"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do "

** Phan Bội Châu **

Về Bài “ Lương-Châu Từ” Của Vương-Hàn

 

I. Giới-Thiệu: Rất nhiều người Việt quen-thuộc với bài Từ nổi-tiếng này, nhất là câu chót “Cổ lai chinh-chiến kỷ nhân hồi”, nhưng có thể không biết rõ nguồn-gốc cặn-kẽ, rõ-ràng. Đây là một bài Từ (词) của Vương-Hàn sống vào đời Đường (khoảng năm 618 trở đi) ở Trung-Hoa.

Các Nhà Nghiên-cứu cho rằng Từ là một điệu hát cổ của người Trung-Hoa phát-hiện ở Đôn-Hoàng (Cam-Túc) vào đời Đường, sáng-tác từ thể thơ thất ngôn tứ tuyệt (thường là vần bằng), nói về chinh-chiến, chốn biên-ải, sa-trường. Từ (đôi khi cũng được viết 辭 hay 辞) là một thể-loại văn-học, bắt-nguồn từ dân-gian. Lúc đầu, Từ là một loại thơ (phối-hợp với âm nhạc,) sang đời Tống (960-1279) mới phát-triển mạnh.

Nhưng Từ không hẳn là thơ (hay thi=). Bài “Lương-Châu Từ” (凉州词)của Vương-Hàn chỉ là một trong những thể-loại của Từ.

Có rất nhiều điệu Từ. Theo Nguyễn-Khắc-Phi (sđd), có khoảng 870 điệu Từ với những biến-thể của chúng…

Vì Từ được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt (Đường-luật), nên ta dễ lầm tưởng Từ là thơ. Mỗi điệu có một từ-phổ, phải tìm những chữ thích-hợp về thanh-âm với công-thức từ-phổ để điền-vào (giống âm-nhạc), bởi vậy làm Từ gọi là "điền từ". Tùy theo loại, ngắn nhất là 14 chữ và dài nhất là 240 chữ…

Từ cũng không phải là “lời ca” (lyrics) của một bản nhạc (ca-từ).

Luật Từ rất chặt-chẽ, không có “bất luật” như Thơ Đường (Nguyễn-Khắc-Phi - sđd) ở những chữ 1, 3, và 5 (nhất, tam, ngũ bất luật). Trong thơ cổ Trung-Hoa, có nhiều điệu hát giống như các Từ, như Chiến-thành nam, Hoàng-tước hành, Lạc-mai hoa, Thượng-chi hồi, Tương-tiến tửu... được nhiều nhà thơ ưa-thích và thường dùng để đặt tên cho tác-phẩm của mình.

Tựa-đề (Titles) của Từ chỉ là tên gọi, không nói lên nội-dung, như Bài “Lương-Châu Từ” lại nói về chốn sa-trường, trận-mạc.

Tưởng cần nhắc lại sơ qua về luật thơ thất ngôn tứ tuyệt. Thực ra, thề thơ này (7x4=28 chữ) là một nửa (bốn câu đầu hay bốn câu duới) của thơ thất ngôn bát cú (7x8=56 chữ).

Đọc bốn câu đầu bài Thu Điếu của Nguyễn Khuyến (1835-1909), ta dễ tìm ra thể thơ thất ngôn tứ tuyệt (vần bằng).

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo.

……………………………

Chữ:     1     2     3     4     5     6     7                

             B    B    T     T    T     B     eo (veo)                                                              

       T    T    B     B    T     T     eo (teo)                                                    

       T    T    B        B     T     T                                                        

       T    B    T     T    T     B     eo (vèo)                                    

Ta thấy, nửa bài thơ này đúng với bài “Lương-Châu Từ”, chỉ cần thay-thế vần bằng cuối-cùng ôi (bôi), ôi (thôi), ôi (hồi).

Vào thời đó, có một số không nhỏ tác-giả Việt-Nam chịu ảnh-hưởng của Từ. Cho đến nay, Vương lang quy từ của Quốc-sư Khuông-Việt (933-1011) đời Đinh đã 1028 năm (986-2014). Đó là một văn-bản ngoại-giao sớm nhất trong lịch-sử bang-giao giữa nước ta và Trung-Hoa còn lưu-giữ. Đấy là một từ-khúc mẫu-mực, một viên ngọc trong lịch-sử văn-học Việt-Nam trung-đại (VHPG).

II. Về Tác-Giả: Tác-Giả bài “Lương-Châu Từ” (凉州词) sau đây là Vương-Hàn, nhưng thiếu tài-liệu nói về ông. Không biết lai-lịch rõ-ràng của ông. Lịch-sử có nói đến Vương-Chi-Hoán, một người đời sơ Đường, cũng là tác-giả một bài thơ Lương-Châu Từ (Xuất Tái-Lương Châu Từ) nhưng không nổi-tiếng bằng bài Từ này.

Ta biết là trong đời Đường, kéo dài tới đời Tống và thời “Nam Bắc Triều” (317-580), ở Trung-Hoa, theo Nguyễn-Hiến-Lê, thường loạn-lạc nhất, các rợ (Hồ, Hung-Nô…) nổi lên khắp nơi. Các trai-tráng phải lên đường tùng-chinh và thường ra đi không về. Chiến-tranh liên-miên xẩy ra, nhất là thời “Ngũ Quý” (Ngũ Đại Thập Quốc 907-960).

Lương-Châu Từ (hòa cùng tiếng đàn tỳ-bà) được xem như khúc hát thúc-quân, giúp các chiến-sĩ thêm can-đảm lên đường giệt giặc. Ngày xưa, sau đoàn quân thường có đội quân-nhạc đánh trống hay thổi kèn để giúp các chiến-sĩ thêm can-đảm giã-từ người yêu, hay vợ con lên đường giết giặc.

Cuốn Tự-Học Hán-Văn của GS Lưu-Khôn (Thầy tôi) có bài Từ này, ghi tác-giả là Vương-Hàn, không thấy đề năm sinh và mất. Tôi đã viết từng chữ một bài Từ này cả trăm lần đến thuộc lòng để đi thi (một cách học chữ Hán?), đến nay đã gần 50 năm, không thấy ai tìm-hiểu, hay có mà tôi không biết, xin thành-thật cáo-lỗi. Nay, không biết Thầy tôi trôi-giạt nơi đâu.

Lương Châu Từ (凉 州 词)

Hán

葡萄美酒夜光杯,

欲飲琵琶馬上催.

醉臥沙場君莫笑,

古來征戰幾人回

王翰

Hán Việt

Bồ Đào mỹ tửu dạ quang bôi

Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi

Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

Vương-Hàn

III. Các Bản Dịch: Các bạn nếu có bản dịch nào, xin đóng-góp trên Làng Huệ, chúng ta cùng thưởng-thức.

            Bài Từ Lương-Châu

 1.        Rượu ngon, chén ngọc đây rồi

            muốn say, tiếng nhạc bồi-hồi thúc quân

            Nếu như ngã ngựa phanh thân

            xưa nay chinh-chiến chẳng cần ai lui.

2.         Em hãy rót đầy ly rượu ấm

            trước khi nhạc trổi, đợi ta về

            Nếu say, gục ngã không về được

            chinh-chiến xưa nay mấy kẻ về.

3         Tiếng nhạc gọi ta lên ngựa phi

            rượu ngon đưa tiễn lúc chia-ly

            Lỡ say, có ngủ ngoài biên-ải

            chinh-chiến không về, có ngại chi.

4.         Rượu ngon nhớ rót cho đầy

            muốn nâng ly, nhạc đã bay vào lòng

            Lỡ say, ngủ tại chiến-trường

            xưa nay chiến-trận thề không trở về.

5.         Trước khi nhạc trổi, quân-hành

            Em ơi hãy rót cho anh rượu này

            Ai cười, nếu lỡ ngủ say

            xưa nay chinh-chiến nào ai trở về.

6.         Đưa đây chén ngọc, rượu ngon

            để ta uống cạn, kẻo còn lên yên

            Xin đừng cười nhé bạn hiền

            mấy ai trở lại từ miền chiến-chinh.

7.         Rượu ngon, ly ngọc, ai dám chê

            định uống, tỳ-bà khúc tái-tê

            Nếu ngã thân này, đừng chế-riễu

            bấy nay chinh-chiến mấy ai về.

8.         Rượu ngon, ly ngọc tiễn-chân

            vẳng lên tiếng nhạc thúc-quân lên đường

            Nếu say, nằm ở chiến-trường

            bạn đừng cười nhé nếu không thấy về.

IV. Tham-Khảo:

          - Wikipedia
          - Internets
           -Tự-Học Hán-Văn, Lưu-Khôn, NXB Xuân-Thu, 1965.
          - Từ-Điển Văn-Học (bộ mới), Nguyễn-Khắc-Phi, NXB Thế-Giới, 2004.

                    Hà-Việt-Hùng