"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do." ** Phan Bội Châu **

 

Tiếng Việt, Niềm Tự-Hào Của Người Việt Ở Hải-Ngoại

                                                                                                           

Tiếng hát Thái-Thanh vút cao, trong-trẻo trong bản nhạc“Tình-Ca” của Phạm-Duy (sáng-tác vào đầu năm 1953), chúng ta đã nghe biết bao lần, nhưng có thể mỗi lần mỗi khác, mỗi lần như mang một nỗi-niềm khác-biệt, có khi nhớ nhà, có khi thương nước, lại cũng có khi ngậm-ngùi cho số-phận đất-nước hẩm-hiu, đói-nghèo.

“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi

Mẹ hiền ru những câu xa-vời… à à ơi…

Tiếng ru muôn đời.

Tiếng nước tôi

Bốn ngàn năm ròng-rã buồn vui

Khóc cười cho mệnh nước nổi trôi

Nước ơi…”

Tôi yêu tiếng nước tôi...

Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi,

Bốn ngàn năm thành tiếng lòng tôi...

Vâng, tôi yêu tiếng nước tôi từ ngày mới lọt lòng mẹ. Tôi thích nhất những câu sau cùng trên đây, Cùng dòng lịch-sử thăng-trầm, tiếng Việt đã trải qua 4 ngàn năm “khóc cười”. Nằm ở vị-trí “phiá Bắc là Trung-Hoa, Tây là Ai Lao, Campuchia và Đông là Thái-Bình-Dương”, Việt-Nam luôn luôn phải đối-phó với kẻ thù, gần như ít khi thanh-bình. Trong 4 ngàn năm đó, dân Việt nước ta “khóc” nhiều hơn “cười”.  Người Việt luôn can-trường, bảo-vệ tự-do công-lý.

Từ ngày lập quốc năm (207 tcn) đến 1427 (Lê-Thái-Tổ), nước ta bị phía Bắc cai-trị liên-miên suốt một ngàn năm. Người Pháp cai-trị người Việt từ 1884 đến 1945. Rồi cuộc-chiến từ 1945 đến 1975. Trong bấy nhiêu năm, người Việt bị mất quyền tự-chủ, và mới dứt khỏi cuộc chiến-tranh “huynh-đệ tương-tàn, nồi da xáo thịt”.

Có thể những người còn ở trong nước không cảm thấy “gì” khi nghe bản nhạc trên, nhưng đối với những người đang sinh-sống ở nước ngoài, nó đã để lại nhiều tâm-trạng khác nhau, có thể là nỗi nhớ nhà, nhớ nguời-thân, nhớ quê…, có thể lòng kiêu-hãnh, tự-hào, buồn-tủi…

Trên thế-giới hiện nay, có nhiều quốc-gia nói tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây-Ban-Nha…, nhưng chỉ có một nước nói tiếng Việt, đó là nước Việt. Ngôn-ngữ của một quốc-gia chính là tiếng nói và chữ viết của quốc-gia đó.

Tiếng Việt là ngôn ngữ chính ở trong nước (khoảng 85% người Việt-nam sử-dụng ngôn-ngữ này, cùng với hơn bốn triệu người Việt hải-ngoại). Nhưng đến nay, chưa có bất-cứ một tài-liệu nào của Nhà-nước xác-nhận tiếng Việt là quốc-tự chính-thức (Wikipedia).

Trong 4 ngàn năm, người Việt xây-dựng và bảo-vệ đất-nước, duy-trì phong-tục, tập-quán, văn-hóa và ngôn-ngữ quý-giá, tiếng Việt và chữ Việt cũng phải trải qua những đổi-thay không thể tránh khỏi, quan-trọng nhất là việc tiếp-nhận chữ Quốc-ngữ làm văn-tự chính-thức của người Việt, loại-tr chữ Nôm và chữ Nho, qua những diễn-tiến khoa-cử từ thời nhà Lý (Wikipedia).

Điều đó càng chứng-tỏ người Việt luôn-luôn nghĩ đến công-cuộc đấu-tranh dành tự-chủ và biết thích-ứng vào từng giai-đoạn lịch-sử, kể cả chữ viết và tiếng nói. Tiếng Việt trải qua những giai-đoạn sau:

1. Giai-Đoạn Chữ Nho:

Từ khi lập quốc, người Việt phải nói tiếng Hán. Đến khi bị Hán đô-hộ thật-sự (sau năm 207/111ttl), dân ta phải ăn mặc như họ, nói tiếng như họ, và phải có những hoạt-động như họ. Vì vậy, dân ta phải nói và viết tiếng Hán (còn gọi là chữ Nho hay chữ Tầu), và ăn mặc y như người Tầu. Các thời quân-chủ đều dùng chữ Nho. Chữ Nho được dùng trong các giấy-tờ hành-chánh, giáo-dục và trong mọi sinh-hoạt của người Việt.

Từ 1909, chính-quyền bãi-bỏ dần các kỳ-thi chữ Nho ở Bắc-kỳ. Kỳ-thi Hương bằng chữ Nho cuối-cùng ở Trung-kỳ tổ-chức năm 1918 (đời vua Khải-Định). Kỳ thi Hội cuối-cùng năm 1919. (Ghi-chú: Thi Hương là do triều-đình tổ-chức ở địa-phương để tuyển-chọn người có tài. Người thi đỗ được cấp bằng và có thể được làm quan trong triều. Kỳ thi Hương là kỳ thi sơ-khởi. Đỗ đầu gọi là Giải-nguyên.  Rồi sau thi Hội, rồi thi Đình.)

Kỳ thi Hương ở Nam-Định năm Bính-Ngọ (triều Thành-Thái)1906 có hơn sáu nghìn thí-sinh. Đến năm Nhâm-Tý (triều Duy Tân)1912 chỉ còn 1.330 thí-sinh, điều này cho thấy sự suy-tàn của Nho-học ở nước  ta, và theo đó, khoa-cử cũng chấm dứt. Giữa lằn-gianh thay-đổi đó, Trần-Tế-Xương phải than lên:

   Cái học nhà Nho đã hỏng rồi,
Mười người đi học, chín người thôi…

2. Giai-Đoạn Chữ Nôm:

Chữ Nôm có thể có từ thời Phùng-Hưng (791) khi dân-chúng gọi Phùng-Hưng là “Bố Cái Đại-vương” (Đoàn-Xuân, sđd, trang 144). Tiếng Việt cổ, “bố cái” có nghĩa là “cha mẹ”.

Chữ Nôm được chính-thức dùng trong hành-chính khi Nguyễn-Huệ lên ngôi vào năm 1789.

(Wikipedia). Dù thời nào, chữ Nôm cũng là sự sáng-tạo không ngừng nghỉ của cha ông chúng ta.

Hai chữ Nho (có nghĩa) được ghép với nhau tạo-thành chữ thứ ba chỉ có nghĩa trong tiếng Nôm, người Hán biết chữ cũng chẳng đọc được, rồi dùng mẫu-tự La-Tinh có thêm dấu giọng để ghi lại tiếng Việt mà người chính người La-tinh cũng chẳng hiểu gì khi thấy thứ chữ mà họ quen dùng lại có thêm những dấu lăng-quăng ở trên đầu các nguyên-âm. (Đoàn-Xuân, sđd, tr. 15).

Đây là một cuộc cải-cách quan-trọng về chữ viết của cha ông chúng ta. Chữ Nho có tất cả 214 Bộ. Chữ Nôm kết-hợp 2 thành-phần đó, vừa nói lên ý-nghĩa, vừa nói lên cách đọc. Bộ, thường nằm ở phía trái, nói lên ý-nghĩa của chữ đó. Âm (giọng đọc) thường nằm ở bên phải.

Thí dụ:  năm (con số 5) = ngũ (chỉ ý-nghĩa, con số 5) + nam (南 diễn-tả âm);

             năm (tháng năm) = niên (chỉ ý-nghĩa, năm tháng) + nam (南 diễn-tả âm).

Hai chữ năm ở trên cùng đọc giống nhau, nhưng nghĩa khác nhau. Một chữ là số 5, còn một chữ là năm tháng, vì vậy có 2 Bộ khác nhau (Bộ Ngũ và Bộ Niên chỉ ý-nghĩa; còn 2 Bộ Nam giống nhau, chỉ âm đọc).

Ta thấy chữ Hán đã rườm-rà, rắc-rối; chữ Nôm còn rắc-rối hơn nhiều, chỉ những người có học chữ Nôm mới có thể đọc và viết được chữ Nôm, nhưng đó là điều đặc-biệt. “Ngày xưa ông cha chúng ta rất hãnh-diện về vấn-đề vay mượn chữ viết của người Trung-hoa, và của La-tinh. Chỉ mượn, rồi biến-hóa theo nhu-cầu cần dùng, chứ không bao giờ bị đồng-hóa.” (Đoàn-Xuân, sđd, trang 67). 

Về văn-chương chữ Nôm có Hồ-Xuân-Hương (1772-1822) thường được gọi là Bà Chúa Thơ Nôm. Bà sống vào thời-kỳ cuối nhà Lê, đầu nhà Nguyễn. Bà dùng chữ Nôm trong những bài thơ của mình, và Nguyễn-Du với truyện thơ chữ Nôm theo thể lục bát, dựa theo tiểu-thuyết "Kim-Vân-Kiều truyện" của Thanh-Tâm Tài-Nhân.

3. Giai-Đoạn Chữ Việt Ghép Với Chữ La-Tinh:

Theo ông Đoàn-Xuân, chữ Việt (theo mẫu-tự La-tinh) có từ năm 1651, là năm quyển “Tự-điển An-nam, Bồ-đào-nha và La-tinh xuất-bản lần đầu-tiên. (tr. 8, tr. 33, tr. 88) tức là khi có các Cố Tây bắt-đầu sang nước ta giảng đạo Ki-Tô. Trong Nam-phong Tạp-chí Số 122, Phạm-Quỳnh xác-định: “…chữ quốc-ngữ là do các cố Tây sang giảng đạo bên nước nam đặt ra vào đầu thế-kỷ thứ 17, các cố do người Bồ-đào có, người Ý-đại-lợi có, người Pháp-lan-tây có, chắc là cùng nhau nghĩ đặt, châm-chước, sửa-sang trong lâu năm, chứ không phải một người nào làm ra một mình vậy.” (Sđd, tr.68).

Mục-đích của thứ chữ này là để thuận-tiện trong việc truyền và giảng đạo.

Bá-Đa-Lộc đã có công soạn cuốn từ-điển tiếng Việt mang tên Dictionarium Anamitico Latinum vào năm 1773, chú bằng chữ Latin, chữ Quốc Ngữ, chữ Nôm và chữ Nho. Cuốn từ-điển này còn lưu-trữ ở Thư-khố Hội Truyền-giáo Ngoại-quốc tại Paris (Wikipedia).

Nhưng giai-đoạn đầu thô-sơ, chữ quốc-ngữ không tránh khỏi những khuyết-điểm. Ta thấy phần nhiều chữ quốc-ngữ phải vay-mượn những phụ-âm hay âm vần ở tiếng La-tinh, như: blời (trời), nhuầng (nhường), haọc (học), nhít (nhất), bui-bẻ (vui-vẻ)…

Vì rắc-rối như vậy, tiếng Việt ghép với mẫu-tự La-tinh phải nhường chỗ cho chữ quốc-ngữ, là chữ thuần-túy của người Việt-nam hiện-nay.

4. Giai-Đoạn Chữ Quốc-Ngữ:

Theo nghị-định năm1882 của Nhà-nước bảo-hộ Pháp, chính-phủ Pháp chỉ tuyển-dụng những người biết quốc-ngữ vào các cơ-quan hành-chánh phủ, huyện và tổng ở Nam-kỳ. Năm năm sau, Pháp thành-lập Liên-bang Đông-dương, tổ-chức trường dậy tiếng Pháp, dành cho Triều-đình Việt-nam mở các khóa thi tiếng Hán (Hương và Hội) ở miền Bắc.

Sau năm 1975, nước Việt lại được thay-đổi.  Người Việt nói tiếng Việt ở trong nước đã đành, tiếng Việt còn được sử-dụng ở nước ngoài nữa, chẳng hạn Úc, Anh, Nhật, Pháp…, nhất là ở Mỹ.

Trong tinh-thần “tiếng Việt còn, người Việt còn, nước Việt còn”, người Việt ở Mỹ đã và đang vận-động đưa tiếng Việt vào Trung và Đại-học giảng-dậy như ngoại-ngữ (a foreign language) cùng với các ngoại-ngữ khác như tiếng Đức, tiếng Tây-ban-nha, tiếng Pháp, tiếng Nhật…

Tiếng Việt được giảng trong phạm-vi 2 giờ cuối tuần tại các trường hay trung-tâm thiện-nguyện.

Có một chuyện thế này. Ở bên Pháp, có hai cô gái, tuổi chừng 16-17, vào một tiệm cà-phê. Hai cô xí-xào với nhau bằng tiếng Pháp rất trôi-chẩy, nghe như 2 cô Tây con. Khi 2 cô đi, các cô trong cửa tiệm (Pháp thứ thiệt) nói với nhau: “Tội-nghiệp 2 cô kia, người Việt nhưng không biết nói tiếng Việt.”

Câu-chuyện trên không biết có đúng không, vì không được kiểm-chứng, nhưng nó nói lên tinh-thần “người Việt phải biết nói tiếng Việt với nhau.” Còn một chuyện nữa  thấy cũng cần kể ra đây. Trong một cuộc thi hoa-hậu thế-giới, ban tổ-chức đã viết sai chữ trên tấm băng trước ngực cô hoa-hậu, thay vì viết "Miss Việt-Nam", lại viết là "Miss Việt-Nem". Chúng ta sẽ cảm thấy bị sỉ-nhục và "tự-ái dân-tộc" bị xúc-phạm quá đáng.

Khi đưa con còn nhỏ sang Mỹ, tuy không nói ra, nhưng cha-mẹ nào cũng ngầm lo-âu “không biết cháu nó có nói tiếng Mỹ nhanh không.” Kết-quả là chỉ sau mấy tháng, thằng nhỏ hay con bé nói tiếng Mỹ còn giỏi hơn tiếng Việt. Cha-mẹ vui-vẻ hân-hoan. Con mình nói giỏi tiếng Mỹ. Nhưng đó mới là điều vui-mừng một nửa. Với thời-gian qua đi, các em sẽ quên dần tiếng Việt, không dùng đúng chữ nữa. Trong gia đình, cha mẹ tự-hào khi nghe con mình gọi là mommy và daddy. Hai tiếng đó có vẻ xa-lạ và lai-căng thế nào. Gia-đình là môi-trường thuận-lợi nhất để các em thực-hành nói tiếng Việt. Thực-tế, ngoài xã-hội hay ở học-đường, các em nói tiếng Anh hay tiếng Pháp rất lưu-loát, trôi-chẩy.

Có một số từ-ngữ các em hay bị "bối-rối" như:

Thí-dụ: Động-từ wear wash trong tiếng Mỹ thường gây khó-khăn cho các cháu. Các cháu khó phân-biệt những nghĩa khác nhau của động-từ này khi đổi sang tiếng Việt. Mang (râu), đeo (mặt nạ, nhẫn, đồng-hồ), xức (dầu-thơm), mặc (quần áo), thắt (cà-vạt)…hay tắm (dùng cho người và súc-vật), gội (đầu), rửa (mặt), giặt-dũ (quần áo)…

Những người không rành tiếng Việt có thể nói: “ rửa chó” thay vì “tắm cho chó”, “giặt đầu” thay vì “gội đầu”, “tắm xe” thay vì “rửa xe”…

Đại-danh-từ (Pronoun) I (ngôi thứ nhất) có bao nhiêu nghĩa trong tiếng Việt: tôi, tao, tớ, tui, mình, qua…

Đại-danh-từ You (ngôi thứ hai) có nhiều nghĩa khác nhau trong tiếng Việt: anh, chị, mày, bậu, bác, chú, cô, dì, mợ…

Đại danh-từ thường gây khó-khăn cho người dịch (translator) không ít. Có khi phải đọc hết “tác-phẩm” mới tìm được chữ thích-hợp trong tiếng Việt và ngược lại. Hai vợ chồng to tiếng với nhau, có thể không phải là “anh / em”nữa, mà là “tôi / ” hay “tao / mày”…

Các cháu sẽ lúng-túng khi nghe câu-chuyện sau đây. Có hai vợ chồng nhà-nông giận nhau. Nhưng “giận thì giận mà thương thì thương”. Chị vợ ra đồng gọi chồng về ăn cơm. Vì còn giận, chị quay mặt chỗ khác khi gọi chồng: “Ai ơi, về ăn cơm!” Anh chồng nghe tiếng vợ gọi, nhưng cũng còn giận, trả-lời: “Ai gọi ai đó?” Chị vợ: “Ai gọi ai, chứ còn ai gọi ai.”

Theo các cháu nhỏ, vì tiếng Việt “rắc-rối” như vậy, nên các cháu cứ nói tiếng Anh hay tiếng Mỹ với nhau là tiện nhất, khỏi phải đắn-đo, suy-nghĩ. Vì phạm-vi bài này, chúng tôi xin trở-lại vấn-đề.

Tiếng Việt (chữ quốc-ngữ) gồm có:

- 23 chữ cái hay còn gọi là mẫu-tự (letters) xếp theo thứ-tự sau. Chữ trong dấu ngoặc chỉ cách đọc: A,  B (bê),  C (xê),  D (dê),  Đ (đê),  E (e),  G, (giê)  H, (hát)  I (i),  K (ca),  L (e lờ),  M (em mờ),  N (en nờ),  O (o),  P (pê),  Q (cu),  R (e rờ),  S (ét sì),  T (tê),  U (u),  V (vê),  X  (ích xì),  Y (i cờ rét).

- 12 nguyên-âm (vowels) căn-bản: a,   ă (á),   â (),   e  (e),  ê (ê),   i (y),   o (o),   ô (ô),   ơ (ơ),   u (u),   ư (ư), và   y (i-cờ-rét).

  - 17 phụ-âm đơn (simple consonants): b,  c (và k),  d,  đ,  m,  g.  h,  l,  m,  n,  p,  r,  s,  t,  y, x.

  - 11 phụ-âm kép (compound consonants): ch, gh, gi, kh, ng, ngh, nh, ph, qu, th, tr.  

A. Dấu-giọng (phát-âm):

Tiếng Việt có 5 dấu-giọng: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng. Tùy theo dấu-giọng, ý-nghĩa của mỗi chữ sẽ khác-nhau. Thật là kỳ-diệu.

Thí dụ: ma  /  má  /  mà  /  mả  /  mã  /  mạ

Tiếng Việt: “Ông Giẳng, ông Giăng, ông ra đầu đình ông gặp ông Ninh. Ông Nỉnh, ông Ninh...”

Các thứ tiếng khác không thể nói như thế. Tiếng Pháp không có: La Lủn (luỷn), La Lune… , tiếng Anh không có: The Moỏn (mủn), the Moon…

Xem thế, ta thấy tiếng Việt thật là vi-diệu. Chỉ có 5 dấu giọng, ý-nghĩa của một chữ đã thay-đổi vô-cùng.

B. Vần:

“Vần” phối-hợp với các phụ-âm đứng trước tạo-thành “âm-thanh”.

-       Một nguyên-âm + một (hai nguyên-âm): ai,   ao,   eo,   ôi,   ơi,   oeo,   oay

-       Một nguyên-âm + một phụ-âm: an,   em,   in,   ăn,   êm

-       Một nguyên-âm + nhiều phụ-âm: anh inh,   eng,   ông

-       Hai (ba) nguyên-âm + một (hai) phụ-âm: oac,   iêc,   uyên,   oanh,   oach

Nhờ vần và âm-thanh của tiếng Việt giầu-có và linh-động như vậy, tiếng Việt được sử-dụng “làm thơ” nhiều nhất. Ai cũng có thể làm thơ nếu biết chút đỉnh về dấu-giọng và vần.  

5. Đặc-điểm Và Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt:  

Tiếng Việt là một ngôn-ngữ trong sáng. Còn nhớ sau năm 1975, một số chữ “mới” xuất-hiện như: “hồ-hởi phấn-khởi” (vui-vẻ), “đăng ký” (ghi tên), “tranh-thủ”, “khắc-phục” (vượt qua), “đại-trà” (nhiều, hàng loạt) và gần đây là “siêu”, “khủng”. Các bảng tiệm quảng-cáo hình như lạm-dụng chữ “siêu” hơi nhiều. (Siêu giảm giá), (Siêu Mẫu), cô ta có bề cao "khủng" …

Ở trong nước còn có hiện-tượng xuất-hiện những thành-ngữ mới như Thành-Long đã sưu-tầm và minh-họa trong cuốn “Sát Thủ Đầu Mưng Mủ”. Cuốn sách này bị tịch-thu năm 2011, có những câu như:

“ăn chơi sợ gì mưa rơi”, “buồn như con chuồn-chuồn”, “chuyện nhỏ như con thỏ”…(Nguyễn-Hưng-Quốc, sđd tr. 115).

Đành rằng, trước 1975 có những câu như “bỏ đi tám”, “lính mà em”, “sức mấy mà buồn” hay “tiền lính, tính liền”, “không dám đâu”…nhưng có lý-do để hiểu được, còn những câu này thì... chịu thua. Chúng ta chỉ hiểu "lờ mờ" hoành-tráng là "to lớn, nguy-nga, đồ-sộ..."

Sẽ rất kinh-ngạc nghe một số người trong nước nói là nước uống “Bẩy Úp” (Bẩy Úp) thay vì “Seven-Up”, net work “Ba Gờ, Bốn Gờ” thay vì “3 G, 4 G”, phim “Ba Dê” thay vì phim 3D, nước trà C2 đọc là nước trà “Xê Hai” và một số từ-ngữ như “vô-tư”, “hoành-tráng”...Tuy rằng những chữ đó nói lên trình-độ của người nói, nhưng nó cho thấy cách dùng chữ tùy-tiện của một số người trong nước.

Nói “non sông hoành-tráng” chúng ta còn hiểu, nhưng nói “chiến-thắng hoành-tráng” hay "đạo-cụ hoành-tráng" thì cần phải xem lại vốn-liếng tiếng Việt của mình. Chúng ta chỉ hiểu "lờ-mờ" hoành-tráng có nghĩa là "to lớn, nguy-nga, đồ-sộ..."

Gia-đình tôi có hai đứa con. Ở Mỹ được mẹ dậy “cái gì cũng ăn” nên các cháu không “từ” một món nào. Tết năm ngoái các cháu về nước. Các cậu dì mua “ngao, sò, ốc, hến” đãi cháu. Hai đứa ăn uống tự-nhiên, không ngại gì cả. Cậu gọi đin-thoại qua, nói “Hai con anh chị ăn uống vô-tư lắm.”

Nhiều người ngoại-quốc cho rằng tiếng Việt thánh-thót như tiếng chim hót (Theo truyền-thuyết Trăm Con Lạc-Việt.  Lạc-Long-Quân lấy Bà Âu-Cơ).

Ông Trần-Ngọc-Dụng trích-dẫn trong sách Tiền Hán Thư. “Tuy chưa ai chứng-minh được, nhưng người Việt đã có lối chữ riêng (khoảng trên 2 ngàn năm ttl). Khi ấy, chữ Việt “trông quăn-queo như đàn nòng-nọc.” (Sđd, tr. 34)

Và trong Hóa-Quan-Phong, Vương-Duy-Trinh (một Nho-sĩ ở thế-kỷ 19) cũng nói đến thứ chữ cổ của người Việt có hình-dạng giống như chữ cổ của người Mường Thanh-Hóa.

Trong tiếng Việt còn có nhiều đặc-điểm khác, phạm-vi bài này chỉ nói qua.

6. Bảo-tồn Tiếng Việt:

Ngoài những sự-việc “phản văn-hóa” như đã kể trên, người Việt ở khắp nơi luôn nỗ-lực xây-dựng và bảo-tồn tiếng mẹ đẻ, nhất là người Việt hải-ngoại. Các trung-tâm dạy tiếng Việt ra đời.  Những nhà thờ hay chùa, dù lớn dù nhỏ, các trường-học Mỹ những ngày cuối tuần là những địa-điểm lý-tưởng để mở các trường dạy tiếng Việt cho các cháu. Dăm ba học-sinh và một thầy (cô) giáo thiện-nguyện là thành một lớp dậy và học tiếng Việt. Chẳng những các lớp tiếng Việt được rầm-rộ mở ra khắp nơi, mà còn có sự đóng-góp của các Đài Vô-tuyến Truyền-hình, báo-chí.  Chương-trình Bé Vui Bé Học, Thi-Đố, Trẻ Em Mặc Quốc-Phục Đẹp, Viết Chính-tả… được giới-thiệu.

Các lớp học tiếng Việt lúc đầu còn thiếu-tốn mọi thứ, nhưng với nhiệt-tình đối với tiếng mẹ đẻ, mọi khó-khăn rồi cũng qua đi. Một Ban Đại-Diện được thành-lập để đại-diện các Trung-tâm Việt-ngữ. Ban Đại-Diện này đã liên-tục tổ-chức những khóa huấn-luyện và sư-phạm cho các thầy cô-giáo về họp từ khắp nơi trên thế-giới.

Hiện nay, mùa Hè 2013, Ban Đại-Diện Các Trung-tâm Việt-ngữ Nam California đã tổ-chức được 25 khóa Huấn-luyện và Sư-phạm. Ban Đại-Diện cùng với Ban Tu-Thư đã soạn một bộ sách giáo-khoa tiếng Việt từ Cấp 1 đến Cấp 7 dùng trong các Tiểu-Bang nước Mỹ. Tương-lai sẽ soạn từ Cấp 8 trở lên. Đây là một đóng-góp đáng-kể trong việc phát-triển và bảo-tồn phong-trào Việt-ngữ trong cộng-đồng người Việt ở hải-ngoại 3 thập-niên qua.

Có những tấm lòng nhiệt-thành, yêu-thương tiếng Việt vô bờ bến. Có những thầy (cô) giáo từ những vùng đất xa-xôi về dự. Có cô-giáo người Nhật dậy tiếng Việt lặn-lội từ Nhật-Bản qua. Tất-cả đều nói lên lòng yêu-mến tiếng Việt bao-la của mình. Tuy thế, việc tuyển-lựa giáo-viên cũng rất kỹ-lưỡng, gạn-lọc.

Ta hãy nghe những tiếng nói phát-biểu ý-nghĩ của mình—một, đã từ lâu và một, gần đây— nhưng các em học-sinh và thầy (cô) giáo tiếng Việt không bao giờ quên được. Nhà-thơ Đông-Hồ bầy-tỏ tâm-sự của mình: “Tôi thấy rằng nước ta còn có chữ, giống ta còn có tiếng nói. Quốc-văn ta có nghèo-hèn, kém-cỏi gì đâu. Tôi bỏ Pháp-văn, quay ra chuyên-tâm học quốc-ngữ. Nhà-giáo lão-thành Hoàng-Phùng-Miên, cả một đời gắn-bó với tiếng Việt, nói: “Đời tôi chẳng sợ gì, chỉ sợ không trả được nợ bút-nghiên, mất công viết. Khi nào phải sống thừa thì chết đi là vừa.”

Viết và nói giỏi tiếng Việt, các em sẽ không quên cội-nguồn của mình.

Bây giờ, chúng ta hãy nghe lại bài Tình-Ca bất-hủ của Phạm-Duy một lần nữa:

“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi

Mẹ hiền ru những câu xa-vời… à à ơi…

Tiếng ru muôn đời.

Tiếng nước tôi

Bốn ngàn năm ròng-rã buồn vui

Khóc cười cho mệnh nước nổi trôi

Nước ơi…”

Bản nhạc trên dùng đế kết-thúc bài này.

7. Tài-liệu tham-khảo:

-Wikipedia

-Đoàn-Xuân, Về Nguồn, 2007

-Phạm-Quỳnh, Nam-phong Tạp-chí Số 122

-Đặc-san Kỷ-niệm 25 Năm Tu-nghiệp Sư-phạm, 2013

-Vần Chữ Việt, Nguyễn-Hữu-Bào, xb lần thứ 3 (2004), Giải Khuyến-học

-Em Học Tiếng Việt, Tập I, Trường Việt-ngữ Công-đoàn Costa Mesa, xb Lần Thứ 12 (2002)

Hà-Việt-Hùng