"Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông." ** Nguyễn Bá Học **

 

Thương Tưởng

Mới đó mà tôi đã sống trên xứ Mỹ 30 năm. Hôm nay ngồi nhớ lại những ngày đầu đến Mỹ mà tự cười thầm. Có đôi lúc tôi cũng rất tự hào về bản thân mình. Làm sao mà tôi có thể sống được trong niềm vui vẻ và hạnh phúc cho đến ngày hôm nay?

****

Tôi theo anh chị rời bỏ quê hương khi mới bắt đầu bước chân vào tiểu học. Lúc đó tôi chỉ là con bé con, chưa biết lo âu, phiền muộn. Tôi còn nhớ trước ngày đi một tuần, tôi ngày nào cũng giúp má phơi đường tẩm chanh.
- má ơi, sao phải phơi nhiều chanh đường vậy má?
- ờ, thì để khi nào khát mình pha với nước biển uống
- ủa, mình đi biển chơi hả má? Đi Vũng Tàu hả?
- Ờ.....mình đi chơi
Giọng má tôi như chùng xuống, buồn buồn. Nhưng tôi có biết gì đâu. Cứ nghĩ mình sẽ được đi Vũng Tàu tắm biển.

****

Ngày ra đi, má tôi chọn cho chị em tôi 2 bộ đồ mặt trồng trong người. Má dặn:
- Nhớ đừng bỏ mất bộ đồ bên trong vì má có may sợi dây chuyền ở trong lưng quần. Các con nhớ nghe.
Trời vẫn còn tối đen, má đưa chúng tôi ra bến xe rơm rớm nước mắt. Tôi thấy mấy chị tôi cũng khóc. Không ai nói lời nào. Tôi chỉ nhớ ông lơ xe đò dường như hiểu được chuyện gì nói nhỏ:
- Khóc lóc gì? Ở nhà sao không khóc cho đã, coi chừng bị tóm cả lũ.
Với trí óc non dại, tôi chẳng biết gì, chỉ biết bước lên xe đi theo các anh chị. Xe lăn bánh, bóng má mờ dần trong bóng đêm. Lúc đó tôi nghĩ gì nhỉ? Tôi cũng không nhớ nữa.

****

Những ngày sống trong trại tỵ nạn thật gian lao. Mỗi buổi ăn chị em tôi được phát cho 2 con cá, một bó rau. Có tuần thì ngày nào cũng sáng cá khô bí đao, chiều khô cá, bí đỏ. Thôi cũng được. Có ăn là vui rồi. Chả bù với mười ngày lênh đênh trên biển. Ngày đầu thì mỗi người được một củ sắn. Đến ngày thứ hai thì được một vắt cơm. Ngày thứ ba, thứ tư, thứ năm trôi qua lặng lẽ. đến ngày thứ sáu thì chẳng còn gì. Nhờ ơn trên phò phộ nên ghe "Không Số, 113 Người" của cúng tôi rồi cũng vào được đất liền.

Songkla, Thailand là tên trại tỵ nạn không ít người biết đến. Ở đây, cao uỷ phát cho nhiều nhất là gạo. Vì mỗi buổi ăn đều được phát gạo nên gia đình nào cũng nấu dư cơm. Bọn con nít chúng tôi, sau buổi cơm chiều là đi vòng quanh trại xin cơm nguội để sáng đem bán cho ông lão nguời Thái, rũng rỉnh kiếm vài đồng mua kẹo. Nói đến Songkla thì phải nhắc cha Joe. Cha Joe là người Mỹ. Dáng người cao,to. Cha nói chuyện rất chậm, nhỏ nhẹ. Mọi người trong trại ai cũng yêu mến cha. Mỗi lần Cha đến thăm là mọi người xúm lại nói chuyện rùm beng. Trong trại thì đâu có bao nhiêu người nói được tiếng Anh nên ai cũng hỏi thăm Cha bằng tiếng Việt. Chắc Cha cũng đoán được ý của mọi người nên hay gật đầu chào rồi cười trả lời lại bằng tiếng Mỹ. Ngược với Cha Joe là ông người Mỹ mà mọi người đặt cho danh hiệu rất gờm " Ba Gà Đá". Ông là người phỏng vấn những ai muốn đi Mỹ. Những người vào phỏng vấn phần nhiều bị ông ta từ chối không cho đi Mỹ. Trên tay ông ta có xâm hình con gà nên trong trại đặt ông là "Ba Gà Đá". Gà Đá thì có thể hiểu vì ai vào phỏng vấn cũng đều bị ông đá văng ra. Còn "Ba" thì tôi không mấy gì rõ.

Ở Songkla được vài tháng thì chị em tôi được chuyển qua trại Galăng II. Trại Galăng là một trong những hòn đảo nhỏ của Indonesia. Vì là đảo nên nước là thứ rất hiếm quý. Mỗi ngày vòi nước chỉ chảy vài giờ đồng hồ. Nếu không kịp đi lấy là coi như hôm đó được miễn tắm... có lý do. Tôi nghĩ tôi ghiền ăn mì gói và đồ hộp cũng vì những tháng ngày sống trên đảo Galăng. Mỗi tuần một lần, chúng tôi được lảnh gạo, đồ khô như bột, đường, mì gói, và đồ hộp. Ở trong trại cũng có vài người bán thịt cá tươi. Dân tỵ nạn mà, làm gì có tiền mua đồ tuơi, nên quanh quẩn chỉ ăn đồ hộp và mì gói. Ấy thế mà ròng rã cũng ăn được suốt mấy tháng trời.

****

Ngày 15 tháng 8 năm 1981....là ngày mà tôi chẳng bao giờ quên. Sáng sớm, khi đang tưới dãy rau muống phía sau barrack nơi tôi ở (Khi mới nhâp trại Galăng, mỗi gia đình được phát cho bịch hạt giống rau muống đem về trồng) thì xa xa, tiếng loa phóng thanh văng vẳng đọc tên những gia đình sẽ được đi định cư tại đệ tam quốc gia vào tuần tới. Tôi bồi hồi khi nghe đến tên gia đình mình. Cảm giác tôi lúc đó lâng lâng, bay bỗng. Giấc mơ được đi Mỹ, thiên đường mà hàng triệu người ước muốn được đến, nơi mà cả thế giới mệnh danh "xứ sở của tự do"...và tôi sẽ được định cư trên đất nước hoa lệ ấy.

Những năm đầu ở Mỹ cũng gian lao không kém gì trại tỵ nạn. Nhưng tôi vẫn rất vui dù nước Mỹ hiện thực không giống như Mỹ quốc trong trí tưởng của tôi. May mắn là nơi tôi ở có rất nhiều người Việt và cô giáo đầu tiên dạy tôi lại là người Việt. Cô dạy cho tôi cách dùng tự điển Anh/Việt. Lúc đó, vốn luyến tiếng Việt của tôi không nhiều lắm. Ngày xưa, trong những giờ học, đến giờ chính tả là tôi ngán nhất. Có lẽ nhờ tra tự điển nhiều nên vô tình tôi tự học thêm tiếng Việt. Chính vì có thói quen tra tự điển để không phải viết sai chính tả, nên tôi rất ít khi viết chữ tắt, sợ sẽ quên đi các mặt chữ và sẽ có nhiều lỗi chính tả về sau.

****

Hôm nay đúng là kỷ niệm ba mươi năm ngày tôi đặt chân trên đất Mỹ. Cho tôi xin được cám ơn hai đấng sinh thành mà tôi yêu quý nhất. Con xin cám ơn Ba và Má đã hy sinh, lo lắng, tìm cắch cho chúng con đến được bến bờ tự do. Và cho tôi xin cám ơn nước Mỹ cũng như tất cả các nước đã thâu nhận những người Việt lưu vong. Xin chân thành gởi lời tri Ân đến tất cả những thiện nguyện viên khắp nơi trên thế giới.

Áng Vân

08/24/2011
San Jose, CA