"Biết lỗi, không khó; đổi lỗi mới khó. Nói điều thiện không khó, làm điều thiện mới khó." ** Hà Phủ - triều Lê Nhân Tôn **


Thầy Tư Đà-Lạt

Viết theo lời kể của anh B.
Danh tính các nhân vật trong truyện đã thay đổi.

 

Tôi có một ông anh họ (bà con) xa rất khó tính (tạm gọi như vậy.) Ai đời, hơn bốn mươi, anh ấy vẫn ở giá, hổng thèm lấy “dzợ.” Theo ảnh, lấy “dzợ” nặng nợ lắm, ai “nặng nợ” mới cho cổ vào tròng. Ảnh chưa khi nào lấy “dzợ”. Người ta thường gọi anh ấy là “trai tân”, tôi không biết “tân” ở cái “khổ” nào, nhưng áng chừng ảnh “khoái” với danh xưng đó, đi đâu cũng tự giới thiệu là “tân”. Ngưòi ta còn giới thiệu cho ảnh không ít các cô. Cô thì ảnh phán mập quá, bà thì ảnh chê lùn quá. Có cô, ảnh cho là gầy “ốm nhom ốm nhách, gió thổi bay”, có bà thì ảnh cho là “già khú đế”. Gặp người khó tính như vậy, biết làm sao bây giờ?

Để có thể “mưu sinh thoát hiểm”, ảnh ghi tên đi học may, nấu ăn. Thấy ảnh ngồi trước bàn máy may Singer cũ kỹ hay mặc áo “bảo hộ” đứng trước bếp, đừng vội cười nhé. Ảnh có thể vá những miếng vá trơn tru hay nấu nướng bất cứ món gì bạn mong đợi, nghĩa là, ảnh có thể là một cô thợ may rất khéo léo và là một bà nội trợ cừ khôi. Vậy, ảnh cần gì phải lấy “dzợ” cho nó… mệt xác và mua thêm “bực” vào người.

Trong nhà ảnh, lẽ dĩ nhiên khăn trải giường thẳng tắp và khăn bàn ngăn nắp đâu ra đó. Bạn bè cũng ít, vì vậy ảnh ít khi phải làm “đồ nhậu” hay dọn những bãi nôn oẹ tanh tưởi trên nền nhà, trên giường hay trên bàn của những ông “bán trời không văn tự”.

Trước đây ảnh vẫn ở miền Bắc. Sau 1975, “khấp khểnh người đi, ảnh cũng đi” vào miền Nam vì “nghe nói” miền Nam giầu có, người dân của ăn của để. Ai sinh sống ở miền Nam đều có nhiều tiền hay vàng, nếu không, thì cũng có cửa to, nhà đẹp. Đang kể đến đây, tự nhiên tôi liên tưởng đến chuyện mẹ tôi, mong độc giả thông cảm, vì chuyện này mẹ tôi cũng có nhiều “trải nghiệm”. Mẹ tôi là “vô sản chuyên chính” theo đúng nghĩa của nó. Sau 1975, mẹ tôi ngồi chờ thằng con độc nhất đi “mút chỉ”. Mẹ tôi có thằng cháu ruột ở miền Bắc. Nó cũng “khấp khểnh” vào Nam sớm hơn ai hết, để xem có ai trong họ hàng “bỏ của chạy lấy người” không. Thấy thằng cháu từ Bắc “dzô”, mẹ tôi rất “hồ hởi, phấn khởi”, “tranh thủ” đi chợ để “thết” cháu. Ở nhà một mình, tưởng cô ruột mình giầu có, thằng cháu sinh lòng tham. Nó trông thấy cái trang thờ của mẹ tôi có bức tượng Phật, quanh cổ Phật có đeo một sợi dây chuyền làm bằng nhựa, sơn “nhũ” mầu vàng lóng lánh. Nó tưởng là vàng, lấy xuống bỏ vào túi, rồi đem đi  bán. Nhưng, không ai mua vì …vàng giả. Sau vụ đó, hai nhà giận nhau đến mãi về sau này. Mười mấy năm sau,  cậu tôi và mẹ tôi lần lượt theo nhau “đi” hết,… không biết “vụ việc” được  giải quyết thế nào.

Bây giờ, tôi lại xin tiếp tục kể chuyện ông anh họ của tôi. Hy vọng tôi không lạc đề. Nếu có lạc, xin độc giả tha thứ cho.

Vào đến miền Nam được ít ngày, ông anh của tôi lại “nghe nói” ở Đà Lạt có một ông “Thầy” tên là Tư trị bệnh và xem bói như thần. Bệnh gì “Thầy” cũng trị dứt và chuyện gì xẩy ra “Thầy” cũng đều trừ được. Thế mới hay, mới tài chứ. Không ai biết tên cúng cơm của “Thầy” là gì, chỉ gọị là “Thầy” Tư, và vì “Thầy” ở Đà Lạt, nên gọi là “Thầy Tư Đà Lạt” cho nó đầy đủ, “hợp nghĩa”.

Thế là anh tôi khăn gói “quả mướp” lên Đà Lạt tìm “Thầy”, nhưng mục đích không phải để học đạo, mà là để thử tài “Thầy”, xem “Thầy” trị bệnh có giỏi và nói có đúng như nguời ta vẫn thường truyền tụng không.

Sau mấy tiếng đi xe đò ngắm các cô sơn nữ và những ngưòi đàn ông da thịt rắn chắc, đeo “khố” bên đường với những cái “gùi” sau lưng, anh tôi tới được “dinh” “Thầy”. Đó là một căn nhà bình thường, nhưng mù mịt khói hương. Ở đâu anh tôi cũng thấy cắm nhang, nhang trên bàn thờ, nhang quanh nhà, nhang trên cây, nhang dưới đất, nhang cắm ở hòn non bộ, nhang vương vãi trên đường đi, nghĩa là cắm “lung tung”, chỗ nào cũng có.

Trong nhà đông nghịt người, đứng ngồi lố nhố. Anh tôi cũng ngồi chờ đến phiên. “Thầy” Tư đi quanh nhà, đúng hơn là “Thầy” múa. Miệng “Thầy” cắm mũi tên làm bằng tre, xuyên từ má bên này qua má bên kia, không thấy vết máu chẩy ra hay đọng lại, có lẽ vì chỗ đó đã có thẹo hay đã thành chai.

Vừa đi “Thầy” vừa làm phép, miệng “Thầy” nói ấp úng những gì không ai hiểu nổi. Có lẽ đến gần một tiếng sau, “Thầy” mới kêu anh tôi lại. Anh tôi đi qua những người đang qùy mọp phía trước để đến chỗ  “Thầy”. “Thầy” đang ngồi ở bàn bên cạnh bàn thờ chính, có ý chờ anh tôi. Đó là người đã trên năm mươi, tóc búi tó “dưa hành”, nước da rắn chắc, nhưng nếu quan sát kỹ, da “Thầy” hơi trắng bủng, đó là nước da của người ít khi ra nắng. “Thầy” mặc bộ đồ may theo kiểu bà ba trắng toát, chân mang dép cao su mầu nâu.

Trên bàn thờ chính khói hương nghi ngút, anh tôi thấy có một lư hương bằng đồng đã “sỉn” mầu, và thêm một cái…sọ người hay đầu lâu, bên trong tối thui. Anh tôi không “ớn da gà” lắm vì đã thấy một lần ở Huế cách đó đã lâu, gần như đầu lâu có ở khắp mọi nơi. Thì ra, “Thầy” này thờ…  đầu lâu. Cái “đầu lâu” trắng hếu như mới được cọ rửa sạch sẽ đón khách, nằm trước lư hương như muốn trêu chọc mọi người, không biết từ đâu mang về. Anh tôi cố chấn tỉnh cho bớt “thắc mắc”.

Anh tôi bập bẹ:

-Chào “Thầy.”

“Thầy” vồn vã kéo ghế:

-Mời ông ngồi.

Anh tôi chưa kịp ngồi, “Thầy” đã nói:

-Tôi biết ông đến đây không phải là để coi bói, hay chữa bệnh, mà là để thử tôi, có phải không? Nhưng, tôi xem cho ông lần này, không lấy tiền đâu.

Nghe “Thầy” nói vậy, anh “lạnh da gà”. Ảnh âm thầm tự hỏi mình:

-Làm sao “Thầy” biết được, hay là “Thầy” đoán mò?

Như biết ý ảnh, “Thầy” mỉm cười, nói tiếp:

-Ông nghĩ là tôi “đoán mò” phải không?

Ảnh nín lặng, càng “lạnh da gà” hơn. Có cái gì đó níu lấy cổ ảnh nặng chĩu, khiến ảnh không thể cất lên thành lời. Ảnh cố nói:

-Dạ…thưa “Thầy”.

-Thôi, “dạ thưa” làm gì? Tôi không cần anh tâng bốc tôi…

-Thưa “Thầy”, đó là phép lịch sự…

-Cũng không cần.

Ảnh không nói gì thêm, người muốn toát mồ hôi.

“Thầy” bóc một tờ lịch treo trên tường, nói với ảnh:

-Tôi viết một chữ vào đây, ông đừng mở ra xem. Đợi đến khi nào có gia đình, hãy mở ra. Nghe không?

Trong khi thầy viết chữ vào tờ lịch, ảnh mỉm cười, ngẫm nghĩ:

-“Thầy” có biết con đã thề là không bao giờ lấy vợ. Con ghét đàn bà mà. Con ghét đàn bà lắm. Con đi học may quần áo và nấu ăn lấy.

Ảnh cố cao giọng ở câu chót để “Thầy” chú ý.

“Thầy” làm như không nghe thấy. Sau khi viết xong, “Thầy” xếp tờ lịch làm sáu, lấy một bao phong bì trống, cẩn thận bỏ vào, rồi đưa cho anh tôi, dặn với theo:

-Nhớ đừng coi trước mất linh.

Anh tôi hơi nhếch mép, nhét phong bì có xếp tờ lịch vào túi, không quên lí nhí “cám ơn” “Thầy”, rồi ra về.

Trên chuyến xe đò về Sài Gòn sáng hôm sau, chú tài sắp xếp ông anh tôi ngồi cạnh một cô gái. Cô gái này chừng mười sáu, mười bẩy tuổi. Để giết thời gian, ông anh tôi và cô gái tán gẫu với nhau. Thọat đầu, hai người nói về thời tiết nắng mưa, sau hết chuyện. Cô nói, về tới Sài Gòn, cô sẽ làm mai anh tôi cho bà cô của cô. Ai cũng nghĩ đó chỉ là chuyện tầm phào, không ra đầu ra đuôi của những người ngồi cạnh nhau trên cùng một chuyến xe. Ông anh họ của tôi hỏi tuổi bà cô của cô gái. Cô ta thành thực cho biết vào khoảng ba mươi tám. Ông anh tôi lẩm bẩm tính toán. Vậy là cô này “ế” rồi. Con gái ba mươi tám tuổi mà chưa lấy chồng. Sau những câu chuyện không đâu vào đâu, mỗi người quẹo đầu một bên, ngủ ngon lành cho quên đường dài.

Về đến Sài Gòn, mỗi người một công việc, tất bật, người đi làm, người đi học.

Một hôm, anh tôi vô tình gặp cô gái ở chợ.

-Kìa, chú...

Chuyện lại nổ như bắp rang, như tiếng pháo tưởng không bao giờ dứt. Câu chuyện của hai người lâu không găp. Cô ta mời ông anh họ của tôi về nhà gặp cô mình. Ông anh của tôi “nể tình” nghe theo. Và, chính nơi đây, ông anh tôi đã bị “tiếng sét ái tình” làm cho "tan nát", "bầm dập" sau những khi tỏ ra khôn ngoan, "dậy đời". Ảnh không còn bình phẩm về tuổi tác bà cô của cô gái nữa, bao nhiêu cũng được, không quan trọng.

Ba tháng sau tới đám cưới.

Một hôm, anh tôi đi làm như thường lệ. Ở nhà, chị dâu tôi soạn đồ ra giặt. Chị thấy trong túi áo có một cái phong bì, bên trong là tờ lịch, nhưng không hiểu là gì. Chị cất tờ lịch đi, đợi anh tôi đi làm về, sẽ hỏi.

Khi anh tôi về, chị đem cái phong bì và tờ lịch ra hỏi.

Lúc đầu, anh tôi có vẻ không hiểu. Lát sau, anh mới chợt nhớ ra. Anh nhớ tới Ông “Thầy” Tư ở Đà Lạt.  Ổng có viết chữ gì trong tờ lịch, nói khi nào anh lấy vợ,  hãy mở ra xem. Sau khi lấy vợ, anh phải đi làm, rồi quên luôn. Chiếc áo không có dịp mặc đến, treo mãi trong tủ cho đến hôm nay. Tự nhiên anh nhớ đến lời ông Thầy ở Đà Lạt: “Tôi viết một chữ vào đây, ông đừng mở ra xem. Đến khi nào có gia đình, hãy mở ra. Nghe không?

Anh họ tôi cầm lấy cái phong bì từ tay chị dâu tôi.

- Đâu, đưa anh xem.

Ảnh bóc phong bì, trong tờ lịch vỏn vẹn chỉ có một chữ cái “H.”

Chữ “H” này trùng với tên chị dâu tôi: Hương.

Chuyện chỉ xảy ra “vớ vẩn” như vậy, nhưng ông anh họ tôi tin lắm. Ảnh kể hết cho mọi người nghe, như một “đại thắng to lớn”, trong đó có tôi, mặc dù ảnh đã sống ở miền Bắc.

Sau khi đọc xong truyện này, nếu qúy vị nào còn thắc mắc, xin cứ đi hỏi ông anh họ tôi hay vợ của ảnh trước, mọi chi phí tôi chịu, nhưng phải giữ “rì síp”. “Hệ trọng” lắm. Cam đoan.

 

Hà-Việt-Hùng

      2015