"Con nhà tướng không được khiếp nhược trước quân thù." ** Bùi Thị Xuân **

 

Bằng Cấp, Học Vị và Tước Vị Đại Học

(Phần 1) 

 

16ahvhien --- bch1 

 Tiến sĩ tân khoa vinh quy bái tổ

Giấc Nam Kha khéo bất bình...

Vừa rồi các bạn cùng lớp tôi ở trường Y khoa thuộc Viện Đại học Sài Gòn họp lớp tại California kỷ niệm 50 mươi năm (1965-2015) ngày chúng tôi rời trường trung học để thi vào y khoa. Nhiều người đã từ giả cỏi đời, một số trong chiến tranh, hay vì những lý do khác, nhất là bịnh tim và ung thư, những người khác đang hành nghề khám bịnh phòng mạch tư hay nhà thương Mỹ, vài người làm giáo sư y khoa, hay đã vể hưu, làm từ thiện hay phấn đấu để... sống tiếp. Trong nửa thế kỷ, ngành y khoa đã thay đổi nhiều, nhất là người Việt chúng ta có đến mấy nền y khoa: y khoa trước 1954, YK  trước 30/4/1975, sau 1975; ở hải ngoại có y khoa Mỹ, Canada, Pháp, Úc, vân vân.Tôi thường đọc tin trong nước về tiến triển của ngành y khoa cũng như những ngành khoa học khác để xem học thuật trong nước đang thay đổi như thế nào.  Nhân dịp này xin nói về một số chuyện đáng để ý thời đó, cũng như một số chuyện mới đây, phần lớn là ở Mỹ để chúng ta thấy danh xưng, bằng cấp cũng thay hình đổi dạng không kém gì phù vân..

Từ "Tiến sĩ" đến "Doctor", “Ph. D.”, Giáo sư

Từ “tiến sĩ “ gốc từ chữ Hán "tiến" có nghĩa là đề cử người tài để giúp cho vua, do đó chỉ một tước vị dành cho những chức vụ hành chánh. Trong lúc đó từ "doctor" hay "docteur" của tây phương, gốc từ chữ la tinh "docere" là dạy học, doctor" là người dạy học (teacher), chỉ những người trong một ngành nào đó mà trình độ chuyên môn đã đạt tới mức dạy cho người khác, huấn luyện cho người khác trong nghề mình, hay trong giáo hội công giáo, người thầy về tôn giáo, thần học. Ph. D. hay Philosophy Doctor  cũng vậy, hiểu theo nghĩa ngày xưa "philosophy" không chỉ là triết học không thôi, mà bao gồm cả các ngành khoa học của chúng ta hiện nay. "Philosophy" nghĩa gốc là "yêu kiến thức, học hỏi": gốc Hy lạp philo là yêu, thích; sophy (sophia) là khôn ngoan, hiểu biết, kiến thức, wisdom, knowledge. Trong tiếng Pháp, tiếng Anh xưa (tk 12-13) philosophie có nghĩa là kiến thức (knowledge, a body of knowledge, bao gồm luôn kiến thức "khoa học" về vật thể hiện nay). Ví dụ, thời các nhà bách khoa "encyclopediste" thế kỷ thứ 18 tại Pháp, các nhà khoa học viết cuốn Tự điển Bách Khoa (Encyclopédie) đầu tiên được gọi là "philosophes". "Philosophe" Jean le Rond d'Alembert (1717-1783), cùng biên tập Tự điển Bách khoa với Diderot là một nhà vật lý, toán học, cơ học nổi tiếng. Sau này, vì các đại học càng ngày càng hướng về ngả khoa học và khảo cứu, "doctor" như trong Ph.D. (Philosophy Doctor) càng ngày càng mang màu sắc của hoạt động khảo cứu (research doctor) và dạy đại học.

"Professor", hay "professeur" tiếng Pháp, do gốc chữ la tinh profiteri nghĩa là "tuyên bố, công bố" (to profess, to declare publicly) là mình đủ khả năng để dạy một môn nào đó, là một loại thầy giáo hạng nhất. Trong tiếng Pháp, thầy tiểu học gọi là instituteur, do từ institution. Họ là những người Napoleon giao cho trách nhiệm phổ biến cho giới trẻ tiếng Pháp theo chuẩn mới, văn hoá mới của "institution" (tổ chức, "thể chế") mới. Giáo sư trung học Pháp gọi là professeur, tuy nhiên họ không mang tước hiệu Professeur X, Professeur Y, như giáo sư đại học. Trên danh thiếp, ví dụ sẽ ghi Jean Martin, theo sau xuống hàng là Professeur de francais. Ở miền Nam trước 1975, giống như Pháp, phân biệt người dạy tiểu học là giáo viên (như instituteur) và giáo sư trung học là giáo sư, thường là người tốt nghiệp cao đẳng hay đại học sư phạm, hay có bằng cấp cử nhân (dạy lớp đệ thất trở lên). Mỹ thì khác, chỉ gọi “giáo sư” trung học là  teacher, vd French teacher, cũng như ở Việt nam hiện nay gọi là giáo viên. Đại học ngày xưa có  giáo sư thạc sĩ, giáo sư thục thụ (mang tước vị suốt đời). Ở Mỹ thì có assistant professor (phụ tá), associate professor (phó giáo sư, giáo sư cọng tác) và (full) professor.

Tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức không có từ bác sĩ. Tự Điển Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh (1932) định nghĩa: “Bác sĩ (bác=rộng): Học vị cao nhất: Sau khi  nghiệp ở Đại-học-hiệu, lại trải nghiệm nghiên cứu mấy năm, nếu có trước-tác đặc xuất thì được chức bác-sĩ (Docteur).”

Google translate dịch "doctor" là "y sinh" 醫生 (các bịnh nhân người Hoa Quảng Đông gọi tôi là "y-xưng"), dịch physician là "y sư" 醫師, và dịch tước vị "Dr" hay "PhD” là "bác sĩ" 博士.

Ở Việt Nam "bác sĩ"  chỉ dùng để gọi bác sĩ y khoa và chúng ta có "tiến sĩ" để gọi trước tên các doctor/docteur khác. Theo wikipedia : "Bác sĩ" là từ Hán Việt. Chữ Hán "博士" hợp thành từ "博", chỉ sự sâu rộng về kiến thức (như trong "uyên bác", "bác học"), và "士", chỉ người trí thức. Cả hai yếu tố này đều không có liên tưởng gì về ngành Y, nên việc dùng từ "bác sĩ" để chỉ người làm nghề Y trong tiếng Việt là sai lầm. Thực tế trong các ngôn ngữ sử dụng từ gốc Hán khác, "bác sĩ" là từ chỉ một học vị, mà người Việt gọi là "tiến sĩ".”  Theo tôi nghĩ, đây không phải là một việc "sai lầm", vì nghĩa các từ thay đổi theo thời gian, có thể tách rời nghĩa gốc; có lẽ ngày xưa mới bắt đầu bị Pháp đô hộ, các thầy thuốc tây y là những người đầu tiên được gọi là "docteur"(en medecine) nên có lẽ chúng ta dùng từ Hán Việt đang sẳn có, mà không phân biệt loại docteur gì, y khoa hay ngành khác.

Ở Mỹ, ai có bằng "docteur" dù là PhD, MD, hay những ngành khác của ngành y tế đều dùng tên gọi "doctor" trước tên mình. Hiệu trưởng trường trung học có bằng PhD in Education muốn học sinh gọi mình là Dr Smith, Dr Nguyen...Người Mỹ gọi Dr Martin Luther King vì ông có bằng PhD về systematic theology do Đại học Boston cấp năm 1955.(Xin mở ngoặc để nhắc đến một chi tiết thú vị, đến tận năm 1991, người ta điều tra và thấy luận án ông có đạo văn nhiều đoạn, và một bức thư kèm theo luận án của ông tại đại học Boston ghi rõ là có nhiều đoạn không được ghi rõ xuất xứ).

Bằng cấp và tước vị đại học ở Việt nam

Một điểm thú vị là người có bằng cấp và tước vị đại học ở Việt nam hiện nay rất đông, không những so với thời chúng tôi đi học. Có chừng 24.000 tiến sĩ (PhD) tại Việt nam, có lẽ đông bằng số sinh viên đại học Sài Gòn 50 năm trước đây. Hiện nay có chừng 480 trường đại học y cao đẳng; trong 60.000 giảng viên đại học, chừng 15% là có bằng tiến sĩ, nghĩa là chừng  một vạn (10.000) tiến sĩ, có lẽ được đào tạo từ cả chục nước khác nhau, kể cả trong nước, với bằng cấp “tư bản” cũng như “xã hội chủ nghĩa”. Giáo sư cũng rất đông, nhưnggiáo sư là một chức danh của một Hội Đồng Chức Danh Giáo sư Nhà Nước (HDCDNN) cấp, tựa như một cái bằng danh dự, cho một số người rất nhỏ, quá tuổi trung niên, thường là "cây đa cây đề". Nay HDCDNN đã chuyển sang cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, còn việc công nhận chức danh chuyển cho nhà trường đại học. Trên thực tế trên 60% các vị giáo sư này không làm nghiên cứu hay giảng dạy mà đa số không làm việc gì liên quan đến đại học.

Một tranh luận khá thú vị đang diễn ra tại Việt Nam là  trường Đại Học Tôn Đức Thắng, khá mới, đang muốn “nhảy rào”, và tự "bổ nhiệm" giáo sư cho mình mà không cần qua cơ chế nhà nước, nghĩa là làm theo  lối các trường đại học Anh, Mỹ, Úc, trường đại học được tự chủ, tự quản trị , và bổ nhiệm giáo sư của mình; và cái "tít" giáo sư  đó phải kèm theo sau tên của đại học bổ nhiệm mình, chỉ tồn tại ngày nào mà người đó còn phụ trách giảng huấn trong đại học đó, chứ không phải để kèm theo tên mình suốt đời. Chuyện này làm tôi nhớ lại các trường phái khác nhau trong các trường đại học của VNCH thời 1965-1975, lúc mà các trường phái theo Tây, theo Mỹ, hay không theo bên nào (ví dụ Đại Học Minh Đức của Công giáo, ĐH Hoà hảo) cũng rất lộn xộn. Thời tôi còn đi học tại Đại học Y khoa  Sài Gòn (1965-1972), tiến sĩ quốc gia (Docteur d’Etat), tiến sĩ đại học (Docteur d’Université), tiến sĩ đệ tam cấp (Docteur du troisieme cycle), thạc sĩ (agrégé), docteur của Sorbonne (Pháp), PhD của Mỹ  tranh dành ảnh hưởng, thay đổi chức danh, địa vị, có khi đưa đến thảm kịch, chết người trong buổi giao thời giữa hai nên giáo dục mới (Mỹ) và cũ (hậu thuộc địa kiểu Pháp).

"Vùng Giáo Dục Châu Âu": Bologna Agreement

Đó là chưa kể bằng cấp của Germany (Đức), Belgique, Anh, Ý còn phức tạp hơn nữa. Cũng may, hiện nay có sự đồng nhất lớn hơn trong hệ thống đại học châu Âu. Năm 1999, 27 nước châu Âu thiết lập "The Bologna Process" lúc các bộ trưởng giáo dục đồng ký thoả hiệp Bologna (Bologna Agreement), tạo nên một "Vùng Giáo Dục Châu Âu", hiện nay gồm có 45 nước tham dự, với mục tiêu là thống nhất cách tổ chức đại học và cao đẳng rất rời rạc của các nước trong nhóm, đều là những nước có truyền thống đại học rất lâu dài, thống nhất hệ thống bằng cấp gọi là "Bologna Diplomas". Học trình chia ra thành 3 cycle:[1] Bachelor's, học 3-4 năm [2] Master's 2-3 năm và [3] Ph.D., rất gần với hệ thống bằng cấp Mỹ, do đó giúp cho các trường Mỹ dễ so sánh và đánh giá bằng cấp, thành tích các sinh viên chuyễn trường từ châu Âu qua Mỹ hay ngược lại. Đồng thời chia giai đoạn kiểu này cũng giúp những người đi học từng khúc ngắn (3-4 năm) mà vẫn được giá trị các tín chỉ của mình, không như trước đây, nếu học dang dở , ví dụ 3-4 năm trường y khoa ở Pháp (học trình 7 năm) hay Việt Nam trước 1975, thì không được chứng chỉ, bằng cấp gì cả..

BS Hồ Văn Hiền

Ngày 30  tháng 12 năm 2015

Thống-Kê Vào Làng

Viet Nam 58.6% Viet Nam
United States of America 33.6% United States of America
Canada 3.0% Canada
Japan 2.2% Japan

Total:

17

Countries
360001472
Today: 80
Yesterday: 149