"Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc." ** Trần Bình Trọng **

 

Tìm Đâu

 

Những đứa con Việt Nam đã từng sinh sống ở thành phố Sài Gòn. Cũng như các vùng lân cận. Không ai mà không biết đến bến xe Chợ Lớn. Nơi đây là trung tâm trao đổi hàng hóa, sinh hoạt mua bán tấp nập. Được ví như vùng trời nhộn nhịp, lớn nhất của Hòn Ngọc Viễn Đông.

Chợ là nơi có nhiều người mua, và không thể nào thiếu vắng những người giao nguồn hàng. Đó là nhà vườn, các hãng xưởng sản xuất…là người bán. Bến xe Chợ Lớn là điều kiện ắt có và đủ phải hiện diện trong không gian ồn ào này. Người đến và người đi không ngớt. Cũng là mạch máu nuôi sống người dân khắp miền Nam Việt Nam.

Mọi người rất cần phương tiện chuyên chở. Ngày xa xưa ấy, dân quê miệt vườn làm sao có xe bốn bánh, dành riêng cho mình. Sáng sớm nhà vườn phải khệ nệ khuân vác, gồng gánh, mang các cần xé rau củ quả ra, ngồi bên lề đường lúc chân trời chưa hừng sáng. Mọi người chờ chuyến xe đò đầu tiên đến. Đây là phương tiện nhanh nhất để đi về Chợ Lớn.

Thuở ấy, quê ngoại của tôi còn dùng xe thổ mộ di chuyển đó đây. Cổ xe có hai vòng bánh bằng gỗ tốt, to tròn với đường kính rất rộng. Lúc đó, tôi đứng chưa cao bằng bánh xe này. Xe có cái mái che, phía trước với hai, hay một chú ngựa cọc cạch, nhờ gót chân bằng sắt. Đây cũng là phương tiện chuyên chở bình dân, cần kíp thứ hai.

Tuy xe ngựa chạy chậm hơn so với xe đò, nhưng đã giúp biết bao rau cải tươi trong, gà vịt, cá, tôm... tươi rói, đi tới Chợ Lớn đúng giờ, đúng giấc mỗi ngày. Khi ánh hồng hừng đông vừa ló dạng. Người mua, kẻ bán đều hối hả,. Ai cũng phải bán sạch, vội vã quay về trong ngày. Họ chuẩn bị cho chuyến hàng vào sớm mai. Nếu không mua bán đều đặn, ai cũng sợ mất mối làm ăn lâu dài.

Năm tháng thô sơ ấy, tôi còn là bé con với mái tóc bum bê, thường được theo mẹ, ngồi lắt lẻo trên xe ngựa cọc cạch này. Cho đến bây giờ, ký ức vàng son một thuở ấy, tôi vẫn chưa quên.

Đoạn đời ấu thơ, mỗi ngày như một trang giấy tập Olympic trắng ngần. Bao kỷ niệm xa xăm y hệt như các sợi chỉ mực xanh song song, in hằn trên toàn quyển vở.

Mỗi lần muốn được lên xe thổ mộ này, tôi được mẹ bế cho vào cái sàn cây. Cái sàn cây sạch sẽ được lót chiếc chiếu hay tấm đệm. Cả hai được đan bằng những sợi lát mềm mịn. Nhưng… cái bàn tọa có êm ấm gì đâu. Những con đường xưa loanh quanh trong làng, thường là đường đất đá lồi lõm. Chỉ một tuyến đường dài duy nhất được tráng nhựa bằng phẳng. Đây là con lộ chính nối liền với phố xá Sài Gòn, Chợ Lớn mà thôi.

Khổ nỗi, mỗi lần chú Mã lọt chân, lệch xiên vào hốc đá, thì toàn thân lắc lư nghiêng theo. Cảm giác rung rinh chao đảo theo điệu bộ nhún nhảy của chú Mã….vẫn còn lắng đọng tâm khảm. Bao dấu yêu quấn quýt bên mẹ thời non dại, đã chìm tan vào quá khứ mịt mùng rồi.

Ba mươi lăm năm mẹ tôi khuất bóng. Chỉ còn lại câu nói khuyên con, sau khi dòng đời rẽ khúc. Tôi giữ mãi trong tim:

- Các con phải mau vượt biển… con ơi !...

Dòng đời mải mê trôi
Khiến chân người vất vả
Dù ngày mưa tầm tã
Rộn ràng mua bán thôi

*

Tìm đâu hình bóng cũ
Cô thôn nữ xa xưa
Thời gian mãi đong đưa
Mẹ suốt đời lam lũ

*

Nuôi đàn con nhỏ dại
Rất buồn ngày đổi đời
Nhìn con mình oằn oại
Mau vượt biển... con ơi!...

Thân gởi đóa hồng tươi thắm đến những ai còn mẹ.
Kính gởi hoa hồng trắng đến những ai… mẹ đà an giấc thiên thu.
Mến chúc quý độc giả Ngày Lễ Mẹ AN VUI.

 

Bạch Liên

MAY 4 - 2024