"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do "

** Phan Bội Châu **

 

Thơ Phan Huy Ích Viết Dưới Triều Vua Quang Trung

 

            Dụ Am Ngâm Lục của Phan Huy Ích, sách III Dật Thi Lược Toản viết từ năm 1791 đến 1796. Những bài thơ làm dưới thời vua Quang Trung, Thật là quý báu những bài thơ nói lên tấm lòng bao dung độ lượng vua Quang Trung, khi đi sứ Phan Huy Ích về nghe tin em ruột là Hữu Chấn nổi lên chống Tây Sơn, đã bị bắt giết lòng lo sợ, dâng biểu xin tạ tội, nhưng vua Quang Trung xuống chiếu ôn tồn khuyên bảo, khi vào chầu vua Quang Trung ân cần xoá bỏ những nghi ngờ. Bài thơ nhận được chiếu chỉ vua lên đường vào Phú Xuân, chia tay khi vợ đau nặng, đi mươi ngày thì bưu trạm chuyển tin vợ mất, tình nhà, việc nước ngỗn ngang. Và thật quý báu, bài thơ viết khi vua Quang Trung băng hà.

            Những bài thơ ca tụng hay nói về triều đại Tây Sơn bị xem là quốc cấm suốt 143 năm triều Nguyễn (1802-1945), chúng ta chỉ biết về chiến công oanh liệt của vua Quang Trung đại thắng quân Thanh và bài thơ Tụng Tây Hồ Phú của Nguyễn Huy Lượng. Thời đại Tây Sơn có nhiều Thi tướng xuất sắc làm vẻ vang dân tộc trên trận tuyến ngoại giao, đi sứ, thơ viết bên cạnh vua Quang Trung.. bị lãng quên vì thi ca viết bằng chữ Hán, mà ngày nay con cháu chỉ đọc qua những bản dịch nghĩa ngô nghê như thơ nước ngoài. Trong bài viết này tôi xin dịch thơ, những bài thơ quý giá trong kho tàng thơ chữ Hán Việt Nam về triều đại Tây Sơn.

1.         Mùa thu nhận chiếu chỉ Vua Quang Trung ban cho dạy bảo Tiết Chế Công Nguyễn Quang Thùy, nhận được mệnh vua làm thơ. Nguyên dẫn viết : «  Bấy giờ tôi bị đau chân chưa khỏi, đang ngụ ở phố Cửa Nam để chữa bệnh, thì nhận được chiếu chỉ nhà vua, nghiêm túc cần mẫn giảng Kinh Xuân Thu để giúp con vua hiểu rõ danh phận. Tôi cố gắng tuân theo. Tiết Chế Công làm nhà cho tôi ở trong thành, lại còn tặng cho tôi gậy song để chống khi vào giảng.”

            Bài thơ viết : Một mình một nhà, thong thả như một người khách. Dạy dỗ Vương tử Nguyễn Quang Thùy, tự thẹn mình chưa xứng bậc sư thần. Há đâu câu nệ vì Nam, Bắc có nhiều ý khác nhau. Cần phải biết rằng Kinh Xuân Thu do Khổng Tử soạn ra chứa đủ luân thường lớn. Tuổi chưa già mà đã được ban gậy chống. Thường được ở nơi tỉnh lặng xa nơi bụi bặm. Mừng thấy vương tử nhân hậu, có thiên tư anh tuấn hơn người. Chữ “chân lân” trong bài thơ Lân chi chỉ, thiên Chu nam, Kinh Thi có câu: Lân chi chỉ, chấn chấn công tử, nghĩa là: Chân của con lân ví như người công tử hiền hậu, chỉ con vua nhà Chu, ở đây mượn từ này để chỉ con vua Quang Trung. Kính cẩn vâng mệnh, cần mẫn nghiêm túc để xứng với lời chiếu ân cần dạy bảo.

MÙA THU NHẬN CHIẾU CHỈ VUA BAN

CHO DẠY BẢO TIẾT CHẾ CÔNG,

NHẬN ĐƯỢC MỆNH VUA LÀM THƠ

Thong thả nhà riêng như lữ khách,

Dạy cho vương tử, thẹn sư thần,

Há đâu Nam Bắc bao nhiêu ý,

Cần biết Xuân Thu đủ đạo luân.

Chưa tuổi già vua ban gậy chống,

Thường nơi tỉnh lặng cách phong trần.

Thấy mừng vương tử người anh tuấn,

Kính cẩn chuyên cần xứng chiếu ban.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt :

THI PHỤNG CHIẾU BAN GIÁO ĐẠO

TIẾT CHẾ CÔNG ĐẮC MỆNH NGẪU THUẬT

Triển để thê trì nhất lữ nhân,

Phiên cung khải dịch thiểm sư thần.

Khởi câu Nam Bắc đa thù chỉ,

Tu thức Xuân Thu cụ đại luân.

Tuế vị bàng kỷ thao tích trượng,

Cư thường thanh tịch bỉnh tri trần.

Chấn lân hảo khản anh tư mại,

Lẫm phụng cần nghiêm phó sủng luân.

2.

            Đầu Đông 1791, vua Quang Trung ban cho Phan Huy Ích tước danh Dực Vận Công Thần (Bề tôi có công giúp nước) Ngô Thì Nhậm được tước phong Tinh Phái Hầu, Vũ Huy Tấn tước phong Hạo Trạch Hầu, Vũ Văn Dũng tước phong Dũng Lược Hầu, con cháu được dự vào hàng con cháu công thần, truyền vào hầu ở Đông Cung học tập cùng thái tử. Phan Huy Ích cho con trưởng là Phan Huy Quýnh vào hầu, đầu tháng chạp theo cậu là Hi Doãn Công (Ngô Thì Nhậm) lên đường, ông làm thơ tiễn con.

            Bài thơ viết dặn con : Bắt đầu sửa sang áo mũ vào chầu bệ ngọc. Thỏa chí tang bồng không thẹn bậc tài trai. Lúc cư xử đứng đi cần thận trọng. Khi vào hầu ứng đối phải ung dung. Dự hàng huân quí (con cháu những người có công làm quan to), cố sao đền đáp ơn mới vua ban xuống. Nối giõi thư hương, càng gắng giữ nếp cũ trong sạch của nhà xưa. Ngày về chiếu ngồi người con có hiếu, hẵn sẽ đượm nhiều vẻ xuân ấm áp. Chuyện ấp lạnh quạt nồng, lo cho cha mẹ, con đừng quá câu nệ lo xa. Theo đạo hiếu ngày xưa, người con đối với cha mẹ khi mùa hè phải quạt cho cha mẹ mát, mùa đông phải dâng áo bông, ủ cho cha mẹ ấm.

ĐẦU ĐÔNG NHẬN CHIẾU CHỈ VUA BAN

DANH HIỆU DỰC VẬN CÔNG THẦN

Áo xiêm sửa soạn bệ vua chầu,

Thỏa chí tài trai bậc công hầu

Đi đứng xử cư cần thận trọng,

Ung dung ứng đối mỗi khi chầu.

Dự hàng huân quý ơn vua xuống,

Nối giỏi thư hương giữ nếp sâu.

Ngày về con hiếu xuân quang đượm,

Ấp lạnh quạt nồng chớ quá câu.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt :

SƠ ĐÔNG, PHỤNG CHỈ TỰ

DỰC VẬN CÔNG THẦN

Sơ chỉnh y quan cận ngọc trì,

Tang bồng bất thiểm tác nam nhi.

Hưng cư thận trọng tuyền chinh xứ,

Ứng đối ung dung tiến kiến thì.

Huân khoán hảo thù tân sủng ốc.

Thư hương vưu miễn cựu thanh qui.

Quy lai ban tịch xuân quan noãn,

Ôn sảnh khu khu mạc viễn tư.

3. Nguyên dẫn : Tôi nhiều lần nhận được chiếu chỉ nhà vua giục vào chầu nên không dám trì hoãn. Lên đường vào ngày mùng 6 tháng 4, lúc đó bệnh của nhà tôi chuyển sang nguy kịch, tôi dặn riêng người nhà sắp sẵn đồ tang lễ, vả lại gần đến ngày kỵ của phụ thân tôi, nhưng đành dứt tình ra đi, trong lòng ngỗn ngang trăm mối buồn rầu khôn xiết.

Bài thơ viết : Tiễn lá cờ đi trên dãi núi sông xa tít. Cảnh lữ thứ trêu người là bước đường ngoặt này đây. Việc cúng tế đến nơi rồi nhớ thương vô hạn. Tình khuê phòng khi tiễn biệt đau nỗi xa nhau. Giải mũ trần ai chỉ làm lụy ̀ấm thân trôi nổi. Trên căn gác thơm khó ngăn dòng lệ biệt ly. Tình lưu luyến thực mang nhiều ý nguyện. Mong nhận được điều tốt lành khi có tin báo tới.

ĐẦU MÙA HẠ PHỤNG MỆNH VÀO NAM

LÚC LÊN ĐƯỜNG GHI LẠI NỖI BUỒN (1792)

Non sông cờ tiễn bước chinh huy,

Lữ thứ trêu người bước ngoặc đây.

Cúng giỗ đến nơi lòng nhớ bận,

Tình khuê tiễn biệt nỗi chia tay.

Trần ai giải mũ thân trôi nỗi,

Hương gác không ngăn lệ biệt ly.

Lưu luyến lòng mang nhiều ước nguyện,

Tin lành mong nhận được từng khi.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt :

SƠ HẠ PHỤNG TRIỆU NAM HÀNH

ĐĂNG TRÌNH KÝ MUỘN

Giang sơn thiều đệ tống chinh huy,

Lữ huống liêu nhân thử lộ kỳ.

Miếu sự giới thần hoài võng cực,

Khuê tình lâm tiễn thông tương ly.

Trần anh chí tác phù nhân lụy,

Hương các nan cầm lệ biệt ly.

Lưu luyến thưp̣c đa ngung đảo ý,

Cát khang do ký báo âm thì.

Chú Thích:

Hoài võng cực : Nhớ thương vô hạn. Thơ Lục Nga trong Kinh Thi: nói đến ơn đức cao sâu của cha mẹ co câu : “ Dục báo chi đức hiệu thiên võng cực.” Muốn đền đáp cái đức ấy như trời cao không biết thế nào cho cùng. Đây nói đến sự thương nhớ ngày giổ cha.

Hương các : gác thơm từ để chỉ vẻ người phụ nữ tôn quý. Ở đây tác giả dùng để chỉ phu nhân Ngô thị Thục, vợ của mình.

4. Đầu mùa đông năm Tân Hợi (1791) người em út của Phan Huy Ích là Hữu Chấn khởi sự chống Tây Sơn nhưng không thành, trốn thoát vào rừng. Mùa hè năm Quý Sửu quan trấn thủ Nghệ An lùng bắt được hành hình. Thi thể đưa về chôn ở khu dinh cũ ở Nghệ An.

Nguyên dẫn bài thơ viết : Vừa qua tôi có em mắc tội, lòng nơm nớp lo sợ. Khi ở Bắc Thành dâng biểu trần tình tạ tội, nhận được chiếu truyền : “Tính người ta thiện ác khác nhau, cha còn chả được vừa lòng với con, huống chi anh với em, việc đã không dính líu đến, thì còn có hiềm nghi gì.” và cho vào kinh triều kiến. Khi vào chầu lại được tới trước mặt căn dặn ân cần, bấy giờ tôi mới dám cởi mở tâu bầy. Ở triều về, kính ghi bài này.

            Bài thơ viết: Gia đình sao sinh nhiều việc ? Tình cảnh muốn yên không xong. Phận làm tôi đã có dấu vết, Đấng sáng suốt (vua Quang Trung) lại ban chiếu thư. Khi tới lui càng thấy sợ hãi. Lời an ủi lại ôn tồn. Cảm kích tác thành xin giải hết. Trong mơ văng vẳng nhạc quân thiều cung đình, điệu nhạc tấu khúc thái bình.

VÀO CHẦU XONG GHI VIỆC

Gia môn nhiều sự việc,

Tình cảnh sống không yên.

Phận làm tôi dấu vết,

Ơn trên chiếu ban truyền.

Đi lại lòng lo sợ,

Lời an ủi ôn tồn,

Cảm kích lòng giải hết,

Trong mơ nhạc thanh bình.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt :

TIẾN KINH TRIỀU YẾT NGẬT KÝ SỰ

Gia môn hà nhạ sự,

Phong cảnh phất ninh cư,

Thần phận tồn hình tích,

Uyên thông dữ chiếu thư.

Xu thương vưu dịch nhược,

Úy tụ cánh ôn như.

Cảm kích đàn trung tố,

Quân thiều mộng my dư.

5.         Giữa mùa hạ được tin vợ mất ghi lại nỗi buồn, Bài thơ viết : Áo mũ lên đường trịnh trọng trước giờ tiễn biệt. Tiếc ngọc thương hương buồn chia ly da diết. Nơi trường đình đêm đêm mơ về chốn buồng the. Vẫn cùng ai hàn huyên dưới ánh đèn khuya như trước. Có ngờ đâu chia tay chỉ mới mươi ngày. Dùng dằng chén rượu tiễn đưa, lại thành ra vĩnh biệt. Tin dữ từ xa bưu trạm chuyển tới. Vừa mở thư xem đã nghẹn ngào khôn xiết. “ Từ thuở chàng đi thiếp tiều tụy dung nhan. Biếng thuốc nhác ăn vẻ vui tươi đều hết.” Tựa gối sụt sùi vừa mới thấy mặt con, lịm dần rồi thác, nợ trần dứt. Người nhà kinh hoàng đau xót khóc than. Huynh trưởng đến dự lễ tang giúp lo toan mọi việc. Vương phủ cho mang nhiều gấm nhiều tiền. Tạm quàn nghi thức đúng như lễ tiết. Than ôi ! kết tóc hăm tám năm trời. Mà nay mãi mãi xa nhau. Kẻ Tần người Việt. Rầu rầu trông đất Bắc nước mắt đẫm áo. Ai oán cuốc kêu quán trọ giục giã trăng đêm.Tình kẻ xa nhà, xót thương chưa biết bao giờ về bày tỏ được. Ở ngoài nghìn dậm kẻ goá vợ mãi thắt từng khúc ruột.

GIỮA MÙA HẠ ĐƯỢC TIN VỢ MẤT GHI NỖI ĐAU BUỒN

Trịnh trọng y trang tiễn biệt ly,

Thương hương tiếc ngọc buồn chia tay

Trường đình đêm mộng khuê phòng nhớ,

Như vẫn đèn khuya tâm sự đầy.

Nào có ngờ đâu chỉ mươi ngày

Tiễn đưa thành vĩnh biệt từ đây,

Tin dữ từ xa bưu trạm tới,

Mở xen thư xiết nghẹn ngào thay.

“Từ thuở chàng đi thiếp vỏ vàng

Biếng ăn, biếng thuốc héo dung nhan.”

Vừa thấy mặt con sùi sựt gối,

Lịm dần rồi thác dứt trần duyên.

Kinh hoảng người nhà đau khóc vang.

Lễ tang huynh trưởng giúp lo toan,

Vương phủ cho mang tiền gấm tặng.

Lễ tiết thức nghi đúng tạm quàn.

Than ôi hăm tám năm kết tóc,

Mà nay mãi mãi phải xa nhau.

Kẻ Tần người Việt,

Đất Bắc buồn trông đẩm lệ đào.

Ai oán cuốc kêu trăng giục giã,

Tình kẻ xa nhà ai tỏ cho,

Kẻ goá vợ dặm ngàn đau thắt ruột.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt :

HẠ TRUNG TIẾP BÁO KHUÊ VI HUNG TÂN

AI CẢM KÝ THỰC

(Thất ngôn cổ phong thập nhị vận)

Chỉnh trang trịnh trọng tiễn lâm biệt,

Tích ngọc liên hương khuê tứ thiết.

Trường đình dạ dạ mộng bình vi,

Y cựu hàn huyên đăng hạ thuyết.

Cư ý phân huề tuần nhật gian.

Khiến quyển ly tôn thành vĩnh quyết.

Hung tấn giao bằng bưu dịch lai.

Phi hàm nhất lãm trường ô yết.

“Tòng lang khứ hậu đợi tiêu dung,

Thang thiện hy sơ quang thái yết.”

Chi chẩm hi hư tái kiến nhi.

Yên nhiên quy hóa trần căn tuyệt.

Gia nhân kinh thống tương tụ hào,

Huynh trưởng lâm tang vị bài thiết.

Phiên cung hậu tống cầm dữ tiên.

Quyền thần nghi văn tuần lễ tiết.

Ta tai kết phát trấp bát niên.

Trường kế khoát,

Tương Tần Việt.

Du du Bắc vọng lệ chiêm y,

Lữ điếm đề quyên thôi dạ nguyệt.

Cơ tình bôn phó vị tri kỳ,

Thiên lý quán phu trường uất kết.

5. MÙA THU PHỤNG QUỐC TANG CẢM THUẬT

Trung tuần tháng 6 tôi được thăng chức Nội Các Thị trung ngự sử. Ngày 10 tháng ̃7 thì vua Quang Trung về chầu trời.(1792)

Phan Huy Ích viết bài thơ ghi nỗi lòng mình : Điềm chiêm bao nấu cơm bằng cối (góa vợ) chưa hết nỗi đau thương. Thổi cơm bằng cối dịch chữ “Xuy cửu” Sách Dậu dương tạp trở chép : Trương Chiêm có lần đi xa sắp về, chiêm bao thấy mình thổi cơm bằng cối. Có người giải mộng ; phải thổi cơm bằng cối vì không có nồi. Nồi là “phũ” đồng âm với “phụ” là vợ, không nồi là vô phụ, không có vợ, quả nhiên khi Trương về đến nhà thì vợ đã qua đời. Trong bài nói bà Ngô Thị vợ tác giả qua đời nay vua Quang Trung băng hà. Cảm xúc vì chiếc cung để lại, từ nay mất dịp theo hầu. Chiếc cung để lại dịch chữ “di cung” trong thơ, Sử Ký (Tư Mã Thiên) chép : Hoàng Đế đúc đỉnh ở Kinh Sơn (Đỉnh Hồ) tu đắc đạo thành tiên rồi cưởi rồng bay lên trời, để lại chiếc cung, bầy tôi ôm cung gào khóc. Người ta thường dùng chữ “di cung” để chỉ việc vua băng hà. Việc nước tình nhà nhiều điều bối rối. Đêm trăng gió sớm riêng nỗi bùi ngùi. Cõi trần như bọt nước, như bóng sáng phù sinh huyển ảo. Góc biển lênh đênh như cánh bèo, như cỏ bồng, giấc mộng lữ khách giục giã. Gặp cảnh ngặt nghèo riêng thẹn xa cách tình nghĩa. Gót chân cô đơn muốn trở về núi cũ. Như chim hồng tung cánh mới được dự lên bí các. Phan Huy Ích mới được thăng chức Ngự sử Nội Các, chức vụ nàn luận can gián vua. Rồng đã bay đi, lòng sao kham nỗi khi trông ngóng Đỉnh Hồ. Tích Hoàng Đế, vị vua thời huyền sử Trung Quốc, đúc đỉnh rồi đắc đạo cưởi rồng bay đi. Duyên may gặp gỡ khó có một lần nữa. Từ nay ở quê người thần như chiếc nhạn lẻ bầy.

Uyên ương lìa cánh hãy còn đau,

Nay lại Rồng đi mất dịp chầu.

Việc nước tình nhà thêm bối rối.

Đêm trăng sớm gió chạnh lòng sầu.

Cõi trần bọt nước đời hư ảo,

Góc bể bèo trôi giấc mộng đâu.

Cảnh ngộ ngặt nghèo tình nghĩa cách,

Cô đơn muốn trở gót từ lâu.

Hồng bay tung cánh lên hoàng các,

Rồng vắng lòng đau ngóng Đỉnh Hồ.

Duyên may gặp gỡ không lần nữa,

Quê người thần chiếc nhạn đơn cô.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt :

THU PHỤNG QUỐC TANG CẢM THUẬT

Mộng thành suy cữu vị thi ai,

Cảm trọng di cung thất phụng bồi.

Quốc kế gia tình đa củ kết,

Phong thần nguyệt tịch độc bồi hồi.

Trần hoàn bào ảnh phù sinh huyển,

Hải diện bình bồng lữ mộng thôi.

Sắc ngộ tự tàm khuê phân nghị,

Cô tung yếu hướng cố sơn lai.

Hồng thiên thủy dự đăng luân các,

Long khứ hà kham vọng Đỉnh Hồ.

Tao tế cơ duyên nan tái đắc,

Tùng kim cơ lữ nhạn thần cô.

Paris 23-1-2020

Phạm Trọng Chánh

CHÚ THÍCH

Xin xem loạt bài Thi ca dưới triều Vua Quang Trung, dịch thơ chữ Hán thơ Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Nể, Đoàn Nguyễn Tuấn, Ninh Tốn, Vũ Huy Tấn..

Phan Huy Ích: Tinh Sà Kỷ Hành, Cúc Thu Bách Vịnh.. Ngô Thì Nhậm : Hoàng Hoa Đồ Phả. Đoàn Nguyễn Tuấn: Yên Đài Thu Vịnh, Cảnh đẹp thành Thăng Long.. trên các site: Chimvietcanhnam, tapchivănhoanghean, nghiêncuulichsư, diendantheky, khoahocnet…

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Phan Huy Ích. Dụ Am Ngâm Lục Nxb Khoa Học Xã Hội. Hà Nội 1978