"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do "

** Phan Bội Châu **

 

Đảo Côn Sơn (Nam Bộ)

 

 

Côn đảo là một quần đảo ngoài khơi Nam Bộ, cùng kinh độ với TP. HCM, cùng vĩ độ với Cà Mau, cách Vũng Tàu 97 hải Lý (175 km), cách cửa sông Hậu 45 hải lý (80 km). Gồm 16 hòn đảo có diện tích 76 km2, đảo lớn nhất là đảo Côn Đảo.  Khi xưa gọi là Côn Lôn (Côn Nôn) là trại âm theo tên của Malaysia là Poulo Kundur sau đó từ thời Pháp thuộc gọi là Poulo Condor. Đỉnh núi Thánh Giá cao nhất đảo 577 m.

  • Đảo Côn Sơn (Côn Lôn, Phú Hải), 51,52 km2, huyện đảo Côn Sơn, thị trấn Côn Sơn.
  • Hòn Bà (Hòn Côn Lôn nhỏ, Phú Sơn), 5,45 km2, cách đảo Côn Sơn bởi khe nước rộng 20 m, đỉnh núi cao nhất 321 m,
  • Hòn Bảy Cạnh (Phú Tường), 5,5 km2, là điểm A5 trên đường cơ sở tính vùng đặc quyền kinh tế ra xa 220 km, trên hòn có ngọn hải đăng,
  • Hòn Bông Lan (hòn Bông Lau, Phú Phong), 0,2 km2, là điểm A4 trên đường cơ sở,
  • Hòn Cau (Phú Lệ), 1,8 km2, nằm về phía đông bắc Côn Sơn, trồng nhiều cây cau, đặc biệt trái to, ngon, người dân đất liền rất ưa chuộng,
  • Hòn Tài Lớn (Phú Bình), 0,38 km2, là điểm A3 trên đường cơ sở,
  • Hòn Tài Nhỏ, (Hòn Thỏ, Phú An, 0,1 km2,
  • Hòn Trác Lớn (Phú Hưng), 2,25 km2,
  • Hòn Trác Nhỏ (Phú Thịnh), 0,1 km2,
  • Hòn Tre Lớn (Phú Hòa), 075 km2,
  • Hòn Tre Nhỏ (Phú Hội), 0,25 km2,
  • Hòn Trai (hòn Trọc, Phú Nghĩa), 0,4 km2, có nhiều trai, ốc biển,
  • Hòn Đá Bạc (hòn Đá Trắng, Phú Thọ), 0,1 km2, có nhiều chim,
  • Hòn Vung (Phú Vinh), 0,15 km2, nằm ngay phía nam Hòn Bà,
  • Hòn Trứng Lớn (Hòn Anh), ghềnh đá không có người ở,
  • Hòn Trứng nhỏ (Hòn Em), ghềnh đá không có người ở.

lhuy --- dcs2

Bản đồ vị trí quần đảo Côn Sơn

 

lhuy --- dcs3

Bản đồ huyện đảo Côn Sơn

Thị trấn Côn Đảo là huyện lỵ của huyện đảo Côn Đảo, nằm trên một thung lũng hình cánh cung, dài 10 km, rộng khoảng 3 km, mặt tiền quay ra biển là vịnh Côn Đảo với cảng Bến Đầm, một mặt dựa lưng vào dãy núi, là nơi tập trung mọi sinh hoạt của đảo, cách phi trường Cỏ Ống khoảng 12 km. Con đường chạy quanh đảo sát biển có bờ kè khá đẹp và đến các vịnh hay các điểm trọng yếu đều được trải nhựa, hai bên đường trồng nhiều cây bàng vuông cổ thụ. Từ khi phát triển Côn Đảo trở thành trung tâm du lịch dân số tăng lên rất nhanh, từ 6.000 (2011) lên 8.000 (2013) chưa tính dân nhập cư. Nhiệt độ trung bình 26,9 độ C, thường khi vào tháng 5 khá nóng có lúc nhiệt độ lên đến 34 độ C. Có hai mùa, mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4.

lhuy --- dcs4

Thị trấn Côn Sơn nhìn từ trên cao

 

lhuy --- dcs5

Một trong nhiều bến cảng tại Côn Đảo

Đến Côn Đảo bằng 2 cách, tàu thủy và hàng không. Đi tàu thủy Côn Đảo 09 và Côn Đảo 10 từ cảng Cát Lở ra Côn Đảo mất khoảng 12 giờ, khoảng đường dài 97 hải lý. Bến cảng Côn Đảo thường xuyên có các tàu du lịch quốc tế (Cruise) cập bến. Từ năm 2011, phi trường Côn Đảo được trùng tu việc giao thông rất thuận tiện nên ngành du lịch phát triển nhanh chóng. Hiện nay phi trường Cỏ Ống với đường băng dài 1830 m, rộng 80 m, cảng hàng không khang trang, tiếp nhận mỗi ngày 4 chuyến bay 2 từ Cần Thơ và 2 từ TP. HCM của 2 hảng Air Mekong và Vietnam Airline, sử dụng các loại máy bay cánh quạt ATR-72, Fokker và CRJ-900. Riêng hảng Air Mekong  mở thêm đường bay Hà Nội-Côn Đảo 3 chuyến mỗi tuần, chưa kể loại máy bay taxi thuê bao (Cessna) 2 động cơ cánh quạt dưới 20 ghế hành khách. Năm 2012 có trên 250,000 du khách người Việt và ngoại quốc đến tham quan hoặc nghĩ dưỡng. Phi trường Cỏ Ống đang được nâng cấp đường băng lên 2400 m để tiếp nhận máy bay phản lực A320-A321, dự trù phục vụ hành khách lên đến 500.000 du khách năm từ nay đến năm 2025. Tại Côn Đảo có đài truyền thanh và truyền hình, bưu điện, 4 hảng điện thoại phủ sóng Vinaphone, Mobilfone, Viettel, Vietnamobile toàn khu vực quanh đảo, hệ thống Internet tốc độ cao ADSL. Bệnh viện đa khoa trang bị đầy đủ máy móc, dụng cụ tối tân.

 

lhuy --- dcs6

Phi cơ chở khách của Air Mekong

Các điểm du khách thường tham quan gồm: Ngọn hải đăng trên hòn bảy cạnh, chùa Vân Sơn trên đỉnh núi Một, miếu Bà Phi Yến trên hòn Bà, nhà tù Côn Đảo, trụ sở củ của Bộ chỉ huy Đặc khu Côn Đảo. Tương truyền thứ phi Phi Yến của chúa Nguyễn Ánh can gián ngài không nên nhờ Giáo sĩ Bá Đa Lộc (Pigneau de Behaine) cầu viện quân Pháp giúp để chống Tây Sơn nên bị Nguyễn Ánh đày ra đảo nhỏ, sau này có miếu thờ bà Phi Yến trên đảo nên người ta gọi là hòn Bà.

 

lhuy --- dcs7

Miếu Bà (Bà Phi Yến, thứ phi của chúa Nguyễn Ánh)

 

lhuy --- dcs8

Trại tù Côn Đảo

Côn Đảo có nhiều thắng cảnh đẹp vô cùng, các công ty du lịch tích cực khai thác hướng dẫn du khách đi vòng quanh đảo, đi cano ngắm vẽ đẹp của đảo từ biển. Đặc biệt đưa du khách tham quan các bãi biển cát trắng mịn màng, trên bờ là khu rừng nguyên sinh, biển trong vắt một màu xanh biếc.

 

lhuy --- dcs9

Cảng biển Côn Đảo, phía sau là núi Thánh Giá

Côn Đảo thành lập khu bảo tồn “Đa dạng Sinh Học”  bởi có rất nhiều hệ thực vật, động vật, sinh vật biển, san hô và những bãi cỏ biển vô cùng phong phú.

Khu bảo tồn đa dạng sinh học Côn Đảo còn gọi là Vườn Quốc Gia Côn Đảo, trải rộng trên 14 hòn đảo, khu rừng cấm rộng 6.000 ha trên cạn và 14.000 ha vùng biển quanh các đảo. Hệ động vật biển gồm 144 loài, lớp thú 28 loài, chim 69 loài, bò sát 39 loài, lưỡng cư 8 loài. Hệ sinh thái biển tại Côn Đảo thống kê được 1.321 loài, hệ thực vật ngập mặn 23 loài, rong biển 127 loài, cỏ biển 7 loài, phù du thực vật 157 loài, phù du động vật 115 loài, san hô 219 loài, thú và bò sát biển 5 loài, trong số có 37 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam (theo thống kê năm 2012). Trong số các loài thú biển tại Côn Đảo có nhiều loại quý hiếm có nguy cơ bị tuyệt chủng cần bảo vệ nghiêm nhặt như bò biển (Dugong), rùa biển, vích (Chelonia mydas), đồi mồi (Eretmochelys imbricate). Ngoài ra còn có loài động vật biển có vú như cá heo (Orcaella brevirosric), cá cúi còn gọi là bò biển (Dugong), cá voi xanh (Neophon Phocaenoides), ...  Ghi nhận được có 17 bãi biển quanh các đảo là nơi sinh sản của loài rùa, trong đó có 4 bãi biển có khoảng 1000 rùa mẹ lên đẻ trứng hàng năm. Cùng với khu rừng ngập mặn nên Côn Đảo được Công ước Ramsar công nhận là một trong số 2.203 khu đất ngập mặn quan trọng trên toàn thế giới. Tại Việt Nam có 6 khu rừng ngập nước được công nhận là các khu Ramsar của thế giới như Tràm Chim (Đồng Tháp), mủi Cà Mau (Cà Mau), vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định), Bàu Sấu (Đồng Nai- Cát Tiên), Ba Bể (Bắc Cạn) và Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu).

 

lhuy --- dcs10

Côn Đảo có nhiều bãi biển đẹp tuyệt vời

 

lhuy --- dcs11

Đều là bãi biển đẹp hút hồn du khách

 

lhuy --- dcs12

Khu rừng nguyên sinh – Vườn Quốc Gia Côn Đảo

 

lhuy --- dcs 13

Khu rừng ngập mặn – 1 trong những khu Ramsar của thế giới

 

lhuy --- dcs14

Cá cúi còn có tên “bò biển” (Dugong)

Du khách đến Côn Đảo ngày càng đông, đủ các hạng người do đó dịch vụ phòng nghĩ cũng khấm khá, từ loại bình dân nhất dành cho du khách là nhà nghĩ Camping, motel (loại nhà nghĩ rẻ tiền), nhà nghĩ cao cấp (khách sạn 5 sao) và các khu nghĩ dưỡng (Resort) sang trọng.

 

lhuy --- dcs15

Khu nhà nghỉ dành cho du khách di cắm trại - Nhà nghỉ Camping

 

lhuy --- dcs16
Nhà nghĩ cao cấp – Khách sạn 5 sao

Trong ngành du lịch nói đến khách sạn là luôn đi kèm theo nhà hàng, nhiều món ăn đặc sản độc đáo của Côn Đảo đều thấy có từ quán ăn bình dân cho đến nhà hàng sang trọng trong các khu resort.

  • Sá sùng, là loại trùng biển có nhiều ở Côn Đảo (ở vùng biển Quãng Ninh và Nha Trang cũng có Sá Sùng). Sá sùng có vị thuốc tính mát, trị âm hàn, bổ dương khí, giàu chất dinh dưỡng. Chế biến thành các món: chiên tươi, nướng, xào chua ngọt, nấu hủ tíu, bún, món ăn cơm thì thường xào với mướp. Giá trung bình sá sùng tươi $160.000 VND/kg, khô $500.000/ kg (2012).
  • Mắm nhum, là loại mắm làm bằng con nhím biển, là loài động vật quý hiếm.
  • Nhộng ve, chỉ có vào tháng 5-6 đầu mùa mưa nhộng ve (ve sầu) mới có nhiều, là món ăn khá độc đáo ở Côn Đảo.
  • Mứt hạt bàng, rừng trên đảo có nhiều cây bàng, hạt khá to, trái chín vào mùa hè tháng 7-8. Mứt hạt bàng là tên gọi nghe cho thanh nhã, thực chất là hạt bàng rang với tí muối hoặc với 1 ít đường. Có sẳn trong các keo để bán làm quà cho du khách.

 

lhuy --- dcs18

Nhộng ve, món ăn đặc sản của Côn Đảo

lhuy --- dcs19

Đồi mồi

 

lhuy --- dcs20

Nghề nuôi trai cấy ngọc

Từ xưa Côn Đảo là nơi giam giử tù nhân nên trên đảo không có nhiều ghe thuyền đánh bắt hải sản sợ tù nhân vượt ngục do đó ngành ngư nghiệp không phát triển. Hiện nay có một số nghề như khảm sa cừ đồ dùng nội thất, nhiều mặt hàng có thể làm quà kỷ niệm cho du khách như vật dụng hay nữ trang khảm sa cừ và đồi mồi, khắc họa trên vỏ trai. Tại Hòn Trai có rất nhiều vỏ trai óng ánh rất đẹp, ở VN có cặp vỏ trai nổi tiếng gây xôn xao dư luận mà các đại gia đòi mua với giá hàng trăm ngàn dollards, cặp vỏ màu sắc rất đẹp, có kích thước khổng lồ 40 cm x 60cm. Nghề nuôi trai cấy ngọc cũng khá phát đạt nhưng nghề này ở Côn Đảo có tầm mức qui mô còn thua kém đảo Phú Quốc.

Công nghiệp điện gió cũng là ngành công nghiệp quan trọng của huyện đảo Côn Sơn, hiện tại xây dựng nhà máy điện gió 3 ha trên đất liền và 9 ha trên bãi ngầm ven biển.

 

lhuy --- dcs21

Bản đồ đường ống dẫn dầu khí từ các mỏ vào đất liền

 

lhuy --- dcs22

Mỏ dầu Bạch Hổ là mỏ dầu khí quan trọng nhất của Việt Nam

Côn Đảo nằm vào vị trí trung tâm khu vực dầu khí quan trọng nhất của Việt Nam, với nhiều mỏ quan trọng, có đường ống dẫn hàng trăm km từ các mỏ ngoài khơi vào nhà máy ở Bà Rịa-Vũng Tàu hay khu công nghiệp dầu khí gần Sài Gòn. Các mỏ dầu gồm Sư Tử Nâu, Sư Tử Đen, Rạng Đông và Bạch Hổ. Quang trọng nhất là mỏ Bạch Hổ cách Vũng Tàu 145 km, có trử lượng lên đến 300 triệu tấn dầu thô, năng xuất 38.000 tấn/ngày. Các mõ khí đốt có mỏ Sư Tử Vàng, Sư Tử Trắng, và các mỏ ngoài khơi thuộc bồn trủng Nam Côn Sơn như các mỏ Rồng Đôi, Mộc Tinh, Hải Thạch, Lan Tây và Lan Tây đỏ. Mỏ Lan Tây và Lan Tây Đỏ cách nhau 25 km, cách Vũng Tàu 370 km, có trử lượng quan trọng nhất khoảng 58 tỷ m2 khí đốt.

Từ kinh phí dồi dào trong việc khai thác dầu khí cộng với ưu thế thiên nhiên trên đảo, Việt Nam thiết lập dự án phát triển Côn Đảo trở thành trung tâm du lịch hiện đại ngang tầm với những trung tâm du lịch khu vực và trên thế giới từ nay đến năm 2030. Ngoài ra Côn Đảo cũng còn là đảo tiền tiêu quang trọng ở vùng biển phía nam Việt Nam.

Chúng tôi xin giới thiệu lần lượt một số bài viết về các đảo tiền tiêu quan trọng của Việt Nam:

  • Đảo Bạch Long Vĩ (Vịnh Bắc Bộ)
  • Đảo Lý Sơn (Trung Phần)
  • Đảo Phú Quý (Nam Trung Phần)
  • Đảo Côn Sơn (Nam Bộ)
  • Đảo Thổ Chu (Vịnh Thái Lan)

Lê Hữu Uy

(Tài liệu tổng hợp, hình ảnh Net. – Phoenix, Sept 2014)