"Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc." ** Trần Bình Trọng **

 

Thở

Từ khi thiền thở mới biết rằng:
Hơi thở bên ta rất thường hằng
Vậy mà nhiều lúc mình quên béng:
Nếu mà không thở sống mần răng?

Tò mò theo dõi thấy hay hay
Khi thở bên kia lúc bên này (1)
Đều đặn vào ra không ngưng nghỉ
Như tim hằng đập chẳng đổi thay.

Hơi thở, thương ơi, quý chừng nào
Mà bao lâu nay đã lãng xao
Bây giờ tập trung ta theo dõi
Dẹp đi, đừng nghĩ chuyện tào lao.

Khổ nỗi mới vừa tầm với tứ (2)
Là tâm cũng bốn xứ * rời xa (3)
Lại rong chơi khắp nẻo ta bà.
Ôi đúng là tâm viên ý mã (4)

Cách chi bắt được vượn tâm
Mà đem cột chặt vào thân mai già?

Nào , lại theo hơi thở, vào ra...

Sao Khuê
27/9/2023

1) Hơi thở ra vào có khi chạm vào mũi trái, lúc lại chạm vào mũi phải, có khi cùng chạm cả hai bên mũi.
2) Theo pháp quán hơi thở Anàpànasati sutta:
· Tầm (vitakka): Sự hướng tâm đến đối tượng.
· Tứ (vicāra): Sự kiểm sát đối tượng.
· Hỷ (pīti): Sự hứng thú đối với đối tượng.
· Thọ (vedanā): Có thể là Lạc thọ .
Khi quán hơi thở thì đối tượng là hơi thở, tìm thấy hơi thở , theo dõi hơi thở ra vào, hứng thú với sự theo dõi và rồi cảm thấy vui mừng theo dõi hơi thở.
3) Bốn xứ: Tứ Niệm Xứ được hiểu nôm na là 4 nền tảng cốt lõi của Đạo Đế mà những người tu Phật giáo cần phải chú ý để tâm, coi trọng và quan sát, ghi nhớ. 4 Niệm là: Thân bất tịnh; Pháp vô ngã; Tâm vô thường, Thọ thị khổ.
4) Tâm như con khỉ , ý như con ngựa không bao giờ đứng yên