"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta." ** Triệu Thị Trinh **

 

Xin Học Y Khoa Tại Mỹ

17Ahvhien --- xhy1

Tôi thử đặt  câu hỏi cho vài bác sĩ trẻ: "Nên chuẩn bị thế nào khi người học sinh trung học muốn đi vào ngành y khoa tại Mỹ?". Phần đông trả lời  là khuyến khích và tạo điều kiện cho cháu học trung học càng "giỏi" càng tốt. Trên thực tế GPA, điểm trung bình lúc tốt nghiệp trung học, điểm SAT (Scholastic Aptitude Test, hay Trắc Nghiệm Khả Năng Học Đường) sẽ giúp mình vào một trường đại học (university, college) tốt, hợp với túi tiền , sở thích và hoàn cảnh. Sau này, trước khi xong college, điểm trung bình (grade point average, GPA) lúc tốt nghiệp và điểm MCAT (Medical College Aptitude Test; Trắc Nghiệm Khả Năng Học Y Khoa)) vẫn là quan trọng hơn cả. MCAT gồm các môn sau đây: vật lý; hoá; sinh học; sinh hoá; tâm lý học, xã hội học, nền tảng sinh học của hành vi (biological basis of behavior); phân tích phê phán; và khả năng lý luận (critical analysis and reasoning skill). Đa số trường y chấp nhận điểm MCAT 30-31 (new MCAT scoring =about 509-512/ or 79-83 percentile)

Các tài năng như âm nhạc, thể thao, hoạt động về ngoại khoá, hoạt động xã hội, cũng quan trọng, có lẽ nên chọn một môn, ngành mà mình thích, và nếu may mắn có thể lập thành tích.

Theo báo US News, mặc dù các trường Y khoa Mỹ coi trọng  những đức tính cá nhân (personal qualities) của bạn, quan trọng hơn cả vẫn là hồ sơ học vấn của mình (academic records). Một số trường y như trường của tiểu bang California xét sơ khởi (screen) điểm GPA (ở college) và MCAT trước, sau đó mới cho gởi hồ sơ thêm. Về ngoại khoá, người sinh viên cần chứng tỏ hai điểm chính: thứ nhất là "commitment" (dấn thân), có khả năng bỏ công của thì giờ vào một chuyện mình thích ngoài chuyện học đường, có lẽ như Việt nam chúng ta gọi là "có chí", và thứ hai, nếu có thể, chứng minh mình có tinh thần lãnh đạo, xông xáo,  "leadership" thì càng tốt nữa. Vd Trường Y khoa ĐH Harvard muốn ứng viên chứng tỏ là mình có tính ngay thẳng, thanh liêm, trưởng thành, chín chắn, quan tâm đến người khác, tiềm năng lãnh đạo, và khả năng làm việc với người khác (We look for evidence of integrity, maturity, concern for others, leadership potential, and an aptitude for working with people.)

Điểm thứ 3 làm cho nhiều ứng viên thất bại là phải biết "lựa cơm gắp mắm". Hiện nay có 141 trường y khoa cấp bằng tiến sĩ y khoa (MD) trong nước Mỹ. Trường tiếng tăm hay “Top School” mà mình mơ ước chưa chắc là trường mình nên xin vào; ví dụ GPA là 3.4 và MCAT 30 mà chỉ nộp đơn vào các trường y “thứ dữ” như Harvard, Duke, Stanford thì có thể cuối cùng trắng tay vì không được xét. Năm 2016, Harvard tuyển 165 sinh viên, 7069 người nộp đơn và 800-1000 người được phỏng vấn; trung bình MCAT là 35.44 (96-97 percentile) và GPA: 3.8. Ví dụ để so sánh, trường EVMS ở Norfolk , Virgina, trung bình sinh viên được nhận vào GPA là 3.5  , MCAT 31. Có nghĩa là phải "biết mình , biết người" như Tôn Tẫn đã dạy  trong cuốn Binh Pháp của ông. Hơn nữa, các trường y của Mỹ theo những tiêu chuẩn rất đồng đều và các kết quả  khảo cứu cho thấy phần lớn  bịnh nhân không đánh giá, thích hay không thích bác sĩ của mình  căn cứ trên trường y của người bác sĩ đó từng theo học trong chỉ 4 năm lúc bắt đầu vào nghề. Những năm học chuyên khoa (nội trú, thường trú) mới là thời gian ảnh hưởng nhiều nhất đến lề lối hành nghề của người bác sĩ.

Ngoài ra, hiện nay, trong thời buổi mà mạng lưới internet ảnh hưởng mọi sinh hoạt, người trẻ cần để ý đến hình ảnh của mình, do vô tình hay cố ý, được tạo dưng nên trên các truyền thông xã hội như Facebook, Twitter, blogs...Những điều mình lỡ phát biểu hay hình ảnh phát tán bất cẩn lúc còn là teenager có thể đi vào hồ sơ trên mạng; mọi người có thể xem, tra cứu lúc mình xin vào trường y khoa hay là ứng viên cho một chương trình residency, fellowship đầy cạnh tranh.

Một số sách bán trên amazon.com giúp ứng viên hay cha mẹ chuẩn bị tốt hơn để vào trường y ở Mỹ. Cũng có những người chuyên làm "coach" giúp ứng viên thành công hơn. Ví dụ BS Tania Heller, bác sĩ nhi khoa, trước đây cùng làm resident với tôi ở Đại Học Georgetown, có viết cuốn sách tựa đề: "On Becoming A Doctor", đồng thời cũng là chủ nhân một dịch vụ cố vấn cho sinh viên muốn vào ngành y.

Nếu con cháu mình không vào được "medical school" nhưng vẫn muốn tham gia vào việc chữa bịnh giúp đời, và được gọi là “bác sĩ”, “Dr”, có thể nghĩ đến những ngã sau đây:

Hiện nay, một số đáng kể sinh viên Mỹ vì không vào được trường y ở Mỹ đã ghi tên theo học những trường y khoa gọi là "offshore medical school", phần lớn nằm ở biển Caribbean, nhưng cũng có trường ngoại quốc dành cho người ngoại quốc ở Mexico, Philippines , Ba Lan [Poland]). Học phí cao (tương tự như trường tư của Mỹ), sinh hoạt có thể tốn kém lúc còn ở các đảo, tuy nhiên sinh viên Mỹ được mượn tiền của chính phủ Mỹ để đi học. Chương trình offshore đi theo sát chương trình y khoa ở Mỹ. Thường họ học 2 năm đầu ở vùng Caribbean (basic sciences), về Mỹ thi USMLE phần một (US Medical Licencing Exam Part I). Sau đó họ đi thực tập lâm sàn (cách khám và chữa bịnh, clinical clerkship) ở một số bịnh viện ở Mỹ (các bịnh viện này cần kiếm thêm thu nhập do các trường này trả), và thi USMLE part 2 và phần thực hành bịnh lý tại Mỹ. Tỷ lệ đậu USMLE thấp hơn sinh viên từ trường Mỹ.  Nếu đậu, họ được cấp bằng ECFMG (Educational Council For Foreign Graduates, bằng tương đương cho người ngoại quốc) và có thể xin thực tập tại các nhà thương Mỹ nếu chứng tỏ khả năng Anh ngữ cần thiết (dễ dàng vì họ đa số là người Mỹ).

Những người học toàn bộ chương trình y khoa ở ngoại quốc có thể thi các bước tương tự của bằng ECFMG. Hiện nay  mỗi năm trong số  27,860  người  vào các chương trình nội trú của Mỹ chỉ có chừng 18,668 người là tốt nghiệp tại một chương trình y khoa trong nước (US Medical Graduate-USMG), số còn lại đến từ những nước khác (Foreign Medical Graduates-FMG) hay là những người Mỹ tốt nghiệp tại những trường ở biển Caribbean và Trung Mỹ (US Foreign Graduates). Nói chung sinh viên tốt nghiệp tại Mỹ có tính cạnh tranh hơn lúc tìm một chỗ làm nội trú; tuy nhiên nếu điểm số USMLE cao và có thành tích tốt người tốt nghiệp ở ngoại quốc có thể khắc phục được thế yếu nói trên.

Thường người sinh viên học tại Mỹ chuẩn bị xin việc làm nội trú tại các nhà thương trong năm cuối học trình 4 năm của trường y (senior year). Họ nộp đơn qua mạng internet, đi phỏng vấn trong khuôn khổ một chương trình "môi giới" giữa các chương trình nội trú chuyên khoa và ứng viên cho hết nước Mỹ gọi là NRMP ( National Residency Matching Program). Kết quả công bố vào tháng ba, 3 tháng trước khi đi nhận việc. Có nghĩa là nếu trơn tru, vừa học năm senior xong là người tân khoa MD đi thẳng vào vị trí làm nội trú. Đối với những người tốt nghiệp trường y ở nước ngoài, điều kiện khắc khe hơn. Họ phải học xong hết học trình y khoa, có bằng y khoa của xứ mình rồi mới lấy được bằng ECFMG, rồi mới xin đi làm nội trú ở Mỹ. Cơ hội cho họ được "match" với một vị trí nội trú cũng thấp hơn (ví dụ năm 2017: FMG 52% so với 94% USMG)

(NRMP 3/2017: All applicants (including fellows) 43,157. First year residency positions : 28,849

US allopathic graduates: applicants 19030; matched 17480 (94%); DO 5000 applicants 81.7% matched. US IMG 5069, matched 55%; IFMG 7284, matched 52%.)

Người ta ước tính rằng số bác sĩ do các trường y khoa trong nước cung cấp vẫn còn thiếu sót so với nhu cầu rất lớn của nền Y tế Mỹ, nhất là nhu cầu của các bệnh nhân trong nhóm baby boomers (sinh 1946-1964), những người lớn lên sau thế chiến thứ hai này đã vào khoảng 60-70 tuổi. Ngoài ra những vùng xa các trung tâm đô thị cũng như những vùng nhiều dân thiểu số ở Mỹ cũng còn thiếu nhiều bác sĩ. Do đó trong tương lai trước mắt nước Mỹ vẫn phải nhập cảng chừng một phần ba số bác sĩ y khoa mới gia nhập nghề trong xứ này. Trong số các bác sĩ y khoa đang hành nghề tại Mỹ, hết một phần tư sinh ra tại một nước khác ngoài Hoa Kỳ, và có lẽ đông nhất là bác sĩ đến từ Án độ (trên 40.000 bác sĩ). Theo hội các trường y của Mỹ, đến năm 2025, Mỹ sẽ thiếu 94.700 bác sĩ. Do đó, theo dự đoán, mặc dù có những giai đoạn không thuận lợi cho người nhập cư như hiện nay, vẫn sẽ luôn luôn có cơ hội cho những người tốt nghiệp ở ngoại quốc muốn tu nghiệp hay hành nghề tại xứ này (AAMC: a shortage of 94,700 physicians by 2025).

Bác sĩ Hồ Văn Hiền 

Ngày 24 tháng 3 năm 2017

(Bài này được trích từ buổi nói chuyện của tác giả trên đài Saigon Houston, Texas,ngày thứ Năm 23 tháng 3, 2017, trong chương trình Văn Hoá Việt do nữ sĩ Quý Linh phụ trách.)