"Đem đại-nghĩa để thắng hung-tàn. Lấy chí-nhân mà thay cường-bạo." ** Bình Ngô Đại-Cáo **

 

Năm Thìn Nói Chuyện Rồng

 

NamRong1 HVH

Hình 1: Rồng trên ấn vàng Hoàng đế chi bảo của Vua Minh Mạng, được Việt Nam mua lại và đem từ Pháp về với giá trên 6 triệu Euro năm 2023.

Nguồn gốc con rồng trên thế giới
Trong truyền thuyết và truyện dân gian, rồng có những phép thuật - tuy nhiên những nhà tự nhiên học thời kỳ đầu thường coi những sinh vật này như một phần của thế giới tự nhiên nghĩa là có thật. Các nhà sinh vật học ở châu Âu đã từng viết về hành vi và môi trường sống của loài rồng, cùng với thằn lằn và rắn. Các học giả Trung Quốc đã xếp rồng vào một trong 369 loài động vật có vảy. Rất lâu trước sự phát triển của cổ sinh vật học, người ta đã khai quật được xương hóa thạch ở châu Á và châu Âu - và tin rằng họ đã tìm thấy hài cốt của loài rồng từ thời xa xưa hơn.
Trên thế giới người ta có nhiều giả thuyết về nguồn gốc con rồng. Theo các học giả, ý niệm rồng có lẽ đã phát triển độc lập ở cả Châu Âu và Châu Á, và có thể cả ở Châu Mỹ và Úc, có thể xuất phát từ những sinh vật sau đây:

1)Khủng long. Người cổ đại có thể đã phát hiện ra hóa thạch khủng long và hiểu lầm chúng là hài cốt của loài rồng. Chang Qu, một nhà sử học Trung Quốc từ thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, đã thấy một bộ xương hóa thạch như vậy ở tỉnh Tứ Xuyên ngày nay và tưởng là xương rồng. Ví dụ, con Stegosaurus hóa thạch khổng lồ có chiều dài trung bình là 30 feet, thường cao 14 feet và được bao phủ bởi các tấm bọc thân dày và nhiều gai để phòng thủ.

NamRong2 HVH

Hình 2: Xương Stegosaurus ungulatus do Marsh vẽ năm 1891 (Nguồn: Wikipedia)

2)Cá sấu. Có nguồn gốc từ châu Phi cận Sahara, cá sấu sông Nile có thể đã có phạm vi phân bố rộng hơn vào thời cổ đại, có lẽ đã truyền cảm hứng cho truyền thuyết rồng châu Âu bằng cách bơi qua Địa Trung Hải đến Ý hoặc Hy Lạp. Chúng là một trong những loài cá sấu lớn nhất, với những cá thể trưởng thành dài tới 18 feet — và khác hầu hết các loài khác, chúng có khả năng thực hiện một chuyển động làm thân mình nó được nâng lên khỏi mặt đất. Một con cá sấu khổng lồ, chậm chạp có thể giống như một con rồng.
Đối với thế giới dùng chữ Hán có thể là con rồng giao long ở dưới nước thường gây sóng gió lật đổ thuyền bè. Theo tiền Hán Thư thì vua Hán Vũ Đế bắn được một con giao long ở sông Dương Tử có bốn chân và cổ có vẩy. Các nhà khảo cổ và khoa học cho rằng rồng ở dưới nước có nguồn gốc phát xuất từ con cá sấu, sống lâu năm ở ven biển vùng Đông Nam Á. Chữ rồng của ta mượn chữ Long bên Tàu. Trên nhiều trống đồng thời văn hóa Đông Sơn có rất nhiều hình cá sấu. Vào năm 1958 ở Hòa Bình có một trống đồng trên mặt trống có hình 6 con cá sấu.

NamRong3 HVH

Hình 3: Chi tiết hình cá sấu với những gai nhọn ở đầu và gáy thể hiện rõ tính thiêng của chúng trong tư duy tín ngưỡng của người Đông Sơn (Nguồn: Bảo tàng lịch sử VN)
(https://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3101/73956/djem-djem-ri-ram-trong-tieng-djat-ech-va-ca-sau-thu-thieng-djong-son.html)

3)Goanna. Úc là nơi sinh sống của một số loài thằn lằn, còn được gọi là Goannas, do người da trắng đến định cư tưởng nó là con thằn lằn iguana bên Châu Mỹ. Những loài động vật săn mồi to lớn này có hàm răng và móng vuốt sắc như dao cạo, chúng là những nhân vật quan trọng trong văn hóa dân gian truyền thống của thổ dân. Một câu chuyện phổ biến kể rằng vết cắn của goanna được truyền một loại nọc độc cực mạnh, không thể chữa khỏi và năm sau vết cắn (hoặc bảy năm một lần), vết thương lại bùng phát. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu bò sát thường tin rằng goannas không có nọc độc và bệnh kéo dài do vết cắn của chúng chỉ là do nhiễm trùng và nhiễm trùng máu do nước bọt của chúng chứa đầy vi khuẩn từ xác chết và các nguồn thực phẩm khác. Tuy nhiên, vào năm 2005, các nhà nghiên cứu tại Đại học Melbourne công bố rằng các tuyến nọc độc trong miệng đã được tìm thấy ở cả goanna và cự đà (iguana). Ít nhất là ở Úc, những sinh vật này có thể là nguyên nhân gây ra huyền thoại về rồng. Rồng Komodo, ở trên một số đảo của Indonesia, dài đến 3 mét và nặng đến 150 kí lô, là bà con của goanna, cùng trong gia đình “monitor lizard”.

NamRong4 HVH

Hình 4: Xương sọ Komodo Dragon (Nguồn: Wikipedia)

4) Cá voi. Có người cho rằng các loài động vật cỡ lớn như cá voi đã gợi lên những câu chuyện về rồng. Người cổ đại nhìn thấy xương cá voi sẽ không có cách nào biết được loài động vật này sống ở biển, và ý tưởng về những sinh vật khổng lồ như vậy có thể khiến mọi người cho rằng cá voi là loài săn mồi. Bởi vì cá voi sống dành tới 90% thời gian ở dưới nước nên chúng chưa được hiểu rõ trong phần lớn lịch sử loài người.
“Quái vật hồ Loch Ness” là một sinh vật huyền thoại trong văn hóa dân gian Scotland được cho là sinh sống ở hồ Loch Ness ở Cao nguyên Scotland, thường được mô tả là to lớn và cổ dài, với một hoặc nhiều bướu nhô ra khỏi mặt nước. Lời tường thuật đầu tiên về con quái vật có từ tiểu sử của Thánh Columba vào thế kỷ thứ 7, và truyền thuyết bắt đầu phát triển vào năm 1933 sau khi một cặp vợ chồng cho biết đã nhìn thấy một con vật to lớn mà họ so sánh với một "con rồng hoặc quái vật thời tiền sử". Thuyết mới nhất cho rằng đây là một con lương ( eel) khổng lồ. Tuy nhiên, cộng đồng khoa học vẫn không chấp nhận là nó có thật. Như con rồng của chúng ta, nó vẫn là một sản phẩm văn hóa dân gian và thần thoại.

NamRong5 HVH

Hình 5: Hình “Nessie”“chụp “ năm 1934 đã bị lật tẩy chứng minh là giả tạo.

5) Não bộ người. Lời giải thích hấp dẫn nhất liên quan đến một loài động vật bất ngờ: con người. Trong cuốn sách “Bản năng của rồng”, nhà nhân chủng học David E. Jones lập luận rằng niềm tin vào rồng rất phổ biến trong các nền văn hóa cổ đại bởi vì quá trình tiến hóa đã khắc sâu nỗi sợ hãi bẩm sinh về những thú săn mồi /predator vào tâm trí con người. Giống như những con khỉ đã được chứng minh là có biểu hiện sợ rắn và mèo lớn, Jones đưa ra giả thuyết rằng đặc điểm sợ những thú săn mồi lớn - chẳng hạn như trăn, chim săn mồi và voi - đã được có sẵn ở hominid (bao gồm khỉ đột, đười ươi và người). Ông lập luận rằng trong giai đoạn gần đây, những nỗi sợ hãi phổ quát này thường được kết hợp trong văn hóa dân gian và tạo ra huyền thoại về con rồng.

Rồng Ta và Rồng Tây
Và chúng ta cần nói rõ, rồng chúng ta không giống rồng tây phương. Trong văn hóa Tây phương, con rồng (dragon) thường không linh phải là linh vật và dữ hơn. Rồng Tây được mô tả là những con thú lộng lẫy có thân hình của con rắn lớn, miệng phun lửa và bay được với đôi cánh lớn. Chúng có đôi chân để tự đứng vững. Một số còn có cánh tay nhỏ giống T-rex để tóm lấy kẻ thù.
Những sinh vật thần thoại này sống ở những nơi bí ẩn như biển sâu, đầm lầy hẻo lánh hoặc núi lửa đang hoạt động. Đôi khi chúng sống ở vùng núi hiểm trở hoặc hang động tối tăm. Đó là lý do tại sao các anh hùng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm chúng. Nhưng khi hai bên đã gặp nhau tại hang rồng, một cuộc tranh đấu khốc liệt xảy ra như cuộc chiến của Hercules với Hydra, trong thần thoại Hy Lạp. Vua Eurystheus đã ra lệnh cho Hercules giết con hydra bảy đầu quái dị, một con rắn nước đang tàn phá vùng nông thôn. Tuy nhiên, ngay khi Hercules chặt đứt một cái đầu, hai cái đầu khác lại xuất hiện ở vị trí của nó. Với sự giúp đỡ của một người bạn đồng hành, Hercules cuối cùng đã giết chết sinh vật này bằng cách đốt cổ nó bằng lửa ngọn đuốc.

NamRong6 HVH

Hình 6: Con Rồng tây trên cờ xứ Wales ( United Kingdom)

Tuy được coi là kẻ ác, rồng Tây vẫn được hâm mộ vì chúng được coi là biểu tượng của trí thông minh và sự bảo vệ trong chiến tranh vì chính những khả năng của chúng . Một ví dụ điển hình là truyện Iliad của Homer, trong đó vị vua trong câu chuyện đã sử dụng một chiếc khiên có vẽ một con rồng trên đó. Quốc huy và quốc kỳ của xứ Wales cũng có biểu tượng con rồng. Gần đây hơn, công ty SpaceX của thiên tài kiêm tỷ phú Elon Musk đã dùng tàu vũ trụ Crew Dragon của mình đem hai phi hành gia NASA đến trạm vũ trụ quốc tế vào năm 2020. Trước đó Mỹ đã phải dựa vào tên lửa của Nga để đến Trạm này. Hiện SpaceX là đối tác khu vực tư nhân chính trong sứ mệnh mặt trăng của NASA.

NamRong7 HVH

Hình 7: Rồng VN thời Lý

Vì vậy, nhận thức phụ thuộc vào văn hóa và bối cảnh của mỗi đất nước, và chắc chắn sẽ thay đổi theo thời gian. Với dòng lịch sử và các nền văn hóa thay đổi, hình ảnh những con rồng độc ác đã chiếm ưu thế về mặt ảnh hưởng trong những năm sau đó. Đây là lý do tại sao rồng phương Tây được miêu tả như những sinh vật hung dữ trong các câu chuyện giả tưởng ngày nay.

NamRong8 HVH

Hình 8: Rồng VN thời Trần

Rồng phương Đông ngược lại được biết đến như những sinh vật thần thánh mà sự tồn tại của chúng mang lại lợi ích cho con người . Từ góc độ này, rồng được tôn kính hơn là những con thú mà kẻ anh hùng cần chiến đấu để trừ khử.

Môi trường sống của rồng trong văn hóa phương Đông là bầu trời, không khí, nước hoặc dưới lòng đất. Chúng đóng vai trò bảo vệ và quản lý những nguyên tố này, điều này đã củng cố hình ảnh của chúng là những sinh vật nhân từ trong văn hóa châu Á. Điều này cũng dẫn đến việc rồng phương Đông trở thành biểu tượng của hoàng gia và quyền lãnh đạo.

NamRong9 HVH

Hình 9: Cờ lệnh của Hoàng đế triều Nguyễn, sử dụng trong lễ nghi, các chuyến công du... Tồn tại từ 1802 đến 1955. (nguồn Wikipedia)

Nếu tra từ điển Hán-Việt của Đào Duy Anh, chúng ta thấy “Long” còn có nghĩa là vua; long bào hay long cổn là áo vua mặc; Long bội tinh là một huy chương của vua ban (ordre imperial du dragon d’Annam); long châu hay long thuyền là thuyền của vua; long chủng: con cháu nhà vua; long dá [sic]: xe vua; long nhan: mặt vua; long sàng: giường vua.
Ngoài trí tuệ, loài rồng phương đông còn có sức mạnh điều khiển các nguyên tố mà chúng canh giữ. Trong nhiều nền văn hóa châu Á như Trung Quốc và Nhật Bản, rồng thường gắn liền với nước. Người ta cho rằng chúng mang lại lượng mưa cần thiết cho việc trồng trọt. Ngược lại ngày xưa người ta cho rằng trời tối lúc nhật thực vì mặt trời bị con rồng nuốt, và thiên hạ phải đánh chiêng trống để con rồng nhả mặt trời ra. Vì những khả năng và trí tuệ đáng kinh ngạc này, những con rồng phương đông có sức mạnh khiến sinh kế của con người trở nên thịnh vượng hay suy tàn.

NamRong10 HVH

Hình 10: Rồng kiểu Trung Hoa trên một ngôi chùa ở Trung Quốc, có đầu và mõm khá dài, mũi nhỏ so với Rồng Việt Nam (Nguồn Wikipedia)

Rồng Việt và Rồng Trung Hoa
Cũng nên để ý rằng, với tinh thần dân tộc đang dâng cao tại Việt Nam, các học giả Việt cũng thường nêu ra những điểm khác biệt giữa rồng Việt và rồng Trung quốc, nhất là khen “rồng Việt Nam “thông thái, vui vẻ, đạo mạo”, không dọa nạt, kiên cưỡng” như rồng Tàu có đầu và mõm khá dài, mũi nhỏ, mắt lồi nhỏ, râu và vây bờm khá thưa thớt, thân thể thô cứng thiếu uyển chuyển, như trong đoạn sau trích từ Wikipedia tiếng Việt:

“Nhìn chung, Rồng Việt Nam luôn có những mô-típ rõ ràng đặc trưng:
Rồng là con vật có sự kết hợp của nhiều loài vật khác nhau, cách giải thích phổ biến là 9 loài: đầu hổ, sừng hươu, mắt thỏ, tai bò, cổ rắn, bụng ếch, vây cá chép, móng chim ưng, bàn chân của hổ. Thân rồng uốn hình rắn, hay gần như hình sin 12 khúc, đại diện 12 tháng trong năm, biểu trưng cho sự thay đổi thời tiết năm tháng, sự trù phú và phồn vinh của nền văn hóa nông nghiệp lúa nước. Thân mềm mại uốn lượn thể hiện sự biến hóa và khả năng thay đổi, dịch chuyển thiên nhiên của con rồng cai quản thời tiết, mùa màng. Trên lưng có vảy nhỏ liền mạch và đều đặn.
Miệng rồng luôn ngậm viên châu, trong khi ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc rồng hay cầm ngọc bằng chân trước. Viên châu tượng trưng cho tính nhân văn, tri thức và lòng cao thượng. Đầu rồng luôn hướng lên đớp lấy viên ngọc thể hiện tinh thần tôn trọng các giá trị nhân văn cao quý, theo đuổi sự uyên bác và tinh thần cao thượng. Đầu vuông, mõm rồng ngắn, mũi to nét mặt thông thái vui vẻ, đạo mạo không hề mang tính dọa nạt kiên cưỡng như rồng Trung Hoa hay rồng Nhật Bản mõm dài, mũi nhỏ nhe nanh đầy dọa nạt.”

NamRong11 HVH

Hình 11: Rồng thời Lê tại nền Điện Kính Thiên, Hoàng thành Hà Nội (nguồn: Wikipedia).

Hà Nội đang dự tính xây lại ( phục dựng) Điện Kính Thiên trên nền hiện nay có một ngôi nhà lớn của thời thuộc địa Pháp. Chi phí 1800 tỷ đồng (chừng 74 triệu đô la Mỹ). Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Điện Kính Thiên được xây dựng năm 1428, đời vua Lê Thái Tổ và hoàn thiện vào đời vua Lê Thánh Tông. Đây là di tích trung tâm trong tổng thể các di tích của khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.

Thuốc men: xương rồng và máu rồng
Riêng về y học, không ngạc nhiên khi chúng ta ít thấy liên hệ nào giữa con rồng và y khoa. Rồng thường được coi là biểu tượng cho sức mạnh nam giới và thường được ghép đôi với con phượng, tượng trưng cho sự thanh nhã của người phụ nữ, tượng trưng cho sự hài hòa, cân bằng trong cuộc sống.
Rồng đã được liên kết với y học trong nhiều nền văn hóa khác nhau. Trong y học Trung Quốc, “xương rồng” được sử dụng để điều trị các bệnh như điên loạn, tiêu chảy và kiết lỵ.
Qua nhiều thế kỷ, ở Trung Hoa, “xương rồng” vẫn được cho là của rồng. Mãi đến sau năm 1950, người ta mới bắt đầu điều tra bản chất thực sự của những bộ phận được gọi là của “rồng” này. Người ta thấy chúng chủ yếu là xương và răng hóa thạch của nhiều loài động vật có vú khác nhau: một số trong số đó là động vật đã tuyệt chủng, số khác thuộc loài hiện đại. Hầu hết các hóa thạch có khả năng được hình thành trong phần sau của thời kỳ băng hà (khoảng 20.000 đến 12.000 năm trước).
Vật liệu “xương và răng rồng” đem về từ chợ được một số viện nghiên cứu của Trung Quốc phân tích. Các nhà nghiên cứu không thể xác định một cách tự tin hầu hết các vật liệu, nhưng họ tìm thấy là nguồn gốc là các con vật sau đây:

● Voi: từ Stegodon cổ đại (voi răng kiếm chân dài) đến voi ma mút lông xù.
● Tê giác: chủ yếu là loài tê giác đã tuyệt chủng từ lâu, có kích thước lớn, nhiều lông và có sừng đôi dài (double horn).
● Hipparion: một con ngựa ba ngón cổ xưa
● Xương và răng của lạc đà thời kỳ đầu.
● Linh dương (gazella) : Linh dương phổ biến vào cuối kỷ băng hà và bị con người săn lùng.
● Các động vật khác, chẳng hạn như dê núi và cừu, hươu và trâu cũng góp phần tạo ra vật liệu hóa thạch.

Gần đây, dân làng ở Hà Nam, miền trung Trung Quốc từ mấy chục năm nay đã đào xương mà họ tin là của rồng bay và sử dụng các xương này trong các loại thuốc truyền thống. Hóa ra xương thuộc về các khủng long thời tiền sử và hiện các nhà khoa học đang tiến hành khai quật. Những hóa thạch này vẫn được bán ở tỉnh Hà Nam dưới dạng “xương rồng” với giá khoảng 25 xu một pound. Xương giàu canxi đôi khi được đun sôi với các thành phần khác và cho trẻ em ăn để chữa chóng mặt và chuột rút ở chân, hoặc được nghiền nhỏ và biến thành cao bôi trực tiếp lên các chỗ gãy xương và các vết thương khác.
Gần đây đã khai quật được một con khủng long ăn thực vật dài 60 feet ở huyện Nhữ Dương (Ruyang), Hà Nam, sống cách đây 85 triệu đến 100 triệu năm. Năm 2006, khi dân làng phát hiện ra xương là của khủng long, họ đã giao lại cho nhóm khai quật 440 cân xương này để nghiên cứu. Trong hai mươi năm trước, dân làng đã đào được khoảng 1 tấn xương.

NamRong12 HVH

Hình 12: Mẫu răng rồng (trên) và xương rồng (dưới) thuộc loại dạng hoa (variegated). Toàn bộ miếng thường lớn hơn nhiều và được chia nhỏ để sử dụng trong hiệu thuốc, ờ đó chúng thường được nghiền nát để làm bột.

Trong truyền thống châu Âu và Trung Đông, “máu rồng” (dragon blood, tiếng Pháp là sang-dragon, hay sang de dragon) không phải là máu của một sinh vật nào giống con rồng mà có nguồn gốc thực vật.
Sang-dragon là một chất nhựa màu đỏ được sản xuất bởi nhiều loài thực vật khác nhau, được sử dụng từ thời Cổ đại Hy Lạp-La Mã làm dược liệu và chất tạo màu. Việc sử dụng nó lan rộng với sự mở rộng của dược lý châu Âu, Ả Rập và thậm chí cả Trung Quốc đến phần lớn thế giới trong gần hai thiên niên kỷ.
Vào thời cổ đại, loại dược liệu này được lấy từ những cây một lá mầm thuộc chi Dracaena (genre Dracaena, có nhánh giống như những con rắn bò), khi cây bị thương sẽ tạo ra một loại nhựa phenolic có khả năng ngăn chặn sự lây lan của mầm bệnh. Các nhà dược học thời cổ đại, chẳng hạn như Dioscorides, đã sử dụng các đặc tính của loại nhựa này mà họ gọi là "máu rồng", như chất chống xuất huyết và kháng khuẩn để điều trị vết thương. Kiến thức về đặc tính làm se (astringent) và chống xuất huyết của máu rồng đã được lan truyền ít nhiều cho đến thời Phục hưng, nhưng phương thuốc này rất hiếm và đắt tiền.
Từ thế kỷ 15 trở đi, những cuộc thám hiểm hàng hải vĩ đại của châu Âu phần lớn được hướng dẫn bởi mong muốn tìm kiếm các loại gia vị và các phương thuốc rẻ hơn. Việc khám phá những vùng đất mới này đã cung cấp các chất mới có màu đỏ như máu có đặc tính chống xuất huyết được gọi là máu rồng.
Nói chung, những mối liên hệ giữa rồng và y học này có nguồn gốc sâu xa từ thần thoại, văn hóa dân gian và các phương pháp chữa bệnh truyền thống từ Đông sang Tây.

Con Rồng Cháu Tiên
Nói đến rồng trong năm rồng, người Việt chúng ta không thể không nhắc tới nguồn gốc con rồng cháu tiên của mình. Sự tích này được ghi trong Đại Việt Sử Ký Toàn thư, được Ngô Sĩ Liên soạn từ thời Hồng Đức (1479), được hiệu đính và hơn hai trăm năm sau mới được khắc in toàn bộ và phát hành rộng rãi lần đầu tiên năm 1697.Tuy nhiên, có lẽ nhờ cuốn Việt Nam Sử Lược, cuốn sử Việt đầu tiên bằng chữ quốc ngữ mà nhà nho và chính trị gia Trần Trọng Kim đã viết cách đây trên 100 năm mà câu chuyện này được phổ biến trong mọi giới như hiện nay.

“Cứ theo tục truyền thì Vua Đế Minh là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam đến Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra người con tên Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc, và phong Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ. Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía Bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía Nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm thành), phía Tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía Đông giáp bể Nam Hải. Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào quãng năm Nhâm Tuất (2879 trước Tây Lịch?) và lấy con gái Động Đình Quân là Long nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân.
Lạc Long Quân, lấy con gái vua Đế Lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai”
Như vậy, do dòng giống của Lạc Long Quân (con của Long Nữ) mà chúng ta được tiếng là con của Rồng, và phía bên ngoại, chúng ta hưởng di thể của ” tiên” đến hai lần, một lần qua vợ của vua Đế Minh, một lần qua bà Âu Cơ , thuộc dòng dõi thần tiên.
Theo sách về người Mường của Jeanne Cuisinier (1890-1964), một nhà dân tộc học nghiên cứu về người Mường ở Việt Nam và bang Kemantan ở Malaysia, người Mường có rất nhiều truyện cổ tích và truyền thuyết và hai truyền tích lớn người Việt đã vay mượn thẳng từ nguồn Mường chính là chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh và bà Âu Cơ, mà người Mường phát âm theo kiểu Quảng Đông là Ngu Kơ:
“Ngày xửa ngày xưa, có một nàng công chúa xứ Mường tên là Ngu Kơ, mang tiền kiếp một con nai có đốm ngôi sao (cerf étoilé), cưới một ông hoàng tử con byua Yịt tên Lương Wong, gốc vốn loài cá. Ít lâu sau, Ngu Kơ sinh được 50 con gái và 50 con trai. Nhưng rồi cơm không lành canh chẳng ngọt. Từ ở chỗ con cái không đủ đồ ăn thức uống, Ngu Cơ và Lương Wong ưa cãi vã với nhau. Cuối cùng, Ngu Kơ và Lương Wong đành phải chia tay, đôi ngả đôi ta. Ngu Kơ dẫn 50 người con lên miền rừng núi, và Lương Wong dẫn 50 người con kia xuôi về miền sông biển. Ngu Kơ và đám con tạo nên những dòng vua chúa mặc áo màu đen, và Lương Wong, các gia đình vua mặc áo màu vàng.”
Vậy theo truyền thuyết này, ông hoàng tử Lương Wong cũng là gốc loài cá, sống dưới nước. có lẽ là cá sấu hay là rồng ( trích “Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương: Quốc tổ mang hai dòng máu” (2005) của Nguyên Nguyên)

Nhiều trẻ em vẫn tin Ông già Noel là có thật và nguồn gốc cũng có thật, là Thánh Nicholas, là một người Hy Lạp sinh vào cuối thế kỷ thứ ba, giám mục Myra, một thị trấn La Mã nhỏ ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại. Hay về huyền thoại và tín ngưỡng người Nhật tin rằng vua đầu tiên của họ là con của Thái Dương Thần nữ Amaterasu (Thiên Chiếu Đại Thần), được đạo Shinto công nhận và được ghi trong hiến pháp Meiji (Minh Trị) năm 1889 của Nhật.

Vậy người Việt chúng ta vẫn tin chúng ta là Con Rồng Cháu Tiên, hãy cùng nhau vui mừng đón chào năm Giáp Thìn và chúc nhau một năm mới bình an hạnh phúc !

Hồ Văn Hiền
Ngày 4 tháng 2 năm 2024

Tham khảo:

1)https://www.smithsonianmag.com/science-nature/where-did-dragons-come-from-23969126/
2)https://onlydinosaurs.com/the-dragon-facts-of-western-and-eastern-dragons/
3)DRAGON'S BONES AND TEETH
Subhuti Dharmananda, Ph.D., Director, Institute for Traditional Medicine, Portland, Oregon http://www.itmonline.org/arts/dragonbone.htm
4)https://www.nbcnews.com/id/wbna19606626
5)https://fr.wikipedia.org/wiki/Sang-dragon
6)https://trithucvn.co/van-hoa/su-tich-con-rong-chau-tien-mot-truyen-co-hai-truyen-thuyet.htm