"Biết lỗi, không khó; đổi lỗi mới khó. Nói điều thiện không khó, làm điều thiện mới khó." ** Hà Phủ - triều Lê Nhân Tôn **

15chvhien --- vgb1

Hình 1: Siêu vi viêm gan B (hepatitis B virus) với genome (double stranded DNA +DNA Polymerase ) và kháng nguyên Core antigen [HBcAg) trong cốt lõi (inner core). Vỏ bao bọc chung quanh (viral envelope/membrane) chứa những kháng nguyên mặt ngoài Surface antigen [HBSAg]) và e antigen [HBeAg]. (Nguồn Wikipedia)

Viêm Gan B Do Mẹ Truyền Qua Lúc Sinh

From: A.L.

Thưa bác sĩ.

Tuần trước, cháu đi khám thì phát hiện bị nhiễm virut viêm gan B. Chỉ số HBsAg dương tính 1500, HBeAg dương tính 1300, siêu âm gan không bị tổn thương, men gan bình thường. Bác sĩ bảo là chỉ cần nghỉ ngơi, ăn uống bình thường, chưa cần uống thuốc.

Vậy cháu muốn hỏi là: CÓ PHẢI CHÁU BỊ NHIỄM TỪ LÚC SƠ SINH KHÔNG Ạ? Cháu sống khá lành mạnh, bây giờ cháu rất lo lắng và hoang mang, không biết vì sao mà mình bị lây bệnh nữa. Cháu mong nhận được phản hồi sớm từ bác sĩ. Cháu cảm ơn ạ.

Cháu chào bác sĩ.

 

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Căn cứ trên những thông tin của vị thính giả cho biết, không thể trả lời câu hỏi có phải bịnh viêm gan B do mẹ truyền qua lúc sinh hay không.

15chvhien --- vgb2

Viêm gan vi rút B (hepatitis B virus, HBV) được truyền từ người này qua người khác bằng nhiều cách khác nhau. Nói tổng quát HBV truyền qua đường máu và những chất dịch khác từ người đang bị nhiễm qua người không có miễn nhiễm đối với HBV. Miễn nhiễm này có thể có được

a) qua một lần nhiễm HBV trong quá khứ

b) hoặc do chủng ngừa.

Chi tiết hơn, sau đây là những ngã nhiễm HBV khác nhau:

1) Làm tình với một người nhiễm HBV

2) Dùng kim chích, ống chích (syringe), dụng cụ pha thuốc men chung chạ với người nhiễm HBV. Thường xảy ra với những người dùng xì ke, ma tuý. Tuy nhiên, nếu nhân viên y tế không khử trùng đúng cách các ống chích, dùng lại các kim chích (vi dụ chỉ lấy cồn chùi   kim rồi dùng lại), người bịnh cũng có khả năng bị nhiễm trùng.

3) Mẹ nhiễm HBV, trẻ sơ sinh có thể nhiễm HBV do tiếp xúc với máu và chất tiết của người mẹ lúc sinh ra. Đa số trẻ em nhiễm lúc mới sinh sẽ không có đủ sức đề kháng để thanh toán HBV và bịnh sẽ trở thành viêm gan siêu vi B mạn tính (kinh niên, chronic hepatitis B)

Hiện nay đại đa số trường hợp nhiễm viêm gan HBV từ người mẹ qua trẻ sơ sinh đều có thể ngừa được bằng cách chích ngừa cho em bé ngay lúc mới sinh ra ((trong vòng 12 giờ đồng hồ)

: một mũi chích là kháng thể chống HBV (HBV Immunoglobulin) để thiết lập sức đề kháng chống HBV ngay cho cơ thể em bé (miễn nhiễm thụ động, passive immunization), một mũi thứ hai là vắc xin HBV (HBV vaccine) để kích thích hệ miễn nhiễm của em bé sản xuất ra kháng thể của chính nó (active immunization).

4) Bị kim chích , dao, vật bén cắt (ví dụ bác sĩ chích thuốc cho bịnh nhân, lỡ tay kim chích vấy máu người bịnh bị nhiễm và chích vào tay bác sĩ).

5) Dùng chung dao, vật nhọn với người nhiễm HBV. Đáng nhắc nhở ở đây là một bài báo tôi đọc cách đây không lâu về những người xỏ khuyên tai, mũi, môi, bụng, cũng như bộ phận sinh dục lưu động, ngay ở trước các trường học ờ Việt nam. Đây có thể là những ổ HBV lưu động có thể truyền HBV cùng những tác nhân gây bịnh khác như HIV, HCV, herpes trong giới trẻ ngây thơ và khờ khạo ( có thể nghĩ rằng HBV, HIV chỉ lây qua đường sex), nếu không áp dụng phương thức khử trùng thích hợp và biện pháp bảo vệ người cung cấp dịch vụ cũng như khách hàng.

Nói chung HBV có thể còn khả năng nhiễm bịnh 7 ngày sau khi ra khỏi cơ thể chúng ta (ví dụ vết máu, vết mủ, chất tiêt trong quần lót).

Nói chung thức ăn uống, dùng chén đũa chung, ôm hôn (sơ sài), nắm tay, hắt hơi, ho không gây truyền nhiễm HBV.

15chvhien --- vgb3

Hình 2: Việt Nam thuộc về nhóm những nước/vùng có tỷ số viêm gan B mãn tính cao (high prevalence >8%;, trên 8% dân số có HBSAg trong máu))

CDC, Hàn Lâm viện Nhi Khoa Mỹ (AAP) và Tổ chức Y tế quốc tế (WHO) cho rằng người mẹ nhiễm HBV vẫn có thể cho con bú sữa mẹ. Thứ nhất, cơ nguy lớn nhất là lúc sinh ra tiếp cận với máu và chất tiết đường sinh dục,thứ hai ở Mỹ tất cả các trẻ em có mẹ nhiễm HBV đều được chủng ngừa HBV (IgG và HBV vaccine) lúc mới sinh, thứ ba, chưa có bằng chứng nào cho thấy em bé bú sữa mẹ có cơ nguy hiễm HBV cao hơn.Tuy nhiên, đấy chỉ là hướng dẫn chung theo chính sách y tế cộng đồng, mỗi người mẹ cần xem xét trường hợp riêng của mình, và quyết định theo hướng dẫn của bác sĩ của mình,  tuỳ theo từng hoàn cảnh, từng lúc. Người mẹ nhiễm HBV nên giữ gìn núm vú (nipple) không nứt nẻ, chảy máu; DNA của HBV đã từng được phát hiện trong sữa mẹ, và nếu núm vú chảy máu, có thể tăng khả năng HBV hiện diện trong sữa mẹ.

Tóm lại, câu hỏi của vị thính giả không trả lời được vì không đủ thông tin như tình trạng sức khoẻ của người mẹ và quá khứ, bịnh sử của bịnh nhân. Dù sao, điều quan trọng nhất là bịnh nhân cần được bác sĩ của mình săn sóc và theo dõi thích hợp. Độc giả có thể tham khảo về khuyến cáo của Trung Tâm Kiểm Soát Bịnh Hoa kỳ (CDC) trong vấn đề phụ nữ có thai bị viêm gan B mãn tính bằng tiếng Việt ở link sau đây:

http://www.cdc.gov/hepatitis/HBV/PDFs/HepBPerinatal-ProtectWhenPregnant_viet.pdf

Chúc bịnh nhân may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

 

Ngày 26 tháng 8 năm 2014.  

(Edited, updated and illustrated forlanghue.org 8/7/15)