, Steve Jobs. Thèm muốn danh vọng, giàu có bằng những con đường ngắn, tắt, độc đáo. Phá vỡ những ý tưởng truyền thống của bằng cấp và giá trị con người đo bằng luân lý và tôn giáo. Giá như Dì Năm còn sống, chắc bà cũng hoan nghênh Lady Gaga.

Thơ là sản phẩm của người. Người giả thơ giả. Người thật thơ thật. Thơ thật chưa hẳn đã hay nhưng thơ giả thì không có giá trị gì. Biết bao những bài thơ, câu thơ vay mượn tình ý đã có trong thư viện tâm tư. Hễ yêu là phải như vầy.....Hễ thất bại là phải như kia....Chữ rầm rộ mà vô ý. Hình tứ vì quen thuộc mà vô tâm. Nhai lại Đường thi. Nhai lại Du thi. Nhai lại Nhật thi. Nhai lại Tây thi. Nhai lại những thơ nổi tiếng. Rồi phun ra chưa kịp nuốt.

Một trong những loại thơ "biểu diễn" bề ngoài thường gặp là thơ "thương vay khóc mướn". Rảnh rang không biết làm gì, làm thơ. Buồn buồn nổi hứng, cần phải làm một cái gì, làm thơ. Than ngắn thở dài. Thương thân trách phận. Thích nước mê nòi. Thế ta hành đạo....... Cứ nhắm vào các đề tài quần chúng như quê hương, cha mẹ, tình nhân, thất thế, thất bại...... trang bị những hình ảnh quen thuộc rồi phóng đại. Trang hoàng bằng ngôn ngữ dễ cảm, nhiều tĩnh từ êm êm, sướt mướt.... càng dễ lấy lòng...Thơ cứ thế là chắc được ưu ái. Cô Kim Cương đóng vai đào thương trên sân khấu khiến cho khán giả rơi lệ nhiều hơn tác giả. Tài tử đóng phim anh hùng, khiến người xem ái quốc. Thơ đóng tuồng cũng có công phu nhưng là công phu không thuộc về thơ.

Thư viện Làm Thơ là thư viện bất thành văn. Chứa những kiểu mẫu, mô hình được người đọc yêu thích. Chứa những hình tượng, ẩn dụ được hoan nghênh. Chứa sẵn những câu thơ thông dụng để ráp nối........ Người làm thơ có thể sử dụng những dữ liệu trên bất cứ lúc nào vì cánh cửa thư viện mở từ lòng của họ. Người đọc lẫn người viết dễ thông cảm khi cùng vào thư viện.

Nhớ một người, vào thư viện Làm Thơ, mượn ngay đôi mắt u buồn, tóc bay theo gió, thương nhớ khung trời..... Những thứ này của hôm qua. Hôm nay nhớ nhau, thiếu gì chỗ trong người đáng nhớ. Vậy mà thơ vội vã tránh xa? Thơ lập lại không thể gọi sáng tạo. Thơ đồng dạng, dị dạng gọi là sáng kiến.

Thơ hai chiều, trải chữ, ý và tứ kín cả bề mặt, chiều rộng lẫn chiều ngang. Tất cả chào hàng, không dấu diếm, không dư niên hậu. Ưu điểm, dễ làm người đọc đê mê. Dễ chinh phục những trình độ thưởng ngoạn bình bình. Khuyết điểm, thường không nặng giá trị bao nhiêu. Gọi là thơ ruột để ngoài da.

Chiều thứ ba của thơ, nằm ở bề sâu.

Từ đời xưa, nhà Tống bên Trung Hoa, nhà thơ Mai Thánh Du đã chủ trương, làm thơ, ý phải mới, nhất là phải hàm súc. Lời phải khéo. Diễn được những điều cổ nhân chưa diễn. Tả được những điều khó tả....Vậy sao thơ ngày nay, ý lại cũ, tứ lại xưa.

Trong các loại nghệ thuật, thơ là dễ sáng tác nhất. Ai mà chẳng có tâm sự, cảm xúc. Ai chẳng có lời lẽ, ngôn ngữ. Chỉ cần giấy mực, bài thơ ra đời. Dài ngắn, cao thấp, sâu cạn ra sao cũng được gọi là thơ. Nhưng càng tiến sâu vào, thơ lại trở thành một nghệ thuật vô hạn. Vì sao?

Ý tứ ảnh tượng của thơ rất phức tạp và không có ranh giới phân biệt rõ ràng. Có người cho rằng tứ thơ bao trùm ý thơ. Ngược lại, có kẻ nói, tứ thơ tạo nên ý thơ. Ảnh và tượng (hiện tượng) có khi là chi tiết có khi là nội dung có khi là tứ có khi là sự chuyển tiếp đến những gì vắng mặt trong bài thơ.

Để hiểu một bài thơ của một thi sĩ sâu sắc không phải dễ. Đừng nói là dịch. Mỗi dân tộc sử dụng ngôn ngữ và ảnh tượng liên hệ khác nhau. Nhà thơ Hoa Kỳ nói đến con chim ó khác với hình ảnh con ó ở Phi Châu. Ông ta có thể đang diễn tả lòng yêu quê hương trong khi ở Phi Châu người ta diễn tả cuộc săn bắn. Con dê xồm ở Việt Nam dịch ra tiếng ngoại quốc nhiều khi thấy dễ thương.

Chiều sâu của thơ là tứ trên mặt, tứ sau lưng, tứ ẩn tàng, ý trình bày, ý gợi ý, ý ẩn dụ, ý mở rộng, ý đào sâu, hình gợi tứ, hình gợi cảm, hình gợi hình.... và ngôn ngữ.

Hồn đẹp của ngôn ngữ có tính đặc thù của mỗi dân tộc. Người có thể học tiếng mẹ nuôi rành rọt nhưng khó thở ra lời như tiếng mẹ đẻ. Người ta nói Dịch là phản cũng vì lý do này. Ngôn ngữ thơ của Bùi Giáng vừa uyên bác vừa sáng tính. Lợi hại nhất là tự nhiên. Ngôn ngữ thơ của Hàn Mặc Tử vừa bí ẩn vừa đau thương một cách tự phát. Ngôn ngữ thơ của Nguyễn Tất Nhiên bình dị, sáng tính trong cách hành chữ..... Sự thành công phát ra từ lòng trung thật với thơ. Làm thơ là làm thơ không có lý do nào khác quan trọng hơn. Thơ không cần phải đến từ sự thật. Thơ có thể đến từ hư cấu, từ mộng mơ, nhưng hành trình diễn đạt thơ phải là hành trình chân thật.

Ý tứ và ảnh trong thơ là những thi tố có tính quốc tế. Chính những thi tố này mới cảm ứng được nhân loại không phân biệt ngôn ngữ, văn học, sắc tộc, màu da...Bằng những cách riêng, ngôn ngữ của mỗi thi sĩ sẽ đưa những thi tố vào người đọc. Chính thực phẩm tinh thần này mới tạo ra giá trị của bài thơ hoặc giá trị của một dòng thơ. Thế giới có thể trao tặng cho nhau những món quà thi ca bằng cách chuyển những ý tứ ảnh của thơ dân tộc qua những ngôn ngữ khác.

Trên bề mặt bài thơ, các thi tố như từ ngữ, văn phạm, hình ảnh. biểu tượng, điển cố, ẩn dụ.... đều mang một thi vị riêng không cần phải bắt buộc như bản chất, nội dung của nó. Đối với thi sĩ, những điều viết ra trên mặt giấy, chưa hẳn là đều ông muốn chia xẻ. Chữ nằm ngay ngắn kia, ý nghĩa rành rành, có thể ông để từ ngữ đó hiểu một cách khác hơn.

Thi tố có bản tính liên tưởng, hàm ý, cô đọng, biểu hiện, biểu tượng, mơ hồ, không xác định ... Do đó, một bài thơ hay thường được cảm và hiểu nhiều khía cạnh khác nhau. Không ai hiểu đúng hơn ai. Thơ dành cho người đọc. Đọc thơ là kinh nghiệm cảm nhận riêng của mỗi người.

Chiều thứ tư của thơ nằm ở những khoảng trống trong thơ.

Giữa chữ trong câu, giữa câu và câu, giữa bài thơ có nhiều lỗ trống. Những khoảng trống càng nhiều, càng lớn, thơ càng phong phú, càng gây thú vị cho trí tưởng tâm tư của thưởng ngoạn. Giá trị của bài thơ, đôi lúc không nằm ở chữ mà nằm chỗ không có chữ.

Những suy tư triền miên, những cảm ngộ bất thường, những tương liên kinh nghiệm của sống, làm sao thi sĩ có thể nói hết trong đôi lời. Chắc gì đã nói hết trong một cuốn sách ngàn trang? Chắc chắn, nói một đời chưa hết. Do đó, giữa ý tứ và ngôn từ là những khoảng trống gợi lên "điều chưa nói". Cái sâu sắc, cái thâm trầm, cái lắng đọng phải chăng là cái không cần phải nói? Vì nói ra chưa chắc ai đã hiểu ai. Vậy thì gợi ra cho mỗi người tự bốc khói riêng tư.

Tất cả những cái này tạo ra cái đẹp của thơ.

Dì Năm tôi nói, có chỗ chưa đúng. Cô Thắm Cô Trân nhìn thấy đẹp như thế nào là tùy mỗi người nhưng nhiều người thấy hai cô ấy đẹp. Các cô khác trong xóm không được coi là đẹp mặc dù cô Thanh trông rất mặn mà. Cô Trang, gợi cảm. Cô Thúy, ấn tượng. Cô M. lai tây trông hấp dẫn... Cái phức tạp của đẹp không phải vì căn cứ trên yếu tố mà vì cảm nhận nghệ thuật. Sự cảm nhận này lại có căn bản từ một số giá trị thưởng ngoạn và định giá đương thời. Nhưng quan trọng hơn trong cảm nhận nghệ thuật là những giá trị mới chưa trở thành khoa bảng.

Dì Năm chỉ cho tôi xem, những phụ nữ trong tranh của thời Trung cổ, thần tượng mỹ nhân, cô nào cũng tròn tròn. Vòng nào cũng tròn tròn. Có cái nay mum múp mới hấp dẫn. Bây giờ vòng một, phải căng. Vòng hai phải nhỏ. Vòng ba phải phồng. Như các cô đào trẻ trong ci-nê: Brigitte Bardot. Clauria Cardinal. Marilyn Monroe ... Dì kết luận, một bài thơ đẹp tạo cảm tưởng hay. Một bài thơ hay tạo cảm tưởng đẹp. Đẹp và hay mỗi thời có mỗi tiêu chuẩn. Bây giờ cháu làm thơ hay như thơ Đường là vô ích vì người đẹp ấy đã qua đời.

Càng làm thơ lâu ngày, tôi càng cảm được cái đẹp cái hay của thơ. Chúng không nằm trong hình thể và nội dung của bài thơ mà chúng ở trong phong thái do bài thơ tạo ra.

Vậy, phong thái ở đây là gì?

Phong thái không phải là giá trị tư tưởng, giá trị nhân sinh ... mà là giá trị nghệ thuật. Phong thái là sự kết tinh của bài thơ, tạo nên không khí cho người đọc đi vào. Tạo nên thú vị cho người đọc thưởng thức. Tạo nên say mê cho người đọc chìm đắm. Dì tôi nói, nam nữ yêu nhau không hẳn vì đẹp vì tài mà vì xúc tác của tình yêu. Yêu thơ cũng vậy thôi.

Dì hỏi, lúc cháu coi trộm cô Trân tắm, cháu có làm thơ không? - Dĩ nhiên là không. Vậy cháu làm thơ về cô Trân lúc nào? Có phải lúc cháu ngồi một mình. Nhớ lại. Rạo rực. Hình ảnh uốn éo. Rồi cảm xúc khơi lời lẽ thành hình.

Nhưng bài thơ xuất hiện lúc đó chỉ để thỏa mãn tâm tình khao khát đang xung động. Không có gì đáng để lại ngày sau. Nếu cháu chờ được một thời gian, cô Trân sẽ không còn là cô Trân. Trần truồng không còn là trần truồng. Bây giờ nếu thơ đến với cháu, sẽ có nhiều ý tứ sâu sắc hơn và mỹ vị hơn. "Điều muốn nói" trong thơ sẽ trưởng thành theo thời gian. Rồi hoặc nó chết đi trong quên lãng hoặc sống sót rồi lớn lên bằng thơ. Thường khi không phải chỉ trong một bài mà lui tới trong dòng thơ. Dì nói, người làm thơ biết giữ thơ khiến thơ thường sẽ dậy men hay hơn. Biết nén thơ khiến thơ hay sẽ đào sâu vào giá trị.

Thơ hay và thơ có giá trị nhiều khi khác nhau. Bài thơ hay chưa hẳn đã có giá trị. Thông thường bài thơ giá trị đọc vài lần đầu thường thấy không hay. Thông thường thấy khó hiểu và dở. Dì Năm nói, cái hay làm thơ được ngưỡng mộ và chú ý lâm thời. Cái giá trị làm cho thơ sống lâu.

Sau bao năm dì qua đời, tôi vẫn tiếp tục học làm thơ. Dì nói, thơ là để sống với và tôi sống với thơ như sống với vợ. Vẫn không bao giờ hiểu thấu thơ cũng như không thể hiểu đàn bà. Bây giờ tôi mới nghiệm ra câu nói của dì, làm thơ là dùng nỗi buồn này giải tỏa nỗi buồn kia. Dùng đau khổ này giải thích đau khổ khác. Cho cùng, làm thơ quan trọng hơn bài thơ.

Ngu Yên