"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc." ** Phan Chu Trinh **

 

ĐÌNH BÌNH THỦY – THÀNH PHỐ CẦN THƠ

21blhudbt1 

HINH 01, Đình Bình Thủy (Cần Thơ) – Long Tuyền Cổ Miếu

 

Đình Bình Thủy còn gọi là Long Tuyền Cổ Miếu, tọa lạc tại vàm rạch Bình Thủy, thuộc Quận Bình Thủy thành phố Cần Thơ.

Là ngôi đình được bảo tồn còn nguyên vẹn, tiêu biểu cho đình làng Nam Bộ. Đình được lập từ năm Giáp Thìn 1844, đơn sơ bằng cây lá.

Đến đời vua Tự Đức ban hành chính sách đẩy mạnh việc khẩn hoang lập ấp ở Nam Bộ sau nhiều năm loạn lạc dưới thời vua Minh Mạng nhiều nơi ruộng đất bỏ hoang hay chưa khai phá do cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi (1833), quân Xiêm xâm lấn nước ta (1842). Để hổ trợ tinh thần cho dân chúng qui tụ lại tiếp tục khẩn hoang lập ấp củng cố quốc gia. Năm 1852 vua Tự Đức ban sắc thần cho hơn 1800 đình làng trên cả nước (Địa bạ Nam Kỳ, Nguyễn Đình Đầu) nên nhiều đình chỉ thờ sắc thần mà không có tên vị Thần. Đình Bình Thủy sắc thần Bổn Cảnh Thần Hoàng vua Tự Đức ban ngày 29-11-1852.

 21blhudbt2

HINH 02, Tiền diện đình Bình Thủy, thành phố Cần Thơ

Đình thờ Bổn cảnh Thần hoàng là chính, ngoài ra còn có thờ 2 vị công chúa Trầm Hương và Huệ Cơ, thờ Tôn Thần và các vị anh hùng như Nguyễn Trung Trực, Bùi Hữu Nghĩa, Võ Huy Tập, cùng các vị tiền hiền, hậu hiền.

Tiền hiền Đinh Công Chánh có nhiều công lao gìn giử, trùng tu đình. Năm 1887 Ông là trưởng ban Bảo tự chùa Long Quang Bình Thủy sau đó được đề cử làm Bồi Bái đình Bình Thủy (chức này được xem như hộ vệ thần). Ông mất năm 1899, trong đình có bàn thờ riêng vị tiền hiền này. Ông là người tham gia vào Tao đàn văn học đầu tiên ở Bà Đồ của làng Bình Hưng (tên trước của làng Bình Thủy). Ông được cụ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa dạy làm thơ, Bùi Hữu Sanh truyền dạy nghề thuốc Bắc, thuốc Nam và được vị lão sư Nguyễn Giác Nguyên tin yêu, hướng dẫn đi theo con đường của các sĩ phu yêu nước thời bấy giờ. Ông tham gia phong trào vận động Đông Du (do Phan Bội Châu khởi xướng và lãnh đạo), Ông cũng là một danh y, tu hành đức độ và giỏi về thiên văn, địa lý.

21blhudbt3

HINH 03, Đình còn lưu giử được nhiều hiện vật cổ xưa quí giá

 21blhudbt4

HINH 04, Đình luôn có dân chúng đến thắp hương cầu khấn

Ông Nguyễn Doãn Cung (Ông Cả Cung) là người đứng ra cất lại Đình Bình Thủy năm 1908, đình Bình Thủy có may mắn không bị tàn phá trong cuộc chiến tranh Việt Pháp (1945-1954) còn gìn giử được nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Đình được xây cất mới cột bằng gổ quý, tường gạch, lợp ngói, trên mái trang trí lưởng long tranh châu, cá chép, con nghê, … Kiến trúc đình gồm 2 gian vuông 6 hàng cột, mái theo lối kiến trúc “thượng lầu, hạ hiên”, điểm đặc biệt các hàng cột ngoài bìa hơi choải ra tạo thế vững chắc cho ngôi đình.

Phía trước sân đình có 4 ngôi miếu nhỏ thờ thần Nông, thần Hổ, thần Rừng và thần Khai kinh (đào kinh lưu thông, dẫn nước).

 

 21blhudbt5

HINH 05, Mộ ông Cả Nguyễn Doãn Cung

Trong khi đó đình làng Nhơn Ái (Phong Điền) tương đương nhưng bị chính sách tiêu thổ kháng chiến của Việt Minh phá hủy năm 1946. Phần mộ ông Cả Cung vẫn còn nguyên vẹn, hiện tọa lạc tại Rạch Bà Chín, xã Long Hòa quận Bình Thủy, TP Cần Thơ.

Hàng năm có 2 lễ hội lớn là lễ Kỳ Yên Thượng Điền, ngày 12 đến 14 tháng 4 âm lịch, và lễ Hạ Điền nhằm ngày 14-15 tháng chạp âm lịch. Các ngày lễ này là ngày hội của dân làng Long Tuyền cũng như dân ở Cần Thơ hay các vùng phụ cận đến tham dự đông đảo. Có các trò chơi dân gian, ca múa, khi xưa có hát bội ngày nay thì có thêm đờn ca tài tử, …

Đình Bình Thủy là ngôi đình đẹp, cổ kính, một điểm thu hút nhiều quan khách tham quan, tìm về vùng kỷ niệm ngày củ, khám phá ngôi đình cổ xưa còn giử được nguyên vẹn trên trăm năm, một di tích lịch sữ quan trọng của miền Tây Nam Bộ.

Trên vùng đồng bằng sông Cữu Long cũng có ngôi đình cổ xưa có từ 1783 trên cù lao Năng Gù (Châu Đốc) bên bờ sông Hậu cũng là Đình Bình Thủy trùng tên, tọa lạc tại xã Bình Lâm đến thời Pháp thuộc đổi lại là Bình Thủy, huyện Châu Phú, Châu Đốc nay là tỉnh An Giang.

Năm 1944 vua Bảo Đại sắc phong Bổn cảnh thần hoàn tước hiệu “Tỉnh Hậu Dực Trung Hưng Trung Đẵng Thần”, ngoài ra còn có thờ Thượng đẵng thần Lễ Thành Hầu Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh.

Năm 1972, được trùng tu khang trang tồn tại như ngày nay.

 

21blhudbt6

HINH 06, Đình Bình Thủy - Bình Thủy Thần Miếu – Cù lao Năng Gù, Châu Đốc (Ảnh Internet)

        • Xin đừng nhầm lẫn 2 ngôi đình Long Tuyền Cổ Miếu (Cần Thơ) và Bình Thủy Thần Miếu (Châu Đốc).

Lê Hữu Uy

April 09-2021 – Hình chụp năm 2019