"Ta muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá tràng-kình ở Biển Đông, quét sạch bờ-cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ-thiếp cho người ta." ** Triệu Thị Trinh **

Đời Còn Dễ Thương

Truyện ngắn: Wendell Jamieson

(Chuyện có thật)

Khi còn nhỏ, Josh Miele bị tước-đoạt đôi mắt. Bốn mươi năm sau, ông đã dâng-hiến một tương-lai đầy ánh-sáng cho những người khiếm-thị.

 

Ngày 5 tháng Mười năm 1973, trong lúc cháu bé Josh Miele mới 4 tuổi, đang chơi ở sân sau căn nhà của gia-đình ở đường President, vùng Park Slope, thành-phố Brooklyn, mẹ cháu—Isabella, đang nấu cơm trong bếp. Chuông cửa bỗng vang lên, Josh chạy ùa ra mở.

Lúc cháu mở cửa, thấy Basilio Bousa, 24 tuổi, một trong những người chòm-xóm tốt-bụng nhất, đang đứng bên kia cánh cửa sắt nặng-nề của phòng ngoài. Josh mở cổng. Bất-ngờ cháu bị trượt chân vào thanh-cửa thấp nhất, hai tay bám vào mỗi bên, vì thế sức nặng của cháu kéo cánh cửa mở ra. Basilio vẫn không nhúc-nhích và cũng không nói chi cả. Josh chạy nhanh tới cổng, mở ra.

Rồi cháu không còn nhìn thấy gì nữa. Cháu không biết vì sao. Cháu sờ-soạng chung-quanh, quơ lấy bức tường. Cháu cố nhướng mắt lên, nhưng chỉ loáng-thoáng nhìn thấy tấm ván gỗ ở phòng ngoài. Đó là cảnh-vật cuối-cùng cháu nhìn thấy.

Khi ấy tôi lên 7 tuổi, sống cách St. Johns Place 4 dẫy phố. Hôm đó mẹ tôi ở trong bếp, đôi tay bà run-rẩy. Bà nói:

-Josh, hãy nhớ, mỗi khi ra mở cửa, con đừng bao-giờ ra ngoài cổng trừ khi con biết rõ người đó là ai. Phải luôn-luôn nhìn qua cửa-sổ bên trong. Bởi vì, con có biết chuyện gì xẩy-ra không? Có đứa nhỏ ở đường President ra mở cửa, thế là có một thằng khùng-điên tạt át-xít vào mặt cháu.

Rồi bà dắt tôi ra cổng-trước, bắt tôi thực-hành. Tôi nghĩ, tại sao lại có kẻ độc-ác như thế với một đứa trẻ? Báo-chí chỉ loan-tin thoáng qua, với một cái tựa ngắn-gọn: “Một Kẻ Tạt Át-xít Gây Thương-tích Cho Một Trẻ Em Bốn Tuổi.” Với tôi, nó giống như truyện cổ đặc-biệt kinh-dị của anh-em nhà họ Grimm (1). Khi tôi gần 40 tuổi, mẹ tôi bán nhà, đã từ lâu tôi luôn theo lời khuyên của mẹ. Nếu có tiếng chuông cửa khi ai đó đến thăm bất-ngờ, phải đứng lui lại một chút rồi hãy trả-lời.

Vụ tạt át-xít vào cháu Josh Miele là một tội-ác gây tai-tiếng nhất vào tuổi-thơ của tôi, và cuối-cùng, nó đã hủy-diệt cả hai gia-đình. Chúng tôi không biết gia-đình Miele, nhưng tôi luôn-luôn muốn biết tại sao lại xẩy-ra vụ tấn-công và chuyện gì đã xẩy-ra sau đó. Cả hai gia-đình vẫn đi lại với nhau? Tôi muốn biết cái gì đã trở-thành gã “điên-khùng” và gã là ai. Nhưng trước hết, tôi muốn biết cháu bé ra sao.

Ba Josh, Jean Miele đã mua căn nhà nhỏ ở đường President năm 1965. Những viên đá cát mầu nâu vẫn như ngày nay, dù bề ngoài có thay-đổi, và những viên đá đó đã ẩn-dấu những căn nhà cho mướn ở bên trong. Hôm gia-đình Mieles dọn vào, ngay lập-tức Jean mở gói khẩu súng-săn ra, đặt trên một cái bàn thấp để cho mọi người cùng trông thấy. Anh và Isabella có một con trai cũng tên là Jean, và cô con gái Julia. Còn Josh sinh năm 1969.

Vợ chồng Felipe và Clara Bousa từ Cuba dọn đến đường President với cậu con Basilio năm 1955. Gia-đình Miele và Bousa thường dùng cơm tối cùng nhau. Cô con Carmen của gia-đình Bousa coi con cho gia-đình Miele. Carmen nói với tôi sau khi tôi gọi điện-thoại cho cô ta mới đây:

-Khi Josh vừa được mẹ từ bệnh-viện bế về, tôi đã nghĩ nó là đứa trẻ xinh-xắn nhất tôi từng thấy.

Tuy nhiên, Basilio gặp chuyện không hay. Carmen nói là mẹ cô đã khám-phá có điều gì đó không ổn cho Basilio khi gã mới lên một tuổi. Cô nói là cha mẹ cô đã cố-gắng giúp gã. Khi còn là thanh-niên, gã đã dùng cần-sa nặng, bị đuổi khỏi Trường Đại-học Brooklyn, rồi bắt-đầu làm ở tiệm tạp-hóa của gia-đình ở Đại-Lộ Thứ Bẩy.

Vì lý-do gì đó không ai biết, Basilio cứ để-ý đến gia-đình Miele. Một lần gã đập cửa kiếng nhà họ, và lần sau lại liệng một chai đựng chất bắt cháy vào sân sau, lập-tức gọi cảnh-sát đến, rồi bị bắt.

Được thả ra, gã gia-nhập Quân-đội nhưng lại đảo-ngũ hôm tháng Mười 1973. Khi đó gã tới tiệm tạp-hóa mua một bình chữa-lửa soda pha át-xít. Gã mở ra, đổ hết át-xít sulfuric vào một bình-chứa, rồi đi thẳng tới số nhà 851 Đường President, bấm chuông.

Vào ngày Josh bị tạt át-xít, ba cháu đang trên chuyến đi công-chuyện tới Washington, D.C.; khi anh trở lại Brooklyn, Josh đang trong Nhà-Thương Methodist. Anh sửng-sốt trước sắc-diện của con. Anh hồi-tưởng lại:

-Mặt cháu giống như một cái mặt-nạ.

Da Josh biến-thành mầu nâu, bộ mặt của cháu thay-đổi hoàn-toàn.

Ba Josh nói:

-Tôi nghĩ là tôi không biết phải làm gì về chuyện này.

Các bác-sĩ túm quanh cháu bé, cố hồi-phục ánh-sáng cho cháu. Ba cháu bắt-đầu cảm thấy yên-lòng. Qua hôm sau, có một Bác-sĩ tập-sự nội-trú đến nói nhỏ với ông, nếu không đưa Josh vào một bệnh-viện quân-sự, cháu sẽ chết. Người Bác-sĩ tập-sự giải-thích là chỉ có bệnh-viện quân-sự mới có đủ khả-năng chữa-trị vết-thương do phỏng cháy như thế. Cha của Josh gọi ráp-đặt một điện-thoại trả tiền ở phòng chờ bệnh-viện và liên-lạc được với dân-biểu quốc-hội Park Slope, Hugh L. Carey, để tiếp-xúc với văn-phòng tổng phẫu-thuật. Ngay sau đó, một cú gọi đến điện-thoại trả tiền của Đai-tá Basil Pruitt, Bác-sĩ trưởng Trung-tâm Quân-y ở San Antorio, bệnh-viện quân-sự duy-nhất lúc đó nhận chữa-trị các nạn-nhân bị phỏng.

Bác-sĩ Pruitt nói với ba của Josh là ông sẽ gửi một đội y-khoa và một phi-cơ chở hàng tới căn-cứ Không-quân McGuire ở New Jersey để đón Josh. Ba của Josh chỉ việc chở con lại. Người cha rối-bời trí-óc đã làm việc thêm trên điện-thoại, chịu tốn-kém để thuyết-phục một phi-công trực-thăng ở McGuire và một trung-sĩ phòng nhân-viên Trạm 78 thuộc Sở Cảnh-sát New York giúp hai cha con.

Khuya đêm đó, năm nhân-viên Sở Cảnh-sát New York đã đứng dàn thành một vòng-tròn với sự trợ-lực của các xe tuần-tiễu. Họ dùng đèn-pha chiếu thành dấu ngôi sao ở Sheep Meadow trong công-viên Prospect thuộc Slope Park. Viên phi-công đã đáp trực-thăng xuống giữa ngôi sao, nhấc bổng ba mẹ của Josh lên trời.

Khi quan-sát Josh, Bác-sĩ Pruitt nói:

-Với vết-thương nguy-hiểm thế này, chúng tôi cần thực-tế đối với điều mong-đợi.

Bác-sĩ Pruitt tuyên-bố cháu bé bị phỏng trên 17% cơ-thể, với những vết-phỏng cấp ba chiếm hơn một nửa phần bị nhiễm-trùng, phần lớn ở mặt. Bác-sĩ Pruitt nói nhiệm-vụ chính của ông là cứu cháu bé nhìn thấy đường, tìm lại ánh-sáng cho cháu. Tuy nhiên, ông biết ngay mục-tiêu này thật là vô-vọng. Ông nói:

-Cuộc-đời này đã bị đau-khổ không gì có thể bù-đắp được.

Josh đã phải chịu những ca giải-phẩu dường như vô-tận. Da lấy từ một trong những con mắt, ghép vào mặt cháu bé. Tế-bào chết bị cắt-bỏ đi, một tiến-trình đau-đớn khủng-khiếp cứ tái-diễn đi lại, liên-tiếp.

Đôi lúc, Isabella Miele, một họa-sĩ, đã khám-phá San Antonio vài dịp khi ra khỏi bệnh-viện. Chị đi bộ theo con sông chia đôi thành-phố, thấy một cái chợ bán thực-phẩm ở trong khu thương-mại đầy bụi bẩn. Tuy nhiên, khó có thể trốn-tránh những gì đã mang chị về lại thành-phố:

-Tôi nhìn lên trời, thấy những đám mây. Tôi đã khóc giữa đường-phố khi nghĩ là Josh sẽ không bao giờ còn nhìn thấy mây bay nữa.

Độ sáu tuần sau khi Josh bị phỏng, anh ruột Josh nhìn thấy em lần đầu, đã lo-lắng đến muốn té xỉu. Có vẻ Josh giống như cũ, giọng nói trẻ-thơ nũng-nịu nhớ anh, nhưng hình-dạng cháu đã thay-đổi hoàn-toàn. Nhiều nét riêng đã biến mất, cái còn tồn-tại là những vết thẹo thô-nhám, sần-sùi.

Josh học cách sử-dụng gậy, và thường lui tới Gia-Đình Kỹ-Nghệ Của Người Mù gần Brooklyn Heights.

Ba cháu làm một cái giường tầng, vì vậy Josh có thể leo-trèo qua lại và duỗi thẳng cánh tay đầy thẹo lồi-lõm.

Mẹ Josh có phương-pháp phục-hồi chức-năng riêng cho cháu. Chị nói:

-Nhiều lần tôi đặt cháu vào những tình-huống khó chấp-nhận. Tôi để cháu rờ vào những đồ-vật trong viện bảo-tàng, mà người ta không thường trèo vào, cháu sẽ hỏi ‘Mẹ ơi, con làm như vậy có được không?’, tôi sẽ trả lời ‘Được. Con cứ làm vậy đi.’

Năm 1975, ba mẹ Josh ly-dị. Sau khi người cha dọn đi, Julia và Josh cảm thấy rất cô-đơn. Họ nghe đọc sách hàng giờ trên cái giường tầng. Họ cãi-nhau và tranh-luận như anh chị em ruột thịt. Họ chơi-đùa ngoài trời với bạn-bè bên kia đường.

Cả hai đùa-giỡn quanh Park Slope, trong khi hai cháu nhỏ, một lên chín và một lên năm, chạy mua đồ lặt-vặt, mua bán—và thường-thường không ai nói gì về sự hiện-diện của Josh, cũng không ai hỏi Julia, nhưng người em trai út của chị nghe được, chuyện gì đã xẩy đến cho cháu. Chẳng hạn chuyện một đứa trẻ sẽ kêu thét lên vì sợ: ‘Mẹ ơi, mẹ ơi! Có một con quỷ! Con quỷ đây nè!’

Những lời nói hay câu hỏi xúc-phạm đều làm Julia nổi cáu. Có một lần, sau khi Josh qua một ca giải-phẩu để hồi-phục môi trên, cháu phải mang băng hàng tuần-lễ, mẹ cháu đã vẽ một bộ râu lên trên. Lần kế, có người ở Đại-Lộ Thứ Bẩy hỏi Julia chuyện gì xẩy ra cho Josh, chị đã nạt lớn:

-À, tại vì cháu cấy râu mới.

Anh Josh lại có cách khác khi trả-lời những câu hỏi:

-À, là vì nó cứ đánh nhau với chúng-bạn hết trận này đến trận khác.

Josh đi học ở Trường Công 102 tại Bay Ridge, nơi cháu học đọc hệ-thống chữ nổi của Braille (2). Khi mẹ cháu dọn về Rockland County, New York, ở chung với người bạn mới, Julia và Josh cùng theo chị. Các cuộc giải-phẩu Josh vẫn còn tiếp-tục, kể cả lần cấy giác-mạc thất-bại.

Khi Josh 11 hay 12 tuổi, cháu được biết các bác-sĩ đang có kế-hoạch khâu một cánh tay của cháu với cái mũi bị phỏng. Các bác-sĩ phẩu-thuật hy-vọng các mô sống ở cánh tay sẽ kích-thích sự tái-sinh các mạch máu và mô ở mũi. Josh không bằng lòng, nghĩ là mình đã làm đầy-đủ rồi. Cậu nói với gia-đình là dù sao người ta cũng thấy sự khác-biệt rồi, vậy tại sao phải chịu thêm đau-đớn nếu chỉ có một chút khác-biệt thôi?

Sau vụ gây-án, Basilio Bousa bị bắt và bị kết-án tấn-công mức-độ một. Gã nói gã nghe có tiếng người và người ta đuổi theo gã. Gã được chẩn-đoán mắc bệnh rối-loạn tinh-thần và được điều-trị ở một bệnh-viện tâm-thần cho tới khi sẵn-sàng ra tòa. Khi đó Josh đã bẩy tuổi, là chứng-nhân. Nhưng cuối-cùng, Basilio được công-nhận vô-tội vì lý-do bị điên-loạn và được ban lệnh chữa-trị. Sau cùng, gia-đình Bousa dọn đi Florida. Tiệm tạp-hóa đóng cửa. Basilio chết năm 1992 khi mắc bệnh khí-thũng liên-quan đến phổi. Chị gã, Carmen, kể là gã hút liên-tục và trong những năm cuối gã bị ám-ảnh, và những lúc tĩnh-lặng, gã thường bị khủng-hoảng bởi việc làm của mình. Cha mẹ gã chết vào khoảng cùng năm.

Khi Josh—tên đầy-đủ là Joshua A. Miele, và lần đầu khi chúng tôi gặp nhau trong quán cà-phê, anh đang ở Thành-phố New York, dẫn đầu một nhóm thảo-luận ở Viện Bảo-Tàng Nghệ-Thuật Thành-Phố về vấn-đề cải-tổ kinh-nghiệm bảo-tàng dành cho người khiếm-thị. Ba anh vẫn còn sống ở Park Slope như người chị Julia, bây giờ gọi là Julia Miele Rodas lấy một vị giáo-sư ở Đại-Học Cộng-Đồng Bronx dậy và viết về sự khuyết-tật trong văn-chương, và người anh trai Jean là nhiếp-ảnh gia.

Trước khi gặp nhau vào mùa thu 2012, tôi có phần hơi lo. Tôi tự hỏi phải làm thế nào để đối-phó với vẻ bề ngoài của anh. Nhưng không, tôi nhận thấy cuộc gặp-gỡ đó rất thú-vị. Sự thông-minh và óc khôi-hài của anh đã nhanh-chóng làm tôi thoải-mái.

Hiện nay Josh sống ở Berkeley, California, trên một khu nhà xây từ thập-niên 1920, cùng người vợ tên Liz với các con, Benjamin, mười tuổi và Vivien, bẩy tuổi. Vào lúc tôi tới, họ đang dùng cơm tối. Khi đó, tôi mới thôi so-sánh sự khác-biệt về thể-chất giữa chúng tôi.

Josh có bằng Cử-nhân Vật-lý và bằng Tiến-sĩ về Tâm-lý Âm-thanh học tại hệ-thống Đại-học California, Berkeley. Với tư-cách là sinh-viên chưa tốt-nghiệp, anh đang làm cho công-ty kỹ-thuật Berkeley Systems về phần-mềm giúp những người khiếm-thị đi lại theo chương-trình đồ-họa. Anh phát-triển phần-mềm cho Cơ-quan Nghiên-Cứu Hỏa-Tinh thuộc NASA. Anh là giám-đốc trong hội-đồng giám-đốc của Trạm Hải-đăng San Francisco Cho Người Khiếm-thị. Anh là Nhạc-sĩ chơi giọng trầm trong một ban nhạc. Và anh còn là phụ-tá khoa-học gia ở Viện Nghiên-cứu Mắt Vô Vụ-Lợi Smith-Kettlewell. Josh nói:

-Tôi muốn nổi-tiếng như người kế-nhiệm, nhưng tôi chỉ muốn nổi-tiếng vì lý-do chính-đáng, cho công-việc tôi đã làm, chứ không phải vì chuyện ngu-xuẩn đã xẩy-ra cho tôi bốn mươi năm trước.

Anh đã giúp phát-triển hệ-thống bản-đồ Braille bằng xúc-giác cho nhà ga thuộc hệ-thống Quá-Cảnh Nhanh Vùng Vịnh San Francisco, những sáng-tạo tinh-vi với những lằn-đường bằng chất-dẻo lồi lên mang nhãn-hiệu Braille. Các bản-đồ cũng truyền-đạt tin-tức qua bút điện-tử. Nhiệt-tình của Josh đối với hệ-thống bản-đồ Braille rất mạnh-mẽ, nhưng nó không giống cách anh phải lên cao giọng (một bát-độ) khi cần mô-tả một chương-trình phần-mềm điện-toán đám mây, chẳng hạn Sự Trao-đổi Băng Hình Miêu-tả, về lý-thuyết, sẽ giúp người nào đó thuật lại một cuộn băng ảnh hay một cuộn phim, và miêu-tả lại những gì họ thấy cho những người khiếm-thị khác.

Josh nhớ từng chi-tiết ngày anh bị phỏng. Anh nhớ lúc đi trên trực-thăng, pha-trò với các y-tá ở McGuire. Anh nhớ thời-kỳ ở Brooke như một buổi trình-diễn kinh-dị: Anh chưa bao giờ biết chuyện một người lính mới sẽ nằm giường bên cạnh khi người lính trước đó đã chết. Và anh còn nhớ cả cái ngày chỉ có anh và Julia chơi-giởn quanh Park Slope, cô bé con tuyệt-diệu. Họ hoàn-toàn thoải-mái.

Chuyện anh công-nhận mình là người khiếm-thị đã thay-đổi qua nhiều năm tháng, từ chuyện không thể thông-cảm được với người mù tới chuyện anh rất hãnh-diện về sự khiếm-thị của mình. Anh đã cố đem theo cha mẹ và anh chị trên cuộc hành-trình này, anh đã dần-dần đạt thành-công. Anh nói với cha anh:

-Thôi ba à, đến khi nào ba mới vượt qua khó-khăn được? Con là con mà.

Ông ngạc-nhiên, nói:

-Con biết đấy, không khi nào ba vượt qua nổi.

Chỉ đến khi Josh có con, anh mới nhận thấy kinh-nghiệm này giống như cha mẹ anh đã gặp. Anh phải cám-ơn tinh-thần lạc-quan không hề nao-núng của cha anh, sự bảo-vệ của anh chị anh, và mẹ anh luôn luôn nói với anh là anh có thể làm bất-cứ điều gì mà một người sáng mắt có thể, ngay cả điều họ không thể, như sờ-mó những món nghệ-thuật vô-giá trong các viện bảo-tàng. Anh nói:

-Không khi nào tôi hồ-nghi về chuyện đâu rồi sẽ vào đấy. Kết-quả báo trước là sẽ tốt-đẹp, nó sẽ mãi mãi tốt-đẹp.

- - - - - - - - - -

(1) Jacob và Wilhelm, người Đức, nổi-tiếng với Bộ Truyện Cổ-Tích bằng tiếng Đức (Grimms Märchen), trong đó có Bạch-Tuyết Và Bẩy Chú Lùn, Cô Bé Lọ-Lem… (Chú-thích của Wikipedia)

(2) Giáo-sư người Pháp, Louis Braille (1809-1952), phát-minh cách đọc chữ viết cho người khiếm-thị. Một hệ-thống 6 dấu chấm (points hay dots) nổi lên được dùng thay-thế các mặt chữ. (Chú-thích của Người Chuyển-Ngữ)

Hà-Việt-Hùng chuyển-ngữ

Nguyên-tác: An Unthinkable Crime, Then an Inspiring Life
Reader’s Digest Tháng 9/2013