"Quân lính cốt hòa-thuận, không cốt đông; cốt tinh-nhuệ, không cốt nhiều. Người khéo thắng là thắng ở chỗ rất mềm-dẻo, chứ không lấy mạnh đè yếu, nhiều hiếp ít." ** Quang-Trung **

Quốc Thể, Phép Lịch Sự Lúc Du Lịch,

Và Dạy Lễ Phép Cho Trẻ Em.

Gần đây, báo chí cũng như các email người ta gửi cho nhau bàn nhiều về vấn đề du khách Trung Quốc đến các xứ khác phạm rất nhiều lỗi làm người bản xứ mất vui hoặc bất bình. Đề tài này là một đề tài độc giả Hồng Kông đặc biệt ưa chuộng và thích bàn đến, cũng như chính dân mạng Trung quốc cũng lấy làm bực bội không kém. Được nhắc đến nhiều là chuyện một thanh niên Trung quốc đi thăm Ai Cập và khắc tên mình lên trên di tích xưa mấy ngàn năm, muốn chứng tỏ cho hậu thế biết rằng anh ta đã hân hạnh có mặt ở chốn lịch sử đó. Nhiều người đồng hương của anh ta tức giận là lấy làm xấu hổ trước hành động phá hoại làm "nhục quốc thể như vậy". Tệ hơn nữa, du khách Trung quốc còn cho trẻ em tiểu tiện , đại tiện ngay trong tiệm ăn, trong phi trường. Đến mức đích thân phó thủ tướng Trung Quốc phải nhắc nhở nhân dân ông ta về vấn đề này.

Cũng gần đây, chính Bộ Du lịch của Trung quốc xuất bản cả một cuốn sách dày 64 trang, với hình ảnh đàng hoàng, nhắc nhở du khách lúc ở trong nước cũng như lúc ra nước ngoài, phải hành sử sao cho "phải đạo" làm người du khách ‘văn minh”.

hvh --- quoc the 1

 

 

 

 

 

 

 

 

Sách Bộ Du lịch Trung Quốc dạy du khách:

Không được hắt hơi nhảy mũi trước mặt người khác,

móc mũi, xỉa răng nơi công cọng.

 

Trong những điều nhắc nhở, theo báo Wall Street Journal, có những khoảng khá thú vị như:

  • Không được hắt hơi nhảy mũi trước mặt người khác.
  • Không được móc mũi, xỉa răng nơi công cọng.
  • Không được ngồi chiếm phòng vệ sinh quá lâu.
  • Không được để dấu giày lên bồn phòng vệ sinh (vì ngồi chồm hổm đã quen)
  • Phải dội nước cầu tiêu trước khi đi ra.
  • Đối với người nước Anh: không được hỏi "Ông, bà, anh ăn chưa?" (điều này làm tôi nhớ nhà văn Lâm Ngữ Đường từng nói là người Hoa thích nghĩ về chuyện ăn uống (không lạ, vì ẩm thực Tàu nổi tiếng khắp thế giới), và thích hỏi "Anh ăn cơm chưa?" để chào hỏi, tương tự như "How are you?" của người nói tiếng Anh.
  • Không được hỏi "Anh đang đi đâu đó?" .
  • Không được phơi quần tắm/ quần lót và khăn tắm trên cột đèn sau khi tắm xong.
  • Ở Tây Ban Nha (Spain) nhớ đeo bông tai, vì theo phong tục xứ này, phụ nữ không mang bông tai cũng tương tự như... không mặc quần áo.
  • Lúc lặn xuống biển, không được bắt sinh vật hay thảo mộc gì lên đem về.
  • Không được lấy phao trên tàu đem về nhà.

Sắp tới hy vọng người Trung Quốc sẽ tươi cười chào "Good morning","how are you" nhiều hơn khi đi du lịch.

hvh --- quoc the 2

 

 

 

 

 

 

 

 

Sách Bộ Du lịch Trung Quốc dạy du khách:

Không chụp hình nếu có bảng “Cấm chụp hình”.

Đọc về du khách nước láng giềng, chắc có người sẽ tủm tìm cười. Tuy nhiên, "cười người chớ vội cười lâu", như chúng ta thường nói. Xét cho cùng thì người Trung quốc chỉ mới đi du lịch , nhất là du lịch thế giới, gần đây thôi, chừng không tới 20 năm. Theo một bài báo Hồng Kông, đa số những người lớn tuổi lớn lên thời Cách Mạng Văn Hoá lúc đời sống vật chất nghèo nàn tột cùng, và mọi lễ nghĩa, phép lịch sự được xem như tàn dư của phong kiến cần huỷ bỏ và lên án. (2) Đa số họ không biết gì về văn hoá phong tục tây phương, Họ không thích cười xã giao như Mỹ, không biết cho tiền típ đúng điệu, và họ quen nói lớn. Lắm khi họ còn không biết nói tiếng phổ thông, nói gì đến tiếng Anh. Và chúng ta cũng phải cho người Trung quốc một điểm khuyến khích: cũng như mọi khi, họ đặt rất cao sĩ diện quốc gia, và cũng đã cố gắng day dỗ dân chúng của họ để tránh nhục quốc thể.

Dù sao, còn thêm một điều ngạc nhiên: trong các cuộc thăm dò dư luận, người ta thấy những khách du lịch làm dân bản xứ bực mình nhất không phải là người Trung Quốc (3). Người Mỹ và người Anh đứng đầu sổ, có thể không làm ngạc nhiên nhiều người, và chắc chính họ cũng không ngạc nhiên và cũng không buồn lòng. Người tây phương có đủ tự tin, có óc tự phê phán khá cao, và "da đủ dày" ("thick skin") để tự trào, hoặc nghe người khác "chửi" mình. Một người Mỹ tạo nên từ ngữ " Người Mỹ Xấu Xí" (The Ugly American, William J. Lederer, 1958) trước tiên, sau đó người Trung quốc (Bá Dương) mới bắt chước viết về người Trung quốc "xấu xí" để tự xét mình. Nếu một người phụ nữ Mỹ qua Nhật để buôn bán nhan sắc của mình, những người Mỹ khác cũng chỉ xem đó như là một chuyện cá nhân, hành sử quyền tự do của người đó. Người Mỹ không kết tội người đó là làm nhục cho nước Mỹ. Trừ trong lãnh vực thể thao Thế vận Hội, những người Mỹ thành công lớn trong học thuật, được các giải lớn như Nobel cũng ít được nêu ra cho dân Mỹ "thơm lây".

Nhưng chúng ta thì khác, chúng ta "canh chừng" xem đồng hương có làm gì "mang tiếng" người Việt hay không. Có thể ở Việt Nam hiện nay có người cũng muốn ra sách về "Người Việt Xấu xí" để dạy chúng ta nhưng tôi chưa thấy. Nên để ý , trong danh sách các du khách bị chê nhất này vắng bóng người Nhật, mặc dù người Nhật giàu và du lịch rất nhiều. Có lẽ họ lễ phép, kỷ luật hơn. Như chúng ta, cũng trong môi trường văn hoá Khổng học, trọng lễ nghĩa, họ coi trọng thể diện của dân họ ("quốc thể"). Chỉ khác, chúng ta có vẻ thích tự khen. Ví dụ, miển nam trước đây có cuốn "Người Việt Cao Quý" do nhà văn thiên tả Vũ Hạnh lấy tên Ý là A. Pazzi, viết theo "chỉ thị của cách mạng” (theo lời tác giả), mượn lời một người Ý ca tụng người Việt đủ mọi mặt. Hay chúng ta thích được khen về những thành quả của đồng hương, hơn là cố gắng giữ kỷ luật trên bình diện cá nhân. Ví dụ, khi một nhà toán học gốc Việt được giải toán Fields Medal thì cả nước chào đón, hãnh diện; có người còn cho rằng mình "hơn" Trung Quốc vì chưa có người “láng giềng” nào nhận được giải đó. Người Ấn độ có lẽ cũng thuộc diện giàu mới nỗi (nouveau riche) như người Tàu. Người Pháp và người Ý nổi tiếng là phóng khoáng "chịu chơi" (“La Dolce Vita”) nên chắc không cần biết mình đang ở xứ mình hay ở xứ khác dưới cái nhìn xoi mói của dân địa phương.

Theo thứ tự:
1) Người Mỹ: ồn ào, bất lịch sự (rude), mập, ăn mặc "không giống ai" (pretty terrible fashion choices).
2) Người Anh: say sưa, ồn ào trong quán rượu; party "chơi bời, đàn điếm" (stag-parties)
3) Người Nga (Russians): khó chịu, say sưa
4) Người Tàu chỉ đứng hạng tư.
5) Úc
6) Đức
7) Ấn độ: nặng hơn cả Ý và Pháp
8) Pháp: "rude, scandalous", bất lịch sự, kỳ cục.
9) Ý : "rudest, lewdest": vô phép, dâm dật nhất
10) Brazil (Ba Tây, Nam Mỹ): "naughtiest","nghịch ngợm, phá phách"

Không thấy xếp hạng cho người Việt nam. Tuy nhiên trong báo từ ở Việt nam gần đây, có nhiều bài trong chiều hướng "đóng cửa dạy nhau" theo kiểu Trung Quốc (ví dụ chen lấn ăn buffet, giành thức ăn, ngồi chồm hổm nói chuyện ồn ào nơi phi trường, cầm nhầm đồ bán trong siêu thị, không chịu sắp hàng).
Người Việt hải ngoại chúng ta thuộc hai thế giới, quê hương gốc Việt nam và một xứ chúng ta định cư. Chúng ta thuộc về hai nơi, đồng thời chúng ta không hoàn toàn thuộc về nơi nào cả. Ở Việt nam chúng ta là du khách Mỹ, ở Mỹ chúng ta có thể bị coi như người từ chỗ khác tới ('alien"). Có nghĩa, luôn luôn không ít thì nhiều, chúng ta là du khách. Cho nên, dù muốn tránh mang tiếng cho người Việt, hay chỉ muốn cải thiện cuộc sống chúng ta cho hợp thời, chúng ta cũng nên tự xét mình và để ý đến cách chúng ta dạy dỗ con cái.
Trẻ em Việt sống ở Mỹ nhiều khi thiếu những kỹ năng về giao tiếp mà trẻ em bản xứ biết tôn trọng. Nói một cách giản dị là thiếu lễ độ. Cha mẹ di dân đôi khi không muốn áp dụng những lễ nghi truyền thống mang từ Việt Nam như thưa gởi, cúi đầu chào, nhường chỗ cho người lớn, sợ không hợp thời, đôi khi cũng chỉ vì không muốn đặt vấn đề do trở ngại ngôn ngữ, hay do con cái ưa cãi lý lại ( và mình có thể bí, ấp úng vì nghĩ rằng mình không hiểu xã hội Mỹ bằng nó).
Xin nêu ra đây những phép tắc áp dụng cho trẻ em Mỹ mà chính người Mỹ cũng thấy con họ phải tôn trọng. Ví dụ chúng ta có thể thấy, người ta vẫn kỳ vọng là đứa trẻ Mỹ không được ngắt lời người lớn, ngồi ăn dùng muỗng nĩa (hay đũa) đàng hoàng, nhường cho người khác đi trước, và giữ cửa cho người đó đi qua, nhường chỗ ngổi cho người lớn tuổi, không được sờ mó vào các đồ vật chưng bày (ví dụ lúc vào phòng khám bịnh bác sĩ). Chúng ta có thể chứng kiến mỗi ngày những điều sơ sót này do một số phụ huynh người Việt dễ dãi ít để ý nhắc nhở con cái mình.

hvh --- quocthe 3

 

 

 

 

 

 

 

 


Hãy nói "Chào buổi sáng" lúc buổi sáng , và "Xin lỗi" lúc mình có lỗi.

Mời các phụ huynh xem để nhắc nhở cho con cái mà không phải lo lắng là mình quá khó hay quá xưa (4).
1) Hãy đợi người khác nói xong, không được ngắt lời, nhất là người lớn. Đến lúc trẻ nói, người lớn chú ý và nghe những gì nó nói. Như vậy, chúng ta dạy và làm gương cho chúng kính trọng người khác.
2) Sắp bàn ăn theo lối Tây phương: một bên dĩa ăn là nĩa (forks), bên kia là muỗng (thìa) và dao. Thêm ly nước, và khăn ăn. Dùng dao, muỗng nĩa đúng cách để trẻ bắt chước. Đến lúc vào tiệm ăn chúng sẽ làm cho cha mẹ hãnh diện.
3) Ngồi ăn ngay ngắn. Dưới 10 tuổi, hay nhiều lắm 14 tuổi, nhét khăn ăn vào áo (tuck in). Lớn hơn, để khăn ăn trên đùi. Không để cùi chỏ lên bàn. Ngậm miệng lại lúc nhai.
4) Dạy trẻ em nói "Cảm ơn" (ba, má, ông, bà). Lúc trẻ đưa mình món gì nhớ "cảm ơn" để trẻ học bắt chước.
5) Dạy trẻ nói "please" lúc nhờ ai làm việc gì. Khuyến khích bằng cách thường như ôm hôn, khen lúc bé nói "please". ("Please" có thể diễn tả qua tiếng Việt bằng những từ như "xin", "xin phép", "xin làm ơn", tuỳ hoàn cảnh, tuỳ mỗi người. Điểm chính là làm gương và dạy cho bé ăn nói nhỏ nhẹ, lễ phép, không nói "Con muốn, con cần cái này cái kia.”..)
6) Dạy bé không được sờ vào các đồ vật chưng bày, ở nhà mình cũng như ở nhà người khác hay nơi công cọng như phòng khám bác sĩ, tiệm ăn,...Ngoài phép lịch sự phải tôn trọng tài sản , vật dụng của người khác, đôi khi táy máy có thể gây tai nạn. (Theo một thăm dò dư luận mới đây, đại đa số (86%) người Mỹ bực mình nhất là lúc các cha mẹ khác để con trẻ chạy lung tung, quấy rầy người khác nơi công cọng) (5)
7) Được ai khen mình về chuyện gì, cần "cảm ơn" đúng lúc. Trẻ sẽ theo đó mà bắt chước.
8) Đối với trẻ lớn hơn, làm gương cho chúng bằng cách giữ cửa mở để nhường người khác vào trước, không để cánh cửa đập vào mặt người ta. Nhớ cảm ơn người giữ cửa cho mình đi vào.
9) Đối với người Mỹ, ngày Chủ nhật ăn mặc đặc biệt hơn một chút: con trai áo sơ nhét vào quần dài, giày da, có thể kèm theo cravate, áo khoác ngắn (blazer). (Thiển nghĩ tuỳ trường hợp, chúng ta có thể thích ứng "hội nhập" tuỳ cộng đồng , địa phương. Nói chung là chúng ta có thể để ý cho các em ăn mặc cho thích ứng.) Đi nhà thờ, chào mỗi người mình gặp, nhường chỗ ngồi cho người lớn tuổi hơn mình để trẻ em học phép lịch sự.
10) Dạy trẻ không được chỉ trỏ, nhìn người khác trừng trừng, chăm chú (staring), nhất là người tật nguyển, người ăn mặc khác thường, người tôn giáo khác, hoặc khác màu da.
11) Giữ bình tĩnh, đừng nóng nảy, lớn tiếng. Trẻ sẽ mất lòng kính trọng đối với mình.
12) Để ý việc trẻ con làm: cần phân biệt những sơ hở trẻ con (như quên cho chó mèo ăn) với những hành động cố tình khiêu khích cha mẹ. Phải đặt giới hạn cho những hành vi mà cha mẹ có thể chấp nhận.
13) Giải thích tại sao một hành vi nào đó phải bị trừng phạt và làm thế nào để tránh cho đừng lập lại trong tương lai. Khi chuyện đã qua rồi, ôm bé, vỗ về để nuôi dưỡng thêm tình thương yêu và lòng tin tưởng.
Dù mặc cảm hay không, dù trong nhà hay đi du lịch, đây cũng là một cơ hội cho chúng ta suy gẫm thêm để dạy dỗ "tiên học lễ, hậu học văn " cho con cái, để chúng ta sống "đẹp" hơn, dưới mắt người ngoài, dưới mắt con cái chúng ta, và quan trọng nhất dưới mắt chính chúng ta.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 6 tháng 5 năm 2014

References:

1) Don’t Pick Your Nose in Public: China Issues New Guidelines for Tourists http://blogs.wsj.com/chinarealtime/2013/10/04/dont-pick-your-nose-in-public-china-issues-new-guidelines-for-tourists/

2) Why are Chinese tourists so rude? A few insights. (South China Morning Post)

http://www.scmp.com/news/china/article/1251239/why-are-chinese-tourists-so-rude?page=all

3) Worst -Behaved Tourists.(Business Insider)

http://www.businessinsider.com/worst-behaved-tourists-2013-5?op=1#!Ivdd5

4) How To Teach Your Child Good Manners

http://www.wikihow.com/Teach-Your-Child-Good-Manners

5) http://www.harrisinteractive.com/NewsRoom/HarrisPolls/tabid/447/ctl/ReadCustom%20Default/mid/1508/ArticleId/1427/Default.aspx

6) Nếu muốn đọc "Người Việt Cao Quý", xin xem:

http://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/nguoi-viet-cao-quy_vu-hanh/default.aspx