"Nếu trong nước hay có loạn là vì nhân-dân bị thiếu-thốn. Từ nay sắp tới, lương-bổng của ta là 500$ một tháng thì ta chỉ lãnh 200$ mà thôi, còn lại 300$ ta giao cho các thầy đem ra giúp-đỡ kẻ nghèo-khó." ** Duy-Tân ** (năm 8 tuổi)

 

Vài Địa Danh Quê Tôi – Thị Trấn Phong Điền

(Quê hương dấu yêu)

 

CÁC ĐỊA DANH

Cuối thế kỷ 18, thời chúa Nguyễn đất Phong Điền nơi đây là vùng tự trị của người Miên, thuộc “Thổ Huyện” (Huyện Ô Môn) nhưng rất ít người Miên định cư sinh sống, chỉ vài xóm lẻ tẻ thưa thớt. Thường thì họ đi xom lươn, xom ếch, xom rắn hoặc đi đốn củi. Trà Ếch, Trà Niềng hay Xà No là địa danh của họ để lại, bên cạnh đó có một số địa danh của người Việt.

1-    Phong Điền
20Blhuvdd1

(Hình A, Chợ Phong Điền)

Phong Điền có nghĩa là vùng đất trù phú, địa danh này còn là nguyên quán của hai giòng họ Lê (Gia tộc ông Lê Tam) và họ Trần (Gia tộc ông Trần Văn Chiến) đến đây khai khẩn từ huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên vào Nam lập nghiệp (khoảng năm 1802-1805).

2-    Cần Thơ

      20Blhuvdd2

(Hình B, Sông Cần Thơ, khúc ngang chợ Phong Điền)

Sông Cần Thơ chảy từ sông Hậu đến doi Lò Bế (ngả 3 sông Cần Thơ, Phong Điền và Cầu Nhiếm) là cuối sông.

Cần Thơ có nhiều giả thuyết:

- Do tên của ông cả Cần và ông cả Thơ ghép lại. Giả thuyết này không ổn vì không có tài liệu nào nói về hai ông cả này hết.

- Nơi có mọc nhiều rau cần và rau thơm, do tiếng Cần+Thơm đọc trại ra. Giả thuyết này cũng không có một chứng cứ xác đáng.

- Miền sông nước “thả cầm thi”, tiếng cầm đọc trại ra Cần và tiếng thi ra Thơ. Thuyết này hoàn toàn sai, “Thả Cầm Thi” là môn giải trí của người dân Cần Thơ vào đầu thế kỷ 20, danh từ Cần Thơ thì có từ xa xưa.

- Cần Thơ phải chăng là âm từ của người Miên? Vì miền đồng bằng sông Cữu Long xưa kia là của người Thủy Chân Lạp. Một số từ của họ để lại như: Trà Ếch, Trà Nóc, Trà Luộc, Trà Niềng, … hay Cần Chong (Tiểu Cần), Cần Đước, Cần Giuột, Cần Giờ, … Cần Thơ?

- Trong tiếng Miên có từ “Kìn Tho” có nghĩa là “cá sặc rằn”, phải chăng Cần Thơ xuất xứ từ trong tiếng Miên?

3-    Cà Ròn

      20Blhuvdd3

(Hình C, Sông Cà Ròn – Sông Phong Điền)

Cà Ròn: Tiếng Miên có nghĩa là cây bàng hay đám bàng. Bao đan bằng cây bàng gọi là bao Cà Ròn. Ở đây xưa kia có lẽ mọc nhiều cây bàng dọc theo các bải bùn. Sông Cần Thơ đến Phong Điền chấm dứt tại doi Lò Bế chia thành hai ngả: Rẻ trái là sông Cà Ròn, rẻ phải là sông Cầu Nhiếm.

4-    Cầu Nhiếm

      20Blhuvdd4

(Hình D, Sông Cầu Nhiếm)

Cầu nhiếm chúng tôi chưa tìm hiểu được xuất xứ, quý bà con ai biết xin bổ túc?

5-    Trà Niềng

      20Blhuvdd5

(Hình E, Rạch Trà Niềng)

20Blhuvdd6

(Hình F, Rạch Cái Tắc khúc bến sông mộ cụ Phan Văn Trị)

Trà Niềng (từ của người Miên), là con rạch ở tả ngạn sông Cần Thơ gần chợ Phong Điền, con rạch chính là Trà Niềng Lớn và nhánh nhỏ ở trong vàm chừng 700-800 mét là Trà Niềng Bé, bên kia là rạch Cái Tắc.

6-    Kinh Chợ

Con kinh đào phía sau Marché de Phong Dien, được đào từ khoảng năm 1903 nối dài qua kinh Xáng - Xà No.

7-    Rạch Nóp

Rạch nóp, là con lạch nước nhỏ của những người đi đốn củi. Có lần dân ngủ qua đêm tại đó, họ ngủ bằng túi ngủ (nóp) đan bằng lác, bị cọp ăn thịt. Dân làng mới lấy cái nóp đầy máu me của người xấu số đó đem treo trước vàm lạch làm dấu hiệu có cọp nguy hiểm để dân đi đốn củi tránh xa nên mới có tên là rạch Nóp.

8-    Lò Bế

Doi đất này ngày xưa làm đất nhị tì (nghĩa trang) ai không có đất thì đến đó mà nằm. Chỉ có ông Lò Bế là một người Tiều cuốc rẩy họ Lão tên Bế dám ở mà thôi, nên dân chúng mới gọi là doi Lò Bế. Tiếng Lão người Tiều phát âm là Lào, người Việt nói trại ra là Lò nên mới có tên là Lò Bế. Doi đất tại đầu cầu Tây Đô phía về hướng Trường Long.

9-    Ba Cây Sao hay Cảng Gạch

Là địa danh của một xóm chừng 7-8 nhà nhưng có tên đàng hoàng (ở khoảng giửa Phong Điền và Cầu Nhiếm) mà người ta gọi trong một giai đoạn lịch sữ. Ở địa phương thì đó là một xóm, nhưng hai địa danh này phát xuất từ một biến cố lịch sữ mà dân khắp vùng sông Hậu đều biết nên nhiều người gọi Ba Cây Sao hay Cảng Gạch thay cho danh từ Phong Điền là một cái chợ, hay Nhơn Ái là tên của một làng. Thí dụ như một cụ ở Cần Thơ đi vô chợ Phong Điền hay đi vô làng Nhơn Ái thì cứ nói là “Đi vô Ba Cây Sao hay đi vô Cảng Gạch” thì người ta cũng hiểu là cụ đi đâu rồi.

+ Ba Cây Sao:

Từ đời ông Lê Túc con ông Lê Tam đầu thế kỷ 19, Ông cho trồng ba cây sao trước nhà các con. Cây sao là loại cây sống rất lâu từ 800 năm hay 1.000 năm là chuyện thường. Ba cây sao khá to, gốc 2 người ôm, cao khoảng 30 m, ở xa 10 cây số còn thấy rỏ ràng. Từ đó “Ba Cây Sao” trở thành địa danh trong suốt gần 150 năm. Đến năm 1946, ba cây sao bị đốn đi. Về sau người ta không gọi đất Phong Điền là “Ba Cây Sao” nữa vì mấy cây sao không còn.

+ Cảng Gạch:

Năm 1947, chính sách “Vườn không nhà trống” hay còn gọi là “tiêu thổ kháng chiến” thì tại khúc sông ba cây sao vừa bị đốn đi cùng với hàng me cổ thụ, cái cảng bằng gạch được thành hình, chắn ngang sông để ngăn tàu Tây (Pháp) đánh thọc sâu vô vùng kháng chiến. Tất cả các ngôi nhà gạch gần đó đều bị phá để lấy gạch đổ xuống 9 chiếc ghe chài lón (loại chở 10-20 ngàn giạ lúa) rồi nhận chìm xuống sông làm cảng. Từ đó đất Phong Điền có tên mới là Cảng Gạch. Đến năm 1954-1955 dân chúng hồi cư, xuống sông mò lấy gạch đem bán hay lót nhà, lót đường đi. Vài năm sau dấu vết cảng gạch không còn nữa nên địa danh Cảng Gạch từ từ bị lãng quên.

10-Nhơn Ái

Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa, có nghĩa là tình nghĩa của con người (xin xem ý nghĩa làng Nhơn Ái sẽ trình bày sau).

Ngoài ra còn có các kinh rạch khác:

-        Về hướng Cầu Nhiếm có rạch Gừa, rạch Bần, …

-        Về hướng Trường Long có: Rạch Vong, rạch Rẩy, Mương Điều, Trà Ếch, …

 

Lê Hữu Uy

Arizona, Jun 22-2020

(Trích tư liệu tập sách “Làng Nhơn Ái 200 năm khai khẩn”)