"Sống không phải là ký-sinh trùng của thế-gian, sống để mưu-đồ một công-cuộc hữu-ích gì cho đồng-bào, tổ-quốc." ** Phan Chu Trinh **

Chữa Bịnh Bằng Trích Huyết

( Bloodletting, phlebotomy).

From: DLP

Sent: Thursday, April 16, 2015 9:57 AM

Kính chào Bác sĩ:

Cháu hiện đang sinh sống ở Sài Gòn là người thường xuyên theo dõi mục này trên VOA Việt ngữ, và rất cảm ơn Bác vì những giải đáp tận tình, rõ ràng và dễ hiểu liên quan đến sức khỏe thông qua các chủ đề mà báo đề cập.

Hôm nay cháu xin phép hỏi Bác về một việc sau:

Nguyên cháu có người quen, năm nay khoảng 50 tuổi, nam giới, làm công việc điều hành sản xuất kinh doanh.

Khá lâu chúng cháu không có liên lạc, mãi cho đến cuối năm ngoái nghe nói anh ấy bị bệnh gì đó. Chỉ biết là phải rút bớt máu 05 lần, mỗi lần 250ml và mỗi lần như thế cách nhau khoảng 01 tuần để thải bỏ chủ yếu là sắt và một số chất khác. Vì vậy mà hiện nay trông anh ấy có vẻ khá ốm.

Cháu xin hỏi bác trong Y khoa, có bệnh nào mà phải rút máu bỏ đi hay không và đó là những bệnh gì ạ?

Xin Bác cũng vui lòng cho biết hướng điều trị, tiên lượng bệnh và những chế độ kiêng khem cần thiết cho người bệnh ạ.

Chân thành cảm ơn Bác sĩ.

 

Chữa bịnh bằng trích huyết

( Bloodletting, phlebotomy).

Trước khi nền y khoa tây phương phát triển theo cơ sở khoa học như hiện nay, các bác sĩ châu Âu và Châu Mỹ thực hành một loại y khoa khá thô sơ, với hai thủ thuật chính là trích huyết và bơm thuốc vào hậu môn để súc ruột già. Cơ sở lý luận là bịnh được giải thích bằng sư bất quân bỉnh của các thể dịch ("humors"). Cắt cho máu chảy ra bớt được xem như giải toả bớt sự bất quân bình đó.

 

                       15Bhvhien --- cbb1

Hình 1: Dụng cụ trích huyết của các nhà "thợ hớt tóc-cạo râu kiêm bác sĩ giải phẫu" (barber-surgeon), đầu thế kỷ thứ 19 (thời theo sau cái chết của Tổng Thống Washington, khoảng thời vua Gia Long của Việt Nam)

Còn được nhắc đến nhiều là trường hợp chữa bịnh của Tổng thống Mỹ George Washington vào cuối thế kỷ thứ 18. Năm 1799, ông bị bịnh sưng họng thông thường và yêu cầu được chữa bằng trích huyết. Trong vòng 10 tiếng đồng hồ, người ta trích huyết trên 3,5 lít máu, trong số lượng máu toàn thân là 5 lít, làm vị tổng thống Mỹ đầu tiên chết có lẽ không phải vì họng sưng mà vì áp huyết quá thấp và bị shock theo như quan điểm hiện nay.

Hiện nay một số y khoa cổ truyền vẫn dùng phương pháp trích huyết để chữa bịnh. Riêng về tây y, với kiến thức y khoa căn cứ trên kiến thức khoa học hiện đại, trích huyết có thể có ích:

1) trong quá khứ, với những trường hợp huyết áp cao mà thời đó người ta chưa hiểu. Trong những trường hợp này lấy máu làm cho lượng máu trong các huyết quản giảm đi và do đó hạ áp suất quá cao trong huyết quản (mạch máu, to decrease intravascular blood volume)

15Bhvhien --- cbb2

 

Hình 2: (nguồn wikipedia.org): Bác sĩ trích huyết (phlebotomy, venesection) , năm 1860. Đây là một trong vài hình (nhiếp ảnh) còn lại của thời này.

2) bịnh polycythemia vera (poly=nhiều, cyto=tế bào, hemia=máu, vera=thật, chân chính): người bịnh có quá nhiều hồng cầu do tuỷ xương (bone marrow) sản xuất hồng cầu mới nhiều quá. Lý do là ngừoi bịnh mang một gen bất bình thường, thừa hường từ cha mẹ mình, nên tuỷ xương không bị kiềm chế đúng mức lúc tạo máu.

Người bị polycythemia cần được rút máu (phlebotomy) đều đặn để máu không đặc quá . tuy có những thuốc có thể dùng để kiềm chế tuỷ xương.

Máu đậm đặc quá (blood hyperviscosity) làm cho máu khó lưu thông, dễ bị đông, làm nghẽn các mạch máu, gây đau tim (heart attack), tai biến mạch máu não; tương tự như nếu có quá nhiều thuyền chạy trên sông thì sông sẽ bị tắc nghẽn.

3) Những người vì lý do nào đó có quá nhiều chất sắt (iron, fer, Fe) trong cơ thể mình, làm hại các bộ phận như gan, tim. Chúng ta sẽ bàn chi tiết sau đây:

Trong cơ thể, chất sắt phần lớn nằm trong huyết sắc tố (hemoglobin) của các hồng cầu (red blood cells). Lúc hồng cầu chết đi, chất sắt này được dự trữ trong các tế bào khác dưới dạng ferritin. Nếu quá nhiều chất sắt, sắt dưới dạng hemosiderin (hemo=máu, siderin=sắt) sẽ đọng lại ở các bộ phận và gây hư hại.Trong hemochromatosis (hemo=máu, chrom = sắc tố, osis= quá nhiều) là một bịnh gây ra do chất sắt (Fe, iron) lắng đọng trong các bộ phận của cơ thể: ở gan làm xơ gan, ở tuỵ tạng (pancreas) làm phá huỷ các tế bào đảo (beta islet cells) gây ra bịnh tiểu đường, ở các khớp làm đau khớp (các tinh thể calcium pyrophosphate), ở da làm da xám nâu, ở các bắp cơ như trong cơ tim làm bịnh tim.

Nguyên nhân:

a) Hemochromatosis có thể do di truyền (hereditary hemochromatosis).

Một đột biến trong di thể HFE (autosomal recessive gene, chromosome 6) hoặc tương tự làm chất sắt ứ đọng trong cơ thể. Bình thường , một người lớn có chừng 3-5 gram sắt trong cơ thể, trong gan được dự trữ chừng 0.5 gram sắt. Ruột chỉ hấp thụ một lượng sắt đủ để thay thế lượng sắt mất đi. Trong bịnh hemochromatosis di truyền, sự hấp thụ sắt từ thức ăn qua ruột không được kiềm chế đúng mức, và mỗi năm lượng sắt dự trữ tăng quá nhiều, lên 1 gram/năm, làm cơ thể có thể chứa đến 50 gram sắt, với 1/3 (chừng 17 gram nằm trong gan).

Xảy ra nhiều nhất ở người da trắng (gốc bắc Âu, hay các đảo Anh quốc, Ireland). Đàn ông tỷ lệ có triệu chứng cao hơn đàn bà 24 lần.

b) Cơ thể có quá nhiều chất sắt (iron overload) còn có thể xảy ra trong những trường hợp sau đây:

  • Những người bị bịnh huyết tán (hemolysis, vd beta thalassemia, sickle cell anemia), trong đó các tế bào máu bị vỡ thường xuyên, thải ra nhiều chất sắt từ huyết sắc tố (hemoglobin) bị huỷ hoại.
  • Những người   phải truyền máu thường xuyên, lúc hồng cầu (red blood cells) chết đi sẽ thải thêm một số lượng chất sắt vào cơ thể.
  • Một số người bị chảy máu trong phổi (hội chứng Goodpasture) bị sắt ứ trong phổi (pulmonary hemosiderosis)
  • Những người lọc máu thận nhân tạo (dialysis).

Người ta chữa bịnh các trường hợp này bằng cách lấy máu chừng 300-500 cc, lúc đầu hàng tuần, sau đó cách xa hàng tháng hay 3 tháng một lần khi mức ferritin trong máu đã giảm xuống bình thường. Khuyến khích cho (hiến) máu. Trong một số trường hợp, người dùng chất chelating agent là deferoxamine để giúp cơ thể thải bớt chất sắt vào nước tiểu. Thuốc kết hợp với chất sắt trong máu, và sắt được thải ra nước tiểu, làm nước tiểu màu đỏ.

Những nhận xét trên đây chỉ có tính cách thông tin để chúng ta cùng học hỏi. Xin đừng dùng để định bịnh.

 

 15Bhvhien --- cbb3

Hình 3 (nguồn nature.com): Phân phối chất sắt trong cơ thể:

Người lớn điển hình có 3-5 gram sắt trong cơ thể. Mỗi ngày chừng 0.5-2mg được hấp thụ qua ruột non, đoạn đầu. Lượng này đủ để thay thế lượng sắt trong máu bị mất (ví dụ do kinh nguyệt), các tế bào da và niêm mạc bị thay thế đều đặn. Phần lớn chất sắt ở trong các tế bào tạo nên tế bào máu, nằm trong tuỷ xương (bone marrow), và hồng cầu trưởng thành (trong dòng máu, circulating erythrocytes)). Sắt nằm trong trong phần heme của phân tử huyết sắc tố [hemoglobin]. Những hồng cầu chết thì sắt được tái sản xuất qua các tế bào "đại thực bào" (macrophage), được cung cấp để tuỷ xương tạo nên những hồng cầu mới. Lúc lưu thông trong máu, chất sắt được gắn kết với chất transferrin (Fe2-TF), và 1/1000 chất sắt nằm trong dạng chuyển tiếp này. Phần lớn chất sắt dự trữ được tồn trữ trong các tế bào gan (hepatocytes).

(The normal distribution of iron within the body is shown. Adults typically have 3–5 g in total. About 0.5–2 mg of dietary iron is absorbed each day through the proximal small intestine. This intake is balanced by loss of a similar amount of iron, through blood loss and the sloughing of skin and mucosal cells. Most iron is found in the erythroid bone marrow and in mature erythrocytes, contained within the haem moiety of haemoglobin. Iron for new red-blood-cell synthesis is primarily supplied by reticuloendothelial macrophages, which recycle iron from old red blood cells. Circulating iron is bound to transferrin. Around 0.1% of the total body iron is found in this transit compartment. Transferrin delivers iron to developing erythroid precursors, as well as to other tissues of the body. Stored iron is primarily found in the hepatocytes of the liver. The distribution of iron is altered in response to pregnancy, iron deficiency and iron overload. (TF, transferrin.) ( from Nature.com)

 

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

   

 

Ngày 20 tháng 4 năm 2015

Edited and illustrated for langhue.org May 25, 2015