"Đem đại-nghĩa để thắng hung-tàn. Lấy chí-nhân mà thay cường-bạo." ** Bình Ngô Đại-Cáo **

 

Sình Bụng Và Tiêu Chảy Kéo Dài

 

Ngày 30 tháng 10 năm 2014

Kính Chào Bác Sĩ:

Mẹ cháu năm nay 74 tuổi, đang uống thuốc huyết áp (Losartan potassium 50mg và Cilnidipine 5mg). Khoảng 3 tuần nay mẹ cháu bắt đầu bị cảm giác sôi bụng, ăn cái gì vào là đi ngoài lỏng ra hết. Mẹ cháu có dùng thuốc antacid (aluminum hydroxide 200mg, Magnesium hydroxide 200mg và Simethicone 20mg), sau khoảng 5 ngày thì bớt sôi bụng và đi lỏng, trở lại bình thường được 2 ngày, sau đó bị lại như cũ và có vẻ nặng hơn vì đi lỏng nhiều lần hơn.

Mẹ cháu có đi khám bác sĩ và bác sĩ cho thuốc Protonix (Pantoprazole Sodium) nhưng cháu đọc thấy thuốc này có tác dụng phụ rất nhiều và khá nặng nên cháu và mẹ ngại quá chưa dám uống.

Xin bác sĩ cho cháu hỏi như vậy mẹ cháu bị bịnh gì, có thể chữa như thế nào?

Mẹ cháu cũng hay bị thình bụng (bụng có hơi và hay trung tiện) đã lâu, khoảng trên 15 năm nay, tuy hơi khó chịu nhưng vẫn chịu đựng được.

Trước đây bà có bị viêm gan C và đã chữa khỏi được 5 năm nay. Mỗi năm đều có thử lại và kết quả âm tính.

Ngoài ra mẹ cháu không bị bịnh gì khác.

Cháu và mẹ cháu cám ơn các bác sĩ rất nhiều và kính chúc bác sĩ nhiều sức khỏe.

Kính,

Kh. Ng.

 

Về chứng sình bụng và tiêu chảy kéo dài.

(Flatulence and persistent diarrhea)

 

 Trước hết tôi xin nói rõ là tôi không thể trả lời câu hỏi bác gái bị bịnh gì và chữa như thế nào. Đấy là những lãnh vực và trách nhiệm riêng của bác sĩ đang điều trị cho bịnh nhân. Sau đây tôi chỉ xin bàn qua về một số điểm có 15Ahvhien --- sbv1tính cách thông tin, để chúng ta cùng học hỏi về một số tin tức khoa học liên hệ đến chứng sình bụng và đi cầu bất thường, tiêu chảy hay bón, ở bịnh nhân khoẻ mạnh về các phương diện khác.

Điểm sau này quan trọng, vì sự thay đổi bất thường trong sinh hoạt bộ tiêu hoá, nhưđột nhiên bón, hay tiêu chảy kéo dài, đau bụng, có thể chỉ là những triệu chứng cơ năng , nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một nguyên nhân sâu xa hơn. Ví dụ người trẻ 15-35 tuổi có thể bị bịnh viêm ruột già (ulcerative colitis) làm đau bụng, đi cầu, nhất là có máu, sụt cân, mệt mõi.

Người lớn tuổi hơn có thể có những triệu chứng tương tự do ung thư ruột già (colon cancer). Cũng nên nhắc ở đây là người trên 50 tuổi ở Mỹ cần được bác sĩ phòng ngừa truy tầm ung thư ruột già bằng cách thử phân trong máu, soi ruột già (colonoscopy); nhất là nếu trong gia đình từng có người bị ung thư ruột già.

1) Về thuốc chống acid (antacid) mà chúng ta hay dùng cho những triệu chứng "khó tiêu" như sình hơi, đau lâm râm, đi cầu không đều đặn, đây cũng là một đề tài khá thú vị, và đang được các nhà nghiên cứu chú ý. Thật ra , "khó tiêu" có rất nhiều lý do mà chúng ta sẽ bàn thêm sau đây, nhưng phần đông không phải do có quá nhiều acid trong bao tử.

2) Những thuốc ức chế sản xuất acid HCl trong dạ dày như cimetidine (Tagamet), Pepcid, ranitidine (Zantac), pantoprazole (Protonix), omeprazole (Prilosec), lansoprazole (Prevacid), esomeprazole (Nexium) chính thức chỉ có chỉ định dùng trong những trường hợp dạ dày sản xuất nhiều acid quá, trào dịch (reflux) lên thực quản làm lở thực quản (esophagitis, gastroesophageal reflux disease hay GERD), hay làm lở dạ dày (gastric ulcer), đầu ruột non (duodenal ulcer).

15ahvhien --- sbv2

Thuốc pantoprazole, omeprazole, lansoprazole, esomeprazole thuộc nhóm ức chế bơm proton (proton pump inhibitor, PPI), làm các tế bào vách (parietal cells) ngưng sản xuất acid HCL, trong một thời gian khá lâu, nên chỉ uống một lần , mỗi ngày. Khác với các thuốc antacid như Maalox, Tums (có chứa calcium bicarbonate) chỉ trung hoà acid sẳn có trong dạ dày, nên cần uống nhiều lần trong ngày, nếu cần kéo dài tác dụng chống acid.

3) Những thuốc giảm acid trong bao tử, kể cả những thuốc rất mạnh trong việc này như Prilosec hay Protonix tương đối có rất ít phản ứng phụ và đa số ít khi phải ngưng vì bịnh nhân chịu không nổi các phản ứng phụ. Thuốc PPI được dùng trên lâm sàn(cho bịnh nhân) chừng 25 năm nay, và nói chung rất an toàn (excellent safety profile). Người ta ước tính chừng 10% dân số đã từng dùng PPI.(2)Thuốc này thuộc loại bán chạy nhất ở Mỹ cũng như trên thế giới, và năm 2009, thuốc bán đến trên 13 tỷ đô la Mỹ. Chuyện này cũng không ngạc nhiên lắm, vì ở Mỹ chẳng hạn, trên 40% người lớn bị bịnh tràn dịch thực quản (GERD), phần lớn do chúng ta ăn uống quá nhiều, ít vận động và quá nặng ký hay quá mập. Cũng nên nhớ rằng ăn nhiều, nhất là món ngon miệng nhiều gia vị, nhiều thịt, rượu đều làm tăng acid trong dạ dày, càng dễ làm đau bụng do dị ứng với thức ăn (ví dụ dị ứng với sữa, đồ biển), đầy hơi, bón (vd chocolate, cacao; chúng ta thường gọi là "nóng"), trĩ.

4) Tuy nhiên, giảm acid trong dạ dày trong thời gian lâu dài có thể ảnh hưởng đến nhiều yếu tố quan trọng cho sinh hoạt của bộ tiêu hoá: một số chất trong thực phẩm như vitamin B12, sắt, calcium, magnesium tuỳ thuộc vào lượng acid trong dạ dày để được tiêu hoá và hấp thụ; giảm acid có thể làm bịnh nhân thiếu sắt, thiếu calcium, magnesium, vitamin B12.(1) Giảm acid dạ dày lâu dài cũng làm giảm tác dụng sát khuẩn của dịch acid; đặc biệt có những khảo cứu cho thấy vi khuẩn Helicobacter pylori (gây loét bao tử, đầu ruột non) có thể thay đổi tác dụng của nó trên dạ dày (làm viêm ở thân dạ dày (corpus, body) thay vì ở vùng hang (antrum), do đó dễ gây atrophic gastritis và ung thư hơn.(2) Một số vi khuẩn gây viêm phổi có thể xảy ra nhiều hơn ở người dùng thuốc chống acid lâu dài.

15ahvhien --- sbv3

Ngoài ra, ức chế acid thành hình trong dạ dày sẽ dẫn đến hiện tượng acid tăng lên sau khi ngưng thuốc, do đó lại phải uống thuốc antacid (rebound).

5) Khí (hơi) sản xuất trong ruột bình thường chừng 150ml-300ml, gồm khí hydrogen, CO 2, methane (có thể đốt cháy). Ăn uống quá nhanh, vừa ăn vừa nói chuyện,uống nước có gas (soda) cũng làm tăng lượng khí trong ruột. Những khí có mùi phần lớn do chất chứa sulfur. Những thức ăn như đậu (beans, lentil, legumes), hột mít có thể làm sình bụng trung tiện nhiều vì các chất tinh bột phức tạp (complex carbohydrates) không được tiêu hoá hoàn toàn, bị vi khuẩn làm lên men và sản xuất khí.

Một số thuốc có chứa simethicone (Phazyme, Flatulex, Mylicon, Gas-X, Gas X Extra Strength, Mylanta Gas, Gas-X Ultra Strength) với mục đích làm giảm sình bụng. Simethicone là cho khí không sũi bọt (antifoaming agent), gom lại thành những túi khí lớn hơn, dễ ợ ra ngoài hoặc trung tiện dễ dàng hơn; không làm giảm thành hình khí trong ruột. Thuốc không hấp thụ vào máu và an toàn. Trái lại, một số thuốc có chất men giúp cho tiêu hoá các tinh bột dễ hơn, giảm khí trong ruột, như alpha-galactosidase, trong viên "Beano". Beano giúp tiêu hoá chất đường phức tạp trong các đậu, broccoli, bắp cải, cho nên những chất đường này không vào ruột già, nơi mà các vi khuẩn sẽ làm chúng lên men và sinh ra khí, gây sình bụng, trung tiện.

6) Một số thuốc uống để trung hoà acid trong dạ dày có thể làm sình hơi, đau bụng nhiều hơn. Antacid làm vi khuẩn (bình thường) trong ruột sinh sản nhiều hơn, làm cho các thức ăn không được tiêu hoá bị lên men nhiều hơn, sinh ra khí làm sình bụng, đau bụng, tức bụng.

7) Hiện nay, y học đang chú ý đến một hiện tượng gọi là SIBO (small intestine bacterial overgrowth) trong đó các chất chống acid PPI được dùng quá nhiều làm cho các vi khuẩn (bình thường trong ruột non không gây bịnh, nếu giữ mức vừa phải) lại được điều kiện thuận lợi sinh sản quá nhiều trong ruột non, gây ra những triệu chứng đa dạng như đau bụng, sình hơi, bài tiết thất thường , khi bón, khi tiêu chảy, đôi khi khó phân biệt với một bịnh thường xảy ra ở đàn bà trẻ gọi là "hội chứng ruột khó chịu" (IBS, irritable bowel syndrome); SIBO được chữa hiệu nghiệm trong một số trường hợp. Một thuốc gọi là probiotics, gồm những vi khuẩn "bạn" (vd Lactobacillus casei) giúp tái lập quân bình trong ruột, lấn áp các vi khuẩn "xấu". Probiotic Yogurt có thể dùng trong mục đích tương tự. Kháng sinh (vd tetracycline, amoxicillin-clavulanate) có thể được bác sĩ dùng để đàn áp các vi khuẩn xấu này, nhất là một một loại kháng sinh khá đắt tiền (rifaximin), mục đích kềm chế số lượng vi khuẩn trong ruột.

7) Pepto Bismol là thuốc chứa chất bismuth subsalicylate.Thuốc chữa các triệu chứng khó tiêu, do ăn uống nhiều quá. Thuốc giảm tiêu chảy. Cơ chế không rõ ràng, nhưng người ta nghĩ rằng thuốc làm giảm chất tiết tiêu hoá, giảm viêm, ức chế bớt các vi khuẩn trong đường tiêu hoá. Vì thuốc có aspirin, nếu dị ứng với aspirin hay các thuốc giảm viêm (NSAIDS), có những bịnh liên hệ đến vấn đề đông máu, cần tránh hay hỏi bác sĩ của mình. Ở Mỹ, từ năm 2004, thuốc Kaopectate cũng chứa bismuth subsalicylate (khác với ở Canada, thuốc cùng tên lại chứa attapulgite). Đừng lẫn lộn Pepto Bismol với Pepto Children, là một thuốc chứa calcium carbonate, trung hoà acid. Pepto Bismol dùng cho trẻ em dưới 12 tuổi cần hỏi ý kiến bác sĩ; tránh dùng khi bị chicken pox và lúc bị bịnh cảm cúm vỉ sự hiện diện của chất giống aspirin ( ở trẻ em và thanh thiếu niên có thể gây Reye syndrome, làm ói mữa, mê man, và suy gan).

Tóm lại, những biện pháp giản dị có thể có ích, làm giảm rối loạn tiêu hoá.

  • Nhai kỹ, ăn chậm. Giữ gìn sức khoẻ răng.
  • Ăn uống vừa đủ. Tránh ăn nhiều dầu mỡ, chiên xào.
  • Tránh quá nhiều gia vị, alcohol, thuốc lá,
  • Vận động cơ thể vừa phải, tránh đi nằm sau khi ăn.
  • Đừng lạm dụng các thuốc chống acid, nhất là trong những bịnh không phải do quá nhiều acid dạ dày gây ra. Chọn những thuốc không làm “hơi “ sinh ra trong ruột nhiều hơn.
  • Tránh thức ăn có sản phẩm gốc sữa (dairy products) nếu không chịu các loại này (bánh kem, sữa bò, cà phê sữa).
  • Có thể thử những thuốc mua tự do (OTC drugs) như Pepto Bismol, Beano, Simethicone, Probiotics nếu bác sĩ đồng ý.

Nên nhớ, các triệu chứng đường ruột rất khó diễn giải, nhất là ở người già. Cần bác sĩ theo dõi cẩn thận. Nếu thắc mắc nên đề nghị bác sĩ dành thì giờ cho các câu hỏi của mình, không nên vì lo sợ biến chứng mà không dùng thuốc do bs kê toa.

References:

  1. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2974811/
  2. http://www.helico.com/forums/docs/200808%20stenstrom%20Hp%20Treatment.pdf
  3. http://www.medscape.com/viewarticle/773588_4
  4. Illustrations: medindia.net, JAMA,

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 5 tháng 11, năm 2014

(Edited for the Web, 11-14-1014)

 

Thống-Kê Vào Làng

Viet Nam 59.2% Viet Nam
United States of America 20.7% United States of America
Unknown 5.7% Unknown
Canada 3.8% Canada
Germany 2.1% Germany
Japan 2.1% Japan
France 1.9% France
Australia 1.2% Australia

Total:

53

Countries