"Nếu bệ-hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng!" ** Trần Quốc Tuấn **

CÙ HUY HÀ VŨ

trong thơ Huy Cận và Xuân Diệu

Người yêu thơ, thuộc nằm lòng những bài thơ tình Xuân Diệu và Huy Cận hai thi hào của Việt Nam thế kỷ 20, nhưng ít ai nghiên cứu hai nhà thơ làm nhiều thơ cho trẻ thơ mà Hà Vũ là một nguồn thi hứng của hai nhà thơ hàng đầu Việt Nam, từ lúc trong bụng mẹ, khi chào đời, lúc biết đi, tuổi trẻ thơ của anh là nguồn sáng tạo của cha của bác. Mẹ Hà Vũ là bà Xuân Như, em gái nhà thơ Xuân Diệu, bà có hai con cùng nhà thơ Huy Cận : Hà Vũ và Xuân Bích. Hai người chia tay vì không hợp nhau : « Bố mẹ xa nhau chẳng hợp nhau » Hà Vũ ở với bố và bác, Xuân Bích ở với mẹ. Bà tái hôn và Huy Cận lại kết hôn với bà Trần Lệ Thu một giáo viên dạy Nga văn và có thêm một gái Lệ Duyên và một trai Thu Anh.

Bây giờ anh Vũ đã có cháu nội, nhưng dưới ngòi bút của hai thi hào hàng đầu thi ca Việt Nam hiện đại, tuổi thơ anh vẫn là một hình ảnh đẹp của tuổi thơ Việt Nam.

Từ khi Hà Vũ chào đời, nhà thơ Huy Cận làm rất nhiều thơ cho trẻ thơ, mở ra một thế giới mới trong thơ Huy Cận từ thi tập Hai bàn tay em, Phù Đổng Thiên Vương, đến Ngôi nhà giữa nắng, Hạt lại gieo và rải rác trong các tập thơ khác trong thơ Huy Cận đầy niềm vui tiếng cười trẻ thơ. Có thể nói trước thời tiền chiến trước 1945 thơ Huy Cận là Lửa Thiêng, là Vũ Trụ Ca với những bài thơ Ngậm ngùi, Áo trắng, Trường Giang.. Ông ngừng xuất bản thơ, 16 năm từ năm 1942 sau tập Vũ Trụ Ca, cho đến năm 1958 với tập Trời mỗi ngày lại sáng là tập thơ thứ ba, có lẽ ông quá bận rộn trong các chức vụ, từ hoạt động Phong Trào Việt Minh đến Hội Đồng Chính Phủ : Bộ Trưởng, Thứ Trưởng, Tổng Thanh Tra, lại Bộ Trưởng từ Canh Nông đến Bộ Nội Vụ rồi Bộ Văn Hóa. Ông là người có chức vụ trong Hội Đồng Chính Phủ lâu nhất trong lịch sử từ năm 25 tuổi cho đến khi về hưu, hơn 40 năm.

Là một trong bốn nhà thơ hàng đầu của thi ca Việt Nam thế kỷ 20 : Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mạc Tử, Nguyễn Bính. Ông còn là một nhà hoạt động Văn Hóa Quốc Tế, trong tổ chức Uneco, Hội Đồng Pháp Ngữ, Hội Nhà Văn Á Phi và là người Việt Nam đầu tiên vào Viện Hàn Lâm Văn Học Thế giới năm 2001.

Từ sau khi Hà Vũ chào đời, thơ ông lại tìm được một nguồn sáng tạo mới là tình yêu cho trẻ thơ và cho cuộc đời. Ngôi nhà giữa nắng, nói lên một tâm hồn thanh thản, bình yên. Từ cái tầm thường của cuộc sống hằng ngày, ông đã viết thành những bài thơ tuyệt tác. Mỗi bài thơ Huy Cận là một viên ngọc hoàn hảo, điêu luyện. Bùi Giáng trong đời chẳng phục thơ ai nhưng ông chỉ thán phục có hai người trước có Nguyễn Du và sau có Huy Cận. Mỗi câu thơ của Huy Cận, là một trao chuốt rèn luyện hoàn hảo, hoàn hảo từ một lời bình dị tầm thường, mỗi lời thơ ông viết ra. Thế hệ các nhà thơ thời tiền chiến có những hoàn hảo đó vì trước khi sáng tạo ra Thơ Mới, họ tập luyện rất nhiều thơ Đường Luật, chỉ trong tám câu, thơ bảy chữ mà có thể nói hết được tư tưởng mình.. Ngày nay hiếm thấy bạn trẻ trước khi làm thơ tập luyện thơ Đường Luật, nên thơ không cô động, thơ lê thê dầy những chữ thừa, ý thừa..

Ở Paris, tôi có hân hạnh được dịp tiếp xúc với hai nhà thơ Huy Cận, Xuân Diệu. Có nhiều kỷ niệm, nhiều thơ tặng, sách do chính tác giả đề tặng, thư từ trao đổi, cũng như di cảo nhà thơ Xuân Diệu gửi gắm cho thế hệ mai sau. Huy Cận còn viết một bài tựa cho tập thơ tình của tôi và theo ông trong đời ông chỉ viết tựa cho hai người bạn tri âm tri kỷ là Xuân Diệu và Nhất Uyên. Và sự khuyến khích của ông là một động lực giúp tôi hoàn thành hai công trình lớn chuyển ngữ thơ thi hào Homère : Truyện thơ Odyssée (12110 câu thơ lục bát) và sử thi Iliade (16793 câu thơ lục bát) và chuyển ngữ toàn bộ thơ đường luật chữ Hán Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương.

Tôi say mê thơ Xuân Diệu, Huy Cận từ thuở học trò, làm thơ đăng báo, là thế hệ nhỏ hơn các ông 30 tuổi, gặp các ông, ông hơi ngạc nhiên có người thuộc thơ ông hơn cả ông. Mới gặp tôi gọi ông bằng bác, nhưng nhất định hai ông bắt tôi gọi bằng anh, và cũng gọi tôi bằng anh.

Đến chơi nhà chúng tôi tại Paris, năm 1981 sáng ông dậy sớm viết bài tặng tôi.

TIN XUÂN

Đêm ngủ xa nhà có bạn thơ,

Có giàn sách đẹp mới chen xưa.

Đi đâu chẳng gặp hồn nhân loại,

Còn có lòng tin, có đợi chờ.

Ta muốn bên đèn đọc mãi thôi,

Đọc ngâm thơ bạn, ngấm thơ đời.

Trang thơ bát ngát đèn thêm sáng,

Ai khuất nghìn năm tứ vẫn tươi.

Còn được bao năm sống cõi này ?

Lòng ta ta hỡi mãi mê say.

Sao hôm vừa lặn, sao mai mọc,

Kim cổ tờ thơm thức giữa tay.

Kỷ niệm đêm 12-13/12/ 1981

ở lại nhà anh Nhất Uyên

HUY CẬN

Hai câu 9, 10 sau khi chép tặng tôi, ông điện thoại, chữa lại :

Hé cửa tin xuân tuyết xuống đầy,

Quê nhà đào hẳn thắm hây hây.

Bài thơ trên ông đăng trong tập : Huy Cận . Hạt lại gieo. nxb Văn Học. Hà Nội. 1984.

Sau sự kiện, năm 1956 lần đầu tiên phi hành gia Yougarine đi vào vũ trụ. Nhà thơ Bút Tre ghi sự kiện này : « Chúng ta sung sướng tự hào, Có Du Ga Rĩn đi vào vũ tru », ông đã thêm dấu ngã chữ rin, bỏ dấu nặng chữ trụ, biến thành cái cười sung sướng tự hào. Hà Vũ được cha đặt tên để đánh dấu sự kiện này :

 «  Đặt tên con Hà Vũ.

Ý muốn nói đời con,

sẽ đi vào vũ trụ. » .

Nhưng lớn lên Hà Vũ không trở thành phi hành gia, cũng không thành phi công, dù cha có nhiều giấc mơ vũ trụ, trong Vũ trụ ca và cả những giấc mơ siêu hình : « Trước Thượng Đế hiền từ tôi sẽ đặt, Tim u buồn nguyên khối của trần gian … Nhận tôi đi dù địa ngục, thiên đàng. »

 Nhà thơ Huy Cận có lẽ không thể trách con vì ông không phân biệt địa ngục và thiên đàng, thiên đàng hay địa ngục cũng là một, Cù Huy Hà Vũ không đi vào thiên đàng mà tình thương yêu ông muốn sắp đặt cho con mà anh đi vào địa ngục Thanh Hóa, nổi tiếng khắc nghiệt với bản án 7 năm tù.

Nhà thơ Xuân Diệu lại tiên tri đúng, thơ ông có thần, như đã từng tiên tri từ ngày chia tay người em nuôi, ông từng chăm sóc và cưới vợ cho, Hoàng Cát sẽ để lại một chân nơi chiến trường : « Em ơi, anh thấy như anh đứng.

Ôm mãi chân em chẳng chịu lìa »

(Em đi , tặng Hoàng Cát).

Nhìn Hà Vũ làm toán ông viết :

« Vũ trợn mắt một mình,

Dọa một người tưởng tượng,

Rướn cổ như cải nhau,

Với cái con tính cộng.  » 

Ừ lạ thật, sao Xuân Diệu không bảo Hà Vũ cải với con toán trừ hay toán nhân, toán chia, khó hơn mà bảo là cải với con toán cộng. Nhà thơ Xuân Diệu quả là có đôi mắt « thiên lý nhãn », từ ngày anh còn thơ ấu đã thấy anh là một luật gia, cải với chủ nghĩa cộng sản.

Xuân Diệu còn tiên tri Hà Vũ sẽ đảo lộn cái trật tự ù lỳ, thụ động của xã hội : « Xếp rồi cháu lại đảo lên, Có ngày bác phải mười phen dọn nhà . ». Cực như thế nhưng nhà thơ Xuân Diệu vẫn yêu cháu. Tưởng tượng nếu Xuân Diệu, có một cậu cháu từ tấm bé làm cái gì cũng có đảng kế bên làm giùm, từ lấy một cây bút, đến một quyển vở ; lớn lên đi du học ngoại quốc thì có cha mẹ cũng mướn sẵn tài xế đưa đi học mỗi ngày, vào đảng cũng cha mẹ chạy chọt đưa lên các chức vị, thành ông to bà lớn cũng cha mẹ dọn đường, thì nước non sẽ ra sao dưới sự lãnh đạo của những cậu ấm không có xương sống. Kinh nghiệm chế độ quân chủ qua các triều đại, các vị vua đầu anh minh, đến các vị vua cuối cùng thì thành vua quỷ, vua lợn, vua điên rồi lại nẩy ra loạn lạc , mất công triều đình, nhân dân phải đảo chính, cách mạng để dựng lại một triều đại mới.

Sau khi rời khỏi nhà tù Thanh Hóa sang Mỹ, điều trước tiên là sức khỏe của anh, mong được điều trị tốt đẹp tại Mỹ. Xin chia xẻ cùng độc giả, đùa với những câu thơ lạ lùng trong những bài thơ của cha và của bác anh, những người vẫn theo anh từng bước chân đi từ khi mới chào đời, và vẫn còn theo anh trong hành trình vào tương lai của anh. Mong anh từng bước đi thận trọng trong hành trình tương lai.

ĐƯỢC TIN CON TẬP ĐI

Được tin con tập đi,

Cha mừng không ngủ được.

Cha nằm đếm thầm thì,

Từng bước chân con bước.

Đặt tên con Hà Vũ,

Ý muốn nói đời con

Sẽ đi vào vũ trụ

Thăm sao sáng trăng tròn.

Nhưng con ơi trước nhất

Sống cuộc đời trái đất.

Con tập đi cho ngay,

Đất dày chân bám chặt.

Bước này con theo mẹ.

Bước này con theo cha.

Bước này lại bác bế,

Bước này cháu theo bà.

Con bước cha cùng bước,

Mặt trời cười phía trườc,

Con chim hót sau lưng,

Con bướm vờn bên ngực.

Đi lên Hà Vũ ơi !

Chân con bước vào đời,

Cha chín mùa thơ mới,

Tặng con vần thơ vui.

Cẩm Phả 21-9-1958

Huy Cận . Hai bàn tay em nxb Văn Học Hà Nội. 1967. tr 107-108

BÓNG TRÊN PHỔI CON

Bác chiếu phổi cho con

Cha đứng nhìn con thở

Ngực trong hai bóng tròn

Bóng bệnh trùm con đó.

Bóng đen trên phổi nhỏ

Giếng vực xoáy lòng cha.

Khoảng trời xanh con thở

Quầng hai lỗ xót xa.

Cha, bác lo cho con

Sẽ xóa hai bóng tròn

Trời xanh sẽ trọn vẹn

Thở vào trong ngực non.

Bế con đi về nhà

Con lại đùa mặt cha

Cây bên đường vững chãi

Hoa bao giờ hết hoa.

Thương con, hai bóng đêm

Cứ ám lòng cha mãi

Đêm nay dưới ánh đèn

Bóng lại đè trên giấy.

Cha ghi hai bóng ấy

Để lớn lên con xem

Nhớ ơn bác đã tẩy

Ngực con hai bóng đêm.

Để con yêu những người

Lo giữ gìn sự sống

Lùa đêm và đuổi bóng

Cho sáng trong cuộc đời.

Hồng gai   2-1959

HUY CẬN . Hai bàn tay em tr 109-111

MỖI CHIỀU TỚI ĐÓN CON VỀ

Chiều năm giờ rưỡi ra về

Cổng trường mẫu giáo đề huề bố con.

Con vừa năm tuổi mầm non

Bố ngoài bốn chục vẫn còn tươi xanh.

Con đi theo bố như cành

Bố bên con tựa cây lành ra hoa.

-Bố ơi con ghép được nhà

Cô bày con xếp được ba chiếc thuyền.

Nhà con bốn cửa chống lên

Thuyền con buồm đã nằm trên cột rồi.

Con khoe, con ríu rít lời

Bố nghe bố thấy biển trời rộng thênh

Thấy thuyền con chạy mông mênh

Thấy nhà con mở vàng hanh nắng vào.

Bố con giữa phố rì rào

Cây bên đường cũng thì thào chuyện chi.

1962

HUY CẬN. Hai bàn tay em trang 112, 113.

 

QUẠT CHO CON NGỦ

Con ngủ đi con ! Bố nằm bố quạt.

Bố nghĩ bài thơ vừa đến ban chiều.

Bố có con bên tâm hồn lại mát;

Mây có trời xanh, mây mịn đường thêu.

Bố kể con nghe Vua trời Phù Đổng,

Đêm nằm con mớ: Ngựa sắt bay đâu ?

Bố lên yên đèo con đi lồng lộng

Bố theo con bon vó ngựa ban đầu.

Tuổi bố chín, tuổi con đang hé nở,

Mà nắng trưa xanh hiểu gió bình minh.

Bố mơ thức trăm điều con chưa mớ,

Bố con ta chung một cuộc hành trình.

Đêm khuya khoắt. Đất như tàu vũ trụ

Bay, vút bay, chở cả bố cùng con

Cũng như ngựa sắt vua trời thuở nọ

Bay, ta bay, cao rộng cánh tâm hồn.

Con ngủ đi con ! Bố nằm bố nghĩ

Cho xong bài thơ vừa đến ban chiều.

Ta mơ tiếp những giấc mơ bình dị

Tươi tốt bao đời chưa hết phì nhiêu.

1964

HUY CẬN. Hai bàn tay em tr. 114,115.

Xuân Diệu chỉ có một mối tình là tình yêu với đạo diễn điện ảnh Bạch Diệp, một trong những nhà điện ảnh đầu tiên Việt Nam, hai người cưới nhau, và xa nhau sau 6 tháng sống chung. Để lại cho Xuân Diệu một mối tình đau khổ tuyệt vọng và đau đớn. Ông đã ký thác những tâm sự này cho tôi khi từ năm 1981, ông trao cho tôi toàn bộ di cảo để soạn thành Tự Điển Tình Yêu bằng Thơ Tình Xuân Diệu. Tôi có nhiều thư Xuân Diệu gửi và thơ ông viết tặng tôi. Có cả một tập thơ ông viết tay, ông xếp lại khâu bằng kim chỉ, ông chép tặng tôio. Tình tan vỡ tuyệt vọng là một đề tài lớn trong thi ca Xuân Diệu chưa ai nói đến, tôi sẽ trở lại trong một bài viết khác. Những bài thơ đau đớn này ông không thể thổ lộ lúc ông còn sống, trong hoàn cảnh xã hội đương thời. Xuân Diệu không con, ông dành hết tình yêu cho cháu và cũng là con nuôi của ông là Hà Vũ.

BÁC ĐI XA CHÁU NHỚ GHÊ

Bác đi xa cháu, nhớ ghê

Thằng cu Vũ, bác chưa về được thăm.

Bây giờ cháu đã lên năm,

Từ khi nhỏ xíu cháu nằm trên tay,

Bác rất yêu cái thằng này,

Tưởng như có cháu là hay trên đời.

Bác xem là một con người,

Còn non, đang bú tay, vòi đó thôi ;

Có khi bác đứng bên nôi

Muốn đưa cho cháu cõi đời đẹp hơn.

Bây giờ cháu đã biết khôn,

Bác ngồi làm việc, cháu luôn chạy vào

Bày trò chơi nhởi lao xao,

Đang chơi dở cuộc, lại ào chạy ra ;

Lấy chăn phủ ghế chui qua,

Ngăn bàn thích lục, tranh gà thích xem ;

Xếp rồi, cháu lại đảo lên,

Có ngày bác phải mười phen, dọn nhà ;

Khi gần bác giận bác la,

Đi xa bác lại nhớ mà rất thương.

Chiêm bao thấy cháu đến trường

Bác hôn mặt Vũ như gương sáng bừng.

Hôm về bác cháu ta mừng,

Bác cho trăm thứ trong rừng Quì Châu.

Quì Châu 20-5-1963

XUÂN DIỆU. Tự Điển Tình Yêu tr 190.

CON LÀM TOÁN

Con ngồi làm phép tính,

Bố đang viết bài văn.

Hôm nay Vũ nghịch ngợm,

Nét mặt vờ nhăn nhăn.

-«  Chao ! khó ôi là khó !

Khó quá đấy, bố ơi,

Tám chia ba được mấy ?

.. Còn hai, Vũ biết rồi !

“Tôi hạ con sáu xuống

Hăm sáu mấy lần ba ?

Bố mua cho Vũ ổi,

Vũ còn thèm cả na.”

Vũ trợn mắt một mình,

Dọa một người tưởng tượng;

Rướn cổ như cải nhau

Với cái con tính cộng.

Cái môi trên bị hở

Mấy răng cửa quá to,

Nó cứ chúm miệng lại,

Nhìn có duyên không ngờ.

Giống nội mlặt chữ điền,

Hở môi giống bên ngoại,

Ai khéo đẻ chú người

Bố muốn hôn một cái.

Vũ đang làm dở toán

Bổng chốc đã quay sang,

Nặn cái mũi bằng bột

Vểnh cao hơn mũi thường.

Bố gọi Vũ giật mình

Đếm trên tay lãi tính

Gật đầu đắc ý cười,

Mắt như con sáo tỉnh.

Năm tháng sau vẫn nhớ,

Buổi sáng Vũ làm trò

Một trăm điệu nhăn nhó

Trên khuôn mặt hiền thơ.

TS Phạm Trọng Chánh

18-8-1967

Thơ Xuân Diệu. Tự điển tình yêu bằng thơ tình Xuân Diệu..