"Tôi là một người trong tay không lấy một tấc sắt, trên mặt đất không có chỗ nào dừng chân. Chẳng qua mình là một thằng tay không, chân trắng, sức yếu, tài hèn lại đòi vật lộn với hùm beo có nanh dài, vuốt nhọn. Dù sao mặc lòng, tôi vẫn cứ hăng-hái đi tới. Tôi vẫn muốn đổ máu ra mua Tự-Do." ** Phan Bội Châu **

 

 

Trái Ớt Và Chứng Đau Thần Kinh Sau Zona

(Pepper and Postherpetic Neuralgia, PHN)

 

Mẹ cháu năm nay đã 60 tuổi, cách đây 2 năm mẹ cháu bị zona thần kinh (shingles), sau 5 ngày từ lúc xuất hiện mụn nước thì mới được dùng acyclovir. Hậu quả là mẹ cháu phải chịu biến chứng đau thần kinh sau zona (postherpetic neuralgia). Mẹ cháu đã được dùng giảm đau thần kinh neurontin, chống trầm cảm 3 vòng amitriptyline trong nhiều tháng nhưng hiệu quả rất kém.

Cháu thấy bên Mỹ họ dùng capsaicin là chất cay tách từ quả ớt để điều trị. Bên Việt Nam thì không có capsaicin được làm sẵn bởi các công ty dược phẩm nên mẹ cháu dùng ớt nghiền bôi lên khoảng gần tháng nay, nhưng hiện chưa tiến triển gì.

Vậy Bác sĩ có thể cho biết là hiện nay có cách nào còn hiệu quả để điều trị đau thần kinh sau zona không ạ. Cháu search pubmed thì cũng ít tài liệu nói về hiệu quả của capsaicin. Nếu không có thì nên chú ý những gì để nâng cao chất lượng sống.

Xin cảm ơn Bác sĩ

DNA;

Medical student at Hanoi medical university

Chứng đau thần kinh sau zona (post herpetic neuralgia, PHN)

Bịnh dời ăn (zona, shingles, herpes zoster) do siêu vi herpes bịnh trái rạ (thuỷ đậu) gây ra (varicella zoster virus).

 15dhvhien --- tov1                    

Fig 1: Bịnh trái rạ (thuỷ đậu, chickenpox , varicella)

Sau khi bịnh trái rạ lành rồi, các virus vẫn tiềm ẩn trong hệ thần kinh người bịnh, dù người đó không có triệu chứng gì cả. Trong một số trường hợp như bị stress, đề kháng cơ thể yếu, virus trái rạ "thức dậy' và sinh ra những mụt nước tụ tập trong một vùng bên phải hoặc bên trái cơ thể, và giới hạn trong "lãnh thổ" (dermatome) của một hai sợi rễ thần kinh xuất phát từ tuỷ xương sống.

15dhvhien --- tov2

Fig 2: Zona (shingles, herpes zoster): mụt nước tụ tập trong một vùng bên phải hoặc bên trái cơ thể, và giới hạn trong "lãnh thổ" (dermatome) của một hai sợi rễ thần kinh xuất phát từ tuỷ xương sống. (Source NIH)

Ví dụ zona vùng ngực , ngang vú do virus xâm nhập các dây thần kinh tử đốt ngực T3-T4-T5. Vùng bộ phận sinh dục thì S 2-3 (sacral,do sacrum= xương thiêng).

15dhvhien --- tov3

Fig 3: Trong một số trường hợp như bị stress, đề kháng cơ thể yếu, virus trái rạ "thức dậy' và sinh ra những mụt nước tụ tập trong một vùng bên phải hoặc bên trái cơ thể, và giới hạn trong "lãnh thổ" (dermatome) của một hai sợi thần kinh (affected nerves) xuất phát từ tuỷ xương sống (spinal cord).

.

Sau khi bị chứng “dời ăn”, lúc các mụt nước ngoài da đang lành hẵn, dây thần kinh cảm giác dermatome đó vẫn còn có thể bị hư hại, biến đổi, gởi về não bộ những tín hiệu đau đớn gây ra chứng đau thần kinh sau zona (post herpetic neuralgia, PHN), có thể kéo dài rất lâu, có khi suốt đời. Cơ chế chính của bịnh đau này là các thụ thể đau không có myelin (unmyelinated nociceptor) nhạy cảm quá độ, và tạo cảm giác đau đớn đáng kể ngay khi chúng chỉ bị kích thích nhẹ. Ngoài ra cũng còn ảnh hưởng do môt số dây thần kinh ức chế cảm giác đau (inhibitory fibers) bị hư hại và tổ chức các tế bào thần kinh bị thay đổi (rewiring, new connection in central pain transmission neurons),do đó nguyên nhân có thể vừa cục bộ (peripheral, ngoại biên) mà cũng có thể ở luôn trên hệ thần kinh trung ương (central). Có những trường hợp bịnh nhân bị đau hậu nhiễm herpes mà không xuất hiện vết san thương ngoài da , gọi là zoster sine herpete.

Người dưới 60 tuổi bị zona, chỉ 10% bị đau hậu zona; người trên 60 tuổi bị zona, đến 60% bị đau hậu zona; tuổi 70 trở lên bị zona, 75% sẽ bị đau PHN sau khi bị "dời ăn". Sau một tháng có chừng 10% còn bị đau, sau 3 tháng chừng 5% bị đau và sau 1 năm chỉ còn chừng 3% còn bị đau. Thuốc chữa gồm thuốc chống trầm cảm (antidepressants), thuốc chống co giật (như gabapentin), thuốc tê như lidocaine (lidocaine), capsaicin. Cho tới nay, các nghiên cứu cho thấy bịnh nhân uống kháng sinh acyclovir sau khi nổi mụt zona ngoài da không làm cho tỷ số mắc chứng đau hậu zoster giảm đi đáng kể.

1) Thuốc chống co giật (anticonvulsivant) được dùng để giảm đau trong PHN: gabapentin (Neurontin), pregabalin (Lyrica). Có thể làm buồn ngủ, chóng mặt, gây ra những cử động bất bình thường, có cơ nguy gây té ở người già. Tuy nhiên, ở người già thuốc này có thể an toàn hơn là thuốc chống trầm cảm 3 vòng

2) Thuốc chống trầm cảm 3 vòng (tricyclic antidepressant) như amitriptyline [Elavil] hay nortriptyline [Pamelor] ức chế kênh sodium (Na channel). Có thể tác dụng chỉ xuất hiện sau nhiều tuần dùng thuốc; phản ứng phụ có thể là áp huyết tuột lúc đứng dậy, tim đập loạn nhịp, mờ mắt, khó tiểu, bón.

3) Thuốc giảm đau loại opioid: vd morphine, methadone, oxycodone, có thể gây nghiện thuốc. Tramadol không phải là ma tuý, rất có ích cho PHN, nhưng vẫn có khả năng gây hiện tượng tuỳ thuộc (dependance) vào thuốc và lạm dụng thuốc.

Kem aspirin (Aspercreme), dầu bạc hà (menthol),thuốc làm lạnh da chứa ethyl chloride (Chloroethane) có thể có ích làm giảm đau.

4) Thuốc dán (patch) chứa thuốc tê (lidocaine [Lidoderm] hay lidocaine + prilocaine [Emla])

5) Thuốc capsaicin trích từ ớt, chỉ dùng sau khi vết thương ngoài da đã lành, các mụt nước đã khô, mày tróc rồi. Người dị ứng với chất này không được dùng. Chỉ giúp ích trong một số trường hợp, những thuốc chứa capsaicin ở nồng độ cao hiệu nghiệm hơn.

15dhvhien --- tov4

Hình 4: Chất capsaicin trong trái ớt tác động trên các receptor TRPV1 của các nociceptors (thụ thể bình thường bị kích thích do nhiệt [heat], phụ trách cảm giác nóng); cho phép các ion Calcium (Ca++) và Sodium (Na+) đi vào tế bào thần kinh. Sau đó nociceptor phát ra chất P (substance P), kích thích các tế bào thần kinh kế tiếp để đem tín hiệu vào đến não bộ, cho biết là vùng này đang bị nóng (hay là cay cho thực phẩm, mặc dù nhiệt độ tại chỗ không tăng). Sau cảm giác cay/nóng lúc đầu, vùng này mất cảm giác vì các chất P đã bị dùng hết, kiệt quệ, nên lúc đó bịnh nhân không còn thấy đau nữa.

Tuy nhiên, chừng một phần ba bịnh nhân bỏ cuộc vì không chịu được rát da. Thuốc capsaicin làm giảm đau bằng cách ức chế tác dụng của substance P là những neuropeptide phụ trách chuyển (neurotransmitters) những impulses về đau và ngứa từ ngoại biên vào thần kinh trung ương. Capsaicin lúc đầu tạo nên một cảm giác nóng bỏng, tương tự như cảm giác cay trong miệng lúc ăn ớt, sau đó mới làm giảm đau. Thuốc có trên thị trường mua tự do ở Mỹ, tuy nhiên thuốc mua cần toa (Qutenza patch, 8% ) hiệu nghiệm hơn. Theo quảng cáo của hãng thuốc,dán một lần trong 1 giờ có thể làm giảm đau đến cả 3 tháng.Biến chứng gồm sưng, đỏ , đau chỗ dán, đau đớn nhiều và áp huyết lên cao trong lúc dùng thuốc hay ngay sau đó. Những người áp huyết cao hay có bịnh tim mạch phải cẩn thận.(5)

Trong một khảo cứu đăng trên báo Lancet, 402 bịnh nhân được dùng để so sánh hiệu quả của capsaicin nồng độ cao (8%) và capsaicin liều thấp (0.04%) 60 phút/ ngày. Sau 2-12 tuần, nhóm liều cao có mức đau giảm đáng kể so với nhóm liều thấp(-29.9% vs 20.4%. Nên để ý là kết quả cũng giới hạn thôi, không phải ai cũng hết đau hẳn (3).

Ở dạng nước lotion, kem, dạng mỡ thoa, thuốc dán. Thuốc cần thoa 3-4 lần/ ngày, cầm mang găng tay để thoa thuốc, và có thể phải dùng đều đặn 6 tuần trở lên mới thật sự đạt được khả năng của thuốc.

6) Kem aspirin (Aspercreme), dầu bạc hà (menthol), thuốc làm lạnh da (skin coolants) chứa ethyl chloride (Chloroethane) có thể có ích làm giảm đau.(2)

7) Những người bị PHN có mức vitamin trong máu thấp hơn trung bình. Dùng nhiều vitamin C hơn có thể có ích làm giảm cơn đau tự phát.

8) TENS: (transcutaneous electric nerve stimulation) : Một dòng điện phát ra từ một máy nhỏ chạy bằng pin kích thích vùng da đau theo tầng số và cường độ điều chỉnh được, có lẽ vì những xung động (impulses) làm át đi các tín hiệu về đau được gởi về bộ óc. Đồng thời người ta cũng giả thuyết là TENS làm bộ óc sản xuất thêm chất endorphin làm giảm đau.

Phẫu thuật: (Nếu mọi cách chữa trị khác không có kết quả, tuy nhiên vẫn không hiệu nghiệm lắm)

  • DREZ (dorsal root entry zone lesions): Bác sĩ giải phẫu cắt xương lamina phía sau cột sống, dùng sức nóng điện cực 'đốt' chỗ dây rể thần kinh đi vào tuỷ sống, kết quả không khả quan lắm trong những trường hợp đau hậu zona (Friedman A.H., Bullitt E.)(4)
  • Chích corticoid trong không gian trên màng cứng của tuỷ sống (epidural corticosteroid injection)
  • Nerve block (block truyền dẫn dây thần kinh)

Thuốc chích ngừa Zostavax tương tự như thuốc chích ngừa thuỷ đậu tên Varivax nhưng ở liều cao hơn nhiều lần và đắt tiền hơn. Giảm zona được chừng 70%. FDA chấp nhận cho người 50 tuổi trở lên.

Xin nhớ tất cả các nhận xét trên chỉ có tính cách thông tin, độc giả cần được bác sĩ khám bịnh và được bác sĩ theo dõi.

Tham khảo:

  1. http://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/14651858.CD006866.pub3/abstract;jsessionid=FD12B3EBA813DCCF565C4A34B374E71D.f01t03
  2. http://www.nytimes.com/health/guides/disease/herpes-zoster/treatment-for-postherpetic-neuralgia.html
  3. Binder A.; Baron R.: Postherpetic neuralgia: Fighting pain with fire
  4. Dorsal Root Entry Zone Lesions in the Treatment of Pain Following Brachial Plexus Avulsions, Spinal Cord Injuries and Herpes Zoster.

http://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1474442208702424

http://www.karger.com/Article/Abstract/99959

5) http://www.acorda.com/products/products/qutenza

6) Source of figure 4:

http://thebrain.mcgill.ca/flash/i/i_03/i_03_m/i_03_m_dou/i_03_m_dou.html

Bác sĩ Hồ V. Hiền

Ngày 10 tháng 1 năm 2014

Ngày 6 tháng 11 năm 2015