"Nếu trong nước hay có loạn là vì nhân-dân bị thiếu-thốn. Từ nay sắp tới, lương-bổng của ta là 500$ một tháng thì ta chỉ lãnh 200$ mà thôi, còn lại 300$ ta giao cho các thầy đem ra giúp-đỡ kẻ nghèo-khó." ** Duy-Tân ** (năm 8 tuổi)

 

Những Ngày Làm Dâu

(Trong Loạt Truyện Nhà Mày Nhà Tao)

Ngồi trong chiếc xe Honda Accord bốn cửa do anh Bảy lái có cụ Xẫm (mẹ anh Bảy), cô Ngọc (chị anh Bảy), chị Bảy và trong chiếc xe Toyota Corola chạy theo sau là 2 cậu con trai của anh chị Bảy và 3 cậu con trai của cô Ngọc ngồi nhung nhúc, đang tán chuyện ầm ĩ. Ðây là chuyến đi ra ngoài đầu tiên của người nhà anh Bảy sau hai ngày họ đến Mỹ theo diện ODP. Hai xe đang chạy theo nhau hướng về vùng Linda Vista, nơi có chợ Viễn Ðông, chợ Ðại Tân, những tiệm bán quần áo, rất nhiều người Việt Nam sinh sống và xa hơn một chút là khu thương mãi sang trọng của Mỹ Mission và Fashion Valleys. Cali bây giờ tháng 8, mới 9 giờ sáng mà mặt trời đã hối hả từ phía đông nhào lên hắt những tia nắng vàng rực xuống vạn vật, trời nóng như thời tiết Saigon mùa hạ, ngồi trong xe đông người dù mở máy lạnh nhưng cũng vẫn thấy nực nội.

Thấy cụ Xẩm nhấp nhổm, nghĩ rằng trời nóng làm cụ khó chịu nên chị Bảy lấy tờ báo phe phẩy quạt cho cụ. Từ ghế trước cụ quay người lại hất tờ báo đi, nói với giọng khó chịu:
-Khỏi đi. Mày có nóng thì cứ quạt cho mày!
Chữ “mày, tao” cùng với giọng nói ác cảm của bà mẹ chồng làm chị Bảy sững sờ, xấu hổ. Không thể thấy vẻ mặt của anh Bảy lúc đó thế nào vì chị và cô Ngọc ngồi ở băng ghế sau, nhưng chị mắc cở với chồng vì chị đã bị mẹ anh ghét bỏ và coi thường. Ðể bớt ngột ngạt, cô Ngọc vớ lấy một tờ báo khác quạt cho cụ Xẩm. Cụ nhìn lui và rồi ngồi yên.
Anh Bảy đằng hắng một cái, hỏi:
-Lâu nay có được tin tức gì của thằng Tài không má? Nghe nói nó ở bên Úc phải không? Giọng anh trầm trầm nhỏ nhẹ, như muốn làm dịu đi sự khó chịu của bà mẹ.
-Thằng Tài hiện ở Úc. Nó chỉ là cháu kêu tao bằng dì mà có hiếu để lắm. Hằng tháng khi gửi cho mẹ nó 200 đô thì cũng gửi cho tao 50 đô. Nó cũng giúp đở mấy anh em của nó nữa. Nó bỏ con vợ cũ cũng vì con đó cản không cho nó trả hiếu. Vợ mới của nó không dám ngăn cản nó đâu. “Anh em như thể chân tay, vợ chồng như áo cỡi ra là rồi”. Thằng ấy thế mà khôn! Có ai như anh Hai của mày đâu; sống thì lo phục vụ cho con vợ, đến khi đột ngột chết đi, bao nhiêu của cải đều để lại cho con vợ nó hết. Mẹ, chị, em không có được một chút gì! Mày liệu đó mà làm! Giọng cụ Xẫm từ nhỏ nhẹ khi bắt đầu trả lời anh Bảy đã dần dần trở thành cao hơn và kết thúc với vẻ ấm ức tức tối, tỏa ra sức nóng như thời tiết Cali bên ngoài.
Anh Bảy vội vàng vâng vâng dạ dạ cho bà cụ bớt giận. Những lời nói của bà cụ làm chị Bảy ngẩn ngơ, anh Bảy vâng dạ làm cho chị ấm ức, nhưng bà cụ chỉ mới chân ướt chân ráo qua đây, chẳng lẽ chị đi cãi nhau với mẹ chồng hay sao. Thôi thì cứ ráng “ngậm bồ hòn làm ngọt” vậy.

Chị Bảy trông có hơi đẫy đà vì xương to, da trắng hồng, mặt mày nở nang, mắt to, mũi thẳng, miệng rộng. Theo tướng học thì người có những đặc điểm này thường rộng rãi, thẳng thắn, thành thật, phúc hậu và vượng phu ích tử. Tính tình chị Bảy có như vậy thật. Có gì chị nói nấy, không xiên xẹo quanh co. Chị rất tốt với mọi người, và rất thích nói chuyện. Mỗi lần chị có tâm sự, nếu gặp bạn, bạn có thể nghe chị nói một mình cả giờ mà bạn không cần xen vào câu nào. Thế mà bây giờ chị phải ngậm câm. Anh Bảy thì người cao lớn, trông rất thanh nhã, nhưng da mặt hơi xanh, môi hơi thâm, miệng hơi nhỏ. “Ðàn ông miệng rộng thì sang, đàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà,” thường thì rất đúng, nhưng lại không đúng mấy với trường hợp vợ anh Bảy. Chị Bảy miệng rộng môi dầy, nhưng chị đã giúp chồng nuôi con nên cửa nên nhà. Anh Bảy rất ít nói, mà mỗi lần nói ra câu nào thì y như là…trong câu “Tẫm ngẫm mà đấm chết voi.”

Chị Bảy cảm thấy mình như một kẻ thừa ở trong xe này. Llinh tính báo cho chị biết đời chị sẽ khổ lắm với đám người này từ đây. Vẻ mặt lạnh lùng, giọng nói giấm dẳn, và thái độ khiêu khích của cụ Xẫm gây bao buồn tức và sợ hãi nơi chị. Thế rồi trong suốt chuyến đi chị chẳng dám hở môi, khi cần lắm mới mở miệng, để mặc anh Bảy đưa đi đâu thì đi, chị chỉ có việc theo sau để …trả tiền và xách đồ giùm. Số tiền này chị đã phải nhịn từng bữa ăn trưa, từng chiếc áo, định để dành gửi về cho bố chị, sao cho anh Bảy đừng biết. Bố chị còn ở VN, nay đã 93 tuổi, đã bệnh lên bệnh xuống bất lực rồi. Nay vì hểu hảo chị đã đem ra dùng cho vui lòng nhà chồng. Thấy bà cụ, chị, và các cháu của chồng thích gì thì chị mua biếu nấy. Thức ăn, áo quần, giày dép đủ cả. Mà mấy đứa cháu cũng sành sõi ghê! Biết lựa đồ brand name không! Con cái chị ở đây đã lâu, nhưng nói của đáng tội, chúng chẳng hề phàn nàn khi chị cho chúng mặc đồ garage sale, đồ Target và K-Mart. Anh Bảy đã bắt chị bỏ hết tiền lương vào nhà băng, và một mình kiểm soát hết mọi chi tiêu trong ngoài. Mỗi lần chị cần lấy ra một vài trăm để gửi về nhà đều phải xin phép và đều bị anh Bảy cằn nhằn đay nghiến chịu không nổi. Mỗi lần chị lấy ra 100 thì anh cũng lấy ra 100, chị lấy ra 200 thì anh cũng lấy ra 200, bảo là gửi thêm về cho người nhà của anh xài cho cân.

Suốt chuyến đi, trong khi cụ Xẩm, anh Bảy, và cô Ngọc trao đổi những câu chuyện về bà con ở VN và thân nhân ở các nơi khác, ai gửi tiền về nhiều ai gửi tiền về ít thì chị Bảy cứ miên man với bao ý nghĩ hoang mang ở trong đầu. Chị tự hỏi không biết rồi đây anh Bảy sẽ đối xử với chị ra sao khi có những người ruột thịt này của anh ở chung!!! Anh Bảy đã từng tỏ ra rất có hiếu với mẹ và người chị lớn hơn anh 3 tuổi là cô Ngọc này. Từ khi lấy nhau đến giờ, anh Bảy hằng tháng đã trích ra 1/3 tiền lương của anh để cấp dưỡng cho họ. Trong lòng dù buồn, nhưng chị chẳng hề phàn nàn vì nghĩ rằng anh trả hiếu cho mẹ là đúng. Mẹ anh đã già, còn chị anh duyên tình lận đận có đến 3 thằng con với một người đàn ông đã có vợ vô trách nhiệm, dù giỏi bươn chãi cách mấy cũng không đủ sống nổi. Cũng may chị anh khi sinh đến Thắng thì thắng luôn chứ nếu hoàn thành luôn 4 chữ “thành công thắng lợi” như ông ấy muốn thì càng mệt nữa. Ðã mấy chục năm còn chịu đựng được, bây giờ chị chẳng cần gì phải lấy làm điều nếu phải giúp thêm, nhưng điều đáng lo là phải giúp đến mức nào nữa đây sau khi chị đã giúp anh bảo trợ 5 người họ qua đây và nhất là họ đang coi chị như tôi tớ thế này?

Qua những gì họ nói với nhau, chị Bảy biết rằng bây giờ người nhà anh Bảy không chỉ không bằng lòng với số tiền cấp dưỡng hằng tháng của anh, mà họ còn có ý nhòm ngó đến tất cả những gì anh Bảy có. Theo ý nghĩ đơn giản cúa những người từ Việt Nam mới sang như họ, nhất là khi họ chưa hề có kinh nghiệm mua bán mượn nợ nhà băng hay các tiệm, chắc họ nghĩ rằng nhà, xe, tàu bay, tàu lặn, kim cương, vàng bạc, đồ đạc trong nhà..vv.. nói chung, tất cả cái gì mình dùng đều là của mình. Họ đâu biết rằng ở đây cái gì người ta cũng có thể mua trả góp cả. Những món nhỏ mua ở tiệm thì tiệm cho thiếu, những gì vốn lớn thì phải qua nhà băng. Cả áo quần giày dép mang trên người nhiều khi cũng còn mang nợ nữa là! Nay thấy anh Bảy có cái nhà to lớn (và sắp có thêm một cái nữa,) mấy chiếc xe hơi đẹp đẻ, đồ đạc trong nhà bóng bảy, họ nghĩ rằng anh Bảy giàu có lắm. Họ đâm ra trách anh Bảy đã quá hà tiện khi hằng tháng chỉ cho họ một số tiền nhỏ làm họ chi tiêu không được thoải mái. Cụ Xẫm chỉ mới chân ướt chân ráo ở đây đã chẳng nhắc nhở ngay cho anh nhớ rằng của cải của anh phải do họ là những “tay chân” thực sự của anh, chứ không phải là “người ngoài như chiếc áo cỡi ra là rồi” được thừa hưỡng hay sao? Cụ chẳng đã muốn cho chị biết rằng chị không là cái gì cả đối với cụ và “người nhà” của cụ hay sao? Cụ đâu có biết 3 đứa con trai của hai vợ chồng mỗi buổi sáng đều phải thức dậy từ 5 giờ sáng đạp xe đi khắp các ngã đường bỏ báo cho từng nhà người để kiếm thêm tiền đi học, vất vả không biết bao nhiêu. Vì để cho gia đình anh có đủ tiện nghi, anh Bảy đã bắt chị Bảy mua thêm cái nhà lớn cho họ (giấy tờ sắp xong.) Ðiều quan trọng nhất cụ không biết, là chị Bảy vì làm nhiều tiền hơn anh Bảy, và vì nhà đông người hơn cần xe, chị phải chiều anh và gia đình anh nên đã phải bỏ vốn ra nhiều hơn mới có thể đóng tiền cọc mua thêm cái nhà và mấy chiếc xe mà cụ đã thấy, và nhà hay xe gì cũng đều còn nợ một đống tiền ở các nhà băng.

Chị nhớ khi đón nhà chồng về đến nhà chị, khi họ nhìn thấy bàn thờ có tượng Thánh Gia Thất nơi phòng khách, cụ Xẫm và cô Ngọc đã háy nguýt tỏ vẻ rất bất mãn. Anh Bảy không nói là anh đã theo đạo mười mấy năm trước và từ đó đến nay vẫn thường theo chị đi nhà thờ, ngoại trừ những lúc…giận chị. Trước kia anh cũng chẳng theo đạo gì dù rằng mẹ và chị anh thờ Tiên Thiên Thánh Mẫu. Giờ đây, với sự hiện diện của hai vị này, nếu họ biết anh đã đi đạo theo chị thì không biết phản ứng của họ sẽ ra sao. Giờ thì họ không hỏi gì thêm nhưng có lẻ họ càng ác cảm với chị hơn nữa nếu họ biết. Chị Bảy rất lo.

Cụ Xẫm năm nay đã trên 80 nhưng vẫn còn rất mạnh khỏe. Với khuôn mặt tuy rất giống anh Bảy nhưng cụ có những nét cứng cỏi hơn. Cô Ngọc cỡ khoảng 55, 56, mặt trắng mình gầy, dáng dấp ẻo lả, vẻ kiều mị thời xuân trẻ vẫn chưa mất, và dáng điệu đỏng đảnh rất ư là tiểu thơ. Nhìn cô, ai cũng có thể biết ngay là người nhàn hạ, chẳng hề làm gì vất vả. Mọi người quen biết đều gọi cô là “cô” có lẻ vì con anh Bảy gọi cô là “cô”, nhưng có thể cũng vì cô không có chồng chính thức, dù có tới ba đứa con trai. Luật pháp cũng thật vô lý; một người đàn bà khi đã có con thì phải thành đàn bà, dù lấy ai mà sinh con thì cũng nên thành bà chứ sao vẫn cứ là “cô”? Và có những người đàn bà dù lấy chồng nhưng chẳng hề sinh con lần nào vẫn trở thành “bà” được?

Nhà anh Bảy chỉ có 4 phòng đều ở cả trên lầu. Hai vợ chồng anh chiếm một phòng, 3 phòng kia cho 3 đứa con ở. Ðể chuẩn bị đón tiếp gia đình, anh Bảy đã để một cái giường nhỏ cho mẹ ở phòng để TV, sát ngay phòng khách và phòng ăn, dùng 2 tấm bình phong chắn lại. Anh định tạm thời để cô Ngọc ở chung với bé Hạnh, con gái út của anh chị, còn 3 đứa con trai thì nhét vào 2 phòng kia của Luân và Lý. Mấy đứa con anh Bảy đều vừa đi học vừa đi làm, ban đêm rất cần có chỗ học hành và nghỉ ngơi nên việc chung đụng thế này sau này đã gây ra lắm điều bất tiện, nhất là mấy cậu con cô Ngọc lại rất luộm thuộm bê bối và có lúc còn mượn comp. để chít chát với bạn gái nữa.

Sau khi đi sắm sửa về, cụ Xẫm và cô Ngọc đều kêu mệt và đi nằm. Anh Bảy đi theo hầu chuyện mẹ, còn bọn con trai kéo nhau hết vào phòng khách ngồi xem TV. Chị Bảy gọi con:
-Luân, Lý! Hai con không giúp mẹ lấy đồ vào hay sao?
Thấy 2 cậu kia chạy ra, 3 cậu con cô Ngọc cũng chạy theo. Với nhiều cánh tay giúp đở nên 2 thùng xe đầy nhóc đồ xem ra cũng sắp sạch, chỉ còn lại thức ăn thôi. Khi thấy mấy đứa cháu ngoại xách đồ ăn vào bếp đi ngang qua phòng TV, cụ Xẫm kêu lên:
-Mấy đứa bây để mẹ con mợ Hồng (chị Bảy) làm được rồi. Nghỉ ngơi đi! Tụi bây thật lanh chanh!
Chị Bảy phải lên tiếng:
-Các cháu cứ để đó cho mợ! Cũng sắp xong rồi. Cám ơn các cháu nhé!
Nghe mợ và bà ngoại nói vậy, 3 cậu con trai của cô Ngọc ngưng làm việc và đến ngồi bày bộ bài mang từ VN sang ra chơi xì lác nơi salon ở phòng khách, mặc cho chị Bảy và 2 con chị khiên tiếp cho hết đồ ăn còn lại trong xe.

Nhìn đồng hồ thấy đã gần 12 giờ trưa, chị Bảy vội vàng lấy gạo đổ vào nồi điện để nấu cơm. Con Hạnh nhè lúc này mà đi chơi mất, không chịu ở nhà mà giúp mẹ chút nào. Cái con thiệt là! Chị lầm bầm. Chị không biết con nhỏ lớn lên ở đây đã bị Mỹ hóa, không chịu nổi lũ con trai của cô Ngọc và không thích “hai bà già khó chịu hành hạ cả gia đình” nên muốn tránh đi. Cơm coi như đã có, còn đồ ăn mới đáng lo. Anh Bảy kiêng ăn đủ thứ, không bao giờ dám đi ăn tiệm, không biết bà cụ thì sao. Chị đến giường gần đó hỏi mẹ chồng:
-Má thích ăn gì để con nấu má? Má có cần ăn kiêng gì không?
Ðang lở dở câu chuyện “người nhà”, bị chị Bảy cắt ngang, cụ Xẫm chau mày lại. Thấy vậy, anh Bảy bực dọc lên tiếng:
-Cứ nấu gì ngon cho má dùng là được rồi, cần gì phải hỏi không biết nữa! À, má bảo hãy luộc con gà mới mua hồi nãy nguyên đầu và cổ, sau đó để vào đĩa, sắp trái cây lên mâm luôn để chiều má với chị Ngọc cúng tạ ơn Thánh Mẫu đã cho gia đình đi đường bình an. Hương đèn hồi nãy Má đã có mua rồi kia.
-Dạ.
Không dám làm họ khó chịu thêm nên sau tiếng dạ thì chị Bảy trở lại bếp ngay. Chị cũng có khối việc để làm, thì giờ đâu mà để ý đến từng cử chỉ và câu nói khó chịu của họ cơ chứ? Trước mắt chị phải sửa soạn đồ cúng, rồi còn phải nấu cho 4 người đàn bà (bé Hạnh có thể sẽ về ăn) và 6 người đàn ông chứ phải ít đâu! Tổ chức tiệc tùng cho bạn bè đông người cũng không mệt bằng! Nếu biết cụ không kiêng cử gì thì cứ việc đặt sẵn mấy món rồi kêu người ta mang lại quách chứ đâu có khổ thế này! Chị than thầm. Thế rồi cứ một mình loay hoay hết xắt lại thái, hết xào lại chiên, hết trụng lại luộc, mồ hôi mồ kê tuôn ướt cả thân mình. Chị ước gì mình có ba đầu sáu tay làm cho nhanh để mọi người khỏi chờ đợi lâu. Nếu đi thi nấu ăn chắc chị phải đoạt giải vô địch nấu nhanh hôm nay. Nhờ có 4 cái bếp luân phiên cháy mà chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ chị đã làm xong được 5, 6 món thịnh soạn với đủ thứ thịt, cá, tôm, và rau ráng. Hai đứa con trai chị đã giúp chị bày bàn ăn sẵn rồi nên cũng đỡ! Chị đến bên giường mẹ chồng cất tiếng mời đon đã:
-Mời má ra xơi cơm! Mời anh ra xơi cơm! Luân, Lý hãy lên lầu mời Cô xuống dùng cơm giùm má đi!
Anh Bảy dìu mẹ ra phòng ăn (dù cụ vẫn rất mạnh khỏe), cô Ngọc từ trên lầu đỏng đảnh đi xuống, 5 cậu con trai cũng tự kê thêm ghế ngồi quanh bàn ăn. Chợt anh Bảy hỏi:
-Ðũa, muỗng, ly, tách, nước uống, giấy lau tay đâu? Làm sao mà ăn đây?
Thấy mẹ nhìn mình, Luân và Lý đứng lên định đi lấy, nhưng khi anh Bảy thấy hai cậu con loay hoay giữa những cái ghế kê sát nhau khó đi ra được anh liền bảo:
-Hai đứa bây cứ ngồi đó đi, để má bây lấy cũng được.
Thế là chị Bảy lại phải làm hết việc của bồi bếp, lại lăng xăng đi bưng nước hầu trà.
-Ðồ ăn gì mà mặn quá đi! Lại đầy dầu đầy mỡ và bột ngọt nữa! Giọng cụ Xẫm cất lên càng làm cho chị Bảy bị khủng hoãng. Nhìn thấy cụ cau có, chị vội xin lỗi:
-Con không biết má ăn lạt như vậy. Má bảo là không kiêng cử gì nên con đâu có biết. Xin má ăn đỡ bữa nay vậy, lần sau con sẽ nấu lạt hơn cho má ăn nhé!
Ðể trả lời cho chị Bảy, cụ ngúng nguẫy đứng lên sau khi nguýt chị một cái thật dài. Anh Bảy phải đứng lên theo để dìu cụ trở về giường nằm, để lại mọi người trong bầu không khí thật là khó chịu. Nhất là chị Bảy, chị thấy mọi chuyện thật là quá đáng. Chị cảm thấy bất mãn với những gì đã xãy ra. Tại sao anh Bảy đã trở thành như một người khác? Tại sao họ lại đối xử như vậy với chị? Họ chỉ là “khách” thôi mà. Tại sao anh Bảy không tự lo cho thân nhân của ảnh mà chỉ ngồi chỉ tay năm ngón bắt chị phải lo? Chị ngạc nhiên khi thấy mẹ, chị, và các cháu của chồng có vẻ rất thoải mái như nhà nầy là nhà của họ và chị là con sen của họ vậy. Chị đâu biết rằng là người Hoa, thuộc thế hệ xưa, vẫn quan niệm rằng chồng là chúa vợ là tôi, và con dâu có bổn phận phải phụng sự mẹ chồng nên cụ Xẫm có thái độ như thế là đương nhiên. Bữa ăn rồi cũng kết thúc. Chị Bảy từ sáng đến giờ chưa ăn gì nhưng cũng không thấy đói. Vinh dự được đón tiếp gia đình nhà chồng mấy hôm nay đủ làm cho chị no tức cả bụng.
Ðang miên man với bao ý nghĩ trong đầu và đang ngán ngẩm với mớ ly tách chén bát ngỗn ngang còn để lại sau bữa ăn, chị Bảy giựt mình vì tiếng anh Bảy ở ngay sau lưng:
-Tôi và thằng Luân thằng Lý sẽ đưa “nhà tôi” đi thăm bà con và đi chơi loanh quanh một chút cho biết. Có lẻ chiều tối mới về. Ở nhà nhớ làm cơm chiều nhiều rau ít mặn cho má ăn nghe bà!
Vì nơi chị đứng rất gần nơi mẹ chồng đang nằm nên chị đành đáp bằng giọng nhu thuận:
-Dạ. Anh cứ đưa “cả nhà anh” đi chơi cho biết đi, việc ở đây cứ để em lo!

Chị Bảy là người rất tốt tính. Chị muốn chính chị đưa khách đi nhà hàng thưởng thức cao lương mỹ vị, đi ngắm danh lam thắng cảnh, đi thăm thân bằng quyến thuộc, nhưng anh Bảy kiêng cử nhiều quá và người nhà anh có vẻ ác cảm với chị quá như thế thì biết làm sao! Nhưng thôi, nhờ thế mà chị sẽ được tự do một lúc để cởi bỏ những ấm ức nãy giờ đã làm chị no khan. Chị là người bộc trực, có gì không nói ra được thì không chịu nổi.

Chờ cho mọi người ra khỏi nhà, chị vừa tráng ly tách chén bát thẩy hết vào máy rữa chén vừa cầm điện thoại lên để gọi cho bà Hà, người bạn thân mà lúc nào có tâm sự gì chị cũng gửi gắm.
-A lô!
-A lô! Hà đây. Hồng đó hả? Sao? Gia đình anh Bảy qua chưa?
Nghe tiếng Hà, chị Bảy mừng rỡ:
-Họ qua hôm nay là ngày thứ ba. Hà biết không? Tôi muốn gọi bà hết sức mà mấy ngày bận túi bụi không gọi được. Bây giờ ông Bảy vừa dẫn mọi người đi hết rồi tôi mới gọi được cho bà đây.
Giọng bà Hà từ bên kia nghe vui vẻ:
-Thế thì vui rồi còn gì nữa. Họ khỏe hết chứ?
-Sau 3 ngày thay đổi giờ giấc bây giờ họ có vẻ đã quen và đã đi chơi được rồi. Họ thì khỏe nhưng tôi thì mệt đứ đừ đây này. Từ ngày thứ năm tôi đã phải ở nhà để đi đón họ ở L.A., thứ sáu và thứ bảy săn sóc họ, sáng hôm nay đưa họ đi mua sắm. Chiều hôm nay Chủ Nhật, nhờ có ông Bảy đưa họ đi chơi hết, tôi phải ở nhà để dọn dẹp chiến trường và chuẩn bị cho cuộc hành quân mới nên mới rảnh đôi chút để tâm sự với bà đây. Bà cũng biết là tôi có anh có chị ở đây nhưng có nhiều chuyện chỉ nói được với bà mà thôi. Tôi sợ gia đình tôi biết, bố tôi biết thì họ sẽ buồn Tôi thật không muốn nói, nhưng tôi buồn và tức lắm Hà ơi! Tôi đã kể về chuyện ông ấy chu cấp cho gia đình ổng như thế nào rồi, bây giờ họ qua đây, hình như họ còn nhòm ngó đến gia tài của ông ấy nữa đó. Tôi chưa kể cho bà nghe khi cưới tôi, bà già không cho tôi một xu teng, tôi đã phải bỏ tiền ra mua vòng vàng, giả vờ là của bà ấy tặng để cho cha mẹ tôi vui. Tôi sinh cho họ 3 đứa cháu mà chẳng lần nào họ đến thăm hỏi một tiếng, ngay cả ông Bảy nhà tôi cũng nghe lời mẹ ổng chờ con hết phong long mới vào gặp mặt. Tôi đã giúp ông ấy bảo trợ họ qua đây, mua nhà mua xe cho họ, mà chỉ mới mấy ngày đã bị họ coi như con sen con ở. Ông Bảy bây giờ chỉ còn biết người nhà của ổng thôi. Tôi biết từ nay tôi như đang bước lên đoạn đầu đài rồi.
Bà Hà biết bạn đang cần giải tỏa bớt những ấm ức nên chỉ yên lặng lắng nghe. Ðến khi thấy bạn cần nghỉ mệt, bà mới khuyên:
-Mới từ VN qua chắc họ chưa biết được lối sống ở đây như thế nào đâu. Ở đây lâu đi ra ngoài nhiều, nghe nhiều người nói chuyện thế nào họ cũng sẽ biết thôi. Bà đừng lo! Hãy chịu khó kiên nhẫn một chút đi!
-Tôi tức nhất là ông Bảy nhà tôi bây giờ một phút cũng không rời mẹ, mẹ nói gì cũng theo. Còn bà cụ thì chẳng coi lũ con tôi ra gì, hở cái là bênh cháu ngoại chầm chập, không cho đụng tay tới việc gì cả, nên một mình tôi phải làm đủ mọi việc.
Càng nói thì càng thấy tủi thân và nóng giận nên chị Bảy nghẹn ngào. Tiếng chị xịt mũi vang lớn, ở đầu giây bên kia bà Hà nghe mà ái ngại cho chị. Bà Hà vỗ về:
-Nói ra được thì cũng đở bực mình rồi. Bà tức làm chi cho khổ thân! Nếu chuyện này còn tiếp tục thì bà phải nghĩ cách để giải quyết là hơn. Tại sao bà không ngồi nói chuyện thẳng với anh Bảy? Nói cho ảnh biết những điều bà bất mãn và nhờ anh giúp bà giải quyết là biện pháp tốt nhất.
-Tôi chỉ sợ nói ra thì người ta càng thù ghét tôi thêm. Trước kia ông ấy đâu có vậy; vẫn hay giúp tôi làm việc nhà. Nhưng mấy ngày nay không thèm hỏi đến tôi tiếng nào, còn ra vẻ oai phong sai bảo tôi hầu hạ cả nhà ổng như đầy tớ. Bà nghĩ có đáng tức không chứ?
Bà Hà đáp:
-Anh Bảy làm vậy chắc cũng có dụng ý gì đó…Thường thì mẹ chồng hay ganh tị nàng dâu, có lẽ vì vậy mà ảnh muốn càng tỏ ra bạc đãi bà càng tốt cho cả hai bên đó. Cũng may trước nay bà đã không làm dâu, nếu làm dâu bà càng khổ nữa. Bà biết không? Hoàn cảnh của cô Nga kia mới thật tội; vì phải ở chung với mẹ, chị em chồng, và cả con riêng của chồng nữa. Thôi thì giống như chiến tranh trường kỳ cả ngày lẫn đêm. Mọi người đều xoi mói cô ấy khi ăn, khi ngủ, khi đứng, khi ngồi, cả từng lời cô ấy nói ra. Có người không phải làm dâu ai thì lại phải khổ vì chồng mắc phải tứ đỗ tường…Một bà láng giềng của tôi từng than phiền rằng chắc là chồng bà lấy bà để khỏi phải thuê người làm công. Ổng không làm gì cả, đặc biệt là không bao giờ chịu đi chợ, cũng không nấu ăn. Thậm chí khi bà bệnh cũng phải đi theo nữa. Trong nhà thì mỗi lần ông đi đâu ngồi đâu bà phải theo ngay để dọn dẹp. Ðời còn bao nhiêu chuyện oái oăm, để từ từ rãnh tôi sẽ kể cho bà nghe, để bà đừng tưởng chỉ có bà là buồn vì gia đình. Người ta nói: “Không oán không thành chồng vợ, không nợ không thành cha con.” Câu này nghe bi quan quá nên tôi chả tin. Cái câu “Tu mười kiếp mới được làm cha con, tu trăm kiếp mới được thành chồng vợ” có ý nghĩa hơn. Theo câu nói nầy thì hai người phải dày công tu luyện tạo nhiều phúc đức lắm thì kiếp này mới thành vợ thành chồng. Mà nếu không có cha mẹ hai bên sinh dưỡng thì mình làm sao có vợ có chồng được phải không bà? Tôi nghĩ như thế mình dù có chịu khổ đế mà nâng niu gìn giữ thì cũng đáng lắm! Nhưng dù sao, theo tôi nghĩ thì người cũng như cây cối, cây cối sinh quả, quả phải rời cây để được gieo mầm mà sinh cây khác. Con cái có hiếu với cha mẹ là điều đáng quý, nhưng một khi đã có gia đình thì phải nên ở riêng nếu 2 bên không hợp.
Chị Bảy thường rất nghe lời bà Hà khuyên, mà bà Hà nói nghe cũng có lý nên lòng chị cũng thấy dịu đi. A! Còn có chuyện quan trọng chị quên chưa kể!
-Hà biết không? Bà cụ và chị Ngọc thờ Tiên Thiên Thánh Mẫu, cái đạo đồng bóng đó mà. Mới hôm qua đây khi biết anh Bảy bị bệnh tiểu đường và áp huyết cao, họ đã cúng và cho anh Bảy uống thuốc họ chế, bảo để trừ tà. Chị Ngọc bắt anh Bảy uống một thứ chất lỏng gì đó mà đen thui có lẫn lộn tro hương ở trỏng. Nghe con tôi nói lại, cô nó trước đó đã có móc một cục đất ngay cổng đi vào nhà, lúc đó nó không để ý hỏi. Từ hôm qua đến giờ tôi vẫn lo lắng cho anh Bảy sẽ bị đau bụng vì uống thứ thuốc quái đãn đó. Cũng may là không thấy triệu chứng gì cả!
-Tít, tít, tít!
Chị Bảy bảo bà Hà chờ cho chị nghe xem ai đang gọi chị ở đường giây thứ hai. Thì ra, đó là chị Hai, chị dâu của anh Bảy, đã thành bà goá từ 7 năm nay. Chị Hai chào:
-A! thím Bảy. Chị Hai đây. Chú thím và các cháu khỏe không? Tôi nghe nói má và mẹ con cô Ngọc đã qua rồi. Hiện họ đang ở nhà chú thím phải không?
-Chào chị Hai! Má và mẹ con chị Ngọc qua đã được 3 bữa. Anh Bảy đang đưa họ đi chơi rồi chị ạ. Hèn lâu bây giờ mới được nói chuyện với chị. Cám ơn chị đã hỏi thăm. Gia đình em vẫn mạnh khỏe bình thường. Còn chị và hai cháu?
-Cám ơn thím, mẹ con tôi vẫn thường. Có ai nhắc đến tôi không thím? Không gọi thì người ta bảo tôi vô tình, mà gọi thì chỉ nghe được vài câu nói lãnh đạm. Tôi thật không biết tôi đã làm sai điều gì nữa? Thím có nghe ai nói gì không thím?
-Em cũng không khá hơn chị đâu, và cũng không biết mình đã làm sai điều gì mà bị má ghét như vậy. Có phải má ghét con dâu phải không chị? Theo em hiểu thì có lẻ má giận chị vì anh Hai để lại tài sản cho chị sau khi ảnh mất đó. Chị Bảy buột mồm thố lộ điều mà chị không nên nói mất rồi!
-Trời đất! Của chồng công vợ. Khi anh Hai còn sống, anh tiêu nhiều hơn làm. Chính tôi là người lo buôn bán tảo tần, hầu hạ anh ấy, đầu tắt mặt tối. Của cải làm ra được nếu tôi không hưởng thì ai hưởng đây?
Nghe giọng chị Hai có vẻ tức giận, chị Bảy vội năn nỉ:
-Em nghĩ vậy thôi chứ chẳng ai nói với em đâu. Chị đừng mách họ em nói thế mà khổ cho em đó chị!
Bên kia đầu giây im lặng một phút, sau đó tiếng chị Hai cất lên:
-Tôi không làm khổ thím đâu, đừng có lo! Khi nào má và cô Ngọc về thì nhờ thím nhắn lại giùm tôi xin chúc mừng họ đã qua bình an vô sự nhé! Tôi rất muốn mời họ qua đây chơi với mẹ con tôi nhưng biết chắc họ sẽ từ chối. Biết làm sao được! Cho tôi gửi lời thăm chú Bảy và 3 cháu với nhé! Cám ơn thím nhiều. Có thể tôi sẽ gọi lại lúc khác vậy.
-Dạ. Chào chị Hai. Khi nào rảnh xin chị cứ gọi cho em.

Sau khi nói chuyện với bà chị em dâu chị Bảy thấy không phải chỉ mình chị bị mẹ chồng lãnh đạm. Những lời khuyên của bà Hà cũng cho chị thêm can đảm để chịu đựng. Chị cũng nhớ có lần bố chị, một người coi tử vi rất giõi, đã nói với chị: “Con nên luôn nhớ rằng đức năng thắng số. Dù trên đường đời con có gặp gian nan khốn khó gì thì cũng nên dùng đức để mà vượt qua. Tiền bạc không bao giờ mua được đức đâu con.” Chị nghĩ rằng ông cụ đã đoán được chị sẽ có ngày này với gia đình nhà chồng nên đã cho chị lời khuyên đó. Bản thân là một người thấm nhuần đức tính nhân từ bác ái của người công giáo nên chị cũng muốn yêu người như yêu mình. Thôi thì chị cứ hết lòng yêu thương họ như người nhà của mình, cứ coi gia đình chồng như gia đình mình. Với tình cảm chân thành, có ngày họ sẽ hiểu và chắc sẽ không còn ác cảm với mình nữa. Chị cũng sẽ cùng anh Bảy thuyết phục họ qua nhà khác khi việc mua bán đã xong xuôi thử xem sao. Chị tự nhủ và lòng cảm thấy dịu êm để trở về với những công việc và những khổ tâm đang chờ đón chị.

Chiều mùa hè Cali đang mát dần khi mặt trời từ từ rảo bước dạo chơi qua xứ khác ở hướng Tây, mặc cho thế sự nhân tình ra sao thì ra.

Ái Hoa
(4-22-2012)