"Nếu trong nước hay có loạn là vì nhân-dân bị thiếu-thốn. Từ nay sắp tới, lương-bổng của ta là 500$ một tháng thì ta chỉ lãnh 200$ mà thôi, còn lại 300$ ta giao cho các thầy đem ra giúp-đỡ kẻ nghèo-khó." ** Duy-Tân ** (năm 8 tuổi)

 

Mẹ Và Con

   Không ngờ thằng Cu Tí vừa gà tồ vừa mít ướt, đã 20 tuổi là sinh viên năm thứ hai mà khi goị phone báo tin cho mẹ đã khóc òa:
  - Mẹ ơi, con thi rớt rồi.
    Chị cũng xót xa khóc theo con:
  - Tội nghiệp con tôi quá, “Học tài thi phận”.
    Thằng con đang buồn cũng phải thắc mắc:
  - “Học tài thi phận” là cái gì hả mẹ?
    Chị lại mất công giảng nghĩa cho nó một hồi, với vốn liếng tiếng Việt của nó, không biết nó hiểu được bao nhiêu? Chị nhớ có lần Cu Tí về nhà, nói thèm ăn “bánh xèo”, chị vội mua đồ về làm một bữa “bánh xèo” thật “hoành tráng” cho con ăn thỏa thích. Chị đổ bánh xèo vừa ròn vừa ngon, tôm thịt bên trong, rau sà lách và rau thơm đủ loại bên ngoài, cuốn lại chấm nước mắm ớt, cho bõ những ngày tháng sống ở dorm ăn đồ Mỹ mà theo quan niệm của chị chẳng ngon lành gì. Nhưng khi dọn bánh xèo ra bàn thì Cu Tí ngạc nhiên hỏi mẹ:
  - Con nói “bánh xèo” mà sao mẹ làm bánh này?
  - Con ơi, đây chính là “bánh xèo”, con có ngủ mơ không?
  - Hay là mẹ ngủ mơ? Vì “bánh xèo” là cái bánh nhỏ hình tròn, không to lớn như cái này.
    Chị chợt hiểu ra:
  - Vậy là “Bánh bèo”, từng cái một có quết đậu xanh, tôm chấy bên trên, ăn với đồ chua, nước mắm.
    Chiều con, chị lại tức tốc đi chợ mua bột về đổ bánh bèo, muốn chính tay mình làm món ngon cho con, chị không thích mua hàng chợ làm sẵn, vì chẳng có gì ngon bằng món ăn vừa làm ra từ trong bếp.
    Hôm ấy hai vợ chồng chị phải thanh toán lai rai cả ngày cho hết chỗ “bánh xèo” chỉ vì thằng Cu Tí chưa phân biệt được tên của hai loại bánh Việt Nam mà mẹ thường làm cho nó. Còn món bách chưng ngày Tết, chị dạy nó nói “bách chưng” nhưng nó không nhớ nổi, mà cứ gọi theo cách của nó là “Vietnamese Cake”, món bánh ướt ăn với giò lụa, nước mắm thì nó gọi là “bánh màu trắng ăn với Vietnamese ham”, rồi tùy mẹ suy đoán ra...
    Nghe con báo tin buồn chị rầu rỉ nấu nốt bữa cơm chiều. Thằng Cu Tí nhà chị đã lên Austin học được 2 năm, là 2 năm chị nhớ thương con, dù khoảng cách từ trường về nhà chỉ hơn 3 giờ lái xe mà chị thấy như xa vời vợi, cứ mỗi hai tuần chị lại cùng chồng làm một chuyến thăm con, mang theo bao nhiêu là đồ ăn mà chị đã bỏ công làm từ tối hôm trước, từ đồ mặn ăn với cơm như thịt heo, thịt cá chà bông (vì trong dorm có thể nấu nồi cơm) tới các món quà bánh ăn chơi, thậm chí cả trái cây tươi Việt Nam như mít, nhãn, soài, mùa nào thức nấy. Anh đã phải rầy rà chị:
  - Thăm con đi học xa, điều kiện ăn ở đầy đủ, mà em làm như là đi thăm nuôi tù binh, tiếp tế thực phẩm đủ thứ cho nó.
    Anh nói thì kệ anh, chuyến nào chị cũng thăm con với đầy ắp thực phẩm như thế, chị cứ suy từ chị, nếu phải nhịn ăn đồ Việt Nam thì không biết sẽ “khổ” đến chừng nào?
    Ngay từ thời học Trung học thằng Cu Tí đã ước mơ sau này chọn ngành Dược. Nên khi vào đại học ở Austin, Cu Tí học những môn để thi vào Dược, nó luôn đạt điểm cao, năm nay nó nộp đơn vào mấy trường Dược quanh vùng Texas, nhưng ngôi trường nó yêu thích nhất vẫn là ở Austin, nếu được nhận học Dược ở đây thì Cu Tí không phải đổi trường và vẫn tiếp tục nhận học bổng. Vậy mà sau cuộc phỏng vấn, nhiều bạn đã nhận được tin báo đậu, còn nó thì không, niềm hi vọng mỏi mòn từng ngày cho đến khi nó chính thức biết mình đã bị loại và người đầu tiên Cu Tí gọi về chia sẻ nỗi buồn là mẹ, dù bố thương Cu Tí nhiều không thua kém mẹ, nhưng con trai bao giờ cũng gần gũi với mẹ hơn.
    Bố đã đưa Cu Tí đi từng trường phỏng vấn, ngày đi Houston, đi Amarillo và Kingsville, bố lái xe đưa con đi, tối thuê khách sạn ngủ, sáng dậy chở con tới trường, mấy tiếng con ở trong trường tham dự cuộc phỏng vấn là mấy tiếng bố ở ngoài sốt ruột, cầu mong cho con vượt qua những khó khăn.
Anh đã đọc tin tức trên net, mỗi mùa thi Đại học ở bên Việt Nam, các ông bố bà mẹ cũng tất tưởi lo cho con cái mình như thế, những thí sinh miền quê còn được bố mẹ theo chân lên thành phố và sống cùng con những buồn vui, lo âu căng thẳng trong suốt kỳ thi. Cha mẹ nào, ở nới đâu, cũng có tình thương con vô bờ bến.
    Chị an tâm về điểm học của con, nhưng tới màn phỏng vấn thì tùy thuộc vào “cảm hứng” của thầy và trò, thằng Cu Tí vốn hiền lành ít nói và rất từ tâm, chị tin rằng ngành Dược thích hợp cho nó, nhưng liệu người phỏng vấn có cùng suy nghĩ như thế không? Hay họ sẽ chê nó “lù khù” không nhanh nhẹn?
    Anh đã trấn an chị:
  - Em đừng lo, cái gì cũng có hai chiều, nếu có người phỏng vấn chê thằng Cu Tí hiền lành nhà mình là “lù khù” thì biết đâu có người lại quan niệm đấy là một đức tính khiêm nhường đáng tin cậy và chấm nó điểm cao?
    Chị cũng hi vọng thế, nhưng kết quả của ngôi trường phỏng vấn đầu tiên đã làm chị hụt hẫng. Khi anh vừa đi làm về chị đã bật khóc báo “hung tin”:
  - Thằng Cu Tí rớt ở trường Austin rồi.
    Anh hơi khựng lại trước một tin không vui, nhưng bắt bẻ chị:
  - Nhìn cái kiểu em khóc lóc báo tin là anh biết thằng Cu Tí cũng mủi lòng rơi nước mắt với mẹ nó rồi. Chính em làm cho chuyện thi rớt của thằng Cu Tí trở thành bi thảm…
    Chị vừa sụt sùi khóc vừa bắt bẻ lại chồng:
  - Con nó thi rớt mà em không được buồn, em phải… cười chắc?
  - Nếu một đứa trẻ bị ngã, em nâng nó dậy và mỉm cười: “Ồ, không sao” thì nó sẽ không thấy đau, ngược lại em xót xa, đau đớn làm đứa trẻ sẽ đau đớn hơn thực sự đấy.
    Anh lấy lại vẻ bình thường để an ủi vợ:
  - Hãy còn 3 trường khác để hi vọng mà em.
  - Lỡ… ba trường ấy cũng rớt luôn thì sao?
  - Em chỉ bi quan và giàu tưởng tượng. Nhưng tại sao không tưởng tượng cả 3 trường ấy nó đều đậu? Hãy hi vọng cho tới phút cuối cùng, mà cho dù nó… rớt như em nói thì chúng ta cũng chấp nhận bình thản nhé, coi như con mình không có duyên với ngành Dược. Nhiều khi cha mẹ chính là sức ép làm cho con cái căng thẳng, nặng gánh trách nhiệm trên vai.
    Anh dặn dò thêm cho chắc ăn:
  - Tuần tới nó về nhà nghỉ Spring Break, em không nên tỏ ra thất vọng làm con nó buồn thêm. Con cái thi rớt, không đạt được điều nó ước mong tự nó đã buồn lắm rồi, em đừng đổ thêm dầu vào ngọn lửa buồn ấy nữa, đừng làm Cu Tí khóc lần nữa.
  - Được rồi, em hứa. Nhưng con mình rớt trường này em bất mãn lắm, học điểm cao, tính nết hiền ngoan mà sao họ nỡ loại nó? Mình… làm đơn khiếu nại có được không anh?
  - Sao em không nghĩ con người ta học giỏi hơn nó, tính nết hiền ngoan hơn nó, và xứng đáng hơn nó?
    Trong mắt chị, trong mắt một người mẹ thì đứa con ngoan của mình bao giờ cũng là ngoan nhất, chị không chịu “lép vế” tin con của người khác có thể ngoan hơn.
    Cu Tí đã về nhà nghỉ Spring Break, nó trầm lặng, buồn ra mặt, bố mẹ luôn an ủi, khích lệ nó rằng con đã cố gắng hết sức mình kể cả học vấn lẫn hạnh kiểm, nếu vẫn không được chọn vào ngành Dược thì không phải lỗi tại con đâu, con còn trẻ, còn nhiều cơ hội khác để thử thách khả năng của mình.
    Thằng em út Ben cũng ra vẻ cảm thông với anh, quấn quýt anh và nói chuyện đủ thứ nên Cu Tí cũng có lúc mỉm cười.
    Chị như “Hoa Huệ sầu ai hoa Huệ héo? Hoa Huệ sầu đời trong héo ngoài tươi” dấu nỗi buồn trong lòng, suốt kỳ Spring Break chị bày ra đủ món ăn Việt Nam cho thằng Cu Tí, và làm đồ ăn cho nó mang theo khi trở lại trường Austin.
    Nghe lời anh, chị không dám gọi phone cho Cu Tí, để nó bình yên. Nếu có tin buồn hay vui thì sớm muộn gì Cu Tí cũng sẽ gọi về, cho nên mỗi lần nghe tiếng phone reo là chị hồi hộp, căng thẳng, chỉ sợ cầm phone lên lại nghe tiếng Cu Tí oà khóc trong phone như hôm nọ.
Lần này chính là thằng Cu Tí, nó réo lên:
  - Mẹ ơi, con đậu rồi!
    Chị sung sướng bàng hòang như chính mình thi đậu, bao nhiêu lo lắng trong lòng như vừa vỗ cánh bay đi, chị cũng reo lên:
  - Trời ơi, thật hả con?
  - Dạ, họ email báo tin cho con và chúc mừng nữa mà. Trường Texas A&M ở thành phố Kingsville.
    Chị khen rối rít:
  - Ôi, cái trường này thật tử tế, dễ thương, không vô duyên như trường Austin.
    Nói chuyện với con xong, chị vẫn còn mừng, con vui một chị vui gấp mấy chục lần, khi con buồn thi rớt chị cũng buồn hơn con cả trăm lần. Loanh quanh trong nhà chẳng biết làm gì, đợi chồng đi làm về để báo tin vui mà sao thời gian trôi qúa chậm. Thì anh gọi phone về:
  - Em ơi, chiều nay anh về trễ vì phải làm overtime 2 tiếng.
    Chị cằn nhằn:
  - Bưu điện ế, lay off bớt nhân viên mà còn bày đặt over time. Hèn gì thỉnh thoảng chính phủ phải bù lỗ, dù con tem lên giá liên tục.
    Anh ngạc nhiên:
  - Em thích anh làm over time lắm mà, em nói mấy ông đi bỏ thư như anh vừa kiếm tiền vừa exercise khỏe người, ngu gì không làm thêm.
    Chị vội chống chế để che dấu niềm vui:
  - Em nói đùa thôi, anh làm over time 2 tiếng cũng đủ cho em mua một mớ đồ ở chợ rồi đó. Thôi, làm việc đi, chiều về ăn cơm với món canh khổ qua mà anh yêu thích nhé.
    Chị là người miền Nam, những món ăn Nam bộ chị nấu rất ngon. Anh vẫn đùa rằng nếu một mai anh thất nghiệp thì hai vợ chồng sẽ mở nhà hàng, chẳng lo gì chết đói.
    Chiều nay chị làm món canh khổ qua nhồi thịt và món mặn là tôm rim, loại tôm vằn đen, thịt dai ngon ngọt, chị bóc vỏ, ướp với tiêu muối đường trước khi chế biến.
    Y như lần trước, chồng vừa đặt chân vào nhà chị hớn hở nói ngay:
  - Thằng Cu Tí được nhận vào trường Texas A&M rồi. Con mình sẽ học ngành mà nó ước mơ nên em yên tâm. Cầu mong đường đời mãi suông xẻ cho con anh ạ.
    Anh mừng vui trách vợ:
  - Vậy mà lúc anh gọi phone về em cũng không báo cho anh biết, thì hai tiếng làm thêm sẽ khỏe re. Hèn gì hôm nay em không muốn anh làm over time về muộn.
  - Vì em muốn được nhìn thấy tận mặt anh vui mừng như bây giờ nè. Nhưng…
  - Vui rồi còn nhưng cái gì nữa?
  - Trường này cách nhà mình qúa xa, tới 8 tiếng lái xe, mình đi thăm nó vất vả lắm đó. Em… ước gì nó đậu ở Houston thì thích hơn, chỉ 3 tiếng lái xe.
    Anh mắng yêu chị:
  - Đàn bà được voi đòi tiên. Có những thứ đáng lo mà em không lo, tiền ăn học ở đâu cũng mấy chục ngàn một năm chứ ít gì. Khi con thi vào các trường, anh đã đọc thông tin trước rồi.
    Chị tính toán:
  - Riêng tiền ở dorm cũng khoảng một ngàn một tháng, hao tốn quá. Hay là nhân dịp thời buổi nhà cửa rẻ bèo này mình mua một căn nhà nhỏ gần trường cho con ở, nếu nó kiếm thêm bạn share phòng thì càng tốt, mấy năm học là gỡ lại tiền nhà. Biết đâu tới lúc đó kinh tế đã phục hồi, nhà cửa lên gía vùn vụt, căn nhà bán còn có lời. Vừa có nhà thuận tiện cho con vừa đầu tư luôn thể?
  - Nhà có rẻ bèo cũng phải năm, bẩy chục ngàn tùy theo lớn nhỏ, cũ mới.
  - Em nghe nói trên internet có rao bán căn nhà một trăm hay vài trăm đồng gì đó. Có thật không anh? Ước gì mình mua được căn nhà rẻ mạt như thế nhỉ?
    Anh giải thích:
  - Đó là những căn nhà đã mục nát, hàng trăm năm tuổi, không thể ở ngay được, phải phá đi xây lại, hay ở khu ổ chuột toàn thành phần bất hảo, thậm chí em không dám bước ra ngoài chào hỏi, bắt tay những người hàng xóm ấy. Chủ rao bán gía rẻ vừa ngông nghênh lấy tiếng chơi, vừa là để tống của nợ, khỏi hàng năm đóng thuế nhà đất, khỏi thỉnh thoảng bị city gởi giấy vì những vấn đề xấu phát sinh nơi căn nhà bỏ trống của mình. Tại thành phố Detroit, tiểu bang Michigan khi mà kỹ nghệ xe hơi ở đó càng ngày càng xuống dốc thê thảm từ mười mấy năm nay cho đến giờ, dân cư bỏ đi vì không công ăn việc làm, nhà cửa đã rẻ, gặp cơn khủng hoảng kinh tế hiện nay giá nhà rẻ bèo loại này thiếu gì. Em muốn mua không?
    Chị rùng mình:
  - Cho không em cũng không nhận đâu. Câu nói của ông bà mình thật xâu sắc, không chỉ cho riêng dân Việt Nam mà áp dụng cho toàn thế giới: “Của rẻ là của ôi”. Thôi, mình cứ mua được căn nhà nào giá rẻ bình thường là tốt rồi, không ham giá rẻ bất bình thường đâu.
    Rồi chị mộng mơ:
  - Phải chi em được ở gần con, ở nhà lo cơm nước, làm đủ thứ cho nó chỉ lo việc học hành anh nhỉ?
  - Em đừng xem thằng Cu Tí như trẻ con mãi thế, nó đã là một thanh niên rồi. Chuyện mua căn nhà cũng có lý, để vợ chồng mình đến thăm thành phố Kingsville rồi quyết định sau.
    Chợt chị lo âu:
  - Chuyện mua nhà coi như không khó khăn gì, nhưng trong lúc ở, nhà cửa có gì hư hỏng thì sao hở anh? thằng cu Tí không biết sửa chữa gì đâu, mà anh thì ở xa.
  - Hư hỏng gì thì nó kêu thợ, còn ba cái lẻ tẻ thường xảy ra như bóng đèn hư, vòi nước nhỏ giọt, cầu tiêu bị chảy nước không ngừng, thì anh sẽ chỉ nó tự làm lấy được.
  - Như vậy sẽ làm mất thì giờ học hành của nó anh à.
  - Chẳng lẽ một ngày 24 tiếng nó chỉ ngồi học để phát khùng lên sao? ngoài việc học, nó cũng cần nghỉ ngơi, ăn ngủ hay làm những việc khác, và đây cũng là cách dạy nó biết tự lập dần dần. Sau này nó lấy vợ, người lo miếng ăn cho nó không phải là em nữa, mà là vợ nó, người sửa chữa việc nhà không phải là anh, mà chính nó.
  - Nghĩ tới điều đó mà em phát rầu, chuyện sửa chữa việc nhà còn kêu thợ được, nhưng chuyện ăn uống, không biết con vợ nó sau này có biết nấu nướng đồ ăn Việt Nam như em không? Hay là bắt thằng nhỏ ăn đồ Mỹ. Tội nghiệp!
  - Anh đã nói em nhiều lần rồi, thằng Cu Tí vẫn thích ăn đồ Mỹ hơn đồ ăn Việt Nam mà, chưa biết chừng khi em về già ở chung với con dâu, nó cho em ăn đồ Mỹ luôn đó.
    Chị chép miệng, gạt đi:
  - Thôi, tới đâu hay tới đó, bây giờ em mời anh ra ăn cơm với em, một bữa cơm Việt Nam ngon lành.
    Hai vợ chồng ngồi vào bàn ăn, chị đã lên kế hoạch:
  - Mai em đi chợ mua đồ về làm đồ ăn cho Cu Tí, tuần này mình sẽ đi thăm nó.
  - Mới tuần trước thăm rồi. Hai tuần một lần nó ăn cũng chưa hết đồ mà.
    Chị tươi cười:
  - Lần này là chuyến thăm nuôi đặc biệt để mừng con thi đậu, với lại mai kia nó đổi trường đi học xa, đâu dễ mà đi thường xuyên được anh ơi.


Nguyễn Thị Thanh Dương