"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Tết Đến Bất Ngờ

Ngọc Ngà nằm ở ghế sofa xem ti vi, mẹ cô ngồi đối diện, bà đang cắt tỉa những cành hoa để cắm vào bình, chuẩn bị chưng lên bàn thờ Tết.
Đã có bánh chưng xanh, đĩa trái cây là một nải chuối sứ xanh với những quả cam vàng, hộp trà, hộp mứt màu đỏ, thêm một bình hoa tươi thì đúng là ngày Tết với các sắc màu.
Bà Bông vừa làm vừa nói chuyện với con gái:
- Năm nay mồng Một Tết rơi vào ngày thứ Năm, nhưng cộng đồng Việt Nam ở đây sẽ tổ chức đón Tết sớm, vào thứ Bảy này.
Ngọc Ngà hỏi nhưng chẳng mấy quan tâm:
- Tại sao lại làm sớm hở mẹ?
- Thì vào ngày cuối tuần người ta mới nghỉ, tổ chức hội hè vào ngày thường sẽ vắng tanh vì người ta bận lo chuyện cơm áo. Ngay như chuyện trong nhà, nhiều gia đình cũng phải làm giỗ hay sinh nhật vào cuối tuần thay vì ngày thường, thôi thì ông bà tổ tiên cũng thông cảm cho đám con cháu lưu vong xứ người.
- Con thấy mẹ thích ngày Tết quá đấy, mẹ lo mua sắm cả tuần nay rồi.
- Tết là quê hương, là gia đình. Trong cuộc đời mỗi người Việt Nam đều có cái Tết bên cạnh, không thể nào quên, ai cũng có kỷ niệm với Tết. Ngày xưa ở Việt Nam, mẹ bằng tuổi con bây giờ, vào ngày gần Tết như thế này là mẹ mừng vui rạo rực lắm…Tiếc rằng con đã không được sinh ra ở Việt Nam, để biết cảm giác này.
- Con chỉ thích Tết vì được ăn mấy món Tết ngon.
- À, mẹ biết rồi, giò thủ và thịt gà luộc lá chanh… phải không?
Ngọc Ngà reo lên vì được mẹ nhắc tới tên những món cô thích:
- Vâng, vâng đúng thế…
Bà Bông nghiêm giọng:
- Con phải nghe mẹ chỉ dẫn đi là vừa, năm nay vào đại học rồi, lớn rồi, mẹ sẽ chỉ con cách luộc gà cho ngon. Trước hết phải lựa gà tơ, đừng mua gà già là hỏng hết…
Thấy Ngọc Ngà vẫn mải nhìn vào màn hình ti vi bà Bông sốt ruột:
- Nghe mẹ nói đây… sao con lơ đãng, hờ hững thế?
- Con có bao giờ đi chợ đâu mà mẹ chỉ dẫn cho mất công, nhưng mua gà là hên xui may rủi, tất cả đều đông lạnh trông giống nhau.
- Bởi thế mới cần để ý và lựa chọn, Theo kinh nghiệm của mẹ, gà to thường là gà già.
- Vậy con sẽ mua những con gà bé nhất chợ cho chắc ăn mẹ nhé? Còn các món giò mẹ mua ở đâu mà ngon thế?
- Giò thủ, giò lụa cũng như bánh chưng năm nào mẹ cũng đều đặt ở tiệm quen, loại đặc biệt họ chỉ làm bán cho ngày Tết nên gía khá đắt, còn món gà luộc thì mới do chính mẹ làm, gà luộc sôi trong nồi chừng 15 phút, tắt bếp đậy vung kín 15 phút nữa là chín, lấy ra ngâm ngay vào nước lạnh cho da gà không bị thâm, vẫn giữ nguyên màu vàng, rồi chặt ra dĩa, mà phải biết cách chặt cơ đấy, để dao lên miếng gà và lấy chày gõ xuống. Hiểu chưa?
- Chưa hiểu mẹ ơi, việc gì phải làm cầu kỳ, khổ công thế?
- Nếu con cứ phang dao bất kể thì miếng gà to bé không đều, chặt kiểu của mẹ thì miếng gà đều tăm tắp, khi xếp ra đĩa mới đẹp mắt, rồi rắc ít lá chanh thái mỏng lên đĩa gà cho đẹp thêm, thì ăn sẽ cảm thấy ngon thêm. Sau này con có học giỏi và làm ra tiền bạc đến đâu mà bếp núc vụng về, gia đình cũng kém vui.
Cô xòe bàn tay ra ngắm nghía:
- Bàn tay con không biết chặt thịt gà kiểu cọ như mẹ đâu, bàn tay này để chồng sẽ nắm lấy và dẫn đi nhà hàng mẹ ơi…
Bà Bông mắng yêu con gái út:
- Con lấy hoàng tử mới được chiều thế thôi.
Ngọc Ngà nũng nịu:
- Nhưng hoàng tử nước Anh đã lấy vợ, hoàng tử em thì đã có người yêu rồi. Còn các hoàng tử nước khác không nổi tiếng, con không thích.
Bà Bông để bình hoa lên bàn thờ và ngắm nghía có vẻ hài lòng, rồi hỏi con gái:
- Mai thứ bảy con đi xem hội hoa Xuân với mẹ nhé?
Cô chợt băn khoăn khi nhớ lại hội chợ hoa Xuân năm ngoái, hai mẹ con đang đứng trước những chậu hoa Cúc, hoa Đào, Thuỷ Tiên, Hướng Dương, Hoa Lan rực rỡ… nhạc Xuân mở tưng bừng lồng lộng trong không gian, trong đám đông người, ai cũng mặc quần áo đẹp, đang chen vai ngắm hoa, đi dạo hay chơi các trò chơi Tết xung quanh đó. Một bài hát quen thuộc vì Ngọc Ngà vẫn thường nghe ké với mẹ ở nhà vang lên: “Đón Xuân này tôi nhớ Xuân xưa, một chiều Xuân anh đã hẹn hò…”
Chỉ một câu hát cũ, với một chút hình ảnh xưa, mà cô thấy mẹ đã lặng người đứng khóc, nên ngạc nhiên hỏi mẹ:
- Sao mẹ khóc?
- Chỉ vì mẹ chợt nhớ lại một thời rất trẻ của mẹ thôi. Cũng một mùa Xuân, cũng một bài hát…
Thì ra ai cũng có một thời kỷ niệm để nhớ.
Ngọc Ngà cũng có một kỷ niệm. Ngay bây giờ Ngọc Ngà nghĩ đến anh Hiếu, người mà cô đã gặp một lần, là bạn thân làm cùng hãng với anh Tiến ở Seattle , đã theo anh Tiến về nhà chơi vào mùa hè vừa qua, những ngày hè ngắn ngủi mà kỷ niệm đong đầy. Anh Tiến, anh Hiếu và Ngọc Ngà cùng đi biển Corpus Christi, dừng chân ở River Walk, San Antonio, cô đã đi bên anh, dọc theo bờ sông, bên loài cây màu tím với cái tên lạ lùng Wandering Jew. Chẳng hiểu sao sau mùa hè ấy Ngọc Ngà hay nghĩ và nhớ đến anh Hiếu quá?
Cô hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, ước gì có anh Tiến về nhà ăn Tết cho vui nhỉ?
- Anh con đã về mùa Hè và dịp lễ Giáng Sinh rồi.
Thật ra cô mong anh Tiến mà mong có cả anh Hiếu nữa, nhưng đời nào cô dám nói ra điều ấy? anh Hiếu hẹn mùa hè tới lại theo anh Tiến về đây chơi, và Ngọc Ngà lại cùng hai anh đi biển Corpus Christi . Ôi mùa hè sẽ đẹp biết bao, nhưng chưa bao giờ cô thấy mùa hè xa xôi đến thế!
Ngọc Ngà buột miệng thốt ra:
- Con chỉ thích mùa Hè.
- Con thật là mâu thuẫn, không thích mùa Xuân thì làm gì có Tết cho con ăn món giò thủ, giò lụa đặc biệt và thịt gà luộc chấm muối tiêu chanh? Những món này ngày thường không ngon vì không có ý nghĩa của ba ngày Tết. Cũng như người Mỹ chỉ thích ăn Gà Tây vào dịp lễ Thanksgiving hơn là ngày thường.
Ngọc Ngà vội vàng nói lại:
- Nhưng ngày mai con vẫn thích đi chơi hội hoa Xuân với mẹ. Mà sao mẹ không về Việt Nam ăn Tết và tìm lại cảm giác ngày xưa có phải là thực tế hơn không?
- Không bao giờ tìm thấy đâu, vì thời gian và không gian đã khác, cảm xúc của mỗi thời mỗi khác, mình phải sống ở Việt Nam, từng ngày trôi qua, hết nắng lại mưa, hết chiều lại tối, thì mới thấy sự đổi thay của trời đất khi mùa Xuân đến, tưng bừng và mới mẻ.
Ngọc Ngà kéo tấm chăn lên tới cổ, mắt cô khép lại vì buồn ngủ. Trời cuối tháng Một lành lạnh, nằm trong chăn ấm, một bên là ti vi, một bên là mẹ, cả hai đang nói giọng đều đều như ru cô vào giấc ngủ…
- Ơ kìa, con ngủ đấy à? Vào phòng ngủ cho thoải mái…
- Con thích nằm đây, dễ ngủ hơn.
Ngọc Ngà vừa tìm giấc ngủ vừa nghĩ tới anh Hiếu, cô thấy mùa hè kỷ niệm, bờ biển xanh, có cô cùng anh Tiến, anh Hiếu đã chạy trên bãi cát, đã chìm trong làn nước biển và đã lênh đênh, bập bềnh theo từng con sóng đến rồi đi. Đã có buổi sáng êm đềm trên biển vắng, đã có buổi chiều mệt nhoài mà vui cho đến khi biển dần dần thưa người…
Anh Hiếu là người dưng khác họ, luôn gần gũi và săn sóc cho Ngọc Ngà bằng cử chỉ và những lời ngọt ngào nhất mà chưa bao giờ anh Tiến có được. Thì ra những ông anh ruột chỉ thích gắt gỏng với em gái mình, còn những ngọt ngào tử tế để dành cho người con gái khác.
Ngọc Ngà mơ màng nghe thấy tiếng cười nói của anh Hiếu vọng lên từ phía biển khơi lồng lộng gió, anh đứng ở một nơi nào đó, xa khuất hẳn đám đông và réo gọi tên cô:
- Ngọc Ngà ơi, anh nhớ em…
Ngọc Ngà chạy đi tìm anh theo tiếng gọi ấy, cô cũng hét to lên giữa muôn trùng sóng vỗ:
- Anh Hiếu ơi, em cũng nhớ anh…
Bỗng hình như ai đó đã lay cô thật mạnh, làm cô hụt hẫng, chơi vơi:
- Ngọc Ngà ơi, dậy đi con.
Tiếng mẹ mắng:
- Con gái ngủ trưa nằm mợ thấy gì mà vùng vẫy cả tay chân. Hư quá!
Ngọc Ngà mở choàng mắt, mẹ đang hối hả túm chăn gối và dựng cô dậy:
- Nhanh lên, con về phòng ngủ đi, nhà có khách…
Nhưng không kịp nữa, Ngọc Ngà bàng hoàng không biết là thật hay mơ, đứng trước mặt cô đã là anh Tiến và anh Hiếu. Đây không phải là biển Corpus Christi , đây là nhà của mình mà. Giấc mơ và thực tế gần nhau đến thế sao? Cô không hiểu gì cả???
Nhưng anh Hiếu bằng xương bằng thịt rõ ràng, khi anh nói:
- Chào Ngọc Ngà, anh đến bất ngờ làm mất giấc ngủ trưa của em hả?
- Anh Hiếu…
Cô ngỡ ngàng thốt tên anh và nghẹn lời vì mừng vui.
Anh Tiến giải thích với mẹ:
- Hiếu đi công tác ở San Antonio vào thứ hai và thứ ba tới đây, có ý định ghé thăm nhà mình cuối tuần này, nên con cũng xin nghỉ 2 ngày ấy để đưa Hiếu về đây từ hôm nay, chơi cuối tuần và ăn Tết với nhà mình cho vui, trước khi Hiếu đến San Antonio làm việc.
Bà Bông âu yếm trách:
- Thế mà con và anh Hiếu chẳng báo trước cho mẹ biết gì cả.
Anh Tiến chỉ vào Ngọc Ngà:
- Nhờ thế mới bắt gặp con bé lười biếng ngủ ngày, ngay tại phòng khách.
Ngọc Ngà đã tỉnh ngủ hẳn, cô xấu hổ chạy bay vào phòng để soi lại mặt mũi mình, mái tóc này hơi bù xù và bộ quần áo nhiều vết nhăn vì nằm ở ghế sô fa coi ti vi cả mấy tiếng đồng hồ.
Trời ơi, không biết anh Hiếu đã nghĩ gì? Có chê không? Chắc hình ảnh đầu bù tóc rối này đã làm anh ấy… hết hồn? bao giờ mẹ cô cũng đúng, phải chi lúc nãy cô nghe lời mẹ vào phòng ngủ.
Thay lại bộ quần áo và chải tóc xong Ngọc Ngà mới ra ngoài, anh Hiếu cũng đã cất túi hành lý trong phòng và đang ngồi ngoài phòng khách. Thấy Ngọc Ngà, anh Hiếu mỉm cười, bắt đầu câu chuyện:
- Anh đến bất ngờ có làm phiền em không?
Bây giờ thì Ngọc Ngà tự tin hơn:
- Có đấy, anh làm em mất một giấc ngủ trưa ngon lành, em đang mơ nữa kìa…
- Mơ chuyện thần tiên hả? kể cho anh nghe đi…
- Vâng, chuyện thần tiên mà bí mật lắm, không sao kể được.
- Còn anh, mấy lần mơ thấy anh trở về biển Corpus Christi , và chỉ muốn đến đấy lần nữa.
Ngọc Ngà trêu chọc:
- Nhưng anh ơi, bây giờ là mùa Đông mình không đi tắm biển được đâu.
- Em cũng là biển, là sóng đấy…
Cô thẹn thùng nói sang chuyện khác:
- Ngày mai gia đình em đi chợ Tết hội hoa Xuân, anh đi nhé? Có trưng bày nhiều loại hoa và nhiều trò chơi ngày Tết làm trẻ con thích lắm.
- Anh không là trẻ con mà anh cũng thích nếu được đi cùng em.
Cô thêm thẹn thùng không biết dấu vào đâu. May quá, anh Tiến ra, thế là câu chuyện không chỉ hai người, căn nhà vui vẻ tiếng nói cười và ấm cúng hẳn lên. Đúng là mùa Xuân về, dù ngoài trời đang là mùa Đông với gío lạnh lê thê.

***

Ngày thứ bảy cả nhà đi chơi hội hoa Xuân và về nhà ăn bữa cơm Tết thật ngon, anh Hiếu cũng phải khen món thịt gà luộc đơn giản của mẹ, gà ăn với lá chanh và chấm muối tiêu chanh, miếng thịt gà chắc thịt đậm đà, mùi lá chanh non thơm tho và vị mặn của muối, chút cay của hạt tiêu, vị chua của nước chanh, kết hợp thành miếng ngon lạ lùng.
Ngẫu nhiên mà sở thích của anh Hiếu cùng giống với Ngọc Ngà, làm cô cảm động.
Bà Bông còn múc cho cả nhà mỗi người một bát canh miến gà nóng, rồi bánh chưng, củ kiệu, giò lụa, giò thủ…Tết ở quê người mà không thiếu món quê hương.
Bà Bông giới thiệu với Tiến và anh Hiếu:
- Bữa cơm hôm nay có công của Ngọc Ngà đấy nhé, nó đã giúp mẹ xé phay thịt gà để trộn gỏi bắp cải rau răm.
Ngọc Ngà khoe thêm:
- Và em cũng rửa rau răm cho mẹ…
Anh Tiến cười đùa:
- Em tôi đảm đang từ bao giờ ? rửa rau răm mà cũng kể ra. Nhưng mới là thợ phụ bếp thôi, bao giờ em lên thợ nấu bếp chính thức đây?
Bà Bông từ tốn nói đỡ cho con gái:
- Ai cũng bắt đầu học từ vỡ lòng mà, phải đánh vần A, B, C, rồi mới tiến xa hơn. Tại em nó bận học, nên chưa có thì giờ tập tành bếp núc nhiều.
Anh Tiến không tha cô em:
- Vâng, con cũng chúc em con sớm trở thành một đầu bếp danh tiếng.
Anh Hiếu bênh vực cho cô:
- Ngọc Ngà thông minh lắm, anh tin là em sẽ làm bếp giỏi như mẹ em.
- Cám ơn anh.
Và trong đôi mắt của Ngọc Ngà đã nhìn anh Hiếu với đầy vẻ biết ơn.
Hôm nay là bữa cơm đầu Xuân, ngày mai cô sẽ vào bếp phụ mẹ nữa, chắc là mẹ vui lòng lắm, vì xưa nay mẹ cứ băn khoăn là con gái mẹ tính tình xồng xộc như con trai, chẳng biết dịu dàng, chẳng màng bếp núc gì cả. Rồi thứ ba này mẹ sẽ làm bữa tiệc tiễn Xuân nhân dịp tiễn anh Tiến và anh Hiếu về Seattle . Trên mâm cỗ đón Xuân và tiễn Xuân năm nào cũng có món thịt gà luộc.
Cô sẽ học mẹ cách luộc gà và cách chặt gà một cách đàng hoàng, nghiêm chỉnh, không phải vì cô thích ăn thịt gà, mà vì anh Hiếu thích.
Cô kín đáo ngắm bàn tay mình, bàn tay xinh xắn, cô chau chuốt những móng tay gọn gàng, sạch sẽ, bôi lotion thơm tho mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, cổ tay cô đeo vòng làm điệu, nhưng bàn tay này cũng sẽ biết nấu cơm ngon như mẹ, biết rửa bát quét nhà như mẹ, cho xứng đáng với lời khen của anh.
Chưa bao giờ Ngọc Ngà đón Tết vui như bây giờ.
Mùa Xuân đến, Tết về, là chuyện tự nhiên của đất trời, nhưng anh Hiếu đến mới là cái Tết bất ngờ của riêng Ngọc Ngà. Lần đầu tiên trong đời cô đón Tết với cảm giác xôn xao, rạo rực, y như lời mẹ nói hôm qua, như một thời thanh xuân của mẹ ở Việt Nam.

Nguyễn Thị Thanh Dương