"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do "

** Phan Bội Châu **

 

Quần Đảo Hoàng Sa (Paracel Islands)

 

Quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam với nhiều chứng cứ lịch sử,  được các nhà hàng hải quốc tế ghi lại trên các tấm bản đồ cổ từ thế kỷ 17-18, và liên tục đến sau này. Tại Đà Nẵng có viện bảo tàng lưu trử và chưng bày hàng trăm bản đồ cổ và tài liệu xác định chủ quyền Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. 

Năm 1930, lúc đó VN bị Pháp thuộc, người Pháp xây dựng bia chủ quyền, trạm khí tượng, hải đăng và doanh trại quân đội đồn trú tại đảo Hoàng Sa. Đến Thế chiến thứ II, quân đội Nhật chiếm quần đảo Hoàng Sa từ tay quân Pháp. Sau Thế chiến thứ II, quân Nhật đầu thua trận nên rút bỏ khỏi đảo Hoàng Sa. Tháng 12 năm 1946 quân đội Trung Hoa Dân Quốc do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo cử chiến hạm ra chiếm đóng một số đảo thuộc nhóm Tuyên Đức, phần phía đông quần đảo Hoàng Sa. Nhóm đảo Nguyệt Thiềm phía tây quần đảo Hoàng Sa vẫn còn quân Pháp chiếm giử.

15alhuy --- hoangsa1

Bia chủ quyền do hải quân VNCH xây dựng

 

15Alhuy --- hoangsa2

Sắc Lệnh ngày 13-7-1961 của TT Ngô Đình Diệm

Đến năm 1954, quân Pháp giao nhóm đảo Nguyệt Thiềm lại cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Ngày 13 tháng 07 năm 1961, Tổng thống Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh đặt tên các đảo ở Hoàng Sa là xã Định Hải, trực thuộc quận Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam, trước đây dưới triều các vua nhà Nguyễn, quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên.

Đầu năm 1956, quân đội Trung Hoa Dân Quốc rút khỏi các đảo trong nhóm Tuyên Đức đưa quân xuống chiếm đảo Ba Bình là đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa. Thừa cơ hội này TQ đưa quân đổ bộ lên chiếm đảo Phú Lâm là đảo quan trọng nhất thuộc nhóm Tuyên Đức ở quần đảo Hoàng Sa. Quân TQ thiết lập trạm kiểm soát, truyền tin, xây dựng bến cảng và nhiều cơ sở cho quân đội đồn trú.

Ngày 19 tháng 01 năm 1974, hải quân Trung Quốc đưa quân tấn công chiếm đảo Cam Tuyền (Robert Island) và đảo Hoàng Sa (Pattle Island), là hai đảo có quân đội Việt Nam Cộng Hòa trú đóng gìn giử đảo tại Hoàng Sa, trong nhóm đảo Nguyệt Thiềm. Kể từ ngày 20-01-1974 toàn bộ các đảo trong quần đảo Hoàng Sa đều lọt vào tay Trung Quốc.

Quần đảo Hoàng Sa là tên gọi theo người Việt Nam, tên quốc tế Paracel Islands, tên TQ là Xisha Chuntao. Chữ Paracel khởi đầu từ tiếng Pracel theo tiếng Portugal (Bồ Đào Nha), có nghĩa là đá ngầm. Theo một bản đồ cổ năm 1703 do Thornton vẽ thì quần đảo Hoàng Sa có tên là Pracell.

Quần đảo Hoàng Sa nằm trong vùng biển Đông, về phía đông Trung Phần VN, có vĩ độ ngang với tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Tính từ đảo Hoàng Sa (Pattle Island) cách Đà Nẵng 200 hải lý, cù lao Ré 163 hải lý, cách đảo Hải Nam 150 hải lý về phía nam, nằm về phía tây Philippine khoảng 450 hải lý. Cách quần đảo Trường Sa ở phía nam khoảng 500 hải lý, có diện tích khoảng 15.000 km2. Tính từ đảo Tri Tôn (cực tây) đến đảo Linh Côn (cực đông) từ kinh độ 111o E đến 113o E , và từ đảo Tri Tôn (cực nam) đến bãi Đá Bắc (cực bắc) từ vĩ độ 15o45’ N đến 17o00’.

Quần đảo Hoàng Sa gồm khoảng 130 đảo, đá, bãi cát, bãi ngầm, trong số này có khoảng hơn 30 đảo, đá, bãi ngầm được đo đạt và đặt tên. Năm 2012, TQ tuyên bố tất cả gần 1600 các đảo, đá, bãi ngầm trong vùng biển Đông đều được xác định tọa độ và đặt tên.

Các nhà địa lý dựa theo hai nhóm đảo để phân chia thành hai nhóm, lấy kinh độ 112o làm chuẩn thì nhóm Tuyên Đức về phía đông và nhóm Nguyệt Thiềm về phía tây.

 

15alhuy --- hoangsa3

Bản đồ quần đảo Hoàng Sa (Paracell Islands)

Nhóm Nguyệt Thiềm (Crescent Group – Yongle Qundao)

 

15Alhuy --- hoangsa5

Chiến xa TQ trên quần đảo Hoàng Sa

Nhóm đảo Nguyệt Thiềm được cấu thành từ miệng núi lửa có hình dạng giống như vành trăng lưỡi liềm, trên mặt đảo thường có đá tảng và những bãi cát. Nhóm Nguyệt Thiềm có 3 hòn đảo quang trọng là Hoàng Sa (Pattle Island), Duy Mộng (Drunmond Island) và Quang Hoà (Duncan Island), cả 3 đảo này đều có giếng nước ngọt trồng nhiều dừa, thông và cây dương xỉ. Sau khi đánh chiếm Hoàng Sa tháng 01-1974, TQ xây dựng trên các đảo này nhiều cơ sở hạ tầng, hiện nay trong nhóm đảo Nguyệt Thiềm có đông đảo binh lính TQ đồn trú. Bố trí nhiều vũ khí nặng như pháo binh, chiến xa và hỏa tiển. Xây dựng 5 căn cứ quân sự trên các đảo Hoàng Sa, Duy Mộng, Quang Hoà, Vĩnh Lạc và Tri Tôn. 

Đá Bắc (North Reef – Bai Jiao), tọa độ 111o30’ E – 17o06’ N, là bãi đá nằm riêng lẻ phía bắc quần đảo Hoàng Sa, bãi ngầm Đá Bắc dài khoảng 7 dậm, rất nguy hiểm cho tàu thuyền qua lại nơi đây, còn tồn tại dấu vết của một số tàu thuyền bị đắm, có ngọn hải đăng xây dựng trên một cồn cát nhỏ.

Bãi Sa Cừ (Observation Bank – Yinyumen), là một bãi cát ngầm, tọa độ 111o42 E – 16o35’ N. còn có tên là Cồn Quan Sát.

 

15Alhuy --- hoangsa5b

Đảo Duy Mộng (Drumond Island – Jinquin Dao)

Đảo Duy Mộng (Drumond Island – Jinquin Dao), tọa độ 111o44’ E – 16o28’ N, đảo cao 4 m, diện tích khoảng 0,3 km2 (823 m x 366 m), có nước ngọt, nhiều lùm bụi cây thấp là nơi sinh sống cho nhiều loài chim biển, trên bãi cát quanh đảo có nhiều con vít (một loại rùa biển). Có căn cứ hải quân TQ và doanh trại binh lính.

 

15Alhuy --- hoangsa6

Đảo Quang Hoà (Duncan Island – Chenhang Dao)

Đảo Quang Hòa (Duncan Island – Chenhang Dao), tọa độ 111o42’ E – 16o27’ N, cao khỏi mặt nước khoảng 4 m, diện tích khoảng 0,3 km2, là đảo Quang Hòa Đông, một đảo nhỏ nối liền bởi một doi cát là đảo Quang Hòa Tây diện tích nhỏ hơn chỉ bằng 1/10 đảo Quang Hòa Tây. Trên đảo có nước ngọt, trồng nhiều dừa và cây dương xỉ. Ngày nay TQ xây dựng trên đảo căn cứ hải quân gồm âu tàu, bến cảng và nhiều cơ sở hậu cần cho hải quân.

  

Đá Hải Sâm (Antetope Reef – Lingyang Jiao), tọa độ 111o34’ E và 16o28’ N. Bãi đá và cồn cát cao khoảng 2 m, bao phủ các lùm bụi cây thấp. 

 

15Alhuy --- hoangsa7

Bãi cát rộng lớn trên đảo Vĩnh Lạc

Đảo Vĩnh Lạc/Quang Ảnh (Money Island – Jinyin Dao), tọa độ 111o30’ E, 16o27’N. Còn có tên là đảo Quang Ảnh, để ghi nhớ Cai đội Phạm Quang Ảnh đã được vua Gia Long phái ra Hoàng Sa đo đạt thủy trình năm 1815 và ra đi mà không bao giờ trở lại, hiện có đền tưởng niệm tại đảo Cù Lao Ré. Đảo có nhiều chim hải âu, cao khoảng 6 m, diện tích 0,23 km2 (732 m x 320 m). TQ xây dựng doanh trại trên đảo cho binh lính trú đóng.

 

15Alhuy --- hoangsa8

 

Giếng nước trên đảo Cam Tuyền

Đảo Cam Tuyền/Hữu Nhật (Robert Island – Ganquan Dao), tọa độ 111o34’ E, 16o31 N. Còn có tên là Hữu Nhật để ghi nhớ Cai đội Phạm Hữu Nhật đã được vua Minh Mạng cử đi ra Hoàng Sa đo đạt, cắm cột mốc và dựng bia chủ quyền, trồng thêm cây xanh, thu lượm hải vật. Ông bỏ mình ngoài biển khơi trong chuyến công tác sau cùng. Đảo có hình dạng dĩa xôi vun lên cao 8m, chung quanh đảo là bải cát rộng từ 20 m – 50 m, diện tích 0,22 km2 (700 m x 500 m), trên đảo có giếng nước ngọt, gần đây giếng bị cạn vào mùa khô và có vị pha mặn chút ít nhưng cũng có thể dùng được.

 

15Alhuy --- hoangsa9

Đảo Hoàng Sa (Pattle Island – Shanhu Dao)

 

Đảo Hoàng Sa (Pattle Island – Shanhu Dao), tọa độ 111o36’ E – 16o32’ N. Đảo do san hô tạo thành, điểm cao nhất khoảng 9 m, diện tích 0,3 km2 (805 m x 274 m). Đây là đảo quan trọng nhất thời VNCH có bia chủ quyền, đài quan sát, đài khí tượng, trạm chuyển nhận tín hiệu, hải đăng và doanh trại quân đội cho một đại độ lính Địa Phương Quân đồn trú gìn giử đảo, có lúc tăng cường binh lính lên đến 1 tiểu đoàn. Trên đảo có giếng nước ngọt, nhiều dừa, cây dương và lùm bụi cây xanh. Năm 1932 vua Minh Mạng cho xây dựng ngôi chùa nhỏ trên đảo. Năm 1967, VNCH có dự định xây dựng sân bay nhưng kế hoạch không thành. Năm 1974, Tiểu đoàn 8 Công binh Kiến tạo ra Hoàng Sa với nhiệm vụ thiết lập dự án xây dựng cầu tàu.

Chúng ta cần phân biệt đảo Hoàng Sa (Pattle Island) là một đảo trong nhóm Nguyệt Thiềm khác với quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) là toàn thể quần đảo gồm 2 nhóm đảo Tuyên Đức và Nguyệt Thiềm.

Đá Chim Yến (Vuladdore Reef – Yuzhuo Jiao), tọa độ 112o01’ E – 16o20’ N, là bãi ngầm dài khoảng 8 dậm, ngang khoảng 2 dậm, có vài mõm đá nhô lên khỏi mặt nước.

Đá Lồi (Discovery – Huaguang Jiao), tọa độ 111o41’ E – 16o14’ N, là bãi ngầm lớn nhất trong quần đảo Hoàng sa, dài khoảng 15 dậm, ngang khoảng 8 dậm. Có vài mõm đá cao chừng vài feet.

 

15Alhuy --- hoangsa11

Bãi cát trên đảo Bạch Qui (Passu Keah Island – Penshi Yu)

Đảo Bạch Qui (Passu Keah Island – Penshi Yu), tọa độ 111o47’ E – 16o03’ N, diện tích 0,2 km2 (1200m x 200 m).

 

15Alhuy --- hoangsa12

Đảo Tri Tôn (Triton Island – Zhongjian Dao) nhìn từ trên cao

Đảo Tri Tôn (Triton Island – Zhongjian Dao), tọa độ 111o12’ E – 15o47’ N, là đảo nằm gần bờ biển VN nhất, cách Cù Lao Ré khoảng 130 miles, đảo có độ cao rất thấp có nơi chỉ có 3 m so với mặt nước biển nên radar tàu biển chỉ phát hiện khi đến gần khoảng 1 mile, khó nhận ra từ xa. Tháng 6-2001 tình báo Hoa Kỳ cho biết trên đảo Tri Tôn có bố trí pháo binh và dàn hỏa tiển chống hạm HY-2, loại hỏa tiển đối hạm này này có thể đánh chìm chiến hạm 3000 tấn. HY-2 có thông số kỷ thuật dài 7,48 m, đường kính 0,76 m, sãi cánh 2,4 m. Nặng 2998 kg, đầu đạn 513 kg, tốc độ 0,8 Mach, tầm bắm 200 km.

Nhóm Tuyên Đức (Amphitrite Group – Xuande Qundao)

Nhóm đảo Tuyên Đức còn có tên là An Vĩnh, tên Amphitrite là tên chiến hạm của Pháp vào năm 1701 chở các nhà truyền giáo ngang qua vùng biển này để đi đến Trung Hoa. Vùng đá ngầm về hướng cực bắc đang cạn dần nhô lên khỏi mặt nước. Nhóm đảo Tuyên Đức cũng được trồng nhiều dừa, cây tùng, dương xỉ và cây thanh trà (loquat), riêng trên đảo Phú Lâm năm 2000 TQ tuyên bố đã trồng được 90.000 cây dừa. Xây dựng rải rác trong quần đảo những trạm Radar tầm xa, truyền tin, trinh sát (Signals Intelligent), trạm liên lạc với vệ tinh, vũ khí nặng, chiến xa, hỏa tiển phòng không và chống hạm. Trên các đảo trong quần đảo Hoàng Sa có khoảng 1 trung đoàn binh lính TQ đồn trú.

Cồn cát Tây (West Sand - Xi Shazhu), còn gọi là đảo Tây, tọa độ 112o12’ E – 16o58’ N, là cồn cát lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa.

Đảo Cây (Tree Island - Zhaoshu Dao), còn có tên là đảo Cù Mộc, tọa độ 112o16’ E – 16o59’ N, diện tích khoảng 0,12 km2 (400 m x 300 m).

Đảo Bắc (North Island – Pei Tao), tọa độ 112o18’ E – 16o58’ N, diện tích 0,13 km2 (914 m x 137 m).

Đảo Trung hay đảo Giửa (Midle Island – Zhong Dao), tọa độ 112o19’ E – 16o57’ N, diện tích 0.05 km2 (366 m x 137 m).

Đảo Nam (South Island – Nan Dao), tọa độ 112o19’ E – 16o57’ N, diện tích khoảng 0,18 km2 (640 m x 183 m).

Cồn Cát Nam hay Gành Nam (South Sand – Nansha Shou), tọa độ 112o20’ E – 16o56’ N, diện tích khoảng 0,8 km2 (366 m x 229 m).

15Alhuy --- hoangsa13

Đảo Phú Lâm (Woody Island – Yongxing Dao) nhìn từ vệ tinh)

 

15Alhuy --- hoangsa14

TQ xây dựng nhiều hạ tầng cơ sở trên đảo Phú Lâm

Đảo Phú Lâm (Woody Island  - Yongxing Dao), là đảo quang trọng nhất từ khi Trung Cộng chiếm trọn quần đảo Hoàng Sa, tọa độ 112o20’15”  E – 16o50’03” N, cách đảo Hải Nam 162 miles. Diện tích hơn 2,13 km2 (1850 m x 1160 m), không rỏ độ cao nhất của đảo chỉ biết nơi sân bay cao khoảng 14 m. Trên đảo có nhiều bụi rậm, trồng hàng chục ngàn cây dừa, xây dựng nhiều hạ tầng cơ sở, phát triển đảo trở thành thành phố Tam Sa (Xisha) quản trị các đảo trên toàn vùng biển Đông bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Không chỉ phát triển về mặt hành chính mà còn phát triển về kinh tế như xây dựng âu tàu, cảng cá, đưa cư dân ra đảo, cất chợ, lập ngân hàng, bưu điện, trường học, khách sạn, khu nghĩ dưỡng (Resort), đường bay dân dụng, tàu chở khách du lịch (Cruiss) Coconut Princess, .v.v.. Theo thống kê Jun 2014 dân số trên đảo là 1443 người, đều là người TQ.

 

15Alhuy --- hoangsa15

Cruiss Coconut Princess đưa du khách ra Hoàng Sa

 

15Alhuy --- hoangsa16

Cư dân trên các đảo ở Hoàng Sa

 

Đảo Phú Lâm hiện nay là căn cứ quân sự quan trọng nhất của TQ trong vùng biển Đông. Sân bay Hoàng Sa có đường băng dài 2,700 m, rộng 52 m, có thể dùng cho máy bay chiến đấu hạng nặng Su-30MKK và máy bay ném bom H-6. Xây dựng nhiều khu quân sự, kho tồn trử nhiên liệu cung cấp cho tàu chiến và máy bay chiến đấu, là căn cứ tiếp liệu cho hạm đội Nam Hải. Có 3 âu tàu dành cho tàu cá, tàu dân dụng và đặc biệt 1 âu tàu dành cho Hải Quân và lực lượng tàu Hải Giám với bến cảng dành cho tàu chiến có trọng tải lớn lên đến 5000 tấn. Thiết lập đài tiếp vận tín hiệu từ vệ tinh, và các dàn radar tầm xa bao phủ cả vùng biển Đông.

15Alhuy --- hoangsa17

Đảo Đá (Rocky Island – Shi Dao)

Đảo Đá (Rocky Island  - Shi Dao), còn gọi là Hòn Đá, tọa độ 112o21’ E – 16o51’ N, diện tích 0,13 km2 (457 m x 274 m), nơi cao nhất đến 15 m, có cây cầu bằng đất dài khoảng 1/2 mile nối liền đảo Phú Lâm. Hiện nay TQ xây dựng một số cơ sở phục vụ du lịch. Trên đảo có xây dựng đài dò tìm tín hiệu SIGINT (Signals Intelligent) trao đổi giửa các phi cơ và chiến hạm trong vùng biển Đông.

Iltis Bank, tọa độ 112o15’ E – 16o45’ N, bãi san hô ngầm Iltis Bank dài khoảng 3 miles, rộng 1,5 miles.

Bãi Gò Nổi (Dido Bank – Xidu Tan), tọa độ 112o54’ E – 16o49’ N, nằm về hướng đông bắc đảo Linh Côn khoảng 13 miles. 

Đảo Linh Côn (Lincoln Island - Dong Dao), tọa độ 112o44’ E – 16o40’ N, là đảo lớn thứ nhì trong quần đảo Hoàng Sa, diện tích 2,11 km2 (2560 m x 823 m), độ cao 4,5 m, có ngọn hải đăng, giếng nước ngọt, tháp canh và cư dân.

Đá Tháp (Dynamid Rock – Gaojianshi), tọa độ 112o38’ E – 16o34’ N, điểm cao nhất 5 m, nhìn giống như cái Kim Tự Tháp nhỏ.

Bãi Thủy Tề (Neptuna Bank – Baibianang), tọa độ 112o31’ E – 16o30’ N, bãi ngầm dài khoảng 10 miles, ngang khoảng 1 mile.

15Alhuy --- hoangsa18

Bãi Quãng Nghĩa (Jehangire Re ef Bank – Shanhan Tan)

Đá (Bãi) Quảng Nghĩa (Jehangire Reef Bank – Shanhan Tan), tọa độ 112o41’ E – 16o22’ N, bãi ngầm Quảng Nghĩa dài khoảng 6 miles, rộng khoảng 4 miles.

Bãi Châu Nhai (Bremen Bank – Binmei Tan), tọa độ 112o27’ E – 16o20’ N, bãi cạn này dài khoảng 15 miles, rộng 4 miles.

Đá Bông Bay (Bombay Reef – Langhua Jiao), tọa độ 112o32’ E – 16o02’ N, bãi cát hình bầu dục dài khoảng 10 miles, rộng khoảng 3 miles. Trên bãi có đảo nhỏ chừng 190 mẩu bao phủ bằng nhiều bụi rậm, có xây dựng ngọn hải đăng.

Bãi Ốc Tai Voi (Harold Bank – Songtao Tan), tọa độ 112o15’ E – 15o44’ N, là một bãi ngầm cùng vĩ độ với đảo Tri Tôn trong nhóm Nguyệt Thiềm.

Đảo Hoàng Sa là một căn cứ quân sự quan trọng nhất của TQ tại biển Đông, án ngữ cửa ngõ từ Thái Bình Dương đi vào biển Đông, hoặc từ Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca vào biển Đông để đến Đông Bắc Á hay Bắc Mỹ. Từ Hoàng Sa TQ có thể kiểm soát tuyến hàng hải quan trọng nhộn nhịp nhất thế giới, hàng năm có khoảng 50.000 tàu thuyền ngang qua đây. TQ dùng căn cứ hải quân và tàu hải giám ở đảo Phú Lâm để làm bàn đạp lấn chiếm xuống quần đảo Trường Sa ở phía nam.

Phi trường Hoàng Sa có thể dùng cho các chiến đấu cơ hạng nặng và máy bay ném bom H-6, từ đó áp lực quân sự của TQ tăng lên đáng kể đối với Việt Nam và Philippine.

 

 15Alhuy --- hoangsa19

Bản đồ 9 đoạn +1 áp đặt chủ quyền hơn 80% biển Đông của TQ

TQ chủ trương thành lập thành phố Tam Sa để quản lý toàn vùng biển Đông bao gồm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhằm mục đích độc quyền thâu tóm nguồn tài phong phú về hải sản cũng như dầu khí trong vùng biển Đông. Và cũng dựa vào yếu tố thành phố Tam Sa là một thực thể có nền kinh tế riêng để đòi hỏi chủ quyền biển chung quanh quần đảo ra xa 200 miles một khi có cuộc họp phân định chủ quyền trên biển giửa các quốc gia đang tranh chấp tại biên Đông, đồng thời củng cố cho tuyên bố chủ quyền trên 80% diện tích biển Đông theo đường 9 đoạn, cuối năm 2014 TQ bổ túc thêm 1 đoạn nữa gần đảo Đài Loan thành 10 đoạn.

Trong phạm vi bài viết, chúng tôi chỉ nêu lên vài nét thực trạng tại quần đảo Hoàng Sa hiện đang bị TQ chiếm đóng, còn việc phản ứng như thế nào của VN và các quốc gia có tranh chấp chủ quyền biển đảo với TQ xin được trình bài trong một bài viết khác.

Lê Hữu Uy

(Tài liệu tổng hợp, hình ảnh từ Google – Arizona, Feb 04-2015)