"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta"

** Triệu Thị Trinh **

 

Hoa Thiên Lý Đâu Rồi?

Tôi để hai túi xách lên trên quầy tính tiền, đứng trước tôi là một người cũng đang lấy từ trong xe chợ đầy ắp những món hàng để lên quầy, quay lại nhìn thấy tôi chị lịch sự :
- Chị có ít hàng, lên tính tiền trước đi.
Gương mặt của người phụ nữ này bỗng làm tôi bàng hoàng, với đôi mắt to lồ lộ và nhất là cái mụn ruồi nơi khóe miệng gợi cho tôi hình ảnh quen quen. Tôi không thể không buộc miệng:
- Chị ơi, trông chị quen qúa...hình như chị tên là…
- Tôi tên Lam.
Tôi reo lên vui mừng và kinh ngạc:
- Trời ơi, đúng rồi Lam “Ruồi” đây phải không? Cái mụn ruồi trên môi này đi kèm theo với cái tên thì không thể nào quên được.
Người phụ nữ cũng mừng rỡ nắm lấy cánh tay tôi:
- Thì ra là Thao, hàng xóm của tôi ngày xưa khi chúng mình còn bé chứ gì?
Hai chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Qủa đất rộng bao la nhưng cũng đủ chật hẹp để quanh quẩn cho người gặp lại người, mà có khi tưởng chỉ là ao ước, là trong giấc ngủ mơ.
Lam “Ruồi” và tôi ra khỏi chợ. Lam mới dọn về California hai năm nay, còn tôi chỉ là khách vãng lai, đến đây thăm người nhà, nếu tôi không cao hứng đi chợ mua thêm vài thứ lặt vặt thì làm gì có cuộc hội ngộ bất ngờ này!.
Chúng tôi đến một qúan nước ngồi nghỉ chân và chuyện trò. Ôi, bao nhiêu thứ để nói sau hơn mấy chục năm mới gặp lại. Sau cùng, Lam hỏi tôi:
- Thao còn nhớ anh Phượng không?
- Làm sao quên, vì cái tên anh như tên con gái mà lại là một loài hoa mà Thao ưa thích. Bây giờ anh ấy ra sao? vợ đẹp, con ngoan chứ gì?
Lam rầu rầu:
- Đời anh là một chuỗi bất hạnh. Lấy vợ, vợ bỏ, lấy vợ nữa thì không hạnh phúc, đưa nhau sang Mỹ chỉ làm khổ nhau. Anh cố chịu đựng vì mấy đứa con, mà trời cũng không tha…
Tôi buồn lây và sốt ruột hỏi:
- Còn chuyện gì đến với anh Phượng nữa?
- Anh ấy mới mất vì đau bao tử. Bệnh trầm cảm dẫn đến loét bao tử, chảy máu bao tử.
- Trời ơi, tội anh qúa!
Tôi thốt lên và không cầm nổi những giọt lệ rưng rưng. Lam kể:
- Ngày ấy anh Phượng đau khổ vì Thao nhiều lắm, mãi anh ấy mới đi lấy vợ. Thỉnh thoảng anh Phượng vẫn nhắc đến Thao, tiếc rằng anh không còn sống để hôm nay gặp lại Thao
Tôi nghẹn ngào:
- Chính Thao mới là người đáng tiếc, không gặp anh để nói một lời xin lỗi.

*************

Ngày xưa nhà tôi và nhà Lam ở cạnh nhau trong một xóm nhỏ, hai đứa lại học từ tiểu học đến trung học đều chung lớp chung trường nên chơi rất thân. Tôi hay sang nhà Lam chơi, thậm chí có hôm còn ngủ lại ở nhà Lam nữa, mẹ tôi đã nói đùa với mẹ Lam:
- Nếu một đứa là trai một đứa là gái thì cho chúng nó lấy nhau nhỉ!
Nhà Lam bán tạp hóa, có đủ thứ từ bánh kẹo, ô mai, đến nước mắm, dầu lửa, xà bông, kim chỉ v..v…bố Lam đi lính đóng quân xa nhà, nên chỉ có hai mẹ con, họ khá bận rộn vì cửa hàng tạp hóa này, vì thế tôi rất sung sướng được sang nhà Lam làm giúp nó. Hai đứa bằng tuổi mà Lam khôn lỏi hơn tôi, cho tôi một viên kẹo bé hay một qủa ô mai mà sai tôi quét nhà, lau nhà, nhặt rau hay nấu nồi cơm trong lúc mẹ nó đi cất hàng chưa về. Mẹ tôi biết thế, vẫn âu yếm mắng tôi:
- Việc nhà thì nhác, việc chú bác, việc hàng xóm thì siêng.
Một hôm, nhà Lam có khách, là anh họ của Lam từ Qui Nhơn vào ở trọ để học đại học. Nhà Lam quanh năm vắng vẻ, neo đơn, thiếu bóng dáng đàn ông nên cũng rất cần người anh họ này cho thêm ấm cúng.
Anh đến với mấy cái túi xách và cái va ly quần áo. Hôm ấy tôi cũng có mặt ở nhà Lam như thường lệ, thấy Lam ríu rít thân mật với anh tôi cũng bắt chước, con bé 13 tuổi ngây thơ chạy vào căn buồng của anh, xem anh lôi những thứ trong va ly ra và xắp xếp đồ đạc một cách tò mò và hào hứng. Anh đã dí tay vào mũi tôi, mỉm cười:
- Cô bé này con nhà ai mà ở đây?
Tôi cũng mỉm cười, hồn nhiên:
- Em tên là Thao, bạn của Lam đấy, còn anh tên gì?
- Anh tên Phượng.
Tôi ngạc nhiên hỏi lại:
- Là hoa Phượng hả anh?
- Ừ, vì trước cửa nhà anh có cây hoa Phượng, nên mẹ đặt tên anh là Phượng luôn.
Anh Phượng moi móc trong túi xách ra, đưa cho tôi một gói kẹo:
- Cho em này, kẹo mạch nha em có thích không?
- Thích, nhưng em vẫn thích ăn ô mai hơn
- Thôi, lúc khác anh sẽ mua ô mai cho em.
Từ ngày có anh Phượng, tôi và Lam thấy vui hơn, vì ngoài lúc cặm cụi học bài trong buồng, anh lại ra chơi với cbúng tôi, bày ra nhiều trò mới lạ. Anh Phượng chiều tôi đủ thứ, mua ô mai của chính nhà Lam để cho tôi, vẽ cho tôi những bức hình đẹp, và mỗi lần Lam và tôi tranh cãi chuyện gì, bao giờ anh cũng bênh tôi và về phe với tôi.
Có lần tôi đang ngồi nhặt rau muống cho Lam thì bỗng rú lên, hất đổ cả rổ rau vì thấy một con sâu rau to tướng đang quằn quại trong đám lá, tôi chạy bổ vào người anh, ôm lấy anh mà khóc, không nói nên lời. Anh Phượng vỗ về tôi:
- Không sao đâu, sâu rau hiền lắm. Để anh nhặt nốt chỗ rau cho.
Hôm ấy hình như anh ôm tôi khá lâu, trong vòng tay anh, tôi cảm thấy an toàn hơn bao giờ.
Thời gian dần qua đi, anh Phượng đã là một người thân quen đến nỗi tôi thuộc cả giờ giấc đi học về học của anh, và những công việc anh thường làm ở nhà.
 Chắc anh cũng thân quen với tôi như thế, hôm nào tôi sang nhà Lam trễ là anh hỏi tại sao, có hôm tôi chơi chán, muốn về nhà thì anh lại cầm chân tôi bằng một trò chơi hấp dẫn, anh lấy xà bông pha với nước và lấy cái ống hút nhúng vào đó, thổi lên khoảng không những qủa bong bóng trong trẻo và mỏng manh, chơi vơi và lơ lửng cho tôi và Lam cùng đuổi bắt những qủa bong bóng phù du chóng tan vỡ đó mà không biết chán.
Sau nhà Lam có một giàn hoa Thiên Lý, mùa hoa nở những chùm hoa màu phơn phớt xanh  treo đầy trong đám lá, tỏa mùi thơm ngọt ngào. Tôi thích ủ hoa Thiên Lý trong túi áo cho thơm, còn anh Phượng thì thích ngồi đọc sách hay học bài dưới giàn hoa trong những buổi trưa êm ả.
Một hôm anh gọi tôi ra sau nhà và nói::
- Anh hái tặng Thao một chùm hoa Thiên Lý nhé, em thích chùm nào?
Tôi được dịp đòi hỏi:
- Chùm nào chín nhất và to nhất thì hái cho em.
Rồi tôi nhanh nhẩu chạy vào nhà bưng ra một cái ghế đẩu cho anh đứng lên. Tôi chỉ hết chùm hoa nọ đến chùm kia mới chọn được chùm hoa vừa ý. Anh đưa hoa cho tôi và dịu dàng nói:
- Áo em, tay em sẽ thơm mãi mùi hoa Thiên Lý .
Tôi ngây thơ, hớn hở:
- Thật thế không anh?
- Với anh thì đó là sự thật..
Thấy tôi vẫn ngơ ngác chẳng hiểu gì, anh nói sang chuyện khác:
- Thế em có biết hoa Thiên Lý nấu canh ăn rất ngon không?
- Em không biết.
Anh trêu chọc tôi:
- Trời ơi, em là con gái Bắc mà không biết món canh hoa Thiên Lý sao?
- Vậy để em về nhà hỏi mẹ em nhé?
Tôi định chạy về nhà hỏi mẹ, nhưng anh đã nắm tay tôi lại. Dưới giàn hoa Thiên Lý chỉ có hai người, hôm ấy mẹ Lam vắng nhà và Lam đang bán hàng phía trước.
Anh nhìn tôi bằng ánh mắt lạ lùng, khác thường, mãi anh mới run run giọng nói:
- Thao ơi, anh …rất yêu em.
Anh bất chợt ôm lấy tôi làm tôi hoảng sợ vùng thật mạnh thoát ra khỏi tay anh
- Thao ơi, em đừng chạy đi, anh rất yêu em..
- Không! Không!...
Tôi kêu lên từ chối và hoảng sợ, vùng vằng và tàn nhẫn vất chùm hoa Thiên Lý anh vừa trao xuống đất để chạy như ma đuổi lên nhà trên rồi về nhà mình chỉ trong phút giây, mà tim tôi vẫn còn đập thình thịch. Tôi ngồi trốn trong phòng của mình và khóc nức nở âm thầm, vì sợ mẹ biết.
Anh Phượng, hình ảnh thân quen đẹp đẽ trong tâm hồn tôi đã tan vỡ, bây giờ là một anh Phượng khác, hoàn toàn xa lạ. Thì ra, tôi đã coi anh như tình anh em, như người nhà, bỗng chốc anh chuyển thành tình yêu làm tâm hồn tôi bị tổn thương. Ở cái tuổi 15 tôi vẫn còn trẻ thơ chưa đủ lớn khôn để đón nhận tình yêu đôi lứa.
Hôm sau và những hôm sau nữa tôi không sang nhà Lam, tôi sợ anh và giận anh. Lam hỏi tôi tại sao nhưng tôi không dám kể cái điều “ghê gớm” ấy ra.
Một tuần sau thì anh sang nhà tôi, có lẽ anh không chịu đựng nổi sự lánh mặt của tôi lâu hơn nữa. Nhưng vừa thấy anh bước vào nhà chào hỏi mẹ tôi, thì tôi đã la lên, đã đuổi anh:
- Anh đi về đi, em không muốn nhìn thấy anh .
Mẹ tôi ngơ ngác còn anh lúng túng giải thích sao đó với mẹ tôi và nhìn tôi bằng ánh mắt buồn bã, đầy ân hận trước khi bước ra khỏi cửa.
Câu chuyện anh Phượng tỏ tình với tôi cuối cùng cả hai nhà đều biết, bố mẹ tôi trách anh, mẹ Lam cũng trách anh, rằng tôi còn bé nhỏ đã biết gì chuyện yêu thương, mà anh nỡ làm hoen ố đi cái tình cảm trong trắng của chúng tôi bấy lâu.
 Anh thất vọng, thất tình và mặc cảm. Cuối năm ấy anh Phượng bỏ học, đi lính.
Một hai năm sau thì bố Lam về xóm và mang vợ con đến một tỉnh lỵ miền Trung, nơi ông đóng quân, khỏi phải xa cách đôi nơi nữa.
Tôi và Lam bặt tin nhau từ đó, rồi tới biến cố 1975, bao nhiêu chuyện bể dâu của cuộc đời. Hình ảnh người bạn gái cùng xóm và anh Phượng tưởng như chìm khuất suốt đời trong bụi mờ qúa khứ…

************

Sau này mỗi một tuổi đời lớn lên trong cuộc sống, tôi càng thấm thía hiểu được mối tình của anh, tôi luôn bị dày vò ân hận vì mình mà anh Phượng dang dở chuyện học hành, đời lính trôi dạt đó đây.
Tôi mắc nợ anh Phượng một lời xin lỗi. Anh không có tội gì cả, vì tình yêu không bao giờ có tội, tình anh cho chưa đúng lúc mà thôi.
Hôm nay tình cờ gặp lại Lam, biết tin anh cũng là biết anh không còn trên cõi đời này. Và những lời xin lỗi của tôi sẽ không bao giờ được thực hiện.
Anh Phượng ơi! suốt bao nhiêu năm qua, tay em và áo em có còn thơm mùi hoa Thiên Lý trong ký ức của anh, như ngày xưa anh đã nói không?
Giàn hoa Thiên Lý ơi, nơi mà một buổi chiều anh đã hái hoa tặng tôi, đã chứng kiến mối tình đầu nồng nàn tha thiết của anh dành cho tôi, thật đẹp, thật tự nhiên như giàn  Thiên Lý tới mùa hoa nở.
 Những chùm hoa Thiên Lý ấy đâu rồi??

Nguyễn Thị Thanh Dương