"Biết lỗi, không khó; đổi lỗi mới khó. Nói điều thiện không khó, làm điều thiện mới khó." ** Hà Phủ - triều Lê Nhân Tôn **

 

Bà Chúa Chè

 

Trèo lên trên núi Sóc Sơn

Hỏi thăm Thánh Dóng có còn đó không

Mai này vào được Thăng Long

Thì tôi lập miếu thờ ông đáp đền...

          Tiếng hát trong trẻo của cô sơn nữ hái chè theo gió vọng lại khiến bà Tiệp dư Trần Thị Vịnh ngạc nhiên hỏi mấy người công nhân hái chè đang bu quanh xe:

-  Ai hát ở bên đó vậy?

Một cô gái đáp:

-  Thưa phu nhân, con Huệ hát đó.

Bà Tiệp dư hỏi:

-  Nó không biết có ta đến thăm đồi chè hay sao mà không tới gặp?

Cô gái thưa:

-  Dạ chắc biết, nhưng tính nó vậy đó, cứ muốn đứng riêng một mình.

-  Gọi nó lại gặp ta.

-  Dạ.

Cô gái dạ xong liền chạy lên luống chè tìm cô Huệ. Cô ta lớn tiếng:

-  Huệ! Phu nhân gọi đến trình diện kìa. Nhanh lên!

Cô gái tên Huệ mang cả gùi chè đang hái trên lưng lửng thửng đi xuống lẩm bẩm:

-  Gọi thì tới chứ có gì mà hối thúc dữ vậy?

Đến nơi, Huệ cúi đầu thưa:

-  Con xin chào phu nhân mới đến ạ.

-  Mọi người đều đến đây chào ta, sao con không đến?

-  Dạ, con bận hái chè cho đủ số, hơn nữa trước giờ con chưa nghe ai dặn hễ bà đến thì phải tới gặp mặt ạ.

          Bà Tiệp dư nghe cách trả lời cứng cỏi của cô gái trong bụng lấy làm lạ khiến bà phải nhìn kỹ cô ta từ trên xuống dưới. Bà chợt giật mình trước nhan sắc của cô gái hái chè. Làn da mịn màng, hơi ngâm đen vì nắng gió càng làm tăng vẻ mặn mà cho khuôn mặt trái soan cùng đôi mắt phượng đen lay láy. Vốn là người nhan sắc, được chúa Trịnh Sâm tuyển làm Thứ phi (thời bấy giờ, vợ thứ của chúa gọi là Tiệp dư) nhưng bà Tiệp dư không khỏi khen thầm cô gái này mười phân đều vẹn cả, hơn hẳn các phi tần, thị nữ nơi phủ chúa. Bà chợt động tâm cơ hỏi:

-  Bài hát lúc nãy là do con tự đặt ra phải không?

-  Dạ. Con hát cho vui miệng để quên đi cực nhọc thôi ạ.

-  Con có muốn vào Thăng Long như lời con hát không?

Thị Huệ tròn xoe đôi mắt đẹp nhìn bà Tiệp dư phân bua:

-  Con chỉ hát chơi vui thôi ạ. Phu nhân đừng trách con.

Bà Tiệp dư cười thân thiện:

-  Ta nào có trách gì con. Ta hỏi thật đấy.

Thị Huệ vốn là cô gái cứng cỏi, nghe bà Tiệp dư nói thế thì đáp ngay:

-  Vào Thăng Long ai lại không muốn, thưa phu nhân? Nhưng vào đó để làm gì ạ?

-  Làm tì nữ cho ta.

Thị Huệ lại tròn xoe đôi mắt hỏi:

-  Thưa, phu nhân nói thật chứ ạ?

-  Ta dối con làm gì? Cha mẹ con là ai? Nhà ở đâu?

-  Dạ, Thầy con làm thầy đồ dạy học, me con lo việc nội trợ. Nhà con ở mé tây làng Phù Đỗng ạ.

          Thị Huệ chẳng những nhan sắc hết sức mặn mà, tiếng nói của nàng lại trong trẻo êm tai khiến người nghe như mật rót, nhất là tiếng "ạ" ở cuối mỗi câu nói thật dễ thương khiến bà Tiệp dư có ngay mối cảm tình với nàng. Bà nói:

-  Đưa ta về nhà con đi. Ta sẽ hỏi xin thầy me con để vào phủ hầu hạ ta. Con có nhan sắc, tội vạ gì dãi nắng dầm mưa cho phí của trời ban.

-  Đa tạ phu nhân. Con mời phu nhân về gặp thầy me con ạ.

          Ông đồ Đặng Huyên, cha Thị Huệ, vốn biết con mình từ lâu đã ấp ủ giấc mộng Vương phi của cô gái làng Siêu Loại là Ỷ Lan nên khi nghe bà Tiệp dư hỏi chuyện, ông giữ sự im lặng đồng tình. Phần mẹ nàng, vốn tính đàn bà bịn rịn lại hay lo nên kéo con gái vào phòng riêng hỏi:

-  Làm thân con gái nên an phận, lấy chồng quanh đây cho gần thầy, gần me, con ham gì cái phận nô tì mà chịu theo họ vào trong cung hỡ con? Hơn nữa, Thăng Long là chốn phồn hoa đô hội, lắm bạc nhiều tiền nhưng cũng dẫy đầy cạm bẩy, một mình con đơn độc, lỡ xảy chuyện không may, thầy me biết làm thế nào?

Thị Huệ cầm tay mẹ trấn an:

-  Con đã nguyện trong lòng không lấy chồng thì thôi, đã lấy phải cho đáng tấm chồng. Thầy me cứ an tâm, con tự biết lo liệu. Công thầy me sinh thành khó nhọc, con muốn đền đáp sao cho xứng đáng.

-  Nhưng con đi rồi ai lo cho nhà mình đây? Thằng Lân là đứa ham chơi, nhờ vả gì được nó?

-  Cho nên me phải để con đi. Con nhất định phải đưa nhà mình thoát ra khỏi cảnh cơ hàn này, em con phải có danh phận me ạ.

          Bà Huyên thấy con gái nhất quyết như vậy cũng đành chìu theo. Thế là từ đó cô gái hái chè Đặng Thị Huệ đã bước chân vào thành Thăng Long như câu hát nàng tự đặt ra theo mơ ước của mình. Khi chúa Trịnh Sâm xuất chinh vào đánh Thuận Hóa, nàng theo chân bà Tiệp dư đưa chúa khỏi Thăng Long, nhìn vị chúa tể oai phong giữa đoàn quân nàng thầm nghĩ: "Nếu lấy chồng, phải chọn một người như thế này mới không uổng đời con gái". Và giấc mộng cao sang của nàng đã có cơ may thực hiện. Hôm Trịnh Sâm đem quân khải hoàn từ Nghệ An về lại Thăng Long, các bà phi đều đến ra mắt, Tiệp dư Trần Thị Vịnh bị Chúa thờ ơ không nhìn đến nên trong bụng ghen tức với các bà khác, nhất là đối với chánh phi Dương Thị Ngọc Hoan, người đã sanh ra Hoàng tử Trịnh Tông, cả bà thứ phi Hoàng Thị Ngọc Phương nữa. Vốn có sẵn dự tính từ lâu, hôm sau bà Tiệp dư Vịnh trang điểm cho Thị Huệ thật lộng lẫy rồi sai mang hoa đến dâng lên cho Chúa.

          Thị Huệ đến phủ chúa nhằm lúc Trịnh Sâm đang ngồi ở áng thư đọc các tấu chương tồn đọng trong khi đi chinh chiến. Thị Huệ được các thị vệ cho vào, Trịnh Sâm vẫn chăm chú vào các giấy tờ không để ý đến nàng. Thị Huệ đến qùi trước áng thư, hai tay nâng lẵng hoa lên tâu:

-  Thị nữ vâng lệnh phu nhân mang hoa đến dâng lên Chúa để mừng ngài chiến thắng, khải hoàn ạ.

          Giọng nói trong trẻo, như mật rót vào tai của nàng khiến Trịnh Sâm chú ý, ông ngẩng lên nhìn nàng hỏi:

-  Phu nhân của ngươi là ai?

Thị Huệ vẫn còn cúi đầu thưa:

-  Là Tiệp dư Vịnh phu nhân ạ.

          Trịnh Sâm nhìn những đường nét thanh tú trên nửa phần mặt của đứa thị nữ, lại nghe giọng nói êm ả như có ma lực thu hút người nghe nên trong lòng hiếu kỳ bảo:

-  Ngươi ngẩng mặt lên ta coi.

          Thị Huệ "dạ" một tiếng nhỏ rồi từ từ ngước mặt lên nhìn Trịnh Sâm. Đôi mắt phượng đen long lanh, làn mi cong vút, vầng trán thông minh trên một gương mặt diễm kiều làm Trịnh Sâm giật thót người. Ông bật người ngồi thẳng lên chăm chú nhìn cô thị nữ quên cả chớp mắt. Sau một lúc ông hỏi:

-  Ngươi tên gì? Vào cung lúc nào?

Thị Huệ hơi cúi đầu xuống, đáp nhỏ:

-  Dạ, nô tì tên Đặng Thị Huệ. Nô tì được phu nhân nhận vào phủ nửa năm rồi ạ.

          Trịnh Sâm vốn là vị chúa háo sắc, vừa nhìn sơ qua khuôn mặt, nghe giọng nói của đứa nô tì trong bụng đã ưa, ông bảo:

-  Ngươi mang hoa đến đây.

          Thị Huệ "dạ" rồi đứng lên mang dò hoa đến đặt lên áng thư xong lùi một bước cúi đầu đứng chờ. Nhìn thân hình thon thả với đôi chân dong dỏng cao, vòng ngực căng phồng dưới làn vải lụa trông hết sức khêu gợi của đứa nô tì, tâm thần của vị chúa tể bỗng lâng lâng bay bổng. Giọng nói êm tai như tiếng khánh của Thị Huệ vang lên đưa ông về thực tại:

-  Nô tì xin cáo lui ạ. Cầu thánh thể của Chúa an khang, vạn phúc để lo cho quốc gia, bá tánh.

          Nàng nói xong dợm bước định lui ra. Trịnh Sâm trong bụng đã thích đứa nô tì này nên lần khân hỏi chuyện:

-  Ngươi mang loại hoa gì đến đây vậy?

-  Dạ là hoa phong lan ạ.

-  Phong lan à? Ta nghe phong lan có nhiều loại, hoa này tên gì?

Thị Huệ hơi ngước mặt nhìn lên đáp:

-  Dạ, Nữ Hài ạ.

-  Tên đẹp mà hoa cũng rất đẹp. Ta chưa từng được ai tặng loại hoa này cả. Ngươi tìm đâu ra loại hoa rừng này?

-  Dạ. Thầy nô tì là người thích phong lan. Nô tì chăm sóc lan cho thầy từ bé, lúc theo phu nhân vào cung, nô tì rất qúi cây Nữ Hài này nên đã mang theo đó ạ.

-  Trong cung rất nhiều kỳ hoa dị thảo, sao ngươi lại chọn phong lan đem đến đây.

-  Dạ, phong lan là vương giả chi hoa, nô tì nghĩ chỉ có phong lan mới xứng được tặng cho Chúa thôi ạ.

          Câu nói tâng bốc hết sức khôn khéo của đứa nô tì xinh đẹp khiến cho vị chúa tể phủ Liêu rất mực hài lòng. Chợt làn gió nhẹ từ ngoài cửa thổi vào mang theo mùi hương đập vào mũi Trịnh Sâm, ông thích thú nâng dò lan Nữ Hài lên ngắm nghía một lúc rồi đưa lên mũi ngửi. Thoáng chút nhạc nhiên, ông quay nhìn Thị Huệ:

-  Loài Nữ Hài này có hương không?

-  Dạ không ạ.

-  Sao ta lại thấy thoang thoảng có mùi hương như hoa huệ?

Thị Huệ không trả lời chỉ cúi đầu mỉm cười. Trịnh Sâm lấy làm lạ hỏi:

-  Ngươi cười chuyện gì? Ta nói sai hay sao?

Thị Huệ vội thưa ngay:

-  Dạ, Chúa không nói sai đâu ạ.

-  Vậy ngươi cười chuyện gì?

Thị Huệ ngập ngừng đáp:

-  Dạ. Chỉ vì mùi hương đó là do...

Trịnh Sâm giục:

-  Là do đâu, sao ngươi lại ngập ngừng không nói? Là ngươi đã xức nước hoa huệ phải không?

-  Dạ, nô tì không có xức nước hoa ạ. Là do..

-  Do gì?

Giọng Thị Huệ thật nhỏ, thật êm tai:

-  Do từ người của nô tì tiết ra ạ.

          Nói xong nàng đỏ mặt cúi gầm đầu xuống thật thấp. Trịnh Sâm nhìn sững vào đôi má đỏ hây hây của đứa tì nữ mà lòng rạo rực. Lâu lắm ông nói:

-  Ngươi bước đến gần đây.

          Thị Huệ rụt rè bước đến gần, đầu vẫn cúi gầm, cử chỉ khép nép thật đáng yêu. Mùi hương từ người nàng tiết ra thoang thoảng càng khiến vì chúa tể ngất ngây. Ông hỏi:

-  Vì mùi hương này nên ngươi mang tên Huệ phải không?

-  Dạ.

-  Ngươi còn bao nhiêu dò lan nữa ở bên đó?

-  Dạ, chỉ còn một dò Giáng Hương nữa thôi ạ. Nó cũng đang ra hoa.

-  Chiều mai ngươi mang đến cho ta.

-  Bẩm chúa. Vâng ạ. Nô tì xin cáo lui ạ.

Trịnh Sâm có phần tiếc rẻ:

-  Ừ, ngươi về đi. Chiều mai nhớ mang dò Giáng Hương đến cho ta.

-  Dạ.

Thị Huệ lui ra, Trịnh Sâm nhìn theo dáng đứa tì nữ chặc lưỡi nghĩ thầm:

-  Trong cung có người đẹp lại thơm tho thế này mà ta không biết, bọn hầu cận qủa là một lũ vô dụng. Cũng may mà nàng đem hoa đến. Hà..hà..

Thị Huệ về đến phủ, bà Tiệp dư Vịnh hỏi:

-  Ngươi vào gặp được Chúa chứ?

-  Dạ, có ạ. Thưa phu nhân.

-  Chúa bảo sao? Kể hết ta nghe.

          Thị Huệ kể lại mọi việc. Bà Tiệp dư Vịnh nghe xong mỉm cười nghĩ thầm: "Con người háo sắc như ổng thì dễ gì chịu bỏ qua con Huệ? Để coi con mụ Dương Ngọc Hoan và các mụ khác có còn được sũng ái nữa hay không cho biết. Ta cho các ngươi hết còn hống hách". Bà dặn dò Thị Huệ:

-  Mai con đem hoa cho Chúa, ráng giữ ý tứ đừng để Chúa phật lòng.

-  Dạ, phu nhân.

          Chiều hôm sau bà Tiệp dư lại trang điểm Thị Huệ kỹ càng, sai nàng mang dò lan Giáng Hương vào cho Trịnh Sâm. Ông ngắm nghía một lúc hỏi:

-  Sao có tên Giáng Hương. Loài lan này có hương à?

-  Dạ. Nhưng chỉ đến đêm khuya mới có hương ạ.

-  Vậy à? Ta muốn uống rượu chờ xem hoa tỏa hương, ngươi phải ở lại đây để cùng ta thưởng thức.

Thị Huệ tròn xoe đôi mắt đẹp nhìn Trịnh Sâm hỏi:

-  Con phải về hầu hạ phu nhân. Con đâu thể ở đây đến đêm khuya được ạ?

          Cử chỉ ngây thơ, tiếng ạ dễ thương của nàng ở cuối câu nói càng khiến Trịnh Sâm càng yêu thích. Ông xua tay:

-  Đã có lệnh của ta, ngươi không phải lo chuyện đó.

-  Dạ.

          Trịnh Sâm bèn sai thị vệ chuẩn bị rượu rồi tự tay bưng dò Giáng Hương lên, đưa Thị Huệ ra ngôi tiểu đình giữa Long Trì. Ông bảo:

-  Ngươi ngồi xuống, chúng ta cùng uống rượu ngắm hoa.

Thị Huệ hoảng hốt thưa:

-  Dạ! Con sao dám ngồi ạ. Con xin phép được đứng rót rượu hầu Chúa thôi ạ.

-  Không cần. Cứ ngồi xuống rót rượu cũng được.

          Thị Huệ khép nép ngồi xuống chiếc ghế đối diện rồi rót rượu ra chung cho Trịnh Sâm. Ông mỉm cười bảo:

-  Rót cho ngươi nữa. Ngươi phải uống cùng ta thì mới gọi là đối ẩm thướng hoa chứ.

          Thị Huệ đành phải rót rượu vào chung mình rồi cùng chúa đối ẩm. Hoàng hôn vừa buông xuống, dưới ánh đèn lưu ly, sau vài chung rượu, nét mặt của Thị Huệ ửng đỏ lên càng tăng vẻ kiều diễm mê hồn. Mùi hương từ người nàng toả ra càng làm vị chúa hiếu sắc tâm hồn bay bổng như lạc vào cõi thiên thai. Ông đứng lên đem dò lan đi nơi khác. Thị Huệ ngạc nhiên hỏi:

-  Sao Chúa mang nó đi. Không chờ xem nó tỏa hương à?

Trịnh Sâm trở lại ngồi cạnh nàng, giọng say sưa đáp:

-  Ta không muốn thưởng thức mùi hương đó. Ta muốn thưởng thức mùi hương tự nhiên của nàng hơn.

          Ông đã thay đổi tiếng gọi. Thị Huệ cúi đầu im lặng, đôi bờ vai run nhẹ. Trịnh Sâm nhìn chiếc cổ thon nhỏ, mịn màng của nàng thì không còn cưỡng được lòng mình, ông đưa tay quàng qua chiếc eo nhỏ, kéo Thị Huệ sát vào người mình, mùi hương từ thân thể mỹ nhân tỏa lên dịu nhẹ khiến ông đê mê ngây ngất. Đặt nhẹ một nụ hôn lên chiếc cổ mịn màng ấy, ông thì thào:

-  Nàng mới chính là vương gỉa chi hoa mà trời mang đến tặng ta. Nàng mới chính là Giáng Hương.

          Thị Huệ co rúm người ngã gọn vào lòng Trịnh Sâm, khẽ rên lên những tiếng ư ử. Ông bế nàng lên rồi vội vã trở vào trướng gấm.

          Sau đêm đó, Trịnh Sâm giữ Thị Huệ ở lại luôn trong cung. Suốt một thời gian dài họ đắm chìm trong ái ân quên cả mọi sự trên đời. Cô gái hái chè một bước bỗng trở thành người được sũng ái nhất phủ chúa. Sắc đẹp và sự khéo léo chìu chuộng trong phòng the của nàng đã khiến Trịnh Sâm mê mệt, bỏ quên hết các bà phi khác trong cung. Hàng trăm cung tần, mỹ nữ khác cũng phải chịu cảnh cô đơn lạnh lùng, trong các cung nhân đó có nàng Cẩm Hường. Cẩm Hường vốn là chỗ quen biết với Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, người cháu ngoại của Chúa Trịnh Cương, một danh tướng, một nhà thơ lớn của xứ Bắc Hà thời bấy giờ. Xúc động trước tình cảnh của Cẩm Hường, đem so lại với cảnh ngộ bản thân bị chúa bạc đãi của mình, Nguyễn Gia Thiều đã viết nên thiên cổ kỳ thư Cung Oán Ngâm Khúc, một đại kiệt tác của nền thi ca nước nhà.

                               ...Bóng câu thoáng bên mành mấy nỗi

                               Những hương sầu phấn tủi bao xong

                               Phòng khi động đến cửu trùng

                               Giữ sao cho được má hồng như xưa.

          Phần bà tiệp dư Trần Thị Vịnh khi nhìn cảnh bực tức và buồn rầu của bà chánh phi Ngọc Hoan và thứ phi Ngọc Phương thì trong bụng không khỏi hả hê vui sướng. Phụ nữ ai cũng ghen và muốn trả thù tình địch, nhưng cách trả thù của bà Tiệp dư Vịnh thật lạ kỳ, bản thân bà cũng không ngờ rằng sự trả thù của bà đã tạo nên một thiên cổ kỳ sự.

          Trịnh Sâm từ nhỏ đã nổi tiếng là người văn võ song toàn, sau khi dẹp yên nội loạn, chiếm  được đất Thuận Hóa thì trong lòng hết sức kiêu căng, tự mãn nên tiêu xài hết sức xa xỉ, cho xây ly cung trên Tây hồ để dạo chơi, tuyển vào cung rất nhiều cung tần mỹ nữ để thõa mãn tính háo sắc của mình. Thế nhưng từ lúc có được Thị Huệ, ông như người lạc vào mê hồn trận nên thương yêu và cưng chiều hết mực, mỹ nhân muốn gì được nấy. Theo lệ của phủ Chúa, các bà phi không ai được ở chung với Chúa mà phải ở phòng riêng của mình, chỉ riêng với Thị Huệ, Trịnh Sâm đặc cách cho nàng được ăn ở chung với mình như những cặp vợ chồng bình thường, còn cho nàng được ăn mặc quần áo, vải vóc giống hệt như chúa. Quần thần thấy chúa đắm say Thị Huệ một cách qúa sức nên tìm cách khuyên can nhưng Trịnh Sâm nhất định không nghe, vẫn một mực nuông chiều người ngọc. Ông cho xây một tòa Bắc cung hết sức lộng lẫy cạnh Long Trì để nàng ở, lại bày những cuộc chơi xa xỉ trong hoàng thành để mua vui cho nàng, đến độ người dân bấy giờ thường ví Trịnh Sâm với Ngô vương Phù Sai đắm say nàng Tây Thi nước Việt thuở xưa.

          Chúa càng chìu chuộng, mỹ nhân càng được thế nhõng nhẽo. Một hôm Trịnh Sâm đang mân mê viên huyền ngọc dạ quang rất qúi của đất Phú Xuân vừa được các quan gởi về dâng lên Chúa, Thị Huệ thấy viên ngọc đẹp quá nên hỏi:

-  Chúa cho thiếp xem thử nào.

          Trịnh Sâm chìu ý đưa nàng. Thị Huệ vân vê viên ngọc trong tay bỗng cao hứng tung nhẹ lên rồi đưa tay bắt trở lại. Trịnh Sâm hốt hoảng nói:

-  Nàng phải cẩn thận, đừng để ngọc xây xát.

Thị Huệ nghe nói liền nổi giận ném viên ngọc qúi xuống đất, nức nở khóc:

-  Qúi gì cái hạt ngọc này. Bất quá vào Quảng Nam tìm trả Chúa hạt khác là được chứ gì. Sao Chúa lại trọng của khinh người như vậy.

          Rồi vùng vằng bỏ đi qua phòng khác đóng cửa lại, nhất định không cho Chúa vào. Trịnh Sâm phải tìm đủ mọi cách năn nỉ nhưng cũng phải mất hai ba hôm nàng mới chịu làm hòa trở lại. Những trò giận hờn như thế được Thị Huệ tái đi, diễn lại không biết bao nhiêu lần và lần nào nàng cũng thắng cuộc, dần dà nàng đòi gì được nấy. Cho đến khi biết Thị Huệ mang thai, tuy chưa biết sẽ sinh hoàng nam hay công chúa, Trịnh Sâm vẫn phong nàng làm Tuyên phi. Vậy là giấc mộng làm vương phi của cô gái hái chè làng Phù Đỗng nay đã thành sự thật. Từ đó, dân gian gọi yêu bà Tuyên phi Đặng Thị Huệ là bà Chúa Chè.

          Lúc bấy giờ Hoàng tử Trịnh Tông, con của Chánh phi Dương Thị Ngọc Hoan, đã mười bốn tuổi mà Trịnh Sâm vẫn chưa chính thức lập ngôi Thái tử khiến cho quần thần đều lo sợ, vì theo lệ con trưởng của chúa khi đến tuổi mười hai phải được lập ngôi. Lúc này được tin Tuyên phi Đặng Thị Huệ mang thai, bá quan lại càng lo có sự xáo trộn trong việc lập ngôi nên làm tấu chương xin chúa tiến hành ngay nhưng Trịnh Sâm vẫn trù trừ không dứt khoát. Đầu năm Đinh Dậu, Thị Huệ hạ sanh một hoàng nam bụ bẫm, Trịnh Sâm mừng và yêu lắm, bèn dùng tên của ông lúc thiếu thời là Cán để đặt cho đứa nhỏ, cho là đứa bé giống mình. Trong khi chúa vui mừng bao nhiêu thì bá quan lo sợ và buồn rầu bấy nhiêu. Từ đó, nội bộ phủ Liêu âm thầm chia ra hai phe để tranh dành ngôi Thái tử.

*

(Trích từ Trường thiên tiểu thuyết dã sử  NHẤT THỐNG SƠN HÀ - Tập 2 - )

Cô gái quê một bước thành Bà Chúa

Sấm đã truyền tám đời Nguyễn cáo chung

*

                                         Vũ Thanh