"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do "

** Phan Bội Châu **

 

Nguyễn-Bính—Nhà-Thơ Tôi Ngưỡng-Mộ

Knb-1hi tôi còn nhỏ, thỉnh-thoảng mẹ tôi cao-hứng lại đọc thơ cho tôi nghe. Khi thì thơ của T.T.Kh. (mẹ tôi gọi là Trần-thị-Khánh), khi thì của Tchya (Bút-hiệu của Đái-Đức-Tuấn, mẹ tôi cho là Tôi Chẳng Hề Yêu Ai), khi thì của J. Leiba (Bút-hiệu của Lê-Văn-Bái), khi thì của Vân-Khanh (?), và lẽ dĩ-nhiên, có cả thơ của Nguyễn-Bính nữa. Mẹ tôi có biệt-tài nhớ vanh-vách thơ của hầu hết các tác-giả trên, dù không ghi chép, vẫn không sai một chữ. Tôi thì không. Tôi không tài nào nhớ nổi thơ của các tác-giả này, dù chỉ một, hai câu. Mẹ tôi đọc, còn tôi chép thơ của các tác-giả này đầy cuốn vở học-trò. Nhờ đó, tôi được “làm quen” với Thế-Lữ (Bút-hiệu của Nguyễn-Thứ-Lễ), Khái-Hưng (Bút-hiệu của Trần-Khánh-Giư), Nhất-Linh (Bút-hiệu của Nguyễn-Tường-Tam), Lê-Văn-Trương, Nguyễn-Bính… và cả Tiểu-Thuyết Thứ Bẩy nữa. Tôi biết có Nguyễn-Bính trên thi-đàn nhưng giữa ông và tôi xa-vời quá, như có một hàng rào vô-hình chặn ngang. Tuổi trẻ ham-chơi. Tôi thích chạy nhẩy, thích trái bóng hơn là văn-chương, thi-ca. Chỉ họa-hoằn hay bị bắt-buộc lắm, tôi mới chịu nghe mẹ đọc thơ Nguyễn-Bính, dù thơ của ông rất hay. Rồi thơ Nguyễn-Bính “ngấm” vào tôi lúc nào không hay. Tôi “mê’ thơ ông như ông mê thuốc lào (đoán thế). Vậy thôi. Thơ Nguyễn-Bính đã đi theo tôi gần suốt cuộc-đời này. Tôi tự hứa sẽ viết “điều gì đó” về ông khi tôi khôn-lớn, nhưng tôi đã thất-hứa nhiều lần (ít nhất là với tôi) vì nhiều lý-do, trong đó có lý-do lười-biếng và cơm áo.

Ngày nay, nói đến Nguyễn-Bính cũng như nói đến Trịnh-Công-Sơn một thời. Có thể về mặt này mặt khác, người ta không thích nói tới Nguyễn-Bính.Tôi ghét dựa vào những nhân-vật này và quan-điểm chính-trị của họ để đánh bóng mình (vì không có gì để đánh bóng) và, vì vậy, khi nói về Nguyễn-Bính, là nói về một Nhà-Thơ tôi ngưỡng-mộ ngay từ khi còn nhỏ. Chỉ có thế thôi.

Nếu Nguyễn-Bính còn sống sau năm 1972, ông và tôi gặp-gỡ, có thể đã nổ súng vào nhau. Bây giờ, ông đã nằm xuống; còn tôi trên đầu đã hai thứ tóc, tôi vẫn còn yêu thơ ông.

I. Tiểu-sử:

Nguyễn-Bính tên thật là Nguyễn-Trọng-Bính. Ông sinh năm 1918 tại xã Đồng-Đội (nay là xã Cộng-Hòa), huyện Vũ-Bản, tỉnh Nam-Định, qua đời vào ngày 29 Tết Bính-Ngọ 1966. Cha là Nguyễn-Đạo-Bình, là nhà nb - 2nho, mẹ là bà Bùi-Thị-Miện, con gái một gia-đình khá-giả. Ông bà sinh được ba người con trai là Nguyễn-Mạnh-Phác (tên thật của nhà viết kịch Trúc-Đường 1911-1983), Nguyễn-Ngọc-Thụ và con út là Nguyễn-Bính.

Bà Miện mất năm 24 tuổi (1918), để lại ba đứa con thơ, khi đó Nguyễn-Bính mới được ba tháng....Mấy năm sau, cha ông tục-huyền với bà Phạm-Thị-Duyên. Bà này sinh được bốn người con: hai trai, hai gái. 

Nhà Tưỏng-Niệm Nguyễn-Bính ở Nam-Định 

Bà cả Giần (bác ruột của Nguyễn-Bính), cùng ông Bùi-Trình-Khiêm (cậu ruột của Nguyễn-Bính, và là cha của nhà-văn Bùi-Hạnh-Cẩn), đón cả ba anh em Nguyễn-Bính về nuôi, cho ăn học. Nguyễn-Bính phát-triển thiên-khiếu. Ông biết làm thơ ngay từ nhỏ, được cậu Khiêm khen hay và chiều-chuộng hết mực.

II.  Sự-Nghiệp Và Cuộc-Đời:

Trong cuộc thi hát trống-quân đầu Xuân ở hội làng năm 1931, Nguyễn-Bính được giải-thưởng hạng nhất. Bài thơ đó đánh dấu thành-công đầu tiên của Nguyễn-Bính, năm mới 13 tuổi. Hãy đọc bài thơ của “cậu bé Nguyễn-Bính”:                 

...Anh đố em này:
        Làng ta chưa vợ mấy nguời
       Chưa chồng mấy ả, hỏi thời biết không?
      Đố ai đi khắp Tây Đông
                     Làm sao kiếm nổi tấm chồng như chúng anh đây?
       Làm sao như rượu mới say?
       Như giăng mới moc, như cây mới trồng?
        Làm sao như vợ như chồng?
        Làm sao cho thỏa má hồng răng đen?
     Làm sao cho tỏ hơi đèn?
       Làm sao cho bút gần nghiên suốt đời?
          Làm sao? anh khen em tài?
            Làm sao? em đáp một lời làm sao...?

Đọc bài thơ trên, ta thấy Nguyễn-Bính đã là một “người lớn”. Chỉ “người lớn” mới có những ý-tưởng như vậy, còn trẻ con vào tuổi ông chỉ biết trái banh, chạy nhẩy. Ông thật-sự là một “thần-đồng hay thiên-tài” lúc đó.

Ông anh Trúc-Đường đỗ Thành-Trung (Cấp 2 hiện nay) ở Hà-Nội, rồi dậy học ở Hà-Đông. Ông dậy cho Nguyễn-Bính những bài thơ tiếng Pháp, vì vậy Nguyễn-Bính đã gắn-bó với Trúc-Đường hơn cả.

Đến năm 1932 (hay 33) Nguyễn-Bính lên Đồng-Hỷ, Thái-Nguyên dạy học.

Năm 1937 Nguyễn-Bính gửi tập thơ Tâm-Hồn Tôi (Xuất bàn năm 1940) tới Nhóm Tự-Lực Văn-Đoàn dự-thi và được giải khuyến-khích.

Họa-Sĩ Nguyệt-Hồ nhớ lại: "Tôi quen Nguyễn-Bính từ khi anh chưa có tiếng-tăm gì, ngày ngày ôm tập thơ đến làm quen với các tòa-soạn báo. Tôi thích thơ anh và đã giới-thiệu anh với Lê-Tràng-Kiều, chủ-bút Tiểu-thuyết Thứ Năm, đã đăng bài Cô Hái Mơ, bài thơ đầu-tiên của anh đăng báo. Tôi khuyên anh gửi thơ dự-thi, và anh đã chiếm giải-thưởng của Tự-Lực Văn-Đoàn... Chúng tôi thân nhau từ đó, khoảng 1936-1940, quãng đầu-đời thơ của anh..."

Có giai-thoại về bài thơ Lỡ Bước Sang Ngang (Xuất-bản năm 1940). Nguyễn-Bính làm một bài thơ Lục-Bát dài 110 câu để đánh-dấu 110 ngày anh (Trúc-Đường) và chị (Lê-Thị-N. Th.) yêu nhau nhưng không thành. 

 ...Chuyến này chị bước sang ngang
                                    Là tan vỡ giấc mộng vàng từ đây...                                 

Đêm qua mưa gió đầy trời,
Trong hồn chị có một người đi qua
 Em về thương lấy mẹ già,
Đừng mong ngóng chị nữa mà uổng công.
Chị giờ sống cũng bằng không,
Coi như chị đã sang sông đắm đò…

Có thể nói Nguyễn-Bính là một Nhà Thơ “Lang-Thang”. Ngay từ năm 1939-40, ông đã thích “đi đó đi đây”, không ở yên một chỗ. Khi ông ở miền Bắc, khi miền Trung, miền Nam; có khi ông sang tới Campuchia, Ai-Lao. Ông thay-đổi chỗ ở luôn. Hãy nghe ông tâm-sự:

          Quán trọ nhà thơ như chiêm bao
      Khi thì Chợ Quán, khi Đa Kao
            Hiện nay sống tạm bên Cầu Muối
        Chưa biết mai đây ở chốn nào.

Ở miền Bắc, năm 1951 Nguyễn-Bính lập gia-đình với bà Nguyễn-Lục-Hà (tức là bà Nguyễn-Hồng-Châu), sinh Nguyễn Bính Hồng-Cầu.

        1. Ở Miền Bắc (1940-1941):

Từ năm 1940, Nguyễn-Bính bắt đầu nổi-tiếng với những bài thơ trong Lỡ Bước Sang Ngang(Tập Thơ đầu-tay của ông).Đề-tài thơ của ông rất phong-phú, nhất là thơ tình. Cũng trong năm này, Trúc-Đường chuyển ra Hà-Nội. Nguyễn-Bính tỏ ý muốn đi Huế tìm đề tài sáng-tác và được Trúc-Đường đồng-ý.

       2. Vào Miền Trung (1942-1943):

Vào Huế Nguyễn-Bính gửi thơ ra cho Trúc-Đường đọc trước, rồi đăng báo sau. Cuối năm 1941, đầu năm 1942, Trúc-Đường đã nhận được nhiều thơ của Nguyễn-Bính. Sau đó, Nguyễn-Bính lại trở về Hà-Nội.

Năm 1942, bài thơ đầu-tiên của ông được đăng-báo là bài Cô Hái Mơ.

Những vần thơ như:

             Thơ thẩn đường chiều một khách thơ,
             Say nhìn xa rặng núi xanh lơ…
             Khi trời lặng lẽ và trong trẻo.
             Thấp thoáng rừng mơ, cô hái mơ!
            Hỡi cô con gái hái mơ già
           Cô chửa về ư? Đường thì xa
            Mà cái thoi ngày như sắp tắt
                                     Hay cô ở lại về cùng ta?                         
              Nhà ta ở dưới gốc cây dương 
                Cách động Hương Sơn nửa dặm đường
                Có suối nước trong tuôn róc rách
                Có hoa bên suối ngát đưa hương
              Cô hái mơ ơi!
             Chả giả lời nhau lấy một lời
              Cứ lặng rồi đi, rồi khuất bóng
                Rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi...


Bài thơ này đã được Phạm-Duy phổ nhạc (và cũng là sáng-tác đầu tay của P.D). Bản nhạc lập-tức nổi-tiếng.

      3. Vào Miền Nam (1950-1954):

Năm 1952, Nguyễn-Bính ở trong Nam lập gia-đình với bà Mai-Thị-Mới, ở ấp Hương-Mai, xã Khánh-Lâm, huyện U-Minh và sinh Nguyễn-Hương-Mai.

Sau này Nguyễn-Bính đã gặp nhà thơ Đông-Hồ, Kiên-Giang. Có lúc ông cư-ngụ trong nhà Kiên-Giang. Đó là thời ông viết những bài Hành Phương Nam, Tặng Kiên-Giang, Từ Độ Về Đây, Gửi Người Vợ Miền Nam (Xuất bản năm 1955)...

Trong thời-gian này, máy bay rải truyền-đơn kêu-gọi đích-danh tác-giả Lỡ Bước Sang Ngang – Nguyễn-Bính quay về với chính-phủ Pháp “sẽ được trọng-đãi".

Thủ-tướng Nguyễn-Văn-Thịnh có treo giải: Ai đưa được nhà thơ Nguyễn-Bính về theo chính-phủ "Nam-Kỳ tự-trị" sẽ được thưởng 1.000 đồng Đông-Dương. Nếu nhà thơ tự vào thành cũng được hưởng như thế (1.000 đồng Đông-Dương hồi đó rất lớn). Nhiều thi-sĩ là bạn Nguyễn-Bính viết thư mời ông vào. Hồi đó ông đang lang-thang ở Rạch-Giá, ngày ăn nhờ một người bạn, đêm ngủ ở đình, vì vậy có nhiều người tưởng ông đã về với Chính-Phủ Nam-Kỳ. Trong một bài thơ, ông đã khẳng-định:

       Mình không bỏ Sở sang Tề
              Mình không là kẻ lỗi thề thì thôi.

Thực ra, Nguyễn-Bính đã gia-nhập Vệ Quốc Đoàn rồi.Tôi còn được dặn phải "đối-đãi đàng-hoàng và chăm-sóc chu-đáo tác-giả Lỡ Bước Sang Ngang (Bảo-Định-Giang).

      4. Lại Trở Ra Miền Bắc (1954-1966):

Năm 1954, Nguyễn-Bính ra Bắc ở tuổi 36, nhưng không về Nam-Hà (Hà-Nam, Nam-Định và Ninh-Bình) ngay.

Lúc Nguyễn-Bính "về Nam-Hà, tuổi gần năm mươi (đoán là năm 1964), gầy, đen, tóc cắt ngắn gần như trọc. Anh ăn mặc thật giản-dị: một sơ mi nâu, một quần ka ki bạc màu, và đôi dép cao-su. Toàn bộ hình-thức ấy không gợi một vẻ gì một nhà thơ lớn trước-sau này người ta gọi là "thi nhân tiền chiến". Anh cười, đôi mắt nâu, sắc sảo, ánh hơi lạnh, và nụ cười khô, hàm răng ám khói thuốc lào (Chu-Văn).

Ông làm việc tại Nhà Xuất-Bản Văn-Nghệ. Đến 1958 mới làm chủ-bút báo “Trăm Hoa”.

III. Làm Báo “Trăm-Hoa”:

Trước 1958, báo này do Nguyễn-Mạnh-Phác làm Chủ-Nhiệm. Thực ra, ban Biên-Tập chỉ gồm có bốn người là Nguyễn-Bính, Nguyễn-Thị-Hạnh (con gái Nguyễn-Mạnh-Phác); Phạm-Vân-Thanh (vợ Nguyễn-Bính); và Trần-Đức-Quyền (Tùng-Quân). Ra được ít lâu, Trăm-Hoa thất-bại vì lỗ-vốn. Từ đó về sau, ông không còn làm báo nữa.

Trong suốt 30 năm, Nguyễn-Bính đã sáng-tác nhiều thể-loại như thơ, kịch, truyện thơ... Ngoài ra, còn một số bài thơ chưa kịp xuất-bản.

IV. Tính-Cách:        

Trong các Nhà Thơ Việt-Nam, Nguyễn-Bính chỉ “tôn-sùng” có một mình Nguyễn-Du. Ông coi Nguyễn-Du là “thầy” mình, và lấy Truyện Kiều làm sách gối đầu giường.

Ai làm thơ không hay, ông phê-bình ngay, nhiều khi rất gay-gắt, không nể-nang, vị-tình gì cả.

Ông là người thông-minh, rất thẳng tính, có khi tự-cao tự-đại quá đáng, biết ứng-phó, khôi-hài, rất thận-trọng (nhất là đối với thơ ông.), nhưng lại sống bạt-mạng, buông thả. (Hoàng-Tấn).

  • Bà Nguyễn-Hồng-Châu (vợ đầu của Nguyễn-Bính) nói: "Tôi hiểu anh Bính, anh ấy rất lãng-mạn, lãng-tử nhưng rất có lòng nhân. Anh ấy là người tốt, thương người và chịu trách-nhiệm những gì mình đã làm."
  • Con gái nhà thơ (bà Nguyễn Bính Hồng-Cầu) nói: "Hồi nhỏ, tôi giận ba tôi lắm. Nhưng lớn lên tìm hiểu, tôi mới vỡ-lẽ.Đời ba tôi nhiều bất-hạnh.Ông có nhiều vợ, nhưng không ai hiểu ông. Ông cứ đi tìm cái bóng hạnh-phúc cho đến khi nhắm mắt xuôi tay vào đêm giao-thừa năm 1966."

V. Nhận Xét:

        1. Nguyễn-Bính còn có hai người vợ không chính-thức khác (không biết miền nào) là bà: Phạm-Vân-Thanh (có con Nguyễn-Hiền, mất-tích khi còn nhỏ), và Bà Trần-Thị-Lai (có con Nguyễn-Mạnh-Hùng).

Cô con gái Hương-Mai (con Bà Mai-Thị-Mới), sau này làm giáo-viên. Bà từng là Phó Giám-Đốc Sở Giáo-Dục – Đào-Tạo, rồi Trưởng-Ban Văn-Hóa –Xã Hội Tỉnh Bến-Tre, hiện đã về hưu và sinh-sống tại địa-phương (Phạm-Duy-Trưởng).

          2. Chuyện Nguyễn-Bính mất cũng có nghi-vấn như sau: Trước đây, ai bị xẩy-xẩm mặt-mày, khó thở rồi chết, thường được cho là “trúng gió” và được “cạo gió’. Ngày nay, y-học coi là một trong những căn-nguyên “nhồi máu cơ tim” (heart attack) hay “tai-biến mạch máu não” hoặc“đột-quỵ” (stroke).

          3. Dù Nguyễn-Bính mới mất (1966) nhưng đã có nhiều tin-tức khác nhau về giờ mất. Theo lời Bà Hồng-Cầu, Nguyễn-Bính mất vào đêm giao-thừa năm 1966. Có tin mông-lung cho rằng Nguyễn-Bính mất ngày"Ba mươi Tết, trước giao-thừa". Chính-xác nhất, theo lời kể của vợ Tân-Thanh (một người bạn-thân của Nguyễn-Bính), ông mất vào trưa 29 tháng Chạp (không có ngày 30), năm Bính-Ngọ (Âm-Lịch), nhằm ngày 20 tháng 1 năm 1966 (Dương-Lịch), lúc mới dùng cơm trưa xong, vì đột-quỵ, thọ 48 tuổi.

          4. Không thấy nói Nguyễn-Bính học tới lớp mấy, nghe đâu mới Lớp 3 Tiểu-Học. Có giai-thoại có người (?) hỏi Nguyễn-Bính “Sao không học nữa.” Ông hỏi lại “Học để làm gì?” Người ấy (?) chỉ biết trả lời là “Nếu học nữa, thơ Nguyễn-Bính sẽ hay hơn nhiều.”

          5. Đọc 2 Tập Thơ Lỡ Bước Sang NgangHương, Cố-Nhân, không thấy bài thơ nào thất luật cả, nhất là Thơ 7 Chữ và Lục Bát.

VI. Thơ Nguyễn-Bính:

Nguyễn-Bính là nhà thơ tình lãng-mạn. Thơ ông đến với bạn đọc như một cô gái quê kín-đáo, mượt-mà, và duyên-dáng. Đọc thấy ở thơ ông những nét giản-dị, đằm-thắm, nhưng thiết-tha, đậm chất dân-tộc, gần-gũi với ca-dao. Cái tình trong thơ Nguyễn-Bính luôn luôn mặn-mà, mộc-mạc, nhưng sâu-sắc hợp với phong-cách và tâm-hồn người Á-Đông.

Cảm-tưởng đầu-tiên là Nguyễn-Bính làm thơ rất dễ-dàng. Ông làm thơ như người ta lột một cái bánh hay bóc một trái chuối. Trong thơ Nguyễn-Bính có nhiều câu như thế. Ta hãy nghe một “cô gái quê” thủ-thỉ, nhỏ-nhẹ trách-móc người yêu:

                                  Chờ mãi anh sang, anh chẳng sang
                      Thế mà hôm nọ hát bên làng
                       Năm tao, bẩy tiết anh hò-hẹn
                           Để cả mùa Xuân cũng lỡ-làng...

Hãy nghe Nguyễn-Bính tả-cảnh:                                      

                       Lá tre rơi xuống đều đều
                       Cổng làng buông sớm, mưa chiều đổ nhanh,
                       Sân mòn, lớp lớp rêu xanh,
                       Le te đàn vịt chạy quanh cửa chuồng…

Nhưng thật sự, ông đã đọc đi đọc lại từng câu, sửa từng chữ nhiều lần trước khi in (Hoàng-Tấn). Vì vậy, thơ ông đi sâu vào tâm hồn con người và đã chiếm được cảm-tình của đông-đảo người đọc các giới,đặc-biệt là giới bình-dân. Vì ngoài ngôn-ngữ bình-dân, điều làm thơ ông sống mãi chính là tiếng nói thơ ông cũng là tiếng nói của trái tim con người thời-đại.

Bài thơ sau đây là đặc-điểm “chân-quê” (1936) của Nguyễn-Bính:

                   Hôm qua em đi tỉnh về 
                    Đợi em ở mãi con đê đầu làng 
                     Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng 
                                                                Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!                                         

                    Nào đâu cái yếm lụa sồi? 
                     Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân? 
                   Nào đâu cái áo tứ thân? 
                                                        Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?                                         

                   Nói ra sợ mất lòng em 
                   Van em em hãy giữ nguyên quê mùa 
                   Như hôm em đi lễ chùa 
                                                            Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!                                         

                   Hoa chanh nở giữa vườn chanh 
                    Thầy u mình với chúng mình chân quê 
                Hôm qua em đi tỉnh về 
                   Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều.

Người ta gặp trong thơ Nguyễn-Bính những hình-ảnh bình-dị, thân quen: hàng cau, giàn trầu, rặng mùng tơi, cây bưởi, thôn Đoài, thôn Đông, đàn gà, đàn vịt...

Nguyễn Bính sử-dụng rất thuần-thục thể thơ lục-bát. Thơ ông nhẹ-nhàng, giản-dị, không làm dáng.

VII. Những điều viết thêm về Nguyễn-Bính:

Theo Trần-Ngọc-Tuấn, trước năm 1986, giới trẻ ít biết đến Nhà Thơ Nguyễn-Bính. Lúc bấy giờ, báo-chí chỉ toàn đăng những bài thơ ca-ngợi hay cổ-vũ cho sản-xuất và chiến-đấu. Chỉ có những người sinh cùng thời với ông, đã từng đọc những bài thơ ông viết những năm 30 và 40 của thế-kỷ trước, mới yêu-mến Nguyễn-Bính, mới biết ông là “thi-nhân tiền chiến.”

Đầu năm 1986, đúng 20 năm Ngày Nguyễn-Bính mất, để tưởng-nhớ ông, Hội Văn-Học Nghệ-Thuật Hà-Nam-Ninh và Nhà Xuất-Bản Văn-Học, cho ra cuốn Tuyển Tập Nguyễn-Bính, giới-thiệu những tác-phẩm tiêu-biểu của ông. Những bài thơ Nguyễn-Bính sáng-tác trước năm 1945 đã nhanh-chóng được nhiều người đọc chú-ý. Từ đó, các nhà xuất-bản thi nhau cho in một loạt những cuốn sách như “Thơ tình Nguyễn-Bính”, “Giai-Thoại Nguyễn-Bính”, “Hồi-Ký Về Nguyễn-Bính”... Dù sách nào, hễ cứ nói về Nguyễn-Bính là bán rất chạy. Sự-kiện đó đã gây ra một “hiện-tượng Nguyễn-Bính”. Người ta biết chính Nguyễn-Bính là ông vua thơ tình thực-sự đã có từ lâu. Những câu thơ của ông đã góp-phần vào sự-nghiệp thi-ca, và được giải-thưởng về văn-học và nghệ-thuật.

VIII. Thơ Phổ Nhạc:

Chúng tôi có cảm-tưởng, nếu Nguyễn-Bính chịu-khó học nhạc, ông có thể phổ nhạc tất cả thơ của ông, vì thơ của ông đã có “chất nhạc” nên nhiều bài giống âm-hưởng nhạc. Ông là Nhà Thơ có thơ được phổ nhạc nhiều nhất.

Nhiều Nhạc-Sĩ đã phổ nhạc thơ Nguyễn-Bính như Nguyễn-Hữu-Trí, Anh-Bằng, Phạm-Duy, Song-Ngọc, Đức-Quỳnh, Văn-Phụng, Trọng-Khương, Từ-Vũ, Nguyễn-Đình-Phúc, Minh-Quang, Huy-Thục…

Ngày Nguyễn-Bính mất, tôi còn lang-thang ở Văn-Khoa (Faculty of Letters), tìm mảnh giấy hoãn-dịch, không để-tâm tới ông nhiều.

Để kết-thúc bài này, chúng tôi xin mượn ý của Nhà-Văn Duyên-Anh khi định giới-thiệu Nhạc-Sĩ Hoàng-Quý: “…Người sống giới-thiệu người chết là hỗn-láo… Xin cho tôi được thắp một nén-hương tưởng-niệm một nghệ-sĩ mà suốt đời tôi yêu-mến.”

Vâng, tôi viết bài này không ngoài mục-đích thắp nén nhang tưởng-niệm Nguyễn-Bính, một Nhà Thơ tôi vô-cùng ngưỡng-mộ.

IX. Tài-Liệu Tham-Khảo:

  1. Wikipedia.
  2. Phạm-Duy-Trưởng, Những Điều Cần Hiểu Lại Về Thi-Sĩ Nguyễn-Bính, Biên-Phòng, 1/2013.
  3. Trần-Ngọc-Tuấn, Nguyễn-Bính—Cánh Bướm Mang Hồn Quê Đất Việt, Sông Cửu-Long, 3/2011.
  4. Tuyển-Tập Nguyễn-Bính, NXB Văn-Học, 1986.
  5. Phạm-Duy, Kỷ-Vật Chúng Ta, Khai-Phóng, 1970.
  6. Nguyễn-Bính, Hương Cố-Nhân, NXB Văn-Nghệ,

Hà-Việt-Hùng

Viết xong, ngày 10 tháng 11 năm 2013