"Nếu bệ-hạ muốn hàng, xin trước hãy chém đầu tôi đi đã, rồi sau sẽ hàng!" ** Trần Quốc Tuấn **

 

Đọc ‘909 Bài Thơ Ba Dòng’ Như Vào Mật Thất Đọc Bí Kíp Thơ

22bhkqtbd1

 Hình bìa tập thơ “909 Bài Thơ Ba Dòng” của Nguyễn Hưng Quốc.

Tôi biết đến Nguyễn Hưng Quốc như một nhà phê bình văn học kiệt xuất rất nhiều năm về trước khi tôi đọc khá nhiều tác phẩm của anh, trong đó có cuốn “Văn Học Việt Nam, Từ Điểm Nhìn H(ậu H)iện Đại,” “Nghĩ Về Thơ,” “Tìm Hiểu Về Nghệ Thuật Thơ Việt Nam,” “Văn Học Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản,” “Mấy Vấn Đề Phê Bình và Lý Thuyết Văn Học,” v.v… Nhưng đây là lần đầu tiên tôi đọc thơ của anh qua cuốn “909 Bài Thơ Ba Dòng” vừa được Lotus Media xuất bản năm 2021.

Cảm nhận đầu tiên của tôi khi đọc “909 Bài Thơ Ba Dòng” là lạ, dí dỏm và sâu. Lạ vì cấu trúc và chữ nghĩa của bài thơ. Chẳng hạn trong bài thơ số 580:

Anh hôn em

Đến cạn cả

Giấc mơ

Về cấu trúc, chỉ gỏn lọn trong 3 dòng, nó thật quá cô đọng đến mức không còn có thể rút ngắn thêm được nữa, mà như Nguyễn Hưng Quốc đã viết trong Lời Nói Đầu là “nó bị nén chặt, thật chặt.” Cấu trúc này quả thật là rất lạ trong thơ Việt Nam xưa nay. Còn chữ nghĩa trong bài thơ này nữa. “Giấc mơ” trong dòng cuối của bài thơ làm người đọc không thể đoán trước, nó rất bất ngờ. Nó đúng là mở ra một khung trời khác mới lạ cho cảm nghĩ của người đọc.

Dí dỏm, vì hầu như đại đa số các bài thơ trong “909 Bài Thơ Ba Dòng” đều ẩn hiện đâu đó cái nét dí dỏm rất dễ thương và cũng rất ý vị. Thí dụ, trong bài thơ số 569.

Để đến với trái tim

Hắn phải trườn qua

Thân thể nàng

Bài thơ nói lên một sự thật ít ai chối cãi nhưng cũng ít ai nghĩ ra cách miêu tả như thế. Nó có chút phàm tục trong ý nghĩa thanh cao. Nhưng đọc xong bài thơ, tôi tin chắc hầu hết người đọc đều không thể nhịn cười.

Sâu, vì rất nhiều bài trong “909 Bài Thơ Ba Dòng” hàm ngụ một thứ triết lý nào đó về tôn giáo, lịch sử, đời sống, văn học, v.v… , như bài thơ 862.

Tôi thụ giáo những giọt sương

Bài học Bát Nhã

Sắc tức thị không

Nhìn những giọt sương, nhà thơ họ Nguyễn có thể giác ngộ được triết lý sâu thẳm “sắc tức thị không” của Bát Nhã (Tiếng Phạn đọc là Prajana – dịch âm là Bát Nhã, dịch nghĩa là Trí Tuệ), là giáo lý đức Phật dạy về trí tuệ quán chiếu bản chất mong manh giả tạm, không có tự tánh, không có tự ngã, chỉ là rỗng không của tất cả mọi sự mọi vật trên cõi đời này. Mọi thứ đều vô thường, biến hoại như sương mai, chợt có chợt không.

Đọc “909 Bài Thơ Ba Dòng” tôi lại có cảm nghĩ như mình đã tình cờ đi lọt vào một mật thất mà trong đó chứa đầy những bí quyết tinh mật về thơ, về việc làm thơ và về nhà thơ. Có lẽ, với kiến thức và kinh nghiệm phong phú về phê bình văn học và thơ mà nhà thơ họ Nguyễn đã nắm chặt trong tay mình những bí quyết, hay cũng có thể nói là những minh giải về thơ. Và khi đọc những bài thơ này tôi còn thấy phảng phất hình bóng và hơi hướng của một cây bút lý luận văn học chuyên nghiệp ẩn hiện đâu đó trong bài thơ.

Mật thất thứ nhất trong “909 Bài Thơ Ba Dòng” chứa đựng những bí quyết hay những minh giải về thơ. Xin trích ra đây một số bài thơ để độc giả tường lãm. Những con số nằm trong dấu ngoặc ở cuối mỗi bài thơ là số bài thơ trong tác phẩm “909 Bài Thơ Ba Dòng.”

Thơ ra đời từ

Lãnh cung

Của những đóa hoa hồng (2)

 

Bài thơ không có gì ngoài chữ

Chữ giao cấu với chữ

Đẻ ra nhà thơ (54)

 

Ánh trăng đâm thẳng vào trái tim của hắn

Hắn mất tân

Và bài thơ tình ra đời (73)

 

Tất cả mọi người đều là những tù nhân

Thơ là sự cứu rỗi

Cuối cùng (82)

 

Thơ là lời thì thầm của trái tim

Thơ là trò chơi của chữ

Thơ là ngón tay đeo nhẫn của Chúa (98)

 

Thơ trở thành nguồn cứu rỗi duy nhất

Sau khi Thượng Đế bị

Truất phế (109)

 

Thơ là nơi tôi chôn giấu những nỗi

Không thể nói được

Với bất cứ ai (123)

 

Trong những điều kỳ diệu, ngôn ngữ đứng đầu

Trong ngôn ngữ

Thơ đứng đầu (166)

 

Một bài thơ như tiếng chó sủa vu vơ dưới trăng

Nó khiến người ta giật mình

Thấy ánh trăng đẹp (167)

 

Thơ làm mới ngôn ngữ

Ngôn ngữ làm mới cái nhìn

Cái nhìn làm mới con người (70)

 

Thơ chỉ là cô điếm già

Đứng ngắm trăng

Trong lúc chờ khách (187)

 

Bài thơ nào cũng đến bất ngờ

Khi tia nắng chạm vào ngay giữa

Trái tim hoa (205)

 

Hắn mất tích trong các bài thơ của hắn

Mọi tìm kiếm đều

Vô vọng (208)

 

Mỗi bài thơ là một đám cưới của chữ

Phần lớn đều

Tuyệt tự (213)

 

Trong khế ước của thơ

Sự thành thực chỉ là điều

Phù phiếm (214)

 

Hễ còn nỗi buồn còn nhớ nhung còn tuyệt vọng

Là còn có thơ

Thơ là tiếng kêu của sự bất toàn (216)

 

Thơ là những nụ hôn

Kín đáo

Xuyên địa lý (231)

 

Không ai ngăn được thời gian

Nhưng thơ có thể vĩnh cửu hóa

Một khoảnh khắc (264)

 

Thơ

Bí tích hôn phối

Giữa các chữ (324)

 

Thơ: Những chữ bị đánh cắp

Bởi một giấc mơ

Thủng đáy (331)

 

Thơ là tiếng thì thầm

Của những giọt sương mai

Chưa mất trinh (332)

 

Thơ là những đóa hoa

Trễ kinh

Đứng khóc (347)

 

Mỗi bài thơ là một thương tích

Từ vết cắn

Của chữ (360)

 

Thơ khuếch tán

Tiếng thở dài của những

Hạt sương đêm (407)

 

Thơ là lời tỏ tình của

Ngọn cỏ

Với một ánh sao xa (411)

 

Thơ: Lơ lửng giữa nói và không nói

Giữa từ vựng và phi từ vựng

Giữa thơ và phản thơ (530)

 

Bài thơ cởi truồng

Chữ giạng chân

Mà tất cả vẫn ẩn mật (535)

 

Mỗi bài thơ cõng một tia nắng

Chiếu sáng

Đường đi vào những giấc mộng (578)

 

Thơ chỉ thích những góc khuất thật quạnh quẽ

Nơi người ta nghe được

Tiếng cựa mình của chữ (689)

 

Thơ là những đóa hoa bị đẻ rơi

Trên đường lên

Núi Sọ (709)

 

Khi những họng núi lửa nở hoa

Và dòng sông gục đầu xuống khóc

Thơ ra đời (728)

 

Lửng lơ, tất cả các bài thơ hắn viết

Đều theo

Thi pháp của mây (786)

 

Thơ như một hạt bụi

Đậu trong mắt

Đủ làm người xốn xang (807)

 

Mỗi bài thơ là một thí nghiệm

Trên chữ

Về cái gọi là thơ (833)

 

Thơ không phản ánh sự thật

Nó tạo ra

Sự Thật (865)

 

Những bài thơ được viết

Để phụ họa

Các lời kinh của mưa (877)

 

Bài thơ cần kịch tính

Của ngọn núi lửa

Nổ bùng (883)

 

Thơ gắn liền với ý niệm phôi pha

Trong cõi vĩnh hằng

Không có thi sĩ (889)

 

Tất cả những bài thơ trên đều giúp cho người đọc hiểu thơ là gì, thơ nói về điều gì và chất liệu làm nên bài thơ. Tôi có cảm nghĩ nó giống như những khẩu quyết mà người học võ phải thuộc lòng để nắm bắt được cốt tủy thi triển của một đường võ.

 

Mật thất thứ hai ghi những bí quyết về việc làm thơ. Những bài thơ được trích dẫn dưới đây từ cuốn “909 Bài Thơ Ba Dòng,” là những bí quyết mà nhà thơ Nguyễn Hưng Quốc nói cho chúng ta biết kinh nghiệm làm thơ của anh. Kinh nghiệm thì thường khác biệt giữa người này và người nọ do tư chất riêng và do bối cảnh tâm tư, tình cảm, nhận thức, hoàn cảnh, v.v… của mỗi người. Nhưng đây là điều hiếm thấy được các nhà thơ trình bày theo thể cách này. Xin trích một số bài thơ trong “909 Bài Thơ Ba Dòng” để người đọc tiện việc theo dõi.

Làm thơ là đánh vật với chữ

Khi chữ thắng

Tác giả cũng thắng (181)

 

Làm thơ, hắn tìm cách phiên dịch

Những bài kinh nhật tụng

Của gió (204)

 

Để bày tỏ tình yêu

Hắn làm thơ

Còn nàng thì mất trinh (233)

 

Làm thơ

Tôi tự hóa kiếp tôi

Thành chữ (286)

 

Làm thơ như đột kích

Mỗi chữ một phát súng

Bất ngờ (414)

 

Làm thơ là một cách thủ dâm

Tinh khí chữ bắn vào

Hiu quạnh (592)

 

Thử thách lớn nhất của người làm thơ là

Nghe được tiếng chữ thở

Lúc chúng tự sướng (635)

 

Làm thơ là tự hành xác với chữ

Bao nhiêu tinh dịch trào xuống

Để có được một cành hoa (647)

 

Làm thơ là phóng thích những nỗi u uẩn

Để lòng được nằm nghiêng với

Những vạt nắng chiều (708)

 

Làm thơ, hắn nhập thể vào chữ

Chữ thở phập phồng

Những tình yêu của hắn (758)

 

Làm thơ là tìm kiếm tàn tích

Những nụ hôn cháy

Trong giấc mơ (882)

 

Làm thơ, hắn ăn cắp chữ

Từ những giọt

Mưa rơi (905)

Làm thơ, theo Nguyễn Hưng Quốc, là “hóa kiếp tôi thành chữ,” hay “hắn nhập thể vào chữ,” hoặc một cách đầy tượng hình “hắn ăn cắp chữ từ những giọt mưa rơi,” v.v… Nhưng tôi thích nhất là câu này: “làm thơ là nghe được tiếng chữ thở lúc chúng tự sướng.” Muốn nghe được “tiếng chữ thở” thì mình ắt phải “hóa kiếp thành chữ,” hay “nhập thể vào chữ.” Và như thế thì không còn khoảng cách giữa người làm thơ và chữ. Người làm thơ là chữ và chữ là thơ.

Mật thất thứ ba viết những bí quyết về nhà thơ. Trong mật thất này chỉ gồm mấy bài thơ, là ít so với hai mật thất mà tôi vừa đi qua ở trên. Xin trích đăng để độc giả thưởng thức.

Nhà thơ không làm ra chữ

Chính chữ làm nên

Nhà thơ (139)

 

Nhà thơ là kẻ phiên dịch bóng tối

Để ánh sáng hiểu được

Trái tim đêm (175)

 

Tất cả các nhà thơ đều nhẹ dạ

Trước sự cám dỗ của

Những nỗi vu vơ (261)

 

Nhà thơ lắng nghe và phiên dịch

Các cuộc chuyện trò giữa

Cỏ và sương (426)

 

Bao giờ hắn cũng muốn viết một cái gì đó

Nhưng chỉ khi hắn không viết

Hắn mới thực sự là nhà thơ (649)

 

Chỉ có các nhà thơ mới dịch được

Các văn bản của mây

Viết trên trời xanh (727)

Nguyễn Hưng Quốc cho rằng “Nhà thơ không làm ra chữ, chính chữ làm nên nhà thơ.” Vế thứ hai của bài thơ này thì có vẻ dễ hiểu, bởi vì chính người làm ra bài thơ thì mới được gọi là nhà thơ. Nhưng vế đầu của bài thơ thì không dễ hiểu tí nào cả, bởi vì “nhà thơ không làm ra chữ,” thì nhà thơ làm ra gì? Có lẽ chúng ta nên quay lại mật thất thứ hai trong đó ghi những bí quyết làm thơ thì chắc có câu trả lời. Đúng vậy, trong mật thất thứ hai, Nguyễn Hưng Quốc nói anh “hóa kiếp thành chữ,”“nhập thể vào chữ.” Bởi thế, nhà thơ không còn đứng ngoài chữ để nói mình làm ra chữ. Nhà thơ là chữ. Chữ là nhà thơ. Và do vậy, nhà thơ họ Nguyễn mới nói “Bao giờ hắn cũng muốn viết một cái gì đó, nhưng chỉ khi hắn không viết, hắn mới thực là nhà thơ.”(649) Cao siêu! Đây quả là cảnh giới thượng thừa của nghệ thuật.

Trong “909 Bài Thơ Ba Dòng” có nhiều điều khác mà Nguyễn Hưng Quốc cảm tác về tình yêu, chuyện vợ chồng, biển, sóng nước, mây, gió, trăng, mưa, mùa thu, lá vàng, nắng, hoa, sương đêm, các vì sao, giấc mộng, tiếng chim hót, v.v…

Có những bài thơ trong “909 Bài Thơ Ba Dòng” đọc lên là nghe và thấy cả một khung cảnh nghệ thuật như đang xem một bức tranh thiên nhiên sống động tuyệt đẹp. Chẳng hạn:

Hắn nhả khói thuốc vào mùa thu

Bầu trời trống

Treo hờ một khóe trăng non (878)

 

Hoặc có bài thơ chứa đầy âm thanh, màu sắc và hương vị:

 

Mở cửa cho tiếng chim vào nhà

Tiếng chim tròn và ngọt lịm

Như một trái cam (818)

Nhà thơ Nguyễn Hưng Quốc khép lại tập thơ “909 Bài Thơ Ba Dòng” bằng một câu hỏi bỏ ngõ nhưng chứa đựng cả một khung trời triết lý nghệ thuật cao siêu:

Những bài thơ ba dòng nhỏ xíu này

Có nặng bằng một hạt sương không?

Tôi không biết. Xin hỏi những ngọn cỏ (909)

Chỉ những ngọn cỏ mới cảm nhận được đích thật hạt sương có nặng không thôi. Nếu dùng tâm thức phân biệt, hay nói như Trần Na (Dignāga) trong Nhân Minh Luận của nhà Phật là dùng loại tri thức tỉ lượng, để suy đoán thì sẽ rơi vào tình trạng “người mù rờ voi,” -- là một thí dụ mà các nhà hiền triết Ấn Độ thuở xưa nêu ra để miêu tả sự suy đoán chân lý tuyệt đối bằng đầu óc hữu hạn và tương đối của con người. Nhưng những ngọn cỏ thì có bao giờ lên tiếng trả lời đâu và ngay cả hạt sương cũng vậy.

Vì thế, muốn có câu trả lời thì phải là hạt sương, phải là ngọn cỏ, hay phải “thể nhập,” phải “hóa kiếp” để lắng nghe cỏ và sương nói gì, như nhà thơ họ Nguyễn đã nói đâu đó trong tập thơ này.

Nhà thơ lắng nghe và phiên dịch

Các cuộc chuyện trò giữa

Cỏ và sương (426)

 

Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Hưng Quốc và xin giới thiệu tập thơ “909 Bài Thơ Ba Dòng” đến với quý độc giả.

Huỳnh Kim Quang