"Nếu trong nước hay có loạn là vì nhân-dân bị thiếu-thốn. Từ nay sắp tới, lương-bổng của ta là 500$ một tháng thì ta chỉ lãnh 200$ mà thôi, còn lại 300$ ta giao cho các thầy đem ra giúp-đỡ kẻ nghèo-khó." ** Duy-Tân ** (năm 8 tuổi)

 

Bắc-Kỳ

 

Trong lớp hay bất-cứ gặp tôi ở đâu, thằng Đực cũng đều gọi tôi là Bắc-Kỳ. Thỉnh-thoảng nó còn thêm chữ “dón” sau tiếng “Bắc-Kỳ” nữa. Tôi không biết chữ “dón” này viết làm sao, với “d” hay “v”, viết bằng cách nào, đều đọc là “dón” hết (theo giọng người Nam), và chữ này có nghĩa thế nào.

Ở trường-đua Phú-Thọ chưa tới một tháng, mẹ tôi đưa tôi về xóm Bến-Cát, quận Gò-Vấp. Mẹ tôi lại tiếp-tục làm việc ở kho-xăng của quân-đội Pháp. Kho-xăng này rất gần nhà. Ngày nào mẹ tôi cũng đi bộ đi làm.

Lúc đầu hai mẹ con phải ở chung-đụng với một gia-đình bạn của mẹ tôi. Sau này mẹ tôi mua được một căn nhà lá, nền đất, mặt tiền nhìn ra đường. Chính căn nhà lá này là nơi tôi đã có nhiều kỷ-niệm nhất của thời ấu-thơ. Cả xóm Bến-Cát chỉ có vài căn nhà gạch, còn phần nhiều đều làm bằng gỗ, mái tôn hoặc hoàn-toàn bằng lá dừa. Sống trong căn nhà lá này, vào những đêm trời mưa to gió lớn, tôi sợ lắm. Gió tốc ngược lá ra phía sau. Tôi nhìn thấy rõ những tia chớp ngoằn-ngoèo sau những khe hở. Nhà lại không có điện. Trên bàn tù-mù một ngọn đèn-dầu. Nước mưa chẩy từ trên mái nhà xuống. Tôi nằm bên mẹ, sợ-hãi không dám nói một tiếng nào. Lòng chỉ mong sao trời tạnh mưa càng sớm càng tốt.

Ngay phía sau nhà tôi là nhà của ông Tám. Ông có người con trai duy-nhất tên là Xưng. Tôi nghĩ tên anh là Xuân thì đúng hơn, vì người Nam đã phát-âm theo giọng địa-phương, chẳng hạn Liên thành ra Liêng, Oanh thành ra Hoanh, Kim thành ra Kiêm. Năm ấy, anh Xưng chừng hai mươi mấy tuổi. Tôi không biết anh làm nghề gì. Ông Tám nói tiếng Bắc pha giọng Nam, chứng tỏ ông đã vào Nam từ lâu rồi. Vợ ông là người miền Nam thứ-thiệt.  Trong nhà ông Tám bầy rất nhiều bàn-thờ, gần như lúc nào cũng có khói hương nghi-ngút. Tôi thấy người ta thường đến nhà ông, đem theo thân-nhân bị mắc bệnh này bệnh nọ để nhờ ông chữa bệnh. Vào những dịp như thế, tôi thấy ông Tám mặc quần áo xanh đỏ, múa-may trên một cái chiếu thật to trải trước bàn thờ. Ông đâm những mũi tên dài bằng tre, một đầu vuốt nhọn, xuyên từ má bên này sang má bên kia. Miệng ông phát ra những âm-thanh lạ-lùng nhiều lúc tôi không hiểu. Ông đã làm như thế nhiều lần, nên tỏ ra rất thành-thạo. Những vết-thẹo hai bên má ông đã làm tôi sợ. Anh Xưng nói là ba anh làm nghề thầy-pháp. Ông có thể chữa đủ thứ bệnh. Bệnh nào cũng do tà-ma mà ra cả. Có những người ở rất xa, nghe đồn có thầy giỏi, đã lặn-lội mò tới.

Có lần, anh Xưng kể-chuyện mấy người Bắc-Kỳ cho tôi nghe. Anh và mấy thằng bạn người Nam đứng ở khúc đường gần sân-bay Tân-Sơn-Nhất, chặn những thanh-niên trạc tuổi anh đi làm hoặc đi học về. Bọn anh bắt những người đó lập lại ba tiếng “Tân-Sơn-Nhức”. Ai lập lại đúng như thế thì cho đi. Còn ai nói “Tân-Sơn-Nhất” là bọn anh nhào tới đánh liền, vì một phần mang sẵn thành-kiến ác-cảm với người Bắc di-cư, và một phần vì tuổi-trẻ thích đùa-nghịch như vậy.

Bên cạnh nhà tôi là nhà của cậu Dũng, làm nghề thợ-may. Có thể cậu Dũng cũng vào Nam cùng một đợt với mẹ con tôi. Lúc bấy giờ cả xóm chỉ có một mình nhà cậu Dũng là có máy-hát. Tôi nhớ đây là máy hát đĩa, quay bằng dây-thiều, hình như là hiệu Columbia. Những cái đĩa bằng nhựa, đường-kính lớn hơn gang-tay của tôi. Mỗi khi sang nhà cậu, tôi giữ nhiệm-vụ quay dây-thiều. Cái máy hát này có nhiều khi tức-cười. Đang hát, nó hết dây thiều, rên-rỉ như người sắp chết, rồi lại gầm lên sau khi được quay mấy vòng. Vì vậy, tốc-độ của bản nhạc tùy-thuộc vào vòng cuốn của dây thiều còn hay sắp hết.  Nhiều đĩa-hát của cậu Dũng từ vọng-cổ đến tân nhạc, tôi nghe riết rồi thuộc-lòng. “Khoan-khoan bớ Nguyệt-Thu-Nga, cái tên mà đã sáu năm qua nó đơm bông nở nhụy trong cái quả…tim…này.” Tôi thích nghe người ca Cải-Lương miền Nam xuống xề “mùi mẫn”, chứ không để ý vì sao người ca-sĩ này lại hát là “quả tim” thay vì “trái tim”. Tôi còn được nghe nghệ sĩ Kim-Chung trong Tiếng Chuông Vàng Bắc-Việt hát vọng-cổ, Phạm-Duy hát “Ai lướt đi ngoài sương gió…” qua bài Buồn Tàn Thu của Văn-Cao, và song-ca Ngọc-Cẩm—Nguyễn-Hữu-Thiết hát “Đêm nay bao con thuyền ngập-ngừng xuôi-mái…” qua bài Trăng Rụng Xuống Cầu của Hoàng-Thi-Thơ. Tôi thích bài Ngựa Phi Đường Xa của Lê-Yên do ban hợp-ca Thăng-Long hát, nhất là lúc có tiếng ngựa hí không biết đúng không. Cứ thế, cái máy hát nhai đi nhai lại những vở tuồng cải-lương và những bài hát tân-nhạc này có đến cả triệu lần. Nhưng hồi đó, mỗi lần nghe, tôi vẫn cứ thấy hay.

Mãi sau này, nhà cậu Dũng còn có thêm một cái radio nữa. Lại thêm lý-do gần như hằng đêm chúng tôi ngồi nghe Chương-Trình Tao-Đàn. “Đây Tao-Đàn, tiếng nói của thơ văn miền tự-do, do Đinh-Hùng phụ-trách. Hôm nay với sự cộng-tác của Thanh-Nam, Thái-Thủy, Tô-Kiều-Ngân, Hồ-Điệp, Giáng-Hương, Hoàng-Oanh…” Rồi đến “Đây Chương-Trình Dạ-Lan. Tiếng nói của những người em gái hậu-phương, nói chuyện với các anh trai tiền-tuyến…” và ngay sau đó là giọng hát của Thái-Thanh “Một yêu… tóc xõa… đuôi gà , hai yêu… ăn nói… mặn-mà… à mà…có duyên…”

Làm ở kho-xăng được ít lâu, mẹ tôi quen cô Lý cùng làm chung sở. Cô độ trên ba mươi. Cô dễ-thương, không đẹp nhưng có duyên và ngoan-ngoãn. Mẹ tôi và cô xem nhau như hai chị em. Mẹ tôi mời cô về nhà ở chung. Từ đấy nhà tôi có thêm người. Nhà chật-chội, chỉ có một cái giường. Đêm ngủ, tôi nằm giữa. Cô Lý có một người bạn trai tôi quen gọi là Chú Phú. Khi đó chú Phú là Hạ sĩ-quan Công-Binh. Doanh-trại của chú đối-diện với Lăng Ông Bà Chiểu. Chú Phú đã có gia-đình, nhưng vợ chồng không hợp nhau sao đó, chú theo-đuổi cô Lý đã mấy năm, và cô Lý xem ra cũng có cảm-tình với chú.

Từ ngày vào Nam, vì lạ nước lạ cái, và vì bận-rộn với vấn-đề mưu-sinh, mẹ tôi không để-ý đến chuyện xin cho tôi đi học. Chú Phú thấy tôi tội-nghiệp, xin cho tôi vào học ở Trường Tiểu-Học Gò-Vấp. Đây là trường công, học-trò nam nữ học chung. Hồi đó muốn xin học cho trẻ con vào một trường tiểu-học nào đó khá dễ, chỉ cần một mảnh giấy khai-sinh là đủ.

Trường tọa-lạc trên một khoảnh đất tương-đối nhỏ, có hai dãy, mỗi dãy có 5-6 lớp. Giữa hai dãy có một sân chơi tráng xi-măng. Nhìn từ ngoài cổng vào, người ta sẽ thấy văn phòng ông Hiệu-Trưởng và sát bên là căn phòng nhỏ lưu-trữ hồ sơ. Phía trước văn-phòng Hiệu-Trưởng có một cây cột-cờ thật cao. Bên trái là xe bán nước, thỉnh-thoảng lại phơi trấu ủ nước đá.

Hồi đó, số học-sinh đi học còn ít. Hình như cả trường chỉ có vài học-sinh “Bắc-Kỳ” như tôi. Vì vậy, tôi rất sợ tụi bạn chọc-quê mình là “Bắc-Kỳ Dón”.

Tôi vào học Lớp Ba. Trường đã khai-giảng được vài tháng. Cô giáo tên Huệ. Nhà cô ở ngay phiá sau Ty Bưu-Điện Gò-Vấp, nên mỗi ngày cô chỉ mất độ vài phút đi bộ tới trường. Ở ngoài Bắc, tôi đang học dang-dở lớp Ba, nên dù vào học trường mới có phần trễ so với các bạn cùng lớp, tôi vẫn theo kịp không mấy khó-khăn.

Ngày nào chú Phú cũng đón tôi ở cổng trường, chở tôi về nhà bằng xe đạp, chỉ mất khoảng mười phút. Nhưng tôi lại không thích chú Phú chở về. Tôi chỉ muốn đi bộ để có dịp la-cà, đùa-giỡn và nói-chuyện với mấy đứa bạn chung đường. Đi bộ vui hơn, “lè-phè” mất tới nửa tiếng, có khi hơn, mới về tới nhà.

Từ trường về, nếu đi theo vỉa-hè bên trái, tôi phải đi qua rạp-hát Lạc-Xuân. Đây là rạp-hát nhỏ, chủ là người Tầu. Chính ở rạp-hát này tôi đã có những giờ phút vui-vẻ, say-mê và bị lôi-cuốn vào những cuốn phim cao-bồi đánh nhau với mọi da đỏ. Kick Doulas, Johnway rồi Clint Eastwood, vân-vân một thời đã làm những đứa con-nít như tôi mê-mẩn. Đi thêm một đoạn ngắn nữa, tới ngã tư sẽ là văn-phòng hành-chánh Quận, và chợ Gò-Vấp ở bên phải, qua công-ty sản-xuất nước tương Dũ-Chành của người Tầu, rồi đi xuống một con đường dốc thoai-thoải có cây me thật to ở bên trái. Về sau người ta đã chặt cây me này đi, nghe đồn là có ma. Có một lần vào dịp Tết Trung-Thu, tôi đi rước lồng-đèn ở trường mãi tới khuya mới về. Lúc đó trời rả-rích mưa. Thỉnh-thoảng lại có một tia-chớp loé lên ở trên trời. Trên đường về chỉ có một mình tôi. Đây là con đường duy-nhất để về nhà. Khi gần đến cây me, tự-nhiên tôi cảm thấy rờn-rợn trong người. Tôi cố-gắng giữ bình tĩnh. Môi tôi bặm lại, hai mắt nhìn cây me trừng-trừng, nhưng tim bắt-đầu đập loạn-xạ trong lồng ngực. Rồi vì sợ quá, tôi tháo vội đôi dép, co giò chạy. Vừa chạy, tôi vừa quay đầu nhìn lại. Tai tôi nghe rõ-ràng có tiếng “thình-thịch” đuổi theo. Đúng là ma rồi. Tôi càng ra sức chạy nhanh chừng nào, “nó” càng đuổi theo nhanh chừng ấy. Khi chạy xuống tới cuối-dốc, gặp đường rầy xe lửa, tôi thở hổn-hển, muốn xỉu. Tôi chỉ thực-sự cảm-thấy an-toàn khi nhìn thấy phía trước mặt còn ánh-đèn của nhà ai thức muộn, hắt ra.

Bên phải con đường dốc là kho-xăng nơi mẹ tôi làm, bên trái, qua một đường-rầy xe-lửa thỉnh-thoảng dẫn những chuyến hàng, hình như là vũ-khí, tới kho đạn, rồi sông Bình-Lợi ở phía sau. Như thế, khu Bến-Cát tôi ở hoàn-toàn nằm trong một địa-hình nguy-hiểm. Bên phải, bên trái là kho xăng, kho đạn, và xưởng cưa của quân đội Pháp. Đến cuối năm 1955, những cơ-sở này được giao cho quân đội Việt Nam. Vì địa-hình như thế, sau này, đến Tết Mậu-Thân 1968, cả khu Bến-Cát gần như hoàn-toàn nát-tan thành bình-địa. Đứng ở chỗ đường rầy xe lửa, người ta có thể nhìn suốt tới Bến-Củi. Cả một vùng rộng lớn, trống-lốc, không còn một mái nhà nguyên-vẹn.

Từ đường rầy xe lửa, nếu đi thẳng tới sẽ gặp Bến-Củi, ngăn cách khu An-Phú-Đông bởi một con sông chảy ra cầu Bình-Lợi. Ở Bến-Củi có chừng mấy chục nóc-nhà, nhà gạch có, nhà lá có. Dân ở đây sống bằng nghề chẻ củi, bó lại thành từng bó nhỏ rồi chở bằng xe-ba-bánh đi bán lẻ hay bỏ-mối. Bên trái đường rầy xe lửa là khu Bến-Hải. Bên cạnh đường đi, ngày đó có một miếng đất nhỏ, hơi thấp so với mặt đường, dài chừng 20 mét, ngang chừng 4 mét, đã trở thành một sân đá-banh lý-tưởng cho bọn trẻ con chúng-tôi. Tuần nào chúng-tôi cũng gặp nhau ít nhất vài ba lần, chia phe đá banh, chạy nhẩy ầm-ầm không biết mệt. Chính ở cái “sân-banh” lỗ-mũi này, chúng tôi đã gọi nhau bằng tên của những cầu-thủ nổi-tiếng thời đó, nào là Rạng, Tam-Lang, Đực Một, Đực Hai, Ngôn, Vinh, vân-vân.

Cũng trên con đường đất đỏ này, tôi đã nhiều lần được chứng-kiến những cuộc tranh tài “đẫm máu” của những con ngựa kéo xe thổ-mộ. Hồi đó chưa có xe xích-lô đạp. Ở trên Chợ Gò-Vấp có một bến xe ngựa, thường chở hành-khách từ Chợ Gò-Vấp đi Bà-Chiểu, hay đi Hạnh-Thông -Tây. Gặp ngày vắng khách, ế-ẩm, các bác tài bầy ra trò đua ngựa để giải-trí cho đỡ buồn. Hình như có cá độ ăn tiền. Các bác rủ nhau 5-7 người, đánh xe ngựa xuống con đường nhỏ này làm một vài cuộc đua cho nóng người. Các bác xếp xe ngựa theo bề ngang của con đường, tối-đa được ba chiếc, có trọng-tài đàng-hoàng, rồi bắt-đầu cuộc đua. Các bác ra sức kéo cương, đánh roi lien-tiếp vào mông mấy con ngựa, miệng la-hét vang trời. Mấy con ngựa lồng-lên, chạy bán sống bán chết, bụi đất bay mịt-mù. Tôi thấy mấy con ngựa thở phì-phì, có con miệng bật máu vì bị giựt cương quá mạnh. Sau mỗi lần đua, có con chạy trước, có con chạy sau, có tiếng cười hề-hả, và có cả những tiếng chửi-thề thô-tục.

Đi thật xa hết khu Bến-Hải rồi rẽ phải vào một con đường nhỏ, tận cùng có một ngôi miếu cổ xây ở giữa dòng sông, người ta gọi là Miếu Nổi. Sông không sâu lắm, nhưng thỉnh-thoảng vẫn có người chết đuối. Sau này, hồi mười một mười hai tuổi, tôi ham vui nghe theo mấy thằng bạn, bơi qua sông vài ba lần. Có một lần tôi suýt bị chết đuối, nhưng may nhờ có anh Hiến kéo vào.

Từ khi chú Phú biết ý-muốn của tôi, chú không chở tôi bằng xe đạp nữa, tôi được dịp tung-tăng nhảy nhót. Ngày đó, phần lớn mấy đứa học sinh tiểu học gia đình nghèo như tụi tôi thường đi chân đất, không mang giầy dép gì cả, ngoại trừ những đứa con nhà khá giả hoặc là con gái. Giữa trời nắng chang-chang, đi chân đất trên đường nóng chảy nhựa, hẳn nhiên không phải là điều thú-vị, nhưng bọn trẻ tụi tôi đã quen như thế, không đứa nào cảm-thấy khổ-sở hay kêu-ca gì cả.

Một hôm đi học về, tôi không thấy cô Lý ở nhà. Mẹ tôi nói cô bị bà vợ của chú Phú đánh ghen. Cô sợ nên đã bỏ trốn. Tôi biết mẹ tôi nhớ và thương cô lắm. Tôi cũng vậy, nhưng không biết làm sao. Có lẽ trong lúc vội-vã, cô đã để quên bộ quần-áo. Mẹ tôi bỏ bộ đồ của cô vào trong một cái chảo, rồi rang lên. Tôi lấy làm lạ, đứng nhìn. Mẹ tôi nói, rang như thế cô sẽ thấy bứt-rứt, nóng ruột mà trở về. Nhưng cô đã không về với mẹ con tôi nữa. Ba bốn năm sau, tôi gặp lại cô và chú Phú đến thăm xóm Bến-Cát. Hình như lúc đó cô và chú Phú đã thành vợ chồng thực-thụ rồi.

Còn tôi vẫn đi học mỗi ngày. Một hôm trên đường đến trường, tôi gặp thằng Đực, bạn cùng học lớp Ba với tôi. Nó đi trước tôi vài bước, một tay cắp cập, còn tay kia cầm một cái hộp giấy nhỏ. Đang đi, bỗng thằng Đực đứng khựng lại. Miệng méo xệch:

- Chết cha. Con dế đá của tao. Nó nhảy ra. Bắt…bắt…bắt dùm tao với.

Nó vừa cà-lăm nói đến đó, tôi cũng vừa đi tới. Không tài nào tránh khỏi, bàn chân của tôi đạp ngay lên con dế. Tội-nghiệp con vật nhỏ bị đạp bẹp dí, hai cái râu đang nhúc-nhích như muốn nói lời trăn-trối cuối-cùng. Tôi lùi lại, đứng chết trân. Tôi cảm thấy mặt mình tái đi. Chắc lúc đó vẻ mặt tôi khủng-khiếp lắm. Có thể nói, đấy là lần khiếp-đảm đầu-tiên trong đời tôi. Tôi đã nhiều lần nhìn thấy những tia chớp xuyên qua mái lá nhà tôi vào những đêm going-bão. Tôi đã lo sợ, co rúm người lại. Vậy mà lần này, “tai-nạn” xảy ra quá nhanh, tôi vừa lo-sợ vừa ân-hận, y như người lái xe say rượu vừa cán chết người, đứng chết trân không biết phải làm gì.

Trong khi còn đang lung-túng, tôi nghe thấy tiếng khóc của thằng Đực. Tiếng khóc của nó nhất-định là phải ai-oán, thê-lương lắm, vì vậy tôi đã không thể tìm được lời nói nào để an-ủi hay năn-nỉ nó.

- Tao không biết đâu. Mày thường tao đi.

Nó cứ lập đi lập lại câu đó mãi, khiến cho tôi càng bối-rối. Tôi làm gì có đủ tiền để thường cho nó. Mỗi sáng mẹ tôi cho năm mươi xu để mua một gói xôi ăn sáng đi học. Năm mươi xu chưa chắc đủ để mua một con dế-đá loại chiến. Tôi lại còn phải để dành tiền mua tờ báo có truyện tranh Chuột Mickey và Vịt Donald ra hàng tuần nữa chứ. Truyện này đang tới hồi gay-cấn, không thể bỏ qua được.

Tôi phùng miệng bào-chữa:

- Tại mày, chứ đâu phải tại tao. Mày làm rớt nó xuống đường. Tao đi trờ tới đạp phải. Làm sao tao né được. Tao đâu có cố-tình.

Tôi nói vậy mà nó vẫn không chịu, nó vẫn cứ ti tỉ khóc, miệng vẫn méo xệch kéo dài cái điệp khúc “tao không biết đâu. Mày thường tao đi…” Nghe mà não ruột.

Qua ngày hôm sau, không thấy thằng Đực nỉ-non bắt thường tôi nữa. Có lẽ nó thấy không đáng. Hay là nó cảm thấy tội nghiệp cho tôi? Hay là nó đã quên mất chuyện đó rồi? Lẽ dĩ nhiên, không thấy nó đòi, tôi mừng húm trong bụng. Cũng may ở trong lớp, tôi và nó không ngồi cạnh nhau.

Năm sau tôi lên học lớp Nhì (sau này là lớp Bốn). Cô giáo tên là Hoa, và năm cuối của bậc tiểu học, tôi lên lớp Nhất (sau này là lớp Năm), học với cô Vân. Cả ba lớp, lớp nào tôi cũng ngồi ở bàn đầu, và năm nào cũng được phần thưởng. Tôi được các cô giáo và bạn bè thương-yêu, có lẽ vì hiền-lành và học-hành chăm-chỉ.

Trong ba năm học ở Trường Tiểu-Học Gò-Vấp, không ai biết tôi là người Bắc, kể cả các cô giáo. Như một con két, tôi nói tiếng Nam trơn-tru, dễ-dàng giống y như mấy đứa sinh ở trong Nam vậy. Tôi đã che đậy rất khéo gốc tích của mình. Ngày ấy, tôi cho đó là một sự “bí mật” không nên để cho tụi bạn trong lớp biết. Tôi ghét, hay đúng hơn là tôi sợ mấy đứa bạn “Nam Kỳ” biết tôi là người Bắc. Chắc-chắn bọn chúng sẽ chế-nhạo tôi như đã chế-nhạo người khác, nào là “Bắc-Kỳ dón”, nào là “Bắc-Kỳ ăn rau muống uống cả nước”, và nào là “Bắc-Kỳ ăn cá rô cây”. Có đứa còn tàn-ác điền thêm câu đằng sau “ông trời quả-báo hàm-răng đen-thùi” để cho ý-nghĩa đầy-đủ hơn. Thế mới tức chứ.

Năm lớp Nhất, tôi được cô Vân chọn làm Lớp Trưởng. Một hôm vào giờ ra chơi, trong lúc tôi đang đứng một mình bên cạnh cửa lớp, tôi nhìn thấy thằng Đực đi tới. Nó nói giọng oang-oang, trong khi làm bộ mắt không nhìn tôi:

- Ê, Bắc-Kỳ Dón.

Tôi giật mình, có phần luống-cuống, nhưng vẫn giả-bộ ngó lơ.

Thằng Đực nói tiếp. Lần này nó nói to hơn:

- Bắc-Kỳ ăn rau-muống.

Biết là nó ám-chỉ mình, tôi run lên. Vừa mắc-cở, vừa giận, vừa sợ. Tôi hỏi lại nó:

- Mày nói ai là Bắc-Kỳ?

Thằng Đực lên mặt thách-thức:

- Mày chứ còn ai. Làm như không ai biết mày là Bắc-Kỳ Dón vậy.

Không cần suy-nghĩ thêm cho mất-công, tôi lướt tới trước mặt thằng Đực. Một quả đấm khá mạnh giáng ngay vào mặt nó. Tôi không biết tại sao tôi lại đấm nó được. Bình-thường tôi vẫn hiền-lành như ông Bụt, yếu như xên. Thằng Đực cũng không phải tay vừa. Nó không còn là thằng Đực của năm lớp Ba, có con dế đá bị tôi đạp dẹp-lép, khóc bù lu bù loa, đòi bồi-thường nữa. Tôi cũng không còn là thằng bé sợ ma, có lần xách dép chạy qua cây me trên đường về nhà vào đêm Trung-Thu mưa gió năm nào. Nói chung, cả hai đứa đều khỏe hơn và bạo-dạn hơn. Tôi đấm nó được mấy cái. Ngược lại, nó cũng đấm tôi mấy cái. Đến lúc đó, qua khung cửa-sổ mở rộng, tôi chợt nhìn thấy cô-giáo Vân đang ngồi ở bàn nhìn tụi tôi. Chắc là cô đã nhìn thấy tụi tôi đánh nhau. Tôi hoảng-hồn, buông thõng tay xuống. Thằng Đực cũng chợt nhìn thấy cô Vân. Nó tỏ ra lung-túng, thụt-lùi lại mấy bước.

Hết giờ chơi, tôi lặng-lẽ đi vào lớp. Lúc đó đến giờ viết chính-tả. Cô Vân hỏi đứa nào muốn lên bảng. Tôi biết cô hỏi cho có hỏi vậy thôi, vì tôi thấy cô đưa mắt nhìn tôi, và tôi vẫn là đứa học trò luôn giơ tay tình-nguyện.

Ở trường tôi, mỗi lớp đều có hai tấm bảng đen thật to, một bên phải và một bên trái lớp học. Bàn của cô-giáo được kê trên một cái bục gỗ ở giữa. Bảng có hai mặt, có thể quay ra ngoài hay quay vào trong được. Vào giờ viết chính-tả, cô-giáo gọi một đứa đứng viết ở mặt sau một tấm bảng. Nếu bài dài quá, sẽ viết tiếp qua bảng bên kia, cũng ở mặt sau. Trong khi đó, những đứa khác viết vào tập vở của mình. Xong, tấm bảng sẽ được quay ra để cho tất cả cùng nhìn thấy. Cô-giáo sẽ đọc lại bài chính-tả từng câu ngắn, sửa lỗi trên bảng. Học-trò theo đó sửa lỗi cho nhau. Gần như tôi là đứa học-trò duy-nhất được cô tín-nhiệm, giao cho trọng-trách đứng viết chính-tả, vì ít phạm lỗi nhất. Ngoài ra, tôi viết bảng khá ngay hàng thẳng lối và chữ viết lại dễ đọc, không gà bới như mấy đứa khác.

Mấy hôm sau vào giờ ra chơi, phần lớn học-trò đã ra ngoài sân chơi đùa, cô Vân gọi tôi tới bàn giáo-viên. Tôi lo quá. Chắc cô rầy mình về chuyện đánh nhau với thằng Đực hôm qua. Tôi lặng-lẽ chờ-đợi. Cô nhìn tôi, hỏi nhỏ-nhẹ:

- Có phải em là người Bắc không? Nghe cô hỏi, tôi sợ quá, nhẹ gật-đầu:

- Thưa cô, phải…

Tôi đứng chết trân, không dám nhìn cô. Vậy là sự “bí-mật” của tôi đã bị phanh-phui, ít nhất là đã có hai người biết. Và rồi sẽ còn có nhiều người biết nữa. Không biết lúc ấy mặt tôi đã đỏ lên hay là đã tái đi như thế nào. Tôi cúi đầu như một tội-nhân nhận-tội và sắp-sửa nhận lãnh bản-án.

Thấy tôi đứng yên như pho tượng, cô Vân vội trấn-an:

- Cô chỉ hỏi vậy thôi. Không có chi đâu. Em ra ngoài chơi với các bạn đi.

Tôi chào cô rồi bước ra ngoài, đầu óc hoang-mang, không hiểu tại sao thằng Đực và cô Vân lại biết được sự thật của mình. Tôi đoán là cô Vân đã đọc giấy Thế-Vì Khai-Sinh của tôi. Cái mảnh giấy có ghi đầy-đủ nơi sinh của tôi, mà ngay chính tôi lúc bấy giờ cũng không biết nó ở đâu nữa. Thỉnh-thoảng tôi chỉ nghe mẹ tôi nhắc, với những kỷ-niệm khó phai-mờ.

Từ hôm đó trở đi, thằng Đực không còn gọi tôi là “Bắc Kỳ dón” nữa.

 

Hà-Việt-Hùng