"Làm trai sinh ở trên đời, nên giúp nạn lớn, lập công to, để tiếng thơm muôn đời, chứ sao chịu bo bo làm đầy-tớ người!" ** Lê Lợi **

hvhien --- dntt1 

Dạy Nhiều Thứ Tiếng Cho Trẻ Em

 

Trong một bài blog mới đây trên trang VOA tiếng Việt, Tiến sĩ Nguyễn hưng Quốc, giáo sư chủ nhiệm ban Việt học trường Đại học Victoria, Australia viết:

"Liên quan đến việc đọc, nhiều lúc tôi cảm thấy ghen tị với bạn bè và đồng nghiệp người Úc: Hồi nhỏ, cả hai cùng mê đọc sách như nhau, cùng đọc một số lượng sách giống nhau, nhưng trong khi các bạn tôi, những người nói tiếng Anh như ngôn ngữ thứ nhất, có thể đọc được vô số những cuốn sách hay, không những hay mà còn lớn, không những lớn về phương diện nghệ thuật mà còn lớn về phương diện tư tưởng, những tác phẩm được xem như những điển phạm trong phạm vi toàn cầu: với chúng, người ta có thể tự hào là có kiến thức; còn tôi thì chỉ mê mải đọc cả hàng ngàn cuốn sách nho nhỏ nhàn nhạt, như những ca khúc cải lương, chỉ thay đổi lời chứ không thay đổi điệu: Với chúng, thú thực, tôi cũng chả biết dùng làm gì. Nói cách khác, dễ hiểu hơn: đọc Shakespeare, chẳng hạn, người ta có thêm một cái gì đó có thể sử dụng cả đời; đọc Kim Dung, Quỳnh Dao hay hầu hết các tác giả viết feuilleton trên báo chí miền Nam ngày trước, chúng ta chỉ được một chút quên lãng, nghĩa là chỉ mất thì giờ."

Chúng ta có thể đồng ý hay không hoàn toàn đồng ý với nhận xét trên, đặc biệt là về giá trị của tiều thuyết Kim Dung hay Quỳnh Dao mà biết bao người ngưỡng mộ. Tuy nhiên có điểm mà tôi chắc ai cũng đồng ý là biết thêm một ngôn ngữ mở rộng tầm nhìn chúng ta rất nhiều. Thật vậy ngày xưa ở Việt Nam trước 1975, sinh viên muốn tìm hiểu các kiến thức khoa học hay những trào lưu văn hoá mới đều tìm đến những nơi bán sách ngoại quốc như Khai Trí, Xuân Thu đường Tự Do, hay những thư viện nhiều sách tiếng nước ngoài như Thư Viện Trung tâm Đắc Lộ, British Council ở Đường Yên Đổ hay Hội Việt Mỹ. Để vượt qua kiểm duyệt thời đó, chỉ còn cách đọc Time, Newsweek bằng tiếng Anh hay Paris Match bằng tiếng Pháp. Ngay những bài giảng ở đại học, một phần lớn cũng chỉ là những đúc kết từ sách báo Tây phương nếu không phải là bài dịch trực tiếp. Sau ngày 30 tháng tư, 1975 thì biết tiếng Anh và tiếng Pháp trở thành một cái tội. Tôi còn nhớ phải đem bán cho lái buôn ve chai hết các cuốn sách y khoa của Mỹ và Pháp mà tôi từng dành dụm tiền để mua qua bao nhiêu năm. Những sách báo ngoại ngữ không phải là chuyên môn bị cấm phổ biến thì chỉ có cách ...đốt. Hiện nay, về Sài Gòn, muốn biết tin tức từ nguồn chỉ có cách xem CNN hay vào internet đọc tiếng Anh. Ngoài chuyện không ít thì nhiều "dịch là phản" không tránh được, sự trung thực những tài liệu dịch từ ngoại ngữ như Anh Pháp có thể bị giới hạn do khả năng ngoại ngữ của người dịch, và tệ hơn, do người dịch biên tập bản dịch để hướng về một mục tiêu riêng của mình.

Không những tầm nhìn, mà ngay cả cách nhìn vào thế giới, và theo tôi còn quan trọng hơn nữa, cách nhìn vào chính chúng ta. Dù không ra khỏi xứ của mình, biết tiếng nước ngoài là bay ra khỏi biên giới để thấy người khác nghĩ gì, muốn gì, và nếu tò mò, biết họ nhìn mình ra sao, có "ngon lành" như mình vẫn tưởng hay không.

Có một điểm đáng nhấn mạnh ở đây là tác dụng này hai chiều. Có nghĩa không phải chỉ có những người thuộc về nước yếu, nhỏ mới cần học những thứ tiếng chính được hàng trăm triệu người dùng trên trường thế giới như tiếng Anh, tiếng Trung Hoa, tiếng Spanish. Chính những người sanh ra đã nói những thứ tiếng "quan trọng" kia cũng cần, hay ít lắm nên học một hay những thứ tiếng nước ngoài.

Vùng Washington thủ đô nước Mỹ là nơi tụ tập nhiều sắc dân với nhiều ngôn ngữ từ khắp nơi trên thế giới. Con cái họ đều nói tiếng Anh như là ngôn ngữ đầu tiên, thứ tiếng mà đi đâu cũng giúp họ được qua "lọt" một cách dễ dàng, từ London, Roma, Hong Kong cho tới Beijing, Moscow. Vậy mà người ta vẫn cố gắng cho con học một hoặc nhiều thứ tiếng ngoài tiếng Anh. Dù cha mẹ là di dân, nói tiếng Việt, Hoa, Pháp, tiếng Hindi ở nhà. Hay dù là cha mẹ "Mỹ trắng một trăm phần trăm", một số khá đông vẫn chịu khó tốn kém, mất thì giờ cho con học những chương trình "immersion program " từ tiểu học, để chúng "đắm mình" trong ngôn ngữ , văn hoá của một nền văn minh khác, để chúng thông hiểu thế giới và do đó sẽ sinh hoạt với thế giới "phẳng" toàn cầu hoá hơn, không bị giới hạn trong cách nhìn của phương Tây (bao gồm Châu Âu và Mỹ).

Cái văn hoá toàn cầu mà những người khá giả, “thượng lưu” (elite) ở xứ này muốn đạt đến cho con cháu họ có thể so sánh với sản phẩm của Apple, đang được cả thế giới từ đông sang tây hâm mộ, giành giật. Cha đẻ của Apple, Steve Jobs, con bị bỏ rơi của một người sinh viên gốc Syria và một nữ sinh viên Mỹ trắng cơ đốc giáo, kết hợp kỹ thuật điện tử Silicon Valley, óc thực dụng, ưa tiện lợi của Mỹ với triết lý Ấn Độ và óc thẩm mỹ của Nhật để tạo ra những sản phẩm có một không hai của mình.

Trong mấy chục năm qua, tôi đã từng viết nhiều bài báo cổ võ cho việc trẻ em chúng ta học thêm tiếng Việt và nêu ra những ích lợi của khả năng dùng nhiều thứ tiếng. Lần này xin nêu một số điểm mà những bác sĩ nhi khoa ở Mỹ cũng đồng ý với chúng ta trong lãnh vực này. Bác sĩ Beers là một giáo sư tại bịnh viện nhi đồng National Medical Center ở Washington D.C. Hai con bà đều nói hai thứ tiếng, và gia đình bịnh nhân cũng có những câu hỏi mà các gia đình đa văn hoá hay di dân thường đặt ra. Sau đây là những điểm chính được giới giáo dục luồng chính Mỹ công nhận:

1) Càng ngày càng có những khảo cứu cho thấy học thêm một thứ tiếng không cản trở việc nói, dùng tiếng Anh lưu loát.

2) Giáo dục dùng hai thứ tiếng tạo những lợi thế về giáo dục cũng như hiểu biết (cognition) cho đứa trẻ.

3) Một số trẻ dùng hai thứ tiếng, nhất là trẻ dưới hai tuổi, lúc được đánh giá khả năng chỉ trong một thứ tiếng, chúng có thể có vẻ như chậm tụt về ngôn ngữ. Cần phải đánh giá trong cả hai ngôn ngữ. Ví dụ nếu tính số lượng ngữ vựng hay từ mà em bé đã học được, phải tính cả đôi bên.

4) Lúc đầu bé có thể trộn lẫn các từ và văn phạm, ngữ pháp (grammar) giữa hai thứ tiếng, nhưng dần dần sẽ thu xếp ra hai bên riêng biệt. Ví dụ trẻ Việt có thể nói "cái xanh nhà" (a blue house) thay vì “cái nhà xanh.”

5) Cũng như trẻ biết chỉ một ngôn ngữ, cần cho trẻ song ngữ những trải nghiệm phong phú về hai ngôn ngữ, như kể chuyện bằng tiếng Việt, xem sách Việt nam, coi phim, vv

6) Gia đình mà tiếng nói chính ở nhà không phải là tiếng Anh cần thấy thoải mái dùng ngôn ngữ đó ở nhà với đứa trẻ. Như một miếng bọt san hô hút nước dễ dàng, với môi trường xã hội dùng tiếng Anh chung quanh và trường học tốt, tiếng Anh của chúng sẽ phát triển bình thường.

Kinh nghiệm cá nhân người viết bài này cũng xác nhận điều này đúng. Nếu chúng ta không dùng tiếng Việt với con chúng ta, chúng ta sẽ bỏ lỡ biết bao nhiêu cơ hội để truyền đạt những gì quý giá nhất của chúng ta cho thế hệ mai sau, và tạo cho chúng một khoảng trống về văn hoá và ý thức "căn cước" (identity) lâu dài, khó vãn hồi được.

7) Nếu đứa trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ một cách không bình thường, cần cho người khảo sát (hay luôn cả trong trị liệu) dùng ngôn ngữ gốc mà đứa bé dùng (ví dụ nên dùng tiếng Việt để trắc nghiệm đứa bé nói chậm, nếu ngôn ngữ chính là tiếng Việt ở nhà)

8) Giáo dục song ngữ là một quá trình lâu dài, cần cha mẹ rất kiên nhẫn, cần sự khuyến khích và cọng tác của cô giáo, thầy giáo cũng như bác sĩ nhi khoa của em.

Theo kinh nghiệm của người viết bài này, lúc lên middle school là lúc trẻ dễ quên tiếng Việt đã được cha mẹ dạy ở nhà. Lúc này là lúc cháu muốn chứng tỏ mình không khác các trẻ khác, từ cách ăn nói đến ăn mặc (“peer pressure”); và dù chưa quên tiếng Việt, các em có thể ngần ngại không muốn nói. Vì không muốn phiền toái, cũng như muốn chứng tỏ "trình độ" của mình, một số cha mẹ (nhất là nếu người cha mẹ khá tiếng Anh) sẽ chuyển sang dùng tiếng Anh với các cháu, và từ đó các cháu mất luôn khả năng dùng tiếng Việt.

Tóm lại, đối với người Việt ở Mỹ (hay các nước tây phương khác), cho đến nay các khảo cứu cũng như thực tế vẫn cho thấy học thêm một thứ tiếng ngoài ngôn ngữ chính dùng ngoài xã hội (như tiếng Anh, Pháp) là tốt cho con cái chúng ta. Đối với tiếng Việt, thì còn nhiều lý do khác ngoài lý do thực dụng, cho nên tốt hơn hết, chúng ta nên bắt đầu dạy chúng tiếng Việt. Nếu chúng đang dùng được tiếng Việt, nên tạo ra môi trường thuận lợi để chúng gìn giữ và phát triển khả năng song ngữ đang có.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 27 tháng 7 năm 2014

(Image credit: nipnoos.com)