"Biết lỗi, không khó; đổi lỗi mới khó. Nói điều thiện không khó, làm điều thiện mới khó." ** Hà Phủ - triều Lê Nhân Tôn **

 

Luận Lý Lưỡng Giá Và Tam Giá

Lý luận Lưỡng Giá (binary logics) là lý luận chỉ có hai giá trị mà thôi chẳng hạn như đúng hay sai, trắng hay đen, âm hay dương v.v. Không có trò nửa nạc nửa mỡ. Lý luận này tuy thành công trong toán học và điện toán nhưng trong nhân văn thì lại là chuyện khác.

Ngày xưa tôi đọc hay học ở đâu đó có một chuyện kể là một bộ lạc bên Phi Châu giữ luận lý lưỡng giá rất vững chắc. Khi bắt được những nhà truyền giáo Âu châu, họ bảo các ông này phải nói một câu. Nói “đúng” thì “chết treo” mà nói “sai” thì “chết chìm”. Trước sau thì cũng chết.

Có một lần bắt được một ông kia, sau khi nghe nói, thấy mình cầm chắc cái chết, nhà truyền giáo này suy nghĩ và tìm cách đánh thẳng vào luận lý lưỡng giá (đúng và sai) của bộ lạc này. Ông bảo:
- Tôi sẽ chết chìm.

Tù trưởng của bộ lạc này đang tính kêu đàn em đem ông này đi trấn nước cho xong nhưng nghĩ lại nếu thế thì ông ta nói “đúng”. Mà nói đúng thì phải “chết treo”. Không ổn. Nếu đem treo cổ ông này thì ông đã nói “sai”. Mà nói sai thì phải “chết chìm”. Cũng không ổn. Nghĩ nát óc chẳng ra lời giải, tù trưởng bộ lạc này đành phải thả ông truyền giáo này ra.

Chính ngay các nước Tây Phương ngày xưa cũng dùng lý luận lưỡng giá để kỳ thị chủng tộc. Chỉ có hai chủng tộc: trắng và đen thôi. Dân da vàng vì “không trắng” nên phải là “đen”. Đơn giản thế thôi. Về sau họ mới nghĩ ra giá trị thứ ba là “da màu” để giải quyết và đây là Lý Luận Tam Giá: “trắng”, “đen” và “màu”.

Lý luận tam giá (Trinary or Ternary logics) tất nhiên là hữu dụng hơn trong nhân văn. Còn nhiều nữa như “đệ tam nhân” (third party) chỉ một người trung hòa, các nước thứ ba (third world countries) hoặc loài dơi là “phi cầm phi thú”, không phải loài thú mà cũng không phải loài chim.

Cái kiềng của ta luôn luôn có 3 chân. Số 3 tuy đơn giản nhưng thật vĩ đại.

John Thụy