"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Một Ngày Bà Vắng Nhà

   Mấy chục năm chung sống với ông, đây là lần đầu bà phải tạm rời xa ông một thời gian. Ôi! nỗi buồn nào hơn. Trước đây, cả hai vợ chồng đi đâu cũng có nhau, chẳng hề tách rời, hễ ông đi trước thể nào người ta cũng thấy theo đó dáng bà lùi lũi sát rịt bên cạnh. Trẻ trung thì không nói gì, nay hai vợ chồng đã hai thứ tóc mà vẫn còn tay trong tay, nồng nàn tình tứ, bám cứng nhau như sam, hạnh phúc ấy nguyên si như thuở còn son khiến họ hàng bà con cô bác lúc đầu ai cũng thì thầm sau lưng nửa chọc phá, nửa ganh tỵ, riết rồi thấy ông bà không phản ứng gì ngoại trừ nụ cười im lặng như đồng nhận, họ bèn ra mặt đương nhiên trêu đùa thế. Ấy mà vài ngày nữa đây bà phải đi rồi, ông biết bà nào đâu nỡ lòng bỏ đi chơi riêng rẽ một mình.

   Chả là vì đứa con gái út lấy chồng tận bên Mỹ mới sinh con so được vài ngày đang trong thời gian ở cữ, nhà vợ chồng nó chẳng có ai thân thích bên cạnh, tội nghiệp quay qua nghoảnh lại, con còn tí xíu đỏ hỏn, mẹ thì trẻ người non dạ bối rối một mình chưa biết xoay sở thế nào vì rể phải cắm đầu cắm cổ lo cày để phục vụ thêm một thành viên vừa mới nhập vào sổ gia đình chưa kịp kế hoạch. Hai vợ chồng chúng nó lại mới ra riêng nên không mấy khấm khá chỉ dám mướn cái apart một phòng ngủ nhỏ bé, chật chội bằng cái lỗ mũi, nên khi rể phone mời ba má sang chơi mừng vợ con mới sanh, ông phải thông cảm và ý nhị hiểu rằng nó mời ông bà sang, trước thăm con cháu, sau là nom luôn cho con gái còn trong tháng yếu đuối chân tay, non nớt kinh nghiệm trông nuôi con đầu lòng. Ừ thì đúng rồi, dầu sao cũng là con ruột mình rứt ruột sanh ra, mình sang thăm nom cũng là đứa cháu ngoại máu chảy ruột mềm chứ có ai đâu xa lạ. Nhưng ngặt một nỗi ông để cho bà đi một mình ên thôi, vì chỗ ở hai vợ chồng nó bé tí như vậy, bà chung phòng con gái còn được, chứ chêm ông vào ở thêm nữa trong thời gian lâu thì đâu có thuận tiện cho việc đụng chạm ra vào. Thôi đành hai vợ chồng già người đi, kẻ ở vậy chứ biết nói sao hơn, vả lại bên này ông còn mấy đứa cháu nội con thằng lớn thỉnh thoảng bận bịu nhờ cậy đến ông đưa đi học đón về nữa. Đứa nào cũng là con là cháu, hai ông bà đã từng giúp dâu trông cháu, thì bây giờ chẳng lẽ con út dẫu ở xa xôi nó nhờ cậy mà mình dị lòng, viện lẽ này nọ mà không giúp nó coi sao được.Trời ạ! Cứ nghĩ đến ngày bà đi mà nẫu cả ruột gan ông.

   Còn riêng bà, bà suy nghĩ mông lung lắm, thêm con thêm cháu là thêm phúc, một tin mừng đó, nhưng bà lại chạnh lòng giây phút chia xa. Ông đâu bà đó, đi đâu thì cùng đi cả nhà, ông hay thường nói thế, vậy mà nay tình thế khác hẳn, hình như cuộc đời có những chuyện xảy ra mà mình chẳng lường được, cũng như việc ông bà qua xứ sở lạnh lẽo này, bỏ cả mồ mả tổ tiên ông cha, bỏ của chạy lấy người mà, may là còn nguyên vẹn gia đình chứ lắm như bao kẻ khác xẻ đàn tan nghé, bi thương tan tác đau khổ biết ngần nào. Rồi con cái bên này lớn lên học hành lập nghiệp, xa cha lìa mẹ là lẽ thường tình, thì thôi cứ cho số phận an bày đưa đẩy đi, miễn là hết thảy khoẻ mạnh là mừng rồi. Niềm vui nỗi buồn cứ thế chập chùng trộn lẫn miên man khiến bà thêm ưu tư trầm mặc. Liên tưởng đến ông nay mai một bóng lủi thủi ra vào, tự mình săn sóc lấy thân bà lại thở dài đắn đo, rồi bà tự nhủ thầm như để an tâm Chậc, ông cũng đâu là con nít, mà bà có đi lâu lắc hay mất biệt gì đâu, cứ thử để mặc ông có những ngày thoải mái một mình tự do coi sao, còn mọi việc khác cái gì bà làm được cho ông thì cũng đã sắp sẵn an bày, chuẩn bị chu đáo đâu đấy hết cả rồi.

   Bà được cậu trai lớn đưa ra phi trường sáng nay thật sớm, còn ông, tuy mặc sẵn quần áo tươm tất cả nhưng phút cuối lại ngần ngừ đổi ý từ chối không ra tiễn bà lấy cớ là hơi mệt làm bà có vẻ buồn bã thoảng chút nét giận hờn. Không phải ông không muốn đưa bà ra, ông lo mình vương vấn, bịn rịn, cầm lòng không đặng sẽ làm tụi nhỏ nó cười chọc khi cay mắt nhìn bước chân bà từ từ xa ông, ông đành xót xa nghe bà nén sụt sùi khi dặn dò kỹ lưỡng mọi việc khi không có bà bên cạnh ông nhắc nhở. Quả thật ông có nghe rõ ràng từng câu từng chữ bà thốt đấy, nhưng hình như chúng chạy tuột đâu mất không để mảy may lại một chút gì, chỉ thấy trong đầu lùng bùng nỗi cô lẻ với tâm trạng trống trải khi bắt đầu giúp bà đóng nắp chiếc valy được kiểm soát lần cuối xem có thiếu sót gì quà cáp cho con cháu mang theo ngoài những vật dụng cần thiết cá nhân, mấy bộ quần áo mặc thường của bà mà ông từng quen mắt lắm mỗi ngày. Thôi, kể từ phút này ông tạm không thấy chúng nữa, hơn lúc nào hết ông mới cảm thấy thấm thía câu “hương gây mùi nhớ” là thế nào. Chao ơi! bóng dáng, làn hơi thân thuộc của bà sao cứ quanh quẩn từng chỗ từng nơi vây quanh ông, len lỏi bám sâu vào thớ thịt, quấn quít chẳng rời như thể nó sống luồn lách trong thân thể ông hồi thuở kiếp nào khiến cho ông động tâm nghĩ hoài đến bà da diết quắt quay. Ông ngồi thừ ở bàn ăn, ông không muốn dùng bữa trưa, mặc dầu trước khi đi bà cẩn thận đặt sẵn trên bàn cho ông, chỉ cần chờ ông với tay hâm sơ qua bằng lò vi ba. Ông nghĩ mình khó lòng nuốt nổi một miếng, khi mà mọi bữa giờ này bà còn hỏi kỹ càng xem ông đã uống thuốc đầy đủ cữ sáng, hay thuốc nào cần dùng trước khi ăn bữa trưa… Nhớ đến thuốc ông nhướng mắt ngó lên kệ nhỏ đặt cuối tủ bếp, nơi đó ông bỗng rướm mắt nhoè lệ khi hàng chữ run run của bà chắc phải mất mấy tiếng đồng hồ để ghi lại rõ ràng giờ giấc, sáng trưa chiều tối, phân chia sẵn từng thứ thuốc nào cho ông khỏi quên hay nhầm lẫn. Giơ tay kéo lên bình trà còn ủ hơi nóng trong chiếc giỏ mây đệm nỉ bông thật dầy mà bà đã nhờ người mua gởi tận quê nhà sang cho ông, ông nghe xốn xang cả người, bà lúc nào cũng chi ly để ý từng sở thích tí một cho ông, bình trà vẫn ấm hơi đây mà người thì ở phương nào! ….

   Thời giờ như đi chậm hẳn lại hơn mọi ngày, giờ này khi ông ra phòng ngoài thì báo và thư đã sắp thứ tự gọn gàng cho ông lấy đọc, chứ ông đâu chậm chạp cất công ra mở cửa, với tay vào thùng đựng thư để đem tất cả chúng vào nhà. Ờ.., mà sao nhà im vắng lạnh tanh quá, thì ra là thiếu âm thanh rè rè trầm bổng của băng cassette cải lương, vọng cổ mà bà vẫn mở rỉ rả nghe cho đỡ nhớ thuở còn ở bên nhà, lúc đó ông cứ hay than phiền bà rằng nghe chi hoài mấy bài hát tuồng tích cũ rích xa xưa ấy, bà chỉ mỉm cười rồi trách khéo nếu không nhờ mấy tuồng cải lương này mà ngày nào thời bà tóc chấm vai, mắt nai ngơ ngác, thuở từng làm cho ông điêu đứng tâm can, cậy cục mọi cách làm quen và cố lấy lòng ông bà ngoại xấp nhỏ cho được bằng những tấm vé mời coi hát để rồi lợi dụng nhân cơ hội gặp mặt bà cho đỡ nhớ thương mong đó sao? Ông mỉm cười khi mênh mang khi thoáng hồi lại dĩ vãng ngọt ngào, dễ thương tuyệt vời đó để chợt bồi hồi nuối tiếc tuổi thanh xuân sao chóng qua thế.

   Trời rồi cũng xế trưa, bóng nắng đã ngả quá hiên nhà, ông vào phòng thay lấy bộ đồ mặc nhà mà bà đã sằp sẵn treo trên móc áo. Trời ạ! mỗi thứ, mỗi việc đều có bàn tay bà vén khéo, chuẩn bị trong ngoài đâu đấy, mai đây thì ông chính tay tự làm lấy, còn có thể ỷ y nhờ vả ai đâu nữa cơ chứ. Bữa cơm tối buồn chi mà buồn lạ, có mình ông lục đục hâm mấy món ăn mà bà đã nấu sẵn cẩn thận phân chia thành riêng hộp nhỏ đặt trong ngăn lạnh dành ăn cho một tuần, rau sống bà lặt sạch để trong túi nylon nhỏ để ngăn rau cho ông ăn đến đâu rửa đến đó. Một tờ giấy ngắn gọn vài hàng bà ghi rõ rằng món canh vài ngày là ăn hết, nhấc phone gọi con dâu một tiếng nó nấu giùm cho ông, còn chợ búa thì bà đã dặn dò nó kỹ càng hết rồi, không lo.

   Ở nhà một mình, chỉ có mấy bữa ăn mà sao ông thấy nó chộn rộn quá không biết, dẫu không nấu nướng gì mà cứ quầy quả hết làm cái này, quay sang cái khác, việc nào ông cũng đều lúng túng, vụng về không quen, thế mới biết bà giỏi ghê, một mình bà lụi hụi mà trên dưới, trong ngoài gọn ghẽ tươm tất cả. Buổi tối vắng vẻ quá, tiếng xe qua trước cữa dường như thưa thớt hẳn, mấy ngọn đèn đường toả ánh sáng vàng vọt héo hắt chẳng đủ soi sáng mấy chiếc lá tàn xác xơ, chơ vơ trên vệ đường từ cơn gió vô tình nào thổi bay đến

   Dưới bóng hoàng hôn khổng lồ bao chụp xuống, ông bỗng lắng nghe tiếng con gì kêu sao mà rả rích thê lương não nùng, mọi hôm có bà ở nhà, ông đã chẳng để ý gì đến ngoài việc cùng bà nói bao chuyện vui về tụi nhỏ, về thời tiết, mấy chuyện của mấy ông bà cao niên v.v. là hết nhanh veo ngay một tối. Bây giờ thời gian kéo dài lê thê, ông mệt mỏi ngáp dài ngáp ngắn, mà đôi mắt vẫn căng trừng chưa thấy buồn ngủ mới lạ!
    Ông từng bước ngắn đi qua đi lại theo chu vi phòng khách nhỏ cho dễ tiêu cơm, đáng lẽ hoạt động này là phải làm sau mỗi khi ăn xong bữa tối với bà, vậy mà ông quên khuấy đi mất, chắc thiếu nó làm ông không cảm thấy muốn đi nằm. Hừ!… tại bà hết, ông dỗi hờn đổ lỗi ngang xương, nếu có bà ở nhà thì ông đâu có đãng trí như thế.
    Ông ra trước sau ngó xem cửa ngõ có cài then đóng chốt gì chưa, công việc này là mọi ngày bà lãnh trách nhiệm, còn ông lúc đó thì đường hoàng ngồi nán cho hết chương trình thể thao hockey. Ông bước vào phòng tắm đánh răng chuẫn bị đi ngủ, ông biếng lười nhìn chiếc bàn chải đánh răng còn nguyên vị trí của nó, lẽ ra mọi hôm nó được bà trải sẵn kem trên đó cho ông rồi. Úi chào! té ra cái gì việc lớn đến việc nhỏ bà cũng làm ráo hết, mà bấy nhiêu lâu ông không hề nhận ra, thì ra ông hưởng thụ thật nhiều mà ông không biết hay là ông không muốn biết đến, cứ lầm bầm lằng nhằng trách phiền bà hết ba cái vụ lẻ tẻ này, bốn điều nhỏ nhặt khác gì đâu không, để đến khi bà vắng nhà, ông mới trực diện cô đơn, phát giác ông thiếu tiếng nói nhỏ nhẹ của bà, thiếu đôi mắt cười nhẫn nhịn chịu đựng cho qua, cả đôi bàn tay nội trợ quán xuyến và tấm lòng thiết tha của một người vợ thương yêu chăm sóc chồng biết là dường nào.

   Ông lủi thủi mở ngọn đèn ngủ đầu giường, nhìn sang giường nhỏ của bà sát cạnh. Cả hai chiếc giường đều lạnh lẽo cô đơn như nhau, có chắc bên kia bà bận rộn với con cháu cả ngày mệt mỏi, tối đến đặt lưng xuống là ngủ ngay không, hay cũng trằn trọc nhớ nhung cùng tâm trạng như ông bên này. Ông dựa lưng vào đầu giường, với tay lấy cái tờ báo Việt ngữ mà mỗi lần đi chợ cuối tuần bà ráng mua thêm bớt cho đủ số tiền nào đó để xin mang về cho ông coi tin tức thời sự quốc nội, quốc ngoại hay mấy cái mục truyện dài kiếm hiệp ưa thích, truyện ngắn dí dỏm hay câu chuyện phiếm tiếu lâm đọc cười cho vui qua ngày. Giờ, mở to tờ báo vậy, mà ông có đọc chữ nào đâu, chữ nghĩa gì nhảy múa lung tung hay đầu óc ông không hề ở đây mà đã gởi cả hồn vía đến bà ở tận phương xa nào rồi. Chán nản ông bỏ tờ báo xuống, tắt đèn, cố nhắm mắt dỗ giấc ngủ. Trăn trở một hồi đến thật mệt mỏi, ông chực thiếp đi, chập chờn trong cơn mơ, hình như có bóng dáng bà bên cạnh đang dịu dàng kéo tấm chăn đắp sát lên tận ngực ông, miệng thì thầm trách yêu rằng ông thật hư quá, tật ngủ là đá tung hết mọi thứ, coi chừng có ngày cảm lạnh không biết chừng!….

   Bỗng tiếng điện thoại reo vang liên hồi làm ông chợt giật mình tỉnh giấc, mở đèn, suýt quên đôi kính lão nằm trỏng trơ bên cạnh, mà thường lệ ông phải đeo ngay vào trước khi muốn làm việc gì, để lụp chụp vội tay với lấy chiếc ống nghe đặt sát đầu giường.
    Trái tim thổn thức như reo vui, đôi mắt ngái ngủ tưởng căng ra hết cỡ như được tiếp thêm liều thuốc khoẻ làm tỉnh táo hẳn khi nghe tiếng của bà nhẹ nhàng êm ái quen thuộc bên kia đầu giây.
  -Alô! Alô!… ông đang ngủ hả? Xin lỗi đánh thức ông nghen. Tôi đến nhà con gái từ chiều lận, nhưng lu bu quá, không có kịp gọi báo cho ông một tiếng, tất cả yên vui, khoẻ mạnh ông à, yên tâm hén. Ơ! Ông sao rồi, alô!…alô!…. sao mà ngồi im re vậy?
    Ông tằng hắng, giọng bộ điềm đạm làm ra thật tự nhiên vui vẻ…
  - Ừ, thì tất cả ở đây cũng bình an, tôi một mình. được mà, bà yên lòng lo cho con cháu đi, bao lâu cũng không sao.
  - Ừm, nghe giọng điệu ông không yếu xìu là tôi mừng rồi.. Bà vắn tắt tình hình bên ấy, ông cũng muốn huyên thuyên với bà lắm, chỉ một ngày xa thôi mà sao bao điều muốn kể lể cho vơi cơn nhớ, giảm cơn buồn, nhưng ông trấn tĩnh lại mình, ông không muốn bà lo thêm, bà đã bận bịu lắm rồi với con gái cháu ngoại, ông ngập ngừng hỏi nhẹ, ra chừng thăm dò:
  -Chắc bà còn ở bển lâu hén? - Không đâu ông, cỡ chừng non một tháng, con nhỏ khoẻ tôi về liền, rể tính cho vợ nó ở nhà một thời gian trông con… thôi tôi ngừng đây, trễ rồi… ông ngủ tiếp đi, mai mốt tôi gọi lại.
    Bà cúp phone rồi mà ông vẫn còn ngẩn ngơ cầm mãi ống nghe như chừng quyến luyến không rời. Ông hết ngủ nổi, rạo rực nghe vui khi bà nói sẽ về không lâu. Bà ơi! ông cứ thầm thì gọi bà khi trở mình nằm xuống, hững hờ tháo đôi kính, gượng kéo chiếc chăn đắp sát cổ, nhìn lung lên trần nhà qua ánh đèn đêm hắt ánh sáng mờ ảo, nhoè nhoẹt. Ông chấn chỉnh lại đầu óc để nghĩ việc ngày mai và những ngày tiếp ông cần làm để cách thế nào vừa khuây khỏa bớt cơn nhớ bà và thực hiện cái gì đó cho thật hữu ích ra trò, chớ không ngồi đó, nhìn trời trông đất để mà buồn bã hiu hắt, thở vắn thở dài . Ơ… mình có thể giống như bà tự tay sắp xếp dọn dẹp đây đó tổ ấm của mình, ông tự nhủ, và chớp mắt thích thú khi nghĩ đến ngôn từ “tổ ấm” nghe thật trẻ trung lãng mạn và êm ái sao đâu, rồi đến khi bà về đây ắt hẳn hài lòng vì mọi thứ vẫn gọn ghẽ đường hoàng, ngăn nắp, sạch sẽ thứ tự y như lúc bà còn ở nhà vậy. Chà! còn thêm điều này nữa ông nghĩ bà chắc chắn sẽ bất ngờ vui vô cùng, ngày mai ông sẽ gọi con dâu sang nhờ nó chỉ dẫn cho ông nấu một món soup rau củ đơn giản dễ làm lại ngon với đầy đủ dinh dưỡng, ít mỡ ít đường, như từng hợp với khẩu vị của cả hai ông bà, để làm món quà ngạc nhiên khi đón bà, ông tưởng tượng bà sẽ há miệng với đôi mắt mở to phục lăn phục lóc ông chồng già bấy lâu nay tưởng như vô tích sự, chỉ biết có cằn nhằn phê bình lung tung này nọ, chẳng hề đỡ tay giúp bà được gì trong viêc sửa soạn bếp núc. Nghĩ đến đó ông bỗng cười rung nhẹ hàng ria mép sung sướng, hả hê, để rồi bà coi, ông sẽ chỉ trong khoảng khắc thật ngắn, giống như dưới sự mầu nhiệm của đũa thần biến hóa nhanh chóng để bây giờ trở thành giỏi giang cỡ này đây!

   Nghĩ miên man mãi đến gần sáng, ông mới mệt mỏi chợp mắt thiếp đi. Chẳng biết ông chiêm bao thấy gì mà miệng ông cứ ú ớ những câu không rõ lắm, nhưng có điều chắc chắn trong đáy tim ông đang đếm ngược ngày về của bà từng giây từng phút như người trông mong đón mừng năm mới vậy. Ánh bình minh ngày mới đã lên rồi đến hồng ngọn cỏ, rực rỡ hàng cây, ngời chiếu lung linh qua màn cửa sổ phòng hợp cùng ríu rít tiếng chim kêu cũng khó lòng đánh thức nổi ông. Bà ở xa chắc cũng phải nhảy mũi hắt hơi liên tu vì ông vẫn còn nguyên trên giường giờ này mắt mũi nhắm tịt mớ ngủ lè nhè gọi bà nghe chừng tha thiết:
    –Ư... ư nhớ bà quá chừng… ừ… ừ… mau mau về với tôi nhé… bà nó ơi…!!

Hồng Thúy