"Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông." ** Nguyễn Bá Học **

 

Ước Nguyện Không Thành

Thức giấc đã lâu nhưng Hạ cứ nằm nán trên giường để thưởng thức cái thú dậy trễ của một ngày thứ bảy không phải dậy sớm đi học. Nhìn nắng mới lên qua song cửa sổ, những tia sáng đang lung linh trên cành lá xanh tươi, những bông hoa đủ màu đẹp đẽ đang đong đưa theo làn gió nhẹ ngoài vườn, nó thích thú lắm . Mùi hương Dạ Lý và bông bưởi bông cam nồng đượm trong đêm vẫn còn thơm ngát trong không gian, thoang thoảng đưa vào mũi nó mùi vị thật ngọt ngào ý nhị. Đang cảm thấy thoải mái trong thú nhàn rỗi, nó chợt giật mình vì tiếng thằng em gọi giựt giọng:

-Chị Hạ ơi! Nhanh lên nhanh lên! Ra đây xem nè, có con chuột trắng đẹp lắm nè!

Dù vẫn còn luyến tiếc hơi ấm của chiếc chăn và sự êm ái của chiếc giường, nhưng bị thằng em gọi mãi nên Hạ đành phải vừa ngáp vừa vung tay xoãi chân đi tới phòng family room (phòng gia đình xem TV) nơi có tiếng gọi. Hình ảnh kỳ lạ đập vào mắt làm Hạ phải khựng lại nhìn; thằng em đang đứng lom khom nhìn vào một góc. Hạ đưa mắt nhìn theo hướng nhìn của nó thì kìa, một con chuột trắng nhỏ lông bị lấm bẩn có hai đường kẻ đen như hai đường chân mày đang run rẫy trong một góc nhà, dáng điệu như đang lạy van xin thằng em đừng hại nó. Trong chuồng nhỏ cạnh bên, hai con chuột Tý Chị và Cu Tý với 4 con nhỏ của chúng không chịu chơi đùa với bánh xe quay như mọi hôm mà đang chạy quẫn mồm la “chít, chít” ỏm tỏi. Khi thấy Hạ bước vào phòng, lũ chuột đó càng kêu dữ hơn và con chuột lạ càng lạy dữ hơn. Hạ là đứa con gái rất yêu thú vật. Thấy con vật lạ làm thế nó cảm thấy rất tội nghiệp. Hạ bước chầm chậm đến gần, từ tốn dỗ dành:

-Đừng sợ! Đừng sợ! Cưng đến đây chị thương nào!

Thấy con vật mãi không dám đến, Hạ tiến đến gần hơn:

-Đông rất dễ thương, không có gì phải sợ! Tụi chị sẽ cho em ăn đồ ngon nhé! Nhà có nhiều đồ ăn ngon lắm. Xem mấy đứa kia thì biết, tụi nó có đồ chơi, có đồ ngon để ăn nên đứa nào cũng vui cũng mập. Thấy không?

Khi chỉ về hướng cái chuồng chuột, tiện tay Hạ bốc một nắm mè, để trong lòng bàn tay đưa tới cho con vật. Hình như đã bị đói lâu ngày nên sau một phút ngần ngừ con vật đã lết đến gần, nhấm mớ mè một cách vội vả. Như linh tính không có gì nguy hiểm nơi Hạ nên nó đã để Hạ ẳm vào tay mà không phản đối. Thấy thân hình nó vẫn còn run rẫy, Hạ vỗ về:

-Đừng sợ cưng ơi! Chị với Đông với ba má sẽ yêu cưng lắm. Ở đây không có mèo không có chó đâu mà sợ. Không ai ăn hiếp cưng đâu. Yên tâm đi!

Hình như con vật hiểu được tiếng người, cả tiếng Việt ngọng nghịu của Hạ, nó dần dần hết run rẩy. Như để cảm ơn, nó đưa mắt nhìn Hạ, kêu “chít, chít” rồi gậm nhẹ vào móng tay của cô bé. Thằng Đông đứng bên cạnh nhìn chị với vẻ nể nang khi thấy chị đã thu phục được con vật lạ dễ thương. Nó reo lên:

-Chị Hạ giỏi quá! Chị Hạ giỏi quá! Bây giờ mình đặt cho nó cái tên gì đây chị?

Nhìn con vật nhỏ bé trên tay, Hạ có cảm giác nó có vẻ gì đó rất lạ. Ngoài hai vệt đen nho nhỏ như đôi chân mày nổi bật giữa đám lông trắng trên chiếc đầu bé nhỏ, đôi mắt nó còn ánh vẻ tinh anh như là mắt người khi nhìn Hạ, cái vẻ van lơn giống mắt thằng em nhìn bố mẹ mỗi lần bị phạt nặng. Hạ bảo Đông:

-Mình chờ mẹ đặt tên cho nó đi Đông. Mẹ đã cho 2 đứa kia tên dễ thương đó. Đông nhớ không?

Nói đến đây, tự nhiên Hạ nhớ lại vì sao mà gia đình nó ở đây và vì sao hai chị em nó có hai con chuột kia…

Mẹ con Hạ 3 người đã theo bố là Dr. Tấn về Maryland hai năm trước khi Dr. Tấn được bổ nhiệm ở đây. Bố Tấn của chị em Hạ là một vị tiến sĩ chuyên nghiên cứu về sinh hóa học được hãng Stem Cell mời làm việc. Hãng Stem Cell là một hãng nhỏ được hãng HepaLife thuê mướn trong một hợp đồng với USDA (United States Department of Agriculture: Bộ Nông Nghiệp của Hiệp Chủng Quốc) để tiến hành nghiên cứu về những tế bào gan của chuột trong một chương trình tìm kiếm cách thức tạo ra một loại tế bào gốc (stem cell) có thể làm cho gan của những người bị bệnh gan có thể phục hồi cơ năng. Nhờ có sự giúp sức của DR. Tấn mà họ đã tìm ra được PICM-19 gì đó, mà theo họ là embryonic liver stem cell line độc nhất được biết đến hiện nay. Dù còn nhỏ nhưng hình như là nhờ được thừa hưỡng sự thông minh của bố nên Hạ rất giỏi nhớ những tin tức khoa học như thế.

Hãng đã cấp căn biệt thự này cho bố ở, rất gần với phòng thí nghiệm của hãng, để tiện việc đi lại những lúc công việc nghiên cứu bất ngờ cần ông đi sớm về khuya. Hàng ngày vào những lúc rổi rãnh hoặc vào những bữa ăn tối, ông thường kể thêm về những công việc bình thường trong ngày của ông như dùng thỏ, má (Guinea pigs), hay chuột để thí nghiệm bệnh này bệnh kia. Ông đã nhiều lần phải cấy các tế bào của người hay các thứ vi trùng bệnh vào gan chuột để làm thí nghiệm. Ông còn cho hay những con vật được dùng để làm thí nghiệm thường phải được kiểm soát rất kỹ. Một con chuột chẳng hạn, để được dùng làm vật thí nghiệm, con chuột đó phải được mua từ một tiệm hay công ty chuyên môn, bảo đảm nó là thuần giống. Công ty này có đầy đủ tiểu sử từ đời tổ tiên tam đại cùng ngày sinh tháng đẻ của nó.

Chị em Hạ từ khi biết xem TV đã từng say mê theo dõi những màn đuổi bắt rất gay cấn gây hồi hộp và thích thú giữa mèo Tom và chuột lắt Jerry trong loạt phim hoạt hoạ của MGM (Metro Golden Meyer), mà nghe đâu những pha rượt bắt này đã bắt đầu từ những năm 1960’s mãi đến giờ mà thằng Tom vẫn chưa làm gì được Jerry, và vì thế hai đứa đã coi chú chuột này như thần tượng từ lúc nào không hay. Con Mickey Mouse và Minnie ở Disney Land và Disney Channel cũng làm chúng mê mẫn đến nổi cho rằng trên đời này chẳng có gì đáng yêu hơn loài chuột.

Những câu chuyện của bố ngày qua ngày đã gợi nơi tâm tư hai chị em một lòng thương cảm đối với giống vật “đáng yêu” này. Bởi thế khi mà Đông đúng 8 tuổi, 2 tháng trước đây, khi được phép chọn quà sinh nhật, Đông đã đòi mua cho được một con y như chuột lắt Jerry. Chuột lắt là loại chuột sống chui rúc trong xó xỉnh để gặm nhắm phá hoại đồ đạc và thức ăn trong nhà, có khi còn gây ra bệnh dịch nữa, người ta tìm đủ cách để diệt còn không hết, có ai mà bán chuột ấy đâu. Sau khi nghe cửa hàng bán thú giải thích, Đông đành tạm nhận quà hối lộ, một hình con Mickey có mấy sợi râu vểnh lên, tay chỉ giờ trên một cái đồng hồ đeo tay thêm vào con thuộc loại nuôi trong nhà. Con chuột trắng tinh, có cái mõm hồng hồng, đôi mắt đen tròn xoe, dễ thương hơn Jerry nhiều, nên Đông cũng phải chịu. Theo lời của Đông, con Mickey Mouse cần có Minnie mới vui nên Hạ cũng mua luôn một con cái để làm bạn với con đực của Đông. Có điều bà chị Hạ muốn cả chuột của mình cũng làm chị nữa nên đã khăng khăng mua cho được 1 con cái già hơn 2 tuần, dù người bán thú cho hay rằng 1 tháng tuổi của con chuột bằng 2 năm ½ tuổi con người, mỗi con chuột nuôi trong nhà có thể sống chỉ từ 750 đến 1000 ngày thôi. Người ở tiệm cũng dọa nếu Hạ mua con cái này để cặp đôi với con kia, “chắc chắn nó sẽ chết trước rất lâu để con kia phải ở góa.” Người bán chuột tưởng dọa vậy thì con bé sợ nhưng Hạ bất chấp. Thật ra thì chuột đâu có phân biệt màu da, chủng tộc, tuổi tác, luân lý… Một điều đáng nói hơn nữa là dù ai nói gì đi nữa, thằng Đông cũng không chịu để ai thiến con chuột đực của nó. Cũng bởi thế nên mới sinh ra lắm chuyện vừa bực mình vừa buồn cười khi hai con vật đến tuổi động tình như đã được cảnh cáo trước. Cũng bởi thế nên bố mẹ chúng sau đó đòi cho hết chuồng ấy đi. Hai chị em từ đó phải clean up nước đái nồng nặc cho lũ chuột, mệt không dám than!

Trong bữa ăn tối hai hôm sau, khi nghe Bố kể rằng một con chuột trong phòng lab của ông bị mất tích một cách rất lạ lùng. Con chuột này đã được chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc thí nghiệm về stem cell. Nghe Bố nói thế, chị em con Hạ liền nhớ đến con vật đã tìm thấy hai ngày trước. Thấy thằng em mở miệng như sắp khai ra, Hạ vội dí chân vào chân của nó ở dưới bàn ăn, nháy mắt ra hiệu, đồng thời làm vẻ vô tội vô tình hỏi bố:

-Con đó giống cái gì vậy Bố? Nó đi đâu mất vậy?

Dr. Tấn không chút nghi ngờ trả lời con:

-Nó là một con chuột trắng, dùng cho việc thí nghiệm. Trong lúc có việc gấp phải bỏ phòng đi ra ngoài bố đã để nó trong cái hộp nhỏ, đến khi trở vào thì chỉ còn cái hộp trống không. Cái bảng ghi ngày tháng lúc nào cần phải mổ cho cuộc thí nghiệm bố đã tháo từ cổ nó ra vẫn còn nằm ở trên bàn. Mọi người phụ bố tìm khắp nơi nhưng không thấy đâu cả. Bố hy vọng có lẽ nó thoát chạy đi quanh đâu đấy rồi sẽ tìm thấy chứ ai lấy nó làm gì!

-Thế nếu tìm ra thì sao hở Bố? (Dù được khuyến khích tập nói tiếng mẹ đẻ cho quen nhưng hai chị em đi học ngoài trường nói tiếng Anh nhiều quá nên thỉnh thoảng vẫn quên, cố gắng lắm nhiều khi vẫn nói tiếng Việt giọng ngọng nghịu, và có rất nhiều chữ Việt ngữ không hiểu được.) Bà Tấn định sẽ dạy cho hai chị em học thêm tiếng Việt trong những tháng hè.)

-Bố chuẩn bị lấy gan nó ra làm thí nghiệm đó con. Rồi ông kể thêm:

Ở trong phòng lab có một cái máy chém tương tự như Đoạn Đầu Đài dùng để xử tử tội nhân hồi xưa, chỉ là nó được chế biến cho thành nhỏ xíu lại thôi. Mỗi khi giết một con bố phải cách ly các con chuột khác, chứ nếu không chúng sẽ kêu la om sòm và khi đến phiên chúng khó mà bắt chúng chui đầu vào máy. Bố biết tính cách hay đào hang chui hố của chuột nên có tiểu xảo là cứ cầm nhẹ đuôi của con chuột rồi cứ để cho nó chạy tự nhiên, thế là tự nhiên nó chui đầu vào lỗ tròn của máy chém. Tụi nó tinh ranh lắm, nếu không chùi rửa sạch sẽ mỗi lần dùng, nếu để cái máy chém đó có mùi máu tanh là con chuột thí nghiệm sẽ tránh xa chứ chẳng chịu đun đầu vào lỗ đâu.

Nghe đến đây, chị em Hạ thè lưỡi, la lên:

-Eo ơi! Khiếp quá! Tội nghiệp tụi nó quá!

Thấy hai con có vẻ kinh sợ như vậy, Dr. Tấn vội giải thích:

-Hai con tội nghiệp cho nó cũng phải, nhưng nếu không dùng nó để thí nghiệm thì chẳng lẽ phải dùng người hay sao? Vì phải nghiên cứu cách thức để chữa bệnh cho loài người chúng ta mà các khoa học gia như bố phải tận dụng mọi phương tiện có thể có để làm việc. Khỉ, thỏ, và chuột là những phương tiện hữu hiệu nhất lại ít tốn kém ít nguy hại nhất. Những người ở nhà quê bên Việt Nam vì nghèo, thiếu thịt, nên ngoài chó, mèo, thỏ, rắn, khỉ.v.v còn phải ăn thịt chuột đồng và họ khen thịt chúng ngon nữa đó các con. Bố còn quên chưa kể cho các con nghe chuyện ông nội ông ngoại, những người đi lính VNCH hồi trước, Khi bị bắt đi học tập cải tạo, nghe nói họ ăn cả trùn cả các con bọ nữa vì đói quá.

Những chuyện Bố nói tàn nhẫn quá! Hai chị em nói thầm. Không muốn nghe những chuyện ấy đâu. Chúng trao đổi ánh mắt với nhau, lẳng lặng không nói gì nữa, cắm cúi ăn nhanh cho xong bữa rồi theo nhau ra sau vườn...Sau bữa ăn, ông Tấn đến ngồi xem TV còn bà Tấn thì lo dọn dẹp bàn ăn. Tưởng rằng hai chị em chúng vội rời bàn ăn vì gớm không muốn nghe chuyện giết chuột ăn thịt chuột nên họ cũng không buồn để ý đến chúng nữa.

Vừa thoát ra ngoài, thằng Đông hỏi chị nó ngay:

-Mình làm sao bây giờ?

Hạ suỵt thằng em:

-Nói nhỏ chút! Đừng để bố mẹ nghe Đông ơi! May quá! Chị đã đem giấu nó trong phòng chị rồi. Mình sẽ tìm cách đưa nó đi chổ khác. Nó lạy thấy tội ghê! Đừng để Bố giết nó nghe Đông.

-Nhưng Bố muốn tìm nó mà?

Thằng Đông lại quên lời chị vừa dặn dò, nói lớn tiếng. Hạ hoảng hồn vội bịt mồm nó lại. Trong chuồng bên trong, hai con chuột mua + thêm lũ con chúng đẻ ra đang kêu chí choé. Chắc chúng đang đuổi bắt nhau tìm cách cưỡi lên nhau như hai đứa đã thấy nhiều bận. Cũng may! Có lẽ nhờ thế mà bố mẹ không nghe được tiếng chúng ở bên ngoài. Hạ nhỏ giọng bảo em:

- Mình chờ thử xem! Nghe Bố nói con chuột trắng khác mà Đông. Không phải là Ty Sắc. Ty Sắc tội nghiệp quá, Đông không thấy nó lạy mình hay sao?

Thấy thằng em gật đầu đồng ý, Hạ ra hiệu cho em rón rén đến núp sau tường, gần cửa sổ của phòng TV để lắng nghe xem bố mẹ có bàn tán thêm gì nữa không. Bên trong có tiếng bà Tấn đang than phiền:

-Theo lời các cụ thì hình như chuột còn hiểu tiếng người nữa đó ông. Chúng biết trả thù nữa. Chẳng hạn khi mình giết con cái hay đồng bọn của chúng thì chúng sẽ cắn xé áo quần và phá phách trong nhà mình. Không chừng tụi nó sẽ phá nhà mình nếu biết mình đã giết hại bao nhiêu dòng họ nhà nó đó ông.

Ông Tấn cười xòa:

-Bà mà cũng tin vậy sao? Bản chất của chuột là gậm nhấm, đào hang, làm ổ, chui lỗ. Còn trả thù là hành động có ý thức mẹ nó ơi! Khi bị làm cho sợ hãi thì lũi chạy, khi bị chọc cho nổi giận thì cắn phá. Nhưng thật cũng khó mà phân biệt được đó là hành động do bản năng hay do ý thức nhỉ?

Ông chẳng cười được lâu vì ngay lúc đó bà than phiền:

-Không biết sample biến đi đâu mà bao nhiêu người đi tìm suốt hai ngày rồi vẫn không thấy. Có lẽ đã bị họ nhà miêu chụp mất rồi ông ạ. Nhưng tôi vẫn không hiểu nó thoát ra bên ngoài bằng cách nào, vì trong viện đâu có anh chị miêu nào đâu!!!

Tiếng ông Tấn trấn an vợ:

-Chuyện đã xãy ra rồi thì cũng đành chịu, đành phải xử dụng đến alternative solution. Chỉ sợ mất nó thì mất công “cấy” lại rất mệt. Chỉ mong là sẽ có người tìm được nó ở một xó xỉnh nào đó trong viện ít ngày tới.

Hai ông bà dùng những từ gì đâu mà hai đứa chẳng hiểu gì cả. Ý chừng họ đang bàn chuyện mất mát một món đồ gì đó, không liên quan gì đến Ty Sắc. Hai đứa yên tâm rời khỏi chổ nấp và nhẹ nhàng đi vào nhà. Bà Tấn thấy tụi nó thì giục:

-Hai đứa ăn xong sao không giúp mẹ dọn dẹp bàn ăn đi? Ngày mai mẹ sẽ phải phụ với người ta làm việc nữa đó.

Mấy hôm sau đó, khi thấy nhiều người thuộc phòng lab nơi bố mẹ chúng đang làm việc lui tới quanh vườn, Chị em Hạ nghĩ có lẽ họ tìm kiếm sample gì đó mà mẹ nói. Cả mẹ cũng đi với họ. Hai đứa càng cố giấu kỷ con vật trong góc cái shed sau vườn. Chỗ con vật ở là cái chuồng chim bằng sắt có sẵn từ lâu nằm sau một đống thùng giấy không mẹ chồng lên nhau rất cao sau khi dọn nhà. Hai chị em lấy áo quần chúng lót ở dưới cho êm, lấy tô chén trong nhà đựng thức ăn và nước uống cho nó. Hai đứa đã tự đặt tên cho nó là Ty Sắc. Vì đã có kinh nghiệm khi mua Tý Chị và Tý Cu, vạch đuôi ra thấy hình -0 chứ không phải 00, nên hai đứa mới đặt tên con gái như vậy. Mỗi ngày sáng tối hai đứa đều ra thăm và trò chuyện cùng Ty Sắc. Hình như con vật biết hai đứa yêu thương mình, nên thường vui vẻ kêu chít chít mỗi lần vừa thấy bóng chúng từ xa. Mỗi khi được cho ăn thì giụi đầu vào tay, gặm nhẹ vào móng tay chúng rất thân thiết.

Suốt tuần tiếp đó bà Tấn rất ngạc nhiên khi thấy 2 đứa con vào ra cái shed sau vườn rất nhiều lần sáng tối, trước khi đi và sau khi đi học về. Bà hỏi lý do thì tụi nó trả lời ngập ngừng ấm ớ; khi thì đi tìm áo quần khi thì đi tìm sách vở… Chuyện lạ! Ngoài shed chỉ có mấy cái thùng không và đồ làm vườn cùng những thứ chemicals dùng để diệt dán, kiến. Bà để tâm theo dõi và phát hiện ra nguyên nhân chẳng khó khăn gì. Hai đứa đi học chưa về nên bà phân vân chưa biết nên cư xử ra sao…

Vừa về đến nhà, hai chị em chưa kịp cất cặp đã vội nhìn quanh. Không thấy ai. Hai đứa chạy nhanh ra vườn, vào cái shed. Tụi nó chợt hoảng hồn khi đụng phải mẹ chúng đang đứng trầm ngâm bối rối bên cạnh cái chuồng có con Ty Sắc, không biết từ bao giờ! Và Ty Sắc đang run rẩy, hai chân trước chập lại như đang van lạy ở trong chuồng.

Ông Tấn đi làm về nghe tiếng mấy mẹ con ở sau vườn liền bước ra xem. Khi nhìn thấy bóng ông từ xa, con Ty Sắc càng run rẩy, van lạy dữ dội hơn. Hai chị em đang khóc lóc van nài mẹ đừng bắt Ty Sắc đi. Ông bà Tấn chưa bao giờ nhìn thấy, cũng chưa hề nghe ai nói một con chuột có thể đứng trên 2 chân và 2 chân trước chấp lại để lạy như thế bao giờ. Lạ lùng và đáng thương quá! Bà hỏi ông:

-Đây không phải là con chuột ở trong phòng lab của mình trước đây hay sao?

Ông ngạc nhiên hỏi lại bà:

-Thật vậy sao? Thế cũng lạ nhỉ?

Bà hỏi ông:

-Ông có để ý thấy là khi thấy tôi và ông là nó sợ hãi quá chừng hay không? Đúng là nó rồi. Chỉ có nó mới có 2 hàng lông mày đen đen đó mà. Ông có nhớ tôi kể với ông tuần trước tôi đã để sẵn một chuồng 10 con cho các biochem technicians làm một chương trình thí nghiệm gì đó. Sau đó, khi có lệnh từ trên đưa xuống bãi bõ chương trình, tôi đem chuồng này ra ngoài, chất một chỗ, định trả lại cho người bán cùng với những chuồng chuột không thích hợp kia. Sau đó, khi nghe có lệnh cần chúng để làm một thí nghiệm khác nên lại đem vào. Có một bữa khi tôi kiểm tra thì tự nhiên thấy có con chuột lạ giống con này. Vì nó có đặc điểm như vậy nên tôi mới để ý và đem nó để riêng ra một nơi.

-Nhưng nếu là nó thì làm sao mà nó đến đây được? Tôi cũng nhớ ra rồi! Bữa đó tôi suýt nữa làm thí nghiệm trên mình nó, chợt phải đi ra ngoài khi trở vào thì không còn thấy nó nữa, chưa kịp làm gì cả. Tôi cũng thấy lạ, thường chuột thí nghiệm phải thuần giống mà sao con này lại khác hẳn như vậy. Định hỏi nhưng chưa kịp hỏi thì nó đã biến mất.

Hai ông bà quay lại hỏi hai chị em:

-Hai con bắt được con chuột này ở đâu?

Hạ nhìn Đông. Đông đáp là tuần trước, khi Đông vào family room để chơi với bầy chuột của tụi nó thì ngẫu nhiên thấy con này trong góc phòng vậy thôi. Hạ kể tiếp về tình trạng của nó khi mới thấy Hạ, cũng run rẩy van lạy như bây giờ. Ngay hôm đó vì nghe bố nói sẽ giết nó nên hai chị em đã thương hại mà giấu nó đi.

Bà có vẻ bối rối một lúc, nhưng rồi chợt nhớ ra:

-A! Lúc đầu tôi cũng thắc mắc lắm, nhưng sau đó tôi nghĩ là có thể con vật này bằng cách nào đó đã lọt vào một trong những chuồng đựng chuột khi tôi chất chúng ở bên ngoài. Có lẻ có ai đó mở chuồng ra nên nó chui vào hoặc có ai đó đem bỏ nó vào. Tôi nhớ trước khi tôi để ý thấy và để riêng nó ra thì nó đã ở trong phòng thí nghiệm của ông được 1, 2 bữa gì đó rồi.

Nói xong bà nhìn ông có vẻ lạ lùng dò hỏi, ông cũng nhìn lại bà. Cả hai người cùng kêu lên:

-Chẳng lẽ nó nhớ mặt mình vì đã suýt chết trong tay mình?

Họ cùng nhìn về phía cái chuồng nơi Ty Sắc đang nằm. Nó trốn trong góc xa nhất, hai chân trước vẫn còn chụm lại, mắt nhìn lấm lét. Nó có vẻ đã kiệt sức sau hồi lâu run rẫy lạy van. Ánh mắt nhìn, nhất là thái độ của con vật càng gây cho họ bao nổi hoang mang ngờ vực...

Nghe mẹ nói chữ “suýt chết trong tay mình” Hạ hớt hãi hỏi:

-Mẹ nói gì vậy Mẹ? Suýt chết là sao Mẹ?

Bố đáp thay cho mẹ:

-Nhớ hồi nãy bố có nói đến cái đoạn đầu đài nhỏ xíu ở trong phòng làm việc của bố không? Mẹ cũng đã nói là con vật này đã ở trong phòng lab của bố 1, 2 ngày gì đó. Như vậy chắc chắn nó đã thấy bố dùng đoạn đầu đài ấy cắt đầu mấy con chuột khác.

Ông lại nghiêm trang bảo:

-Từ nay về sau các con không được giấu sample của phòng lab như vậy nữa! Làm cho việc nghiên cứu của phòng lab bị chậm trễ và tốn kém thêm, các con biết không? Cũng may lần này sample không bị cấy những vi trùng bệnh truyền nhiễm vào như những lần khác, chứ không thì hậu quả thật khó lường.

Hai chị em lần nầy cũng được mẹ giải thích cho biết sample là vật dùng làm thí nghiệm, nhà miêu là con mèo. Chúng nó tự trách tại sao không hỏi bố mẹ trước để khỏi gây nên rắc rối cho bao người lâu nay! Hai đứa càng không an tâm khi được bố cho hay rằng con vật sẽ không sống lâu vì đã bị cấy vào mình những tế bào khác lạ của giống người. Sự bất an này càng ngày càng lớn lên khi chúng nhìn thấy Ty Sắc ánh mắt không còn tinh anh và thân mình nhỏ bé tội nghiệp của nó càng ngày càng khô héo đi. Nỗi lo Ty Sắc bị giết không còn, nhưng nỗi cảm thương thì càng lúc càng sâu đậm, ám ảnh tâm trí Hạ ngày đêm. Nhất là mỗi khi nhìn vào đôi mắt của nó...

Một đêm kia, khi mà Hạ đang chìm sâu vào giấc ngủ đầy ám ảnh, một cô gái đã đến ngồi bên giường cầm tay Hạ, nhìn Hạ rất thân mến. Nàng mặc áo trắng như tuyết, tóc dài ôm gọn khuôn mặt hiền lành phúc hậu, cặp mắt có đôi mi dài, đôi lông mày đen đậm như hai nét vẽ nằm bên trên. Cô gái khoảng 19, 20 trông rất quen. Giọng nói nàng thủ thỉ nhưng nghe rất êm rất rõ:

Hạ ơi! Chị rất cảm kích tấm lòng tử tế của em và Đông trong những ngày chị ở đây. Sự chăm sóc thương yêu của chị em Hạ đã giúp chị qua được những giây phút hãi hùng nhất trong đời...

Mẹ chị bị bệnh ung thư. Bác sĩ chữa trị đã đầu hàng cho bà về nhà để chờ chết. Nhìn thấy Mẹ đầu trọc lóc sau nhiều lần làm chemo, thân thể chỉ còn da bọc xương, Bố thì đã bỏ Mẹ đi đâu biệt tăm nhiều tháng trước, Chị càng thương Mẹ đến nát lòng. Nghe được rằng nơi đây sắp thành công trong nghiên cứu chữa trị bệnh này. Họ đã tạo ra một loại stem cell gì đó mà một khi đặt loại stem cell này vào cái gan nhân tạo do hãng họ chế tạo thì ngoài việc tự sinh sản ra như bao embryonic cells khác (dĩ nhiên phải qua rất nhiều phân hóa phức tạp), nó có khả năng sản xuất được số lượng Urea đáng kể trong nước tiểu và giúp hoà tan (hay làm mất đi) vào Urea đến 36% chất Ammonia, một độc tố có thể gây tổn hại cho não bộ, gây ra hôn mê, và ngay cả tử vong cho những bệnh nhân bị bệnh gan. Chị rất tin tưởng rằng mẹ chị sẽ được chữa lành bệnt ung thư và bệnh đái đường. Trong một lúc tình thương Mẹ dâng lên ngập lòng, Chị đã ước chớ gì mình bị tổn thọ 20, 30 năm hoặc cho hoá thân thành một con vật cho người ta dùng làm thí nghiệm cho họ mau thành công hòng cứu Mẹ khỏi chết. Bà ngoại của chị đã chết vì ung thư tử cung, và còn bao nhiêu bệnh nhân khác nữa! Chẳng biết có phải vì lời ước gặp giờ linh hay sao mà trong thoáng chốc Chị đã biến thành con chuột trắng ngay trong phòng thí nghiệm của bố em, như em đã biết. Chị đã nghe người ta bàn luận về những áp dụng kỹ thuật làm thí nghiệm, đã nhìn thấy những diễn tiến hãi hùng cho các thú vật bên trong phòng lab. Chị sợ hãi ghê lắm, nhưng Chị không hề có ý định bỏ cuộc. Chị đã thoát ra bên ngoài vì người ta lơ đễnh để bọn mèo chui vào đuổi bắt Chị. Chị không muốn hy sinh mạng mình cho lũ mèo quái ác nên mới chạy hoãng may mà chui được vào nhà em. Lúc chị em em thấy Chị là lúc Chị vừa thoát xong đại nạn đó.

Chị đã biết người ta chưa thành công trong việc chữa trị bệnh ung thư, nhất là ung thư gan. Ý nguyện giúp cứu sống Mẹ của Chị cũng không thành. Thôi thì Chị trở về bên Mẹ, ở gần Mẹ được phút nào hay phút đó vậy.

Cám ơn gia đình em thật nhiều! Xin chào biệt tất cả!

Nàng đứng lên lướt đi như một áng mây, đầu còn ngoái lui, đưa tay vẫy vẫy trìu mến chào biệt Hạ. Hạ cuống quýt chạy theo, nhưng bóng nàng đã xa khỏi tầm mắt. Đang vừa chạy theo vừa gọi Ty Sắc ơi ới, Hạ chợt sẩy chân rơi tõm xuống 1 cái hố bên dưới đầy những vật gì mơ hồ giống rắn rết. Sợ nhất là rắn! Hạ kêu thét lên và tỉnh giấc giữa tâm trạng mơ hồ giữa mộng và thực. Tiếng thét của Hạ hình như lớn lắm, đã đánh thức cả nhà dậy. Sau khi nghe Hạ kể lại những gì đã thấy trong mơ, cả gia đình kéo nhau ra sau vườn…

Cái chuồng vẫn còn đó, cửa chuồng vẫn đóng, nhưng bóng của Ty Sắc thì đã biến đâu mất. Tiếng dế đang thi nhau than van, tiếng mèo hoang đang gọi tình, tiếng chó nhà ai đang sũa, bóng những cành lá um tùm trong vườn đang lay lắt trong đêm đen…

Ái Hoa
(12-2009)